Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
CHUNG HỘI KHÁC THUYỀN
TRÀM CÀ MAU


Một hôm, vợ của Hùng ngứa mắt vì thấy cây mận đứng ngang phè giữa sân sau mà xả trái chín xuống, làm ô uế, dụ lũ ruồi nhặng vo ve bay lượn không ngớt. Bà xuống lệnh cho Hùng, phải cấp tốc dời nó vào góc vườn, không thì triệt hạ nó đi đừng thương tiếc. Khó mà tàn nhẫn với cái cây đã chung sống bốn năm năm trong vườn nầy, Hùng xắn tay, hì hục đổ nước cho đất mềm, đào xới đến vã mồ hôi như tắm mà cái hố vẫn nông sờ. Bàn tay anh quen cầm bút quơ quào trên giấy, chưa quen cầm cuốc xới đất. Hùng thấy nản vô cùng, không biết đào cho đến đời kiếp nào, mới xong đây.

Vợ Hùng thấy chồng chán ngán đứng thở dốc, bèn đưa ý kiến:

-“Hay là, anh xẹt ra phố rước một ông Mễ về dời cây, và nhân tiện nhờ thanh toán luôn đám cỏ dại, dọn dẹp sạch sẽ cho nguyên cả khu vườn như hoang phế nầy. Bỏ ra chút tiền mà mình khỏi “lao động vinh quang” đỡ khổ cái thân già.”

Hùng vỗ tay đánh bốp mà nói:

-“Cao kiến. Cao kiến. Các bà khi nào cũng trông rộng nhìn xa, nhưng có điều… tiểu không qua ngọn cỏ. Thuê người nhập cảnh lậu, có là việc làm bất hợp pháp không, nếu bị lôi ra tòa thì phiền lắm. Không biết có bị tù tội chi không, có lẽ không nên giỡn mặt với pháp luật. Mình sống nhờ ở đất nước người ta, thì có lẽ nên răm rắp tuân thủ và tôn trọng luật pháp. Không nên đùa.”

Vợ Hùng cười ha hả, và nói lớn:

-“Anh quên rồi chăng? Anh đã nhập tịch rồi, thì bây giờ đất nước nầy là của anh, không còn là đất nước người nữa. Và nếu chẳng ai dám thuê Mễ nhập cư lậu, thì làm sao mỗi năm họ lẻn qua biên giới Mỹ hơn cả triệu người? Qua làm chi? Để chết đói sao? Báo đăng, chỉ riêng thành phố Tucson tiểu bang Arizona thôi, trong tháng Giêng năm 2005, lính biên phòng chộp được 35.700 người vượt biên giới. Chỉ một đoạn biên giới ngắn ngủi đó tại Tucson mà đã bắt được chừng ấy người trong một tháng, thì suốt chiều dài vạn lý 1951 dặm của biên giới, tức 3141 cây số, biết bao nhiêu người luồn qua, mà đếm cho xuể? Nếu không có Mễ nhập lậu vào Mỹ, thì mình làm chi có rau ráng, trái cây rẻ rề mà ăn đây? Mình cứ vớt Mễ về đào đất cho khỏe, không lẽ thuê người ta làm việc mấy tiếng đồng hồ, mà dám mở miệng hỏi giấy tờ hợp lệ của họ? Ngay cả mình, khi đi ra đường, có ai cắc cớ hỏi giấy tờ hợp lệ, e cũng không chứng minh nổi”.

Nghe vợ nói cũng có lý, vã lại hai bàn tay chưa chi đã rát buốt, đỏ lòm. Hùng để nguyên áo quần xốc xếch, xách xe chạy ra khu người Mễ đang đứng lóng ngóng chờ việc làm. Vừa đậu xe lại bên lề đường, thì đã có năm sáu anh Mễ chạy lại đòi lên xe. Hùng hé cửa kiếng xuống, và đưa một ngón tay lên, ra dấu rằng anh chỉ cần một người thôi.

Bỗng mấy anh Mễ nầy vô cớ nổi giận, la lối ồn ào, và dùng tay chân đấm, đá vào thùng xe rầm rầm. Khiếp quá, Hùng rú xe vù chạy, không dám nhìn lại, và không hiểu sao họ tức giận. Về đến nhà, tim chưa hết đập hỗn loạn, thì gặp anh bạn hàng xóm. Hùng kể cho anh nghe câu chuyện, anh cười và nói:

-“Chết rồi! Anh đưa một ngón tay lên, tức là anh chửi “Đ.M.” họ. Họ không đập vỡ kiếng xe anh là may lắm rồi. Hay để tôi chạy ra thuê thử cho anh một người xem.”

-“Thôi, thôi, tôi sợ lắm rồi.”

Anh hàng xóm trấn an, và xách xe đi. Một lúc sau chở về một anh người Nam Mỹ, thân thể có bề ngang, da xạm đen, khỏe mạnh. Anh hàng xóm hớn hở nói:

-“Rất hiếm người Mễ nói được tiếng Anh giỏi như anh nầy. Khỏi phải nói chuyện bằng tay, đỡ mệt lắm.”

Lần đầu tiên thuê Mễ làm việc, cũng hơi ngại, Hùng pha ly cà phê mời. Anh Mễ lắc đầu không uống. Khi Hùng hỏi có uống trà không, thì anh gật đầu. Hùng hỏi anh Mễ:

-“Bên Mễ, anh ở thành phố nào?”

-“Tôi không phải người Mễ. Tôi là người Nicaragua”

Hùng cười, giả vờ nói:

-“Tôi biết xứ anh, cũng một thời theo “xã hội chủ nghĩa tiên tiến”. Sung sướng, tiến bộ, hạnh phúc lắm”

-“Không phải đâu. Chán lắm. Bọn đó nói thì nghe rất bùi tai, nào là công bằng, ấm no, dân chủ tự do. Nhưng rồi không có gì cả, toàn láo. Nắm được quyền, chúng nó thẳng tay đàn áp nhân dân. Kinh tế trở thành lụn bại. Đói rạc, và thiếu thốn đủ thứ. Bất công hơn ngày trước nhiều lần. Giai cấp hủ lậu. Bây giờ hết Cọng sản rồi, đời sống dễ thở hơn lắm lắm”

-“Anh nói đời sống dễ thở hơn, sao anh không ở lại, mà bỏ xứ qua đây? Theo tôi nghĩ, thì thời xã hội chủ nghĩa, đời sống khá hơn thời kinh tế tư bản.”

Anh “Mễ” nhìn Hùng bằng ánh mắt hơi giận hờn. Anh kể cho Hùng nghe đời sống trong thời đi theo xã hội chủ nghĩa của xứ anh. Hùng ngồi nhổ râu cằm mà cười. Thì ra, xứ nào cũng bổn cũ soạn lại. Nào là tước đoạt nhà máy, cơ sở thương mãi, cướp ruộng đất, nhà cửa và tài sản của dân chúng. Sau một thời gian ngắn, nhà máy thì hư hỏng, ngưng trệ, không sản xuất được nữa. Ruộng vườn thì bỏ hoang, đất không ai cày cấy, trồng trọt. Mùa màng thất thu. Trại chăn nuôi thì trâu bò xơ xác, gầy còm. Mua bán lương thực, nhu yếu phẩm theo theo tem phiếu, theo sổ, theo phần. Cán bộ chiếm xe, chiếm nhà. Cả xứ đi vào đói khổ, thiếu thốn.

Nghe giống y hệt như cái xã hội Việt Nam của thời Hùng đã sống. Hùng giả vờ nói tỉnh bơ:

-“Tôi không tin. Nhà cửa, mình đứng tên chủ quyền, ai mà cướp đi được, kiện ra tòa cho sặc gạch đi chứ. Nhà máy, thì có thể quốc hữu hoá, vì đó là tư liệu sản xuất, phải trả lại cho nhân dân lao động làm chủ. Nhưng tôi không tin khi lao động được làm chủ rồi, mà tình trạng sản xuất trở thành tồi tệ. Tôi nghĩ là mức sản xuất sẽ gia tăng, tình trạng nhà máy khá hơn, vì tinh thần người công nhân lên cao. Họ làm cật lực hơn, và trách nhiệm hơn, để bảo vệ tài sản chung đã vào trong tay của họ”

Anh “Mễ” nhìn Hùng với ánh mắt tràn đầy thất vọng. Anh thở dài. Có lẽ anh nghĩ rằng, khó mà nói cho Hùng hiểu được. Anh nói thêm, giọng rất yếu ớt:

-“Thời đó đi lại cũng thành khó khăn, cấm đoán. Phải có giấy tờ do công an, cảnh sát cấp, mới được đi. Đủ thứ cấm đoán, ức chế.”

-“Vô lý, Tại sao cấm đoán đi lại? Ai muốn đi đâu thì đi, cấm đoán làm chi? Mục đích gì? Tôi cũng không tin có chuyện ly kỳ nầy đã xẫy ra. Mà khi chính quyền về tay nhân dân rồi, thì dân chủ gấp vạn lần trong chế độ tư bản. Ai cấm đoán ai, ai ức chế ai?”

Anh “Mễ” có vẽ chán ngán, không muốn nói chuyện nữa, nốc cạn chén trà, rồi đứng dậy:

-“Thôi, thôi. Chuyện thật, nhưng người bình thường thì khó tin được. Bây giờ, anh muốn tôi làm việc gì đây?”

-“Anh phụ tôi đào đất, dời cây mận nầy qua góc vườn.”

Hùng cười thầm và nhớ lại cái thời anh mới đến Mỹ, kể cho ai nghe chuyện thật tại Việt Nam, họ cũng có vẻ không tin, và nhìn anh với ánh mắt nghi ngờ. Có lẽ họ tưởng bịa chuyện, để biện minh cho sự có mặt của anh nơi đây. Sau đó, Hùng không còn hứng thú kể những sự thực thậm vô lý đã xẩy ra trên quê hương Việt Nam.

Hùng thấy phong thái anh nầy thong dong, nhàn nhã, xắn từng lác xẻng, đúng với tinh thần và dáng điệu của ngưòi đã sống lâu năm trong xã hội chủ nghĩa. Tội chi mà làm gấp, làm nhiều cho mau mệt? Sau khi anh “Mễ” đào xong hố đất, và chuẩn bị bứng cây qua nơi mới, Hùng đưa tay ra dấu nghỉ và nói:

-“Tạm nghỉ tay uống nước đã. Tôi quên chưa hỏi tên anh là gì?”

-“Tôi tên là Joaquin”

-“A, Joaquin. Tên đẹp quá. Bên xứ tôi, đọc ra là Hoa Quỳnh. Một loài hoa quý, nở về đêm”

-“Anh ở xứ nào đến đây?”

-“Việt Nam.”

Anh “Mễ” à một tiếng, và lặp lại hai tiếng Việt Nam. Tròn mắt nhìn Hùng và hỏi:

-“Các anh đã đánh thắng Mỹ. Anh có từng ở trong đảng Cọng Sản không?”

-Hùng cười, hỏi lại:

-“Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”

-“Vì lối nói của anh giống cọng sản lắm. Người cọng sản nào cũng chỉ một luận điệu. Nhưng việc làm của họ thường khác với lời họ nói.”

Hùng rót nước cam và đưa bánh ngọt mời anh Joaquin. Trông anh có vẻ hơi buồn. Hùng không muốn làm anh mất vui, nói:

-“Tôi không theo cọng sản, nhưng tôi có đọc sách về cọng sản”

Mắt anh Joaquin sáng lên, cười và nói:

-“Đó, đó. Tai họa của nhân loại là ở chỗ đó. Đọc sách, nghe nói, và tưởng tượng, rồi dắt nhau vào khốn đốn. Phải sống, từng trải, anh mới biết sự thực nó ghê sợ đến mức nào. Anh đã đọc cuốn Quần Đảo Ngục Tù của tác giả người Nga tên là Aleksandr Solzhenitsyn chưa? Ông ấy đã được tặng giải Nobel.”

Hùng giật mình, thì ra anh chàng Joaquin nầy cũng là một người có học, đọc sách nhiều. Có thể là một trí thức lưu lạc, đi tìm cơm áo. Dù đã đọc ba bốn lần cuốn sách đó rồi, Hùng giả vờ nói:

-“Chưa. Tôi không biết cuốn sách đó viết gì.”

-“Anh nên tìm đọc, để nhìn thấy sự thực nhiều mặt.”

Dù anh Joaquin nầy làm việc chậm chạp, nhưng Hùng cũng thấy thương và quý. Thật đúng là “Người cùng một hội, một thuyền đâu xa”. Chắc anh cũng đã chịu nhiều hệ lụy trong suốt thờì gian đất nước anh lâm nạn cọng sản cai trị.

Buổi trưa, vợ Hùng dọn hai diã cơm cho chồng và anh Joaquin cùng ăn bên bàn nhỏ ngoài sân. Mỗi diã có đùi gà lớn, nấu với đậu màu xanh, thêm một miếng thịt bò chiên và rau xà lách. Có cam và chuối tráng miệng. Hùng mở tủ lạnh, lấy bia mời Joaquin uống. Hai người ngồi ăn dưới bóng cây bưởi sum sê, mùi hương thoang thoảng dễ chịu.

Ăn xong, anh Mễ định lấy cuốc ra làm tiếp, Hùng đưa tay ngăn lại, nói:

-“Nghỉ ngơi chút đã. Ăn no không nên làm liền. Mệt.”

Hùng kéo cái ghế xếp bận ngữa, bảo anh “Mễ” nằm nghỉ chốc lát cho khỏe, rồi dậy làm. Trước khi bắt tay lại vào công việc, Hùng mời anh Mễ uống thêm lon nước ngọt. Buổi chiều, dù cho trời nóng bức khó chịu, anh “Mễ” cũng làm việc hăng hái, làm hùng hục, không còn thái độ tà tà như buổi sáng. Khoảng hai giờ rưỡi chiều, Hùng ra hiệu cho anh Mễ rửa tay, và mời một ly kem. Vợ Hùng kéo Hùng vào nhà và nói:

-“Sao anh phí phạm thế? Kem nầy là loại đắt nhất, mua cho mình ăn, chứ không phải ai cũng đem ra mà đãi. Anh đãi ông Mễ nầy còn hơn cả Tào Tháo đãi Quan Công nữa. Buổi trưa còn đem ghế xếp ra mời nằm nghỉ. Mình đi làm, buổi trưa có được ghé lưng nằm phút nào đâu. Mình thuê họ để làm việc, chứ đâu phải thuê để mình hầu hạ, bưng quà dâng nước cho họ.”

Hùng cười, nói với vợ:

-“Mình tử tế với người ta, mất chút chút, không đáng kể, mà đem lại nguồn vui cho họ. Để họ bớt mặc cảm thua kém. Nếu mình đi làm việc, mà người ta tử tế, đối xử lịch sự, thì mình có vui, có hết lòng để làm việc hay không? Em xem, buổi sáng anh Joaquin nầy làm việc tà tà, mà chiều nay làm hùng hục, hăng hái, làm xong cả một cái vườn sau, mà mình tưởng phải tốn ít nhất là vài ngày. Mình đối xử đầy đặn với họ, tôn trọng họ, thì tự nhiên họ phải tử tế lại với mình.”

Buổi chiều, dù công việc chưa xong, Hùng cũng cho anh Mễ nghỉ sớm, rửa tay và ngồi uống nước ngọt và nói chuyện. Hùng hỏi anh Mễ về cuộc vượt biên giới vào nước Mỹ, bằng cách nào, có khó khăn lắm không? Anh cho biết là khi muốn vào Mỹ, cũng phải dành dụm, vay mượn một số tiền khá lớn, để di chuyển, ăn uống dọc đường, và đóng tiền cho tổ chức vượt biên giới. Đi xe hàng, xe buýt từ Nicaragua băng nước Guatamala, rồi băng qua nước Mexico, đến biên giới Mỹ. Ở đây, liên lạc với các tổ chức hướng dẫn đưa người đi. Phải trả tiền trước. Trả nhiều tiền hay trả ít tiền tùy theo mức độ tin cậy. Bọn đưa người vượt biên giới nầy, đa số là bọn lưu manh, cướp bóc và vô trách nhiệm. Có khi chúng giết người, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái. Nhưng cũng phải nhờ chúng đem đi. Chúng đưa qua biên giới, rồi mình phải tự tìm đường mà đi. Chết đói, chết khát giữa sa mạc là chuyện thường tình, phải chấp nhận. Bị lính biên phòng săn đuổi, bắt bớ.

Trường hợp của Joaquin thì phải vượt biên giới hai lần mới thoát. Lần thứ nhất, bị bại lộ, phải chạy tán loạn giữa đêm khuya. Lần thứ hai, nhờ có bản đồ của các cơ quan nhà nước Mexico cung cấp miễn phí, cho biết ở nơi nào có nước uống, và đường đi an toàn hơn. Phải mất nhiều ngày đi bộ băng qua sa mạc, vừa đi vừa ẩn núp lẩn trốn lính biên phòng. Chịu đói ngất, chịu khát cháy cổ. Trong toán người đi cùng anh, có người khát quá, hoá điên dại, nhảy múa, la hét, rồi ngã lăn ra mà chết. Không ai đủ sức dìu ai. Cuối cùng, lẻn vào được thành phố khi ban đêm, trà trộn với dân chúng. Từ đó bắt đầu theo các cư dân đi làm nông nghiệp. Rồi đi dần lên phía Bắc. Khi đã vào được đất Mỹ rồi, thì khỏi lo bị bắt. Vì hình như chính quyền không thèm để ý đến vấn đề. Hoặc vì dân nhập lậu đông quá, bắt không xuể, không có nơi giam cầm, tốn kém. Hằng ngày họ ra đường đứng khơi khơi, ai cũng biết là dân nhập cư bất hợp pháp, xe tuần tra cảnh sát đi qua thường xuyên, cảnh sát cũng lờ luôn. Hoặc là họ không có nhiệm vụ bắt giữ ai, nếu không phạm pháp.

Hùng lái xe đưa anh Joaquin về nhà. Anh hỏi ngày mai có thuê làm việc không? Hùng lắc đầu, bảo rằng ngày mai, anh phải đi làm. Một thoáng buồn và chịu đựng vương qua ánh nhìn của Joaquin. Hùng thấy thương hại.

Mấy tháng sau, khi trời bắt đầu vào Thu, vợ Hùng thấy nước sơn bên ngoài của căn nhà đã tróc lở sần sùi sau nhiều năm dầm mưa dãi nắng. Vợ Hùng muốn sơn lại, để tránh ẩm mục, và làm cho dáng vẻ bên của căn nhà ngoài bớt tiêu điều tội nghiệp. Nhiều nhóm thợ đến ước tính tiền công và cho giá khác nhau. Có giá cao gấp đôi, nhưng cái giá thấp nhất, cũng làm cho vợ Hùng ngần ngại khi phải chi tiêu một số tiền khá lớn như vậy. Ông anh em cột chèo của Hùng nói rằng, sơn nhà thì dễ như chơi, tự làm lấy cho đỡ tốn kém, tội chi thuê ai. Thợ sơn thì làm cho xong, mà lấy tiền chạy. Họ sơn không kỹ lưỡng và không tốt bằng mình tự sơn lấy. Anh nầy hứa sẽ đến phụ giúp và hướng dẫn việc sơn nhà.

Hùng đo đạc, tính toán diện tích cần sơn, và mua đủ dung lượng các loại sơn thượng hạng, đắt nhất. Vì theo kinh nghiệm của nhiều người, tiền công là đắt, tiền sơn không bao nhiêu, mua thứ sơn tốt nhất, thì vừa đỡ tốn công sơn nhiều nước, mà lại bền. Hùng mua đủ các loại dụng cụ cần thiết, như con lăn, cây sơn, giấy dán. Người anh em cột chèo chỉ nói thôi, chứ không thực sự giúp sức. Chờ hoài không được, Hùng phải xắn tay tự sơn lấy. Thì ra sơn nhà, cũng không khó khăn chi, mà cũng không quá đơn giản. Hùng cần mẫn, tỉ mỉ sơn phết. Vừa làm vừa nghe nhạc, vừa mơ mộng, ngâm thơ. Khi mệt thì nghỉ ngơi, uống nước trà, ăn bánh, cà phê. Bà vợ của Hùng ra phụ chồng sơn nhà. Chỉ một lúc sau, mệt quá, vợ Hùng ngồi thở dốc và nãy ra ý mới:

-“Anh Hùng ơi, sao không đi rước một ông Mễ về phụ sơn. Tội chi mà làm một mình cho mệt?”

-“Phải rồi. Thế mà anh không nghĩ ra. Sơn thì dễ ợt, lăn cho đều, ai mà không làm được.”

Hôm sau, Hùng xách xe ra khu Mễ chờ việc. Hùng chọn được một anh Mễ nói tiếng Anh rất khá, dáng người thon, cao, có thể hợp với công việc sơn phết, cần vói tay lên cao. Anh nầy nói giỏi, đỡ phải ra dấu khó khăn trong khi nhờ vả. Hùng trả tiền công cao hơn giá thị trường chừng mười lăm, hai mươi phần trăm cho dễ thuê, và để cho người được thuê cảm thấy vui trong lòng, mà làm việc chăm chỉ hơn. Sau khi thỏa thuận giá, Hùng mở cửa xe cho anh Mễ bước lên. Hùng lên tiếng trước:

-“Chào anh. Có khoẻ không? Tôi tên là Hùng, anh tên gì?”

-“Khoẻ. Tôi tên là Carlos.”

-“Anh đến Mỹ lâu chưa mà nói tiếng Anh giỏi quá.”

-“Tôi đến Mỹ được sáu năm rồi.”

-“Bên xứ Mễ anh ở thành phố nào?”

-“Tôi không phải người Mễ. Tôi là người Columbia. Anh biết Columbia không?”

-“Biết, biết, xứ anh nổi tiếng lắm.”

Hùng không dám nói xứ Columbia nỗi tiếng về bạch phiến, sợ anh nầy buồn. Hùng quay xe ngược lại về phía quán bán thức ăn Mễ, đưa tiền cho anh Carlos, nhờ mua ba cái bánh bắp “ta-ma-lề”. Loại bánh gói bằng lá bắp, bên trong có bột bắp xay nấu với thịt.

Về đến nhà, Hùng kéo ghế mời Carlos ngồi vào bàn thấp sau vườn. Hai người cùng ăn bánh. Carlos hai cái, Hùng một cái. Ăn xong, Hùng vào bếp pha hai ly cà phê thơm. Hùng hỏi thăm đời sống bên xứ Columbia. Carlos nói:

-“Xứ tôi còn nghèo và nhiều bất công. Người bóc lột người. Cần có một cuộc cách mạng triệt để. Thay đổi hoàn toàn chế độ xã hội. Phải thay đổi mạnh như xứ Cuba mới được. Nhưng chưa có lãnh tụ can trường, và còn bị các thế lực tư bản đánh phá.”

-“Có phải anh muốn nói rằng xứ anh cần làm một cuộc cánh mạng cọng sản?”

-“Phải. Chỉ có con đường duy nhất đó thôi. Không còn con đường nào khác.”

Hùng hơi buồn, hỏi thêm:

-“Anh hiểu sao về cọng sản? Anh có thể nói cho tôi nghe được không?”

-“Cọng sản đem đến công bằng, no ấm cho nhân dân. Mọi người dân đều được đi học. Bệnh viện miễn phí cho tất cả mọi người. Tài sản chung của nhân dân, không còn ai bóc lột ai. Mỗi người dân sống xứng đáng và có tư cách hơn.”

Hùng thấy thương hại cho Carlos, có lẽ anh nầy có lý tưởng, có lòng tốt, nghĩ đến quê hương đất nước anh. Hùng biết rất khó để thuyết phục bất cứ ai, khi trong đầu họ đã có định kiến. Hùng hỏi:

-“Anh nghĩ sao khi Nga Sô đi theo con đường Cọng Sản đã hơn bảy mươi năm, mà rồi cũng tan rã, sụp đổ. Không lẽ họ khước từ công bằng, ấm no hạnh phúc?”

-Anh Carlos hơi lúng túng, trả lời:

-“Có lẽ nguyên nhân chính của sự sụp đổ trong xứ Liên Xô là vì chia rẽ nội bộ, và các thế lực tư bản bên ngoài đánh phá.”

-“Còn các xứ cọng sản Đông Âu khác, cũng đã thôi, không theo chế độ cọng sản nữa. Người ta đã theo bao nhiêu năm, thấy không hiệu quả, phải bỏ đi. Thế mà xứ anh, thì mơ ước được đi vào con đường bí lối đó. Anh nghĩ sao?”

Carlos nói với sự tin tưởng:

-“Cọng sản là chế độ tất yếu của tương lai, là đỉnh cao nhất của văn minh nhân loại. Rồi anh sẽ thấy, không lâu nữa, thì nước Mỹ nầy cũng sẽ thành cọng sản.”

Hùng ngữa mặt lên trời mà cười, nghĩ là không nên nói chuyện với đầu gối. Nhưng tò mò, Hùng hỏi thêm:

-“Anh nghĩ sao về những người như Stalin bên Nga và Mao Trạch Đông bên Tàu ?”

-“Họ là những lãnh tụ vĩ đại. Họ đã đóng góp lớn lao cho hạnh phúc của nhân loại.”

Chán ngán quá, Hùng nói lớn:

-“Thôi, chúng ta đi làm việc, trễ lắm rồi.”

Calos vác cái thang mà cũng lúng túng, gác cái thang lên tường cũng không vững. Anh nầy không biết sơn. Hùng chỉ cho anh cách đổ sơn ra khay, cách nhúng con lăn, và đưa cho anh một tấm ván ép để thực tập trước khi sơn lên tường. Sau khi khá thuần thục, mới cho sơn thực thụ. Một lúc sau, thấy Carlos quá vụng về, sơn trên tường thì loang lổ, chảy dài từng giòng cộm lên. Sơn rơi rớt vung vãi trên sàn xi măng quanh tường. Vợ Hùng thấy mà lắc đầu chán ngán, bà phàn nàn:

-“Anh Hùng, thuê người sao không lựa chọn? Cái anh Mễ nầy vụng về và chậm chạp quá.”

-“Em nói hay chưa? Làm sao biết anh nào giỏi, anh nào dở mà lựa? Anh nầy làm việc vụng về, nhưng rất giỏi về lý thuyết Mác Lê. Rất hồng. Hồng hơn chuyên kia mà. Em chưa biết đó thôi, anh nầy là một vốn quý của xã hội chủ nghĩa thế giới, là một lãnh tụ tài ba trong tương lai của xứ anh ấy.”

-“Thôi thôi, anh đừng nói tào lao mà tôi điên tiết lên bây giờ.”

Hùng thấy việc sơn nhà không hợp với khả năng của Carlos, mà cho anh thực tập cũng không có kết quả. Anh giao cho Carlos cây bàn chải sắt, và con dao cạo sơn, yêu cầu anh cạo những nơi sơn tróc lở. Carlos khoan thai cạo sơn làm bụi mù bay và những mãng sơn tróc vẫn còn đeo tòn ten trên tường. Hùng phải cạo lại, làm sạch mới sơn được. Khoảng mười giờ, Hùng yêu cầu Carlos tạm nghỉ, rửa tay ăn dặm. Hùng dọn ra hai dĩa có bánh, có chuối, quýt và nước ngọt, đặt trên bàn dưới bóng cây để mời khách. Hùng hỏi Carlos:

-“Anh có chân trong đảng cọng sản không?”

-“Có. Tôi là thành phần nòng cốt của chi bộ hải ngoại.”

-“Mỗi tháng anh có họp chi bộ, có học tập, có kiểm điểm ưu khuyết điểm không?”

-“Có. Sinh hoạt thường trực.”

-“Anh có biết đời sống bên xứ Cuba không? Anh nghĩ sao về dân tình của xứ đó?”

Mắt Carlos lóe niềm vui, nói:

-“Đó là một xã hội gương mẫu cho các quốc gia chậm tiến Nam Mỹ. Nhân dân sống xứng đáng trong nhân phẩm, không bị tư bản bóc lột. Nhà nước bảo vệ nhân dân. Được đi học miễn phí, bệnh viện miễn phí.”

-“Anh có biết dân Cuba sống đói rách và cơ cực lắm không? Có biết lương một giáo sư đại học gom lại trong hai năm mới mua được một cái đồng hồ đeo tay không? Có biết nhà cửa họ hư nát tồi tàn ra sao không? Có biết ước mơ của đại đa số dân họ ra sao không? Anh có biết tài sản riêng tư của chủ tịch Fidel Castro có mấy trăm triệu đô-la không?”

-“Đó chỉ là tuyên truyền, bóp méo đời sống hạnh phúc tốt đẹp của xứ Cuba, do bọn tư bản tung ra mà thôi. Những người anh hùng như Fidel Casto xứng danh là cha già của dân tộc họ.”

Hùng bình tĩnh, nhìn thật sâu vào mắt Carlos và nói:

-“Một người có lý tưởng, có ý thức về quốc gia dân tộc như anh, là một người tốt, đáng qúy, đáng trọng. Lý tưởng có khi rất xa thực tế, và nếu lý tưởng sai lầm, thì là đại họa cho dân tộc, cho thế giới. Nếu anh cho rằng, xã hội cọng sản xứ Cuba là gương mẫu cho các nước Nam Mỹ, thì tôi thành thực khuyên anh, tìm đủ mọi cách, đến Cuba, và sống với dân họ chừng một hai năm, để biết rõ đời sống đích thực của họ. Rồi một mai, nếu đảng của anh tranh thủ nắm được chính quyền, thì đem những điều tốt đẹp trong xứ đó ra áp dụng cho nhân dân xứ anh, và tránh cho dân của anh những điều không tốt mà anh đã kinh nghiệm ở Cuba. Chưa thực sự sống trong chế độ cọng sản, thì ý thức còn mơ hồ lắm. Anh nhớ lời tôi, ráng đi Cuba một chuyến để tìm hiểu sự thực.”

Vợ của Hùng, đứng bên cửa sổ, lắng tai nghe, rồi nói lớn, vọng ra bằng tiếng Việt Nam:

-“Anh không cần phải tử tế, lịch sự, đãi đằng những loại người cọng sản đó. Họ sẵn sàng giết hàng trăm hàng triệu người khác, để củng cố quyền lợi cho cá nhân, cho đảng của họ. Với họ, chỉ có dối trá, lường gạt, căm thù, đấu tranh. Không có tình người. Khi nắm được quyền lực trong tay, thì họ đàn áp, khủng bố không khoan nhượng. Anh nói làm chi với hạng người đó cho uổng công. Thà nói chuyện với không khí còn hơn. Họ có nghe lời anh nói đâu. Phí sức vô ích.”

Hùng chạy vào, dịu dàng nói với vợ:

-“Anh chàng Carlos nầy cũng chỉ là nạn nhân của tuyên truyền, của dối gạt, của mơ tưởng hão huyền. Mình phải tôn trọng niềm tin của kẻ khác, dù niềm tin đó không đúng. Chỉ nên hướng dẫn họ, để họ tự tìm thấy sự thực, rồi họ tự đổi thay. Mình không thay đổi ai được đâu.”

Vợ Hùng chưa hết bực mình, nói tiếp:

-“Anh tưởng đám lãnh tụ cọng sản trên thế giới không biết họ đi sai đường? Không biết nhân dân đói khổ, kinh tế lụn bại, đất nước thoái hậu? Không biết dân họ bị khủng bố, áp bức kềm kẹp và đau khổ hơn bao giờ hết? Họ biết, biết hết, và biết rất rõ nữa. Nhưng vì quyền lợi cá nhân, quyền lợi đảng phái, phe nhóm. Họ cố bám chặt và sẵn sàng giết chết, loại bỏ cả những người đồng chí thân cận nhất của họ. Giết hàng triệu người dân vô tội, giết trực tiếp và gián tiếp. Như ông Stalin bên Nga, ông Mao bên Tàu và các ông Kim, ông Castro, ông Caucescu, cùng một thứ như nhau cả. Theo tôi nghĩ, thì xưa nay, chưa hề có cọng sản thực sự trên thế giới, mà chỉ có bọn giả cọng, bọn ngụy cọng, đem chiêu bài ra mà dụ dỗ những người nhẹ dạ, những người ngu dốt, và tai hại nhất, là bọn thanh niên, trí thức lãng mạn hão huyền. Khi đã vướng vào, thì khó gỡ ra lắm.”

Hùng bỏ ra vườn, tiếp tục sơn tường. Carlos tiếp tục cạo sơn. Dù biết anh nầy là cọng sản, Hùng vẫn tiếp đãi Carlos tử tế như mọi người khác, mời ăn, mời uống, nói chuyện vui vẻ. Buổi chiều, vợ Hùng phàn nàn:

-“Cái ông Carlos nầy làm việc chậm chạp, luộm thuộm, vụng về.”

Hùng cười, nói với vợ:

-“Đó là cái vốn quý của các bậc lãnh tụ. Không làm được gì hết, mà chỉ nói thôi.”

-“Ông nầy vô trách nhiệm. Khi nào không có anh, thì Carlos cũng nghỉ tay, không làm việc. Không trông chừng, không kiểm soát, thì không làm”

-“Đó là thái độ khôn ngoan của người cọng sản. Tội chi làm việc cho nhiều, cũng chỉ lãnh được chừng đó tiền công mà thôi. Không để cho ai bóc lột sức lao động của họ.”

Buổi chiểu, trả tiền công và đưa Carlos về, anh nầy hỏi ngày mai có làm việc không? Hùng lắc đầu và nhắc lại với Carlos rằng, nếu anh còn đi theo con đường cách mạng, thì bằng mọi giá, ráng qua Cuba một chuyến, tìm hiểu cặn kẽ những ưu khuyết điểm của xứ nầy, rồi mai đây, đem về áp dụng cho quê hương anh.

Hôm sau, Hùng rước về một anh Mễ khác, anh nầy còn trẻ, ăn mặc bảnh bao, đầu chải láng mướt như các tài tử chiếu bóng của nhiều thập niên trước. Cổ đeo dây chuyền, tay mang đồng hồ vàng láng bóng. Anh nầy không biết nói tiếng Anh. Khi bà vợ thấy Hùng và anh Mễ ngồi ăn bánh bắp ta-ma-lề trong vườn, thì nói to như sắp khóc:

-“Anh thuê cái ông công tử Bạc Liêu nầy về làm gì? Trông cái dáng điệu, thì biết rõ là ăn chơi giỏi hơn làm. Có lẽ, nếu anh cần tài tử đóng phim, mà thuê ông nầy, thì hợp hơn là thuê sơn nhà.”

Nhìn lại dáng vẻ của anh Mễ, Hùng cười giả lả, và nói với vợ:

-“Thôi, lỡ rồi, đừng cằn nhằn nữa, vô ích. Nếu anh nầy không sơn được, thì làm chuyện khác.”

-“Tướng dáng như vậy, thì e chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Hôm qua thuê một ông cọng sản, hôm nay thuê một ông tay chơi thứ thiệt. Thuê người mà không lựa chọn, không xem xét kỹ. Chỉ tốn tiền đãi đằng, rồi bao nhiêu công việc mình ôm lấy hết. Khổ thân.”

Anh Mễ nầy tên là Lopez. Hùng ra dấu cho anh sơn tường, anh gật đầu. Hùng đứng quan sát, xem anh nầy có biết cách sơn hay không, để hướng dẫn, và tập cho anh quen tay. Thấy anh Lopez đổ sơn từ thùng ra khay, mà không có một giọt rơi ra ngoài. Rồi anh dùng cây cọ, quẹt sạch mép thùng gọn gàng trước khi đóng nắp. Nhìn cách anh Lopez nhúng con lăn vào sơn, và lăn sơn đều đặn, nhẹ nhàng, tạo thành những lớp sơn mỏng, đẹp trên tường, Hùng thầm khâm phục, và biết là gặp một tay chuyên nghiệp. Lopez sơn ào ào, đưa con lăn vào những góc cạnh một cách khéo léo, không một giọt sơn rơi ra ngoài. Thấy Lopez làm nhanh quá, Hùng dừng tay sơn, vào nhà nghỉ ngơi. Chỉ mấy tiếng sau, Lopez đã sơn xong bức tường lớn. Hùng lăng xăng chạy ra, chạy vào bưng cà phê, nước ngọt, và thức ăn mời mọc Lopez, đãi đằng anh nầy như thượng khách, làm bà vợ phát bực gắt:

-“Nó có phải ông nội mình đâu mà phục dịch quá thế?”

-“Em ra mà xem. Cứ theo tiến độ nầy, thì có lẽ thêm một ngày nữa sẽ sơn xong bên ngoài căn nhà.”

Vợ Hùng không tin, chạy ra xem, và tròn mắt ngạc nhiên:

-“Không ngờ cái thằng công tử nầy giỏi thế. Nước sơn đều đặn, đẹp đẽ. Thì ra, nhìn bên ngoài mà xét đoán con người, có khi lầm chết. Có nho ngọt trong tủ lạnh, anh đem ra mời nó ăn đi.”

Hôm sau, Hùng đến đón Lopez sơn tiếp nhà. Anh nầy bắc thang leo lên cao, chạy sơn những đường viền, dặm vá các nơi sơn thiếu. Bàn tay thiện nghệ. Căn nhà sáng sửa, đẹp đẽ.

Anh hàng xóm đứng nhìn Lopez sơn mà gật gù, và muốn thuê Lopez sơn luôn căn nhà anh, dù nước sơn chưa đến nỗi cũ lắm.

Chiều đó, Hùng trả thêm cho Lopez hai mươi đồng tiền thưởng và khen rối rít. Nhưng có lẽ Lopez không hiểu lời khen, nên cứ đực mặt ra.

Mỗi sáng tinh sương trên đường đến sở, khi lái xe ngang qua bãi đậu xe còn bỏ trống của một tiệm tạp hoá chưa mở cửa, thì tự nhiên Hùng thấy lòng lâng lâng sung sướng trong niềm hạnh phúc đơn sơ mà anh đang có. Cái niềm hạnh phúc đó bỗng nẫy sinh ra, khi anh thấy lố nhố những đám người Nam Mỹ nhập cảnh bất hợp pháp, đang tụm năm, tụm ba, đứng lóng ngóng chờ người đến thuê đi làm lao động. Hùng thường buông tay lái, làm dấu thánh giá để cám ơn Thượng Đế đã ban cho anh nhiều ân sủng, may mắn, có được cuộc sống tương đối an bình và phước hạnh như hôm nay. Nhờ ở trong quy chế nhập cư hợp pháp, nên hôm nay còn có việc làm, đến sở, biết mình sẽ làm việc gì, việc làm trong khả năng, kinh nghiệm và hiểu biết, được trả công ra sao, dù công xá có khi không xứng đáng, nhưng biết rõ, biết trước con số. Ngoài ra, còn có bảo hiểm sức khỏe, có nơi cư trú, và được pháp luật bảo vệ. Nếu có thất nghiệp, thì cũng sẽ được trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tìm việc khác. Mấy anh Nam Mỹ nhập cư lậu nầy, thường được thiên hạ gọi là Mễ. Cứ thấy người Nam Mỹ thì kêu là Mễ cho tiện. Cũng như người Mỹ, cứ thấy đầu đen, da vàng thì liệt vào dân Tàu cho khỏe, cần chi biết họ là Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, hay Thái Lan, Lào.

Mấy anh Mễ nầy cứ dài cổ ra chờ người đến thuê đi làm. Không biết hôm nay có ai thuê không, và cũng không biết ngày mai ngày mốt, có may mắn được việc gì làm. Mà nếu có việc làm, thì cũng không biết sẽ phải làm gì, khó khăn hay dễ dàng, nặng nhọc hay nhẹ nhàng. Họ không từ chối bất cứ việc làm nào. Cứ nhận đại công việc, làm được thì tốt, không làm được thì thôi, chẳng mất mát gì cả. Điều quan trọng nhất đối với họ, là được trả công ra sao, đương nhiên là có mặc cả trước, nhưng mặc cả cách nào đây, khi họ ở thế yếu là đang cần việc, mà kẻ đi thuê thì có quyền lựa chọn người khác, rẻ hơn. Cứ thấy xe chạy chậm ngang qua, là các anh ngóng cổ theo, và có khi đưa tay vẫy, để làm dấu, hỏi xem có cần người làm việc hay không. Cứ kiên trì chờ đợi. Chờ đợi từ sáng cho đến trưa, từ trưa cho đến chiều, chờ đợi từ ngày nầy qua ngày kia. Chờ và hy vọng, không có quyền chán nản bỏ cuộc.

Có nhiều buổi sáng bị vợ “đì”, bị con cái khóc lóc hờn dỗi, công việc sở thì đang bị thúc hối cấp bách, trong lòng nặng như đá đeo, mà đi qua khu nầy, và thấy mấy anh Mễ chờ việc, là bao nhiêu muộn phiền, bực bội trong lòng Hùng bỗng nhiên tan biến hết. Nỗi buồn khổ, khó khăn của anh có thá chi khi đem so với những bấp bênh, âu lo, khốn khổ của những người Mễ đang đứng chờ việc bên đường. Nhờ mỗi ngày thấy đám Mễ nầy, mà Hùng như được nhắc nhở thường xuyên rằng, anh đang có hạnh phúc và may mắn. Bởi vậy, nên anh sống dễ dãi, tử tế hơn với mọi người chung quanh và dễ dãi hơn với chính bản thân. Biết nhịn vợ hơn, chìu con hơn, và không cần tranh hơn thua với bạn bè, bà con làm chi./.

TRÀM CÀ MAU
 

 

Trích trong Tuyển tập Truyện ngắn "HƯƠNG TÓC CỐ NHÂN" của tác giả Tràm Cà Mau. Muốn mua Tuyển tập nầy với giá $15 USD (luôn cả bưu phí), xin liên lạc qua địa chỉ:  tramcamau2003@yahoo.com


* * *

Xem bài khác cùng tác giả tại đây
Xem bài khác cùng chủ đề tại đây
Trở về trang www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh