Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 69)
THINH QUANG


VĂN HỌC VẤN ĐÁP SAO LỤC (Phần 69)
Thinh Quang


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 341

VẤN: Ông Võ Cung, Philadelphia: Tôi thật sự không hiểu con số “36” thường được nhắc nhở đến. Tại sao không nói là 20, 40, 50 v.v… mà chỉ đề cập con số 36?

ĐÁP:

Thắc mắc này có rất nhiều người đề cập đến. ”Con số 36 chỉ là con số biểu trưng, tự nó không có ý nghĩa chính xác nữa. Mỗi con số có những số biểu trưng riêng biệt của nó. Ví như con số “3” và con số “6” chẳng hạn. Con số 3 là con số cơ bản, nó là con số 3 tuyệt vời. Nhà bác học cổ đại Pithagore đã nói như vậy. Bởi nó là “Khởi đầu, Trung gian và Kết thúc”.

Cứ theo hệ thống của nền triết học Trung Hoa thì THIÊN biểu tượng bằng con số “1”, ĐẤT là con số “2”, tức con số chẵn đầu tiên. Rồi TRỜI và ĐẤT kết hợp lại với nhau tạo LOÀI NGƯỜI là con số “3”. Như ta thấy 1 kết hợp với 2 thành 3. Vậy con số “3” trở thành bộ ba căn bản chỉ cho TRỜI – ĐẤT – NGƯỜI, ĐƯỢC GỌI LÀ THIÊN HOÀNG, ĐỊA HOÀNG và NHÂN HOÀNG

Trong cách nói của ta thường nghe thấy - “36 ban võ nghệ”, hoặc “36 chước”, lấy ra từ câu “Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng sách”. Vậy thì các số 36, 72, 108 mà ta thường thấy trong các sự kiện lịch sử cũng như các cấu trúc về thiêng liêng không do sự ngẫu nhiên mà là do một quy luật. Như ta thấy 108 là con số trong tràng hạt Phật giáo cũng như của giáo phái Siva.

Theo Vật lý học, người Trung Hoa thì cơ thể con người có 360 cái xương, 360 cái khớp và 360 cái huyệt. Như vậy công trình kiến trúc thành phố Hà Nội tại Thăng Long Thành – rõ ràng triều đình Việt ngày xưa có dụng ý chứ chẳng phải không đủ khả năng xây dựng thêm lên nữa. Điều này Nhà Vua muốn nói thành quách này là của Nhà Trời, có nghĩa nó biểu trưng cho đế mệnh.

Các tôn giáo cũng có hệ thống cho ta thấy, như:

Phật giáo thì PHẬT – PHÁP - TĂNG.
Công giáo thì CHA - CON & THÁNH THẦN
Hindu giáo có SÁNG TẠO – BẢO TỒN – HỦY DIỆT.

Âm lịch một năm có 360 ngày. Nhìn con số này cho ta thấy con số 36 là biểu trưng của Đại Tổng Thể. Như vậy 36 phố phường ở Hà Nội không đi ra ngoài phạm vi đại tổng thể đó.

Ca dao ta có câu:

Trên trời 36 thứ chim
Thiếu gì loan phượng đi tìm quạ khoang.

Theo nhà Bác học Pithagore thì con số 36 là là con số “Tứ Phân” lớn vì nó biểu hiện của cả 4 số chẵn đầu tiên. Các số 36, 72, 108 tương xứng với 1, 2, 3. Trời được biểu trưng bằng con số 36, Đất 72. Trời Đất hợp lại cấu thành Người. Có nghĩa: 36 + 72 = 108. Vậy con số 108 là thành số của TRỜI ĐẤT cọng lại mà có.

VẤN: Cháu Vũ Như Hà Thủy, Maryland: Bà cụ nhắc giúp câu ca dao mà cháu chỉ nhớ có hai lời đầu của bài: “Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất” mấy câu sau cháu quên. Thành kính cảm ơn bà cụ.

ĐÁP:

Bài ca dao về cái khăn cháu muốn nhắc lại đó như sau:

Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất?
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai?
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt?
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt?
Mắt thương nhớ ai,
Mà mắt không khô?
Thương anh chín đợi mười chờ
Càng thơ thẩn đợi, càng mờ bóng ai?


MỘNG TUYỀN VÁN ĐÁP SAO LỤC 342

VẤN. Ông Đào Phong Nha, Virginia: Trung Quốc là một quốc gia cổ đại đúc tiền sơm nhất thế giới. Tôi muốn biết đó là vào thời đại nào? Pháp định của đồng tiền lúc bấy giờ được quy định như thế nào kể cả giá trị của các đồng tiền lưu hành trên thị trường? Xin bà cụ giải thích hộ. Cám ơn bà cụ nhiều.

ĐÁP:

Đầu nhà Hán, tiền tệ theo pháp định là “tiền vàng” và “tiền đồng”. Tiền vàng thì được đúc thành “bánh” tức “khối”. Bánh lớn nặng nửa cân qui ra giá trị bằng một vạn đồng tiền đồng. Bánh nhỏ thì một lượng bằng 625 tiền đồng. Thời Hán Vũ Đế còn đúc vàng theo hình “móng lân” gọi là “lân chỉ”. Đúc một hình dạng khác là hình “móng ngựa” được gọi là “mã đề”.

Đời Tống thông dụng cả tiền đồng lẫn tiền kẽm. Tiền kẽm lưu hành ở Tứ Xuyên. Giá trị một tấm lụa để phủ các vật thể xem là tôn kính hay xe cộ để được trang trọng với giá 2 vạn đồng kẽm. Trọng lượng của 2 vạn đồng kẽm có đến 200 cân, muốn mang theo phải gánh hay chuyên chở bằng xe.

Đến đầu Bắc Tống các thương lái bằng vào tài sản và thanh thế của mình tự in bạc bằng tiền giấy và gọi là “giao tử”. Người cầm tiền giấy này có thể đổi thành tiền kim loại, kỳ hạn 3 năm đổi một lần. Đó là bước đầu sử dụng bằng loại tiền “tín chỉ”.

Cho mãi đến năm Tuyên Thống 1910 qui định đồng bạc có tên “ngân nguyên”. Trung Hoa Dân Quốc về sau thời quân phiệt Bắc Dương, đồng bạc đúc có hình Viên Thế Khải, tục gọi Viên Đại Đầu. Đến năm 1927 trở về sau, chính phủ Quốc Dân Đảng đúc đồng bạc có hình Tôn Trung Sơn. Năm 1933 đổi tên gọi là đồng “Nguyên”, cấm chỉ lưu thông bạc lượng, thi hành chế độ “tính nguyên giáp phân” tức “đồng, hào, xu”. Năm 1935 thi hành chính sách pháp tệ, cấm lưu hành “ngân nguyên” trên thị trường, nhưng thật ra trên thực tế mãi đến tháng 6 năm 1949 mới thực sự sử dụng đồng “nguyên”.

VẤN: Cư sĩ Ngô Sùng Chính, LA. Theo nhà Phật có từ “Không Khởi Hoa”, nó có nghĩa như thế nào, xin bà cụ giải cho.

ĐÁP:

“Không Khởi Hoa” chẳng khác gì “Linh Thụy Hoa”. Theo từ điển Đoàn Trung Côn: Không Khởi tức là Vô sanh. Vô sanh là một danh từ tối quan trọng của Phật Giáo. Không sinh ra thì không tiêu diệt, không có sống thì không có thác, không khởi thì không diệt, đó là chân lý của Niết Bàn, chân lý của nền Trung đạo. Ai quán tưởng cho đắc nhập được lý Vô sanh thì phá bỏ các mối Phiền não, các mối đau khổ dính với cuộc sinh tử (luân hồi), dính với các cuộc phát hiện và tiêu diệt v.v…


MỘNG TUYỀN VẤN ĐÁP SAO LỤC 343

VẤN: Ông Văn Thành, Virginia:
1. Cụ có nhớ bài thơ cổ mang tựa đề “Thành Thăng Long” không?
2. Đồng thời bà cụ giải thích hộ vì sao mà người Trung Hoa ngày xưa thường luận về THIÊN – ĐỊA – NHÂN? Nó có ý nghĩa gì yêu cầu bà cụ giải thích hộ. Cám ơn bà cụ rất nhiều.

ĐÁP”:

1/ Nguyên văn bài thơ “Thăng Long Thành” như sau:

Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày
Hàng Lò, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn.
Phố Mới Phúc Kiến hàng Ngang
Hàng Mã,,hàng Mắm, hàng Thang, hàng Đồng.
Hàng Muối, hàng Nón, cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè.
Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà.
Quanh đi đến phố hàng Da
Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.
Phố Hoa thứ nhất Long Thành
Phố đăng mắc cưỡi đàng quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

Về câu thứ 2/

Năm 1943, ông Đinh Văn Ngọc có đến tòa soạn Dân Báo gặp tôi để cùng thảo luận về bài thơ Thăng Long Thành gồm 36 phố phường, ông có đề cập đến và vấn ý tôi về con số này. Thật ra con số 36 được mang ra áp dụng để xây Thăng Long Thành cố đô Hà Nội chỉ là con số biểu trưng. Khi dùng con số biểu trưng thì tự nó không còn ý nghĩa chính xác nữa. Mỗi con số có mỗi biểu trưng riêng biệt của nó.

Ví như con số “3” là con số cơ bản. Nó là con số 3 tuyệt vời như nhà bác học cổ đại Pithagore đã nói như vậy. Bởi nó là “Khởi Đầu, Trung Gian và Kết Thúc”. Cứ theo hệ thống của nền triết học Trung Hoa thì TRỜI được biểu trưng bằng con số 1. ĐẤT con số 2 – tức là con số Chẵn đầu tiên. Đoạn TRỜI và ĐẤT kết hợp lại tạo ra NGƯỜI là con số 3. Như ta thấy 1 kết hợp với 2 thành 3. Vậy con số 3 trở thành bộ ba căn bản chỉ cho TRỜI – ĐẤT – NGƯỜI. Đó là THIÊN HOÀNG, ĐỊA HOÀNG và NHÂN HOÀNG. Các tôn giáo cũng có hệ thống như vậy.

Phật giáo thì PHẬT – PHÁP – TĂNG
Thiên Chúa giáo có CHA – CON & THÁNH THẦN
Hindu giáo có SÁNG TẠO – BẢO TỒN – HỦY DIỆT

Theo Âm lịch, một năm có 360 ngày. “36” là con số biểu trưng của Đại Tổng Thể. Như vậy 36 phố phường ở Hà Nội không đi ra ngoài phạm vi đại tổng thể đó. Ca dao ta có câu:

“Trên trời 36 thứ chim
Thiếu gì loan phượng đi tìm quạ khoang.

(Xin nhắc lại theo nhà bác học Pithagore thì 36 là con số Tứ Phân lớn vì nó biểu hiện của cả 4 số chẵn lẻ đầu tiên. Các số 36,72,108 tương xứng với 1, 2 và 3. Trời được biểu trưng bằng con số 36, Đất 72. Trời, Đất hợp lại cấu thành con số 108 tức con số biểu trưng cho Người.

Trong cách nói của ta thường nghe thấy, “36 ban võ nghệ” danh từ “Ba Mươi Sáu Chước” lấy từ trong câu “Tam thập lục kế dĩ đào vi thượng sách”. Vậy thì các số 36, 72, 108 mà ta thường thấy xẩy ra trong các sự kiện lịch sử như các cấu trúc về thiêng liêng không phải do sự ngẫu nhiên mà là do một quy luật. 108 là con số trong tràng hạt Phật giáo cũng như của giáo phái Siva.

Theo Vật Lý Học Trung Hoa thì cơ thể con người có 360 cái xương, 360 cái khớp và 360 cái huyệt. Việc kiến trúc thành phố Hà Nội – tức Thăng Long Thành – rõ ràng triều đình ta thời xưa có dụng ý chứ chẳng phải không đủ khả năng phát triển hơn nữa. Điều này nhà Vua muốn nói thành quách này (chỉ Thăng Long Thành) là của Nhà Trời. Có nghĩa nó biểu trưng cho Đế Mệnh (trích lại lời bàn thảo giữa Thinh Quang và Đinh Văn Ngọc trong tập “Hai Mươi Năm Thăng Trầm” của Đinh Văn Ngọc) xuất bản năm 1993.


MỘNG TUYỀN VẤN ÐÁP SAO LỤC 344

VẤN: Nhà thơ Tú Lắc (San Jose): Một người bạn hỏi tôi cái nghĩa của từ “Thuyền Quyên” là gì? Xin bà chị vui lòng giải hộ.

ÐÁP:

“Thuyền” có nghĩa là dáng dấp đẹp đẽ dễ yêu. “Quyên” là xinh đẹp. Quyên còn được lặp lại thành điệp tự như “quyên quyên” có nghĩa là đẹp đẽ. Quên quyên thường đi đôi với chữ Thuyền (beautiful, pretty).

Danh từ “quyên” còn có nghĩa là một giọt nước hay dòng nước trong trẻo có vẻ ẻo lả. Dòng nước nhỏ nhắn ẻo lả này thường gọi là “Duềnh quyên” tức là “Dòng quyên”. Chữ “Quyên” là đẹp đẽ viết khác với chữ “Quyên”của con Ðỗ Quyên tức Ðỗ Vũ. Theo điển tích “Vua Ðỗ Vũ nước Thục sau khi nhường ngôi cho Bá Linh bỏ lên núi về sau hóa thành con chim nên gọi là chim Ðỗ Vũ.”

Thuyền quyên mà ông bạn anh hỏi theo Hán tự không phải là “Thuyền” là chiếc ghe, chiếc tàu, mà có nghĩa chỉ về dung nhan đẹp đẽ. Chữ “Thuyền” này còn được đọc là “Thiền” cùng nghĩa là “Ðẹp”, vì vậy mà có cách viết để chỉ cho sự đẹp đẽ. Chữ “Thiền” và chữ “Quyên” đều viết có bộ “Nữ” một bên, để chỉ về phái yếu. Chữ “Thiền” này khác với chữ “Thiền” như “thiền định”, “tham thiền”. Tiếng nhà Phật dịch theo âm chữ Phạn (dhyana, có nghĩa la yên lặng và nghỉ ngơi. Vậy nghĩa của danh từ “Thuyền Quyên” chỉ về dáng đẹp đẽ của người phụ nữ. Ca dao có câu:

Thuyền quyên muốn sánh anh hào
Vốn không thả lý gieo đào như ai”.

Thói thường người anh hùng thường “nan quá mỹ nhân quan”, vì vậy mà người đời thường mai mỉa thuyền quyên chỉ cần ứ hự một tiếng cũng đủ khiến cho đấng anh hùng phải theo lệnh không cần phân biệt thực hư như thế nào.

VẤN: Ông Ðỗ Ðức Nhuận LA. Tôi có mấy câu thành ngữ xin bà cụ giúp giải hộ:
1. Quạt ngà trâm ngọc
2. Và câu: ”Ăn kia nâng ở ngang mày”.
3. Ý nghĩa của Phượng cầu kỳ hoàng.

Ðáp:

1. “Quạt ngà trâm ngọc” có nghĩa khi hai họ đính ước bán gả con cho nhau thì họ đàng gái trao quạt ngà cho đàng trai, còn đàng trai thì trao trâm ngọccho đàn gái. Phan Trần có câu: “Quạt ngà trâm ngọc,kết nguyền họ Phan”.

2. “Ăn kia nâng ở ngang mày”: Ý nói người vợ kính trọng chồng. Do điển tích:” Lương Hồng với nàng Mạnh Quang, hai vợ chồng luôn luôn kính trọng nhau như khách. Khi dâng cơm lên cho chồng ăn, nàng nâng chén cơm và đũa lên cao ngang lông mày.

3. Phượng cầu kỳ hoàng”: Tên khúc đàn của Tư Mã Tương Như người đời nhà Hán gảy. Tiếng đàn nghe não nùng ai oán. Nàng Trác Văn Quân là một người đàn bà trẻ tuổi góa chồng nghe phải cảm động đem lòng mê mẩn. Về sau hai bên lấy nhau.

VẤN: Cậu Vũ Quang Thuận, Philadelpia: Bà cụ có nhớ bài “Thanh Phong, Minh Nguyệt” của tác giả Ngô Thế Vinh không? Nếu được xin nhắc hộ.

ÐÁP: Bài cậu hỏi đó như sau:

Giang tâm thu nguyệt bạch,
Não nùng thay khi gió mát, lúc trăng thanh!
Bóng thiềm soi đáy nước long lanh,
Quang cảnh ấy cũng thanh mà cũng lịch.
Vạn khoảnh tịch nhiên thu dạ vĩnh,
Nhất hồ oánh nhĩ nguyệt minh thâu.
Ðàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc, rượu một bầu,
Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng.
Chèo mấy mái, thuyền lan lững thững,
Bạn mấy người tài tử giao du,
Non mấy tầng, đá mọc lô nhô,
Cầu mấy nhịp, bắc ngang sông Vị Thủy.
Hội Xích Bích nọ năm Tuất nhỉ!
Thú phong lưu há để một Tô công?
Trăng thanh gió mát kho chung…

VẤN: Cháu Nguyễn Thanh Hùng, Monterey Park: Cháu thường nghe nói đến “chỉ hồng”. Cháu được biết đó là “sợi Xích Thằng” nhưng không biết ý nghĩa của nó. Xin bà cụ giải thích hộ cho.

ÐÁP:

Chỉ hồng cháu hỏi đó dịch từ chữ “Xích Thằng” ra. Xich Thàng chỉ cho sự hôn nhân. Trong Tình sử có chép:

”Ðời Ðường, Vi Cố đi kén vợ gặp một ông cụ đang ngồi tựa vào tường đá núi nơi chỗ khoáng đạt đang dọc sách dưới bóng trăng thanh. Ví Cố hỏi:

-”Sách ấy là sách gì?.

Ông cụ bảo:

-”Sách chép tên những người lấy nhau làm chồng vợ.”

Vi Cố hỏi:

-”Còn cái túi bên vai kia chứa gì bên trong ấy?”

Ông cụ bảo:

-”Trong túi ấy chứa những sợi tơ hồng tức là sợi xích thằng mà công tử muốn biết.


MỘNG TUYỀN VẤN ÐÁP SAO LỤC 345

VẤN: Ông Hải Sơn, LA: Bà cụ có nhớ ba câu đầu của Thần Chú Phật Ðảnh Thủ Lăng Nghiêm không? Nếu có, xin nhắc hộ. Cám ơn bà cụ rất nhiều.

ÐÁP:

1. Na mô tất đát tha tô gia đa gia a la ha đế tam điều tam bồ đà tả.
2. Tát Ðát tha Phật đà câu chi sắtr ni sam.
3. Na mô tát bà bột đà bột địa tát đà bệ tệ.

VẤN: Cụ Hoàng Trọng Khải (San Jose): Tôi có nhớ về cách tôn kính của ngườ xưa, theo Tam Tự Kinh ví như cha hiền thì con hiếu, chồng hòa thì vợ thuận v.v…Bà cụ có nhớ nguyên bản chữ Hán này không? Lối diễn dịch như thế nào? Xin bà cụ nhắc nhở hộ.

ÐÁP:

Nguyên văn chữ Hán có mấy câu như sau:

“… Thử Thập Nghĩ, Nhân Sở Ðồng, Dương Thuận Tự, Hốt Vi Bối, Trảm Tề Suy, Ðại Tiểu Công, Chí Ty Ma, Ngũ Phục Chung”.

Thập Nghĩa đó là: Cha hiền, con hiếu, Chồng hòa vợ thuận, Em kính, anh nhường, Bạn bè nghĩa tín, Quân kính thần trung.

Nghĩa của từng chữ:

Ðồng là đồng ý, Ðương là cần phải, Thuận là tuân theo, Hốt là không được, không thể, Vi bối là làm trái ngược, Trảm suy là tang phục của con cái mặc tang cho cha mẹ khi cha mẹ chết, Tề suy là tang phục của cháu mặc khi ông bà nội qua đời. Ðại công là tang phục của anh hoặc của em mặc khi anh hoặc em xấu số qua đời. Tiểu công là trang phục của cháu mặc khi chú bác ruột qua đời. Ty ma là tang phục của cháu ngoại hoặc anh em họ mặc cho ông bà ngoại hoặc anh em họ chết…

Tóm lại các từ Trảm suy, Tề suy đại công, Ty ma, trong Ngũ Phục chỉ về sự áp dụng trong việc tang chế.

Có chuyện kể rằng:

”Trong Tam Quốc Chí, khi Từ Thức từ biệt Lưu Bị, có tiến cử cho cho Gia Cát Khổng Minh. Từ Thức nói rằng nếu đươc Khổng Minh chấp thuận thì Lưu Bị sẽ lập được nghiệp bá. Trong khi Lưu Bị chuẩn bị lễ vật để lên đường tìm đến chõ của Khổng Minh, Trương Phi nổi nóng nói:

-“Huynh không cần phải đi cho vất vả, để đệ cho người đi mời ông ấy đến là xong.”

Nghe vậy, Lưu Bị bèn lên tiếng trách mắng:

-”Ðệ không được lỗ mãng. Gia Cát Lượng là người hiền tài mà ta đang cần, tự ta phải thân hành đến tận nơi mời ông ta ra giúp mình mới phải. Các đệ không nên thất lễ.”

Nói xong cả ba người lên đường tìm đến ngò Ngọa Long. Khi đến đầu làng gần nhà, Lưu Bị xuống ngựa đi bộ tới cổng. Gõ cổng hồi lâu, thấy một thư đồng Lưu Bị bèn nói rõ ý đồ và xin được vào gặp Khổng Minh. Nhưng thư đồng trả lời là Thầy minh đi chơi chưa về.

Một tháng sau ba anh em Lưu Bị lại tới lần nữa, nhưng vẫn không được gặp. Trương Phi nổi nóng nói với Lưu Bị rằng:

-”Ðể đệ vào xách cổ nó ra cho”.

Lưu Bị quát mắng Trương Phi rồi ba người lại ra về. Một tháng sau Lưu Bị tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị lễ lộc rồi lên đường. Khi gần đến nhà của Khổng Minh, Lưu Bị bảo với Quan Vân Trường và Trương Phi:

-”Hai em ở đây chờ để huynh tới một mình xem sao.”

Khi đến nơi Lưu Bị thân hành đến gõ cửa liền thấy liền thấy thư đồng ra nói:

-“Tiên sinh vừa về tới nhà và đang còn say ngủ”.

Lưu Bị bèn nói:

-”Vậy để tôi chờ ở ngoài, hãy để yên cho tiên sinh an giấc”.

Khoảng một khắc sau – tức hai tiếng dồng hồ ngày nay – thư đồng mới ra mời Lưu Bị vào nhà.

Vì cảm phục lòng thành của Lưu Bị, Gia Cát Lượng khứng lời nhận giúp cho Lưu Bị và đã dựng lên được nước Thục để kình chống với Ngụy và Ðông Ngô lập thành thế chân vạc. Ðó là thời đại Tam Quốc.

Sau khi Quan Công bị chết, Lưu Bị không nghe lời khuyên của Gia Cát Lượng, cứ xuất quân đánh Ðông Ngô để trả thù cho Quan Công, kết quả Lưu Bị bị thua, lui quân về Bạch Ðế Thành. Vì quá phẫn uất nên bị ốm nặng. Trước khi chết Lưu Bị cho gọi Khổng Minh vào bảo:

-“A Ðẩu còn nhỏ không thể trông coi việc nước được, nay Trẫm giao hết quyền hành cho Khanh.”

Nghe vậy, Lượng vội quỳ ngay xuống tâu:

-”Thần không dám. Ấu Chúa tuy còn nhỏ nhưng Thần vẫn hết lòng phò trì quyết không hai lòng. Thần cam kết sẽ làm tròn nhiệm vụ của kẻ bề tôi.”

Về sau vì Gia Cát Lượng làm việc quá sức ngã bệnh qua đời ở Ngũ Tường Nguyên. Trước khi chết Khổng Minh còn bày mưu kế cho Khương Duy đưa toàn bộ quân lính cùng Ấu Chúa trở về được an toàn.

Xét từ câu chuyện trên ta thấy Lưu Bị là vua của một nước mà biết tôn kính những người tài giỏi. Như vậy những người như Khổng Minh làm sao mà không trung thành với vua để hoàn thành sứ mệnh!

Còn những lễ nghi trong tang chế, ta cần phải tuân theo những việc hiếu thảo với cha mẹ, là việc cần thiết phải làm khi cha mẹ còn sống. Tăng Tử là học trò của Khổng Tử có nói rằng:

-”Lúc người thân mất đi, ta giết trâu bò để cúng tế hầu tỏ lòng hiếu thảo, thì tại làm sao khi người thân còn sống ta lại không đem dâng cao lương mỹ vị để đấng trưởng thượng của mình được hưởng, làm như vậy há không tốt hơn sao!”

Ý của Ðức Khổng Tử muốn bảo rằng, sống chẳng cho ăn, đợi chết làm văn tề ruồi!

Còn tiếp
THINH QUANG

* * *

Xem Phần 68, click vào đây.
Đọc Bài cùng tác giả click vào đây.
Trở về website www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh