Nhân đọc “Xuân muộn” của tác giả đồng hương Vương Hoài Uyên trên http://www.nuiansongtra.net.
Ở tuổi ngoài tám mươi, ông giáo Thông trông còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Da dẽ hông hào, chân đi vững chắc, nhất là tâm trí vẫn minh mẫn, tinh tế như hồi còn đi dạy học. Hằng ngày ông dành nhiều thì giờ cho việc đọc sách báo, và chăm chút mấy tủ sách trong nhà.
Thế nhưng không ai ngờ chỉ sau mấy hôm nhốm bệnh tưởng chỉ cảm xoàn thôi vì tuổi cao, thời tiếc thay đổi đột ngột. Vào một đêm tối trời sau đó ông nhẹ nhàng xuôi tay về với ông bà trước sự ngỡ ngàng thương tiếc của gia đình, bà con và bè bạn.
* * *
Cho đến năm năm sau kể từ ngày ông Thông qua đời, lần đầu tiên Thái - con trai duy nhất của ông - mới sắp xếp lại các tủ sách theo ý mình, và cũng vì thấy có biểu hiện mối mọt, sợ lây lan làm hư hỏng di vật một thời cha mình yêu quý.
Sinh thời, ông Thông là người rất ham đọc sách, đến nỗi bạn bè thường goi ông là “con mọt sách”, và ông bị gắn chết với cái tên ấy đến suốt cuộc đời - Thông mọt. Nhưng ông lại không thích thuê sách. Hơn nữa đam mê của ông là tìm hiểu lịch sử, triết học và văn chương, mà những loại sách nầy thường quý hiếm, vì vậy cần phải mua để còn làm tài liệu tham khảo trong việc dạy học nữa ( cũng không ai cho thuê loại nầy). Cứ thế, lần lượt ông tích lũy gần đến cả nghìn cuốn, dày, mỏng, lớn, nhỏ đủ cỡ xếp đầy mấy tủ kính trong nhà.
Nghe đâu hồi còn đi học, có khi ông nhịn cả ăn quà sáng để dành tiền mua sách đọc. Lớn lên, khi đi làm có tiền ông thích mua sách hơn cả sắm sửa.
Trên trang đầu mỗi quyển sách ông đều ghi rõ ngày mua và tên cửa hàng bán, có khi còn ghi vài dòng vắng tắt kể lại chuyện gì đang xãy ra với ông để làm kỷ niệm. Vì vậy, con cháu ông sau có thể biết được các giai đoạn và những việc đã xảy ra trong cuộc đời ông vào thời gian đó.
Những quyển sách mua sau ngày lập gia đình và có con ông đều ghi thêm câu “Đẻ dành cho các con”. Và nhiều hơn cả.
* * *
Sắp xếp đến ngày thứ tư, Thái ngạc nhiên khi phát hiện ở góc khuất của một tủ. Gói giấy kiếng màu hồng đã phai nhưng gói ghém cẩn thận, hiện nhiều nếp gấp, chứng tỏ đã dược mở ra gói lại nhiều lần. Bên trong, cũng lại một quyển sách nhưng là tiểu thuyết Pháp ngữ nhan đề “Madame Bovary” của nhà văn Pháp Gustave Flaubert (1821-1880). Sách còn sắc sảo, nguyên vẹn, tuy thời gian đã làm giấy đổi thành màu vàng úa và không còn thơm mùi mực như hồi còn mới nữa.
Mở bìa sách, trên trang đầu có dòng chữ nắn nót, như tuồng chữ con gái “J’achète à Minh Tân. NT le 10 septembre 196... Chez toi, mon aime!” ký tên “KHZ”. Giữa quyển sách, lá thư viết chữ quốc ngữ bằng mực tím trên mấy trang giấy vở học trò gấp làm tư, cùng nét chữ như câu đề tặng ở đầu sách. Lá thư tình của người con gái gởi cho người yêu, lời lẽ thắm thiết chân thật nhưng có vẻ cuộc tình đã nhốm màu đổ vỡ. Theo ngày tháng ghi trong thư, đã hơn bốn mươi năm về trước nên giấy cũng chuyển thành màu sẩm thời gian, và tên người nhận chỉ một chữ “anh”, tên người gởi vẫn ba chữ tắt “KHZ” như ở trang đầu sách.
Không biết sách và thư của ai tặng và gởi cho ai, liên quan đến cha mình thế nào mà được cha cất giữ cẩn thận và trang trọng đến thế. Kích thích óc tò mò của Thái nhiều hơn nữa với cái tên tắt mang mẫu tự Z, một mẫu tự không có trong ngôn ngữ Việt Nam. Thái mang hỏi mẹ, nhưng bà giáo Thông cũng không rõ vì bà là người ở xa về đây làm dâu nên không hiểu nhiều về quảng đời trước của cha Thái. Chỉ đến khi lấy nhau do cha mẹ hai bên định đoạt mới biết nhau mà thôi. Ngày tháng ghi trong sách và thư cũng trước ngày bà đi có chồng.
Hồi lâu như trực nhớ, bà giáo bảo con mang đến hỏi bác Sáu gái, chị dâu trong họ của cha Thái may ra có thể tìm được manh mối gì không, vì nghe nói bác trước kia người ở làng bên, học sau mấy lớp nhưng cùng trường với cha Thái và bác Sáu trai. Bác sáu gái cũng là một trong số rất ít nữ sinh lúc bấy giờ.
Bác trai là một công chức địa phương đã qua đời từ hồi còn trẻ, ông bà có với nhau ba người con, hai trai một gái. Bác gái hiện ở với người con út cách nhà Thái không xa, và người trong làng gọi bác là bà “Sáu Tâm ” theo thứ và tên của bác trai. Đó là một tập tục đã lâu đời ở địa phương nầy, còn tên thật của bác là “Dy” - “Thái Thị Khánh Dy”. Lâu ngày không ai gọi đến nên mọi người gần như quên hẳn.
Mấy ngày sau xong việc, theo lời chỉ dẫn của mẹ, một hôm Thái mang gói quà đến nhà bác Sáu để tim hiểu sự thật...
* * *
Cầm gói giấy trên tay, tự nhiên bà Sáu Tâm thay đổi sắc mặt. Mắt bà nheo lại và như ngơ ngẩn, mặc dù tuy tuổi đã cao tai bà vãn còn thính, mắt chưa hề phải dùng đến kính lão mỗi khi xem sách báo.
Bà cẩn thận mở gói giấy và nhẹ nhàng lật bìa sách ra xem. Thái theo dõi khi mắt bà nhìn thấy dòng chữ viết nơi trang đầu sách, da mặt bà hơi tái đi. Đến khi mở lá thư, bà có vẻ hơi hốt hoảng. Hai bàn tay run run, chậm chạp, mắt bà như dò từng chữ và không còn để ý đến những câu hỏi dồn dập của Thái nữa.
Hồi lâu, như sực tỉnh. Thay vì trả lời các câu hỏi của Thái, bà lại hỏi mượn sách và với giọng như có chút gì ngường ngượng bà kể sơ qua nội dung câu chuyện trong sách cho Thái nghe (như có ý đánh trống lảng che giấu một việc gì đó). Bà nói:
- Đây là một tác phẩm có giá trị văn học của Pháp giữa thế kỹ XIX (1857), nổi tiếng khắp thế giới nên được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Hồi còn đi học bác đã đọc qua nhưng lâu quá nay muốn xem lại.
Không đợi Thái trả lời hoặc cho Thái hỏi thêm câu gì, bà lặng lẽ cầm gói giấy đi vào nhà trong để mặc Thái ngồi lại một mình ngoài phòng khách. Vừa lúc, chuông điện thọai trong túi Thái reo vang, hình như có người cần gặp, Thái đành nói vọng vào lời chào bà để ra về.
Bà à một tiếng, quên cả cảm ơn chỉ nói:
- Con vui lòng mấy hôm nữa bác sẽ gởi lại nhé.
Thái đành vâng dạ và ra xe.
Dọc đường, nhớ lại thái độ vừa rồi của bác, sẵn đang nôn nóng muốn biết sự việc. Đầu óc Thái miên man suy nghĩ: chắc phải có chuyện gì đó ẩn chứa bên trong quyển sách đề tặng và lá thư kia, cũng có thể có liên quan đến cha mình mà Bác Sáu gái sẽ là người biết rõ tất cả!
Hơn nửa tháng trôi qua bác vẫn chưa gởi sách trả, mặc dù chỉ gần vài trăm trang giấy khổ nhỏ. Và, bác như có những thay đổi khác trước. Mỗi lần Thái đi ngang qua nhà, bác có vẻ muốn lẫn tránh, hoặc ngộ lỡ gặp mặt, bác e dè sao đó mà không còn tự nhiên như trước nữa. Thái độ ấy càng thôi thúc Thái thêm cương quyết tìm cho ra sự thật. Tuy vậy, về nhà cũng như tiếp xúc bất cứ ai Thái không bao giờ kể ra.
Cuối cùng. Vào một buổi sáng Chúa nhật còn nghỉ hè, rảnh rỗi, Thái đến nhà bác Sáu để gọi là lấy lại kỷ vật của cha nhưng thật ra trong Thái mục đích cố vén bức màn bí mật kia nhiều hơn. Vì, Thái nghĩ, có thể đây là kỷ vật riêng tư của một uẩn khúc tình cảm đã bao nhiêu năm nằm yên trong tủ kín, và biết đâu lại không ghi sâu vào tâm trí cha mình để cuối cùng, cùng cha về bên kia thế giới.
Trong khi trò chuyện, bà Sáu luôn khéo léo tìm cách tránh né những câu hỏi của Thái có liên quan đến sự việc. Ngược lại, Thái tỏ ra rất tha thiết muốn biết về cha, người mà Thái thương yêu và hết mực hiếu thảo.
Cuối cùng, không thể giữ mãi lòng trước những lời năn nỉ thiết tha của Thái. Và, hình như cũng là dịp để bộc bạch tâm sự bị dồn nén bấy lâu. Đợi lúc nhà vắng người, với giọng buồn buồn, chầm chậm. Bà Sáu mặt hơi cuối xuống, kể lại một kỷ niệm đã bao nhiêu năm bà vẫn chưa quên. Mỗi khi tâm hồn trống vắng bà còn cảm thấy có một nổi buồn xa xăm nhè nhẹ len vào hồn! Tuy vậy, trong khi kể, bà luôn nhắc đi, nhắc lại Thái không nên nói lại với ai vì chuyện đã qua lâu lắm rồi lý ra nên chôn kín vào dĩ vãng để không bận lòng người tại thế và thanh thản vong linh cõi vĩnh hằng.
Bà bắt nhỏ nhẹ:
“Hồi đó, quê mình là vùng nông thôn xa xôi nghèo khó thành lạc hậu, vì thế cả một vùng rộng lớn dân cư đông đúc như thế nầy chỉ có duy nhất một ngôi trừơng tiểu học với vỏn vẹn năm phòng cho năm lớp. Nhưng nhiều năm lớp vẫn còn thừa chỗ ngồi, và học sinh thường lớn tuổi hơn quy định. Có người vì nhà ở xa xôi, đò giang cách trở nửa chừng nghỉ học về làm ruộng phụ giúp gia đình.
“Bác cùng anh em cha cháu quen nhau từ ngôi trường duy nhất đó, và kéo dài thêm mấy năm nữa ngoài trường tỉnh.
“Bảy niên khóa đằng đẳng xa nhà, gần bạn ở bậc trung học, tình cảm cũng lớn dần theo tháng năm. Tuổi học trò mộng mơ tràn đầy mơ ước, tình cảm ba người vượt qua giới hạn bạn bè bao giờ không ai hay, nhưng vẫn âm thầm giấu kín riêng tư. Những biểu hiện thầm kín nhất trong lòng mỗi người là khác với hồi mới ra đây học nhớ quê, nhớ nhà. Trông đến ngày Chúa nhật, tháng nghỉ hè về với cha mẹ, với anh chị em, với cây trái trong vườn. Ngày nghỉ bây giờ sao dài quá và như thiếu vắng một cái gì đó làm tâm hồn nôn nao tiếc nhớ. Nỗi băn khoăn chỉ được xua đi khi tiếng râm ran của bánh xe đạp lăn trên con đường sỏi đá nông thôn ngày tựu trường, mỗi khi trời vào thu, có nắng vàng, gió nhẹ khắp đó đây. Hoặc từng chièu Chúa nhật, lúc cùng nhau ra lại trường sau một ngày nghỉ.
“Trong sâu thẳm tâm hồn, lúc bấy giờ, hai bác và cha cháu trở thành cuộc tình tay ba, đơn phương một chiều. Cha cháu là một học sinh giỏi văn, bài bình luận văn học hay nghị luận luân lý nào của ông cũng được thầy giáo khen và đọc cho cả lớp nghe. Bác đã âm thầm yêu cha cháu từ lúc đó; trong khi bác Sáu lại lặng lẽ nghĩ về bác.
“Ngày tháng êm đềm trôi, tình cảm cả ba cũng cao dần theo năm học và tuổi đời, nhưng trong sáng như pha lê và tinh khiết như trang giấy trắng.
“Về sau cha cháu điều kiện gia đình thuận lợi hơn, lại là người có hoài bảo, có ý chí vươn cao với năng khiếu của mình. Nên tuy vẫn quý mến bác, biết tâm sự bác, nhưng cương quyết học lên để thỏa mãn cái đam mê văn chương cháy bỏng ấy.
“Rồi như ai đó đã nói, cuộc tình nào cũng có số phận của nó, cũng có niềm vui, nỗi buồn, có khi là khổ đau ân hận phát xuất từ ngang trái tình đời, nghịch cảnh cuộc sống. Chuyện của bác và cha cháu cũng vậy, phát xuất từ quan điểm trái ngược nhau của hai gia đình, mà cha cháu là người con hiếu thảo không thể tiến xa hơn được. Chứ không phải hai tâm hồn trẻ không nuôi dưỡng được tình cảm của mình.
“Thế là đầu niên học cuối cùng của bác đó. Khi chưa rõ hoài bảo của nhau, chưa hiểu quan điểm của hai gia đình, mọi người đang âm thầm xây dựng những ước vọng tương lai. Bác đã mua tặng cha cháu quyển sách nầy. Đến khi xảy việc, nghĩ lại sách truyện, đôi lúc bác có cảm giác phải chăng đó là điềm báo trước mà lúc bấy giờ mình không lưu ý. Lúc mọi chuyện đã rõ, kết thúc năm học bác lại viết lá thư nầy là lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng, không ngờ cha cháu vẫn còn giữ đến tận ngày hôm nay. Vì vậy, hôm cháu mang đến, và khi nhận ra, bác vô cùng bàng hoàng xúc động.
“Cha cháu cũng viết tặng bác nhiều bài thơ, tình cảm thắm thiết. Nhưng phận con gái chỉ thuộc trong lòng mà thôi, không thể cất giữ như cha cháu được. Bây giờ đột ngột thấy lại di vật có liên quan đến mình bác không nén được day dứt, bùi ngùi.
“Nhìn kỷ vật đã gần nửa thế kỹ qua, và cảm nhận cái trân trọng của cha cháu. Mấy hôm nay bác như sống lại thời mộng mơ tuổi học trò thuở nào.
“Dẫu sao thi cha mẹ cháu cũng hạnh phúc bên nhau dài lâu. Hai bác vẫn quý trọng nhau nhưng tiếc cuộc đời quá ngắn. Riêng bác sống với kỷ niệm nhiều hơn đời thực !
“Ba chữ KHZ mà cháu hỏi là bút danh, đúng hơn là bác viết tắt tên mình và cũng muốn như một ký hiệu riêng tư chỉ để cha cháu và bác biết với nhau mà thôi. Nên, thay vì Khánh Dy tên bác, phải viết KHD. Bắt chước ai đó viết chữ “Ziên Hồng”, bác viết thành KHZ. Lại một kỷ niệm được khơi dậy và sống lại trong lòng bác mấy hôm nay, vì sau lần đó, bác không còn dùng đến ký hiệu nầy thêm một lần nào nữa. Và cháu ạ kỷ niệm bao giờ cũng vui và đẹp phải không!
“Cháu giống cha ngoài vóc dáng là năng khiếu và đam mê. Vì vậy nay cháu cũng là một giáo viên dạy văn giỏi, viết bài, làm thơ, tuy không được phổ biến rộng rãi như cha nhưng được bạn bè thích và yêu quý. Bác tin rằng cháu cũng không ngạc nhiên và không xác định tuổi tác cho tình cảm. Như phát biểu của một nhà thơ.
“Cuối năm học đó, bác thi vào một trường sư phạm học hai năm để sau thành cô giáo trường làng. Bác trai cũng vậy, vì hoàn cảnh gia đình phải theo học một lớp hành chánh ba năm, sau làm công chức ở địa phương.
“Rồi hai năm sau nữa. Một buổi sáng cuối Xuân có gió thoang thoảng phả mùi hương rạ mới, và nắng đầu mùa trải vàng khắp cánh đồng. Chen lẫn trong niềm vui đầu đời là nổi buồn xa xăm, như có chút gì bỡ ngỡ không nói lên được. Hai ngôi làng ngăn cách bởi con sông nhỏ vang lên tiếng pháo cưới của một công chức với cô giáo trẻ.
“Bác lại về với dòng họ cháu...!.
“Ba năm sau. Cũng nơi làng quê thanh bình nầy, mọi người lại nô nức chứng kiến cảnh tưng bừng ngày cưới của một giáo sư văn học và cô y sỹ phương xa…!”.
* * *
Bà Sáu kể xong câu chuyện, bên ngoài nắng đã lên cao. Hai hàng cau trước sân nhà đứng im lìm, vài tàu lá buông xuôi rủ rượi trong buổi trưa Hè nắng chói chang và vắng lặng, không tiếng gà gáy trưa, không tiếng con chim cườm ngái ngủ. Lâu lâu, vang vọng tiếng con Thằn Lằn tặc lưỡi đâu đó như cùng ai tiếc nuối một thời đã qua.
* * *
Khoảnh khắc im lặng bao kín cả căn phòng, hai con người một già, một trẻ ngồi bất động trong không gian oi bức như cùng cô đọng một tâm tình của dĩ vãng và hôm nay.
Lát sau, bà sáu Tâm đứng dậy, hai tay run run đưa cho Thái gói kỷ vật còn nghe lòng nằng nặng nao nao. Trong hơi thở bỗng dưng trở nên yếu đuối và đứt quảng, bà thều thào:
- Chuyện là thế. Thôi, cố giữ cháu nhé!
Giờ đến lượt Thái im lặng, cúi đầu, hai tay trân trọng nhận lại di vật của cha mình. Một câu cảm ơn chân thành. Một lời chào kính trọng.
Thái ra về, bà Sáu lặng lẽ vào nhà trong, ngã mình xuống giường nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền như để hồi tưởng một đoạn đời đã qua từ xa... Rất xa...!
Những ngày tiếp theoThái lòng cũng ngổn ngang vừa thỏa mãn, vừa hối tiếc!
Giá như... Giá như... Đừng cố tìm sự thật...
Cha. Mẹ. Hai Bác... Tình yêu ... Cuộc đời./.
Xuân Thới
2011
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net