GIẢI NHẤT CUỘC THI VIẾT
Của “Quỹ Học Bổng Sinh Viên Quảng Ngãi”
Chủ đề: "NẾU CÓ 100 TRIỆU BẠN SẼ LÀM GÌ?"
Xem lời giới thiệu: click vào đây.
* * *
CÙNG PHẤN ĐẤU VÌ MỘT THẾ GIỚI KHÔNG UNG THƯ
Trần Hoàng Hiệp
Mấy bữa nay đi trực tiếp sức mùa thi thấy đuối quá nhưng lại rất là vui, hên sao được xếp chung vô cái đội rất hài hước, mấy em Y1 khơi dậy tính hài hước trong tôi. Và hên cái nữa là hôm qua đang lúc sắp xếp bàn ghế trả lại cho nhà trường thì nhặt được 7000, hỏi ra mà chẳng ai nhận hết, vậy thì “lụm được của rơi tạm thời bỏ túi” vậy. Sáng nay, ngày mùng 7 rồi, vậy là mai bắt đầu làm hồ sơ và sau đó là 2 ngày thi căng thẳng, 1 chọi hàng chục thí sinh để dành 1 vé vào Đại học Y Dược, không khí căng thẳng bắt đầu dâng trào hẳn lên, thế nên hôm nay có rất nhiều phụ huynh dẫn con em mình lên để tìm nhà trọ, lực lượng 14 người của đội làm việc bở cả hơi tai, mồ hôi nhễ nhại nhưng ai nấy cũng cảm thấy rất vui vì chút gì giúp đỡ được bao nỗi khó khăn cùng các thí sinh ở tỉnh lần đầu tiên đặt chân lên TP.HCM. Coi như 1 buổi sáng bao nhiêu nhọc nhằn tạm qua đi, chúng tôi cùng nhau ăn cơm, chợt, tôi trông thấy 1 bà cụ bán vé số, trông bà khoảng trên 70, ở cái tuổi này mà bà vẫn còn phải ngày ngày rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ ở Quận 5 để mưu sinh từ những tấm vé số, tôi thấy bà thật khắc khổ, có chút gì đó là một nỗi trăn trở, một gánh nặng gia đình đang đè lên vai người bà yếu đuối kia. Tôi muốn giúp gì đó cho bà nhưng mình làm được gì cơ chứ, chợt, tôi nhớ đến 7000 mà mình nhặt được hôm qua, hay là cho bà ấy đi, tiền thì không nhiều nhưng chắc cũng giúp cho bà mua được ổ bánh mì hay lon gạo gì đó, nhưng mà cho bà thì tôi thấy ngại ngại làm sao ấy tại bà đâu có xin mình đâu, nên, tôi móc trong túi thêm 3000 nữa mua ủng hộ cho bà tờ vé số. Tôi rút đại 1 tờ và rót cho bà ly nước để bà bớt mệt hơn giữa buổi trưa nắng gay gắt của tiết trời Sài Gòn. Cầm tờ vé số trong tay, tôi chống cằm và thoáng chút suy nghĩ, a hà, nhỡ hên mình trúng giải đặc biệt 1 tỷ rưỡi thì sao nhỉ, chắc mình sẽ giàu to mất, à mà thôi, “tham quá thì thâm” trời sẽ không phù hộ cho mấy người tham lam đâu nên tôi chỉ ước trúng 100 triệu thôi, không biết có giải nào trúng được 100 triệu không ta, và tôi cứ mơ mơ mộng mộng tới con số 100 triệu đồng. Trong đầu tôi, bao viễn cảnh được sắp đặt ra để xử lý “đẹp” 100 triệu đồng ấy. Tôi sẽ đi Hàn Quốc, suy nghĩ đầu tiên là thế đó. Đi Hàn Quốc chắc sẽ tốn kém dữ đây nhưng với 100 triệu thì tôi tha hồ du hí từ Seoul, Incheon, đến Pusan và kết thúc ở đỉnh Halasan đảo Cheju. Nhưng tôi thấy 100 triệu mà chỉ cho 1 chuyến đi du lịch như vậy thì phí quá, à hay là mình mua 1 chiếc xe máy đi, chứ ngày ngày rong ruổi các con đường ở thành phố trên chiếc xe đạp mà ba tôi mua cho năm lớp 9 thì mệt quá, đặc biệt là đi qua mấy cái cầu, cầu Nguyễn Tri Phương rồi cầu Chà Và nữa, chúng như muốn thử thách lòng người vậy. Có xe máy rồi thì tha hồ đi khắp thành phố mà không sợ mệt, không còn bị những cây cầu cao ngất ấy thử thách nữa, không còn phải đi học ké với bạn nữa, ý tưởng mua xe thật tuyệt vời. Chợt...
“Con cho chú hỏi...”, tôi nhìn 2 bố con tay xách nách mang hành lý đến hỏi tìm nhà trọ để cho cậu con trai thì vào ngành Bác sĩ Đa khoa, thoáng trong suy nghĩ, ký ức ào ạt dội về, khoảng trời quận 5 lặng lẽ cho tôi bao kỷ niệm của 3 năm trước.
Sáng ngày 7 của 3 năm về trước, 2 cha con tôi sau khi ăn xong chén chè đậu đỏ mà mẹ tôi dành trọn niềm hy vọng vào nấu, tạm biệt mẹ 2 cha con tôi vào Sài Gòn để chinh chiến trước hàng chục ngàn bạn thí sinh giỏi cả nước để dành lấy 1 trong 330 vé để trở thành tân sinh viên ngành Bác sĩ Đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM. 2 cha con vào Bến xe Miền Đông, được các anh chị tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi giúp đỡ hướng dẫn chỗ trọ giá rẻ ở gần trường, thế nên, tôi đã từng có 1 ước ao mãnh liệt, nếu tôi may mắn trở thành sinh viên Y Dược tôi sẽ đi làm tình nguyện Tiếp sức mùa thi để hỗ trợ cho các bạn thí sinh bỡ ngỡ lần đầu đặt chân lên đất Sài thành. 2 cha con đi xe ôm đến trường THPT Lương Thế Vinh trên đường Cô Bắc ở quận 1 rồi đến nhà trọ nằm trong cái chợ, hình như là chợ Cầu Ông Lãnh, cách địa điểm thi chừng hơn cây số. Phòng trọ đó đã có sẵn 8 người, thêm 2 cha con tôi nữa vị chi là 10 người trong căn phòng chỉ chừng khoảng 9 mét vuông, điều kiện vật chất ở phòng trọ đó thì không được tốt lắm, đặt biệt cái khoảng đi vệ sinh làm tôi ám ảnh và trở thành 1 kỷ niệm vui cho riêng mình. Khu nhà trọ cả trên 50 người mà chỉ có mỗi 1 nhà vệ sinh, mỗi lần mà muốn đi vệ sinh là phải xếp hàng, cứ mỗi sáng khoảng chừng 3 giờ, ba tôi đánh thức tôi dậy để đi vệ sinh, lúc đó có thể xem là khoảng không gian riêng cho riêng mình, mọi chuyện rồi cũng đã qua tuy khó khăn nhưng đúng là ký ức khó thể nào phai nhoà được.
Tôi là 1 học sinh học không giỏi lắm, cấp 2 tôi học lớp chọn của cái trường nổi tiếng nhất huyện, thử sức qua bao kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, dành được những thứ hạng khá cao nhưng năm chuyển cấp lên lớp 10, ba mẹ không cho thi vào trường chuyên Lương Thế Vinh ở Biên Hoà vì không muốn tôi mới chừng đó tuổi mà phải sống xa nhà, rồi ai lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ nên tôi chỉ đăng ký thi vào trường công lập duy nhất của huyện cách nhà khoảng 2km. Trải qua kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10 với kết quả bê bết, trong khi một nửa lớp chọn hồi cấp 2 của tôi vào học trường chuyên ở Biên Hòa, một nửa vào học lớp chọn của trường huyện thì tôi phải chấp nhận học ở lớp thường trường huyện, một sự thất bại mà tôi đã không lường trước được cho những ngày ham chơi của năm lớp 9. Xa những bạn bè thân thiết của cấp 2, tôi quyết làm lại cuộc đời mình, tôi nghĩ rằng nếu mình giỏi thì ở trong hoàn cảnh nào, ở trường chuyên hay trường huyện, ở lớp chọn hay lớp thường thì mình cũng đều phải giỏi, tôi đã ra sức học tập rất nhiều. Nhưng năm lớp 10, 11 thì kết quả cũng không như những gì mà tôi đã từng quyết tâm đề ra khi bước vào cấp 3 có lẽ lúc đó tôi “ghiền” phim quá, đặc biệt năm lớp 11 là thê thảm nhất, tôi mất căn bản hoàn toàn toán 11, tôi cảm thấy chật vật với các bài hình lớp 11 và hoàn toàn bó tay trước các bài Đại số, môn Hoá thì khỏi chê luôn, tôi sưu tập đủ các con điểm từ 0,1,2 cho đến 10. Nghỉ hè năm lớp 11, tôi đi học thêm cùng với lũ bạn, thấy mấy đứa là “trùm” bên lớp chọn bàn tán nhau đề Đại học khối B môn Sinh, Toán, Hoá khó dễ gì đó, tôi chỉ nhìn và cười trừ thôi chứ thật ra có biết gì đâu mà giải đề để mà bàn tán. Tôi đã thầm suy nghĩ chẳng nhẽ mình cũng học xong 12 rồi lại làm công nhân như anh chị mình sao, rồi con ước mơ của ba tôi nữa, tôi là con út nên nếu tôi không thực hiện được thì có lẽ ước mơ của ba tôi sẽ mãi mãi là ước mơ và chôn xuống mồ khi ngày ba tôi nhắm mắt xui tay.
Ba tôi có 1 tuổi thơ rất là nghiệt ngã, khi ba tôi vừa chào đời thì ba mẹ của ba tôi bỏ nhau và không ai chịu thừa nhận đứa con oan nghiệt ấy, sự ra đời của ba tôi như là tội lỗi vậy. Ba tôi về sống với ngoại, được ngoại chăm lo, ba tôi sống trong tình thương của ông bà khi ba mẹ vẫn còn mà chưa bao giờ được gọi 2 tiếng mẹ cha, chưa bao giờ được bú sữa từ mẹ như bao đứa trẻ khác, chưa bao giờ được người cha che chắn khi bị lũ bạn cùng xóm đánh cả. Vậy mà ba tôi vẫn lớn lên như thế đó, nhưng oan nghiệt thay, năm ba tôi chừng 10 tuổi, bà ngoại đã ra đi mãi mãi bởi căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, trước lúc nhắm mắt ra đi ngoại đã trao ba tôi lại cho người mẹ ruột, người mẹ mà năm xưa đã bỏ rơi chính con ruột mình. Ba tôi ra tận ngoài Đà Nẵng để ở với mẹ ruột và cha dượng, tuy ở với chính mẹ ruột của mình nhưng bà không cho ba tôi gọi tiếng “Mẹ” để che mắt người cha dượng. Nhưng rồi có sự thật nào có thể giấu nỗi không, khi cha dượng phát hiện được ba tôi là con ruột ông đã ra sức hành hạ dã man, chừng 7,8 năm ba tôi sống chung với mẹ là từng ấy năm làm đầy tớ không công và cũng từng ấy năm bị hành hạ đòn roi. Vậy mà ba tôi vẫn sống. Rồi ba tôi gặp mẹ tôi, ba đã cưới mẹ năm mẹ 19 tuổi, đôi vợ chồng trẻ cùng gia đình chạy giặc và cuối cùng lưu lạc đến đất Sóc Trăng, không có 1 tài sản nào, không có 1 mảnh đất nào nên ba mẹ tôi làm mướn quần quật suốt ngày mà vẫn không đủ ăn. Nghe ba tôi kể về ngày chị tôi ra đời, ngày mẹ tôi vượt cạn đang là mùa mưa, ở cái đất miền Tây 2 mùa mưa nắng, mưa là mưa suốt ngày có khi mưa dai dẳng suốt cả 1 tuần liền, vậy mà mẹ tôi có duy nhất 2 bộ bà ba với hàng chục miếng vá đắp lại, mưa nhiều quá mà áo quần vá nhiều lớp quá nên đâu dễ gì khô, mẹ tôi không có áo quần để thay, dù mới đẻ xong nhưng vẫn toàn mặt áo ướt. Vì quá ốm yếu, lại vừa mới sinh, mọi người kêu ba tôi ra chợ mua ít thịt nạc với tôm để nấu cho mẹ tôi nồi cháo tẩm bổ, vậy mà mà tôi ra tới tận chợ chỉ mang về được 1 bịt muối hột vì trong người không còn bất cứ xu nào để mua thịt với tôm. Vậy mà ba mẹ tôi vẫn sống.
Ba mẹ tôi sinh được 2 con, 1 chị và 1 anh tôi, 2 anh chị tôi bị suy dinh dưỡng trầm trọng vì thiếu ăn, không chịu được cuộc sống khó khăn đó, ba mẹ tôi đã dắt anh chị tôi lên Đồng Nai kiếm sống. Đất Đồng Nai thì không có ruộng lúa như dưới miền Tây, mùa mưa thì ba tôi vá xe đạp, mùa khô thì đi cùng với mấy ông bạn cũng do không chịu nổi cuộc sống khó khăn ngoài Bắc đã vào Nam lập nghiệp đi buôn thuốc rê, ba buôn thuốc rê về là mẹ và anh chị tôi phơi thuốc, xịt thuốc, đóng cục để cho mẹ tôi lên Chợ Lớn bán, rồi mẹ còn nuôi heo và nấu rượu, ấy vậy cái chữ “nghèo” cũng không thoát được. Rồi thì tôi ra đời, may là giai đoạn đó người buôn thuốc rê lên “hương” nên cuộc sống của gia đình tôi đỡ chật vật hơn nhiều. Nhưng có lẽ ông trời như muốn trêu đùa trước số phận của ba tôi vậy, năm 1993, sau một đêm thức giấc, ba tôi bị liệt hoàn toàn từ thắt lưng trở xuống, 2 chân hoàn toàn không có cảm giác, có dùng quẹt ga đốt vào chân cho phỏng ấy vậy mà hoàn toàn không có cảm giác gì hết, chân có thể đi chập chững được nhưng không thể điều khiển được và muốn té lúc nào là tự nhiên té thôi. Ba tôi đã trở thành phế nhân. Bao nhiêu tiền của mà ba tôi dành dụm suốt hơn 10 năm ở cái đất Đồng Nai kiếm được mong sửa cho mẹ và chúng tôi ngôi nhà tươm tất hơn đã đội nón ra đi. Bệnh viện Chợ Rẫy bó tay, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình lắc đầu, Bệnh viện Trung ương Huế trả về, nghe ai chỉ bệnh viện nào giỏi, bác sĩ nào hay ba tôi đều tới nhưng không nơi nào chẩn đoán được đó là căn bệnh gì và bác sĩ cho biết ba tôi sẽ chịu cảnh tàn phế suốt đời. Hằng đêm, mẹ tôi ngồi nhìn ba lòng quặn đau mà khóc, mẹ không dám than trời kể đất mà chỉ khóc cho số phận mình, ba tôi đã bao lần tròng cổ vào sợi dây để thắt cổ tự tử để cho nhẹ bớt gánh nặng cho gia đình ấy vậy mà ông không can đảm ra đi vì những đứa con thơ còn quá nhỏ. Ngày ngày, cả gia đình tôi không biết đến hương vị của thịt cá là gì, thực đơn là rau muống và rau muống để dành tiền cho ba tôi đi chữa bệnh, ròng rã suốt ấy năm, ba tôi nỗ lực rất nhiều, chích điện, châm cứu, thuốc Bắc, thuốc Nam thì đôi chân đã dần hồi phục cảm giác nhưng vẫn không đi lại bình thường được, đôi chân ngày càng teo nhỏ và chịu cảnh “cà thọt” suốt đời. Vậy mà ba tôi vẫn sống.
Ba mẹ tôi thất học, lại sống trong cảnh bệnh tật nên ước mơ lớn nhất của ba tôi là đào tạo được 1 đứa Bác sĩ, nhưng thời anh chị tôi gia cảnh nhà tôi cũng còn nghèo lắm và anh chị cũng không học tốt nên cuối cùng thì chỉ đi làm công nhân, bao nhiêu hy vọng ba tôi dành cho tôi cả. Vậy mà năm lớp 10, 11 tôi đã phụ lòng công sức nuôi dạy của ba mẹ tôi. Và tôi đã thề với lòng mình, tôi sẽ mang về “Giấy báo trúng tuyển ngành Bác sĩ Đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM” như món quà tôi dành tặng cho ba mẹ tôi suốt 18 năm không ngại khó khăn đã nuôi dưỡng. 2 chữ “Y Dược” lúc nào cũng vẳng vẳng bên tai và tâm trí tôi trong suốt năm lớp 12, tôi từ bỏ thói quen ghiền phim của mình, tôi học không ngừng nghỉ, chỉ trong vòng 2 tuần tôi đã hoàn thành xong chương trình toán lớp 12 và lập nên kế hoạch giải đề Đại học từ đầu năm lớp 12, tôi mua trong hiệu sách cũ các sách luyện thi và ngày ngày giải đề không biết mệt mỏi và gần như tôi thuộc lòng lòng từng cách giải, từng dạng đề mà Đại học có thể ra. Môn Sinh thì tôi học thuộc từng chữ trong sách giáo khoa. Còn môn Hoá là làm tôi chật vật nhất, bởi tôi mất căn bản Hoá từ năm lớp 8, mà môn Hoá thì năm trước sẽ bổ sung cho năm sau, tôi nghĩ 9 tháng ôn luyện không phải là không kịp, tôi học hoá lại từ lớp 8 và dần dần trong vòng 1 tháng tôi đã nắm vững hoàn toàn kiến thức căn bản từ lớp 8 đến lớp 12, tôi tìm hiểu nhưng cách giải nhanh trong Tạp chí Hoá học ứng dụng, tạp chí này rất hay, tôi tổng hợp lại và viết riêng cho mình 1 bí kíp giải nhanh môn Hoá, có bí kíp trong tay tôi chỉ cần nhìn sơ đề, bấm vài phép tính là có thể ra đáp án hoàn toàn chính xác. Nhớ ngày đầu thi thử môn toán tôi chỉ được 4 điểm, tôi buồn ghê gớm và cũng đã khóc, nhưng tôi gạt đi nỗi sầu đó mà phấn đấu nhiều hơn để rồi 3 bài thi thử toán tiếp theo tôi dành trọn 3 điểm 10, thi thử Hoá và Sinh tôi cũng đều đứng nhất lớp. Kết thúc năm 2, Toán tôi được 9,9, Hoá 9,6 và Sinh là 9,8, tôi đã vươn lên vị trí đồng hạng Nhất với 1 bạn ở lớp chọn. Và kết quả thi tốt nghiệp với 3 môn Toán, Lý, Sinh dành trọn 3 điểm 10 càng làm cho ba tôi hy vọng hơn về cánh cửa của Đại học Y Dược sẻ mỉm cười đối với tôi. Nhưng với đề thi Đại học, với 27 điểm của điểm chuẩn năm ngoái làm tôi có chút lo lắng và hơi sợ liệu chăng mình có thể làm tốt như những gì mà mình đã cố gắng trong 9 tháng qua không.
Sáng mùng 9, môn đầu tiên môn Sinh, tôi nhìn vô đề mà choáng váng cả lên, thật sự đề Đại học khó quá, vậy mà mục tiêu tôi đặt cho môn này là 10 mới ác chứ, chật vật lắm nhưng tôi không thể hoàn thành hết phần bài làm của mình. Ra khỏi phòng thi, ba tôi vẫn chực chờ đứng ngóng ngoài cổng dưới cái nắng chói cháng chực muốn thêu rụi người ta vậy. “Ba ơi, thất bại rồi, chắc khoảng 7 điểm thôi”, tôi nói mà lòng buồn rười rượi. Ba tôi cũng không nói gì, chỉ thấy trên gương mặt đầy hy vọng đó mỗi nỗi buồn sâu lắng, ba chỉ khuyên tôi ráng hết sức mà thi 2 môn còn lại. Đến chiều, môn Toán, công nhận đề khối B khó quá, đề làm trong vòng 3 tiếng với 10 câu, vậy mà 1 tiếng rưỡi trôi qua tôi chỉ làm được có 3 câu, tôi muốn vứt bút đi, xé tan bài làm của mình và ra tạ lỗi với ba nhưng những hình ảnh về sự mong đợi, về sự hy vọng của ba tôi đã tiếp thêm động lực cho tôi, trong 1 tiếng rưỡi còn lại tôi đã hoàn thành được 6 bài, còn 1 câu khó quá chỉ dành cho học sinh giỏi Quốc gia, tôi kết thúc bài thi Toán trong 3 tiếng với 9 bài trọn vẹn. Tôi mừng rỡ khoe làm được 9 bài, vậy tổng cổng tôi áng chừng đã được 16 điểm, trường tôi thuộc khu vực 2 nông thôn nên được cộng 1 điểm, vậy môn Hoá tôi phải làm được 10 điểm thì mới tròn 27, mới có cơ hội bước chân vào giảng đường Y khoa được. Nhưng 10 điểm môn Hoá còn khó hơn là hái sao trên trời, tôi thấy mình không thể nào làm được nhưng ba tôi vẫn hy vọng, hy vọng điểm 10 môn Hoá. Ba tôi ghé vô tiệm mua chút thuốc lá, bà bán thuốc thấy ba tôi tật nguyền mà dẫn con đi thi nên bả cho không ba tôi 3 điếu và bả đã nói 1 câu làm tôi nhớ suốt tận bây giờ, “Con thật hạnh phúc khi có một người cha tật nguyền mà vẫn dẫn con đi thi, con hay cố gắng làm bài hết sức mình để đền đáp công lao to lớn đó của cha con nha.”. Sáng hôm sau thi môn Hoá, ba tôi đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để thi xong thì 2 cha con về luôn. Môn Hoá cũng khó kinh thiệt, bí kíp của tôi chỉ áp dụng được khoảng 80%, 20% còn lại tôi đã nỗ lực hết sứ nhưng không thể nào hoàn thành được và xem như giấc mơ trở thành Bác sĩ đã chính thức chấm dứt tại đây và ước mơ của ba tôi cũng đã không thực hiện được. Vì môn Hoá không được 10, 2 cha con đón xe về, trên xe tôi không dám ngước nhìn ánh mắt của ba tôi và tôi đã không thốt lên được lời nào. Về tới nhà, mẹ tôi chuẩn bị nước hột é sẵn nhưng tôi không tài nào nuốt nổi, tôi cảm thấy mình thật là vô dụng, 1 đứa con bất hiếu. Hôm sau, gắng gượng lắm tôi mới dò đáp án của Bộ, tôi đoán mình khoảng 24, cộng điểm vùng thì mới chỉ 25 thôi, cách điểm số 27 xa quá và chắc chắn là tôi đã...rớt. Nhưng mẹ tôi lại nói rằng năm nay Y Dược sẽ chỉ lấy 25 điểm thôi vì mẹ xem báo thấy người ta nói đề khối B khó hơn khối A, đề năm nay khó hơn năm ngoái nên điểm chuẩn sẽ hạ, tôi không biết có phải mẹ tôi đang an ủi không nhưng nỗi buồn đó kéo dài tới tận ngày ra kết quả. Và rồi như 1 điều kỳ diệu, tôi được 24,5 điểm, cộng vùng là được 25,5 điểm, điểm chuẩn là 25 điểm, tôi đứng thứ khoảng 190/330, vậy là tôi đã đậu rồi sao. Ngày tôi mang giấy báo trúng tuyển ngành Bác sĩ Đa khoa của Đại học Y Dược TP. HCM cho ba tôi, ba tôi đã bật khóc vì không thể tin nổi đứa con ham chơi thường ngày như tôi sau này sẽ trở thành bác sĩ, và ba tôi lại còn 1 mong ước nữa là sẽ ráng sống đến ngày tôi cầm về cho ba tôi thấy tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ thì ba tôi xem như đã làm tròn nghĩa vụ và nếu có ra đi thì ba tôi cũng mãn nguyện mà nhắm mắt. Và rồi ngày nhập học, cũng người cha tật nguyền đó dẫn tôi nhập học, cánh cổng 217 Hồng Bàng chào đón 1 tân sinh viên cùng người cha có đôi chân tật nguyền. Tôi thấy mình thật hạnh phúc và rất tự hào...
100 triệu, thật sự đối với tôi con số ấy tuy rất lớn nhưng không cần thiết tại với 100 triệu tôi cũng không cần vào việc gì lúc này cả, nếu như có 100 triệu vào thời điểm 1 năm rưỡi trước, ngày mẹ tôi phát hiện căn bệnh ung thư vú thì thật là may mắn. Nếu thật sự có 100 triệu, cho dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ dành khoảng 10 triệu cho ba tôi, người mà ký ức tôi suy nghĩ lúc này, tôi sẽ mua cho ba tôi mấy bộ áo quần mới vì ba tôi tiết kiệm lắm, toàn mặc lại quần áo của anh em tôi thôi và tôi sẽ mua 1 chiếc máy giặt, vì từ ngày mẹ tôi mổ ung thư vú, nạo hết hạch bạch huyết thì mẹ tôi cũng như thành phế nhân, cánh tay trái không thể mang vật gì trên 3 kg và hoàn toàn không được giặt đồ, vậy là công việc giặt đồ ba tôi cũng làm nốt luôn, thấy ba giặt đồ tôi thấy tội. Còn 90 triệu, theo nhiều người chẳng sẽ kinh doanh mở hàng quán gì đó, nhưng tôi không có đầu ốc kinh doanh chắc chỉ thua lỗ mà thôi, tôi nghĩ rất đơn giản sẽ dành 90 triệu đó gửi vào ngân hàng và lấy tiền lời hàng tháng để có tiền học Đại học và mua thuốc cho mẹ, vì mẹ tôi hàng tháng vẫn tốn khoảng 2 triệu để điều trị nội tiết ung thư kéo dài sự sống. Nhưng ước mơ lớn nhất của tôi mà tôi muốn dành hết kiến thức và y đức của mình là sẽ hỗ trợ cho những bệnh nhân ung thư, tôi sẽ gây quỹ để chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho các bệnh nhân ung thư. Thế nên con số 100 triệu quả thật là ít ỏi, nó chỉ có thể to lớn hơn khi có sự đồng lồng của cả cộng đồng. “CÙNG PHẤN ĐẤU VÌ MỘT THẾ GIỚI KHÔNG UNG THƯ”.
“Con ơi, chú hỏi nè...”. Ấy chết, mơ mộng nhiều quá. Mà cũng mong trúng số 100 triệu thiệt.
Trần Hoàng Hiệp
* * *
Xem Giải Nhì: click tại đây
Xem Giải Ba: click tại đây
Xem Giải Tư: click tại đây
Xem Giải Năm: click tại đây
Xem thêm về QHB.SVQN: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net