Đào Mạnh Xuân sưu tầm và tóm tắt.
Lời người viết: Chúng tôi tự thấy mình còn yếu về cách dùng dấu HỎI, NGÃ nên đã cố sưu tầm các quy tắc để học, cốt viết cho ít sai. Vì theo thiển ý, trong một bài viết, dù có nội dung rất hay nhưng sai lỗi chính tả quá nhiều sẽ làm cho người đọc khó chịu và họ sẽ bỏ đọc ngay. Xin thưa, đây không phải là một bài nghiên cứu mà chỉ là một bài tóm tắt đơn giản.
Chúng tôi cố ghi lại thật nhiều những từ có dấu HỎI, NGÃ, trước là để giúp mình. Sau khi đã học thuộc những quy tắc -3 cho dấu HỎi và 3 cho dấu NGÃ – riêng từ ngoại lệ thì in ra giấy để trước mặt, chúng tôi đã đem áp dụng ngay. Kết quả: việc sai lỗi HỎI, NGÃ đã bớt đi và không còn phải tốn nhiều thời giờ cho việc tra Từ Điển nữa. Lý do: chữ đúng quy tắc rất nhiều và chữ ngoại lệ không có bao nhiêu.
Do thấy phần này đã đem lại lợi ích cho mình và hy vọng sẽ giúp ích được cho những ai thích biết những quy luật dùng dấu HỎI, NGÃ để viết ít sai, hầu mong làm vui lòng người đọc nên nay xin cho phổ biến rộng rãi. Vì sự hiểu biết về từ Hán Việt của người viết có hạn chế nên trong phần ghi ví dụ của Từ Láy có thể nhầm lẫn ghi từ Hán Việt vào (vẫn không sai dấu Hỏi, Ngã), hay ngược lại, mong quí bậc cao minh thứ lỗi.
Thành thật cám ơn.
Trân trọng.
(ĐMX)
* * *
Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu về Từ Láy và Từ HÁN-VIỆT:
A) TỪ LÁY:
Cần chú ý đặc điểm của TỪ LÁY để khi gặp, ta nhận biết nó ngay và áp dụng quy tắc để viết cho đúng.Từ láy tối thiểu gồm 2 tiếng (hớn hở…), tối đa 4 tiếng (lếch tha lếch thếch…) và có loại 3 tiếng (khít khìn khịt…). Ở đây chúng ta tìm hiểu từ láy gồm 2 tiếng và chỉ thu gọn vào phần có liên quan tới quy tắc dùng dấu HỎI, NGÃ mà thôi.
Cách nhận biết một Từ Láy:
1) Lớp từ láy (hay lặp) âm đầu và khác ở phần vần: thơ thẩn, đẹp đẽ, hổn hển, rỉ rả, thủng thẳng, …
2) Lớp từ láy (hay lặp) phần vần và khác ở âm đầu: lảng vảng, tủn mủn, lảo đảo, lã chã,…
B) Từ HÁN-VIỆT:
Có khoảng 60% từ HÁN VIỆT ta thường dùng để viết. Và vì từ Hán Việt có quy luật riêng về dấu HỎI, NGÃ nên nếu nắm vững được những quy luật ấy, ta sẽ tránh mắc phải nhiều sai lầm.
Cách nhận biết từ Hán VIệt:
1) Các từ ghép Hán Việt thường không tách ra dùng riêng lẻ mà phải dùng trọn từ. Nếu gặp một từ ghép, ta thử tách riêng và nếu chúng không dùng độc lập được thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: nghiễm nhiên, lãng mạn…
2) Các tiếng hợp lại để tạo thành từ ghép Hán Việt đều có nghĩa nhưng nghĩa của chúng rất mơ hồ. Cho nên khi gặp từ ghép mà cả hai tiếng đều mơ hồ về nghĩa thì đó là từ Hán Việt.
* * *
Tới đây chúng tôi xin ghi phần tóm tắt các quy tắc dùng dấu HỎI, NGÃ để khỏi làm nhức đầu người đọc. Sau đó quí vị nào muốn biết thêm ví dụ hay từ ngoại lệ, xin đọc tiếp ở phần chi tiết.
3. QUY TẮC DÙNG DẤU NGÃ
1) Về từ láy:
Quy tắc 1: Phải dùng dấu NGÃ cho từ láy đi với chữ có dấu NẶNG hay dấu HUYỀN:
Xin đọc nhập tâm cách nhớ: NẶNG, HUYỀN: NGÃ.
- Ví dụ: CHập CHững,… Bẽ Bàng…(Lặp âm đầu, khác phần vần)
- Ngoại lệ: vì dấu NẶng hay dấu HUYỀN đi với dấu HỎI: mệt MỎI,…; mềm MỎNG…,
Chú ý: Tất cả những Từ Láy ở Quy tắc 1 và Quy tắc 4 bên dưới đều là Từ Láy lặp ÂM ĐẦU và KHÁC ở Phần vần. Còn Từ Láy LẶP ở PHẦN VẦN và khác ở âm đầu sẽ cùng có dấu HỎI hay dấu NGÃ như: kể lể…, lã chã… được ghi ở phần “Những từ Láy Đặc Biệt” trong phần chi tiết)
2) Từ Hán Việt:
a) Quy tắc 2: Phải dùng dấu NGÃ cho từ Hán Việt bắt đầu bằng 5 âm: N, D, V, L, M.
Xin đọc nhập tâm cách nhớ:
Nói, Dễ, Viết, Lầm, Mãi (âm N bao gồm NG, NH, NGH)
- Ví dụ: Nỗ lực, Ngưỡng mộ, Nghĩa cử… Ngoại lệ: Ngải cứu,…
b) Quy tắc 3:
Phải dùng dấu NGÃ cho từ Hán Việt trong 34 chữ được ghi sau:
1) Bãi (binh, chức,…).
2) Bão (hoài bão).
3) Bĩ (cực…).
4) Cưỡng (bách, bức…).
5) Cữu (linh cữu…).
6) Đãi (ngộ…).
7) Đãng (trí…).
8) Đễ (hiếu đễ).
9) Đỗ (quyên…).
10) Hãi (kinh Hãi…).
11) Hãm (hại…)
12) Hãn (hãn hữu ).
13) Hãnh (diện…).
14) Hoãn (binh…).
15) Hỗ (trợ).
16) Hỗn (Chiến…)
17) Huyễn (hoặc…)
18) Hữu (ích…)
19) Kỹ (năng…)
20) Phẫn (nộ…).
21) Phẫu (thuật…)
22) Quẫn (bách…).
23) Quỹ (đạo…)
24) Sĩ (diện…)
25) Tễ (dịch tễ…).
26) Thuẫn (mâu thuẫn…).
27) Tiễn (biệt…)
28) Tiễu (trừ…)
29) Tĩnh (dưỡng…).
30) Trẫm.
31) Trĩ (ấu trĩ…)
32) Trữ (tình…).
33) Tuẫn (tiết…).
34) Xã (giao…)
(Đây là phần khó nhớ nhất. Đề nghị ghi ra giấy, để trước mặt 34 từ này khi viết (hoặc đọc nhiều lần để nhớ) rồi khi gặp, áp dụng ngay).
3 QUY TẮC DÙNG DẤU HỎI.
1) Về Từ Láy:
Quy tắc 4: Phải dùng dấu HỎI cho từ láy đi với chữ có dấu SẮC hay KHÔNG dấu:
Xin đọc nhập tâm cách nhớ: SẮC, KHÔNG : HỎI
- Ví dụ: Béo Bở, THẩn THơ...(Lặp âm đầu, khác PHẦN VẦN)
- Ngoại lệ: vì dấu SẮc hay KHÔNG DẤU đi với DấU NGÃ: lú Lẫn, hung Hãn…
2) Từ Hán Việt:
a) Quy tắc 5: Phải dùng dấu HỎI cho từ Hán Việt bắt đầu bằng 11 âm: B, H, PH, C, GI, K, T, QU, Đ, S, X (trừ 34 chữ phải dùng dấu NGÃ đã ghi).
Xin đọc nhập tâm cách nhớ:
Bố, Hứa, PHải, Cất, GIữ, Kỹ, Tiền, QUỹ, Để, Sản, Xuất.
Ví dụ: bảo vệ, phản bội, cảnh giác, kiểm tra…
b) Quy tắc 6: Phải dùng dấu HỎI cho từ Hán Việt bắt đầu bằng 5 nguyên âm: A, Y, Ô, Â, U.
Xin đọc nhập tâm cách nhớ: Ả, Yên, Ổn, Ấp, Ủ.
Ví dụ: Ảm đạm, Yểm trợ, Ổn định, Ẩm thực, Ủng hộ…
(Mong thuộc nhập tâm các cách nhớ và các từ ngoại lệ rồi đem áp dụng, coi như đỡ lo sai HỎI, NGÃ. Tuy nhiên còn một số từ không phải từ Hán Việt có dấu HỎI, NGÃ được ghi thêm sau mỗi âm, cũng cần nên biết).
* * *
C) Sau đây là phần chi tiết cho những Quy Tắc dùng dấu HỎI, NGÃ:
3 Quy tắc dùng dấu NGÃ
1) Về Từ Láy:
QUY TẮC 1: Phải dùng dấu NGÃ cho Từ Láy đi với chữ có dấu NẶNG hay dấu HUYỀN:
Cách nhớ: NẶNG, HUYỀN: NGÃ
Quy tắc 1a): Đi với chữ có dấu NẶNG là chữ có dấu NGÃ:
Ví dụ: bụ Bẫm, Cãi cọ, chặt Chẽ, chập Chững, Chễm chệ, Chũm chọe, Chững chạc, Dã dượi, dọa Dẫm, Dõng dạc, dụ Dỗ, dựa Dẫm, đẹp Đẽ, gạ Gẫm, gạt Gẫm, gặp Gỡ, Giãy giụa, giặc Giã, giục Giã, gọn Ghẽ, Gỡ gạc, hậu Hĩ, hậu Hĩnh, hợm Hĩnh, Kẽo kẹt, kệt Cỡm, khập Khiễng, Kĩu kịt, lạc Lõng, lạnh Lẽo, lặng Lẽ, Lũ lượt, lực Lưỡng, mạnh Mẽ, mặt Mũi, Mẫu mực, Não nuột, ngạo Nghễ, ngặt Nghẽo, ngật Ngưỡng, Nghễu nghện, Nghĩ ngợi, nghiệt Ngã, ngộ Nghĩnh, Ngỗ nghịch, Ngỗ ngược, Nhã nhặn, nhạt Nhẽo, Nhẵn nhụi, nhẹ Nhõm, Nhễ nhại, nhục Nhã, Nhũn nhặn, Nũng nịu, Õng ẹo, quạnh Quẽ, Quỹ quyệt, Rã rệu, Rã rượi, rạng Rỡ, Rõ rệt, rộn Rã, rộng Rãi, Rũ rượi, rực Rỡ, sạch Sẽ, sặc Sỡ, tập Tễnh, Thõng thượt, Thỗn thện, Trĩu trịt, tục Tĩu, vặt Vãnh, vật Vã, vội Vã, Ưỡn ẹo,…
Ngoại lệ: vì NẶNG đi với HỎI: GỎN gọn, học HỎI, LẲNG lặng, mệt MỎI, NHỎ nhặt, NHỎ nhẹ, QUỶ quyệt, SỬA soạn, VẺN vẹn, VỎN vẹn,… (Không lặp âm đầu nhưng cũng cần biết vì NẶNG đi với HỎI: gọn lỏn, trụi lủi)
Quy tắc 1b): Đi với chữ có dấu HUYỀN là chữ có dấu NGÃ:
Ví dụ: ầm Ĩ, Bão bùng, Bẽ bàng, bì Bõm, bừa Bãi, Dễ dàng, dồng Dỗng, đằng Đẵng, Đẫy đà, đờ Đẫn, gần Gũi, Giãi giề, giòn Giã, Giữ gìn, Hỗn hào, hờ Hững, Hững hờ, Khẽ khàng, khờ Khĩnh, Kỹ càng, liều Lĩnh, lừng Lẫy, lừng Lững, Lững lờ, màu Mỡ, mò Mẫm, Não nề, Não nùng, Nẫu nà, nghiền Ngẫm, Ngỡ ngàng, Nhỡ nhàng, niềng Niễng, Nõn nà, Ỡm ờ, phè Phỡn, Phũ phàng, Rã rời, rành Rẽ, rầm Rĩ, rầu Rĩ, rền Rĩ, Rõ ràng, ròng Rã, rờ Rẫm, rời Rã, Rỡ ràng, ruồng Rẫy, sàm Sỡ, Sẵn sàng, sè Sẽ, Sỗ sàng, suồng Sã, sừng Sững, Sững sờ, tầm Tã, Tẽn tò, Thẫn thờ, thờ Thẫn, thừa Thãi, tròn Trĩnh, trùi Trũi, Vẫy vùng, vò Võ, vồn Vã, Vỗ về, Vững vàng, xoàng Xĩnh…
Ngoại lệ: vì HUYỀN đi với HỎI: bền Bỉ, bồi Bổ, đầy Đủ, (nhảy) đồng Đổng, hồ Hởi, luồn Lỏi, mềm Mỏng, mình Mẩy, mòn Mỏi, nài NỈ, niềm Nở, Phỉnh phờ, quày Qủa, sàng Sảy, sành Sỏi, sừng Sỏ, thèo Lẻo,…
(Cần biết vì HUYỀN đi với HỎI: chìm nghỉm, chằm bẳm, chò hỏ, chồm hổm, ỉu xìu…
Phụ chú: Cần nhớ những Từ Láy đặc biệt sau đây:
1) HỎi + NGÃ: ảo não, giãy nảy, ngã ngửa, rảnh rỗi, ủ rũ,…
2) HỎi + HỎI: bỏm bẻm, bủn rủn, của cải, đỏng đảnh, hể hả, hổn hển, kể lể, khẩn khoản, lải nhải, lảm nhảm, lảng vảng, lảo đảo, lẩm bẩm, lẩm nhẩm, lểnh khểnh, lểu nghểu, liểng xiểng, loảng choảng, loảng xoảng, lởn vởn, luẩn quẩn, lủi thủi, lủn chủn, lủn củn, lủng củng, lủng lẳng, lủ khủ, mảnh khảnh, mỏng mảnh, nhỏ nhẻ, nhỏng nhảnh, ỏn ẻn, rỉ rả, rủ rỉ, rủng rỉnh, tẩn mẩn, thỉnh thoảng, thủng thẳng, thủng thỉnh, tỉ mỉ, tủn mủn, tủm tỉm, uyển chuyển, ủn ỉn, xiểng liểng, …
3) NGÃ+ NGÃ: bẽn lẽn, bỡ ngỡ, cũ kỹ, cũn cỡn, dễ dãi, lã chã, lãng đãng, lõm bõm, lõng bõng, lững chững, lững thững, ngã ngũ, ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, rỗi rãi, võ vẽ…
Ghi Chú: Những từ cần biết:
- dã lã hay giả lả
- co dãn hay co giãn
- dẫm chân hay giẫm chân,
- cái dũa hay cái giũa
- dế Dũi nhưng dế Nhủi
- bài Hải hay bài Hãi.
- đậu Hũ hay đậu Hủ
- ăn nói lẩm cẩm (nhưng già nua lẫm cẫm);
- thấp lủn chủn hay lũn chũn
- cười mủm mỉm, nhưng con bé mũm mĩm
- cao nghễu, cao lễu nghễu (hay lểu nghểu)
- (tính tình) nông nổi, nông nỗi (này)
- rưởi hay rưỡi: gấp rưỡi hay gấp rưởi; trăm rưỡi hay trăm rưởi
2) Từ HÁN VIỆT
Quy tắc 2): Phải dùng dấu NGÃ cho một từ HÁN VIỆT bắt đầu bằng 5 âm: N, D, V, L, M.
Cách nhớ: Nói Dễ Viết Lầm Mãi
(Từ đây về sau, người viết cố ghi thêm những từ có dấu NGÃ, không nằm trong quy tắc, theo đúng vần để học thêm, tạm gọi là Biết thêm).
- Âm N: (bao gồm NG, NH, NGH): truy Nã, áo Não, trí Não, Noãn sào, Nỗ lực, phụ Nữ, Ngã kiến, Ngẫu nhiên, Ngũ sắc, ngôn Ngữ, Ngưỡng mộ, tín Ngưỡng, thanh Nhã, Nhã ý, nhàn Nhã, Nhãn hiệu, Nhẫn Nại, Nhiễm bệnh, Nhũ mẫu, thổ Nhưỡng, Nghiễm nhiên, Nghĩa cử, Nghĩa trang, …
Biết thêm: Nã (tiền, đạn); (hồi, khi, lúc) Nãy; béo Nẫn; cha con nhà Nẫu; chín Nẫu; Nỡ lòng; còn Nữa; Ngã [ba, tư); Ngã nhào; tham vàng bỏ Ngãi; Ngẫm (cười, việc đời); đường bị Nghẽn;
Chú ý: bao Nả, Nải chuối, tay Nải, Nản chí, Nảy (lửa, mầm), NGả quỵ, NGả lưng, NGả mũ chào, NGải cứu, bỏ Ngải, Ngẩn (người, mặt, tò te), Ngẩng (mặt lên),
- Âm D: Dã man, Dĩ nhiên, Dĩ vãng, Diễn đàn, Diễn viên, Dũng cảm, dung Dưỡng, phủ Doãn,…
Biết thêm: Dã (độc, thuốc), Dã ( chiến, man, ngoại, sử, tâm, thú,…); ( hoang, thôn) Dã; thèm nhỏ Dãi; Dãi nắng dầm mưa; chảy nước Dãi; Dãn (nở, thợ, xương…); co Dãn; Dãy (nhà, núi…); dẫm hay giẫm: Dẫm phải gai, Dẫm chân tại chỗ; Dẫn (đường, thí dụ,…); Dẫu thế nào; cái Dĩa hay cái Đĩa; đứng Doãi chân; nối Dõi; Dõi bước, theo Dõi; nói Dỗi; Dỡ nhà, Dũa hay Giũa: gọt Dũa; cá Dũi bùn, dế Dũi, húng Dũi; chó Dữ; đẹp Dữ lắm;
- Âm V: Vãn cảnh, Vãng lai, Vĩ tuyến, hùng Vĩ, Vĩnh Viễn, Viễn thị, Võ trang, Võ bị, Vũ lực, Vũ trụ, khiêu Vũ,…
Biết thêm: Vã mồ hôi; ăn Vã thức ăn; Vãi ( hạt giống, nước đái); rơi Vãi; chợ đã Vãn người; Vãn ca; Vẫn (còn, thế); Vẫy (tay, đuôi, gọi); Vẽ tranh; Vẽ cá; cái Vĩ kéo đàn; nằm Võng; đánh Vỡ ly; Vỡ đất; bây giờ mới Vỡ lẽ; Vũng (bùn, nước); Vữa xây nhà; cháo để Vữa; đứng Vững,…
Chú ý: Vỉ bánh, Vỉ ruồi, bỉ Vỏ, Vỏ ốc,
- Âm L: Lãnh đạm, Lãng mạn, Lãng phí, Lãnh thổ, Lão ấu, Lẫm liệt, Lễ nghĩa, nguyệt Liễm, kết Liễu, Lũng đoạn, thành Lũy, Lữ khách,…
Biết thêm: vay có Lãi; sán Lãi; Lãn công; Lẵng hoa; đến tuổi Lẫn; Lẫn nhau; cái Lẫy nỏ; trẻ biết Lẫy; có Lẽ, lấy làm Lẽ; Liễn đựng cơm, mừng đôi Liễn; cây Liễu; quần Lĩnh; mũi Lõ; cháo Loãng;
Chú ý: Lể ốc, Lể gai, Kể Lể,…
- Âm M: Mã lực, Mã não, Mãn khóa, Mãn nguyện, Mãng xà, Mãnh hổ, Mẫn tiệp, kiểu Mẫu, Mẫu nghi, Mẫu số, minh Mẫn, Miễn dịch, Mỹ nữ…
Biết thêm: hàng Mã, tốt Mã; mưa Mãi không dứt; năm Mão; người Mẫu, Mỗi,…
Chú ý: Mải chơi; Mẩu chuyện, Mẩu bánh,
Quy tắc 3):
Phải dùng dấu NGÃ cho 34 từ HÁN VIỆT ghi dưới đây:
1) Bãi: bãi binh, bãi chức, bãi công, bãi khóa, bãi miễn, bãi thị, bãi trừ v.v…
Biết thêm: bãi (biển, cỏ, chiến trường) trống bãi học, bãi sưu thuế,…
Chú ý: bai Bải, Bải hải, Bải hoải.
2) Bão: hoài bão.
Biết thêm: cơn bão, đau bụng bão, bão hòa, bão táp, bão tố, đèn bão, vũ bão,
Chú ý: bảo quản, bảo thủ,
3) Bĩ: bĩ cực, vận bĩ.
Chú ý: bỉ ổi, bỉ mặt, bỉ nhân, bỉ vỏ, bền bỉ, khinh bỉ, thô bỉ…
4) Cưỡng: cưỡng bách, cưỡng chế, cưỡng dâm, cưỡng hiếp, miễn cưỡng,
Biết thêm: cưỡng bức, cưỡng đoạt, Cưỡng lại mệnh lệnh, chim cưỡng.
Chú ý: chim cà cưởng
5) Cữu: linh cữu, quốc cữu,
Chú ý: cửu trùng, vĩnh cửu
6) Đãi: đãi khách, đãi ngộ, bạc đãi, biệt đãi, chiêu đãi, đối đãi, giải đãi, hậu đãi, khoản đãi, ngược đãi, tiếp đãi, trọng đãi, ưu đãi…
Biết thêm: đãi gạo, đãi tiệc, đãi bôi, đãi đằng,
Chú ý: không có từ Đải-dấu Hỏi.
7) Đãng: phóng đãng, du đãng, dâm đãng, khoáng đãng, thoáng đãng,
Biết thêm: đãng trí, đãng tính, lãng đãng, lơ đãng, quang đãng, thoáng đãng,
Chú ý: đảng phái,
8) Đễ: hiếu đễ.
Chú ý: đại để, đáo để, triệt để, để vợ, để râu,
9) Đỗ: chim Đỗ quyên, cây Đỗ trọng
Biết thêm: thi Đỗ, Đỗ đạt, tàu Đỗ lại ga.
Chú ý: đổ bể, đổ thừa, sụp đổ…
10) Hãi: kinh hãi.
Biết thêm: bài hãi (hay bài hải), sợ hãi, hãi hùng, hãi chó dữ
Chú ý: hải cảng, hàng hải, hải đăng, hải tặc…
11) Hãm: hãm địch, hãm hại, công hãm, giam hãm,
Biết thêm: hãm phanh lại, hãm tiết canh, hãm vào thế bí, --hãm hiếp, hãm tài, kìm hãm, tù hãm, vây hãm,
Chú ý: không có từ Hảm-dấu Hỏi.
12) Hãn: hãn hữu
Biết thêm: hung hãn,
Chú ý: Không có từ Hản- dấu hỏi.
13) Hãnh: hãnh diện,
Biết thêm: kiêu hãnh, hãnh tiến.
Chú ý: không có từ Hảnh (dấu hỏi).
14) Hoãn: hoãn binh,…
Biết thêm: hoãn công việc, hoãn họp, đình hoãn, trì hoãn, hòa hoãn,
Chú ý: không có từ Hoản (dấu hỏi).
-15) Hỗ: hỗ trợ, hỗ tương
Chú ý: hổ cốt, hổ phách, tủi hổ, hổ ngươi, xấu hổ…
16) Hỗn: hỗn chiến, hỗn độn, hỗn hào, hỗn loạn, hỗn hợp, hỗn mang, hỗn tạp,
Chú ý: hổn hển
17) Huyễn: huyễn hoặc, huyễn diệu, huyễn thuật,
Chú ý: không có từ Huyển (dấu hỏi).
18) Hữu: hữu cơ, hữu danh, hữu duyên, hữu dụng, hữu hạn, hữu hình, hữu ngạn, hữu nghị, hữu tâm, hữu xạ, hữu ý,
Biết thêm: Hữu ích, hữu khuynh, bằng hữu, hữu lý, hiện hữu,
Chú ý: không có từ Hửu (dấu hỏi).
19) Kỹ: Kỹ năng, kỹ nghệ, kỹ lưỡng, kỹ nữ, kỹ thuật, kỹ xảo.
Chú ý: ích kỷ, kỷ cương, kỷ yếu, kỷ luật, kỷ lục, kỷ niệm, thế kỷ,
20) Phẫn: phẫn khí, phẫn nộ, phẫn oán
Biết thêm: căm phẫn, công phẫn, phẫn chí, phẫn khích, phẫn uất,
Chú ý: Phẩn (trâu, bò)
21) Phẫu: giải phẫu, phẫu thuật,
Biết thêm: cái phẫu thủy tinh
Chú ý: không có từ Phẩu (dấu hỏi).
22) Quẫn: quẫn bách, quẫn bức, quẫn cấp, quẫn cùng
Biết thêm: quẫn trí, túng quẫn, khốn quẫn,
Chú ý: nghĩ Quẩn, Quẩn chân, quanh Quẩn, luẩn Quẩn
23) Quỹ: quỹ đạo,
Biết thêm: quỹ tích, thủ quỹ, công quỹ,
Chú ý: quỷ ám, quỷ quái, quỷ quyệt.
24) Sĩ: sĩ hoạn, sĩ khí, sĩ phu, sĩ quan, sĩ tử
Biết thêm: sĩ diện, chiến sĩ, nghệ sĩ,…(còn rất nhiều. Chỉ cần nhớ phần SỈ (dấu hỏi). Còn lại là dấu NGÃ)
Chú ý: sỉ nhục, liêm sỉ, mua bán sỉ, quốc sỉ.
25) Tễ: dược tễ, dịch tễ,
Chú ý: tể tướng, chúa tể, đồ tể,
26) Thuẫn: hậu thuẫn, mâu thuẫn,
Chú ý: không có từ Thuẩn (dấu hỏi).
27) Tiễn: tiễn biệt, tiễn hành, tiễn khách
Biết thêm: hỏa tiễn, thực tiễn, tống tiễn, tiễn đưa,
Chú ý: không có từ TIỂN (dấu hỏi).
28) Tiễu: tiễu trừ, tiễu phỉ, tuần tiễu
Chú ý: tiểu đội, tiểu học,… (rất nhiều)
29) Tĩnh: tĩnh dưỡng, tĩnh mạch, tĩnh mịch, tĩnh tâm, tĩnh tọa,
Chú ý: tỉnh ngộ, tỉnh rượu, tỉnh thành, bất tỉnh, phớt tỉnh, sực tỉnh,…
30) Trẫm:
31) Trĩ: ấu trĩ, bịnh trĩ,
Biết thêm: chim trĩ,
Chú ý: không có từ TRỈ (dấu hỏi).
32) Trữ: tích trữ, tàng trữ, trữ tình,
Biết thêm: trữ hàng, dự trữ, lưu trữ, oa trữ, tồn trữ, trữ kim, trữ lượng.
Chú ý: không có từ Trử (dấu hỏi).
33) Tuẫn: tuẫn đạo, tuẫn nạn, tuẫn tiết, tuẫn táng
Chú ý: không có từ Tuẩn (dấu hỏi).
34) Xã: xã giao, xã hội, xã luận, xã tắc, xã thuyết, xã trưởng, thị xã,
Chú ý: hỉ Xả, xả đạn, xả hơi, xả láng, xả quần áo, xả rác, xả thân, xả thịt,
3. QUY TẮC DÙNG DẤU HỎI:
1) Về Từ Láy:
Quy Tắc 4: Phải dùng dấu HỎi cho từ Láy đi với chữ có dấu SẮC hay KHÔNG dấu.
Cách nhớ: SẮC, KHÔNG: HỎI
Quy Tắc 4a: Đi với chữ có dấu SẮC là chữ có dấu HỎi.
Ví dụ: béo Bở, bóng Bảy, cáu Kỉnh, cứng Cỏi, gắt Gỏng, Gởi gắm, hóm Hỉnh, hối Hả, hốt Hoảng, hớn Hở, kháu Khỉnh, khắc Khổ, khấp Khểnh, khấp Khởi, Khỏe khoắn, khúc Khuỷu, Lảnh lót, Mải miết, mát Mẻ, mắng Mỏ, mới Mẻ, nắc Nẻ, ngái Ngủ, ngán Ngẩm, ngáp Ngủ, ngắc Nghẻo, ngắc Ngoải, ngắn Ngủi, ngắn Ngủn, ngất Ngưởng, ngất Nghểu, Ngổ ngáo, ngớ Ngẩn, ngúng Nguẩy, Nhảm nhí, Nhảy nhót, nhắc Nhở, nhắn Nhủ, nhấp Nhổm, nhí Nhảnh, Nhỏ nhắn, nóng Nảy, nức Nở, Phẳng phắn, phấp Phỏng, Quỷ quái, Rả rích, Rải rác, rác Rưởi, rắn Rỏi, Rẻ rúng, rỉa rói, rúc Rỉa, rún Rẩy, Rửa ráy, sáng Sủa, sắc Sảo, sắm Sửa, sắp Sửa, sấn Sổ, sớm Sủa, Sửng sốt, tán Tỉnh, tấp Tểnh, tất Tả, tất Tưởi, thắc Thỏm, Thẳng thắn, thấp Thỏm, thất Thểu, Thỏa thích, Thổn thức, trắc Trở, trắng Trẻo, trống Trải, tức Tưởi, vắng Vẻ, vất Vả, vớ Vẩn, xấp Xỉ, xối Xả, xúc Xiểm, xúi Xiểm,…
Ngoại lệ: vì SẮC đi với NGÃ: Dẫn dắt, hứa Hão, lú Lẫn, lý Lẽ, Nhão nhoét, sắp Sẵn,…
Quy tắc 4b): Đi với chữ KHÔNG dấu là chữ có dấu HỎI.
Ví dụ: Bảnh bao, Bỏ bê, che Chở, chơm Chởm, chưng Hửng, Cỏn con, da Dẻ, dai Dẳng, dang Dở, dong Dỏng, dư Dả, Dửng dưng, đo Đỏ, gây Gổ, hăm Hở, Hẩm hiu, hây Hẩy, hất Hủi, Hỏi han, hon Hỏn, hôi Hổi, Hở hang, hưng Hửng, iu Ỉu, Khẳng khiu, khinh Khỉnh, Lả lơi, lang Lảng, lanh Lảnh, len Lỏi, leo Lẻo, lêu Lổng, loang Lổ, long Lỏng, lui Lủi, Lẻ loi, Lửng lơ, mai Mỉa, Mải mê, Mảnh mai, Mảy may, mê Mải, mê Mẩn, Mỉa mai, mong Mỏi, Mỏng manh, Mở mang, mơn Mởn, năn Nỉ, năng Nổ, Nể nang, ngang Ngửa, nghiêng Ngả, ngoay Ngoảy, ngoe Nguẩy, ngoen Ngoẻn, Ngổn ngang, Ngủ nghê, nguây Nguẩy, nhai Nhải, nham Nhở, nhan Nhản, nhanh Nhẩu, Nhẩn nha, nhinh Nhỉnh, nhoen Nhoẻn, Nhỏ nhen, Nhỏ nhoi, Nhởn nhơ, Nỉ non, nông Nổi, Nở nang, Phẳng phiu, phe Phẩy, quanh Quẩn, ra Rả, Rảnh rang, rên Rỉ, rôm Rả, rông Rổng, run Rẩy, run Rủi, Rủ rê, Rủi ro, sa Sả, sa Sẩy, san Sẻ, sang Sảng, sâm Sẩm, Sởn sơ, suy Suyển, suông Sẻ, Sửa sang, Tả tơi, tang Tảng (sáng), tanh Tưởi, Tẻo teo, Thảm thê, Thảm thương, than Thở, thanh Thản, Thảnh thơi, thăm Thẳm, Thẩn thơ, Thỏa thuê, thoai Thoải, thoang Thoảng, thong Thả, thơ Thẩn, thui Thủi, thum Thủm, thư Thả, Tỉ tê, tiu Nghỉu, tong Tỏng, tơ Tưởng, tơi Tả, Trẻ trung, trong Trẻo, tua Tủa, tưng Hửng, văn Vẻ, ve Vẩy, Vẻ vang, Viển vông, vui Vẻ, vung Vẩy, xa Xỉ, xâm Xẩm, xây Xẩm, xoay Xở, xui Xẻo, xương Xẩu,…
Ngoại lệ: vì KHÔNG dấu đi với NGÃ: hung Hãn, khe Khẽ, kiêng Cữ, lam Lũ, loang Loãng, ma Mãnh, nên Nỗi, ngoan Ngoãn, Nhiễu nhương, nông Nỗi (này), riêng Rẽ, sai Suyễn, se Sẽ, sư Sãi, trơ Trẽn, ve Vãn, vôi Vữa, vung Vãi, vương Vãi, …
Chú ý: minh Mẫn (từ Hán Việt) Cần biết: ranh Mãnh, sa NGã)
2) Từ Hán Việt:
a) Quy tắc 5: Phải dùng dấu HỎI cho một từ HÁN VIỆT bắt đầu bằng 11 âm: B, H, PH, C, GI, K, T, QU, Đ, S, X (trừ 34 chữ phải dùng dấu NGÃ đã ghi)
Cách nhớ: Bố, Hứa, PHải, Cất, GIữ, Kỹ, Tiền, QUỹ, Để, Sản, Xuất.
Ví dụ:
1) Âm B: bảo vệ, bảo hiểm, bảo quản, bảo thủ, bảo tồn, bửu bối,…
Biết thêm: Bả vinh hoa, Bả vai; đòn Bẩy, Bẩy lên, Bể bơi,.
Chú ý: Bã (mía…), mệt Bã người; (Bãi, Bão, Bĩ: xem quy tắc 3); ăn Bẫm; cuốc Bẫm; cái Bẫy; Bẽ mặt; Bễ thợ rèn; phá Bĩnh; Bĩu môi; Bõ công; nói cho Bõ ghét; Bỗng dưng;
2) Âm H: Hải tặc, Hưởng ứng,…
Chú ý: Hãng buôn, rồi Hẵng hay, bị Hẫng chân, chuyện Hão, Hõm sâu xuống, Hỡi ơi, Hãy (làm,…), Hũ mắm,
3) Âm PH: phản bội, phẩm cách, phỉ báng, phổ thông, phủ nhận,…
Chú ý: Phễnh bụng ra, cái Phễu, mặt Phĩnh, Phỗng tay trên, nói Phũ đầu,…
4) Âm C (bao gồm âm CH): Cảnh giác, Cải cách, Chẩn đoán, Chỉ huy, Chỉnh tề, Chủ tọa,…
Chú ý: Cãi (vã, lẫy) nhảy Cẫng, Cõi (đời, lòng, tục), Cõng em, ăn Cỗ, cây đã Cỗi, già Cỗi, Cỡ (lớn, nhỏ), mắc Cỡ, Cỡi hay Cưỡi ngựa, (nhảy, động) Cỡn, Cũi chén, Cũng vậy, Cuỗm hết tiền, Cữ ăn mỡ, số Chẵn, nồi Chõ, Chõng tre, Chũm cau,…
5) Âm GI (từ Hán Việt không có âm G, GH): Giảng đường, GIảo quyệt, học GIả,…Chú ý: từ GIã, GIã gạo, GIãi (bày, tỏ), GIãn nở, GIãy chết, chế GIễu,…
6) Âm K (bao gồm âm KH): Kiểm tra, KHả dĩ, KHải hoàn, KHảo thí, KHẩu hiệu, KHổng giáo, Khủng hoảng,
Chú ý: Kẽ (hở, lá, tay, tóc), giữ Kẽ, ăn no kễnh bụng, nói KHẽ,…
7) Âm T: (kể cả âm TH, TR): Tản mạn, Tảo hôn, Tảo mộ, Tưởng niệm, THải hồi, THản nhiên, THảo mộc, TRảm quyết, TRiển lãm, TRiển khai, TRiển hạn, …
Chú ý: Tã lót, Tãi thóc ra phơi, Tẽ sang một bên, phù THũng, ngồi Thuỗn ra, TRễ nải, TRỗi dậy, chỗ TRũng,…
8): Âm QU: quả phụ, quảng đại,
Chú ý: Quãng đường, ngắt Quãng, túng Quẫn, cá Quẫy dưới hồ;
9) Âm Đ: đảng phái, đà điểu,…
Chú ý: Đẫm mồ hôi, béo Đẫn, Đĩa bát, giúp Đỡ, (không có từ Đở (dấu hỏi), tiềm thủy Đĩnh, đi một Đỗi, quá Đỗi, rất Đỗi, đôi Đũa,…
10) Âm S: sản khoa, sảnh đường, sỉ nhục, liêm sỉ, siểm nịnh, sở dĩ,
Chú ý: Sã cánh, Sẵn (lòng, dịp), Sẫm màu, Sũng nước, bệnh Suyễn,
11) Âm X: xả thân, xảo trá, xử sự, công xưởng…
Chú ý: nói Xẵng,
b) Quy tắc 6: Phải dùng dấu HỎI cho những từ HÁN VIỆT bắt đầu bằng 5 NGUYÊN ÂM: A, Y, Ô, Â, U
Cách nhớ: Ả Yên Ổn Ấp Ủ
Nguyên âm A: ải, ảm, ảnh, ảo,
Ví dụ: Ải quan, Ảm đạm, Ảnh hưởng, Ảo giác,
Biết thêm: ả đào, ả Hằng,
- Nguyên âm Y: Ỷ, Yểm, Yểu.
Ví dụ: Ỷ lại, Yểm trợ, yểu tử,…
- Nguyên âm Ô: Ổn.
Ví dụ: Ổn thỏa, Ổn định,
- Nguyên âm Â: Ẩm, Ẩn, Ẩu
Ví dụ: Ẩm thực, Ẩn dật, Ẩu đả,
- Nguyên âm U: Ủng, Uổng, Ủy, Uyển.
Ví dụ: Ủng hộ, Uổng tử, Ủy quyền, Ủy thác, Uyển chuyển,
Chú ý: những từ bắt đầu bằng nguyên âm, dùng dấu NGÃ: ẵm bồng, bụng ễnh, ễnh ương, Ưỡn ngực… ầm Ĩ, Ẫm ờ, ềnh Ễnh, ồn Ã, Ỡm ờ,
PHỤ CHÚ: không có âm R trong từ Hán Việt: cần biết âm R dùng dấu NGÃ: nhàn Rỗi, chín RỮA, Rã (cánh, đám, họng, ngũ), tan Rã, nói Rã bọt mép, chậm Rãi, xích đã Rão, Rão gân cốt, mệt Rão người, khơi Rãnh, cống Rãnh, Rẫy vợ, đốt Rẫy, Rẫy ngô,
Chú ý những từ Hán Việt dùng 2 quy tắc:
(Chữ có dấu NGÃ: Quy tắc 2: N, D, V, L, M và Quy tắc 3: 34 chữ cần nhớ; Chữ có dấu HỎI: Quy Tắc 5: 11 âm: B, H, PH, C, GI, K, T, QU, Đ, S, X; Quy tắc 6: A, Y, Ô, Â, U)
a) HỎI+NGÃ: bản ngã, biểu diễn, bảo dưỡng, diễn tả, dũng cảm, đổ vỡ, giải đãi, giải phẫu, hỏa tiễn, khả dĩ, khoản đãi, kiểu mẫu, kỹ xảo, mãnh hổ, nghĩa cử, sĩ tử, sở dĩ, tiễu phỉ, thỏa mãn, thổ nhưỡng, thủ quỹ, triển lãm, vãn cảnh, vĩnh cửu,
b) HỎI + HỎI: ảnh hưởng, ẩu đả, bảo hiểm, bảo quản, bảo thủ, chưởng quản, khủng hoảng, ổn thỏa, uyển chuyển, yểu tử,
c) NGÃ+ NGÃ: bãi miễn, dĩ vãng, kỹ lưỡng, kỹ nữ, lễ nghĩa, lỗ mãng, mã não, miễn cưỡng, mỹ nữ, nhũ mẫu, nhũng nhiễu, tĩnh dưỡng, vĩnh viễn, vũ bão,
Đào Mạnh Xuân
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net