Truyện Lạc Long Quân trong kho tàng truyện thần thoại của ta là câu chuyện đầu tiên nhằm nói lên nguồn gốc cao quý của dân tộc Việt Nam.
Rồng trong kiến trúc
Truyện kể rằng chàng Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng đã kết duyên với nàng Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên, sinh hạ được trăm người con. Rồi một hôm Cha Rồng Lạc Long Quân bảo với Mẹ Tiên Âu Cơ rằng:
“Ta thuộc giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau, không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo tôi về thủy phủ, còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên kẻ ở rừng, người ở biển, song đến khi có việc gì thì tin cho nhau, không được bỏ nhau.”
“Trăm con trai đều cùng nghe mệnh rồi chia tay nhau mà đi, 50 con theo Mẹ về núi, 50 con theo Cha về biển, chia nhau cai quản các nơi. Tổ tiên của người Việt là bắt đầu từ đó. Âu Cơ cùng 50 con ở Phong Sơn, nay là huyện Bạch Hạc, tôn người con trưởng làm Chúa, gọi là Hùng Vương, tức là thủy tổ dân Việt.” (theo Việt Nam Văn học Toàn thư của Hoàng Trọng Miên)
Bắt nguồn từ câu chuyện thần thoại nầy, về sau có người đã lấy câu ca dao sau đây để nói về cuộc chia tay đầy nước mắt nầy:
Chàng về thiếp một theo mây
Con thơ để lại chốn nầy ai nuôi!
Thiếp đây là thiếp Âu Cơ thuộc dòng dõi Tiên. Theo mây tức là theo chàng Rồng Lạc Long Quân - bởi vì Rồng thích vùng vẫy trong mây (Rồng mây khi gặp hội ưa duyên - Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ). Nàng muốn đi theo chàng cho trọn tình, trọn nghĩa, nhưng còn vướng bầy con ở lại biết nhờ cậy ai nuôi!?
Vậy thì, Rồng là con vật như thế nào? Rồng không phải là con vật có thực trong các sách giáo khoa về sinh vật học. Rồng chỉ để lại hình ảnh qua óc tưởng tượng phong phú của nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình căn cứ từ những truyền thuyết và huyền thoại.
Theo tín ngưỡng của dân gian ta từ ngàn xưa, Rồng là con vật đứng đầu trong “tứ linh”, đó là: Long tức là con rồng, Lân tức là con kỳ lân, Qui tức là con rùa và Phụng tức con chim phượng hoàng.
Hình ảnh “tứ linh” thường hiện hữu ở các nơi thờ phượng tôn nghiêm như trong các lăng tẩm, đình chùa miếu mạo hay nơi cung vua phủ chúa:
Làng ta mở hội vui mừng
Chuông kêu, trống gióng tưng bừng đôi bên
Long ngai thánh ngự hai bên
Tả văn hữu võ, đôi bên rồng chầu.
Đã từ lâu lắm, rồng là biểu tượng cao quý của dân tộc Việt Nam. Có thể lúc đầu họ nhìn những bộ tộc chung quanh mình như người Chàm, người Lâm Ấp, người Lão Qua, người Bồn Man, hoặc gần hơn như người Mường, người Thổ, người Mán…như những bộ tộc kém cỏi hơn mình và họ cho mình là “rồng” và các bộ tộc kia là hạng “liu điu”. Dần dần về sau câu ca dao nầy thu hẹp phạm vi so sánh và chỉ để nói lên về tính chất dòng giống của từng gia đình, dòng họ. Đến đây ta thấy ngay tính tự hào của những người có tiền có của, có ăn học, tự hào về dỏng dõi của mình để khinh thường đám người nghèo khổ không đủ điều kiện để vươn lên đời sống cao hơn:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Liu điu là một loại rắn nhỏ giống như thằn lằn rất nhút nhát, hễ nghe tiếng động là trốn ngay.
Tính tự hào về dòng dõi đó được phát biểu bằng nhiều câu khác nhau. Nào là “con dòng cháu giống”, nào là “hổ phụ sinh hổ tử”, nào là “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”… Ông bà ta xưa vẫn thường khuyên con cháu gắng giữ lấy nghiệp nhà. Đã là “con nhà tông” thì phải biết giữ lấy phúc ấm của tổ tông, phải biết lấy hiếu kính để phụng thờ cha mẹ mới xứng đáng là “con dòng, cháu giống”:
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Có cha sinh mới ra ta
Làm nên thời bởi mẹ cha vun trồng
Khôn ngoan nhờ ấm cha ông
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ
Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm
Tôm là một loài thủy tộc bộ dạng cũng có vẻ oai phong lẫm liệt lắm:
Đầu như khóm trúc
Lưng uốn khúc rồng
Sinh bạch, tử hồng
Xuân hạ thu đông
Bốn mùa có cả
Thế nhưng so với rồng, tôm cũng chỉ là một con vật nhỏ nhoi, tầm thường. Để nói lên sự hạ cố của hạng người cao sang quyền quý (rồng) đối với đám bình dân đông đảo (tôm), người xưa có câu ví:
Rồng đến nhà tôm
Nhân câu ví “rồng đến nhà tôm”, ta còn nghe một câu ca dao khác, xưa được xem như một lời sấm truyền, nhưng thực ra đây chỉ là một cách “chép sử” của dân gian ta ngày xưa:
Bao giờ rồng đến nhà tôm
Rồng leo cây ngải thì con rồng vàng!
Theo Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại trong Việt Nam Phong Sử thì họ Trịnh phát tích từ Vực Tôm thuộc tỉnh Thanh Hóa, sau dựng nghiệp Chúa. “Rồng đến nhà tôm” tức là nghiệp Chúa đem đến Vực Tôm. Nhưng đến khi Trịnh Sâm đem quân vào Nghệ An để làm thanh ứng cho Hoàng Đình Thể đang vây thành Phú Xuân của chúa Nguyễn vào năm 1774 thì cũng chính là lúc họ Trịnh đang trên đường suy vong. “Rồng leo cây ngải” là ám chỉ chúa Trịnh Sâm đem quân vào Nghệ An vì chữ “ngải” và chữ “nghệ” trong chữ Hán có tự dạng rất giống nhau.
Rồng là linh vật vùng vẫy trên chín tầng mây, giun là loài vật yếu đuối, sống chui rúc dưới mặt đất. Vậy mà có những lúc do hoàn cảnh hay do thời thế đưa đẩy, rồng phải chịu lép một bề để phải chịu cái cảnh “rồng ở với giun” thì tâm trạng của rồng mới đau đớn làm sao! Đó là cái cảnh sa cơ thất thế, người tài trí phải sống với kẻ hèn mọn. Đó cũng là tâm trạng của người con gái con nhà gia giáo phải gá duyênvới kẻ thất phu:
Nói ra sợ chị em cười
Con nhà gia giáo lấy phải người đần ngu
Rồng vàng tắm nước ao tù
Người khôn ở với người ngu nặng mình
Cũng giống như cái cảnh rồng phải ở chung với rắn:
Con công ăn lẫn với gà
Rồng kia, rắn nọ coi đà sao nên!
Ở đời không phải lúc nào người anh hùng tài trí cũng làm nên sự nghiệp lẫy lừng, mà tài trí cá nhân chỉ là một phần và phần khác nữa, đó là thời thế. Khi đắc thời làm nên sự nghiệp, người tài trí sẽ được thiên hạ trọng vọng, nhưng khi sa cơ thất thế thì lại bị coi thường:
Đắc thời đắc thế thì khôn
Sa cơ rồng cũng như giun khác nào!
Khi đã sa cơ thì người anh hùng thường bị kẻ tiểu nhân chèn ép:
Rồng nằm giữa biển rồng than
Trách con cá đối nằm ngang mình rồng
Mãnh lực ghê gớm của đồng tiền cũng dễ làm điên đảo quan niệm của nhân sinh:
Trong lưng chẳng có một đồng
Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe
Vai mang túi bạc kè kè
Nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm
Như ở trên ta đã thấy, không phải lúc nào rồng cũng được vẫy vùng ngang dọc. Những người có chí khí cao, có nhiều mộng lớn mà không gặp thời, gặp thế để thi thố tài năng thường tự ví mình như “rồng thiêng uốn khúc” hay như:
Rồng nằm chẹt đá, ná nọ chờ chim
Kẻ anh hùng tài cao chí cả thường không mấy khi chịu làm những việc tầm thường, mà thường để dành tài sức để làm nê sự nghiệp lẫy lừng:
Chẳng lo đuổi thỏ săn hươu
Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì
Đã gọi là nằm chờ thời thì người anh hùng nào dám xuất đầu lộ diện. Thế nên lắm khi anh hùng chờ thời thường bị thế nhân nhận diện một cách sai lầm chua xót:
Vàng mười đắt mấy sao anh chẳng mua
Cầm cân đi lừa lại phải thau năm
Thau năm đánh lẫn vàng mười
Rồng năm cuộn khúc nghĩ đuôi thằn lằn!
Rồng là một linh vật tượng trưng cho sự cao quý tuyệt vời. Nhiều sự tốt đẹp thương được đem ví với rồng:
Thế gian được vợ hỏng chồng
Có phải như rồng mà được cả đôi!
Hay như:
Vợ nên rồng, chồng nên tiên
Quý lại gặp quý, bạn hiền gặp nhau
Trong thuật phong thủy ngày xưa, thế đất mang hình tượng của rồng là thế đất quý và đẹp, dân cư ở vùng đó sẽ thừa hưởng sự sang cả của thế đất quý đó:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong làng kẻ gái người trai ra nghề...
Chữ viết đẹp – dĩ nhiên là chữ Nho, chữ Hán – thì được ví như:
Phượng múa rồng bay.
Văn viết hay thì được ví:
Ai ơi, đợi với tôi cùng
Tôi còn sắp sửa cho chồng đi thi.
Chồng tôi quyết đỗ khoa này,
Chữ tốt như phụng, văn hay như rồng.
Gặp mặt người yêu sau một thời gian xa cách cũng được ví:
Bấy lâu vắng mặt đeo phiền,
Bữa nay gặp mặt bằng tiên kháp rồng.
Ao ước được người yêu gối đầu lên tay cũng ví:
Đầu rồng mà gối tay tiên
Ước gì đầu ấy gối lên tay này.
Cái nón cho người yêu đội đầu cũng được ví:
Nón mua đồng mốt tốt tựa như rồng
Sao em không mua mà đội để má hồng nắng ăn?
Uy vũ của rồng cũng ghê gớm lắm. Ngay cả phụng là con vật nằm trong “tứ linh” với rồng, vậy mà phụng gặp rồng cũng phải gờm:
Có thiệt như lời em nói không
Hay loan đương ăn với phụng chộ rồng lại bay?
Rồng là một con vật truyền thuyết, không có thật. Vậy nên việc bắt được rồng là điều không bao giờ xảy ra, không thể nào có được. Tuy nhiên, chính vì chỗ không thể nào xảy ra đó, nên việc bắt rồng hay lấy gan rồng chỉ là một biểu tượng nói lên những thử thách, những vượt thắng gian lao:
Miễn sao mở miệng em ừ
Anh chẳng từ lao khổ
Dù lên non tróc hổ
Hay xuống biển nã rồng
Anh đây cũng chẳng tiếc công
Miễn sao cho đặng tấm lòng em thương.
Rồng đã không có thật thì làm gì có gan rồng. Thế nhưng vì tiếng gọi của tình yêu, chàng đâu có từ nan bất kỳ đòi hỏi nào của nhau:
Phải chi mình vợ tui chồng
Biểu tui đi lấy gan rồng cũng đi!
Còn người đàn bà xưa thì lúc nào cũng phải theo đạo “tam tòng” mà cái đạo “xuất giá tòng phu” là lâu dài và quan trọng hơn cả:
Có chồng thì phải theo chồng,
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.
Như ta đã biết, rồng là một linh vật chỉ có trong truyền thuyết, thần thoại. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế hệ của các nghệ sĩ tạo hình, hình ảnh của rồng đã được mặc nhiên thừa nhận. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của rồng qua các tác phẩm điêu khắc xưa nơi cung điện hay lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn ở Huế hay ở các đình chùa, ngay cả các ngôi chùa mới được xây dựng. Chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh của rồng qua các tác phẩm hội họa còn sót lại trong các sản phẩm gốm tráng men như thống, chóe, bát đĩa hay chén cổ. Và dĩ nhiên ngày nay chúng ta còn có thể tìm thấy hình ảnh của rồng được in lại trong các sách vở, báo chí.
Từ năm 1802, Phú Xuân tức Huế chính thức được vua Gia Long đặt làm kinh đô của nước ta thay thế cho kinh đô Thăng Long (tức Hà Nội ngày nay).
Bởi rồng là một linh vật được giai cấp phong kiến dùng làm biểu tượng cho các bậc vua chúa, nên tại kinh đô Huế, từ cung điện đến lăng tẩm, chỗ nào cũng mang hình tượng rồng:
Đất Thừa Thiên trai hiền, gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng.
Tháp bảy từng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Hay như:
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong sao lại chảy hoài
Thương người xa xứ lạc loài đến đây
Phần lớn các đình chùa cổ ở nước ta đều được chạm rồng ở hai bên điện thờ, thoạt nhìn vào như thấy cảnh rồng chầu:
Làng ta mở hội vui mừng
Chuông kêu, trống gióng vang lừng đôi bên
Long ngai thánh ngự ở trên
Tả văn hữu võ, hai bên rồng chầu.
Đình Trung là một ngôi đình cổ thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa có chạm nhiều hình đầu rồng, miệng ngậm hạt ngọc rất công phu. Thế nên ở Tĩnh Gia mới có câu ca dao:
Đồn rằng núi Trạm lắm công
Ao Quan lắm cá, đình Trung lắm rồng.
Rồng là biểu tượng của quyền uy và phú quý. Long sàng tức giường nằm có chạm hình rồng để cho vua nằm ngủ. Thế nhưng, dưới cái nhìn của dân gian, giường chạm rồng không phải là loại giường độc quyền của nhà vua. Một anh chàng thất tình đã khoe với người mình trộm nhớ thầm yêu, rằng:
Hôm xưa anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em năm đất anh thương
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang
Bốn góc thời anh thếp vàng
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm rồng
Bây giờ em bỏ giường không
Hay em lấy chồng phí cả công anh!
Cửa sổ chạm rồng là biểu hiệu của nhà quyền quý. Thế nhưng, đối với người xưa, dù sinh ra trong nhà quyền quý nhưng không có chồng thì cuộc đời của người con gái đó cũng chẳng ra gì:
Ngồi trong cửa sổ chạm rồng
Chăn loan, gối phụng, không chồng cũng hư!
Mà dù có giàu sang thêm cả giỏi giang nữa nhưng không chồng thì dưới cái nhìn của người đời, người con gái đó cũng bị xem thường:
Ngồi trong cửa sổ chạm rồng,
Trăm khôn nghìn khéo không chồng cũng hư!
Thuyền rồng tức long chu hay long thuyền tức là thuyền được chạm đầu rồng ở đầu mũi thuyền, cũng có nơi chạm nguyên hình con rồng từ đầu cho tới cuối thuyền. Lúc đầu thuyền rồng chỉ để cho các bậc vua chúa dùng trong lúc vi hành hay ngự du cùng các cung tần mỹ nữ:
Tay chèo cất mái hò khoan
Thuyền rồng chúa ngự khoan khoan mái chèo
Về sau các bậc vương hầu quyền quý cũng được dùng thuyền rồng:
Gần gương, gần lược năng soi
Ở gần ông lớn năng coi thuyền rồng
Và rồi các thuyền đua cũng được phép chạm hình đầu rồng ở mũi thuyền:
Làm trai cho đáng nên trai
Khi bắn súng trụ, khi bơi thuyền rồng
Vì mang hình rồng nên thuyền rồng cũng là biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Thuyền rồng trở thành biểu tượng của hạnh phúc, trở thành niềm ước mơ của nhiều cô gái thời xưa:
Một ngày tựa mạn thuyền rồng
Còn hơn trọn kiếp ở trong thuyền chài
Hay như:
Một đêm năm ở thuyền rồng
Cầm bằng chín tháng nằm trong thuyền chài
Được “tựa mạn thuyền rồng” là niềm mơ ước của nhiều cô gái nhưng lúc nào họ cũng khôn ngoan tỉnh táo mà dặn dò nhau “chồng một thời lấy chồng chung thời đừng”:
Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng
Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta.
Và họ khinh thường bọn giàu sang phú quý mà “vô ngãi bất nghì”. Họ xem trọng những người nghèo khổ nhưng biết đãi nhau “có ngãi có nhân”:
Thuyền rồng bất ngãi bỏ trôi,
Đò ngang có ngãi ta ngồi đò ngang.
Con Rồng trong truyền thuyết Trung Hoa
Hình ảnh thuyền rồng đôi khi cũng được mô tả trong những vần ca dao trào phúng.
Hoặc là để chế diễu tục thách cưới của ta ngày xưa. Trong hôn nhân của ta xưa có tục thách cưới rất quá quắt. Đôi khi chỉ vì lệ thách cưới mà đôi trai gái thương nhau đành phải lìa nhau. Và cũng có lắm khi, để thỏa mãn những lễ vật thách cưới của nhà gái, nhà trai lâm vào cảnh nợ nần, và rồi khi cô dâu về nhà chồng phải sốt vó vì công nợ của chồng, bị nhà chồng đày đọa khổ thân. Sau đây là một đòi hỏi quá đáng về hình thức của một đám rước dâu:
...Xin chàng chín chiếc thuyền rồng
Chiếc thì đón rể, chiếc hòng đưa dâu...
Hoặc là để chế diễu một anh chàng khoe mẻ sự giàu sang rởm của mình:
...Gỗ mun đóng chiếc thuyền rồng
Cửa ngõ bằng đồng sáng lộn như gương
Hoặc là để chế diễu một cô gái khoe khoang cái nguồn gốc cao quý của mình:
...Cha em mặc áo thêu rồng
Mẹ em hoàng hậu chánh cung nhà vàng...
Sân rồng tức long đình là sân trong cung vua, nơi vua ngự. Vậy sân rồng cũng là một biểu hiện của sự quyền quý tột cùng. Có nhiều kẻ tầm thường lại hay dựa hơi kẻ quyền quý để vênh vang với người đời. Để cảnh cáo hạng người này dân ta đã nói thẳng cho họ biết cái “tông” tầm thường của họ:
Cỏ may mọc ở sân rồng
Tuy rằng bóng bẩy nhưng dòng cỏ may!
Vào đời nhà Đường (618-907) bên Tàu, các ông Hàn Dũ và Âu Dương Thiềm là những bậc anh tài kiệt hiệt trong làng văn trận bút đương thời đều cùng thi đỗ tiến sĩ một khoa. Để đánh dấu biến cố hi hữu nầy, quan chánh chủ khảo là Lục Tuyên Công đã cho làm một cái bảng đặc biệt vẽ hình rồng và hổ để ghi tên những ông nầy và gọi là “long hổ bảng”. Từ đó danh từ “bảng rồng” “bảng hổ” dùng để chỉ những người đỗ đạt cao:
Em là con gái Phụng Thiên
Bán rau mua bút, mua nghiên cho chồng
Một mai chồng chiếm bảng rồng
Bõ công tưới tắm vun trồng cho rau.
Người xưa chế dụng cụ đo thời khắc bằng cách làm một cái hồ nhỏ bằng đồng, dùi lỗ ở đáy và chia thành 5 khoang dùng cho 5 canh hay 12 khoang để ghi dấu 12 giờ (giờ tí, giờ sửu, giờ dần...) rồi đổ nước vào trong hồ. Nước chảy từng giọt, chảy hết một khoang biết là qua một trống canh hay qua một giờ. Từ đó dụng cụ này được gọi là đồng hồ tức là cái hồ bằng đồng. Đồng hồ thường được chạm hình rồng, do đó, xưa ta thường nói giọt đồng, giọt rồng hay khúc rồng để chỉ thời khắc trôi qua:
Đêm nằm thổn thức ngồi khêu đèn phụng
Canh sang năm gần lụn khúc rồng
Trách ai chẳng ở hết lòng
Phụ tình gần gũi, có chồng xa xôi.
Ở trên là những hình tượng rồng tiêu biểu cho sự quyền quý. Những hình ảnh rồng sau đây là để tiêu biểu cho sự đẹp đẽ hài hòa:
Anh như tấm vóc đại hồng
Em như chỉ thắm thêu rồng nên chăng?
Hay như:
Chàng về mua chỉ, mua kim
Thêu loan, thêu phụng mới nên khăn này
Thêu cho đủ lối mới hay
Anh thời thêu phụng, em nay thêu rồng
Bốn bên thêu bốn cánh hồng
Ở giữa con rồng, phụng lộn chung quanh.
Hai người yêu nhau sắp được gặp nhau là một cuộc tình đẹp:
Bữa nay ta lại gặp ta
Giả như lụa mới thêu hoa vẽ rồng
Một anh chàng yêu vợ đã khen vợ hết lời:
Vợ anh như trúc, như thông
Như hoa mới nở, như rồng mới thêu.
Như ở trên ta đã biết, hình ảnh của rồng chỉ được tạo nên qua óc tưởng tượng phong phú của các thế hệ nghệ sĩ tạo hình ngày xưa. Ta ít được nhìn thấy các họa phẩm vẽ rồng có màu sắc sặc sỡ, ngoại trừ các họa phẩm rồng của các họa sĩ Á Đông thời cận đại và hiện đại. Tuy nhiên, qua mắt nhìn của dân gian ta xưa, rồng cũng có nhiều màu sắc khác nhau tùy theo màu sắc của mây:
Rồng trắng lấy nước được mùa
Rồng đen lấy nước thì vua đi cày!
Nhưng phần lớn màu sắc của rồng trong tục ngữ ca dao của ta là màu sắc của cái đẹp, không mang một ý nghĩa đặc biệt nào:
- Ghe lên, ghe xuống dầm dề
Sao em không gởi thơ về thăm anh
Xem mây có cặp rồng xanh
Thương mình thao thức năm canh khóc ròng.
- Ngồi buồn gởi bức thư sang
Có con rồng bạch chắn ngang giữa trời
Vậy nên thư chảng tới nơi
Trong thư ai biết những lời làm sao!
- Bao giờ đến hội rồng vàng
Có con rắn trắng nằm ngang giữa trời
Tuy chỉ được nhìm thấy rồng qua hội họa hay điêu khắc, dân gian cũng đã khéo dùng hình ảnh của rồng để ví von với những vật có hình ảnh gần tương tự qua óc tưởng tượng phong phú của họ để tạo nên những câu đố thật sinh động.
Chẳng hạn, đố về con tôm, dân ta đã mô tả hình ảnh của con tôm như sau:
Đầu như khóm trúc
Lưng uốn khúc rồng
Sinh bạch, tử hồng
Xuân, Hạ, Thu, Đông
Bốn mùa có cả.
Để đố về buồng cau non, hình ảnh của nó được mô tả:
Đầu rồng, đuôi phụng le te
Mùa Đông ấp trứng, mùa Hè nở con.
Hình ảnh và công dụng của cái lược thưa thì được mô tả:
Lưng cong vòng nguyệt
Miệng há răng rồng
Chỉ long vân gỡ mối đã xong
Quyền phò mã ngồi trên thượng đỉnh.
Theo truyền thuyết, rồng là hậu thân của cá chép (lý ngư). Những thành ngữ “cá hóa rồng”, “cá chép hóa rồng”, “lý ngư hóa long” có thể bắt nguồn từ hai nguồn gốc khác nhau nhưng cùng có một nội dung như nhau, đó là:
Một phát xuất từ một điển tích trong văn học Trung Hoa: Vũ Môn (cửa Vũ) hay Long Môn (cửa rồng). Vũ Môn hay Long Môn nằm ở thượng lưu sông Hoàng Hà thuộc địa phận 2 tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây (Trung Hoa). Tương truyền ở đó có một tảng đá lơn chăn1 ngang sông có hình cái cửa. Khi vua Vũ nhà Hạ làm công tác trị thủy đã cho đục rộng tảng đá này nên đời sau gọi là Vũ môn tức là cửa của vua Vũ.
Theo sách cổ Trung Hoa là Tam Tần Ký và Thủy Kinh Chú thì ở Vũ Môn thường có sóng dữ. Hàng năm vào tiết tháng Ba âm lịch, cá chép (lý ngư) tập trung đến đây để thi nhảy vượt qua Vũ Môn. Con nào vượt ngược được Vũ Môn thì hóa thành rồng. Do đó Vũ Môn còn được gọi là Long Môn.
Do điển tích này, cửa Vũ để chỉ trường thi và người thi đỗ được gọi là vượt qua cửa Vũ để ám chỉ rằng việc thi cử ngày xưa là vô cùng khó khăn, nhưng cũng thật cao quý. Do đó cổ thi ta đã có câu:
Vũ Môn đạp sóng ba lần
Bầu trời bay bổng, chín tầng mây cao.
Vũ Môn không chỉ là điển tích trong văn học cổ điển Trung Hoa. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, quyển viết về Hà Tĩnh, thì ở núi Giăng Màn (tức Khai Trướng sơn) thuộc huyện Hương Khê cũng có Vũ Môn. Đây là một con suối lớn, nơi thượng nguồn có ba bậc thác. Truyền thuyết kể rằng cứ đến ngày mồng Bốn và mồng Tám tháng Tư âm lịch là thường có mưa rào, cá chép ngược dòng thi nhau nhảy qua ba bậc Vũ Môn, con nào vượt được cả ba bậc thì hóa Rồng. Do đó ca dao có câu:
Mồng Bốn cá đi ăn thề
Mồng Tám cá về cá vượt Vũ Môn.
Lại cũng có tuyền thuyết nói rằng ở vùng hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Cạn (Bắc Việt) cũng có hòn núi mang tên Vũ Môn, nơi đó có thác Bà gọi là Long Thủy Đế, tương truyền cá đến đây thi vượt Long Thủy Đế để hóa rồng.
Ca dao của ta có nhiều câu nói về cá hóa rồng.
Có những câu theo đúng ý nghĩa của điển tích, cá hóa rồng hay cá vượt Vũ Môn để chỉ sự thi đỗ đạt hòng tiến thân lập nghiệp bằng con đường quan lại mong báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha:
- Một mai con cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành
- Bao giờ cá chép hóa rồng
Đền ơn cha mẹ chờ mong những ngày.
- Ngó lên trời, trời cao lồng lộng
Ngó xuống đất đất rộng mênh mông
Biết răng chừ cá gáy hóa long
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
Trong xã hội ngày xưa, con đường tiến thân cao cả nhất phải bằng con đường khoa cử. Khoa cử ngày xưa lại có nhiều ràng buộc khắt khe. Hỏng một khoa là phải đợi ít nhất 3 năm mới có khoa thi khác, có khi phải chờ đến cả 5 năm. Vậy nên đợi một người thi đậu là cả một công phu đầy kiên nhẫn. Thế nhưng, dù sao thì cũng phải đợi, bởi vì đối với một nho sinh ngày xưa, không còn con đường nào khác hơn là con đường khoa cử để được thênh thang trên hoạn lộ:
Nước lên khỏi bậc tràn bờ
Thương thì nói vậy biết chờ đặng không?
Đặng không tôi cũng gắng công
Chừng nào cho cá hóa rồng sẽ hay.
Ngày xưa con gái có chồng thường do cha mẹ định đoạt (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy). May ra thì gặp được người chồng đàng hoàng tử tế. Chẳng may thì gặp phải anh chông c2ục mịch vũ phu. Thế nên cô nào may mắn gặp người chồng danh giá thì ví sự may mắn của mình như cá được hóa thành rồng:
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng.
Vậy Vũ Môn hay “cá hóa rồng” ở đây không còn mang ý nghĩa bác học của các nhà nho nhằm đề cao khoa cử mà nó đã hoàn toàn mang ý nghĩa dân gian để chỉ mọi sự may mắn ở đời.
Có những chàng nho sinh khi chưa đỗ đạt thường tự ví mình như con cá đang chờ hóa rồng:
Bậu tưởng anh quân tử lỡ thì
Anh như cá ở cạn chờ khi hóa rồng
“Cá hóa rồng” là một ước vọng cao đẹp của bất cứ ai. Ai lại chẳng muốn thoát kiêp nghèo hèn để vươn lên một đời sống cao đẹp hơn, để cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Ngay như một cô gái bình thường cũng tự ví mình như “cá rô thia ở vực” cũng mong có ngày thoát được kiếp sống tầm thường:
Em là con gái đến thì
Như con cá rô thia ở vực chờ khi hóa rồng
Mà ngay cả ở cạn cũng có thể hóa thành rồng:
Bậu tưởng anh quân tử lỡ thì
Anh như cá rô ở cạn chờ khi hóa rồng!
Từ cá hóa thành rồng, rồng không còn thích sống với nước nữa, mà rồng bắt đầu cuộc sống vẫy vùng “đi mây về gió”. Vậy là giã từ “cá nước duyên ưa” để bắt đầu cuộc sông thênh thang “rồng mây gặp hội”.
Rồng mây là “do tiếng “long vân”, nghĩa là rồng gặp mây tha hồ vùng vẫy, nên thường dùng để nói khi vua tôi gặp nhau, khi thi đậu, hay khi nào gặp được sự vui vẻ may mắn” (Từ điển Văn liệu của Long Điền Nguyễn Văn Minh).
Giai nhân tài tử ở đời
Trai tài gái sắc vui chơi hội này
Rồng mây mong những một ngày...
Họ ao ước:
Ước gì gặp hội long vân
Cho quen người lạ, cho gần người thương
Hội long vân để chỉ cái dịp may mắn hiếm có mà những người yêu nhau không lấy được nhau, đã có dịp gặp nhau để hàn huyên tâm sự, trút vơi đi nỗi lòng sầu muộn:
Mấy khi gặp hội long vân
Mấy khi kẻ Tấn, người Tần gặp nhau
Bởi vì em khó anh giàu
Cho nên chẳng lấy được nhau thế này
Bây giờ gặp mặt nhau đây
Như tiên gặp hội, như mây gặp rồng!
Có gì đau buồn hơn là yêu nhau mà phải xa nhau. Và có gì sung sướng hơn là đã xa nhau mà lại gặp được nhau để nối lại tình cũ nghĩa xưa:
Bấy lâu liễu Bắc, đào Đông
Tự nhiên thiên lý tương phùng là đây.
Bây giờ rồng lại gặp mây
Nhờ tay tạo hóa đó đây vuông tròn.
Quên cả thời gian để đi tìm thần tượng của tình yêu, và khi đã gặp thần tượng thì có khác gì như mây gặp rồng:
Ngọn sông Điền vừa trong, vừa chảy
Anh đi kén vợ mười bảy năm nay
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
Chàng gặp nàng như “mây gặp rồng”, chàng nghĩ vậy. Nhưng nàng thì nàng còn e ngại, vì trong hoàn cảnh xô bồ của cuộc sống, không biết chàng có thực tình dừng lại hay không. Và vì vậy nàng đã khẩn thiết:
Tình cờ anh gặp em đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
Rồng gặp mây bán vân, bán vũ
Cá gặp nước con ngược, con xuôi
Chồng nam vợ bắc anh ơi,
Sao anh chẳng lấy một nguời như em!
Trong nỗi bất trắc của cuộc sống hàng ngày, họ đã bao lần chứng kiến cái cảnh “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”. Thế nên, có những cặp tình nhân vừa mới quen nhau đã vội buông lời than thở:
Mấy khi rồng gặp mây đây
Để rồng than thở với mây vài lời.
Nữa mai rồng ngược, mây xuôi
Biết bao giờ lại nối lời rồng mây.
Rồng và mây ở đây đã được nhân cách hóa thành chàng và nàng. Và lời rồng mây thành ra lời ân tình gắn bó thủy chung:
Liễu đông sánh với đào tây
Nước non chỉ ngại rồng mây đá vàng.
Thế nhưng rồng mây đâu có phải mãi mãi là những hẹn hò hạnh phúc. Có những con cá khi vừa mới hóa rồng đã quên ngay tiền thân mình là cá – như những chàng trai vừa mới đỗ đạt đã quên ngay người tình tấm mẳn ngày xưa và tìm đường quất ngựa truy phong:
Bậu tưởng anh quân tử lỡ thì
Anh như cá ở cạn chờ khi hóa rồng.
Thôi nàng đừng ngóng đừng trông,
Thuyền anh ra cửa như rồng lên mây.
Cái anh chàng “quân tử lỡ thì” này có lẽ là một tay tứ chiếng giang hồ, lấy gió tramng8 làm bạn, lấy bốn bể làm nhà, cũng giống như anh chàng bạc tình trong câu ca dao sau đây:
Sài Gòn mũi đỏ,
Gia Định “xúp-lê”.
Giã hiền thê ở lại lấy chồng,
Thuyền anh ra cửa như rồng lên mây!
Chàng đã phụ tình, nàng chỉ còn biết thở than:
Còn gì nay đợi, mai trông,
Nhạn kia đã chắp cánh theo rồng lên mây!
Không phải chỉ có chàng mới tạo nên cái cảnh “buồm anh ra cửa như rồng lên mây” để nàng ở lại trong niềm tủi hận khôn nguôi. Lắm khi nàng cũng đóng vai chủ động tạo nên những cảnh ruồng rẫy phũ phàng. Tưởng đâu nàng phụ rẫy để tìm được nơi tâm đầu ý hiệp, nào ngờ nàng lại vớ phải cái anh chàng chẳng ra gì. Vậy là người tình cũ được dịp mỉa mai cay đắng:
Khi nào em nói em thương
Bây giờ gánh nặng giữa đường đứt dây.
Tường rằng rồng ấp lấy mây,
Ai ngờ rồng ấp lấy cây bạch đàn!
Cứ theo như niềm tin của dân gian xưa, rồng chỉ vùng vẫy khi có mây, khi vắng mây rồng đành thúc thủ. Rông mây gặp hội là như vậy đó. Rồng và mây được ví với những cặp tình nhân. Đau đớn biết chừng nào cái cảnh bị chia uyên rẽ thúy:
Chầu rày rồng nọ xa mây,
Phụng loan chắp cánh theo bầy chim quyên.
Còn chi rày nợ, mai duyên
Bạn yên phận bạn, ta phiền phận ta.
Rồng xa mây là vì ai vậy? Họ đâu dám chỉ đích danh “thủ phạm” đã phân lìa tình yêu của họ. Có thể là lễ giáo của Nho gia mà cha mẹ họ là người đại diện. Vậy nên họ chỉ còn biết trách bâng quơ “vì ai”:
Khi xưa thì đắp chăn chung
Vì ai ngăn đón cho rồng xa mây?!
Và cách ví von về sự xa cách mới sống động làm sao:
Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây,
Như con chim chèo bẻo xa cây măng vòi!
Và cũng giống như con người, rồng và mây đã được nhân cách hóa để cũng biết nhớ biết thương:
Nhớ chàng như vợ nhớ chồng,
Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây!
Bởi vì rồng có liên hệ đến mây như ở trên ta đã biết qua, nên người xưa cho rằng rồng đã tạo nên mưa:
- Mây hỡi, mây khoan ra ám nguyệt
Rồng hỡi rồng đừng ngậm nước phun mưa
Hỡi người tình cũ nghĩa xưa
Dẫu xa nhau đi nữa cũng đón đưa đôi lời.
- Cách nhau chưa mấy Thu Đông
Ai xui mây ám nguyệt, ai giục rồng phun mưa
Dân gian xưa cho rằng rồng phải đi lấy nước hoặc ở sông, hoặc ở biển để tạo ra mưa:
Qua chùa núi Hó thắp bó nhang vàng
Xui cho bạn cũ lai hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Rồng đi lấy nước rồng chưa trở về.
Ngày xưa, trong nghề nông và nghề biển, ông bà ta thường suy nghiệm từ những hiện tượng thiênnhiên để đoán định thời tiết. Đây được xem là kinh nghiệm lâu đời gần như quy luật của thiên nhiên:
Rồng đen lấy nước thời nắng,
Rồng trắng lấy nước thời mưa.
Đây là một biểu hiện về khí tượng của thiên nhiên. Mây đen hay mây trắng kéo ngang chân trời giống như hình ảnh một thác nước đang cuồn cuộn chảy, người xưa cho đo lá hiện tượng rồng lấy nước.
Thực ra, theo kinh nghiệm thiên văn của người xưa, hễ là mây màu đen kéo ngang chân trời là do rồng đen lấy nước và hôm sau trời sẽ nắng to ; hễ là mây màu trắng thì gọi là rồng trắng lấy nước và hôm sau thế nào trời cũng mưa. Thế nên, hễ hiện tượng rồng trăng xuất hiện nhiều lần thì là năm được mùa, nếu là hiện tượng rồng đen xuất hiện nhiều lần thì là năm hạn hán mất mùa:
Rồng trắng lấy nước được mùa,
Rồng đen lấy nước thì vua đi cày.
Tục ngữ lại có câu:
Mưa tháng Sáu máu rồng
Hay như:
Cấy tháng Sáu máu rồng,
Cấy tháng Chạp đạp không ra.
Tháng Sáu Âm lịch là tháng có nhiều mưa và trời mưa vào tháng sáu rất có ích cho nhà nông vì mưa đúng vào vụ cấy. Mưa giúp cho lúa non mau bén rễ và chóng trưởng thành. Dân gian xưa đã tin là rồng làm mưa và giọt mưa tháng Sáu quý như vậy nên được ví với máu của rồng!
* * *
Trứng rồng lại nở ra rồng...
Dù là rồng ở cạn hay rồng vùng vẫy trên mây, rồng vẫn là một linh vật luôn hiện hữu trong tâm thức của người dân Việt - qua ca dao tục ngữ - như một biểu tượng cao quý của dòng giống Việt, hậu duệ của Rồng Lạc Long Quân!
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
* * *
Xem bài khác cùng tác giả tại đây
Xem bài khác cùng chủ đề tại đây
Trở về trang www.nuiansongtra.net