Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
CON TRÂU QUA TỤC NGỮ CA DAO
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

 

Từ ngàn xưa, dân tộc ta vốn sống bằng nghề nông, như Lương Đức Thiệp đã nhận xét trong tác phẩm Xã Hội Việt Nam:

“Nông nghiệp đã manh nha trong xã hội Việt Nam từ thời cổ. Song mãi đến khi Triệu Đà (thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên) chinh phục xứ Âu Lạc, nông nghiệp mới phát triển. Trước kia người Việt Nam chỉ biết dùng lưỡi cuốc bằng đá trau nên sinh sản lượng của đất đai rất kém cỏi. Trong đời Triệu Đà, dân gian đã mua lưỡi cày bằng sắt ở Trung Quốc và theo cách dùng sức trâu bò để cày bừa. Nhờ vậy sức sinh sản của đất đai mới được tăng gia gấp bội. Nghề nông từ đấy đã trở thành nghề căn bản của cả nước mà làm nảy ra cái trình thức “dĩ nông vai bản” (1)

Trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh cũng có nhận xét:

“Nông nghiệp ở nước ta từ xưa đã dùng trâu bò để cày cấy. Hiện nay trâu bò vẫn là những súc vật tối cần thiết cho dân quê, cho nên trừ nhà bần nông và tiểu nông ra, thì những nhà trung nông và đại nông, nhà nào cũng nuôi trâu bò cả.” (2)

Nhận xét của Đào Duy Anh gần 70 năm cho đến ngày nay vẫn còn đúng đối với nghề nông ở nhiều địa phương trên đất nước ta.

Như vậy là, đã hơn hai ngàn năm, mãi cho đến bây giờ, nhiều nơi trên đất nước ta vẫn còn theo phương pháp canh tác cổ truyền “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Chính vì phương pháp canh tác cổ truyền đó mà nhà nông rất coi trọng con trâu, con bò là 2 con vật đã từng cộng tác một cách mật thiết với nhà nông trong suốt dọc trường kỳ lịch sử sinh tồn của Dân tộc.

Bởi vì theo phương pháp canh tác cổ truyền, nên sức kéo của trâu bò lúc nào cũng giữ một vai trò đặc biệt quan trong đối với nhà nông, không có không được:

- Làm ruộng không trâu,
Làm giàu không thóc.

- Làm ruộng có trâu,
Làm dâu có chồng.

- Làm ruộng phải có trâu,
Làm giàu phải có vợ.

Chúng ta sẽ vô cùng xúc động khi biết rằng chính nhà nông với sự cộng tác mật thiết của con trâu đã tạo nên cuộc sống vật chất cho bao nhiêu thế hệ dân Việt Nam:

Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu ra cày.
Ai ơi, ăn bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?

Hay như:

Rạng ngày vác cuốc ra đồng,
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu.
Ruộng đầm nước cả bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa.
Việc làm chẳng quản nắng mưa,
Ăn cơm đắp đổi muối dưa qua ngày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Biết công kẻ cấy, người cày mấy nao!

 

 

Có thể nói rằng, nơi nào có sức lao động của nhà nông thì nơi ấy cũng có sức lao động của con trâu, con bò:

Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Thế nên, có rất nhiều câu tục ngữ ca dao, tuy không nhắc đến trâu, đến bò mà chỉ nhắc đến cày, đến bừa thì ta cũng hiểu rằng đó là nhờ vào sức của trâu, của bò:

- Mặt trời tang tảng rạng đông
Chàng ơi, trở dậy ra đồng kẻo trưa
Phận hèn bao quản nắng mưa
Cày sâu, bừa kỹ được mùa có khi

- Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa can, nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản lâu đâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng

Con trâu đối với nhà nông quan trọng lắm: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Thế nên, cung cách đối xử của nhà nông đối với con trâu, con bò cũng thật là thân thương.

Có nghe giọng gọi nghé thiết tha của chú bé mục đồng qua khúc đồng dao sau đây mới thấy hết tình thương của con người (nhà nông) đối với con vật. Con nghé ở đây không còn là con vật vô tri, vô giác nữa mà là con vật có hiểu biết để có thể nghe và hiểu được lời khuyên giải thiết tha, chân thành của chú bé mục đồng:

Nghé ơi là nghé
Nghé không theo mẹ
Nghé dại theo đàn
Nghé chớ ăn càn
Người ta đánh nghé!

“Nghé chớ ăn càn; người ta đánh nghé”!”Ôi! Nghe sao mà dễ thương làm vậy! Nói như nói với một đứa em. Nói như nói với một con người!

Quả thật con trâu và người nông dân đã thành hai người bạn đồng hành keo sơn gắn bó, hai người bạn “đồng cam cộng khổ” nhưng cũng có những chia xẻ ngọt bùi “đồng lao cộng hưởng” suốt mấy ngàn năm:

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Tra đâu trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Như ở trên ta đã thấy, con trâu là con vật thật cần thiết và quan trọng đối với nhà nông. Vì thế, việc tậu một con trâu đối với nhà nông quả là một vấn đề quan trọng:

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay!

Mua trâu bò ở đâu? Mỗi miền có một vài địa phương có trâu tốt nổi tiếng. Ở miền Trung có câu:

Tiếng đồn Bình Định tốt nhà
Phú Yên tốt lúa, Khánh Hòa tốt trâu.

Trong khi đó ở miền Bắc, vùng tỉnh Thái Bình lại có câu:

Cổng làng Tò, trâu bò làng Hệ

Mua trâu bò vào thời gian nào trong năm? Thường thì người nông dân mua trâu vào những tháng đầu năm:

Dưa gang một chạp thì trồng
Chiêm cấy trước Tết thì lòng đỡ lo
Tháng hai đi tậu trâu bò
Cày cho đất ải mạ mùa ta gieo . . .

Hay như:

Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
Tháng ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô
Tháng tư đi tậu trậu bò
Để cho ta lại làm mùa tháng năm. . .

Chọn trâu để mua là một điều quan trọng, phải hết sức cẩn thận:

- Mua trâu lựa nái
Mua gái lựa dòng

- Mua trâu xem vó
Lấy vợ xem nòi

- Mua trâu xem sừng
Mua chó xem chân

Nhưng đây mới chỉ là những cái nhìn tổng quát. Kinh nghiệm hàng ngàn năm đúc kết lại đã cho người nông dân có những nhận xét tế vi hơn, có những cái nhìn thực tế hơn về việc mua một con trâu.

Dưới đây là một vài kinh nghiệm đã được đúc kết khi xét về một con trâu tốt:

Lưng tôm tít
Đít tôm càng
Được như lời ấy, lạng vàng cũng mua!

Mua một con trâu tốt lại phải hội đủ những tiêu chuẩn cần thiết như câu dưới đây đã mô tả:

Dạ bình vôi
Mắt ốc nhồi
Mồm gàu dai
Tai lá mít
Đít lồng bàn.

Con trâu xấu là con trâu có những đặc điểm như được mô tả trong những câu sau đây:

- Hàm nghiến, lưỡi đốm hoa cà
Vảnh sừng, tóc chóp cửa nhà không yên.

- Trâu nghiến hàm, bò bạch thiệt

- Trâu tóc chóp, bò mũ mấn

- Trâu cổ vò, bò cổ giải

- Chân đi bàn nặng kéo cày làm sao
Lại thêm tiền thấp, hậu cao
Đuôi chùng quá gối, đi nào được đâu.

 

 

Đồng dao

 

Thế nên, ta sẽ thấy người nông dân rất thực tế và thận trọng trong việc lựa chọn một con trâu:

Tam tinh, khoáy sọ thì chừa
Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi!

Hoặc như:

- Lưng đuôi thì bán, Lưng trán thì cày

- Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt.

Có một số địa phương rất kỵ trâu trắng, bởi vì họ quan niệm:

Trâu trắng đến đâu mất mùa đến đấy!

Người nông dân phải có những lựa chọn hợp lý khi phải làm thịt một con trâu. Con trâu là sức kéo cần thiết không thể thiếu được đối với nhà nông: kéo cày, kéo bừa, kéo che (ông hàng) đạp mía, kéo xe chở hàng hóa, dẫm rơm rạ để trát vách làm nhà: “Không có trâu bắt bò đi dẫm” thì những con trâu chậm, trâu gầy, trâu già yếu không còn đủ sức giúp nhà nông nữa, người ta phải làm thịt:

- Thịt trâu gầy, cày trâu béo.

- Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Vợ dại thì đẻ con khôn,
Trâu chậm làm thịt, rựa cùn chịu băm.

Tuy nhiên, giữa hai con vật cung cấp sức kéo cho người nông dân, trâu vẫn được xem trọng hơn bò:

- Trâu gầy cũng tày bò giống

- Trâu ho bằng bò rống

- Trâu năm sáu tuổi còn nhanh
Bò năm sáu tuổi đã tranh về già.

Nói đến chuyện ăn, người nông dân đã có kinh nghiệm là phải dùng tỏi khi ăn thịt trâu giống như ăn thịt gà phải có lá chanh hay ăn thịt chó phải có củ riềng vậy.

Ăn thịt trâu không tỏi
Như ăn gỏi không rau mơ.

Đối với người nông dân, nhất là những nhà tiểu nông, mua được con trâu là một điều thiên nan vạn nan. Thứ nhất là tiền. Đào đâu ra tiền để mua trâu? Phải nhịn ăn nhịn mặc hàng năm bảy năm trời mới dành dụm được tiền mua một con trâu. Thứ đến là công. Không phải sát bên xóm, bên làng có trâu bán mà đôi khi phải đi vài ba ngày đường, đi năm lần bảy lượt mới chọn mua được một con trâu vừa ý. Và điều quan trọng hơn cả là phải biết xem trâu tốt hay xấu nữa. Vì hai lý do sau nên đã sinh ra nghề “lái trâu”, tức là những tay chuyên môn manh mối mua bán trâu. Đây là một nghề đòi hỏi có chút ít kinh nghiệm về nghề coi tướng trâu lại phải lanh lợi khẩu, phải biết “tán” để người mua nghe lọt lỗ tai, người bán nghe cũng mát ruột mà anh lái vẫn được thủ lợi lớn. Do đó, nghề lái trâu vẫn là nghề thường bị người dân chê bai, khinh bỉ:

Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng!

Đúng là có thể có những người làm nghề lái trâu vẫn còn giữ được chữ nhân, chữ đức theo quan niệm của nhà Nho, nhưng dưới mắt mọi người thì bất cứ anh lái trâu nào cũng vậy thôi, theo cách nhận xét vơ đũa cả nắm. Thế nên mọi người đều khuyên nhau:

- Lái trâu, lái lợn, lái bè
Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào!

- Phù thủy, thầy bói, lái trâu
Nghe ba anh ấy đầu lâu không còn!

Tậu trâu phải nghĩ đến chuyện nuôi trâu. Nuôi trâu là cả một công phu. Dù bận, dù không cũng phải cắt riêng một công chăn trâu, cắt cỏ:

Một nong tằm cũng phải hái dâu
Một con trâu cũng phải đứng đồng!
(Một con trâu cũng phải cắt cỏ!)

Và dù có nuôi nhiều trâu đi nữa cũng chỉ phải mất một công chăn trâu mà thôi:

Trăm trâu cũng một công cắt cỏ.

Trâu là con vật to lớn mà lại gặm cỏ thì khó mà tìm cho ra vùng cỏ tốt cho trâu no bụng:

Cơm đâu no bụng chó
Cỏ đâu no bụng trâu!

Thế nên chỉ vào những ngày thu hoạch mùa màng trâu mới có được những bữa ăn no bụng:

Trâu bò được ngày phá đỗ
Con cháu được ngày giỗ ông!

Thường công chăn trâu là công của trẻ con, từ đó mới có danh từ mục đồng (trẻ con chăn trâu, chăn bò). Thế nhưng, trên thực tế, nhiều khi công cắt cỏ chăn trâu, chăn bò cũng là công việc của những người trưởng thành:

...Dâu Ba chúm chím dâu chê
Nhờ ơn bác mẹ đi về tỉnh Nam
Dâu Tư có tính tham lam
Chăn trâu, cắt cỏ nhôm nhoam ngoài đồng!...

Có nhỏ đi nữa cũng phải ở vào lứa tuổi cập kê:

Cô em nho nhỏ cắt cỏ, giữ trâu
Bước qua năm nữa anh bưng trầu cưới em!

Người nông dân làm việc quần quật ngoài đồng hầu như không có lúc nghỉ ngơi bởi vì giờ nghỉ chính là giờ thả trâu ăn cỏ:

Thả cày cuốc gốc
Nghỉ nhọc chăn trâu.

 

 

Câu chuyện cổ tích Thằng Cuội trên cung trăng cũng đã khiến cho dân ta tưởng tượng ra cái cảnh thằng Cuội chăn trâu trong một bài đồng dao dạy trẻ thật thú vị:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ thời cưỡi ngựa đi mời ông Bô
Ông Bô mà lấy bà Bô
Đẻ ra con giếc, con rô, con chày
Con giếc thì kiếm rau đay
Con rô kiếm củi, con chày nấu cơm.

Tuy chăn trâu không phải là công việc vất vả lắm, nhưng nó cũng không phải là công việc nhẹ nhàng nếu phải chăn trâu bầy:

Trâu anh con cưỡi, con dòng
Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.

Dù không phải là công việc vất vả, nhưng chăn trâu lại đòi hỏi nhiều thời gian để cho trâu có thể ăn no bụng. Vì vậy, đã có nhiều người lợi dụng công sức của những đứa trẻ con nhà nghèo hoặc mồ côi để làm công việc này:

Con cậu cậu nuôi thầy cho
Cháu cậu cậu bắt chăn bò chăn trâu!

Có những cô gái tuy tuổi đã lớn mà vẫn phải chăn trâu. Cảm thông cho thân phận của những cô gái sống trong hoàn cảnh lam lũ, bần hàn cơ cực nên đã có câu ca:

Hỡi cô cắt cỏ đồng màu
Chăn trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy, chia ba
Phận cô là gái được là bao nhiêu!

Những buổi trưa hè, năm ba cô cậu mục đồng ngồi dưới tàn cây cổ thụ nhìn bầy trâu đang ngâm mình dưới đầm, dưới sông, hay những buồi chiều tà cho trâu về chuồng trên con đường làng dịu nắng ; đó là những khoảng thời gian cho các cô cậu mục đồng cùng nhau ngỏ lời tình tự:

Đôi ta cùng bạn chăn trâu
Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng
Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh

Có chàng trai gặp cô gái đang cắt cỏ cho trâu bèn buông lời tán tỉnh:

Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng

Có anh chàng làm ra vẻ người lớn, buông lời chòng ghẹo:

Thò tay ngắt ngọn rau ngâu
Thấy em còn nhỏ giữ trâu anh buồn!

Nhưng cô bé nào có chịu thua bèn đốp chát ngay:

Thò tay bắt cánh chuồn chuồn
Trâu em em giữ anh buồn làm chi!

Có anh chàng lại buông giọng ỡm ờ:

Cô kia đội nón mới mua
Cho anh mượn tạm một mùa chăn trâu
Mẹ thầy có hỏi nón đâu
Thì em cứ nói: Qua cầu gió bay!

Tuy sống cuộc đời lam lũ, quanh năm phải vật lộn với đồng ruộng để mưu sinh, người nông dân Việt Nam vẫn luôn giữ tâm hồn thanh thản, nếp nghĩ lạc quan, luôn mơ ước cuộc sống an nhiên tự tại.

Cái cảnh ngồi lưng trâu thổi sáo mỗi buổi hoàng hôn thả trâu về chuồng sao mà đẹp, mà quyến rũ làm vậy:

Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu
Mừng nay có chủ Thuấn Nghiêu
Mưa nhân, gió huệ thảy đều muôn dân
Sông Lô một giải trong ngần
Thảnh thơi ta rũ bụi trần cũng nên.

Nghe đến những câu ca dao này khiến người ta liên tưởng đến một bức tranh dân gian vẽ một chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo. Bức tranh ấy và mấy câu ca dao này nói lên cái tâm hồn thanh thản, cái ước vọng thanh bình của cả một dân tộc trải qua mấy ngàn năm không hề suy chuyển. Cái ước vọng được vui đời Thuấn Nghiêu, cái ước vọng được thảnh thơi ta rũ bụi trần để được sống một cuộc đời an nhiên tự tại. Và bụi trần phải chăng là những vật vã, những bon chen trong cuộc sống hằng ngày?

Quanh năn suốt tháng, quần quật với ruộng đồng, người nông dân lúc nào cũng mơ ước có được:

Ruộng sâu, trâu nái

Vì ngoài công việc đồng áng , chăn nuôi cũng là một sinh kế quan trọng của đời sống gia đình:

Muốn giàu nuôi trâu cái
Muốn lụn bại nuôi bồ câu

Bởi là một dân tộc chuyên sống bằng nghề canh nông nên phải lấy những sản vật của canh nông để đo lường sự giàu nghèo: thóc lúa và trâu bò. Thóc lúa được đo lường bằng những đụn rơm chất cao nghệu ở trong vườn:

Cái kiến mày kiện củ khoai
Chê em tao khó lấy ai cho giàu
Nhà tao chín đụn, mười trâu
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân!

Hoặc:

Lắm ruộng thì thâu,
Lắm trâu thì bán.

Cái gã phú ông hợm mình khoe của cũng khoe sự giàu sang của mình bằng trâu bò để đổi lấy nắm xôi của thằng Bờm:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chin trâu
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu . . .

Nhìn thấy sự giàu sang của bọn nhà giàu, nhiều khi người nông dân bực dọc thốt lên lời trách cứ ai oán:

Nhà mày lắm đất, lắm ao
Lắm trâu, lắm ruộng, con tao ăn gì?

Thế nhưng có người tin vào số mệnh thì lại cho rằng:

Chín đụn, mười trâu chết cũng hai tay cắp đít!

Dân ta cũng giàu óc hài hước lắm. Để chế diễu những kẻ ưa khoe khoang phách lối, nghèo rớt mồng tơi mà cứ làm như ta đây giàu có lắm, ta có câu:

Giầu giẩu giầu giâu, kém mười trâu đầy một chục,
Lợn đẻ lúc nhúc, kém mười chục đầy một trăm!

Kẻ giàu lắm bò lắm trâu. Người nghèo quần áo rách rưới thì lắm rận. Đó là một sự thực. Nhưng dân ta lại muốn nói trái với sự thực:

Lắm rận thì giàu,
Lắm trâu thì nghèo.

Con trâu, ngoài việc giúp đỡ cho nhà nông trong công việc cày bừa, kéo che đạp mía...còn cho phân giúp cho nhà nông làm phân bón ruộng.

Đôi khi người ta tỏ vẻ khinh thường phân trâu, như trong câu:

Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại
Tỉ như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

Hay như:

Chị gì chị bị cứt trâu
Chi ra đầu cầu chị ỉa chị ăn

Để nói lên sự khinh thường của những đứa em đối với những người chị chỉ biết vun quén cho mình, chỉ biết tranh phần hơn mà không hề lo lắng bảo bọc cho em út.

Hoặc để chê trách hạng người khôn vặt, ù lì, vấn đề gì cũng không chịu giải quyết cho đến nơi đến chốn, cứ hà rầm để trôi qua cho xong chuyện, ta có câu:

Để lâu cứt trâu hóa bùn.

Tuy nhiên, dù có bị khinh bỉ đến đâu đi nữa, phân trâu cũng đã giúp cho nhà nông khá nhiều:

Trời mưa, trời gió đùng đùng
Cha con ông Sùng đi gánh phân trâu
Đem về trồng bí, trồng bầu
Trồng hoa, trồng quả, trồng cau, trồng dừa

 

 

Ngoài việc giúp đỡ nhà nông trong công việc đồng áng, con trâu còn cung cấp cho dân ta một thú vui đặc biệt: thú chọi trâu.
 

Dĩ nhiên, con trâu nào cũng biết chọi, ta còn gọi là báng trâu:

Có ăn, có chọi mới gọi là trâu

Ở nước ta có lẽ có nhiều nơi có tục chọi trâu. Chẳng hạn như làng Phong Lệ thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam:

Ai về Phong Lệ thì về
Phong Lệ có nghề bán hến, chọi trâu.

Thế nhưng không có nơi nào mà tục chọi trâu được nâng lên như một tín ngưỡng, hấp dẫn quần chúng đến độ bỏ mọi công ăn việc làm để dự cuộc thi chọi trâu như trong ngày Hội Đồ Sơn được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng nằm.

Tục chọi trâu ở đây được xem như một tín ngưỡng.

Tuy mãi đến tháng 8 mới đến ngày Hội Chọi Trâu, mà ngay từ tháng Ba, dân hàng tổng Đồ Sơn (thuộc phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An, tức Hải Phòng ngày nay) đã phải đi lùng mua trâu khắp nơi trên đất Bắc. Mua trâu xong, cả 14 thôn của tổng Đồ Sơn, mỗi thôn chọn một con trâu ưng ý nhất rồi phải mang trâu đến đình làng Đồ Hải để làm lễ khấn trình với thần linh. Xong lễ trình trâu, mỗi thôn lại phải chọn một chàng trai khỏe mạnh, chưa lập gia đình, phải luôn luôn giữ mình trong sạch để đảm đang việc nuôi trâu. Đến ngày mồng 10 tháng Tám âm lịch, lễ thi chọi trâu mới chính thức bắt đầu. Trước khi thi chọi, các viên chức hàng tổng cũng phải thiết lễ cáo thần linh tại đình hàng tổng Đồ Sơn. Sau cuộc thi đấu khá hào hứng, trâu được hay trâu thua đều bị mổ thịt để tế thần. (3)

Do tục chọi trâu này, trong dân gian vẫn còn truyền tụng câu ca dao sau đây:

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mùng mười, tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng mười tháng Tám nhớ về chọi trâu.

 

 

Đối với nhà nông, con trâu giữ vai trò quan trọng trong toàn bộ sản nghiệp của mình “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Thế nên, kẻ gian vẫn luôn dòm ngó rình mò để ăn trộm trâu. Dân ta thậm ghét hạng người chuyên mách đường cho kẻ gian, không cầm dao nhưng lại chỉ mạch. Cái hành vi tồi tệ đó được nhắc đến trong câu:

Đọc đường cho mọi ăn trộm trâu.

Bởi mất một con trâu đối với các nhà tiểu nông là mất cả một sản nghiệp, nên kẻ mất trâu sẽ vô cùng đau đớn đến độ cuồng lên như người mất trí. Dưới đây là một ví von so sánh thật dí dỏm:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên, chạy xuống cái đầu chơm bơm.

Tâm trạng của kẻ mất trâu giống như người mất trí, lẫn lộn giữa thực và mơ. Mất trâu mà không tin là đã mất, ngủ mà cứ ngỡ là mình thức ... thức để mà giữ trâu. Nhưng hỡi ơi, trâu vẫn mất:

Đêm qua kẻ trộm vào nhà
Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu
Nằm đây chứ chẳng ngủ đâu
Thức mà giữ lấy con trâu, con bò
Nằm đây nào đã ngủ cho
Thức mà giữ lấy con bò, con trâu!

Ăn trộm trâu là một hành vi đê tiện tàn nhẫn. Bọn người cướp nợ, quịt nợ cũng bị coi ngang hàng như bọn trộm trâu và bị khinh thường:

Mất trâu thì lại tậu trâu
Những quân cướp nợ có giàu hơn ai!

Dưới con mắt của dân ta, kẻ có thể làm điều ác nhỏ thì dần dần cũng có thể làm điều ác lớn và sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng tai hại:

Bé ăn trộm gà
Cả ăn trộm trâu
Lâu lâu làm giặc.

Con trâu cũng có liên quan đến một số tục lệ của ta ngày xưa.

Trong hôn nhân xưa có tục thách cưới. Người xưa quan niệm hôn nhân như một sự mua bán, đổi chác. Người con gái bị xem như một món hàng:

Con gái là con người ta
Con dâu mới thật mẹ cha mua về.

Quan niệm gả bán đó đã nảy sinh ra tục thách cưới. Chính vì việc thách cưới nhiều khi quá đáng khiến cho ca dao ta có nhiều bài mang tính chất khoa đại châm biếm để chế diễu cái tục lệ hủ lậu đó.

Đây là đòi hỏi phách lối của phía nhà gái:

Cưới em chín chỉnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm...

Đây là phần hứa hẹn đầy mỉa mai của phía nhà trai:

Ước gì anh lấy được nàng
Hà Nội, Nam Định đón đàng đưa dâu
Tỉnh Thanh cung đốn cau trầu
Nghệ An thời phải thui trâu, thui bò...

Vì cái tục thách cưới hủ lậu đó, có anh chàng đã châm biếm một cách sỗ sàng:

Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn
Dẫn trâu sợ họ máu hàn
Dẫn bò sợ họ nhà nàng co gân . . .

Hoặc thách cưới một cách kênh kiệu như cô gái dưới đây:

Anh về bán ruộng cây đa
Bán cặp trâu già mới cưới đặng em.

Thời xưa ở miền Bắc, nhiều làng có lệ phạt trâu đối với những người đàn bà, con gái không chồng mà có mang:

Phình phình lớn giữa lớn ra
Mẹ ơi con chẳng ở nhà được đâu
Ở nhà làng bắt mất trâu
Cho nên con phải đâm đầu ra đi.

Thế nhưng đối với những người đàn bà có căn tính lẳng lơ thì dù lệ làng có phạt trâu cũng chẳng ngăn cản được:

Đánh tôi thì tôi chịu đòn
Tính tôi hoa nguyệt chẳng chừa được đâu
Tính quen chẳng chừa được đâu
Lệ làng làng bắt mấy trâu mặc làng.

Trâu cũng là con vật được dùng trong các cuộc tế lễ hoặc ăn khao mừng việc đỗ đạt cao hay thăng quan tiến chức:

Rước vinh quy về nhà bái tổ
Ngã trâu bò làm lễ tế vua
Họ hàng ăn uống say sưa
Hàng tổng, hàng xã mừng cho ông Nghè . . .

Đôi khi con trâu chỉ còn là cái cớ, cái hình ảnh mượn để con người thổ lộ tâm tình của mình. Để trêu chọc anh chàng sống độc thân:

Trâu kia cắn cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con.

Một cậu trai để ý và theo đuổi một cô gái ngay từ những ngày tóc nàng còn để chỏm, đến khi tóc nàng vừa chấm ngang vai lại bị chàng trai khác phỗng tay trên, chàng bèn than:

Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?

Một cô gái nào đó hờn duyên, trách phận cũng mượn hình ảnh con trâu như làm chứng nhân cho tâm tình cô đơn sầu muộn của mình:

Dậm chân xuống đất cái bon
Nay em còn ở vậy chồng con đâu nà?
Thôi thôi đừng nói nữa nà
Con trâu ăn dám cỏ dấu mà còn đây

Nhiều cô gái lỡ làng duyên phận, một phần là do cha mẹ kén chọn cho được “môn đăng hộ đối”, hôn nhân không thành mà tuổi tác ngày một lớn, cô gái bèn buông lời trách cứ:

Ngồi buồn xe chỉ cột trâu
Xe xong sợi chỉ thì trâu đã già
Ngồi buồn trách mẹ, trách cha
Trách ông nguyệt lão, trách bà xe dây

Một cuộc tình đã trót nặng lời thề thốt, tưởng rằng có thủy ắt có chung, nào ngờ hôn nhân không trọn, cuộc tình vỡ tan. Cuộc tình như hòn đá cheo leo mà người tình như con ngựa, con trâu trèo lên rồi trợt xuống:

Hòn đá cheo leo
Con trâu trèo con trâu trợt
Con ngựa trèo con ngựa đổ
Anh thương em cơ khổ
Tận cổ chí kim
Anh thương em khó kiếm khôn tìm
Cây kim luồn qua sợi chỉ
Sự bất đắc dĩ phu mới phụ thê
Nên không nên anh ở em về
Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương.

Xã hội phong kiến là xã hội trọng nam khinh nữ. Trong hôn nhân, người ta buộc gái chính chuyên chỉ có một chồng, nhưng đàn ông thì lại có quyền cưới năm thê bảy thiếp, vợ bé, nàng hầu . . . Để phản kháng lại cái xã hội bất công đó, dân ta chế diễu:
Ba vợ, bảy nàng hầu
Tối nằm chuồng trâu
Gối đầu bằng chổi.

Hay để ngăn chận cái ý thức tham lam trong hôn nhân của người đàn ông:

Một trâu anh sắm hai cày
Một chàng hai thiếp có ngày oan gia
Chả yêu thì bỏ nhau ra
Làm chi một ổ hai gà ấp chung.

Đàn ông thỏa mãn nhục dục bằng cái quyền năm thê bảy thiếp, đã bị chế diễu thẳng thừng, thì người đàn bà sống nặng về nhục dục cũng bị châm biếm một cách đích đáng:

Của chua ai thấy chả thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
Chồng em nào phải trâu cày
Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!

Người xưa rất tôn trọng chữ Hiếu. Làm con phải hiếu thảo với cha mẹ, phải phụng dưỡng cha mẹ chí tình khi còn sống và phải thờ phượng chí thành khi đã qua đời. Nhưng dân ta cũng vô cùng thực tế: phải chí tình phụng dưỡng cha mẹ khi hai thân còn sống chứ không phải trọng cái thói giỗ chạp, cúng quảy linh đình khi hai thân đã qua đời:

Trâu dê lúc chết tế ruồi
Sao bằng lúc sống ngọt bùi là hơn.

Người phụ nữ khi có chồng phải lo gánh vác giang sơn nhà chồng. Thế nhưng, đối với người đàn bà, chỉ có chồng mới là lẽ sống đích thực của nàng, mới là nơi nàng nương tựa. Khi đã được chồng thương yêu đùm bọc, thì dù mẹ chồng có dữ dằn, hung ác, nàng cũng không quan ngại:

Chồng dữ thì em mới sầu
Mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng.

Có chồng là sống theo danh phận của chồng. Chồng quan quyền vợ được mát mặt. Gặp phải chồng thất phu thì vợ buồn phiền. Để nói lên nỗi buồn phiền của thiếu phụ có chồng con nhà giàu mà không chịu học hành để đến nỗi phải làm những công việc của một gã lực điền thất học ở chốn đình trung, nàng than vãn:

Cha mẹ anh giàu cho anh ăn học
Anh không chịu học, anh bỏ đi đâu?
Bây giờ làng bắt vác đuốc thui trâu
Nghĩ càng thêm tủi, thêm sầu anh ơi!

Nhà nông, ngoài công việc chính là làm ruộng, nhiều gia đình còn sống thêm bằng nghề chăn nuôi. Nghề chăn nuôi được tôn trọng nhất thời xưa là nghề trồng dâu nuôi tằm. Với nghề này, may ra thì làm nên cơ nghiệp, chẳng may thì tán gia bại sản như chơi:

Tằm sao tằm chẳng ăn dâu
Tằm đòi ăn ruộng, ăn trâu, ăn nhà!

Trong cuộc sống hằng ngày vẫn thường xảy ra những chuyện “trời ơi đất hỡi”” chẳng đâu vào với đâu, việc rành rành ra đó mà chẳng biết duyên cớ vì đâu:

Trâu đâu buộc ngõ ông Cai?
Hoãn đâu mà lại đeo tai bà Nghè?
Ngựa đâu buộc ngõ ông Nghè?
Gà đâu gáy ở đầu hè ông Cai?

 

 

Sống trong một xã hội còn nhiều bất công, đám quần chúng nghèo khổ phải luôn luôn chịu thiệt thòi, không có chút đặc quyền đặc lợi nào, chỉ được hưởng những thứ mà kẻ quyền cao chức trọng không màng ngó tới:

Vật ngon đâu đến thứ ta
Những trâu hạ địa, cùng gà chết toi.

Tuy không được hưởng chút đặc quyền đặc lợi nào, đám quần chúng nghèo khổ vẫn ngẩng cao đầu sống theo lẽ phải thuần lương. Vì biết tôn trọng lẽ phải, họ tỏ thái độ khinh thường đối với những kẻ không biết phục thiện, không biết nghe theo lời phân giải thiệt hơn. Chính cái đám quần chúng nghèo khổ đó mới thực hiện đúng câu châm ngôn bất hủ “Dân Vi Quý” của thầy Mạnh Tử ngày xưa:

Hoài hơi mà nói cới mày
Để mai đi cày tao nói với trâu
Hoài hơi mà nói với trâu
Để mai đi hầu tao nói với quan
Hoài hơi mà nói với quan
Để mai đi làm tao nói với dân!

Con trâu là loài gia súc đã chung sống với con người qua mấy ngàn năm. Nhất nữa, đối với người dân Việt Nam, con trâu đã trở thành người cộng tác đắc lực của nhà nông. Đã là người dân Việt, có lẽ ai cũng đã hơn một lần nhìn thấy con trâu. Chính vì tính cách thân thương, mật thiết đó, con trâu đã trở thành hình ảnh điển hình cho con nguời so sánh, ví von để tạo nên những nhận xét tế vi về tâm lý người đời hay tạo nên những bài học đạo đức, luân lý thực tiễn.

Để nói lên sức mạnh của những cô con gái ở tuổi thanh xuân, ta có câu:

Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu

Để nói lên một nhận xét dựa trên kinh nghiệm qua hàng ngàn năm chung sống, qua quan sát thực tế, con người đã rút ra một nhận xét đúng đắn:

Lạc đường nắm đuôi chó
Lạc ngõ nắmđuôi trâu

Hay:

Lạc đường theo chó
Lạc ngõ theo trâu

Một nhận xét khác cũng khá tinh vi, dù chua chát nhưng đó là một thực tế không thể chối cãi:

Trâu ở với nhau lâu quen chuồng, quen chỏi
Người ở với nhau lâu inh ỏi đủ điều.

Một nhận xét khác cũng khá thực tiễn nhằm khuyên răn con người phải vô cùng thận trọng khi tính toán hay lo toan làm một việc gì:

Lộn con toán, bán con trâu

Trong cuộc sống hằng ngày, con người phải luôn luôn vật lộn với thời gian, từng giây từng phút. Nhận xét dưới đây nói lên một thực tế và cũng là lời khuyên con người trong cuộc sống:

Trâu chậm uống nước đục

Hay:

Trâu chậm uống nước dơ
Trâu ngơ ăn cỏ héo.

Để mô tả tâm lý và hành vi của hạng người gian manh, mình có tội lại đổ vấy tội cho kẻ khác, mình xấu lại trây cho kẻ khác cũng xấu như con trâu tắm bùn, vẫy đuôi tứ phía:

Trâu lấm vẫy càn

Trâu già là trâu không dùng vào việc cày bừa được nữa, chỉ chờ ngày xẻ thịt. Để mô tả tâm lý một số người già, nghĩ mình đã gần kề miệng lỗ, nên đôi khi tỏ ra liều lĩnh, trước cường quyền không hề run sợ:

Trâu già đâu nệ dao phay!

Có một số người hay ưa ganh tị. Thấy người khác hơn mình thì hậm hực không ưa, tìm mọi cách nói xấu, dèm pha, lắm khi làm hại nhau chỉ vì giành nhau miếng ăn, hơn thua nhau một việc làm. Cái tâm lý đê tiện đó đã được thể hiện qua câu:

Trâu cột thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

Người ta vẫn nghĩ rằng tai trâu nghễnh ngãng, đâu có phân biệt được âm thanh hay hoặc dở, đem đàn gảy tai trâu là một việc làm vô bổ, chẳng đem lại chút kết quả nào, đôi khi còn bị thiên hạ chê cười. Hơn thế nữa, chẳng ai dại dột gì đem công sức to lớn ra làm việc để đánh đổi lấy cái kết quả chẳng ra gì:

Đàn đâu mà gảy tai trâu
Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi!

Tâm lý người đời là mua cái gì cũng tiếc tiền, tiếc của, cò kè so hơn tính thiệt, nhưng người ta cho cái gì thì không cần mời cũng đến, bao nhiêu cũng nhận, nhiều khi còn tranh giành nhau mà nhận không biết trơ trẽn, liêm sỉ là gì:

Trâu mạnh không ai mặc cả
Trâu ngã lắm kẻ cầm dao

Sống ở đời phải biết khiêm tốn, phải biết nhún nhường. Mỗi người đều có mặt mạnh, mặt yếu của riêng mình, không nên tự cao, tự đại cho rằng mặt mạnh của mình hơn mặt mạnh của kẻ khác:

Anh có sừng trâu bạc,
Tôi có giác trâu đen.

Quả là cái cảnh kỳ phùng địch thủ, bất phân thắng bại.

Ở đời, muốn làm việc gì phải biết đặt kế hoạch, phải biết dự trù, tính toán trước sau. Nếu không làm như thế thì chỉ tổ phải lo lắng, chạy vạy một cách bất đắc dĩ và dĩ nhiên sẽ thường lâm vào cái cảnh giở khóc giở cười:

Thui trâu nửa mùa hết rơm!

 

Trâu là con vật quý giá, đắt tiền. Rơm rạ là thứ phế thải. Thế nhưng con trâu sống phải nhờ rơm, vì ngoài cỏ ra, trâu cũng còn phải ăn rơm để sống. Khi giết trâu người ta lại cũng dùng rơm để thui trâu. Cũng vậy, có kẻ sang cả dù muốn làm ngơ như không muốn biết đến sự giúp đỡ của kẻ kém mình nhưng trên thực tế vẫn thường xảy ra điều đó. Vậy nên, kẻ sang quý phải khôn ngoan trong cuộc sống, đừng nên khinh thường những kẻ hèn kém chung quanh, vì dù sao cũng phải chấp nhận chân lý:

Trâu chết chả khỏi rơm.

Trâu bò là những con vật mạnh. Chúng nó húc nhau cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, ruồi muỗi là những sinh vật nhỏ bé hay bám vào thân trâu bò lại bị vạ lây. Ở đời, những kẻ quyền thế tranh giành quyền lợi với nhau, chúng chưa bị sứt đầu mẻ trán thì đám dân đen đã phải hứng chịu những tai họa tày đình:

Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.

Sống trong xã hội phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu, cuộc sống của người dân thật vô cùng vất vả. Đứng trước cuộc sống như không có cơ may thay đổi được, đôi khi có một số người phải tin vào số mệnh và con người như đành phải chịu an bài theo số mệnh:

Làm kiếp trâu ăn cỏ
Làm kiếp chó ăn dơ!

Thế nhưng, thực tế nào phải như vậy. Nếu con người biết phấn đấu, biết kiên gan trì chí cũng có thể vượt qua cái tầm thường hiện tại chẳng là bao và họ phải lựa chọn:

Thà chết vũng chân trâu
Hơn chết khu dĩa đèn!

Dù sao người ta vẫn mong có sự hy sinh cao đẹp hơn, xứng đáng hơn, có ý nghĩa hơn. Họ trách cứ hoặc thương xót cho những kẻ không biết hoặc không thể lựa chọn một sự hy sinh cao đẹp:

Sông hoắm không chết đi chết vũng trâu nằm.

Để trách cứ những người ưa kén cá chọn canh, ưa chê bai nhưng thực tế lại không phân biệt lẽ thiệt hơn:

Nước giữa dòng chê trong, chê đục
Vũng trâu nằm hì hục khen ngon.

Hoặc chê trách cách sống “có mới nới cũ, mới chuộng cũ vong”:

Được bạn bỏ bè
Được trâu vội vã chê bê khó cày!

Hoặc chê trách những kẻ không biết quyền biến, chỉ biết đầu hàng nghịch cảnh:

Chiều chiều ông Lữ đi cày
Trâu tha gãy ách khoanh tay ngồi bờ!

Hoặc chê trách hạng người lừa thần phản thánh, những kẻ thiếu lòng trung tín, phản bội cả lời hứa hẹn của mình:

Khấn trâu trả lễ bò.

Khi chưa được việc hứa hẹn mọi điều để cầu sự giúp đỡ, nhưng khi được việc rồi lại quên ngay những lời hứa:

Chưa được khấn bà một trâu
Được rồi thì có trâu đâu cho bà!

Hoặc để khuyến cáo những con người gian ác, ỷ thế cậy thần phải biết giữ thân, đừng ỷ vào sức mạnh, vào quyền thế nào, sức mạnh nào rồi cũng bị chế ngự:

Trâu ác thì trâu vạt sừng
Bò ác thì bò cong lưng, vẹo sườn.

Con người sống ở đời phải biết tự lo liệu cho cuộc sống của mình, đừng nên ỷ lại vào người khác. Người khác có thể giúp đỡ cho ta đấy, nhưng sự giúp đỡ cũng chỉ có hạn. Vả lại, người ta chỉ có thể giúp ngặt chứ không mấy ai có thể giúp nghèo:

Thân trâu trâu lo, thân bò bò liệu.

Tuy nhiên, tự ta phải lo liệu cho ta không có nghĩa là sống cô độc, chỉ biết có mình, mà phải biết đoàn kết, phải biết tương thân tương trợ, kẻ mạnh giúp kẻ yếu, người giàu giúp kẻ nghèo:

Trâu béo kéo trâu gầy.

Không nên sống theo tinh thần “sống chết mặc bay” chỉ biết chờ chực kẻ khác bị hại để thủ lợi và đấy là một thái độ sống đáng khinh bỉ:

Trâu chết mặc trâu
Bò chết mặc bò
Củ tỏi dắt lưng

Trong cuộc sống hằng ngày, có những người thích sống cuộc đời ẩn dật, dù cuộc sống có nghèo nàn nhưng không quỳ lụy ai, dù ai có đem mồi giàu sang phú quý đến cho cũng chẳng màng:

Con cá rô thia ẩn bóng chân trâu
Một trăm quân tử tới câu cũng chẳng màng!

Và để khuyến khích tình tự yêu quê hương, nòi giống, ta thường nghe câu ca dao:

Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!

Tinh thần hướng nội, yêu quê cha đất tổ đó lại một lần nữa thể hiện qua câu ca dao dưới đây:

Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm!

Như ta đã biết, dân ta có óc hài hước, phúng thế. Chính óc hài hước phúng thế đó đã từng là thứ vũ khí lợi hại góp phần vào việc biến cải xã hội.

Đôi khi cái tính ưa trào lộng đó còn được dùng vào việc giải trí thuần túy cho tinh thần bớt căng thẳng sau những lúc phải vật lộn với cuộc sống và đó là lý do xuất phát của những câu ca dao hài hước nhằm mô tả những điều trái ngược với sự thật, nghe qua ai cũng phải bật cười thích thú. Chẳng hạn như những hình ảnh dưới đây:

. . . Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo mà ngồi trong cong.

. . . Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu!

. . . Cào cào đuổi bắt cá rô
Cò lang, cỏ lát lại vồ bắt trâu.

Ta đã nhiều lần xác định rằng con trâu là con vật khá gần gũi và thân thiết với con người. Chính tính chất thân thiết gần gũi đó đã khiến cho con người nhận diện nơi con trâu những hình ảnh đặc thù. Và từ đó, chúng ta mới có những câu đố căn cứ vào hình ảnh của con trâu.

Để đố về những dấu chân trâu đi ngoài đồng ruộng, ta có câu:

Vừa bằng cái bát
San sát giữa đồng?

Để đố về cái đuôi trâu, ta có:

Một chổi mà quét hai hè
Quét đi, quét lại lại đè lỗ trôn?

Để đố về đôi tai và đôi sừng trâu, ta có:

Hai ông ngồi mát,
Hai bà quạt hầu?

Và để mô tả toàn bộ con trâu, ta có nhiều câu đố khá thú vị.

- Đầu làng gươm bén hai thanh
Cuối làng có ngọn cờ xanh rũ tàn?

- Hai hàng cột trụ,
Cột trụ hai hàng
Trước dáo bạt nghênh ngang
Sau cờ đen phất phới?

- Một ông dộng đất
Một ông phất cờ
Một ông vơ cỏ
Một ông bỏ phân?

- Bốn cột đình rung rinh hòn đá
Hai ông tượng đá, hai bà quạt chơi?

- Cái gì trông tựa con voi
Nhưng ngà mọc ngược mà vòi thì không?

* * *

Ở trên chúng tôi đã trình bày một số tục ngữ, ca dao có liên quan đến Con Trâu.

Có thể nói, trong những con vật được dân ta nói đến trong tục ngữ, ca dao, Trâu là con vật được nhắc nhở đến nhiều nhất. Sự nhắc nhở này bắt nguồn từ đời sống gắn bó giữa người nông dân Việt Nam với con trâu qua hơn hai ngàn năm kể từ ngày họ biết dùng sức của trâu bò vào nông nghiệp. Sự nhắc nhở này cũng nói lên tình cảm đặc biệt của người nông dân Việt Nam đối với con trâu, con vật đã gánh vác cho họ những công việc nặng nhọc nhất. Cảm tình đặc biệt này đã nói lên tấm lòng quý mếnn của người nông dân Việt Nam đối với con trâu, và quả thực con trâu rất xứng đáng để nhận lấy tấm lòng quý mến đó.

Los Angeles, cuối năm 1996
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Ghi chú:

(1) Xã Hội Việt Nam, Lương Đức Thiệp, trang 123
(2) Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh, trang 57
(3) Nếp cũ, Toan Ánh, trang 167

* * *

Xem bài khác cùng tác giả tại đây
Xem bài trang "Biên khảo" tại đây
Trở về trang www.nuiansongtra.net  
 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh