Ký ức chiến tranh:
NGÔI MỘ ĐÁ NÚI
Tôi sẽ kể ra đây một câu chuyện có thật. Một chuyện thật vừa bi hùng, vừa lãng mạn đến nỗi trước kia đã làm mủi lòng những người nghe mỗi khi tôi thuật lại. Riêng tôi, luôn ám ảnh vì nỗi xót xa thân phận một kiếp người.
Chuyện xảy ra trong chiến tranh đã hơn ba mươi tám năm trước (Năm 74 thế kỷ XX). Oái oăm lại là sau khi các bên tham chiến đã hai lần cùng nhau đặt bút ký hiệp định cam kết chấm dứt chiến tranh cho dân tộc Việt Nam. Một tại thành phố Genève nước Thụy Sỹ, một tại thủ đô Paris nước Pháp (Về sau thường gọi Hiệp định Genève và Hiệp định Ba Lê). Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, nửa đất nước thân yêu phía Nam lại cứ phải tiếp tục ngút ngàn trong khói lửa bom đạn. Vẫn còn rất nhiều thanh thiếu niên của cả hai miền tiếp tục ngã xuống thảm thiết nơi nầy cho lập luận của những người khởi xướng.
Riêng tôi, ám ảnh mãi khi đọc những dòng chữ nguệch ngoạc bằng bút sáp màu đỏ (loại bút dành cho lính đánh dấu trên bản đồ hành quân) ghi vội trên tấm giấy bìa cát tông màu xám xịt, cũng chỉ lớn bằng trang giấy vở học trò, xé vội trong số giấy bảo quản đạn mìn có sẵn. Đọc xong khiến tôi nhớ ngay đến bài thơ “Les deux Blessés” của thi sỹ người Pháp Jean Aicard (1848-1921) (*), mà cho dẫu đến bao giờ, khi đọc không ai không cảm phục lòng nhân ái của tác giả, và kính trọng tính nhân bản của hai người lính một Nga, một Pháp không cùng ngôn ngữ, không cùng chiến tuyến nhưng lại đang chung chiến trường. Và, định mệnh vô tình đưa đẫy trong giờ phút hai người có thể sẽ trút hơi thở cuối cùng để về bên kia thế giới, họ lại nằm bên nhau.
Tấm bìa mỏng manh thay thế cho bia mộ được cài trên đầu một que sặt dài độ hai gang tay bẻ vội đâu đó, cũng yếu ớt, tong teo. Rồi cắm ngay trên đống đá nhiều kích cỡ đặt lởm chởm không hàng không lối, và cũng không cao hơn mặt đất là bao.
Cũng chính cái đơn sơ đầy vẻ quạnh hiu ấy, góp thêm vào cảm nhận của tôi. Khiến trong hơn ba mươi tám năm qua đã không biết bao nhiêu lần tôi kể lại cho người quen, người chưa quen nghe. Và. Hôm nay tôi quyết định phải viết lên để ghi lại một trong vô vàn những bi hùng chiến địa.
* * *
Khoảng hơn chín giờ sáng một ngày đầu tháng 8 năm 1974, năm âm lịch nầy chỉ mới vào giữa tháng Bảy. Bầu trời không một gợn mây, cao vút màu xanh nhạt. Tuy theo phân định đã là tháng giữa Thu, nhưng ở vùng khí hậu nầy, nhiều hôm về chiều là những cơn mưa giông nặng hạt, sấm sét vang trời, gió lốc cuồn cuộn, chứ không phải heo may se lạnh, thổi lá vàng rụng rơi đây đó.
Nắng buổi trưa chói chang, không khí nóng hừng hực đúng với câu nói dân gian “tháng Tám nám trái bưởi”.
Chiếc máy bay trực thăng HU1A sơn màu ô-liu đáp thả chúng tôi xuống chân “Núi lớn Bình Nam” (nay là xã Bình Tân), để chúng tôi công tác với một đơn vị tiền đồn đóng trên đỉnh.
Núi giữa đồng bằng và cách biển chừng hai cây số đường chim bay nên không có cây lớn, chỉ toàn Sim, Mùa đến kỳ phủ một màu hoa tím khắp đồi. Chen lẫn là những khóm lau sậy xanh tươi, quanh năm phất phơ theo chiều gió.
Sỡ dĩ máy bay phải hạ cánh dưới chân núi vì trên cao khó đậu. Hơn nữa, trước đây có lần hạ khẩn cấp để tải thương hoặc tiếp tế thực phẩm, chỉ ít phút sau lực lượng phía bên kia ở đâu đó bắn đạn pháo đến ngay khiến nhiều lần mục tiêu không trúng, đạn lại lạc vào xóm làng gây những cái chết rất tình cờ và thê thảm cho người dân vô tội.
Đỉnh núi cao đến vài ba trăm mét, sừng sững giữa cánh đồng ruộng rộng. Không xa, ba bên là xóm làng dân cư đông đức. Mặt Đông, dải phi lao xanh biếc, tiếp theo bãi cát trắng tinh thoai thoải như tạo hóa chìa tay ôm những con sóng biển ngày đêm len vào.
Trong chiến tranh, đây là một địa điểm thiên nhiên có độ cao tốt, thuận lợi nhiều mặt nên đỉnh núi trở thành điểm chiến lược cắm chốt quân sự kiểm soát và khống chế một vùng đồng bằng và duyên hải rộng lớn chung quanh.
Cũng là một chướng ngại vật cho lực lượng phía bên kia trong việc giao liên, tiếp tế để thực hiện chiến tranh “giải phóng”, xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, đưa dân tộc đến “thiên đường” Cộng sản cho nên nơi đây đã không ít lần xảy ra những trận chiến ác liệt, mà trận gần đây nhất chỉ mới cách nay chưa đến hai tháng, trong một đêm tối trời với đơn vị trước đơn vị đang đồn trú mà chúng tôi sắp lên công tác.
* * *
Xuống khỏi máy bay, chúng tôi chạy ngay theo dốc núi để lên tiền đồn, cũng để tránh có thể bị pháo kích như đã có lần xảy ra và cũng là áp dụng bài học chiến thuật căn bản cùng kinh nghiệm thực tế chiến trường: luôn di chuyễn, không đứng yên một chỗ để trở thành mục tiêu cho những tay súng bắn tỉa có ông ngắm cố tình trong chiến thuật du kích của đối phương.
Khi lên đến lưng chừng núi, ở một khoảng đất trống hẹp, không bằng phẳng mấy, bên cánh phải. Xác xơ mấy cụm cỏ úa và một ít đất mới đào xới còn vung vãi.
Đang mệt, lại nhìn thấy cụm đá lổn ngổn như chèn đắp qua loa vội vàng, và lại có tấm bìa cát tông cắm nghiêng ngửa bên trên. Tôi chạy đến ngồi bệt xuống bên cạnh vừa nghỉ, vừa tò mò đọc để tìm hiểu. Thì ra nơi đây là một ngôi mộ đơn sơ chôn vội một xác người.
Tấm giấy ghi đầy đủ tên họ, tuổi tác và quê quán người xấu số tôi đọc được như sau:
PHẦN MỘ
Tên: Nguyễn Công Hân
Chức vụ: D Trưởng
Năm sinh: 1948
Nơi sinh: Thái Bình, Bắc Việt.
Ai gặp ngôi mộ nầy trước tiên, xin vui lòng gởi thư cho chương trình phát thanh Mẹ Việt Nam yêu cầu báo tin cho gia đình biết, Hân đã chết ngày ... (lâu quá tôi quên ngày tháng ghi trên đó)
Tr/Úy L. (người ghi tấm carton)
D trưởng, tôi không rõ là chức vụ gì trong tổ chức quân đội miền Bắc (có lẽ là Đại đội trưởng), nhưng chắc cũng là một cán bộ chỉ huy của đơn vị tham chiến vừa qua. Nghĩa là cũng một sỹ quan hay hạ sỹ quan gì đó đã được đào tạo hắn hoi và khích lệ tinh thần để hô to dưới cờ lời nguyện “Sinh Bắc, tử Nam” trước khi vào đây.
Thế là một sỹ quan bên nầy chiến tuyến xót xa cho thân phận và gia đình một cán binh bên kia đã lìa đời. Nghĩa tình ấy, tôi nghĩ không khác mấy so với hai thương binh của Jean Aicard ngày xưa. Một người nghĩ mình sẽ không thể sống được nữa, cố đem chút sinh lực cuối cùng còn lại cởi chiến bào đắp cho người kia để bạn chống chọi với cái giá rét mùa Đông châu Âu, sống về với gia đình, dù cũng không rõ người nằm bên cạnh thương tích thế nào có còn nhiều hy vọng sống hơm mình hay không. Họ. Chỉ mới mấy giờ trước đây thôi là đối thủ khác tổ quốc, khác lý tưởng sẵn sàng bắn hạ nhau.
Những dòng chữ ngắn ngủi ấy, và giai thoại tác giả hình thành bài thơ cùng với những câu phân tích tôi đã đọc được trong sách văn học sử nước Pháp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường khiến tôi nhớ mãi câu chuyện cho đến tận hôm nay. Vì nó cùng một nghĩa cử thể hiện lòng nhân ái vô cùng cao đẹp của những con người trong đoạn cuối cuộc đời, cũng như họ nhìn thấy rất rõ trước mắt cánh tay tử thần đang vẫy gọi.
Họ không còn hận thù, không hẹp hòi cố chấp dù có rất nhiều khác biệt. Họ là những tấm gương sống, mãi mãi nêu cao tinh thần “Nghĩa tử nghĩa tận”, truyền thống đạo đức cao đẹp của dân tộc Việt Nam từ xa xưa.
Trước tôi, đã có rất nhiều người qua đây, nên ngoài tôi chắc đã có ai đó thấy nơi Hân âm thầm nằm lại, không bạn bè đưa tiễn, không mộ chí đá bia, không người thân viếng thăm nhang khói. Chỉ được người bên kia chiến tuyến nặng lòng chăm lo mà thôi.
Và chắc cũng đã thực hiện xong hoài bảo của một sỹ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong tinh thần nhân hậu, xót xa thân phận người đã ngã xuống rất xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Duy một ưu tư chưa xóa nhòa được trong tôi, đó là: hung tin đã đến được với gia đình Hân không? và hài cốt Hân nay đã mồ yên mã ấm ở một nơi bình an nào đó chưa?
Với những dòng chữ ngắn ngủi nầy, xin được như một ghi nhận đối với những tấm chân tình đồng loại. Và là nén hương trầm sưởi ấm vong linh người quá cố biết được, và nhiều người bất hạnh khác nữa không ai hay, hoặc bị lãng quên trong vô số những thanh niên đang tuổi tràn đầy sức sống lại sớm thành người thiên cổ trên hai bờ chiến tuyến vừa qua. Nếu còn vấn vương hình hài lẫn quất đâu đây.
XUÂN THỚI
2012
(*) Jean François Victor Aicard, sinh ở Toulon ngày 4-2-1848, chết ngày 13-5-1921, là một tiểu thuyết gia, một thi sĩ và nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp, là con của một nhà báo, ông Jean Aicard.
Sáng tác của Jean François Victor Aicard:
- Les Rebellions et les apaisements (1871)
- Poèmes de Provence (1874)
- La Chanson de l'enfant (1876)
- Miette et Noré (1880)
- Le Livre d'heures de l'amour (1887)
- Jésus (1896)
- Le Père Lebonnard (1890)
- Le Roi de Camargue (1890)
- L'Ame d'un enfant (1898)
- Tata (1901)
- Benjamine (1906) and
- La Vénus de Milo (1874).
Ông được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1909.
Chân dung Jean F. V. Aicard
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net