Tặng Trương Định lãnh binh.
Quảng Ngãi địa linh xuất nhất hùng
Nam thủy trợ kiếm thệ binh nhung.
Thư sinh tự quý vô thao lược,
Chấp bút thành thi biểu nhữ trung.
Đào Tấn (1846-1906)
Dịch nghĩa:
Đất thiêng Quảng Ngãi phát sinh một đấng anh hùng,
Ông vào miền Nam, chống kiếm hội tướng binh thề dẹp giặc.
Tôi là kẻ học trò tự thẹn không có tài thao lược
Nên tôi cầm bút làm thơ để nêu tỏ lòng trung của ông.
Bài thơ trên của Đào tiên-sinh được viết khi Trương Công Định (chữ Công được đặt vào tên để dân chúng tỏ lòng tôn kính) còn nhận chức Lãnh Binh chống giặc Pháp, nhưng vì triều đình Huế nhu nhược đã cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho giặc, nên quân dân suy tôn ông lên chức “Bình Tây Đại nguyên soái” Trương Công để tiếp tục đánh Pháp dành lại chủ quyền toàn lãnh-thổ. Trương Công Định là người tiên phong tập hợp được hàng vạn tướng binh có quy mô, lập được căn-cứ địa, mở những trận đột kích, phục kích và du-kích tiêu diệt quân Pháp. Đến lúc sa cơ, ông đã tử tiết vô cùng lẫm liệt: đó là những điều đã trình bày đầy đủ ở bài trước.
Ủng hộ cuộc chiến đấu bằng súng gươm của Trương Công, các chí sĩ danh bút dùng thơ văn động viên quân dân chống giặc, tạo ra khí thế gươm bút xung trận: đó là những thơ văn đương thời chúng ta đề cập đến (chỉ một số tiêu biểu) trong bài nầy.
* Mở đầu cuộc chiến gươm bút hợp đồng, Trương Công Định tranh-thủ nhân-tâm bằng 2 bài hịch thường được gọi là “Hịch Quản Định” và sau là Hịch đánh giặc Pháp (có sách viết là Cáo-thị sĩ-phu) được dán khắp nơi, kể cả trong vùng bị giặc chiếm đóng và lưu truyền rộng rãi trong dân chúng.
- Hịch Quản Định được truyền bá vào khoảng năm 1862-1863, mở đầu tác giả nêu lên đạo lý và bổn phận làm con dân:
Nước có nguồn cây có gốc
Huống người sinh có da có tóc
Mà sao không biết chúa biết cha?
Huống người sinh có nóc có gia
Mà sao không biết trung biết hiếu?
Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang thường!
Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng xã-tắc!
Có chiến đấu là có hy sinh, đã làm trai trong cơn quốc biến phải chấp nhận dấn thân. Ông kêu gọi quân dân cũng nhận trách nhiệm, đứng dưới cờ chống Pháp.
Làm người sao khỏi thác,
Thác trung thần, thác cũng thơm danh!
Làm người ai cũng tham sanh,
Lòng địch khái xin cho rõ tiết!
Đêm năm canh thương người chính liệt,
Ngày sáu khắc nhớ kẻ trung thần.
Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng-binh,
Cờ đề chữ “Bình Tây Đại Tướng”.
Trước trí ư Nghiêu, Thuấn thương,
Sau vì xã tắc thần.
Phải cam lời rao khắp muôn dân,
Sửa tấc dạ dắt dìu về một mối.
- Hịch đánh giắc Pháp do Nguyễn Đình Chiểu viết nhân danh Trương Công Định, được truyền bá vào năm 1863 đến tháng 8/1864, trước khi Trương Công hy sinh. Bài cáo thị nầy có đoạn hạch tội giặc Pháp:
“Ở đâu mà chẳng thấy: đào mồ mả, phá miếu chùa, làm những việc bất nhân.
Ở đâu mà chẳng hay: đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo”.
Một đoạn khác, ông lấy lịch sử về quân xâm lược làm dẫn chứng, để dẫn đến kết luận; tuy triều đình cắt nhường 3 tỉnh cho quân xâm lược, đến chung cuộc nước ta sẽ thâu hồi độc lập toàn vẹn, giặc Pháp (Tây di) lại vẫn trở về là quân man rợ như Hung-nô và Đột-quyết từng bị tháo lui, cái mạnh chỉ nhất thời:
Chẳng nhớ thuở Hung-nô đánh Hán,
tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ
Cướp ải lang dành ải hổ, vẫn tuồng rồi Nô cũng là Nô.
Há chẳng nghe Đột-quyết đánh Đường, xe đi chật đất,
ngựa tế chật đồng, phá trấn Bắc đốt trấn Đông, rã đám
hết Đột thời vẫn Đột.
Xe thơ Hán hãy còn tóm một. Phong cương Đường
nào thấy chia hai.
Cách diễn tả tiền hậu - nhân quả như trên được người miền Nam rất thích, tác giả còn sử dụng cách luyến láy điêp ngữ có tác dụng hiệu triệu rất mạnh:
Hễ làm người chớ ở hai lòng;
Đã vì nước phải theo một phía.
Trước làm nghĩa, sau cũng làm nghĩa; trước sau cho
trọn nghĩa vua tôi.
Sống cho danh, thác cũng có danh; sống thác đặng
thơm danh nhà nước.
Nguyễn Thông viết sử lược về Trương Công Định.
Nguyễn Thông (1827-1884) tự là Hi-Phần, hiệu Kỳ-Xuyên, biệt hiệu Độn-Am, quê ở xã Tân Thạnh tỉnh Gia-Định (nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An), năm 23 tuổi (1849) thi đỗ Cử nhân, là một danh sĩ dưới triều Tự-Đức. Năm 1959, quân Pháp đánh Gia Định, ông từ bỏ chức Huấn đạo huyện Phú-Phong (An-Giang), xin tòng quân chiến đấu, được Thống đôi quân-vụ Tôn-Thất-Cáp cho coi việc cơ mật trong quân. Năm 1862, khi 3 tỉnh Đông Nam Kỳ bị mất, ông đương giữ chức Đốc học tỉnh Vĩnh-Long cũng là lúc ông liên lạc với các sĩ phu kháng Pháp và giúp đỡ cuộc kháng chiến của Trương Công Định.
Đến khi 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ bị mất nốt, ông rời bỏ quê nhà, di ra Bình-Thuận làm Dinh-điền sứ, rồi lần lượt làm Án-sát tỉnh Khánh Hòa, làm Bố-Chánh tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Thông còn để lại tác phẩm: Ngọa du sào thi văn tập, Kỳ-Xuyên thi văn sao, Độn-Am thi văn tập, Kỳ Xuyên công độc và Dương chính lục.
Xin đơn cử bài sử lược ông viết về Trương Công Định:
Truyện Trương Định.
(Nguyễn Thông)
Trương Định nguyên người Bình-Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, con ông Lãnh Binh Trương Cầm. Ông theo cha vào Nam lúc Trương Cầm làm Lãnh Binh tỉnh Gia Định thời Thiệu Trị.
Định lấy vợ là con gái một nhà giàu ở Tân An, tỉnh Định Tường. Sau khi cha mất, ông ở luôn tại quê vợ. Trương Định mạo khôi ngô, thông hiểu binh thư và bắn giỏi. Thời Tự Đức, Trương Định xuất của nhà chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền nên được bổ chức Quản Cơ.
Tháng Giêng năm Kỷ Mùi niên hiệu Tự Đức 12 (1859) thành Gia Định thất thủ, ông dẫn lính cơ tới đóng ở Thuận Kiều (1). Khi quân triều đình kéo đến, ông thường đi tiên phong lập được nhiều chiến công. Tháng Giêng năm Tân Dậu, Tự Đức 14, sau trận thua ở Phú Thọ (2), các đại tướng của triều đình lui về giữ Biên Hòa, Trương Định rút quân về đóng ở đồn cũ Tân Hòa (3). Buổi ấy bọn Tây đang vây đánh Biên Hòa và Vĩnh Long, chúng cho Định là một tên giặc cỏ nhỏ mọn không đáng để ý. Định mới cùng với Tri huyện Lưu Tấn Thiện (4) và Bát phẩm Thư lại Lê Quang Quyền tích trữ lương thực, rèn đúc súng đạn, có hơn nghìn binh lính.
Nhân lính Tây không am hiểu đường sá, ông thường đem quân phục kích thu nhiều thắng lợi nhỏ, triều đình Huế nghe tin, bổ ông làm Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định. Tháng 11 năm ấy, quân Pháp hãm thành Biên Hòa (5), triều đình có chỉ nghiêm trách Hiệp-tán Quân-vụ Thân Văn Nhiếp và Khâm-phái Quân-vụ Nguyện Túc Trưng phải tìm đường tới hội ở Tân Hòa, mưu tính khôi phục lại thành trì. Tuần-phủ Gia-Định là Đỗ Quang, trước đó đã đi đường khác tới hợp lực với Trương Định. Lúc ấy Định đã chiếm cứ Qui Sơn, quân lính đông quá 5.000 người. Ông nghĩ rằng Nguyễn Túc Trưng là vị quan to của triều đình, nên tôn làm chỉ huy. Thấy thế giặc mạnh, Túc Trưng cẩn thận không dám tiến, chỉ ngồi yên cố giữ hạt Tân Hòa mà thôi.
Năm Nhâm Tuất, Tự Đức 15 (1862), ở vùng Quảng Yên (Bắc kỳ) bọn giặc cỏ Lê Minh Phụng nổi dậy, lan khắp cả 2 tỉnh Hải-Dương và Quảng Yên. Bắc kỳ náo động, ở Nam kỳ thì thành Vĩnh Long thất thủ (6), tin báo thua trận hàng ngày gởi về triều (7). Tháng 5 năm ấy Tây soái là Bô-Na phái thuyền ra kinh, yêu cầu Toàn quyền Đại thần vào bàn định hòa ước. Vua hội các quan trong triều bàn bạc, rồi sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định hội nghị. Tháng ấy bản hòa ước làm xong. Đến tháng 7 bãi binh và đòi bọn Túc, Trưng về triều. Trương Định được thăng làm Lãnh Binh tỉnh An-Giang và được lệnh giải binh để lĩnh chức mới. Bọn Túc, Trưng giải tán quân lính, rồi gửi thư bảo ông Định mau mau theo đường tắt đi ngay (8). Trương Định cho vợ con đi trước, một mình ở lại kiểm điểm quân số rồi sẽ đi sau.
Nhưng các người ứng nghĩa không muốn giải binh, cố lưu ông Định ở lại. Họ nói với nhau rằng: “Bọn Tây bị dân ta nhiều lần đánh lui, nay chúng được triều đình giảng hòa, chắc chúng sẽ giết hại bọn ta. Vả lại bọn Tây lấy binh lực ăn hiếp ta bắt hòa, nhưng chúng không thành thực, nay triều đình đã giảng hòa với chúng, bọn ta không nơi nương tựa, sao bằng hợp lực đánh lại chúng, giữ lấy một mảnh đất để cùng nhau bảo toàn sinh mạng”.
Mọi người đều cho là phải, liền cử Trương Định giữ binh quyền. Lúc ấy có Phạm Tuấn Phát ở Tân Long (9) đem thư các nghĩa hào đến tỏ ý muốn cử Định làm chủ soái để ra sức trừ giặc. Tức thì mọi người xây đàn tôn Định là chủ soái. Định tự xưng là Bình Tây Đại Nguyên-soái cử Trịnh Quang Nghi làm Tham-tán Quân-vụ và bố trí các cơ quan viên chức, bố phòng mặt Đông Nam ra tới bể, mặt Tây lên đến Hoa Cương (10). Tại các nơi hiểm yếu đều sai quân lính phòng giữ. Định tự đem quân đóng ở Gò Công. Từ Đông Cây-Đa đến đập Ông Canh, từng đoạn một, đều đắp lũy để cản quân Tây đột nhập. Định lại đúc thêm đại bác, kén chọn quân lính các huyện, bổ sung vào các đồn thuộc Tân Hòa, phòng thủ chắc chắn để làm kế lâu dài. Sau đó gởi thư hiểu dụ các nghĩa hào, khuyên ai nấy cố lòng vì triều đình trừ giặc.
Các nghĩa hào đều theo mệnh lệnh của ông, các phủ huyện cũng vận tải lương thực đến cung cấp. Thỉnh thoảng Định giết trâu dọn rượu khao thưởng tướng sĩ, ai nấy đều phấn khởi ra sức. Nhưng quân lính không có kỷ luật, khi hợp khi tan. Riêng quân do Trương Định chỉ huy và quân của Phạm Tuấn Phát ở Hắc Khâu (11), của Bùi Duy Diệu ở Cần Đước, của Tuyên-phủ-sứ Nguyễn Văn Trung ở Tân Thạnh là khá nghiêm chỉnh, cùng Định hợp thanh thế để chống giặc.
Vì hòa ước đã thành, nên Tây soái không động binh và nhiều lần thúc dục quan tỉnh Vĩnh-Long gửi thư cho Định, khuyên bãi binh. Đại ý thư nói: “Triều đình đã ký hòa ước, ông nên bãi binh, không nên trái mệnh vua. Trung hiếu là điều tốt nhưng phải có giới hạn, không thể vượt qua giới hạn mà được trung hiếu; thái quá cũng như bất cập, rắn có thêm chân không phải là rắn nữa. Nếu ông đem toàn bộ 2 tỉnh Định (Tường) Biên (Hòa) về với triều đình thì cũng l2 một cử chỉ tốt. Hiện nay đại binh của triều đình triệt hồi đã lâu, các quan Chưởng binh lén lút ở nơi rừng sâu đều giải tán. Còn một mình ông đem toán quân ấy tiến lên đánh thì có chắc thắng được không? Lui về giữ thì chắc có vững được không? Quyết không được”.
Thư qua thư lại 3 lần, Định vẫn không nghe. Mãi sau, Tây soái Bô-na gửi thư cho Hiệp-biện Đại-học sĩ Phan Công (Thanh Giản) đại lược nói:
“Hạt Tân Hòa không phải sức tôi không lấy được. Nhưng vì nghĩ chốn ấy dân cư đông đúc, quân lính kéo đến phá làng mạc thành đồi hoang, nên tôi ngập ngừng không nỡ. Nay Định không chịu bỏ đi ấy là y chưa hiểu ý ấy, cho nên phải dùng sức mà đuổi đi, không còn cho ở lâu tại đó”.
Phan-Công trả lời rằng đã đem việc tâu về triều đình, xin đợi triều đình xử trí. Trong lúc ấy Trương Định như vâng lệnh vua mật truyền đi các nơi để cổ động dân chúng. Tây soái nghi ngờ triều đình có ra lệnh thật, nên sai quan quân tấn công Qui Sơn. Định lập kế dụ quân địch đi vào chỗ lầy, giết chúng rất nhiều. Tháng 11, hỏa thuyền tập trung ở Dung giang (13) cho lính đổ bộ vây đánh.
Các kiện tướng Đặng Kim Chung và Lưu Bảo Đường đều bị trúng đạn chết. Trương Định truyền hịch cho các đạo quân từ Tân Long, Bình Dương, Định Long cho đến Biên Hòa cùng ngày tấn công Mai Sơn (14) phía Tây Thuận Kiều. Lại truyền đồn Thái Phúc, Tuy Bình, An Long đến đánh để chia sức giặc. Nhưng các quân đánh không nổi, bị tan vỡ. Bọn Văn Trung, Tuấn Phát cũng bị vây, đánh bại, bỏ chạy. Định lâm vào thế cô. Đến tháng Chạp, Tây binh hội cả vào Tân Hòa, chia làm 3 đạo, một đạo đi theo ven bể vào Thư Giang, một đạo do đường bể vào đánh Lãng Lộc (14) và đi theo Kỳ-Man giang (15), dùng hỏa thuyền chở quân đánh thẳng Qui Sơn, tiếng súng vang trời, đạn bay như mưa. Định thúc quân chống cự luôn 3 ngày, quân sĩ không cỡi áo giáp.
Ngày mồng Bảy tháng Giêng năm Quí Hợi, Tự Đức 16 (1863) thuốc súng hết, Tây binh trèo lũy đánh vào, nghĩa quân tan vỡ. Định thoát chết, bị Tây đuổi theo, phải cùng bộ hạ trốn vào rừng cây ở bờ bể (16). Sau ông lại lén ra thu thập tàn quân đóng ở Phước Lộc, tính việc khởi binh lại. Trong bọn thuộc hạ, có tên Đội Tấn (Huỳnh Công Tấn) có ý làm phản. Ngày 19-8 năm Giáp Tý, Tự Đức 17 (1864) hắn khuyên Định trở lại thôn Phước Lộc để đánh úp Tân Hòa. Định tin lời. Tấn liền sai người dẫn giặc đến đánh úp. Định bị thương nặng, liệu không thoát khỏi, rút dao mang sẵn trong mình tự vẫn chết. Năm ấy ông 44 tuổi.
Con ông là Trương Quyền tuy tuổi còn trẻ, song biết cầm quân, thường gọi là Nhị lang quân (cậu Hai). Sau khi Định chết thì Quyền trốn đi.
Trương Định biết tùy cơ ứng biến, hiệu lệnh nghiêm túc, các tướng tá thảy đều sợ phục. Ông chết rồi, các nghĩa hào đều tự xưng hùng, dọa người cướp của, Quang Nghi không sao kiềm chế nổi. Quang Nghị người Thừa Thiên, theo nghĩa binh được Định cho làm Tham-tán, giỏi việc hành chánh, biết điều khiển quân lính nên được Định tin cậy. Khi Định chết, Quang Nghị chạy sang Giao-Loan, dựa vào Phan Chánh. Chánh người Ninh Thuận, chiếm giữ Giao Loan, tự xưng Bình Tây Phó Nguyên-soái. Nghĩa hào hai tỉnh Định, Biên đều theo phụ. Giao-Loan giữa Biên-Hòa và Bình Thuận, đất đai màu mỡ, chia quân làm đồn điền, chứa trữ thóc gạo, muốn chờ quân lính có đủ súng đạn sẽ khởi sự. Bọn Chánh sau về triều được bổ làm quan.
Nguyễn Thông (trích từ Kỳ Xuyên Văn sao).
Lê Thước & Phan Khắc Khoan dịch
Chú thích:
(0) Trích đăng bài trên đây của Nguyễn Thông, một quan chức thời bấy giờ, khi triều Nguyễn đã mất chủ quyền, nhưng vì vẫn kính phục người anh hùng chống Pháp. Trong bối cảnh Pháp thuộc, nên Nguyễn tiên sinh chỉ có thể viết về phần bị động của Trương Công Định. Phần chủ động tấn công trên các mặt trận tiêu diệt giặc Pháp được viết rõ ràng trong bài “Trương Công Định, người anh hùng tiên phong kháng Pháp” của Trương Quang Cẩm Thành ở Đặc san 2004.
(1) Thuận kiều: ở khu vực Phú Lâm, nay thuộc quận 5 Sài Gòn
(2) Phú-Thọ: tức đại đồn Chí Hòa bị vỡ ngày 25-2-1861.
(3) Tân Hòa tên huyện thuộc phủ Tân-An tỉnh Gia Định dưới triều Nguyễn, bây giờ là vùng đất Gò-Công, tỉnh Tiền Giang.
(4) Lưu Tấn Thiện: người xã Lộc Tường, huyện Vĩnh Trị, Vĩnh Long, đậu Cử nhân năm 1847, làm Tri huyện Gia Định, đã cùng Trương Công Định chống Pháp.
(5) Biên Hòa: thành Biên Hòa, thất thủ cuối năm 1861.
(6) Vĩnh Long: thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ nhất ngày 23-3-1862.
(7) Tin báo thua trận hàng ngày gởi về triều: Sau câu nầy có dị bản còn dịch thêm: “Tình thế lúc ấy thật đúng với câu: Trực Bắc quan sơn kim cổ chấn, chinh Tây xa mã vũ thư trì”.
(8) Rồi gửi thư bảo ông Định mau mau theo đường tắt đi ngay: bản Độn Am văn tập phiên âm là: Túc Trưng đăng ký đắc triệt binh di văn, tức tùng gián đoạn cảnh khứ=Túc Trưng nhận được công văn ra lệnh triệt binh, lập tức theo đường tắt rút đi.
(9) Tân Long: tên huyện thuộc Tân Bình, Gia Định.
(10) Hoa cương: là Giồng Ông Huệ ở xã Vĩnh Lợi, huyện Gò Công tỉnh Vĩnh Long.
(11) Hắc khâu: là Gò đen, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
(12) Dung giang: là sông Gò Công, ở phía Đông Qui Sơn (gò Rùa). Đấy là một con rạch lớn trong vùng Gò Công, nối tiếp với kinh Vĩnh Lợi và rạch Vàm Rồng rồi đổ ra cửa Tiền để ra biển.
(13) Mai Sơn: là gò Cây Mai tức Mai khâu, nay thuộc đường Hùng Vương, Sài Gòn.
(14) Lãng Lộc: là chỗ rạch Cầu Lộc thông ra cửa sông Soài Rạp, nơi nầy rất rộng và sâu nên gọi là Vàm Láng, gần vàm có rừng cây rậm rạp, hươu nai thường ra đó uống nước nên gọi là Lãng Lộc (lộc là nai).
(15) Kỳ-man-giang: là rạch Cây Bông, con rạch chạy khắp Vàm Rồng qua địa phận Vĩnh-Hựu, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
(16) Rừng cây ở bờ bể: tức Rừng Sác chạy khắp ven biển từ Biên-Hòa đến Gia Định.
Văn tế và 12 bài điếu văn của Nguyễn Đình Chiểu khóc Trương Công Định.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu là Trung Phủ, ra đời tại làng Tân Thới, tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, tỉnh Gia-Định. Thân phụ của ông là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên, được bổ nhiệm làm Đốc Bạ trong dinh Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt, sau được thăng chức Án-sat.
Nơi đây ông Huy cưới người thiếp tên Trương Thị Thiệt sinh được 4 trai 3 gái. Nguyễn Đình Chiểu là trai trưởng. Năm 21 tuổi (1843) Chiểu đậu Tú Tài tại trường Gia Định. Năm 1847, ông ra Huế chuẩn bị cho kỳ thi Hội năm Kỷ Dậu (1849) thì thân mẫu ông qua đời, ông đành bỏ thi trở về Nam chịu tang mẹ. Trên đường về dãi dầu mưa nắng và quá khóc thương mẹ, ông thọ bịnh mù cả đôi mắt.
Dù bịnh mù, ông ngồi nhà mở trường dạy học, sĩ tử theo học rất đông nên người đời thường gọi là Đồ Chiểu.
Năm 1859, khi giặc Pháp đánh chiếm Gia Định, ông chạy về quê vợ ở làng Thanh Ba, quận Cần Giuộc. Tuy không ra trận đánh Pháp, Nguyễn Đình Chiểu liên lạc gắn bó với những người lãnh đạo kháng chiến như Đốc-binh Là, nguyên-soái Trương Công Định và bất cộng tác với Pháp cho đến hơi thở cuối cùng vào năm 1888 ở Bến Tre.
Nguyễn Đình Chiểu để lại nhiều tác phẩm văn chương chữ Nôm theo thể lục bát như Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều vấn đáp, nổi tiếng nhất là truyện Lục Vân Tiên (được Aubaret, Abel de Michels, Bajot dịch ra ngoại ngữ). Ông có viết những bài văn tế rất bi tráng như: Văn tế sĩ dân Lục tỉnh, văn tế vong hồn mộ nghĩa, văn tế Trương Công Định và 2 bài điếu văn liên hoàn.
Văn tế Trương Định.
Hỡi ơi!
Giặc cỏ bò lan; tướng quân mắc hại.
Ngọn khói dương di (1) đóng đó, cõi biên còn trống đánh sơn lâm;
Bóng sao Võ khúc (2) về đâu, đêm thu vắng tiếng canh dinh trại.
Nhớ tướng quân xưa:
Gặp thuở bình cư,
Làm người chí đại.
Từ thuở ở làng viên Lữ (3), pháp binh trăm trận đã làu;
Đến khi ra quản đồn điền (4), võ nghệ mấy ban cũng trải.
Lối giặc đánh tới, theo quan Tổng đốc (5), trường thi mô súng, trọn mấy năm ra sức tranh tiền.
Lúc cuộc tan rồi, về huyện Tân Hòa, đắp lũy hàn sông, giữ một góc bày lòng địch khái (6).
Chợt thấy cánh buồm lai sứ (7), việc giảng hòa những tưởng rằng xong;
Đã đành tấm giấy tựu phong (8), phận thiên tỉ (9) có đâu dám cãi.
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón đưa mấy dặm mã tiền (10);
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù (11), gánh vác một vai khổn ngoại (12).
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.
Tóm muôn dân gầy sổ mộ binh, luật lệnh nào ai dám trái.
Văn thì nhờ tham biện, thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công (13);
Võ thì dùng tổng binh, đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới.
Khá thương ôi!
Tiền vàng ân chúa, trót đã rõ ràng;
Ấn bạc mưu binh, nào từng trễ nải (14).
Chí lăm dốc cờ xuê lộ bố, chói sắc giữa trào;
Ai muốn đem gươm báu Can Tương (16) chôn hơi ngoài ải.
Há chẳng thấy:
Sức giặc Lang sa nhiều phương quỷ quái.
Giăng dưới nước tàu đồng, tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
Kéo trên bờ ma ní, mã tà, đạn bắn như mưa vãi.
Dầu những đại đồn thuở trước, cũng khó toan đè trứng ngàn cân;
Huống chi cô lũy ngày nay, đâu dám chắc treo mành một dải (17).
Nhưng vậy mà:
Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam;
Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại.
Rạch-Lá, Gò-Công mấy trận, người thấy đã kinh;
Cửa Khâu, Trại Cá khắp nơi, ai nghe cũng hãi.
Nào nhọc sức hộ tào (18) biên sổ, lương tiền nhà ruộng, cho một câu “háo nghĩa lạc quyên”;
Nào nhọc quan Võ khố bình câu (19), thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ “giao thương đạo tải” (20).
Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nơi;
Giáo tre ngàn dặm đánh Tây, nào ngựa giáp xe nhung máy cái.
Khá thương ôi!
Chí dốc đem về non nước cũ, ghe phen hoạn nạn, cây thương phá lỗ chưa lìa;
Nào hay trở lại cảnh quê xưa, nhắm mắt lâm chung, tấm bảng phong thần vội quải (22).
Chạnh lòng quân sĩ, thương quan tướng nhắc quan tướng, chiu chít như gà;
Bực trí nhân dân, giận thằng tà mắng thằng tà, om sòm như nhái.
Sự thế hãy bên Hồ bên Hán, bao giờ về một mối xa thư;
Phong cương còn nửa Tống nửa Liêu (23), đâu nỡ hại một tay tướng soái!
Nào phải kẻ tán sư đầu giặc, mà để nhục miếu đường;
Nào phải người kiểu chiến (24) đánh Phiên, mà gây thù biên tái.
Hoặc là chuộng một lời hòa nghị, giận Nam Phiên phải bắt Nhạc Phi (25) về;
Hoặc là lo trăm họ hoành la, thời U-địa chẳng cho Dương Nghiệp (26) lại.
Vì ai khiến dưa chia khăn xé (27), nhìn giang sơn ba tỉnh luống thêm buồn;
Biết thuở nào cờ phất trống rung, hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái.
Còn chi nữa! Cõi cô thế riêng than người khóc Tượng (28), nhắm mắt rồi may rủi một trường không; Thôi đã đành, bóng tà dương gắm ghé kẻ day đòng (29), quay gót lại hơn thua trăm trận bãi.
Ôi!
Làm ra cớ ấy, tạo hóa ghét nhau chi;
Nhắc tới đoạn nào, anh hùng rơi lụy mãi!
Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào hờn tiếng thị tiếng phi;
Cõi An Hà (30) một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại!
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa, thua buồn nhiều nỗi khúc nôi;
Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phương tớ dại.
Tướng quân còn đó, các nơi đạo tặc thảy kiêng dè;
Tướng quân mất rồi các chỗ nghĩa binh thêm bái xái (31).
Nào đã được mấy hồi nơi thích lý, màn hùm (32) che mặt rằng xuê;
Thà chẳng may một giấc chốn trường sa, da ngựa bọc thây mới phải.
Ôi!
Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp bước gian truân;
Đất Gò-Công cây cỏ ủ ê, cám niềm thần tử hết lòng trung ái.
Xưa còn làm tướng, dốc rạng dồi hai chữ “bình Tây”;
Nay thác theo thần, xin dâng hộ một câu Phục Thái (33).
Hỡi ôi! Thương thay!
Nguyễn Đình Chiểu
Chú thích:
(1) Dương-di: giặc rợ đến theo đường biển, chỉ giặc Pháp. Bản quốc ngữ chép Tây ban.
(2) Vũ khúc: tên vị sao chiếu mệnh võ tướng, đối với sao Văn xương chỉ quan văn.
(3) Viên lữ: doanh trại quân đội, nơi tập luyện của nhà binh.
(4) Quản đồn điền: Trương Định thuở đầu lập đồn điền, được phong chức Quản cơ.
(5) Tổng đốc: tức Nguyễn Tri Phương, giữ thành Gia Định, có Trương Công Định hợp quân chống giặc.
(6) Địch khái: lòng căm giận quân địch (khái=giận).
(7) Lai sứ: là sứ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn giảng hòa với Pháp.
(8) Tựu phong: đến nơi nhận chức được phong. Triều đình buộc Trương Công Định đến An Giang để nhận chức Lãnh-binh do triều đình phong (nghĩa là rời khỏi Gò Công).
(9) Thiên tỉ: dời đi nơi khác (bản Quốc ngữ chép là phận thần tử thì không rõ ý gì?).
(10) Mã tiền: trước đầu ngựa. Dân chúng cản đầu ngưa giữ lại, không muốn Định ra đi.
(11) Tướng quân phù: ấn tín và phù hiệu của người tướng.
(12) Khổn ngoại: xa ngoài kinh đô. Do câu “Khổn dĩ ngoại, tướng quân chế chi”=ngoài của quốc đô, thuộc quyền chế ngự của tướng quân, là lời vua trao quyền cho tướng đi trấn biên ải.
(13) Nhung công: công việc quân đội (nhung là vũ khí và chiến tranh).
(14) Tiền vàng: tiền vàng của vua ban. Ấn bạc: con ấn bằng bạc của tướng lãnh.
(15) Lộ bố: thư báo tiệp thắng trận chạy về triều, viết vào lụa dựng lên cột trương ra.
(16) Can Tương: tên thanh kiếm quý, do điển tích xưa người Can Tương nước Ngô luyện thép làm kiếm, vợ là Mạc Gia cắt tóc và móng tay bỏ vào lò, thép được tôi làm thành 2 cây kiếm sắc, kiếm dương tên là Can, kiếm âm tên Mạc Gia.
(17) Đại đồn: tức đồn lớn Chí-Hòa của Nguyễn Tri Phương. Cô-lũy=lũy lẻ loi Tân-Hòa của Định.
(18) Hộ tào: cơ quan trông coi sổ bộ ruộng đất, thuế khóa. Ở đây biên tên người đóng góp.
(19) Võ khố bình cân: quan thủ kho vũ-khí, giữ cân bằng nước cung và cầu về vũ-khí.
(20) Gian thương đạo tải: người lén mua quân-nhu và như kẻ chở trộm qua vùng địch.
(21) Cây thương phá lỗ: ngọn giáo phá tan quân giặc.
(22) Quải: treo. Bảng phong thần vội quải là bảng ghi công trạng người chất đã vội treo.
(23) Bên Hồ bên Hán, nửa Tống nửa Liêu: các nước Hán với Hồ, Tống với Liêu đương giao tranh chưa hẵn về đâu. Câu nầy nói Pháp xâm lấn ta, chưa hẵn ai hơn thua.
(24) Tán sư đầu giặc: thua trận, mất hết quân rồi đầu hàng giặc. Kiểu chiến: giả thác là chiếu chỉ của vua. Câu nầy ý nói đánh giặc (Phiên) là do lòng yêu nước mà chống quân xâm lược chứ không phải giả chiếu vua để gây thù nơi xa.
(25) Nhạc Phi: danh tướng nhà Tống đang cầm quân đánh thắng giặc Kim, thì tên gian thần Tần Cối tư thông với giặc, lấy lệnh vua triệu ông về, vu tội bắt giam và chết trong ngục. Câu nầy mượn tích Nhạc Phi để nói triều đình đã nghị hòa với Pháp nên ra lệnh cho Trương Công Định cũng phải bãi binh, thuyên chuyển ông đi An Giang.
(26) U địa: châu U là phần đất nhà Tấn cắt giao cho giặc Liêu. Ở đây chỉ 3 tỉnh giao Pháp. Dương Nghiệp: một tướng giỏi hành binh, được xem là vô địch vào đời Tống. Quân giặc Khất Đan xâm lấn biên thùy, thấy bóng cờ Dương Nghiệp là vội tháo lui. Câu nầy chỉ trích triều đình nhà Nguyễn đã bỏ rơi Trương Công Định, không cho ông khôi-phục 3 tỉnh trở lại.
(27) Dưa chia khăn xé: do chữ qua phân bức liệt, chỉ việc đất nước bị chia cắt cho Pháp.
(28) Khóc tượng: do điễn tích nhà Tống chiếm đất nước nhà Chu sai sứ đến phong quan chức, Lý Quân treo bức tượng họa vua Chu Thái Tổ lên tường, nhìn mà khóc mãi, tỏ lòng chung thủy với nhà Chu. Ở đây chỉ Trương Công Định trung thành với vua và đất nước.
(29) Day đòng: do chữ “huy qua” là quay vẫy ngọn giáo. Lấy từ điễn tích Lỗ Dương-công đánh với quân tướng nước Hàn đến mặt trời sắp lặn, ông đưa ngọn giáo lên vẫy mặt trời chớ lặn để ông tiếp tục đuổi giết cho sạch quân thù.
(30) Cõi An-Hà là hai tỉnh An Giang và Hà Tiên ở miền Tây Nam Kỳ. Cả câu nầy ý nói nếu Trương Công Định xuôi theo thời thế đi nhận chức Lãnh Binh ở An-Hà thì đâu thành danh ở đời mà rồi 3 tỉnh miền Tây lại cũng thất bại.
(31) Đạo tặc: giặc cướp. Bái xái: xửng vửng, bối rối.
(32) Thích lý: nơi quê làng thân thích. Mán húm: nơi dinh sở chỉ huy của tướng soái.
(33) Bình Tây: dẹp yên giặc Tây. Phục thái: phục hồi lại sự an bình, thịnh vượng.
Nguyễn Đình Chiểu còn viết 12 bài Điếu Trương Định theo thể thất ngôn bát cú, liên hoàn với nhau, lời văn bi phẫn gây tác động tâm lý rất mạnh mẽ. Vì giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ trích đăng 2 bài đầu, như sau:
1/. Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn.
Dấu đạn hãy rêm tàu bạch quỷ,
Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn.
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ,
Cái ấn bình Tây đất vội chôn.
Nỡ kiến anh hùng rơi hạt lệ,
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
2/. Linh hồn nầy đã tách theo thần,
Sáu tỉnh còn noi dấu Tướng quân.
Mực sớ Lãnh binh lờ mắt giặc,
Son bằng ứng nghĩa thấm lòng dân.
Giúp đời dốc trọn ơn nam tử,
Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần.
Ốc ngờ tướng tinh rày trổ mặt,
Giúp xong nhà nước buổi gian truân.
3/. Gian truân kể xiết bấy nhiêu lần
. . . . . .
Đào Tấn khóc Trương Công Định.
Đào Tấn (1846-1906) hiệu Mai Tăng, người làng Vĩnh-Thạnh, phủ Tuy-Phước, tỉnh Bình Định, đậu Cử-nhân, làm quan đến Thượng Thư bộ Công.
Đào Tấn là nhà viết tuồng nổi tiếng nhất từ xưa đến nay, ông nghiên cứu và cải tiến nghệ thuật diễn tuồng, chỉnh lý một số vở cũ như Sơn Hậu, Đào phi Phụng, Tam nữ đồ vương. Ông soạn thêm nhiều vỡ tuồng mới như: Diễn võ đình, Trầm lương cát, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Hồi cổ thành v.v...
Đào Tấn để lại cho đời một số thi văn Hán tự ý lời trang-nhã, trong đó có nhiều bài ca tụng các anh hùng cứu quốc như: Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng v.v... Đặc biệt ông có nhiều bài viết về Trương Công Định. Ngoài bài dùng làm nhập đề ở trên, xin trích 2 bài khác.
Khốc Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Công Định.
Bài 1.
Phấn dũng Bình Tây chí vị thù,
Âm dương vĩnh quyết lệ trường lưu.
Anh hùng nghi trợ ngô hùng Việt
Tảo tận cường nhung trảm tặc đầu.
Dịch xuôi:
Bình Tây nguyên soái anh dũng hăng hái dẹp giặc, chí chưa thỏa.
Nay đôi ngã âm dương vĩnh biệt khiến nước mắt tôi tuôn dài.
Hồn thiêng ông hãy nên giúp cho nước Việt được hùng mạnh,
Quét sạch hết lũ giặc cường bạo, chém đầu quân cướp nước.
Bài 2.
Cuồng nhung xâm phạm ngã sơn hà
Báo quốc tinh trung sát Lãng-sa
Khả tích vị thành bình lỗ chí,
Anh hùng thỉnh trợ cưu bang gia.
Dịch vần:
Giặc cuồng xâm phạm núi sông ta
Ông tỏ lòng trung giết Lãng-sa.
Chỉ tiết chí kia chưa được thỏa,
Hồn thiêng xin hộ nước non nhà.
(Nguyễn Phan dịch).
Thơ văn chữ Hán và chữ Nôm viết về Trương Công Định thì rất nhiều. Trên đây là lược trích một số bài của các danh gia sinh sống đồng thời với Trương Công viết về ông, nên có giá trị nhất định trong lịch sử và văn học.
Sau khi Trương Công Định đã anh dũng tử tiết, người con trai trưởng của ông là cháu nội của đất Quảng Ngãi kiên cường, tiếp tục nối chí cha lãnh đạo cuộc chống Pháp tại địa bàn Tây Ninh, Bình Dương cho đến lúc hy sinh trên mặt trận (sẽ viết rõ về bài sau). Bảo Định Giang có câu đối viếng Trương Công Định và con là Trương Quyền.
Một dạ hiếu trung, cha ấy con ấy.
Muôn đời oanh liệt, dân nầy nước nầy.
Viết nhân ngày giỗ thứ 140 của Trương Công.
Connecticut, tháng 8-2004.
Trương Quang Cẩm Thành.