Tôi muốn nói đến sự thanh bình của xã Hành Dũng, Huyện Nghĩa Hành và đặc biệt là thôn Kim Thành của tôi thời tôi nhỏ dại; đó là thời kỳ 1955 – 1965. Ngày nay quê tôi và cả đất nước cũng thanh bình song sự thanh bình của ngày nay không giống ngày xưa.
Tổng quan thì xã Hành Dũng (trước khi chia thành 2 xã là Hành Dũng và Hành Nhân) có núi đồi bao bọc 3 hướng giống hình móng ngựa, trừ hướng đông nam từ huyện lỵ Nghĩa Hành (Chợ Chùa) đi lên là không có núi. Giữa xã có dòng sông Phước Giang hiền hòa như cô thôn nữ tươi cười đem lại sự êm đềm mát dịu cho người dân trong xã. Hữu ngạn sông là Nam Dũng có các thôn Bình Nghĩa, Trúc Lâm, Phước Lâm. Tả ngạn là Bắc Dũng có các thôn Đồng Vinh, Kim Thành (Thượng và Hạ), An Sơn, An Phước, An Định, An Hòa.
Tôi được sinh ra và lớn lên tại thôn Kim Thành Hạ, thôn tôi có cả sông và núi. Thời học cấp 2 Trung Học, được học đoản văn của Nhất Linh tả cảnh làng Từ Lâm ngày nay vẫn còn khắc ghi trong tâm trí tôi:
“LÀNG TỪ LÂM
Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt. Núi màu lam, buổi sáng buổi chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một làng nhỏ ở trên đồi, vẻ đặc sắc là rất tĩnh; có con sông con sắc nước trong xanh chảy từ từ trong lòng cát trắng. Tuy không phải là nơi danh thắng: non không cao, nước không sâu nhưng có vẻ đậm đà, điều độ, ân ái dễ xiêu người …”
Làng Kim Thành của tôi giống cảnh làng trong bài văn này lắm! Ở đầu thôn có con sông Giăng (Ven) phát nguyên từ dãy núi Kỳ Lân, đổ vào sông cái Phước Giang. Sông Phước Giang phát nguyên từ huyện Minh Long, phân thành nhiều nhánh rồi đổ vào sông Vệ để ra biển. Cả hai sông đều có sắc nước trong xanh, những buổi trời quang nhìn tận đáy nước. Hai bên bờ sông có hai hàng tre để chống sạt lở, xói mòn. Ra khỏi hàng tre là bãi cát trắng, bên này sông có bãi cát thì bên kia không có, con nước ngẫu hứng chảy xiết về bên này thì tạo bãi cát bên kia. Bờ sông thôn tôi có đoạn có bãi cát và đoạn không. Cát rất sạch và có hạt lớn nhỏ, ít bụi. Những đêm trăng sáng trẻ con trong làng thường tụ tập ở bãi sông để nô đùa như u mọi, làm cọp bắt dê, bỏ khăn đuổi đánh, nhảy dây… Trừ mùa Đông ra các mùa còn lại dòng sông hiền hòa chảy xuôi về Đông. Mỗi buổi trưa hoặc buổi chiều người cùng trâu bò thường ra sông tắm giặt. Nước sông như cuốn đi những cáu bẩn cùng bao nỗi nhọc nhằn của một ngày lao động vất vả. Tắm xong nghe lòng thư thái như người vừa qua cơn bệnh nặng đã ăn được vài chén cháo loãng. Sông có nhiều tôm cá, dân trong xã thường đánh bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ: cái rập, cái nơm và cả cái rổ. Với những phương tiện đánh bắt thế này cá tôm luôn được sống sót và duy trì nòi giống. Ngày nay kỹ thuật đánh bắt tinh vi, người ta chích điện, đặt trái nổ… Những con cá ăn được bị sát hại đã đành, những chú sơ sinh cũng bị vạ lây vì vậy nguy cơ tuyệt chủng là rất rõ ràng.
Thôn tôi không có bàu, các thôn Lâm Sơn, Bình Thành có bàu. Về mùa Đông lũ lụt, cá vào bàu, qua mùa xuân người ta phá bàu trai gái trong làng có dịp bắt tôm cá và nô đùa thỏa thích. Một nhà thơ đã tả cảnh phá bàu như sau:
PHÁ BÀU
Bấy lâu ăn những mắm cùng rau
Nay được làng cho dịp phá bàu
Trai trật quần giăng nơm xuống trước
Gái dầm áo yếm rổ mò sau
Trai mò phải gái e nhằm diếc (1)
Gái đụng nhằm trai tưởng đụng tràu (2)
Tràu diếc ít nhiều chi chẳng sá
Vui chơi một bữa thỏa cùng nhau
(Đỗ Hùng)
Dòng sông Phước Giang còn là nơi tập bơi của trai trẻ trong thôn xã. Đa số con trai con gái các thôn ven sông đều biết bơi lội và họ khá tự tin khi có nước lụt vào nhà hay đi qua những khúc sông sâu hoặc mương, đập có nước lớn.
Về mùa Đông, mỗi khi mưa lụt, nước tràn vào các làng ven sông, cư dân thường phải di tản lên gò cao cách thôn một cánh đồng, ở nhà chỉ còn vài người trai trẻ biết bơi lội để trông nom nhà cửa. Bù lại nỗi khốn khổ về lụt lội, sông cũng mang lại lượng phù sa đáng kể làm tươi tốt ruộng vườn. Mỗi khi nước vào sân vườn, trai trẻ trong làng thường chặt những cây chuối ghép lại thành bè rồi dùng sào chống đi đây đi đó hay đi bắt dế. Những chú dế bị ngập nước phải rời hang bám lên những bụi cây thấp, bị bắt xỏ xâu đem về nướng hay xào ăn với cơm thật thơm ngon.
Bây giờ xin kể về: “Non không cao” của làng quê tôi.
Từ thôn qua một cánh đồng không rộng, hẹp là đến gò và đồi núi: Gò có sỏi đá và những cây chùm chày, mủ giẻ, sim, ổi, chà là. Những loại cây này vào mùa thường cho quả ngon ngọt. Những chùm chà là khi già ăn dẻo, chát, khi chín mọng có màu đen vị ngọt. Người ta rủ nhau đi giủ (hái) bằng cách đưa rổ vào hứng rồi rung nhẹ cho hạt rụng vào. Núi rừng quê tôi còn có nhiều loại muông thú như: Hổ, nai, mang, chồn, cheo, heo rừng, chim cút, chim giẻ, cuốc… thỉnh thoảng xuất hiện những chú công sắc màu sặc sỡ, chim hoàng oanh tiếng hót véo von và chim “bắt cô trói cột” tiếng ca nghe khúc mắc hận thù…
Mỗi sáng mùa Đông mây mù che phủ núi Kỳ Lân, nhìn lên thấy một màu xám bạc lòng như mơ mộng về một cõi thần tiên nào đó trong chuyện cổ tích…
Những phiên chợ (gọi là phiên vì chợ họp vào một số ngày nhất định trong tháng) đàn bà con gái có dịp ăn diện và trổ tài mua bán, có lẽ câu ca dao:
“Trai khôn tìm vợ chợ đông,
. . . . . . . . . . . . . .”
hàm chỉ việc này. Khoảng tháng Chạp có những loại trái cây từ nguồn về như dâu, quít, bứa, cam… Người ta mua ăn và quẳng vỏ ven đường đỏ ối…
Xuân về đất trời và con người như có gì vô hình hòa hợp với nhau. Không khí trong lành, nắng hanh nhẹ, con bướm vàng lảng vảng cành hoa Xuân. Ngoài đồng lúa thì con gái căng tròn thân chuẩn bị trổ bông. Nước chảy róc rách từ thửa ruộng này sang thửa ruộng kia. Cá rô thóc, rô đồng, lia thia, tôm cua xuất hiện. Thấp thoáng đó đây người mò kẻ xúc; xa xa vọng lại câu ca dao:
“Ta đi ta nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”
Một thuở thanh bình như thế đã qua. Thời cuộc đổi thay chóng vánh. Ngày nay sông không còn tôm cá như xưa, núi rừng đã khai thác cạn kiệt, muông thú dường như không còn và mây mù như cũng lảng tránh nơi xa. Khoa học kỹ thuật tiến bộ nhanh đã đem lại lợi ích không nhỏ cho con người nói chung và cho người dân làng xã của tôi nói riêng. Bên cạnh niềm lạc quan về cuộc sống hôm nay, lòng tôi luôn tồn đọng một chút luyến thương tiếc nuối về một phong thái thanh bình của một thời đã qua. Thỉnh thoảng nhớ quê tôi ngâm câu thơ Kiều:
“Đoái thương muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”
(Nguyễn Du)
Câu thơ gợi nhớ gợi thương cho những ai có cuộc sống ly hương và trong một ngày Xuân về nơi tha phương tôi đã cảm tác bài thơ về quê hương mình như sau:
HÀNH DŨNG QUÊ TÔI
- Tạ ơn nơi sinh ra và nuôi lớn đời tôi.
- Thân tặng những ai có cùng quê hương Hành Dũng.
Quê hương: Chủ đề muôn thuở.
Ta dường như vương nợ một đời.
Bắt chước ai ta viết mấy lời.
Tỏ lòng đền đáp nơi ta sanh thành.
Nghĩa Hành tên huyện, Hành Dũng là danh.
Tự ngàn xưa phong thổ chắc không lành.
Đông về bão lụt, Hè về cháy khô.
Ông cha ta cầu nguyện tự thuở mô.
Nghe tên thấu hiểu ý đồ người xưa.
An Sơn, An Định, An Phước, An Hòa.
Trúc Lâm, Bình Nghĩa, Kim Thành, Đồng Vinh.
Cầu Cây Sanh soi bóng nước lung linh.
Ai đó ví von là phiên bản của Khe Sanh.
Đã qua rồi một thời chinh chiến (1)
Đường An Sơn tre lả ngọn dịu hiền.
Bên dòng nước Phước Giang trong vắt.
Cầu Bến Lở bên nào bồi, lở?
Hay nhường nhau thì lỡ bước nhau chăng?
Tam Bảo xưa, nay đã đổi tên
Thành chợ xã mang danh Hành Dũng.
Kim Thành Hạ một vùng đất trũng.
Dâu tằm xanh nong kén vẫn quay đều.
Cầu Sông Giăng in bóng nước liu riu.
Như ru ngủ lúa, ngô ven sông nước.
Hố Bà Năm đâu còn tối tăm thuở trước.
Ánh điện về tỏa sáng át vầng trăng.
Long, Phụng, Qui chừ đi đâu trống vắng,
Để Kỳ Lân đơn lẻ ngước nhìn mây? (2)
Yên Ngựa ai nằm đợi mãi nơi đây?
Hay Phù Đổng lướt qua, sa yên lại đó?
Núi Hồng Bà thoảng màu đất đỏ.
Dấu vết chiến tranh trút bỏ lâu rồi (3)
Gò Mu Rùa vẫn lì phơi dưới nắng.
Thân xác đâu mà mai lạc nơi đây?
Đường bê tông, trường lớp mới vừa xây.
Thôn xóm cũ giờ thay da đổi thịt.
Đã xa rồi cái thời con nít
Đánh trỗng, bắn bi, bắt nẻ, chăn bò (4)
Tiết Đông về rét mướt mẹ co ro.
Chân bết đất đi mò cua bắt ốc.
Mùa Hạ đến cháy khô đồng cỏ.
Nước mương, sông không đủ tắm trâu bò.
Nay qua rồi một thời khốn khó.
Quê hương ta giờ lịch sử sang trang
Đông lại về lũ lụt nước mênh mang
Mang màu mỡ đất thêm căng nhựa sống.
Khi Hạ đến gieo trồng ta chủ động.
Nước mương, kênh tẩm mát luống cày sâu.
Giống lai tạo cây trồng tăng sản lượng.
Sau vụ mùa còn âm hưởng tiếng “bội thu”.
Ti vi màu mẹ mê khúc cải lương.
Cha chiều mẹ đi tìm xem bóng đá.
Hạ đi qua rồi Thu, Đông hối hả
Cùng đi qua, để trả lại mùa Xuân.
Bình minh lên đến tận buổi hoàng hôn.
Quê tôi vẫn bình yên nhịp sống.
Khách tha hương khi xuân về trong mộng
Luống chập chờn, xuyến động bóng hình quê.
Xứ Đồng Nai trước thềm Xuân Ất Dậu (2005)
Ghi chú:
(1) và (2) người dân xứ Quảng nói lóng về âm hộ và dương vật.
Ghi chú về bài thơ:
1/ Cầu Cây Sanh: đã xảy ra nhiều lần tranh chấp thời chia đôi đất nước (1954 – 1975).
2/ Bộ tứ linh gồm 4 con vật quí: Long, Lân, Qui, Phụng. Ở đây chỉ có Lân.
3/ Núi Hồng bà thời chiến tranh (1954 – 1975) quân đội chế độ cũ đã chiến giữ ở đây rất lâu.
4/ Con nít thời nay chơi trò chơi điện tử, banh bàn...
Tân Phú, ngày 27 tháng 5 năm 2012
Chu Thiên Tử
* * *
Xem bài khác cùng tác giả tại đây
Xem bài khác cùng chủ đề tại đây
Trở về trang www.nuiansongtra.net