Sinh năm 1910 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, có thơ văn đăng báo từ năm 1927, Nguyễn Vỹ được xem là một trong số không nhiều những nhà thơ, nhà văn, nhà báo nổi danh từ thời tiền chiến còn hoạt động năng nổ trong cả 3 lãnh vực Thơ, Văn và Báo chí tại miền Nam Việt Nam vào những thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX.
NGUYỄN VỸ, NHÀ THƠ MIỆT MÀI SÁNG TẠO
Ngày 10-3-1932, trên Phụ Nữ Tân Văn số 122, ông Phan Khôi cho trình làng bài thơ Tình Già và lập tức được xem là nhà tiên phong khai mào cho Phong trào Thơ Mới. Đồng thời với những nhà báo đăng đàn cổ xúy cho lối thơ mới, một số thanh niên Tây học đã làm thơ theo lối mới không còn bị gò bó theo niêm luật của thơ Đường nữa. Trong 2 năm 1932 và 1933, phần nhiều các nhà thơ mới đăng thơ mình trên các tạp chí hay tuần báo. Mãi đến năm 1934, ta mới thấy một số nhà thơ cho ra đời các thi phẩm của mình như Bàng Bá Lân với Tiếng Thông Reo, Đỗ Huy Nhiệm với Khúc Ly Tao, Lan Sơn với Anh Với Em, Thái Can với Những Nét Đan Thanh...Ngay Thế Lữ, người được xem là chủ soái của phong trào Thơ Mới cũng phải đợi đến năm 1935 mới cho in thi phẩm Mấy Vần Thơ. Vậy thì, Nguyễn Vỹ phải được xem là một trong số những nhà thơ mới tiên phong bởi vì, cùng với các nhà thơ kể trên, Nguyễn Vỹ đã cho xuất bản tập thơ đầu tay với nhan đề Tập Thơ Đầu - Premières Poésies bằng 2 thứ tiếng Việt và Pháp ngay từ năm 1934.
Chân dung Nguyễn Vỹ
Vừa mới xuất hiện trên thi đàn, Nguyễn Vỹ đã bị Thế Lữ dưới bút hiệu Lê Ta phê phán gay gắt trên 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, xem ông như là người muốn lòe thiên hạ.
Đồng quan điểm với Thế Lữ, ông Vân Hạc Lê Văn Hòe, trong Thi Thoại, một tác phẩm gồm những bài báo ngắn viết từ năm 1935 đến năm 1939 nhằm phê bình và giới thiệu một số nhà thơ và bài thơ mà ông muốn nêu ý kiến riêng, cũng đã viết:
-“...Ông Nguyễn Vỹ không làm được thơ hay chính là ông không chịu để tâm học lấy nghệ thuật làm thơ!”
Bảo rằng Nguyễn Vỹ không chịu để tâm học lấy nghệ thuật làm thơ là một nhận xét vỏ đoán và sai lầm. Chính vì Nguyễn Vỹ đã chịu khó nghiên cứu về nghệ thuật làm thơ nên ông mới đưa ra một số hình thức mới cho thi ca từ thể thơ hai chữ (như bài Sương Rơi) đến thể thơ 12 chữ (như bài Đức Thánh Đồng Đen) và Nguyễn Vỹ cũng đã có ít nhất là 2 bài thơ được người đương thời ca tụng, đó là bài Sương Rơi đăng trên Văn học Tạp chí năm 1935 và bài Gởi Trương Tửu đăng trên Phụ nữ Tuần báo năm 1937. Vậy thì tại sao ông Vân Hạc lại quả quyết rằng Ông Nguyễn Vỹ không làm được thơ hay?
Đến năm 1941, trong một tác phẩm bình thơ rất nổi tiếng, Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh phụ họa theo luận điệu của Thế Lữ đã viết Nguyễn Vỹ là người có chí cao nhưng tài mọn. Sau đó, trong phần bình về thơ Nguyễn Vỹ, ông ta lại viết ...ta thấy con người ấy không có gì.
Thế nhưng, ngay sau đó ông đã quên cái câu thật tàn nhẫn Nguyễn Vỹ là người có chí cao nhưng tài mọn và ta thấy con ngươi ấy không có gì để phải xác nhận một sự thực không ai chối cãi:
-“Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài "Sương rơi" được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.”
Thì ra, cái con người tài mọn, không có gì ấy đã để lại ngay vào lúc Hoài Thanh viết câu văn đầy ác ý nói trên “Một bài như Sương Rơi được rất nhiều người thích" và bài “Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ.” Và đây cũng chính là lời của Hoài Thanh!
Lối phê bình phủ đầu đầy ác ý của Hoài Thanh về sau này đã bị nhiều nhà biên khảo và phê bình văn học phản bác.
Nhà thơ Lam Giang, trong tác phẩm Hồn Thơ nước Việt thế kỷ XX đã viết:
“Phê bình Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh phát biểu một ý kiến võ đoán: "Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương". Tôi thiết tưởng cái công du nhập đầu tiên lối thơ nhạc vào thi đàn Việt Nam, giữa lúc rất nhiều người chỉ chăm lo đả kích Luật Đường, chứ chưa sáng tạo được một thể điệu gì mới, cũng đáng cho chúng ta nhìn tác giả với một nhãn quan nhiều thiện cảm hơn”.
Nhà biên khảo văn học Thụy Khuê cũng đã viết:
-“Như chúng ta đã biết, sau Phan Khôi, Nguyễn Vỹ cùng với Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Manh Manh, Thế Lữ là những người đã phát triển phong trào Thơ Mới. Nguyễn Vỹ và Mộng Sơn lập trường phái Bạch Nga, chủ trương cách tân thơ, chú trọng đến khía cạnh âm nhạc và hình thức xếp chữ trong thơ. Trường phái Bạch Nga bị Thế Lữ và Hoài Thanh đả kích kịch liệt, thơ Nguyễn Vỹ không được tiếp nhận đúng mức.”
Nhà biên khảo văn học Lại Nguyên Ân, khi nhắc lại những lời phê bình của Hoài Thanh đối với Nguyễn Vỹ trong Thi Nhân Việt Nam đã cho ta thấy cái tác hại ghê gớm của một ngòi bút phê bình được tiếng là tài hoa nhưng thiếu công tâm:
-“Những nhận định kiểu như vậy đã làm nhiều người (trong đó có cả tôi, khi mới bắt đầu cầm bút) xem Nguyễn Vỹ như một điển hình của sự ồn ào và lố bịch. Thực ra, đó chỉ là một sự oan ức cho Nguyễn Vỹ. Thứ nhất, những cố gắng thử nghiệm của ông không phải hoàn toàn vô ích: những câu thơ 12 âm tiết hay nhiều hơn nữa sau này được sử dụng khá nhiều, và dưới ngòi bút của một số nhà thơ tài hoa, khá hay. Thứ hai, dù bản thân ông không thành công ở thể thơ 12 chân, nhưng ít nhất Nguyễn Vỹ cũng để lại hai bài thơ thuộc loại kiệt tác trong thời 1932-45: bài Sương rơi và Gửi Trương Tửu.”
Và đúng như nhận xét của Lại Nguyên Ân những cố gắng thử nghiệm của ông không phải hoàn toàn vô ích, bởi vì như sau này ta sẽ thấy, nhà biên khảo văn học Trần Văn Nam trong bài Hình thức gắn bó với nội dung trong thơ Nguyễn Vỹ, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, đã viết:
-“Ngẫu nhiên mà mỗi thời kỳ trong văn học ta có một nhà thơ sáng tác thể hiện sự phối hợp Nội Dung và Hình Thức, thể hiện cơ cấu gắn bó lời thơ, thể thơ và ý thơ. Thời tiền chiến thì có Nguyễn Vỹ với đầy ý thức làm "thơ cụ thể", tượng hình bằng từ ngữ, bằng câu thơ.”
Và ông đã lấy bài thơ Sương Rơi (xem bài nầy, click vào đây) của Nguyễn Vỹ để minh chứng cho nhận định của ông.
Như vậy, ta thấy, càng về sau, các nhà biên khảo và phê bình văn học càng nhận thấy một cách chính xác công lao của Nguyễn Vỹ trong việc cách tân thơ Việt Nam và những đóng góp của ông cần được trân trọng.
Nguyễn Vỹ làm thơ khá nhiều từ thơ tình cảm, thơ tranh đấu đến thơ trào phúng. Thi phẩm Tập Thơ Đầu - Premières Poésies chỉ gồm một số ít bài thơ vừa thơ Việt, vừa thơ Pháp mà ở đó ông muốn trình làng một vài hình thức thơ do ông sáng tạo.
Trong quyển Khuynh hướng Thi ca Tiền chiến, hai tác giả Nguyễn Hữu Trọng và Phan Canh đã đánh giá về Thơ của Nguyễn Vỹ như sau:
-“Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa; hòa lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.”
Nhà thơ Bàng Bá Lân trong tác phẩm Kỷ niệm Văn Thi Sĩ hiện đại (tập II) đã có một nhận xét hết sức chân thành và thẳng thắn về thơ của Nguyễn Vỹ:
-“...trong Hoang Vu, tôi nhận thấy anh ít thành công ở những tình cảm thông thường như: yêu, buồn, thương, nhớ...Với những loại bài này, anh thường mắc phải những lời sáo, rườm rà hoặc quá dễ dãi trong cách đặt câu, dùng chữ." (...) "Nhưng Nguyễn Vỹ đã thành công trong những bài thơ diễn ta nỗi buồn giận vô cùng chua xót mà anh đã từng trải, như bài "Gửi Trương Tửu" và nhất là những bài làm trong chuỗi ngày bị giam cầm. Những lúc đó, lời thơ anh thoát ra rất tự nhiên, giản dị và thành thực, vì tứ thơ như tràn ngập trong mạch máu, chất chứa sẵn trong đầu.”
Trong thi phẩm Hoang Vu ông đã cho đăng những bài thơ theo hình thức đặc biệt tiêu biểu cho trường phái thơ Bạch Nga như bài Sương Rơi, Mưa Rào, Hoàng Hôn, Tiếng Chuông Chùa...
Đã có nhiều nhà bình luận văn học nhận định về thơ Nguyễn Vỹ. Trong phần dưới dây, chúng tôi xin được nêu lên một khía cạnh đặc biệt trong thơ Nguyễn Vỹ nói lên truyền thống bất khuất kiên cường của dòng dõi và quê hương. Như ta đã biết, thân phụ và bác ruột của ông là những con người bất khuất đã từng bị thực dân Pháp cầm tù. Bản thân ông cũng là một con người bất khuất dám tố cáo dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và phát xít Nhật để phải 2 lần vào tù ra khám. Còn tinh thần bất khuất của người dân Quảng Ngãi đã được chính Nguyễn Vỹ ca ngợi trong bài thơ “Quảng Ngãi, quê hương tôi”:
Quảng Ngãi quê hương tôi
Dân tình bất ly
Dân trí bất nhược
Dân đức bất suy
Dân tâm bất khuất
Khí thiêng nung đúc
Văn chương kiệt phách hào hoa
Bất chấp cường quyền uy vũ...
Thế nên, trong thơ của ông đã phản ảnh được tinh thần bất khuất kiên cường đó. Bài thơ Gửi Trương Tửu nói lên tinh thần bất khuất bi phẫn của ông trước cường quyền, dám nói lên chí hướng vì Dân tộc cao đẹp của mình ngay trong thời buổi thực dân Pháp đang đô hộ Việt Nam:
Bao giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho lịch sử,
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhổm dậy cười say sưa,
Để xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Đất Nước?
Để cho toàn thể dân Việt Nam
Đều được tự do muôn muôn năm?
Để cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than, tang tóc?...
(Gửi Trương Tửu)
Ông lúc nào cũng xác định một lập trường vững chắc đối với quốc gia dân tộc:
Bao năm xưa đọa đày trong luy tiết
Há bây giờ hờ hững với quê hương?
(Cảm ơn Ngài)
Ông xác định rõ ràng là ông sẽ dùng trường văn trận bút làm vũ khí tranh đấu cho dù có bị tù tội thì tim óc ông, ngòi bút của ông cũng không ai có thể bỏ tù nó được:
Tim tôi không còng sắt
Thơ tôi không bị xiềng
(Con chim trong tù)
Nguyễn Vỹ còn 3 thi phẩm tuy đã được quảng cáo trên tạp chí Phổ Thông số 118 năm 1964, gồm phần lớn là những bài thơ đăng trên tạp chí này nhưng vẫn chưa được xuất bản. Đó là: thi phẩm Thơ Lên Ruột thuộc loại thơ trào phúng với bút hiệu Tú Be. Thi phẩm Buồn Muốn Khóc Lên và đặc biệt là thi phẩm Hoa Máu gồm những bài thơ đã bị cấm đăng trong thời kỳ Phật Giáo bị đàn áp và những bài thơ làm trong thời Cách mạng tháng 11.
VỀ TAO ĐÀN BẠCH NGA:
Sau khi phong trào Thơ Mới xuất hiện, Nguyễn Vỹ là nhà thơ tiên phong đã mạnh dạn đưa ra một vài hình thức mới cho thi ca từ thể thơ hai chữ (như bài thơ Sương Rơi) đến thể thơ 12 chữ (như bài thơ Đức Thánh Đồng Đen) mà ông mệnh danh là thơ Bạch Nga. Sáng kiến của ông đã bị nhà thơ Thế Lữ (dưới bút danh Lê Ta) đả phá kịch liệt và đồng thời ông cũng nhận được sự bênh vực và ủng hộ nhiệt liệt của các nhà văn nhà thơ đương thời như Nguyễn Nhược Pháp trên báo Annam Nouveau, như Lan Khai, Huy Thông, Lê Tràng Kiều, Trương Tửu, Mộng Sơn trên các báo Đông Phương, Hà Nội, Phụ Nữ, Tiểu Thuyết Thứ Năm...
Thử nghiệm của ông đã không thành công trong thể thơ 12 chữ nhưng ở thể thơ 2 chữ với bài Sương Rơi đã là một thành công đáng khích lệ. Thời tiền chiến mới chỉ có lối thơ Bạch Nga hay trường thơ Bạch Nga theo cách gọi của Hoài Thanh. Ngoài Nguyễn Vỹ còn phải kể đến nữ sĩ Mộng Sơn, người đã viết một số bài báo chống lại luận điệu phê phán mang tính dèm pha của Thế Lữ đối với Nguyễn Vỹ đồng thời cho đăng nhiều bài thơ theo hình thức Bạch Nga trên các báo Hà Thành.
Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 1962, Nguyễn Vỹ mới thực sự thành lập Tao đàn Bạch Nga, dùng tạp chí Phổ Thông làm diễn đàn.
Tao đàn Bạch Nga gồm có Nguyễn Vỹ giữ vai trò chủ soái, thư ký của Hội là Nguyễn Thu Minh và các thành viên khác là: Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Thùy Dương Tử, Lâm Vị Thủy, Nguyễn Văn Cổn, Đào Thanh Khiết, Thu Nhi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Phương Đài, Phương Duyên, Tuệ Mai, Minh Đức Hoài Trinh, Ngọc Hân, Thanh Nhung.
Tuy có danh xưng là Tao đàn Bạch Nga nhưng Nguyễn Vỹ không đòi hỏi các hội viên phải hoàn toàn tuân thủ theo hình thức thơ Bạch Nga mà mỗi hội viên đều có quyền làm thơ theo cách riêng của mình.
Thành lập từ năm 1962 nhưng mãi đến năm 1964, Tao đàn Bạch Nga mới tổ chức cuộc thi thơ và sự kiện này cũng chỉ thực hiện được vài ba lần rồi vì ngân quỹ (tiền riêng của chủ soái Nguyễn Vỹ) eo hẹp nên việc tổ chức thi thơ cũng ngưng.
NGUYỄN VỸ, NHÀ VĂN YÊU NƯỚC TRUNG THỰC
Theo nhiều nhà phê bình văn học, Nguyễn Vỹ không thành công trong lãnh vực tiểu thuyết.
Tác phẩm để lại của ông, ngoài tập truyện ngắn Grandeures et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (1937) bằng Pháp văn, các tác phẩm còn lại đều là truyện dài. Đó là: Đứa con hoang (1936), Thi sĩ Kỳ Phong (ký bút hiệu Lệ Chi, 1938), Người yêu của Hoàng thượng (1938), Chiếc bóng (1941), Chiếc áo cưới màu hồng (1957), Giây bí rợ (1957), Hai thiêng liêng 1 & 2 (1957), Mồ hôi nước mắt (1965)
Ngoài ra, Nguyễn Vỹ còn dịch một số truyện từ tiếng Pháp ra Việt ngữ và cho đăng trong Phổ Thông, đặc biệt là quyển Bonjour Tristesse của Francçoise Sagan được ông dịch là Buồn ơi! Chào mi.
Trong Nhà Văn Hiện Đại, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã nhận xét về 2 tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Vỹ như sau:
“Quyển Đứa con hoang của Nguyễn Vỹ thuộc loại tiểu thuyết tình cảm, cái thứ tình cảm tràn ngập của một thi sĩ và đôi khi gần như lãng mạn” và “...cũng như Đứa con hoang, Chiếc bóng chỉ là một tiểu thuyết tình cảm, một tiểu thuyết tả thứ tình cảm tràn ngập, mông mênh của một gái già ở một mình trong gian phòng chật hẹp trong hai mươi năm trời, từ ngày nảy nở cái mộng lấy chồng.”
Đây là một nhận xét khá chính xác, bởi, đọc lá thư sau đây của Lệ Chi (một bút hiệu của Nguyễn Vỹ được dùng thời kỳ viết văn, làm báo ở Hà Nội) gởi cho 2 người bạn là nhà văn Lê Tràng Kiều và nhà thơ Lưu Trọng Lư, chúng ta sẽ thấy quan niệm viết tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ:
-“Chính tôi đã đau đớn cho Thảo và Thu đã nhiều, cho nên thuật lại truyện này, tôi muốn chị em ai đọc đến nó cũng phải cảm động xót xa ngay từ chương đầu, tôi chắc rằng 10 chị đọc truyện này, thế nào cũng có 9 chị thương mà khóc, một chị bắt tay lên trán suy nghĩ và cả 10 chị bâng khuâng, một vấn đề tình cảm rất âm u, rất áo não, rất mơ màng đang ẩn nấp trong tâm trí của các chị em bạn gái đời nay, một vấn đề mà những chị rụt rè không bao giờ dám chắc sẽ đến.” (Phương Thảo và Thu là tên 2 nhân vật trong tiểu thuyết Thi sĩ Kỳ Phong của Nguyễn Vỹ ký dưới bút hiệu Lệ Chi)
Cũng theo nhận xét của Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại, Nguyễn Vỹ là một nhà văn giàu tình cảm nhưng lại thiếu óc quan sát, sự xếp đặt tình tự câu truyện không hợp lý vì vậy tiểu thuyết của ông ít có giá trị về phương diện nghệ thuật. Đó là nhận xét chung về mấy tập truyện đầu của Nguyễn Vỹ viết vào thời kỳ tiền chiến. Những tập truyện được xuất bản từ năm 1957 trở về sau, ông đã chín chắn hơn trong bút pháp, thận trọng hơn trong nghệ thuật dựng truyện để lôi cuốn người đọc dù rằng vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn mong muốn như nhận xét sau đây của Bàng Bá Lân trong Kỷ niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại, tập 2:
“...các truyện dài của anh đã xuất bản hoặc đăng trong tạp chí Phổ Thông đều có ưu điểm là thích hợp với mọi từng lớp (trí thức cũng như bình dân) và khá hấp dẫn. Tuy nhiên tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ còn thiếu một cái gì để đưa tác giả lên hàng danh sĩ. Cái gì ấy là dấu hiệu của thiên tài. Nó là chiếc đũa thần của nhà ảo thuật có thể gõ đá hóa vàng, làm nên một-cái-gì bằng những cái không là gì cả (faire quelque chose de rien). Cho nên mặc dầu tiểu thuyết của Nguyễn quân không thiếu vẻ hoạt động hấp dẫn (tình tiết khá ly kỳ, tâm lý nhân vật được xây dựng khá vững, văn gọn và trơn...) ta vẫn chưa thể đặt anh vào hàng những tiểu thuyết gia danh tiếng.”
Tuy không thành công nhiều trong tiểu thuyết, thế nhưng, Nguyễn Vỹ cũng được xem là một nhà viết tiểu thuyết có những khám phá tiên phong trong lãnh vực mang quan niệm tình dục vào văn chương như Nguyễn Hữu Sơn đã viết trong bài Nhà văn Trương Tửu và những trang văn trước Cách mạng tháng 8-1945:
“Ngay sau khi tiểu thuyết Thanh niên S.O.S vừa ra đời, nhà phê bình xuất sắc Kiều Thanh Quế ở miền Nam đã đặt tác phẩm này bên cạnh Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Người đàn bà trần truồng của Nguyễn Vỹ đều cùng thuộc dòng văn chương "phóng túng tình dục".
Trước biến thiên của một thời đại đang trong quá trình Âu hóa và đặc biệt sự vận động trong đời sống tinh thần xã hội đã tạo nên những quan niệm đạo đức, thẩm mĩ và lối sông mới mẻ, nhiều khác biệt. Một trong những nội dung có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ trong đời sống văn chương là vấn đề tình dục - tính dục. Kiều Thanh Quế đã lựa chọn ba tác phẩm của ba cây bút tiêu biểu Vũ Trọng Phụng - Trương Tửu - Nguyễn Vỹ để lý giải hiện tượng này.
"Văn chương Việt Nam tiến bộ. Nhà văn không còn sợ luân lý Khổng Mạnh nữa. Họ nói: "Văn học muốn tiến hóa phải thoát ly tinh thần luân lý phong kiến" (Hồ Xanh). Rồi họ mạnh dạn mang quan niệm tình dục vào văn chương. Một vài nhà văn đương thời tiêu biểu cho xu hướng này: Vũ Trọng Phụng, Trương Tửu, Nguyễn Vỹ. Tôi muốn lấy 3 tác phẩm: Làm Đĩ, Thanh niên S.O.S, Người đàn bà trần truồng của họ làm trụ điểm cho cuộc lập luận này.”
Ngoài các tác phẩm tiểu thuyết kể trên, Nguyễn Vỹ còn là tác giả của một số truyện viết cho Nhi đồng: Con chó Yippy, Con chim mồ côi, Tý đuôi dài, Thủy tiên nương, Anh hùng Heo, Cô gái câm, Cô gái quay tơ, Ao trời...
Nguyễn Vỹ xuất thân từ một gia đình có dòng máu cách mạng yêu nước. Do vậy, khi làm báo, ông đã viết nhiều bài luận thuyết chính trị chống lại chính sách thực dân của Pháp và đã từng bị tù 6 tháng và bị phạt 3,000 quan vì một bài báo đăng trong Le Cygne do ông làm chủ bút. Sau khi ở tù ra vào cuối năm 1937, biết được dã tâm của phát xít Nhật muốn dùng chiêu bài bịp bợm Đại Đông Á để đánh lừa người Việt Nam tin theo họ mà chống Pháp, ông đã viết 2 tác phẩm thuộc loại luận thuyết chính trị (theo cách gọi của Nguyễn Vỹ) để vạch trần âm mưu thôn tính Việt Nam của phát xít Nhật. Đó là 2 tác phẩm: Kẻ thù là Nhật Bản (1938), Cái họa Nhật Bản (1938),
Qua 2 tác phẩm này, ta thấy ông đã có một cái nhìn thật chính xác và bén nhạy về sự có mặt của phát xít Nhật ở Việt Nam, trong lúc đó, như lịch sử đã chúng minh, có nhiều nhà cách mạng Việt Nam đã ngây thơ tin vào sự giúp đỡ của phát xít Nhật để sau đó phải rước lấy thất bại chua cay. Chính vì ông đã đánh trúng tim đen của bọn phát xít, do đó, Nhật đã bắt bỏ tù ông từ năm 1940 tại ngục Trà Khê thuộc miền rừng núi tỉnh Phú Yên cho đến khi trận thế chiến sắp kết thúc (2-1945) ông mới được thả. (Ông đã kể lại quãng đời tù tội này trong Người Tù 69 đăng trong bán nguyệt san Phổ Thông)
Về luận thuyết chính trị ông còn cho xuất bản quyển Đứng trước thảm kịch Việt-Pháp (Devant le Drame Franco-Vietnamien) tại Đà Lạt năm 1947.
Ông là một Phật tử thuần thành, có pháp danh là Tâm Trí, đã từng giữ chức vụ Hội trưởng hội Phật Học Đà Lạt trong các năm 1948, 1949 và 1950. Năm 1948, tại thành phố này, ông đã cho xuất bản tác phẩm Hào quang Đức Phật viết về cuộc đời và triết lý của đạo Phật.
Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử gồm những bài đã được đăng trên tạp chí Phổ Thông trước khi được xuất bản thành sách vào năm 1970.
Hai tác phẩm văn xuôi có giá trị nhất và được giới phê bình văn học chú ý, đó là Văn thi sĩ tiền chiến (1970) và Tuấn, Chàng trai nước Việt 1 & 2 (1970)
Trong lời Trao Bạn ở đầu tác phẩm Văn Thi Sĩ Tiền Chiến, Nguyễn Vỹ đã tâm sự:
"Tác phẩm này không phải là một văn học sử, cũng không phải là một công trình khảo luận.
Đây là chứng dẫn một thời đại, của một người đã bước trong lịch trình hăng say của Thế hệ văn học cận kim, đã lăn lóc hằng ngày với các bạn đồng hành. Nó đã sống, đã thấy, đã cảm xúc giữa một thế hệ mới đột nhiên xuất hiện từ một thế giới cũ. Nó đã chia sẻ những vinh nhục của số kiếp con nhà văn (...)
Nhân chứng, vai còn nặng hành trang của cuộc phiêu lưu kỳ thú ấy, không có một kiêu hãnh nào cả. Không vì khiêm tốn giả dối. Chỉ vì trung thực truyền thống của Văn nghệ đối với người đương thời với nó trong thế hệ qua, đối với chính lương tâm của nó trong thế hệ nay...".
Giữ đúng vai trò của một nhân chứng, ông đã phác họa vài nét chấm phá rất tiêu biểu trong cách sống, trong nếp suy nghĩ, trong cung cách làm việc sáng tạo của 39 tác giả trong đó có tác giả ông chỉ liên hệ qua văn thơ mà không từng gặp mặt như Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961); có những tác giả ông chỉ gặp một vài lần như Phan Bội Châu (1867-1940), Khái Hưng (1896-1947)...; có những tác giả đã từng làm việc nhiều năm với ông như Trương Tửu (1913-1999), Lưu Trọng Lư (1912-1991)...; có những tác giả ông chỉ gặp trước năm 1940 là năm ông bắt đầu ngồi tù lần thứ hai (1940-1945) trên đất Hà Thành như Nguyễn Tuân (1910-1987), Anh Thơ (1921-2005)...; có những tác giả ông đã từng liên hệ từ Hà Nội và sau này vào Nam vẫn còn gặp nhau, đôi khi còn làm việc với nhau như Lê Văn Trương (1903-1964), Vũ Bằng (1913-1984)...
Ngoài việc vẽ lại chân dung của một số nhà văn nhà thơ tiền chiến, trong phần 2 và 3 của tác phẩm, ông đã giới thiệu sơ lược một số báo chí bằng tiếng Pháp xuất bản tại Hà Nội và các nhà văn Việt viết văn, làm thơ bằng tiếng Pháp (chương 2), đồng thời phác họa những sinh hoạt, đời sống tinh thần và vật chất nói chung của giới văn nghệ sĩ tại Hà Nội thời tiền chiến (chương 3).
Trong phần cuối của Chương 2, sau khi giới thiệu Văn sĩ Việt, văn chương Pháp, Nguyễn Vỹ đã tâm sự:
-“Sẵn đây tôi xin thân mến nhắn bạn làng văn cũ hồi Tiền chiến hiện ở Paris (...) tôi hy vọng các anh hăng hái trở về văn học Việt Nam (...) mong mỏi được đọc những tác phẩm bằng Việt ngữ của các anh hơn là những tiểu thuyết viết bằng Pháp văn.”
Với lời nhắn nhủ này, ta thấy tinh thần quốc gia dân tộc của Nguyễn Vỹ khá rõ rệt. Tuy ông đã từng làm thơ bằng tiếng Pháp (trong Tập Thơ Đầu - Premiers Poésies), viết truyện bằng tiếng Pháp (Grandeures et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên), viết luận thuyết chính trị bằng tiếng Pháp (Đứng trước thảm kịch Việt-Pháp - Devant le Drame France-Vietnamien), nhưng lúc nào Nguyễn Vỹ cũng bảo tồn và cổ xúy cho một nền văn chương bằng ngôn ngữ Việt Nam.
Qua tác phẩm này, ta thấy được ngòi bút trung thực và quả cảm của Nguyễn Vỹ.
Ông đã viết những điều mà các cây viết khác không muốn đụng tới, dù rằng điều ông viết ra có thể (và thực tế đã) gây nhiều tranh cãi, chẳng hạn trong bài viết về Lưu Trọng Lư, ông cho rằng bài thơ Tiếng Thu đã lấy một phần chính trong bài thơ của Sarumara, một nhà thơ Nhật thế kỷ thứ VIII và đã được Karl Petit, một tác giả Pháp dịch ra thơ Pháp đăng trong La Poésie Japonaise và Nguyễn Vỹ cũng đã nói điều này cho Lưu Trọng Lư biết khi cả hai còn viết báo tại Hà Nội; hay khi viết về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nói về cái chết của nhà văn này, Nguyễn Vỹ đã không ngần ngại nêu lên quan điểm của mình dù rằng đây là một nhận xét chủ quan dễ gây bất bình:
“Một số rất đông người đi theo sau linh cữu của Nguyễn Tường Tam đến Chùa Xá Lợi. Nhưng người ta không hiểu và bàn tán rất nhiều về một tấm biểu ngữ tuyên dương rằng Nguyễn Tường Tam xứng đáng với Nguyễn Thái Học.
Nguyễn Thái Học đã can đảm lên máy chém để chết vì Tổ quốc, chứ đâu có uống thuốc ngủ tự tử để tránh xiềng xích của kẻ độc tài.
Giới Cách mạng ở Sài Gòn đều chê cái biểu ngữ đó, muốn tâng bốc ông một cách quá lố, và xuyên tạc Lịch sử.”
Nguyễn Vỹ đã xác nhận, Văn Thi Sĩ Tiền Chiến “không phải là một công trình biên khảo”. Trong Chương I viết về 39 nhà văn nhà thơ, Nguyễn Vỹ đã dùng hình thức kể chuyện với nhiều phần đối thoại. Từng sự kiện trong câu chuyện có thể là đúng, nhưng phần đối thoại để diễn giải sự kiện ắt hẳn là đã được Nguyễn Vỹ hư cấu phần lớn, bởi lẽ, không thể nào ta có thể ghi lại từng lời nói của mỗi nhân vật của câu chuyện thực xảy ra cách xa khi viết hàng vài chục năm, chí ít cũng là mươi năm.
Văn Thi Sĩ Tiền Chiến nói về sinh hoạt của giới nhà văn, nhà báo ở Hà Nội thời tiền chiến, chỉ có một ít xảy ra ở miền Nam sau năm 1954 thì Tuấn, Chàng trai nước Việt lại mô tả những chuyển biến của xã hội Việt Nam về nhiều mặt vào tiền bán thế kỷ XX như Đỗ Lai Thúy đã ghi nhận trong Nguyễn Vỹ - Nhân tích của một vùng đất và một thời đại:
-“Ai muốn lấy tư liệu về một xã hội Việt Nam quân chủ Nho giáo nông nghiệp cổ truyền đang từng bước chuyển sang hiện đại phương Tây hóa như thế nào, tưởng không đâu hơn ở Tuấn, chàng trai nước Việt. Ở đó sẽ thấy những do dự vừa bi vừa hài của việc thay đổi trang phục, đầu tóc, học chữ ta (tức chữ Hán) hay chữ tây (không chỉ chữ Pháp, mà ban đầu cả chữ quốc ngữ nữa!); rồi bao giờ thì xuất hiện chiếc xe đạp, chiếc đồng hồ, lần đầu tiên dân chúng được nhìn thấy máy bay; rồi ông đồ đi xe ô tô cảm hứng làm thơ, người thanh nữ đầu tiên đi xe đạp từ Sài Gòn ra Hà Nội là ai và vì sao tổ chức chuyến đi này; rồi vân vân và vân vân. Đó là những chứng tích cụ thể, sống động xảy ra ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Bình Định, miền Trung và toàn cõi Việt Nam. Đó là những chứng tích do một chàng trai lớn lên, đổi thay cùng với đất nước nhìn thấy, trải nghiệm và kể lại. Nhưng điều hay hơn ở Nguyễn Vỹ là xuyên qua rừng tư liệu ấy, người đọc có thể rút ra sự hình thành một thế hệ thanh niên của đất nước tiêu biểu cho thời đại bấy giờ. Đó là thế hệ Nguyễn Vỹ, thế hệ của Tuấn mà ông định danh là chàng trai nước Việt.””
Trong Lời Tựa tác phẩm Tuấn, Chàng trai nước Việt, Nguyễn Vỹ đã viết:
-“Với tư cách một nhân chứng vô tư của Thời Đại, Tuấn thuật lại rất khách quan và chân thật, không màu mè chải chuốt, tất cả những biến đổi phi thường ấy, về lịch sử, xã hội, phong hóa, tập tục, kinh tế, trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân Việt Nam từ 1900 đến nay...”
Tôi tin lời Nguyễn Vỹ, ông “rất khách quan và chân thật” khi thuật lại tất cả những điều được ghi trong Tuấn, Chàng trai nước Việt và cả trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến. Thế nhưng, “...sự kiện của quá khứ được kể lại chậm dăm bảy năm, thậm chí vài chục năm, là loại sự kiện mà trí nhớ con người vừa khôi phục nó vừa làm méo nó. Trí nhớ không giống như chiếc thẻ ghi hình hay ghi tiếng ta biết hiện giờ. Cơ chế của trí nhớ thường là vừa giữ lại vừa làm khúc xạ cái mà nó lưu giữ; và mỗi khi cần tái công bố một dữ liệu của quá khứ, trí nhớ người ta sẽ diễn đạt theo cách vừa phục hoạt nó lại vừa hư cấu nó.” (Lại Nguyên Ân, Xuân Diệu trong những năm 1954-1958)
Chúng ta có thể nêu lên vài thí dụ trong trường hợp của Nguyễn Vỹ:
- Theo Lại Nguyên Ân, trong Tuấn, Chàng trai nước Việt, vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước, tờ Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn đã thực hiện “hai việc có thể gọi là vĩ đại nhất lúc bấy giờ. Một là báo ấy mở cuộc thi Danh nhân Việt Nam (...). Việc làm thứ hai có tính cách ái quốc của tuần báo Phụ nữ Tân Văn là mở cuộc lạc quyên giúp 4 học sinh nghèo du học sang Âu châu.”
Theo tìm hiểu của Lại Nguyên Ân, “việc làm thứ hai” là hoàn toàn đúng sự thật. Còn việc làm thứ nhất, tức việc tuần báo Phụ Nữ Tân Văn “mở cuộc thi Danh nhân Việt Nam” thì, “chắc chắn rằng Nguyễn Vỹ đã hoàn toàn không tưởng tượng ra một sự việc không có thật. Trên báo chí Sài Gòn những năm 1929-30 không phải là đã không có ít ra là một cuộc thi với nội dung tương tự như Nguyễn Vỹ mô tả. Đó là cuộc thi quốc sử do nhật báo Thần Chung tổ chức.”
- Trong Văn thi sĩ tiền chiến, bài viết về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Vỹ viết:
-“Tháng 12-1952, tôi ở Đà Lạt xuống Sài Gòn gặp một ông bạn cho biết hiện giờ Nguyễn Tường Tam ở nhà ông Nguyễn Tường Phượng, anh của ông, công chức sở Bưu điện Sài Gòn.”
Đúng là Nguyễn Tường Tam có người anh cả làm công chức của Bưu điện Sài Gòn, nhưng tên của ông ấy không phải là Nguyễn Tường Phượng mà là Nguyễn Tường Thụy.
- Sau khi Nguyễn Vỹ bị tai nạn hơn 1 tháng, tuần báo Thằng Bờm ra số đặc biệt Tưởng Niệm Nguyễn Vỹ, ở phần cuối đề mục Tiểu sử thi sĩ Nguyễn Vỹ, có ghi rõ “Đây là sơ lược tiểu sử do chính Nguyễn Vỹ viết lúc còn sinh tiền”, khi giới thiệu người bác của mình, Nguyễn Vỹ đã viết “Bác ruột là tú tài Nguyễn Tuyên, bị 9 năm tù đày Côn Sơn vì vụ Duy Tân khởi nghĩa.”
Báo Thằng Bờm, số tưởng niệm Nguyễn Vỹ
Đúng là ông Nguyễn Tuyên bác ruột của Nguyễn Vỹ bị tù Côn đảo 9 năm (1908-1917) nhưng không phải “vì vụ Duy Tân khởi nghĩa” (xảy ra năm 1916) mà vì tham gia phong trào Duy tân và kháng thuế tại Quảng Ngãi năm 1908.
Như trong mấy thí dụ nêu trên, ta thấy rõ ràng là Nguyễn Vỹ không ngụy tạo sự kiện, nhưng sự kiện được nhắc lại một phần đã bị sai lạc do trí nhớ đã bị “khúc xạ”!
Tôi xin mượn ý kiến của giáo sư Nguyễn Huệ Chi để kết thúc phần viết về nhà văn Nguyễn Vỹ:
"Các tự truyện Tuấn, chàng trai nước Việt và hồi ký Văn thi sĩ tiền chiến cung cấp nhiều tư liệu đáng kể về sinh hoạt xã hội cũng như hoạt động của làng thơ làng văn ở Việt Nam những năm 1920-1945, với giọng văn linh hoạt, dí dỏm, cách kể chuyện tỉ mỉ, cuốn hút, nhất là thiên tự truyện, làm sống lại không khí lịch sử và phong tục tập quán của một thời chưa xa cách chúng ta là mấy nhưng ít ai còn hình dung được. Tuy vậy, không ít tài liệu mà chủ yếu là phần hồi ký về các nhà văn nhà thơ, chắc đã bị ngòi bút tác giả hư cấu thêm để câu chuyện thêm hấp dẫn, hoặc đôi chỗ do thiên kiến của mình."
NGUYỄN VỸ, NHÀ BÁO NĂNG ĐỘNG ĐA TÀI
Nguyễn Vỹ đã bước chân vào làng báo ở lứa tuổi rất trẻ. Sau khi bị cho nghỉ học vì tham gia bãi khóa, vừa tròn 17 tuổi, Nguyễn Vỹ rời Quy Nhơn ra Hà Nội tiếp tục học ban Tú tài. Trước khi đến Hà Nội, ông ghé Huế và tại đây ông đã viết những bài báo đầu tiên gởi đăng trên báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947) và đã được trả tiền nhuận bút trọng hậu. Tại Hà Nội, sau khi hoàn thành bậc Trung học năm 1932, Nguyễn Vỹ bắt đầu cộng tác với các báo Pháp ngữ như tờ La Patrie Annamite, L'Ami du Peuple Indochinois, và các báo Việt ngữ như Hà Nội báo, Văn Học tạp chí, Đông Tây tuần báo, Phụ Nữ tuần báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm.
Năm 1936, vào lứa tuổi 26, Nguyễn Vỹ đã cùng người bạn tâm giao là Trương Tửu chủ trương tờ báo LE CYGNE viết bằng hai thứ tiếng Việt Pháp. Đỗ Đình Thọ, trong một bài báo nhan đề Chửi Đông chửi Tây...Tây cũng phải chịu đã viết:
-“Lúc bấy giờ nhà thơ Nguyễn Vỹ là người có uy tín trong làng văn, giỏi tiếng Pháp, có xu hướng tiến bộ, luôn luôn cổ vũ cho phong trào bình dân của Pháp và ông đã đứng chủ bút tờ báo Pháp Việt là tờ Le Cygne được văn giới ở Hà Nội kính nể.”
Nhà thơ Bàng Bá Lân (1912-1988) trong tác phẩm Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại tập 2 đã viết:
-“Le Cygne là cơ quan văn nghệ và chính trị có tính cách quá khích nên bị các báo Pháp phê bình: "Le Cygne est un coq de combat" (Bạch Nga là một con gà chọi)". Báo Le Cygne bị phủ Thống sứ Bắc kỳ và chính phủ Nam triều kiện tại tòa án Hà Nội vì tội "phá rối cuộc trị an, xúi dân làm loạn để đánh đổ chính phủ quân chủ."
Vì một bài báo chống chính sách thuộc địa của Pháp đăng trong Le Cygne, tờ báo bị đóng cửa, Nguyễn Vỹ phải đóng 3,000 quan tiền phạt và ngồi tù 6 tháng.
Ra khỏi nhà tù Pháp (1938), nhận rõ âm mưu thâm độc của phát xít Nhật với chủ trương Đại Đông Á đã xua quân xâm lăng Trung Hoa rồi tiến quân vào Đông Dương mà quân Pháp không dám kháng cự, Nguyễn Vỹ cho xuất bản 2 tác phẩm luận thuyết chính trị, đó là Kẻ thù là Nhật Bản do nhà Thanh Niên Hà Nội phát hành năm 1938 và Cái họa Nhật Bản do nhà Lê Cường Hà Nội ấn hành năm 1938. Quả Nguyễn Vỹ đã có một cái nhìn thật sâu sắc và chính xác về âm mưu của quân phiệt Nhật, do đó bọn Nhật đã lập tức bắt giam Nguyễn Vỹ vào năm 1940 giam ở nhà lao Trà Khê (Phú Yên) mãi đến năm 1945, Nguyễn Vỹ mới được thả.
Mới ngoài 20 tuổi, ông đã thực sự bước chân vào làng báo cả chữ Việt lẫn chữ Pháp với những bài luận thuyết chính trị gây nhiều khó chịu cho nhà đương cục thực dân và cả nhà đương cục Nam triều. Ngòi bút tranh đấu không khoan nhượng của ông đã 2 lần đưa ông vào tù nhưng không phải vì thế mà ông nhụt chí phấn đấu. Ra khỏi nhà tù, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn cùng một số chiến hữu cho xuất bản nhật báo TỔ QUỐC tiếp tục tranh đấu chống sự hiện diện của thực dân Pháp tại Nam Kỳ. Nhưng chẳng bao lâu, nhật báo Tổ Quốc bị đóng cửa.
Ông bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt, xây dựng một nhà in và năm 1948, ông cho phát hành tuần báo DÂN CHỦ với vai trò chủ nhiệm và chủ bút. Như tên tờ báo đã xác định, Nguyễn Vỹ chủ trương tranh đấu cho một nền dân chủ thực sự, vì vậy nội dung xuyên suốt của tuần báo Dân Chủ là cổ xúy cho một nền dân chủ thực sự và chống đối chủ trương quân chủ lập hiến do quốc trưởng Bảo Đại chủ xướng, vì vậy, đến đầu năm 1950, chính phủ Nguyễn Phan Long đã cho đóng cửa tuần báo Dân Chủ.
Năm 1953, ông đứng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo DÂN TA. Vì chống đối chính sách phản dân chủ của chính quyền, tuần báo Dân Chủ bị buộc phải đóng cửa và Nguyễn Vỹ đã không cho tờ báo này tục bản. Nhưng với nhật báo Dân Ta đã được Nguyễn Vỹ xin phép tục bản sau nhiều lần bị chính quyền buộc phải đóng cửa. Lần thứ nhất bị đóng cửa là dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm (1955). Sau cuộc cách mạng 1-11-1963, đến tháng 2-1964, Dân Ta tục bản, nhưng chỉ 4 tháng sau lại bị đóng cửa. Sang năm 1965, Dân Ta lại xin tục bản và lại bị Nguyễn Cao Kỳ buộc phải đóng cửa vào tháng 7-1966. Mãi đến tháng 3-1971, Nguyễn Vỹ mới xin cho nhật báo Dân Ta tục bản lần thứ 3 và tờ báo đã hoạt động cho đến ngày ông từ trần (14-12-1971).
Với nhật báo Dân Ta, ông đã được sự cộng tác đắc lực của nữ ký giả Tuyết Vân, và các ký giả Việt Nhân, Nguyễn Thế Trung, Hải Âu và Triệu Công Minh trong công việc quản lý và điều hành.
Trong nghề làm báo, thành quả đáng ghi nhớ nhất của ông, đó là tuần báo thiếu nhi THẰNG BỜM và bán nguyệt san PHỔ THÔNG.
Với Tuần báo Thiếu nhi THẰNG BỜM, Nguyễn Vỹ chỉ đứng vai trò chủ nhiệm, Phan Thị Thu Mai làm Thư ký Tòa soạn.
Có thể nói, một số không ít những nhà văn ngày nay ở lứa tuổi trên 50 dưới 60 sinh ra ở miền Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của các tờ báo thiếu nhi thời bấy giờ như tở Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh, tờ Thiếu Nhi do nhà văn Nhật Tiến làm chủ bút hay tờ Thằng Bờm của Nguyễn Vỹ...
Tuần san Thằng Bờm đã đi sâu vào sinh hoạt của tuổi thiếu nhi đến độ tại Sài Gòn thuở thịnh hành của Thằng Bờm đã có vài nơi tổ chức thành Gia đình Thằng Bờm sinh hoạt vào những ngày chủ nhật, thỉnh thoảng có nơi có sự tham dự của nhà thơ Nguyễn Vỹ.
Thằng Bờm phát hành số đầu tiên vào tháng 2-1970 với tiêu đề “Tuần báo hướng dẫn giáo dục thiếu nhi Việt Nam” đã chủ trương phát huy nếp sống tốt đẹp theo truyền thống văn hóa dân tộc cho thiếu nhi, lứa tuổi măng non cần được tiếp thu một nền giáo dục lành mạnh nên đã được sự nâng đỡ về mặt tinh thần của Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa Mai Thọ Truyền và sự hưởng ứng nồng nhiệt của quý vị phụ huynh và do đó độc giả thiếu nhi của tuần báo này đã phát triển rất nhanh. Bằng chứng rõ ràng nhất là Thằng Bờm số 1 và số 2 đã phải in lại theo yêu cầu của nhiều vị phụ huynh và của cả đám độc giả thiếu nhi.
Thủ bút cùng chữ ký của Nguyễn Vỹ trong bài "Đêm sầu về".
Sự nghiệp báo chí vững chắc nhất của Nguyễn Vỹ chính là tạp chí Phổ Thông. Đây là tờ tạp chí đã được Nguyễn Vỹ gầy dựng rất sớm, tuy nhiên tạp chí này đã phải trải qua 3 giai đoạn khác nhau. Theo bản tiểu sử tự tay Nguyễn Vỹ viết, "Chủ nhiệm, chủ bút nhựt báo Dân Ta và Tạp chí Phổ Thông 1948". Không rõ bộ này xuất hiện lần đầu tiên vào thời gian nào của năm 1948? Đến tháng Giêng năm 1952, tạp chí Phổ Thông lại tái xuất hiện. Lần nầy thấy ghi Phổ Thông năm thứ nhất, bộ 1 số 1 tháng Giêng năm 1952. Chủ nhiệm, chủ bút: Nguyễn Vỹ và là tạp chí "mỗi tháng ra một kỳ" với tôn chỉ: "Truyền bá trí thức trong đại chúng, nâng cao trình độ văn hóa của quốc dân"
Tạp chí Phổ Thông
Đến ngày 1/11/1958 lại thấy xuất hiện Tạp chí Phổ Thông số 1 và là tạp chí mỗi tháng ra 2 kỳ vào ngày 1 và ngày 15 mỗi tháng, Nguyễn Vỹ giữ vai trò Giám đốc với tiêu đề: “Góp phần xây dựng văn hóa Việt Nam - Phổ biến văn hóa Đông Tây Kim Cổ”.
Chủ trương của Nguyễn Vỹ khi cho ấn hành tạp chí Phổ Thông với một chương trình thật rõ rệt:
1. Phổ Thông sẽ truyền bá tất cả những kiến văn thường thức về tất cả các ngành văn minh khoa học của thế giới hiện đại.
2. Phổ Thông sẽ giảng giải tất cả các vấn đề Kinh tế, Xã hội, Chính trị, Nghệ thuật, Khoa học, Chuyên môn v.v... mà thường ngày các bạn phân vân, muốn hiểu những không biết hỏi ai.
3. Phổ Thông sẽ đem đến các bạn những tài liệu hay, lạ về lịch sử Việt Nam và thế giới.
4. Phổ Thông sẽ thực hiện sự tổng hợp các tinh hoa đẹp đẽ của văn hóa Việt Nam, và nêu cao những khả năng cùng những giá trị tinh thần của Dân Tộc Việt Nam" (Phổ Thông số 1/ 1/1952)
Để khai triển chương trình 4 điểm kể trên, Nguyễn Vỹ đã nhận được sự cộng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi đương thời như :
- Về Văn:
* Nhà văn, nhà phê bình văn học Thiếu Sơn viết nhiều bài biên khảo đặc sắc trong đó có loạt bài viết về Nhân Vật Xuân Thu.
* Nhà thơ Bàng Bá Lân phụ trách bình thơ với Những Áng Thơ Hay.
* Nhà báo Tế Xuyên viết về các Danh nhân Thế Giới, đặc biệt có hồi ký viết về các nhà báo thời trước dưới tiêu đề Ký Giả Thuở Trước.
* Nhà văn Đàm Quang Thiện dịch Thần thoại Hy Lạp
Ngoài ra còn phải kể đến một số nhà văn nhà thơ tên tuổi khác như nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải, nhà thơ Quách Tấn, nhà văn Tam Ích, nhà biên khảo văn học và sử học Hoàng Xuân Hãn, nhà biên khảo về khoa học Võ Quang Yến, sử gia Phạm Văn Sơn, nhà văn Lê Tràng Kiều, nhà văn Thẩm Thệ Hà, Từ Trẩm Lệ, Nguyễn Hữu Trọng, Phạm Công Thiện, nhà báo Trọng Tấu, nhà báo Triệu Công Minh...
- Về Thơ:
Các nhà thơ lão thành nổi danh về Đường luật như : Ưng Bình Thúc Giạ Thị (sinh năm 1877), Thường Tiên (sinh năm 1883), nữ sĩ Song Thanh (sinh năm 1894), nữ sĩ Tương Phố (sinh năm 1900), nữ sĩ Song Thu (sinh năm 1900), Đông Xuyên (sinh năm 1906)...Các nhà thơ lớp trẻ như: Định Giang, Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, Phong Sơn, Lâm Vị Thủy, Phương Đài, Tôn Nữ Hỷ Khương, Minh Đức Hoài Trinh, Thu Nhi, Thanh Nhung... một số trong lớp nhà thơ trẻ này đã trở thành hội viên của Tao Đàn Bạch Nga do Nguyễn Vỹ thành lập năm 1962.
Nhờ qui tụ được nhiều cây bút tên tuổi với nhiều tiết mục hấp dẫn, Phổ Thông được xem là một trong vài tạp chí có số phát hành lớn nhất đương thời. Thời kỳ sung mãn nhất, Phổ Thông đã phát hành mỗi kỳ 25,000 bản.
Đặc biệt, có số phải in thêm đến 2 lần, mỗi lần 15,000 bản. Đó là số 116 số báo đặc biệt viết về cuộc đảo chính 1/11/1963 phát hành cùng một lần với số 118 ngày 1/1/1964.
Bán nguyệt san thiếu nhi Thằng Bờm cũng in thêm 2 số 1 và 2.
Đây được xem là một hiện tượng khá hiếm hoi trong làng báo của miền Nam lúc bấy giờ.
Ngoài việc in thêm phục vụ yêu cầu của độc giả, để giúp độc giả tìm tài liệu trong tạp chí được dễ dàng và mau chóng hơn, Nguyễn Vỹ đã không ngại tốn kém cho in để phát không bản Mục Lục Tổng Quát I từ số 1 (1-1-1958) đến số 90 (15-10-1962) gồm khoảng 3,000 bài viết đủ mọi thể loại với số lượng in là 25,000 bản. Sau đó, Phổ Thông còn thực hiện hằng năm bản Mục Lục Chu Niên. Đây quả là một sáng kiến độc đáo của Nguyễn Vỹ!
Nguyễn Vỹ là một nhà văn làm việc sung sức. Ký giả Việt Nhân, người đã từng giữ vai trò Thư ký Tòa soạn nhật báo Dân Ta trong khoảng thời gian 1953-1954, đã có nhận xét về Nguyễn Vỹ như sau: “Đời làm chủ nhiệm tuần báo, báo ngày và đời viết lách của anh thật là quên mình, có thể nói là quên ăn, quên uống. Thật vậy. Một khúc bánh mì thịt mua ngoài xe hoặc một dĩa cơm lao động anh Nguyễn Vỹ vừa ngồi viết tại bàn giấy vừa ăn thay cho bữa ăn trưa là đủ. Quả đúng là anh say mê với cái nghiệp viết báo, viết văn.” (Việt Nhân - Khóc thương một bạn đàn anh: Thân thế và gia cảnh của nhà văn Nguyễn Vỹ - Thằng Bờm, số 86, tháng 1/1972, tưởng niệm Nguyễn Vỹ)
Quả thật, trong tạp chí Phổ Thông, ông đã giữ nhiều mục và mục nào cũng hấp dẫn người đọc:
- Dưới tên thật Nguyễn Vỹ, ông đã cho đăng Tuấn, chàng trai nước Việt kể lại “...những biến đổi phi thường (ấy) về lịch sử, xã hội, phong hóa, tập tục, kinh tế, trong đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân Việt Nam””trong tiền bán thế kỷ XX. (Tựa, Tuấn, Chàng trai...), kể lại những sinh hoạt trong nhà tù dưới thời Pháp Nhật thuộc trong Người tù 69, kể lại những sinh hoạt văn học nghệ thuật của Hà Nội ngàn năm văn vật trong Văn thi sĩ tiền chiến, truyện dài Mồ hôi nước mắt, truyện dài Lội ngược...
- Với bút hiệu cô Diệu Huyền ông đã cho đăng loạt bài “Mình Ơi...” dưới hình thức hỏi và đáp của hai vợ chồng ông Tú bàn về mọi khía cạnh của đời sống từ lịch sử Việt Nam đến lịch sử thế giới, từ khoa học tự nhiên đến y học, từ xã hội đến văn học nghệ thuật. Sau này ông dự định cho xuất bản thành 10 tập được sắp xếp như một bộ Bách khoa Từ điển. Rất tiếc việc làm chưa hoàn thành thì ông đã từ trần!
- Với bút hiệu Tân Phong, ông viết về Những người đàn bà lừng danh trên thế giới và Đời sống các danh nhân trên thế giới.
- Với bút hiệu Duyên Hồng ký dưới Nhật ký, Một giấc mơ hoa.
- Giữ tiết mục giải đáp thắc mắc hay giải câu đố, ông ký bút hiệu Ba Tèo hay Ba Tui.
- Ông còn ký bút hiệu Tâm Trí, pháp danh của ông, dưới các bài biên khảo về tôn giáo, đặc biệt là về Phật giáo.
Ngoài ra ông còn dùng tên thật hay bút hiệu cô Diệu Huyền để viết những bài phê bình sách hay giữ mục Trả lời Thư tín.
Nhà thơ Bàng Bá Lân, người giữ mục Những Áng Thơ Hay của tạp chí Phổ Thông trong những năm 1961-1962 đã viết “...ta phải công nhận anh là một nhà báo có tài” và nhận xét:
-“Tôi chưa được rõ lối sống của Nguyễn Vỹ thế nào; nhưng về việc làm báo của anh thì phải nhận là có tổ chức chặt chẽ và đứng đắn. Báo ra đúng kỳ hạn, bài vở đều đặn, nhất là những mục do anh phụ trách (mà anh giữ rất nhiều mục với nhiều bút hiệu khác nhau) thì chẳng bao giờ chậm trễ, thiếu sót”.
Nguyễn Vỹ đã trải qua một thời gian cơ cực trong nghề viết văn, làm báo trên đất Hà thành trước năm 1945. Trong bài thơ Gởi Trương Tửu, Nguyễn Vỹ đã từng thốt lên: Nhà văn An-Nam khổ như chó! Vậy nên, thông cảm với tất cả những bạn đồng nghiệp cộng tác với mình, khi làm chủ báo, Nguyễn Vỹ đã tính toán một cách sòng phẳng đối với tất cả những nhà văn, nhà thơ đã gởi bài đăng trên báo của mình. Chính nhà thơ Bàng Bá Lân cũng đã khâm phục:
-“Một điều đáng kể nữa là sổ sách rất đàng hoàng, tiền nhuận bút của các ký giả và văn hữu viết giúp được trả rất sòng phẳng, mau chóng. Đó là điều mà đa số các chủ báo khác không mấy lưu tâm!”
Trong một bài viết dưới đề mục Viết Ở Rừng Phong, nhà văn nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Thủy cũng đã xác nhận trong làng chủ báo ở miền Nam chỉ có 2 chủ báo trả tiền sòng phẳng, đó là Chu Tử chủ báo Sống và Sóng Thần, Nguyễn Vỹ chủ báo Phổ Thông. Riêng về Nguyễn Vỹ, ông còn xác nhận rằng, đối với tất cả mọi cây viết có bài đăng trên Phổ Thông, dù chỉ là một bài thơ, cũng được Nguyễn Vỹ trả tiền nhuân bút sòng phẳng.
Tóm lại, trong sự nghiệp báo chí, Nguyễn Vỹ đã để lại những dấu ấn khá sâu đậm: Trước hết, ông là một nhà báo dám tranh đấu cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc bất chấp tù đày. Ông luôn luôn giữ vững tinh thần thua keo này, bày keo khác, do đó, dù nhiều lần báo bị đóng cửa, ông vẫn tìm mọi cách để được tục bản, nói lên tiếng nói trung thực bất khuất của một nhà báo chân chính không chịu khuất phục bởi bất cứ thế lực nào, từ phía nào đến. Và trước hết, Ông là một nhà báo có kiến thức rộng, yêu nghề và làm việc không biết mệt mỏi.
* * *
Sáng ngày 14-12-1971, trên đường từ Tân An về Sài Gòn, chuyến xe lôi chở Nguyễn Vỹ đã gặp tai nạn lúc 6 giờ 30 sáng và ông từ trần vào lúc 10 giờ sáng tại bệnh viện Tân An!
Ông mất đi ở lứa tuổi 61, cái tuổi chín chắn và đang hoạt động thật năng nổ. Ông đã bỏ giở nhiều công trình văn hóa đầy tham vọng như chúng tôi đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, dù sao ông cũng đã sống một cuộc đời thật xứng đáng theo đúng lý tưởng mà ông đã theo đuổi suốt cuộc đời là dùng văn hóa để bồi đắp cho nếp sống tinh thần của dân tộc Việt Nam.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem sáng tác của Nguyễn Vỹ: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net