Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
THÁNG NGÀY QUA
XUÂN THỚI


Chiến tranh kết thúc, người dân trước đây chạy trốn vùng lửa đạn tạm sống ở nhiều nơi, hoặc công tác trên mọi miền đất nước, nay được dịp về lại quê hương với bao nhiêu nỗi niềm, hân hoan cũng lắm, buồn thương cũng nhiều.

Giữa cảnh điêu tàn đổ nát của xóm làng, và um tùm lau sậy trên đồng ruộng sau hơn mười năm hoang hóa vì không canh tác. Tất cả đều hối hả vào cuộc, làm lại đời sống như từ đầu.

Hết chiến tranh, cái chết không còn lảng vảng rình rập như xưa nữa, nên cả ban đêm, ngoài đường lúc nào cũng có tiếng chân người đi, tiếng cười nói, tiếng ca hát rộn ràng vui vẻ. Tuy bây giờ mới chỉ là những con đường mòn nhỏ vừa đủ cho một người đi.

Thung lũng trung du rộng chưa đến mười cây số vuông nầy nhưng có đủ đồi cỏ, rừng cây và con sông cái chảy ở giữa, hằng năm mang phù sa từ cao nguyên về cho đồng ruộng hai bên bờ thêm phì nhiêu màu mỡ. Xưa là vựa lúa của một vùng, đến nỗi được ví von “Đồng Nai con” của tỉnh, của huyện với ruộng lúa tốt tươi, xóm làng trù phú. Nay từ chân núi bên nầy sang chân đồi bên kia toàn một màu xanh của lau sậy, cỏ cây. Xa xa, nhô lên cao một vài tán cây tạp lẻ loi làm nơi trú ngụ cho lũ chim muông mỗi chiều lười biếng không muốn về lại tổ ấm nơi rừng già.

Bến đò chợ huyện nay không còn sương giăng mờ trên mặt nước sông rộng mỗi sáng sớm như xưa, mà lãng đãng như mây khói trên ngọn lau sậy mọc hai bên bờ và giữa dòng sông, nơi mới hình thành cồn cát như một ốc đảo nhỏ, chia con sông thành hai lạch nước về mùa khô.

Bây giờ, đêm đêm không còn nghe tiếng đại bác chết choc từ xa vọng về, không còn thấy ánh hỏa châu le lói màu tang tóc đó đây. Chỉ văng vẳng tiếng người như thầm thì tỉ tê nỗi vất vã trên đồng hoang, tiếng nước xối đều đặng đâu đó trên nền đất như đếm sự dẽo dai của sức người.

Vì cuộc sống, người người phải cuốc đất dưới trăng khuya, tát nước trong sương sớm để kịp mùa vụ.

Xóm làng lần lượt đông vui, với nhiều giọng nói lai nhiểm của xứ người trong thời gian ở đậu, hoặc những bạn trẻ được sinh ra nơi cha mẹ tạm trú, trước ngày hồi hương, mang về; cũng có người theo vợ, theo chồng đến đây nhận nơi nầy làm quê hương mới. Cuộc sống bên ngoài vì thế thành muôn hình muôn vẻ. Ngoài giọng nói, họ còn mang về đây cả những tập tục và cách sống khác với nơi nầy. Bên trong, cũng nhiêu khê lắm chuyện, phát xuất từ những suy nghĩ riêng tư của mỗi người trước sự đổi thay ý thức xã hội. Từ đó, yêu thương và kích bác âm ỉ như một cuộc chiến tranh lạnh. Đôi khi quá đáng làm ảnh hưởng đến đời sống nhiều người và nhiều gia đình.

Hiền là một nạn nhân trong trường hợp như thế.

* * *

Hiền có quê ngoại tận tỉnh Ninh Bình, miền Bắc đất nước. Sinh ra và lớn lên từ vùng núi đá vôi, kinh đô Hoa Lư xưa. Cha Hiền, một thanh niên khỏe mạnh, thật thà, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới sinh, được một gia đình tốt bụng cưu mang nuôi dưỡng. Đến ba mươi tuổi ông vẫn chưa lập gia đình. Trong kháng chiến lần trước, ông là một cán bộ gương mẫu, luôn luôn hoàn thành xuất sắc công tác Nhà nước Cách mạng giao phó, nhất là trong phong trào cải cách ruộng đất vùng gọi là đã được giải phóng phía Nam, cho nên ông chỉ mất một thời gian ngắn làm “đối tượng Đảng” sau đó được kết nạp chính thức ngay, và lần lượt trở thành trung kiên của địa phương nữa.

Để nâng đỡ. Sau khi hiệp định đình chỉ chiến sự được ký kết tháng bảy năm 1954, ông được tổ chức quan tâm cho phép cưới cô gái trong làng làm vợ một cách chóng vánh. Cuộc hôn nhân nầy không phải mai mối mà là vân động trong chính sách “hòa hợp”, vì cô dâu là cháu ruột một người, theo chỉ tiêu đôn lên cho có địa chủ. Đã nuôi chú rể từ khi mới sinh cho đến ngày ông bị đưa ra trước dân để chú tố cáo tội ác cường hào gian ác và bóc lột.

Lễ cưới được gọi là “lễ cưới tiến bộ”, diễn ra tại nhà gái (chú rể không có nhà) vào một buổi chiều cuối xuân mát mẻ. Tuy chỉ là một tiệc trà xanh đơn sơ nhưng rất trịnh trọng, có đông đủ cán bộ trong địa phương đến dự. Đặc biệt, trên hè nhà, dưới mái hiên tranh, người ta lập một bàn thờ Tổ quốc, bên trên treo cờ Nước và cờ Đảng đỏ chói, hai bên bàn thờ dựng úp hai tấm nong (đồ dùng phơi nông sản) có viết hai câu chúc tụng bằng vôi trắng: “Đẹp tình tổ Quốc, đẹp tình ta. Hạnh phúc non sông hạnh phúc nhà” Khách mời ngồi dưới sân đất.

Khi mọi người đến đông đủ, vị cán bộ lãnh đạo cao nhất địa phương dứng lên tuyên bố lý do và mục đích. Theo đó, sau khi quán triệt chủ trương, đường lối và đưa ra tập thể nội bộ bàn bạc thấu tình đạt lý. Tát cả thống nhất ý kiến tác hơp và chứng nhận cho đồng chí... và cô... được thành vợ thành chồng kể từ hôm nay. Xong, yêu cầu mọi người đứng lên nghiêm chỉnh chào Quốc kỳ, Đảng kỳ và cùng nhau hát vang bài Quốc ca hùng hồn, tiếp theo là bài Kết đoàn để chúc mừng đôi lứa.

Ba ngày sau hôn lễ, một lần nữa, ông lại được trên ưu tiên bố trí công tác dẫn đoàn cán bộ liên xã đi tập kết ra miền Bắc để vừa làm, vừa học công cuộc xây dựng Xã hội chủ nghĩa, cũng trong chủ trương lớn chuẩn bị nhân lực cho hai năm sau về thực hiện ở miền Nam. Nhận quyết định, ông có xin cho vợ được cùng đi nhưng lãnh đạo chưa thống nhất vì cô trước không thuộc thành phần cơ bản.

Việc đưa cán bộ, học sinh và thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc, lãnh đạo hứa hẹn hai năm sau, hai miền sẽ hiệp thương tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo qui định của hiệp ước, sẽ lại trở về với gia đình. Vì vậy, rất đông người xin đi. Ban đầu mỗi người đi phải nộp một khoảng tiền khá lớn (lúc bấy giờ dùng tờ “Tín Phiếu” không còn đồng “Đông Dương”), nhiều người phải bán cả bò, heo nộp vào mới được cấp tiêu chuẩn.

Về sau không còn phải nộp tiền, mà còn cho đi dễ dãi, người đi chỉ lo đồ khô ăn đường cho mình mà thôi, đến nơi sẽ được tiếp đón nồng hậu và phục vụ đầy đủ.

Những người đi, đa phần là cán bộ, số khác hiếu kỳ, đi cho biết đây biết đó, nhất là được biết thủ đô. Hơn nữa, ở tận nơi xa xôi nầy cái “ghe bầu” chạy bằng buồm hứng gió, từ đời ông đến đời cha còn chưa thấy, bây giờ lại được cỡi trên con “tàu thủy” thì không nhờ giải phóng làm sao hưởng được cái vinh hạnh ngàn năm một thuở đó, vì vậy thi nhau nộp đơn. Nhiều người còn hồ hởi phấn khởi cho rằng hai năm chỉ như giấc ngủ trưa!

Chẳng những cho đi thỏa thích, mà còn chiếu cố đến mọi hoàn cảnh. Thanh niên nam nữ mới yêu nhau hoặc vừa đính hôn, cũng được khuyến khích tổ chức lễ cưới đời mới tiến bộ ngay để vợ hoặc chồng an tâm ra đi. Những người trước bị quy vào thành phần “trí, phú, địa, hào”, không cơ bản, nay cũng được cấp tiêu chuẩn để ưu ái cho đi, gọi là thể hiện và nêu cao tinh thần đạo đức cách mạng.

* * *

Tàu ra tới miền Bắc, cập cảng Hải Phòng. Cha Hiền cùng cả đoàn được di chuyễn ngược vào Ninh Bình. Ban đầu đoàn đi đập đá vá những đoạn đường đã bị đào xới trong chủ trương tiêu thổ khấng chiến vừa qua. Vế sau, khi xây dựng nhà máy Ciment ở đây, ông được sung vào làm công nhân và lại tiếp tục được đề bạt làm tổ trưởng tổ chọn đá vôi làm chất phụ gia cho sản phẩm. Thời gian sau, ông lấy tiếp một người vợ nơi nầy, một cô công nhân cùng ăn cùng ở, cùng làm trong cùng tổ sản xuất với ông, là mẹ Hiền và ba đứa em bây giờ.

Mẹ Hiền người thị xã Ninh Bình, hiện tại là một phụ nữ đảm đang vui tính, sống hài hòa với mọi người, nhất là hết lòng lo cho chồng cho con. Đến nay tuy tuổi đời đã trung niên, nơi bà cũng còn phảng phất nét thùy mỵ, sót lại chút quý phái con nhà của người miền Bắc. Bà vào làm công nhân nhà máy Ciment trong địa phương ngay từ lúc mới xây dựng. Bà lấy chồng khi còn rất trẻ, hình như lúc chưa tròn mười chín tuổi đầu, tuổi ông lại gần gấp đôi tuổi bà. Lúc nầy đa số thanh niên trong làng đã đi làm ở các nông trường xa hoặc vào bộ đội chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam (nghe đâu bà là con một gia đình tư sản nhỏ, vừa học xong cấp ba, không tình nguyện đi B tham gia giải phóng miền Nam phải đi làm công nhân sản xuất, trong ké hoạch hậu phương hổ trợ tiền tuyến, không được học tiếp). Bà sinh với ông bốn mặt con, Hiền là con đầu lòng.

Những năm chiến tranh trở nên quá ác liệt, Nhà nước có chủ trương tất cả cho miềm Nam, tất cả cho chiến trường nên nhà máy cũng tạm dừng sản suất để đoàn đoàn lớp lớp ra mặt trận, vì thế ông bà cũng không còn chân công nhân của nhà máy nữa.

Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hai miền đất nước thống nhất, bà dẫn bốn anh em Hiền theo ông về quê nội.

Một thời gian ngắn bỡ ngỡ lúc mới về vì cảnh lạ, ngươi chưa quen, lần lượt bà lại rất thích nơi nầy, vì so với quê hương bà, ở đây đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa. Từ đó, bà hội nhập với mọi người thân thiện và nhanh chóng.

Phần ông, được quê hương mời giữ lại một chân cán bộ đoàn thể trong xã, để ông áp dụng các kinh nghiệm xây dựng Xã hội chủ nghĩa mà ông đã học được trong hai mươi năm thực hiện ở miền Bắc. Hơn nữa, bây giờ là thời bình cần người làm kinh tế, ông lại cao tuổi, trình độ hạn chế, khó nắm bắt kỷ thuât tân tiến. Chỉ thích hợp công tác lãnh đạo mà thôi.

Người con gái trước lúc ông đi tập kết được lãnh đạo tác hợp để có tình cảm khi đi xa, nhiều hơn ông mấy tuổi, tai hơi lảng, từ hồi lớn lên cho đến khi lấy ông chưa gặp mối nào. Chung sống với ông đến ba ngày nhưng lại chưa có con. Suốt hơn hai mươi năm bà vẫn ở vậy chờ chồng. Khi biết đã có hòa bình, đất nước thống nhất bà hồ hởi, phấn khởi với niềm tin sẽ được đoàn tụ chồng, sẽ hạnh phúc lâu dài chứ không ngắn ngủi như trước kia, bù đắp những năm tháng bà phục vụ thanh niên xung phong phía trước, chiến đấu vào sinh ra tử trong lực lượng Cách mạng địa phương. Rồi hôm nay, ông và đoàn thê tử từ miền Bắc lại về không còn sum họp được nữa. Bà tiếp tục sống âm thầm cô đơn.

* * *

Hai năm sau ngày về quê nội, đến tuổi trưởng thành, Hiền vạm vỡ, tràn đầy sinh lực, đẹp trai nhất vùng. Cái nổi trội nhất là tính tình giống như tên đặt, hiền hậu, vui vẻ, siêng năng. Bạn bè, hàng xóm ai có việc gì nhờ đến Hiền tận tụy giúp đỡ, đức hạnh này có lẽ Hiền được tạo hóa san sớt từ mẹ. Do đó, Hiền trở thành điểm ngắm của nhiều cô gái đang tuổi mộng mơ trong vùng. Vì chiến tranh, Hiền chỉ học hết cấp hai.

Việc đến phải đến, qua bao tháng ngày làm việc chung trên đồng ruộng, sinh hoạt trong đoàn thể thanh niên và gặp nhau trong những đêm văn nghệ ngoài trời, Hiền quen Cúc, người cùng xã. Sau thời gian tìm hiểu, họ yêu nhau thật lòng và tha thiết xây dựng tương lai, có người trong thôn xóm tình cờ biết được, đều nhận định họ đẹp đôi xứng lứa, không tiếc lời khen ngợi và chúc tụng. Mối tình đầu đời chân thật và trong sáng tưởng không gì ngăn trở họ được, hạnh phúc lứa đôi kể như trong tầm tay. Nhưng ngược lại, chỉ vì một ý thức mới đã làm cho đôi tình nhân trẻ trải qua không biết bao nhiêu sóng gió muộn phiền.

Cúc xấp xỉ tuổi Hiền, cũng học xong cấp hai, nết na thùy mỵ, Tuy ở nông thôn, quanh năm gắn bó với ruộng đồng nương rẫy, dãi dầu nắng mưa, lại ăn vận vải vóc thô sơ nhưng nhờ thân hình cân đối nẩy nở của tuổi dậy thì, nhất là làn da mịn và luôn luôn hồng hào, khiến Cúc đẹp hơn hẵn khi đứng chung với bạn bè. Nét đẹp và cá tính ấy chắc cũng được trời đất trích ra từ ch mẹ cho cô.

Sinh ra ở miền Nam, trong một gia đình nông dân bình thường, Cúc là chị cả của hai em trai. Cha mẹ Cúc còn trẻ, cha Cúc trong chiến tranh giống như một số thanh niên cùng trang lứa khác, tình cờ bị sung vào một lực lượng võ trang phía Nam ngoài ý muốn, để hôm nay thành kẻ chiến bại và lý lịch bị ghi thuộc thành phần phản lại nhân dân và đất nước. Cha Cúc, tuy vậy, trong địa phương ông lại được hầu hết bà con láng giềng quý trọng, là người hết mực chân thật, giàu lòng vị tha.

Thế là vô hình trung với xã hội mới, hai gia đình trở thành đối nghịch nhau.

* * *

Gia đình Hiền hiện tại thuộc diện được tôn vinh là gia đình cách mạng, tiến bộ. Nhất là cha Hiền, một đảng viên trung kiên, trong chiến tranh cũng như hòa bình ông luôn luôn giữ vững lập trường giai cấp định hướng của thời đại. Vì vậy, khi biết được mối quan hệ của con trai với Cúc, ông thẳng thừng tuyên bố không chấp nhận, và nhất quyết ông không đời nào kết thành sui gia với thành phần có lý lịch xấu, từng bị qui kết chống lại nhân dân, chống lại xã hội chủ nghĩa ưu việt.

Sóng gió cuộc tình Hiền và Cúc phát sinh từ đó.

Bây giờ, một hình thức môn đăng hộ đối mới bắt đầu hình thành trong một bộ phận xã hội. Không phải như xưa so đo giàu nghèo, địa vị mà nay là thành phần xã hội, là ý chí kiên định đấu tranh giai cấp.

Mẹ Hiền xuề xòa, thương con lại có phần cảm tình với Cúc, tuy vậy, trước thái độ của chồng bà phải kín đáo để giữ không khí đầm ấm trong gia đình. Mỗi khi ông vắng nhà, còn lại hai mẹ con, bà thường an ủi thương hại con mà không dám gợi một cách giải quyết nào, đó cũng là một đức độ tôn trọng, và vâng lời chồng tuyệt đối của phần nhiều phụ nữ miền Bắc từ xa xưa còn lưu truyền đến hôm nay. Riêng ông, không ít lần trong bữa cơm hay ngồi với con ông không quên nhấn mạnh sự cần thiêt của quan điểm, lập trường, để đi đến kết luận nếu Hiền láy Cúc sẽ mang lại nhiều tai hại hơn là may mắn. Trước tiên là công sức ông phấn đấu bấy nhiêu lâu mới có được như hôm nay sẽ thành mây khói, còn tương lai của Hiền cũng không hứa hẹn gì hơn, vì ông đang có dự tính trước tiên cơ cấu cho Hiền sắp đến được “là đối tượng Đảng”, để sau đó lần lượt thành cán bộ lãnh đạo nòng cốt trong địa phương. Một khi lấy Cúc rồi, trở thành thành viên của gia đình ấy, lý lich xem như có vết đen, Hiền không thể tiến thân được nữa.

Cũng có lần ông ngọt ngào như làm công tác tư tưởng với con. Ông kể lại hành trình phấn đấu của mình từ khi còn là một thanh niên không học hành, quanh năm chỉ biết lao động sản xuất, đến thành cán bộ và có địa vị như hôm nay. Là nhờ hăng say và hoàn thành xuất sắc công tác trên giao rồi thành cán bộ trung kiên trươc khi được cho học một lớp bình dân ban đêm qua loa.

Hiền nhỏ nhẹ lễ phép phản đối quan điểm nầy, Hiền cho rằng vì chiến tranh, mình học hành ít quá, mà nay làm việc gì cũng cần phải có trình độ học hành là có trí thức mới được. Như trực nhớ, ông dẫn giải ngay những điều ông đã được giáo dục. Liên bang Liên Xô nay vĩ đại nhất thế giới, Trung Quốc trở thành phú cường không nước nào bằng. Các đồng chí lãnh đạo tối cao Stalin, Mao Trạch Đông là những anh hùng chẳng những của hai dân tộc anh em đó, mà có thể của cả loài người. Các vị đó là những thiên tài xuất chúng, không học hành nhiều nhưng lại làm nên việc lớn. Nên bác Mao kính yêu thường nói và được nhà thơ lớn Tố Hữu của cách mạng ta luôn nhắc đi nhắc lại “Trí thức không bằng cục cứt”. Cức còn làm nên phân bón.

* * *

Nhận định của cha Hiền cũng như một số người đồng quan điểm với ông về chuyện tình của Hiền đến tai cha mẹ Cúc, chạm tự ái, ông bà tuy rất thương con, thương cả Hiền nhưng cũng đành khuyên con nên dứt tình để quên đi câu chuyện thời đại.

Cái xu thế nhận thức nầy phát sinh, rồi được âm thầm cổ xúy như giáo điều ở một phạm vy nào đó, khiến chuyện tình cảm cùa Hiền và Cúc đến giai đoạn không còn là riêng tư của họ nữa, mà như một chuyện rất ư là thời sự trong địa phương. Ngoài quần chúng xã hội thì đâu đâu cũng bàn tán với hai nhận thức đúng, sai. Bên trong nội bộ đoàn thể thì như hình thành một nghị quyết bất thành văn để đưa ra thảo luận học tập hầu ngăn ngừa người khác khỏi đi vào vết xe đỗ.

Gia đình, xã hội như thế, ngược lại Hiền lại quyêt tâm phải lấy cho được Cúc làm vợ, dù có mang tai mang tiếng gì cũng không quan trọng. Hiền luôn nói với mọi người mình sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng mọi hình phạt nếu có, miễn lấy được Cúc là mãn nguyện là có được hạnh phúc rồi. Cũng như nếu cần, sau khi lấy nhau hai người sẽ tìm đến một nơi xa lạ nào đó lập nghiệp sinh sống tránh cho gia đình nhất là cha những liên lụy như ông và đống chí ông lo ngại. Nhưng làm sao được, khi mà hôm nay lý lịch mỗi một người nếu cần xem xét phai truy cứu đến ba đời trước đó, nên việc Hiền lấy Cúc dù điều kiện nào chắc chắn cũng ảnh hưởng đến cha.

Hiền luôn thề thốt sẽ cố vượt qua mọi trắc trở để tình yêu của hai người vẫn còn mãi mãi, và được sống với nhau suốt đời.

Cha Hiền và Hiền càng cương quyết với lập trường của riêng mình. Cúc càng day dứt, buồn khổ.

Đã biết bao đêm Cúc không ngủ được, trằn trọc khóc cho thân phận mình, cho tình yêu đầu đời mới đến đã vội đi. Cúc như không còn thấy tương lai mình nơi nào nữa. Ngơ ngác trước cái xã hội có những quy định mới lạ và tinh vi, lúc nào và nơi đâu cũng phải dài tay vào đời tư người dân.

Ý thức vô tư và tình yêu chính đáng của hai người trẻ, ngay từ đầu, họ nghĩ chiến tranh qua rồi sẽ không còn hận thù, oán trách. Tất cả phải chôn sâu vào dĩ vãng, nhường chỗ cho tình yêu thương bù đắp những mất mát, đau thương đã qua. Nhưng, ngược lại, không giống như la liệt những câu khẩu hiệu được treo đầy dẫy ngoài đường hay những lời to tiếng lớn trong các cuộc hội họp hằng đêm: “Xóa bỏ hận thù. Hòa hợp hòa giải dân tộc”. Hận thù giờ lại như được đề cập một cách sâu sắc hơn qua việc rà soát công trạng để tưởng thưởng. Mà hễ có kẻ có công tất phải có người có tội, có người được khen thưỡng dĩ nhiên phải có kẻ bị thanh trừng.

Sự phân biệt đến thành mâu thuẩn có khi len lõi cả vào từng gia đình từng dòng họ.

* * *

Mới ngày nào, khi gặp nhau ngoài đồng ruộng hay trên bến nước, đôi bạn trẻ hồn nhiên, ríu rít như đôi chim non. Nay phải lén lút e dè như đang phạm phải một lỗi lầm to lớn.

Mới ngày nào trong những buổi sinh hoạt thanh niên, hay dự xem văn nghệ, họ gặp nhau tự do và được bạn bè công khai chúc tụng. Nay, không còn nữa, họ kín đáo, hạn chế và đón nhận những ánh mắt ái ngại cảm thông của bạn bè. Buồn.

Mà hình như sự trắc trở càng làm cho tình yêu càng gắn bó hơn, quyết liệt hơn. Họ không gặp nhau công khai trước mọi người như trước để hưởng giây phút thăng hoa của tình yêu chân chính, nay họ âm thầm đến với nhau để tính toán cho tương lai đời mình.

Đằng đẳng hai năm trời yêu nhau trong lo buồn dằn vặt, đôi bạn trẻ lặng lẽ chịu đựng sự chê trách của một một số người, nhưng lại được an ủi chân tình của số đông người khác. Những người an ủi Hiền Và Cúc một phần phát xuất từ đạo lý làm người trong triết lý Á Đông, hôn nhân là chuyện hệ trọng của một đời người không nói vào thì thôi chứ ai đang tâm nói ra. Gây chuyện “chia bầy lẻ bạn” chỉ là hành động của loại người vô lương tâm, ích kỷ, xưa nay từng bị xã hội liệt vào hàng hạ cấp. Phần khác vì căm tức; trong lúc xã hội đang trên đà tiến bộ, tôn trọng và cổ vũ cho quyền tự do con người, kể cả trong hôn nhân. Nơi nầy lại hình thành một định hướng quay trở lại thời kỳ lạc hậu.

Thế là chỉ mỗi việc yêu nhau thường tình của hai người trẻ, mà từ đầu cho đến hôm nay đã mấy lần xôn xao bàn tán trong riêng lẻ, có khi ngoài đại chúng một cách vô bổ của những người dư công rỗi nghề, nhưng lại tự cho mình là người xây dựng giềng mối mẫu mực cho xã hội loài người tiến bộ.

* * *

Ý chí hai người trẻ có lúc tưởng cũng phải khuất phục trước quy định mới của thời đại. Nhưng không, họ vẫn kín đáo gắn bó với nhau, nuôi dưỡng tình yêu chân chính của mình. Để rồi, vào một buối sáng mùa xuân năm ấy, trên bến sông chờ đò, mọi người chuyền tai cho nhau nghe tin đêm qua Hiền và Cúc đã cùng nhau rời bỏ xóm làng đi xây tổ ấm ở một phương tời xa xăm nào đó.

Những ngày tiếp theo, như một cơn địa chấn thời sự nổ ra nơi thung lũng nhỏ hẹp và hẻo lánh nầy. Đâu đâu cũng lại một lần nữa bàn tán đúng, sai, tất yếu, không tất yếu việc ra đi của hai ngươi.

Rồi không biết có bị một áp lực nào không mà người đảng viên trung kiên cha Hiền gắt gỏng đến tột độ. Đi đến đâu, bất cứ nơi nào, ông cũng không tiếc lời nguyền rủa con mình, kể cả thẳng thừng tuyên bố từ bỏ Hiên ra khỏi liên hệ gia đình.

Bây giờ, bên ngoài, người ta lại mượn lý do không tôn trọng truyền thống lễ giáo để chê trách hai người, bên trong thành một hệ thống lý luận riêng để mổ xẻ và nội bộ đoàn thể học tập ngăn ngừa.

Ngày tháng âm thầm trôi, tin Hiền và Cúc bỏ làng ra đi cũng tan dần vào quên lãng. Những người trung thực trước vì giận tình đời khuyên họ chia tay, nay hết lòng cầu nguyện cho họ gặp may mắn trên đường đời. Những người trước can ngăn vì ý thức, nay lại thấy như mình bị hụt hẫng.

Tình yêu mãnh liệt lại được hun đúc thêm bằng trắc trở vô cớ, đã tạo thành động lực đưa hai người trẻ đến bến bờ hạnh phúc một cách kì diệu.

* * *

Suốt hai ngày trên chiếc xe đò đường dài ọp ẹp thời kỳ đầu, và qua khuyến khích tình cờ của người chưa hề quen biết trên đường đi, Hiền và Cúc đã tìm đến được vùng đồng bằng xa xôi tận miền đông Nam bộ, vùng Đồng nai thực sự với đất đai phì nhiêu, lòng người rộng mở.

Sức trẻ trong hai con người giỏi giang, ý chí, chịu khổ chịu khó bắt tay ngay vào việc xây dựng tương lai một cách hăng say. Vì vậy, chỉ một thời gian sau, thành quả lao động của họ lần lượt hiện ra như đẻ khích lệ và củng cố vững chắc một tình yêu chân chính.

Sinh nhật lần thứ hai của cu Lành - con đầu lòng của hai người - cũng là năm thứ tư Hiền và Cúc rời xa quê hương. Bây giờ, sau bao nhiêu ngày tháng cật lực làm việc, và may mắn trúng liền mấy mùa nông sản. Đôi vợ chồng trẻ nay đã có nhà cửa, xe máy tuy không khang trang sang trọng nhưng ổn định nơi ăn ở, phương tiện đi lại sinh hoạt.

Cuộc sống giữa những người xa lạ từ nhiều miền đất nước quy tụ về đây, nhận nơi nầy làm quê hương, lấy người sơ làm người thân, nhưng tình cảm vô cùng mặn nồng chân thật, là một an ủi lớn không chỉ cho trường hợp vợ chồng Hiền mà cho cả những gia đình có uẩn khúc khác.

Ở đây tất cả đều hòa hơp thực sự, không tỵ hiềm, xoi mói, không đố kỵ thành phần, không công, không tội, chỉ có thương yêu đùm bọc và chăm lo tương lai đời mình mà thôi.

Đời sống vợ chồng Hiền vào lúc thực sự ổn định thì được biết tình hình nơi quê nhà nay bớt cục bộ hơn xưa, Hiền mới mạnh dạn báo về cha mẹ hai bên mừng cho họ sắp có thêm bé gái, ông bà có thêm cháu nội, cháu ngoại.

Điều rất lạ, là trong tâm tư Hiền, suốt thời gian cùng Cúc ra đi, Hiền chỉ da diết nhớ về thung lũng nhỏ bé thân thương miền quê nội mới hội nhập gần đây mà thôi, dù thời gian về chung sống chưa nhiều so với quê ngoại Ninh Bình trước kia. Phải chăng ngoài việc nơi đây Hiền có một kỷ niệm thấm thía về cuộc tình lắm lời nhiều lẽ thì còn có một nguyên nhân sâu xa hơn đó là nguồn cội, là dòng tộc họ hàng. Là lá rụng về cội.

Khi trắc trở ta có cảm tưởng như thời gian ngưng đọng, lúc hanh thông lại thấy nó qua đi nhanh chóng vô cùng. Mới đó mà nay đã mười hai năm kể từ ngày Hiền và Cúc làm cuộc mạo hiểm vào đời, và anh em Lành nay cũng đã là hai học sinh bậc tiểu học ngoan ngoãn, dễ thương.

* * *

Lúc nầy kinh tế gia đình đến hồi vững vàng hơn, đủ điều kiện để vợ chồng Hiền Cúc chuyễn chỗ ở ra ven thị trấn tiện việc đi học của con cái và nhất là có địa điểm thuận lợi việc thu mua nguyên liệu cung cấp cho nhà máy thuốc lá và một công ty xuất khẩu nông sản dưới thành phố mà Hiền đã tạo được uy tín giao dịch, dành hợp đống hằng năm.

Công việc làm ăn tiến triển đều đặng, một hôm Hiền nhận được tin ở quê nhà cha nay tuổi đã cao thường bệnh hoạn, Hiền về rước cụ vào để lo chạy chữa.

* * *

Nhìn thấy cơ ngơi và công việc làm ăn hằng ngày của con, nhất là cách cư xử cung kính của con dâu, ông vô cùng cảm động. Không nói ra nhưng chắc trong thâm tâm ông cũng day dứt chuyện nông cạn một thời. Có những buổi sáng cùng mấy ông bạn già mới quen nơi đây ngồi uống trà, mắt ông nhìn xa xăm như nhớ lại một quá khứ nào đó không vui.

Ông không còn phê phán bất cứ ai hay uất ức một việc gì như hồi mới biết được quan hệ tình cảm và sự ra đi của con trai. Bây giờ nỗi xót xa trong ông lại là cuộc sống khó khăn và thiếu thốn trăm bề của bà con xã viên hợp tác xã nông nghiệp nơi quê nhà, trong đó có các em Hiền.

Giờ, đến lúc chính ông vận động Hiền cố gắng tạo điều kiện đưa mẹ và các em vào đây sinh sống, vì ở quê nhà đất hẹp người đông, và chưa cởi mở hẵn được nép hẹp hòi khiến đời sống ổn định như xa vời quá.

Và để chứng tỏ mình nay đã thấu hiểu cái lẽ đời đương nhiên mà tạo hóa đã sắp đặt. Làm khác quy luật thường tình sẽ không đem lại tốt đẹp mà còn có thể dẫn đến những tai hại khó lường. Ông luôn nhắc câu:

“Ở đâu cũng đất nước trời
No cơm ấm áo là nơi của mình”.

Xuân Thới

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh