Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Biên khảo
"HẠNH HIẾU" TRONG ĐẠO PHẬT VỚI TỤC NGỮ CA DAO
ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Phật giáo cùng dân tộc Việt Nam đã gắn bó mật thiết với nhau ngay từ những ngày đầu tiên khi các tu sĩ Ấn Độ đến nước ta để truyền bá đạo Phật vào đầu kỷ nguyên Tây lịch và nhất là, sau đó vào hậu bán thế kỷ thứ 2, khi trung tâm Phật giáo Luy Lâu, trị sở của nước Giao Chỉ thời bấy giờ (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) được thành lập để đào tạo tăng tài và hoằng dương Phật pháp thì đạo Phật đã thực sự bám rễ chắc chắn vào xã hội Việt Nam.

Với khoảng thời gian kéo dài hai ngàn năm đó, giáo lý‎‎‎ nhà Phật đã có những ảnh hưởng khá sâu đậm vào đời sống tình cảm, đời sống đạo đức và đời sống tâm linh của con người Việt Nam và những ảnh hưởng đó đã được phản ảnh khá rõ nét trong văn chương bình dân của ta, đặc biệt là trong tục ngữ ca dao.

Ở đây chúng ta thử bàn đến một khía cạnh trong cuộc sống, chẳng hạn, lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của đạo Phật sâu xa đến nhường nào.

Trước tiên, chúng ta thử tìm hiểu “hiếu” là gì? Theo quan niệm thông thường trong dân gian, người con có hiếu phải biết vâng lời dạy bảo của cha mẹ, đừng làm bất cứ điều gì có hại đến thanh danh của gia đình và dòng họ, phải biết thương yêu, cung kính, phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, nhất là khi ốm đau hay bị tật nguyền và hương khói phụng thờ khi cha mẹ quá vãng. Theo quan niệm của Phật Giáo, ngoài việc đền đáp hiếu hạnh như được kể trên, người con có hiếu còn phải biết “khuyến hóa cha mẹ bỏ ác theo thiện, kính tin Tam Bảo, vâng giữ năm giới, tiến tới việc tu tập để giải thoát mọi lầm mê và đau khổ”. (1)

Người xưa đã từng xem hiếu kính là nếp sống căn bản bậc nhất của con người trong cuộc sống hằng ngày:

Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ,
Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên

(Trời có bốn mùa, mùa Xuân đứng đầu
Người có nhiều nết tốt, trước nhất là đức Hiếu)

Hiếu kính được xem như nếp sống chủ đạo về đạo đức để từ đó phát sinh ra mọi sự giáo hóa:

-“Hiếu đức chi bản dã, giáo chi sở do sinh dã” (Hiếu là cái gốc của đạo đức, từ đó mà phát sinh ra mọi sự giáo hóa).

Trong mọi nếp sống đạo hạnh của con người, hiếu kính phải được xếp đứng hàng đầu:

-“Hiếu vi bách hạnh chi nguyên. Dâm ư vạn ác chi thủ” (Hiếu kính đứng đầu trăm nét đẹp – Đắm say là gốc vạn thói hư)

Trong kinh Nhẫn Nhục ghi nhận:

-“Điều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Điều cực ác là bất hiếu vậy.” (2)

Và kinh Vu-Lan Bồn cũng đã khuyên chúng ta trước tiên phải biết hiếu kính với mẹ cha:

…Công dưỡng dục thâm ân dốc trả
Nghĩa sanh thành đạo cả mong đền
Làm con hiếu hạnh vi tiên... (3)

Như vậy, quan niệm truyền thống trong dân gian và quan niệm trong kinh điển nhà Phật đã có một điểm giống nhau: tất cả đều xem hạnh hiếu là đức tính đứng đầu trong mọi nết tốt của con người.

Trong kho tàng kinh điển Phật giáo có nhiều bộ kinh nhắc đến hạnh hiếu như kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Lễ, kinh Phật Thuyết Hiếu Tử, kinh Vu Lan Bồn…và đặc biệt là kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân. Trong kinh này Đức Phật đã kể ra 10 ân đức của cha mẹ, nhất là của người mẹ, đối với con cái.

Trong phần dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt dùng tục ngữ ca dao để minh họa cho mười ân đức của cha mẹ, đặc biệt là của người mẹ, được nói đến trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân và một số kinh điển khác có nhắc đến lòng hiếu hạnh của con cái đối với các bậc sinh thành.

Điều thứ nhứt: giữ gìn thai giáo
Mười tháng trường châu đáo mọi bề
”:

Suốt thời gian 9 tháng 10 ngày, không những người mẹ phải mang bào thai nặng nhọc mà người mẹ còn phải giữ gìn, kiêng cữ đủ điều từ ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi hết sức cẩn trọng gọi là dưỡng thai ; chỉ nghĩ, chỉ nói, chỉ nghe, chỉ nhìn những lời hay, những điều tốt gọi là thai giáo:

Kể từ lúc hãy còn thai dưỡng
Đến những khi nuôi nấng, giữ giàng
Nặng nề chín tháng cưu mang

Không phải chỉ kiêng cữ trước lúc sanh mà ngay cả sau khi sanh cũng phải giữ gìn, kiêng khem đủ thứ để bảo vệ sức khỏe cho cả hai mẹ con:

Máu gái đẻ có khỏe cũng kiêng.

Không phải chỉ kiêng cữ năm bảy ngày mà sự kiêng cữ có khi kéo dài đến cả vài ba tháng:

Ba tháng mười ngày hết tuần chay gái đẻ.

Mọi chịu đựng, mọi biến chứng trong lúc mang thai chỉ có một mình người mẹ gánh chịu, không thể san sẻ cho bất cứ người nào:

Bào thai chín tháng mang ta
Kiêng khem, tật bệnh ai hòa chịu chung?

Thứ hai: sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau, chịu khổ mỏi mê trăm phần


Ngày xưa, và ngay cả ngày nay nữa, đi biển đánh bắt cá là một nghề dễ gặp nhiều bất trắc và rủi ro. Tuy nhiên người làm nghề biển không bao giờ đi một mình. Họ thường đi với số đông nên gặp lúc gian nan nguy hiểm họ còn có thể trông cậy vào nhau. Việc sinh nở của người mẹ mà người xưa thường sánh với việc “vượt biển” và gọi là “vượt cạn” cũng dễ gặp bao nhiêu là bất trắc, rủi ro không kém gì người đi biển, đôi khi còn nguy hiểm hơn, vậy mà không ai có thể gánh thế được ngoài người mẹ:

- Vượt bể Đông có bè, có bạn
Mẹ sinh ta vượt cạn một mình.

- Đàn ông vượt bể có chúng, có bạn
Đàn bà vượt cạn chỉ có một mình

- Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình

Nhiều khi sự sinh nở dẫn đến tử vong, bởi ngày xưa không có đủ phương tiện về y tế như mổ xẻ hay thuốc men như ngày nay ; gặp trường hợp sinh khó thì đoản số của người mẹ xem như khó thoát, do đó, người xưa cho rằng người đàn bà mang thai là chấp nhận mọi hiểm nguy, rủi ro ngay đến cả sinh mạng của chính mình:

- Nuôi con trong dạ
Mang vạ vào thân

Người đàn bà mang thai như đứng trước một viễn ảnh thật kinh hoàng:

- Người chửa cửa mả

Điều thứ ba: thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu bền vững chẳng lay


Chín tháng mười ngày mang thai con, cực khổ trăm chiều, người mẹ không hề than vãn. Đến giờ phút lâm bồn như đối mặt với tử thần, người mẹ không hề khiếp sợ. Và người mẹ vui mừng xiết bao khi biết con mình đã bình an chào đời:

Nghe con cất tiếng tu oa
Mẹ quên tất cả âu lo hiểm nghèo!

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui chưa dứt, nỗi lo lắng đã ập đến khi nghĩ về tương lai cho con:

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm

Vì tình thương con bao la, lòng mẹ nào yên mỗi khi biết con mình đang lâm bệnh:

- Con ho lòng mẹ tan tành
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi

- Những khi trái gió trở trời
Con đau mà mẹ đứng ngồi không yên

Có thể nói, khi bắt đầu có con, bao nhiêu tình thương của người mẹ chỉ để dành cả cho con:

Thương thay chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

Đức hy sinh của cha mẹ, nhất là của người mẹ đối với con cái thật không có bút mực nào có thể tả xiết. Từ ngày sinh con ra, người mẹ hầu như quên hẳn thân mình chỉ để lo lắng, bảo bọc, nuôi nấng, giáo dục và vun bồi cho đời sống của con.

Nếu trong kinh Đức Phật đã dạy:

Thứ tư: ăn đắng nuốt cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con


thì trong ca dao cũng đã nhắc lại:

Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng con ăn

Nếu trong kinh Đức Phật đã dạy:

Điều thứ năm: lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm khô ráo phần con
”:

thì ca dao cũng đã nhắc lại một ý tương tự:

Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn

Thứ sáu: sú nước, nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê
”:

Mẹ cẩn thận lo cho con từ ngụm nước, miếng cơm. Đây là hình ảnh tuyệt đẹp của người mẹ ngày xưa, từ cái thuở chưa có sữa bình cho con bú, chưa có các loại bột dinh dưỡng cho con ăn, người mẹ đã nhai từng miếng cơm thật nhuyễn rồi mớm cho con:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

Dù đứa con sinh ra có thế nào đi nữa, cha mẹ cũng vẫn thương yêu chăm sóc đầy đủ, không hề phân biệt, băn khoăn. Các bậc cha mẹ thường khuyên nhau:

Con đẹn, con sài chớ hoài bỏ đi.

Mẹ luôn canh chừng giấc ngủ cho con quên cả giấc ngủ của mình:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh

Nếu trong kinh Đức Phật đã nhắc nhở:

Điều thứ bảy: không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền
”:

thì trong ca dao người bình dân Việt Nam cũng đã xác nhận:

Cũng vì một chút con thơ
Cho nên trải chiếu dập dơ trăm đường

Thứ tám: chẳng nỡ chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo
”.

Lòng thương yêu của cha mẹ đối với con cái bao la như biển cả, mênh mông như bầu trời như lời Kệ thơ trong kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân đã nhắc: “Mẹ già hơn trăm tuổi - Vẫn thương con tám mươi”. Vì vậy, dù cho con đã lớn, cha mẹ cũng không muốn rời xa con dù chỉ trong gang tấc:

Con đi xa cha chờ, mẹ đợi,
Sợ quê người làm tội thân con
Đêm đêm trông ngóng mỏi mòn
Biết bao thương nhớ héo hon dạ này

Điều thứ chín: miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm


Vì thương con, suốt đời lo lắng cho con, cha mẹ đã phải trải qua bao nhiêu gian nguy thử thách, vượt qua bao nhiêu cạm bẫy của cuộc đời để tìm ra lẽ sống tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn cho con cái. Chính vì thế đôi khi có những việc làm cha mẹ không nghĩ đó là việc làm có hại cho đời sống tâm linh của cá nhân mình như việc giết hại súc vật – sát sinh – để làm thực phẩm hằng ngày cho con cái và gia đình:

- Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu mới về
Bắt được con trắm, con trê
Cầm cổ lôi về nấu nướng cho cái ngủ nó ăn…

- Ngủ đi cho mẹ đi mò
Tôm rang đầy chảo, cá kho đầy nồi
Ngủ đi cho mẹ đi hôi
Cá nấu đầy nồi, mẹ múc con ăn

Và như lời Kinh đã nói “Tính sao có lợi thì làm, chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm”, vì bức bách của cuộc sống, không thể cam tâm ngồi nhìn đàn con sống trong đói rách, đôi khi người mẹ phải đem cả sinh mạng của mình để đánh cuộc với đời và người chỉ cầu mong duy nhất một điều là dù có phải hy sinh tấm thân này vì con cái thì xin hãy nhìn nhận sự hy sinh của người một ý nghĩa trong sáng:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con

Điều thứ mười: chẳng ham trau chuốt
Dành cho con những cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái sơn
”:

Đối với con cái lúc nào cha mẹ cũng thương yêu và đối xử một cách nhẹ nhàng đầy âu yếm:

Nâng như nâng trứng
Hứng như hứng hoa

Vì thương con, nỗi lo lắng của cha mẹ đối với con cái dường như không bao giờ dứt:

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng
Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm.

Mẹ cha phải ngày đêm làm lụng vất vả, buôn bán tảo tần, lo cho đời sống vật chất của con cái cho được đủ đầy:

Nuôi con buôn bán tảo tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái gió trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo, đồng tiền nuôi con

Và cha mẹ cũng không bao giờ dám xao lãng việc chăm lo về đời sống tinh thần của các con:

Có con thì phải dạy con
Dạy con nên khéo, nên khôn mọi đàng
Lấy lời hơn thiệt bảo ban
Tìm câu êm ả, dịu dàng nhủ khuyên

Khi con đã trưởng thành, cha mẹ lại lo nhiều điều khác nữa: lo cho con có nghề có nghiệp, lo dựng vợ gả chồng cho con, lo cho con có nơi an cư lạc nghiệp…Con khôn ngoan quá cũng lo, con dại khờ quá cũng lo:

Con tài: lo láo, lo kiêu
Con ngu: thì lại lo sao kịp người

Đến đây, một lần nữa, chúng ta có thể mượn lời của đức Phật nói với các Sa môn trong kinh Phật Thuyết Hiếu Tử để tóm tắt toàn bộ mười ân đức mà cha mẹ đã lo cho con cái và cũng để một lần nữa chứng minh rằng, những ý tưởng trong kinh Phật đã ảnh hưởng sâu xa nhường nào đối với tâm tình người Việt qua tục ngữ ca dao đã được trình bày ở trên:

“…Cha mẹ sinh con, mẹ mang thai mười tháng, thân thể như mắc phải bệnh nặng, đến khi sanh con ra, mẹ thì nguy cấp, cha thì lo sợ, tình cảnh ấy thật khó nói hết. Từ đấy về sau, mẹ phải nằm chỗ ẩm thấp, dành chỗ khô ráo cho con. Tinh túy của lòng thành hết mực nên máu huyết đã hóa làm sữa nuôi con. Rồi nào lau chùi, tắm rửa, sắm áo quần, lo thức ăn uống, dạy dỗ bảo ban, kính lễ thầy bạn, dâng công cho các bậc vua chúa, trưởng thượng, diện mạo con vui vẻ thì cha mẹ cũng vui lây. Con tạo ra chuyện buồn phiền thì ruột gan cha mẹ cũng khô héo, ra cửa thì thương nhớ, vào nhà cũng khôn nguôi, lúc nào cũng lo sợ về con có điều gì chẳng lành. Ơn của cha mẹ như thế làm sao báo đáp?” (4)

So sánh công ơn của cha sừng sững như núi, vời vợi như trời, và tình thương yêu của mẹ sâu thẳm và bao la như biển cả, kinh Tâm Địa Quán đã ghi:

-“Nương nhờ ơn nuôi dưỡng của hai vị từ phụ và bi mẫu cho nên tất cả các con trai gái đều được an vui. Thế là ơn cha cao như núi Chúa, ơn mẹ sâu như bể cả” (5).

Cũng vậy, ca dao đã khuyên người con phải luôn luôn ghi nhớ công ơn sâu nặng của các bậc sinh thành:

Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Hay:

Nghĩa mẹ sinh cùng công cha dưỡng
Thì đêm ngày tơ tưởng chớ khuây
Hai công đức ấy nặng thay
Xem bằng bể rộng, sánh tày trời cao

Đã biết công ơn của cha mẹ to lớn dường ấy, con cái phải lấy hiếu kính làm bổn phận hàng đầu để phụng dưỡng cha mẹ. Kinh Tứ Thập Nhị Chương ghi:

-“Thờ cúng trời đất quỷ thần chẳng bằng lòng hiếu thảo với cha mẹ, cha mẹ là hai vị thần sống cao tột vậy” (6).

Kinh Đại Tập ghi:

-“Gặp đời không có Phật, nếu biết khéo phụng sự cha mẹ tức là phụng sự Phật vậy” (7).

Hơn thế nữa, trong Mục Kiền Liên Sám Pháp cũng đã nói:

-“Hiện tiền đại chúng, đều phát tâm thành cúng dàng Tam Bảo, hiếu thuận cha mẹ, thụ trì Phật giới, tu mọi pháp lành, cúng dàng cha mẹ như cúng dàng Phật, mong báo thâm ân”. (8)

Thấm nhuần hạnh hiếu của đạo Phật, người Việt Nam chúng ta đã ví hai đấng sinh thành còn tại thế như những vị Phật sống mà người con phải luôn luôn phụng dưỡng và tôn kính:

* Cha già là Phật Thích-Ca
Mẹ già là đức Phật Bà Quan Âm…

* Gió đưa cành trúc là là
Cha mẹ còn sống Phật đà hiện thân

Bởi đánh giá cao vai trò của cha mẹ đối với con cái như đức Phật sống trong nhà nên người bình dân Việt Nam “xem việc hiếu thảo có giá trị ngang bằng với giải thoát tự thân” và hơn thế nữa, xem việc kính ngưỡng cha mẹ như là một hành vi tu hành thực thụ như lời Hòa thượng Thích Mãn Giác trong lời giới thiệu (Duyên Khởi) bản Kinh Vu Lan và Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân:

“Hiếu là căn bản của đạo làm người. Trong Phật giáo, Hiếu bao giờ cũng được đặt ở một vị trí cao quý xứng đáng, đến mức, nếu không Hiếu Thuận thì không thể làm người và không thể tiến bước trên con đường tu trì, phẩm hạnh” (9).

Cha mẹ nuôi con từ ngày trứng nước cho đến lúc trưởng thành không một chút so đo, không một lời than vãn (Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng), vì vậy, đạo làm con phải biết công ơn dưỡng dục của mẹ cha mà sống làm sao cho tròn chữ hiếu:

* Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

* Công cha, nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người con phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Công ơn của cha mẹ đối với con cái to lớn đến độ con cái có trả hiếu bằng bất cứ cách nào cũng không thể nào trả hết được như kinh Bổn Sư đã nhắc nhở:

-“Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng, như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ” (10).

Ca dao của ta cũng đã từng xác nhận như vậy:

Ơn cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng cả một đời
Cũng không trả được ơn người sanh ta

Vậy nên, đền đáp công ơn của cha mẹ để xứng đáng là người con hiếu, người con lúc nào cũng phải vâng theo lời dạy dỗ của cha mẹ:

- Mẹ cha là biển, là trời
Làm con đâu dám cãi lời mẹ cha

- Con ơi, muốn nên thân người
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…

Con cái phải thường xuyên phụng dưỡng cha mẹ:

- Khó nghèo đòn gánh liền vai
Bán buôn nuôi mẹ, giàu ai mặc giàu

- Khó nghèo xé vạt vá vai
Làm thuê nuôi mẹ không quản ai chê cười.

Phải thường xuyên chăm sóc việc ăn uống cho cha mẹ:

- Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa.

- Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi
Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già
 

. . . . .

Dù đã thành gia thất sống dưới một mái nhà riêng, làm con cũng phải thường xuyên thăm viếng mẹ cha:

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng cho đành dạ con.

Phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, ốm đau:

Mẹ già đầu bạc như tơ
Lưng đau: con đỡ, mắt mờ: con nuôi.

Khi mẹ cha quá vãng, con cái phải lo việc hương khói phụng thờ với tất cả tấm lòng thành kính:

Công cha ba năm sanh thành tạo hóa
Nghĩa mẹ chín tháng cực khổ cưu mang
Hai đứa mình lấy chi đền nghĩa báo ân
Lên non gánh đá xây lăng phụng thờ.

Thế nhưng đây chỉ mới là cách báo ân thường tình của thế nhân. Là người con Phật, sự báo ân còn đòi hỏi một điều cao hơn như trong kinh Bất Tư Nghì Quang đã nói:

-“Cung phụng đồ ăn uống và châu báu chưa đủ trả được ơn cha mẹ. Hướng dẫn cha mẹ xoay về chánh pháp mới là báo hiếu” (11).

Và kinh Hiếu Tử cũng ghi:

-“Cúng dường cha mẹ không gì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành, bỏ việc ác” (12).

Người con hiếu trong ca dao cũng từng xác nhận:

Ngó lên trời thấy mây giăng tứ diện
Ngó xuống biển thấy chim liệng, cá đua
Anh về lập miếu thờ vua
Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

Khi cha mẹ đã quá vãng, lập “trang” thờ cha mẹ và tổ tiên cho con cháu có nơi cúng vái tiền nhân vào những ngày giỗ chạp với đầy đủ “hương, hoa, trà, quả” để con cháu nhớ đến công ơn của tổ tiên cũng là một hình thức báo hiếu thiết thực.

Nếu cha mẹ còn sống, “lập chùa thờ cha” chẳng phải là hành vi khuyến khích và giúp đỡ cha mẹ tu hành theo hạnh Bồ Đề làm điều lành, tránh điều dữ đó sao? Bởi lẽ, “thờ” không chỉ có nghĩa là “lập một nơi trang nghiêm để cúng vái hằng kỳ” mà ở đây, “thờ” còn có nghĩa là “phụng sự, phục vụ, làm bổn phận đối với bề trên” (13) như ca dao đã từng dạy chúng ta:

“Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”.

Nếu cha mẹ đã quá vãng, “lập chùa thờ cha” lại mang ý nghĩa tâm linh cao cả vì nơi đây hương linh của cha mẹ đêm ngày luôn được nghe lời kinh tiếng kệ, được phối hưởng trong những lễ cầu siêu ở chùa hay trong những mùa an cư kiết hạ của các bậc tu hành.

Người Phật tử thuần thành, chẳng những tu hành cho bản thân mà còn biết hồi hướng công đức cho cha mẹ cùng phối hưởng:

Đêm nằm niệm Phật Thích Ca
Cầu cho cha mẹ kết hoa liên đài
Về cảnh Phật thấy hoa khai
Trầm luân chấm dứt, đáo lai Niết-bàn

Trong ngày Vu Lan báo hiếu, con cái phải xem việc đến chùa hành lễ là một bổn phận cao cả của một Phật tử, bởi lẽ, đây là ngày mà mỗi người con đều được nhắc nhở rằng “hạnh Hiếu là hạnh Phật” và rằng, làm một Phật tử thuần thành phải biết lấy hạnh Hiếu làm gốc để cúng dường Tam Bảo:

Cha già là Phật Thích Ca
Mẹ già như đức Phật Bà Quan Âm
Nhớ ngày xá tội vong nhân
Lên chùa lạy Phật đền ơn sanh thành

Mọi nếp sống trong cuộc nhân sinh đều tuân theo luật nhân quả, gieo hạt giống lành thì hưởng quả lành, gieo hạt giống xấu thì hưởng quả xấu. Luật nhân quả của nhà Phật cũng không ngoại lệ đối với đời sống hiếu hạnh: gieo nhân hiếu thì gặt quả hiếu, gieo nhân bất hiếu thì gặt quả bất hiếu, đôi khi nhân và quả xảy ra nhãn tiền:

Nếu mình hiếu với mẹ cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công!

* * *

Trên đây, chúng tôi đã nêu lên một số điểm căn bản về hạnh Hiếu trong kinh điển Phật giáo và chúng tôi cũng đã dùng một số tục ngữ, ca dao trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam để minh chứng. Qua những điều dẫn thượng, chúng ta đã thấy được sự hòa quyện thật tuyệt vời giữa giáo lý nhà Phật với nếp sống tình cảm đầy tính nhân bản của dân tộc Việt Nam trải qua hai ngàn năm “đến nỗi không ai có thể phân tích một cách dứt khoát đâu là biên giới của đạo Phật, đâu là hết ảnh hưởng của đạo Phật” như lời của Hòa thượng Thích Mãn Giác đã phát biểu trong bài “Ảnh hưởng của đạo Phật trong quá khứ đối với nền văn hóa Việt Nam”. (14)

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Ghi chú:

(1) Chữ Hiếu qua một số kinh trong Hán Tạng – Nguyên Định – www.quangduc.com
(2) Kinh Lời Vàng – Thích Trí Nghiêm (dịch) – Tịnh xá Bát Nhã, 2009 – tr. 116
(3) Kinh Vu Lan, Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân - Tổng Hội PGVN tại HK, 1996. Tr. 16
(4) Chữ Hiếu qua một số kinh trong Hán Tạng (Kinh Phật thuyết hiếu tử) – Nguyên Định
(5) Kinh Lời Vàng – tr. 117
(6) Kinh Lời Vàng – tr. 116
(7) Kinh Lời Vàng – tr, 116
(8) Mục Liên Sám Pháp – Thích Quảng Độ (dịch) – Chùa Việt Nam Los Angeles – tr.115
(9) Kinh Vu Lan – Thích Mãn Giác – tr.5
(10) Kinh Lời Vàng – tr. 117
(11) Kinh Lời Vàng – tr. 120
(12) Trích lại trong “Chữ Hiếu và kinh Địa Tạng” của Thích Chơn Thiện, tạp chí PGVN số 128/2004, tr. 29
(13) Tự điển Việt Nam (quyển hạ) – Lê Văn Đức – tr. 1595
(14) Suối Nguồn Đạo Học và Văn Hóa, Văn Nghệ -Thích Mãn Giác – Trung tâm Văn hóa PGVN tại Hoa Kỳ, 2008 – tr. 24

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh