Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
CÔ BẮNG NHẮNG
TRÀM CÀ MAU


Khi chưa biết tên thật của cô, thì chúng tôi đặt cho cô biệt danh là "Bắng Nhắng". Nhiều bạn bè, chưa biết biệt danh đó là của ai, nhưng khi nghe lần đầu, cũng đã mường tượng ra được người ta ám chỉ cô. Tên thật của cô là Leslie, nhưng tôi thích kêu bằng biệt danh hơn, vì nó chỉ rõ một hình ảnh. Tuổi cô chừng trên hai mươi lăm, da đen màu mốc, gốc Phi Châu, không biết tổ tiên cô bị bắt qua Mỹ làm nô lệ từ đời nào. Cô có dáng điệu lanh chanh của một con chim lạ nhiều màu sắc, ăn mặc diêm dúa, thời trang đặc biệt không giống ai. Những chiếc áo dài, áo ngắn, váy đầm, được chắp nối bằng nhiều thứ vải màu mè khác nhau, và kiểu mẫu đặc biệt, làm cô nỗi bật trong đám đông. Người cô thấp, gầy, mà cái mông nhoi ra đàng sau nhọn lễu, có lẽ vì đôi guốc cao gót làm cô phải nhoi mông ra sau để giữ thăng bằng. Tóc cô kết xoắn tít nhiều lọn như chỉ rối không gỡ được. Cái miệng cô đặc biệt chu ra phía trước với đôi môi dày, bôi son đỏ choét, như làm tiên phong cho toàn thân thể. Răng cô thì cái lớn, cái nhỏ, không đều, thưa thớt, lại cũng chìa ra phía trước, hai cái răng cửa đè lên môi dưới. Mũi cô thấp bành ra hai bên, nếu nhìn kỹ thì có dáng của cái mũi con giả nhân. Móng tay móng chân của cô để dài, sơn màu đỏ thẩm, cong quắp lại như móng vuốt loài ác thú. Mới gặp cô lần đầu, nhìn cái hình dáng đó, nếu không có ác cảm ngay, thì cũng khó có được cái tình cảm bình thường. Có kẻ bảo rằng, ông trời bất công, tặng cho cô một cái nhan sắc đặc biệt như thế, làm sao mà cô có thể kiếm cho ra một tấm chồng.

Lần đầu tiên tôi gặp cô ở sở làm việc, trong cầu thang máy, khi sắp đi lên các từng trên cao, tay cô giữ nút bấm cho cửa còn mở, chờ cho mọi người bước vào. Cái miệng cô cười toe toét:

-“Bà con ơi, nhích vào bên trong một chút để có chỗ cho người khác vào. Càng sát nhau thì càng ấm. Chúng ta tập sắp lớp cá mòi cho quen. Hôm nay sắp đến thứ bảy, chủ nhật lại rồi. Vui lên. Trời đẹp lắm. Cám ơn Chúa đã cho ngày thứ sáu.”

Mọi người cười ồ lên, vì hôm nay là thứ hai, buổi sáng mới vào làm việc, ai cũng mệt nhọc sau hai ngày nghỉ ở nhà. Tôi cười theo và cảm thấy trong lòng vui vẻ theo lời đùa nghịch của cô. Thang máy đi lên, đến mỗi tầng lầu cô rao lên:

-“Tầng bảy đây nhé, ai đánh bài thua hết tiền trong ngày nghỉ vừa qua, thì ghé từng nầy mà xin vay. Tiền lời thấp lắm, có thể bán nhà mà chưa trả hết nợ.”

-“Đây tầng mười hai, ai có đói bụng, còn buồn ngủ thì ra đây, ăn một bụng no, rồi kiếm chỗ mà ngủ cho say. Nhớ đừng để xếp biết mà bị sa thải nghe.”

-“Tôi phải ra từng nầy, ai muốn lên thấu thiên đàng thì đi tiếp. Chúc tất cả một ngày vui vẻ. Chào.”

Cô lanh chanh chạy ra khỏi cầu thang và quay lại vẫy tay chào. Trên môi mọi người còn giữ nụ cười. Thang máy tiếp tục đi lên trong sự im lặng, không ai nói với ai lời nào.

Một lần khác, cũng gặp cô trong thang máy, cô đùa với mọi người:

-“Bà con ơi, vui lên đi vì hôm nay chúng ta còn việc làm, chưa bị thất nghiệp như nhiều người khác trong tiểu bang nầy. Ai không vui, mà buồn bả thì uổng lắm. Cám ơn Trời đi.”

Cô Bắng Nhắng đi đến đâu, nói chuyện khôi hài và cười đến đó. Mỗi buổi sáng đến sở, gặp cô trên hành lang, cô chào hỏi ríu rít và tươi vui. Cô nói vài câu khôi hài nhẹ nhàng, để cùng cười. Những nụ cười nầy có công hiệu làm nhẹ bớt nỗi bực bội của một ông chồng buổi mà sáng ra đi bị vợ cằn nhằn làm khó, làm vơi bớt cái nặng nề khuôn mặt của bà vợ giận dỗi ông chồng không chịu làm theo ý bà, làm phai bớt u uất của cô gái hận tình, làm nguôi niềm lo âu đè nặng trong lòng của người có tâm sự khó khăn, làm tăng thêm niềm vui cho người đang vui đón một ngày mới. Cô không mất công sức, mất tiền bạc chi cả, mà đem đến cho mọi người chút yêu đời, khởi đầu cho một ngày sống. Có khi cô còn ca hát vài đoạn nhạc khôi hài mà cô bắt chước các tài tử trên truyền hình để diễu và mô tả cái hình ảnh hiện tại. Cô múa tay khoa chân cái miệng chu dài thòng ra mà diễn tả. Nếu người khác, thì có lẽ tự chế, không dám làm những cử chỉ mà thiên hạ có thể cho là lố lăng đó.

Sau khi cô ra khỏi thang máy, một ông người gốc Ấn Độ già, đầu đội cái vờ khăn to tổ bố, bao kín tóc tai, râu ria che bao quanh mồm miệng, chỉ để lộ hai làn môi đen dày, xem bộ ông không ưa cách đùa nghịch của cô, ông nói nhỏ:

-“Con người nầy chắc chưa bao giờ đọc được câu “im lặng là vàng”, ồn ào, điệu bộ lố bịch kỳ quái.”

Một ông khác cười và trả lời ông Ấn Độ:

-“Ông bạn ơi, đừng khó khăn quá. Ông chỉ muốn mỗi ngày gặp những bạn đồng nghiệp mặt mày đăm đăm, cáu kỉnh như bị trĩ hành, những khuôn mặt rầu rĩ như thất tình sắp treo cổ tự vận, những dáng điệu lạnh lùng như nước đá mùa Đông sao? Cô ấy làm trò, mua vui cho chúng ta, có ai mất gì đâu, mà lại được những nụ cười khai mở cho một ngày làm việc mệt nhọc căng thẳng.”

Có lần cô thấy một người quen mang bộ mặt rầu rĩ, không vui, cô cười hỏi:

-“Sáng nay bị vợ hành hay sao mà trông khổ sở vậy?”

Ông bạn phì cười và nói vài câu lấp liếm. Cô Bắng Nhắng tiếp:

-“Ngày hôm nay đẹp tuyệt vời, tội gì không vui, uổng lắm. Mọi sự bực mình tạm gác qua đi, sống một giờ, vui một giờ. Đời người có mấy chốc. Ai mà không có chuyện khó khăn, đau khổ, nhưng cứ vui, cứ cười, rồi mọi sự sẽ qua đi , dễ dàng.”

Có lần lên lầu mười tám tìm người quen, tôi gặp cô ở trước cửa thang máy, cô cười hỏi tôi:

-“Gió nào đưa anh đến đây? Anh đi tìm ai, tôi có thể giúp anh được gì không?”

-“Tôi lên đây tìm ông Tom có chút việc cần. Không biết đích xác ông ngồi ở góc nào?”.

-“Tom, ở đây có ba ông Tom, Tom Hoàng Tử, Tom Cao Bồi và Tom Yểu Điệu, thôi anh cứ đi theo tôi, không phải ông nầy, thì là ông kia.”

Cô vui vẻ dẫn tôi đi quanh co qua các hành lang tìm. Khi đến đúng ông Tom tôi cần gặp, thì cô hớt hãi:

“Thôi nhé, tôi phải đi ngay, sợ trễ hẹn. Trễ hẹn là tôi bắt đền anh đó.”

Rồi cô tung tăng bước mau. Tôi nhìn theo cô, thấy bước đi của cô trở thành duyên dáng, đáng yêu, không phải là bước chân kỳ dị của loài thú lạ.

Một buổi chiều chủ nhật, tôi chở vợ đi chợ, vừa chạy xe vào bãi đậu, thì thấy một người đàn bà nhảy ra trước xe khua tay chận tôi lại, tôi nhận ra cô Bắng Nhắng. Tôi thắng xe, cô hỏi lớn:

-“Anh có dây câu bình điện hay không?”

Tôi gật đầu, cô chạy theo xe tôi đến chỗ đậu, nói cười vui vẻ, và lấy dây câu bình điện. Tôi hỏi:

-“Có cần câu điện từ xe tôi không? Sao vậy, để quên đèn chăng?”

-“Không phải xe tôi chết máy, mà xe của người khác, thấy người ta tội nghiệp, tôi hỏi mượn giúp. Thế là hôm nay tôi có dịp làm được một điều tử tế. Tôi sẽ chia phước cho anh chị năm phần trăm, tôi chỉ giữ lại chín mươi lăm phần trăm thôi. Hì hì hì ..”

Vợ tôi nhìn cô Bắng Nhắng mà hỏi:

-“Cô nào thế ? Ăn mặc như lên đồng. Coi bộ lăng xăng lít xít, nói năng ồn ào như bắn súng liên thanh.”

-“Cô nầy làm chung sở, anh không biết tên, người ta đặt cho biệt danh là cô Bắng Nhắng.”

-“Người nào đặt cho cô cái tên hay thật. Đúng như cái bắng nhắng của cô. Người đâu mà nhan sắc xấu xí dị kỳ quá. Không biết làm sao mà lấy chồng được nhỉ !”

Sau khi câu bình điện xe xong, cô vừa đi vừa chạy, đến trả lại cho tôi sợi dây câu bình. Ưỡn ngực và nhỗng mông ôm tôi một cái, nói lời cám ơn, rồi quay lại nói với vợ tôi:

-“Nầy, chị đừng ghen nghe. Anh Nguyễn trong sở đàng hoàng lắm, khi nào cũng tốt với bạn bè. Nhưng mình là đàn bà, chỉ nên tin đàn ông chừng chín mươi phần trăm thôi, để mười phần trăm còn lại làm vốn. Ai mà tin hết trăm phần trăm thì có ngày vỡ nợ đó.”

Nói xong cô cười hăng hắc, và tung tăng bỏ đi.

Trong sở tôi, ai muốn in họa đồ cỡ lớn, thì phải xuống lầu mười, có chuyên viên đứng tại máy in giúp, để tránh trường hợp không biết xử dụng làm hư máy, hay tốn phí thì giờ. Chuyên viên điều khiển máy nầy là một ông lớn tuổi, mặt khi nào cũng đỏ gay vì chất rượu, đôi mắt lờ đờ, cái trán nhăn nhúm. Đôi khi buổi sáng mới vào làm việc, ông cũng thở ra nồng nặc mùi rượu mạnh. Ông nầy bị rượu hành, nên thường hay gắt gỏng, và nói lời khó nghe. Cô Bắng Nhắng thường bị ông cự nự vì những lý do không đâu. Khi thì bảo cô im đi, đừng lải nhải mệt tai ông, khi thì hỏi tại sao in quá nhiều họa đồ, khi thì bắt cô chờ đợi. Thế nhưng cô không giận ông, mà khi nào cũng nói cười giả lả cho qua. Cô nói với người khác rằng, tội gì mà giận ông ấy cho khổ thân mình, khi giận hờn, thì trong lòng mình ấm ức, khó chịu, hại cho mình trước, mà ông ấy thì chẳng có hề hấn gì, tốt hơn hết là cứ vui, một phút qua đi không vui là phí bỏ của trời cho. Giận người khác, thì mình là người thiệt thòi đầu tiên, vì mình mang cái nỗi khổ, còn người bị giận, họ chẵng hề hấn gì.

Rồi những tiếng than phiền về cái thô bạo của ông chuyên viên phòng in ấn đến tai ban quản trị. Ông nầy bị cảnh cáo, và bị tạm thời ngưng việc một tháng không lương. Thật khó tưởng tượng được, chỉ một tuần sau khi bị treo việc, ông chuyên viên nầy đến đứng trước cổng sở, ngữa tay xin tiền bạn đồng nghiệp cũ. Có người cho ông một hai đồng, có người nhớ lại thái độ gay gắt của ông trước đây mà quay mặt bỏ đi. Cô Bắng Nhắng khi nào cũng vui vẻ rút tiền ra dúi vào tay ông, và nói những lời ân cần tử tế, an ủi ông rằng, mọi khó khăn rồi sẽ qua mau, đừng buồn. Có người trách cô rằng:

-“Tại sao bố thí làm chi cho hạng người xấu xa, hư hỏng đó. Mới nghỉ việc một tuần mà phải đi xin ăn, không biết liêm sĩ, không biết xấu hổ. Ăn tiêu cách gì mà ra nông nỗi đó? Khi trước thì hống hách, nạt nộ người ta mà bây giờ ngửa tay xin tiền.”

Cô Bắng Nhắng nhẹ nhàng trả lời :

-“Mình làm sao hiểu nỗi uẩn khúc của người khác mà trách móc họ? Nếu không quá quẫn bách, thì ai mà muốn ngửa tay đi xin người khác. Họ cũng có cái đau lòng riêng.”

Một người bạn cô, cũng bất đắc dĩ phải rút tiền ra cho, khi đưa tiền, thì có thái độ khó chịu, vùng vằng. Cô Bắng Nhắng nói thầm với bạn:

-“Không cho thì thôi, cho thì nên có thái độ tử tế. Đàng nào mình cũng mất tiền. Đã mất tiền mà còn bực mình, và làm cho người nhận không vui, uổng lắm. Người nhận không biết ơn, mà còn có thể ghét mình. Vui vẻ cho, thì họ cũng vui, mà mình cũng vui. Có lợi hơn là càu nhàu khó chịu”.

Mấy hôm sau, tôi thấy cô Bắng Nhắng đưa cho ông chuyên viên in ấn nầy một bao giấy màu nâu. Có người hỏi cô:

-“Chị cho ông ấy cái gì vậy?”

-“Chai rượu.”

-“Chị lại khuyến khích ông ta làm thêm điều xấu. Chị không biết ông ta ghiền rượu nên mới ra nông nỗi đó sao. Lần sau đừng cho ông ta rượu nữa nhé. Phải giúp ông ta thoát ra khỏi con đường sai lầm, xấu xa. Đừng trao súng vào tay bọn sát nhân.”

Cô Bắng Nhắng cười và nhỏ nhẹ trả lời:

-“Ông nầy đang cần rượu như cần hơi thở, cho rượu là đem niềm vui đến với ông ta. Không phải vì thêm một vài chai rượu mà ông tệ hơn, cũng không vì thiếu vài chai rượu mà ông sẽ tốt hơn. Con người nầy, không thể thay đổi được nữa, cứ chấp nhận như vậy. Làm gì cho họ được vui, mình cứ làm, cho họ thêm vài phút hạnh phúc trong ngày. Tôi có rượu, không uống thì cho đi , tạo niềm vui cho kẻ khác.”

Có Ông Bill làm chung sở, mặt mày khi nào cũng nhăn nhó, khó khăn, không cười, không chào ai cả. Nhiều người không dám chào hỏi ông, vì đã có lần chào hỏi, mà ông không đáp lại. Nhưng mỗi khi cô Bắng Nhắng thấy ông Bill, thì cô reo lên vui mừng hỏi thăm sức khỏe, nói năng huyên thuyên đủ điều. Ông Bill ban đầu cũng im lặng, mặt gầm gầm, không nói năng, không trả lời, nhưng rồi về sau, thì trả lời cộc lốc, nhát gừng, ngắn gọn, trả lời cho có, vì không thể bất lịch sự hơn với người vồn vã với ông như thế. Cô Bắng Nhắng cứ đem tấm lòng tốt ra mà tấn công ông, cuối cùng, ông Bill cũng ngọt ngào trả lời, và đôi khi còn kèm theo nụ cười hài lòng hiếm hoi trên môi ông. Có người thấy ông Bill cười, hỏi cô Bắng Nhắng:

-“Làm sao mà cô cạy được miệng ông phỗng đá nầy ra, và làm cho ông ta cười được?”

-“Cứ mở nụ cười của mình ra trước, đãi thiên hạ nụ cười vui, mình không tốn tiền. Mình cũng vui theo. Họ không thể nào từ chối mãi cái tử tế, cái vui vẻ của mọi người chung quanh. Dùng nụ cười như cái chìa khóa, mở được những tấm lòng khó khăn, những con người khép kín. Tội gì không gieo rắc nguồn vui chung quanh mình, làm cho đời sống thêm ý nghĩa, thêm vui, thêm sức sống cho từng ngày. Đem tình thương ra mà tấn công, thì ai mà không mềm lòng.”

Cô Bắng Nhắng có con mắt tinh đời, khéo nhận xét và có cái miệng bạo dạn, dám nói ra những điều cô nghĩ. Gặp ai, cô cũng tìm ra một vài điểm hay và tốt đẹp để khen tặng, làm họ vui. Cô khen bà nầy có thân hình thon thả, gọn gàng, và hỏi bà làm thế nào để giữ cho được nét đẹp đó lâu dài như vậy? Khen cô kia có mái tóc óng mượt, hỏi cô dùng loại thuốc gội đầu gì để cho tóc được óng ả đẹp đẽ. Khen cái áo mới của một bà khác, và cho rằng cái kiểu áo đó thuộc loại thời trang mới nhất. Khen ông bạn kia đã lớn tuổi mà tóc còn dày và xanh um, chưa bị hói dầu. Cô khen ông hói đầu khác rằng cái đầu cạo trọc lóc làm cho ông ta trông khỏe mạnh như thanh niên hai mươi. Khen bà mập ăn mặc đúng điệu, sang trọng như Nữ Hoàng. Khen đôi mắt của cô gái kia long lanh sáng láng và hỏi rằng chắc cô thông minh lắm. Cô còn khen cả cái bụng phệ của ông già kia dạo này trông xẹp xuống nhiều. Khi vào bưu điện, cô khen bà nhân viên tử tế, nói rằng, chưa thấy ai kiên nhẫn và vui vẻ như bà nầy, và cô viết thơ cho giám đốc bưu điện yêu cầu tuyên dương cách phục vụ khách hàng của bà.

Mỗi lần vào quán ăn, cô giới thiệu với khách hàng chưa quen, biết cái món ngon đặc biệt của quán nầy, làm chủ quán hãnh diện, sung sướng, tiếp cô như tiếp đãi ân nhân. Ai cũng có cái tốt, cái đẹp cho cô khen. Làm họ sung sướng với cái ưu điểm mà họ đang có. Tôi cũng muốn bắt chước cô Bắng Nhắng để khen thiên hạ, lấy lòng họ, nhưng thường không tìm được những đặc điểm để khen. Khi tìm được, thì ngại ngần, không dám mở miệng, sợ họ hiểu lầm.

Tôi nhớ có lần, cũng trong cầu thang máy đi xuống nhà xe, tôi gặp bà Ludy, tuổi đã gần sáu mươi, người bà thấp và vuông vức, vì bề ngang đang phát triển thi đua với chiều cao. Hôm đó, bà vừa cắt tóc ngắn ngang ót, loại tóc của trẻ em bảy tám tuổi. Cái mái tóc ngắn của bà, làm cho bà kỳ dị hơn, vuông vức hơn, và nhìn vào thì muốn cười. Một anh bạn khác trong cầu thang, cười và khen bà:

-“Mái tóc đẹp quá, trông bà trẻ ra mười tuổi.”

Khi nói xong, thì anh nheo mắt làm dấu với tôi, và đưa ngón tay bí mật chọc chọc vào hông tôi, như muốn bảo tôi đừng cười. Bà Ludy thì tưởng thật, sướng quá cười hinh hích. Sau khi bà ra khỏi cầu thang, cửa đã đóng lại, anh bạn phá ra cười rất lớn. Tôi nói nhỏ:

-“Bà ấy mà biết anh trêu ghẹo, bà giận, trả thù cho thì đừng trách.”

Anh bạn cười ha hả:

-“Bà ấy đâu có biết rằng mái tóc làm bà thành kỳ quái. Có lẽ đã có nhiều người khen xạo, mà bà ấy tưởng thật. Chỉ tội cho ông chồng, thấy vợ kỳ dị mà không dám nói ra, sợ vợ giận lẫy, khóc lóc thêm phiền.”

Mấy hôm sau, cô Bắng Nhắng gặp bà Ludy, cô mỉm cười và nói với bà:

-“Kiểu tóc mới nầy của bà cũng hay hay, nhưng tôi thích kiểu tóc cũ của bà hơn. Không biết nhãn quan tôi có sai không, chứ tôi thấy cắt tóc kiểu cũ, làm bà yểu điệu và đẹp hơn kiểu tóc nầy.”

Cô biết khen đúng, và dám đưa nhận xét tốt cho người khác. Cô không vì muốn lấy lòng người khác mà khen bừa bãi, vô lý. Nhiều bà, nhiều cô, khi ăn mặc, trang sức lố lăng, người khác thấy, họ cười thầm, nhưng cũng khen mỉa chơi, nhưng các bà các cô tưởng khen thật, và không biết mình lố lăng, cứ thế mà làm tới.

Biết cô Bắng Nhắng quen và nhớ tên nhiều người, tôi hỏi cô làm sao mà nhớ được nhiều tên, nhiều người như vậy? Cô cho biết là khi nghe tên ai, cô cố gắng ghép thêm một tiếng khác nữa kèm với tên vừa nghe. Tiếng nầy có thể diễn tả được vài đặc điểm của người kia. Giả như Jack Bụng, Tony Đói, Frank Răng Ngựa, Jonh mũi cà chua, vân vân, nên khi thấy dáng điệu, là nhớ tên người. Hồi tôi chưa quen biết cô, mà gặp nhau chào, cô kêu tên tôi, làm tôi ngạc nhiên vô cùng.

Có một dạo kinh tế khó khăn, công ty thua lỗ, ba năm liên tiếp không ai được tăng lương. Người kiên nhẫn nhất cũng phải bất bình mà buông lời than thở, có người bỏ đi tìm việc khác. Không khí làm việc nặng nề hơn. Cô Bắng Nhắng vẫn vui vẻ, vẫn nói cười và khôi hài mỗi ngày. Cô nói với bạn bè:

-“Bực bội cũng chẳng được gì, dù sao nữa, mình vẫn còn đủ ăn, đủ tiêu, tiết kiệm lại một chút thôi, chứ chưa đến nỗi nào. Cứ vui, không vui thì thiệt hại cho mình trước. Mà phải vui chứ, trong khi, đáng ra công ty phải cắt giảm nhân viên, mình có thể ở trong đám bị cắt bỏ, mất việc. Thời buổi bây giờ, chắc chi kiếm lại được việc khác với đồng lương hiện tại nầy. Còn việc, cứ hăng hái làm, mình làm việc vui vẻ, thì năng suất cao, và có thể nhờ đó, mà công ty phục hồi lại vị thế kinh tế. Rồi tăng lương mấy hồi.”

Vẫn có nhiều người không đồng ý với cô, than vãn, cằn nhằn, họ tự làm cho ngày tháng của họ mất vui, mất hạnh phúc, bình an.

Cô Bắng Nhắng làm việc ở phòng kế hoạch và nghiên cứu đã nhiều năm, công việc quen, chỗ ngồi tốt, tiện nghi, gần cửa sổ, nhìn ra phong cảnh bên dưới đẹp đẽ. Bởi vì có người muốn tranh dành cái vị trí chỗ ngồi quá tốt nầy, nên cô bị đổi sang làm việc cho một nhóm khác, ở lầu khác. Ban đầu cô cũng rán vận động để được ở lại làm việc nơi cũ, cô cho biết, có thể ngồi bất cứ nơi nào cũng được, nhưng cuối cùng phải đi. Đến làm ở một nơi lạ việc, chỗ ngồi sát hành lang, không có cửa sổ, phải nhận chỗ kém thuận lợi nhất. Phải ra đi, nhưng cô vẫn vui vẻ với người chiếm chỗ cô. Cô cho bà nầy luôn cả mấy chậu hoa, mấy chậu cây xanh và vui vẻ dặn dò:

-“Nhớ tưới nước đều và chăm sóc giúp mấy chậu cây cho tôi nhé. Khi nào cây hoa này nở năm đóa cùng một lúc, là khi bà trúng số độc đắc, hên lắm. Chỗ mới của tôi, ngồi bên trong, không có ánh sáng, không tiện cho các loại cây nầy sinh trưởng. Nhớ là cây cối cũng có tình cảm, có vui buồn như chúng ta đó.”

Bạn cô trách rằng, tại sao mà tử tế với con người xấu xa, đã dành mất chỗ ngồi tốt của cô. Để cô phải đi qua nơi làm việc khác, chưa quen, chưa kinh nghiêm, và công việc đang dễ dàng trở thành khó khăn. Đáng ra phải đem mấy chậu cây mà quẵng vào thùng rác, hoặc cho người khác. Cô bảo rằng, mình đã không may, mất cái chỗ ngồi tốt, mất công việc dễ dàng, không nên để mất thêm thứ khác nữa. Không nên tạo thêm một kẻ thù mới, mà nên làm vơi bớt những mất mát trong tình cảm khi tranh nhau cái chỗ ngồi kia. Lỗi tại mình, chức phận nhỏ mà có một chỗ ngồi quá tốt. Mình thua, ra đi với tình cảm tốt lành thì hơn là đi với hận thù ghét bỏ. Cô nói, cuộc đời, không ai mãi mãi được thuân lợi, yên lành và bình an. Bởi vậy, nên phải chấp nhận sự đổi thay như điều đương nhiên. Trong lòng sao mà khỏi buồn, khỏi tiếc, nhưng đừng để cái buồn tiếc đó tụ lại dai dẳng, đừng để nó làm mình xót xa lâu, nhiều. Mỗi chúng ta, không ai có thể mãi mãi sống trong thỏa nguyện lâu dài mà chẳng có điều khó khăn rắc rối xen vào đời sống. Biết chấp nhận, biết tìm vui trong nơi mới, nơi nào cũng có cả khó khăn lẫn thuận lợi.

Mỗi sáng gặp cô trong cầu thang, tôi thầm cảm ơn cô, đã giúp tôi có thêm một nụ cười, một niềm vui, và thấy mình yêu đời, yêu công việc hơn. Dường như cô đã tạo được những cái hạnh phúc nhỏ nhoi, gieo rắc chung quanh cô, lây lan ra mọi người chung quanh. Có lẽ hạnh phúc của cô là làm cho mọi người chung quanh vui lòng, nhắc nhở cho họ đừng bỏ phí hạnh phúc, đừng bỏ phí thì giờ quý báu cho những thương đau trắc trở. Cô chuyển cho họ nụ cười, để nguôi quên đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống.

Có lần, tôi bắt gặp cô Bắng Nhắng ngồi khóc trong thư viện của sở. Tôi vô cùng ngạc nghiên, tưởng cô không biết khóc bao giờ. Tưởng cô không biết buồn, vì quanh cô, tôi luôn nghe lời nói hài hước và tiếng cười. Tôi kéo ghế ngồi cạnh cô và thầm thì:

-“Tôi có thể làm gì được cho cô không? Thôi, đừng buồn và đừng khóc nữa.”

-“Anh cứ để cho tôi khóc, khóc được là vơi bớt nỗi buồn.”

Tôi im lặng, để tay lên vai cô mà không ngại hiểu lầm. Sau một hồi khóc, cô kể cho tôi nghe nỗi buồn. Mẹ cô bị bệnh Parkinson biến chứng ra thần kinh phải nằm viện dưỡng lão từ nhiều năm, bố cô bị ung thư phổi đang chờ chết, cô phải chăm sóc bố mẹ. Em cô không nghề nghiệp, ghiền ma túy, hôm nay cô được tin em cô phạm pháp, vào tù. Cô biết thế nào nó cũng sẽ đi tù không sớm thì muộn. Nhiều chuyện khổ quá, cô không chịu nỗi, phải khóc, khóc cho vơi buồn, chỉ có cách đó mà thôi. Cô chợt cười và hỏi:

-“Khi tôi khóc, trông có xấu xí lắm không?”

Tôi im lặng không trả lời, vì bình thường, cô đã quá xấu xí, không còn có thể xấu xí hơn được, mà có thể nói là khi khóc bớt xấu xí hơn. Tôi bắt chước cô mà khôi hài:

-“Không, khi cô khóc tôi thấy đẹp hơn thường ngày nữa. Những giọt nước mắt cô lóng lánh và trong như kim cương. Những giọt nước mắt đó không phải tuôn ra từ buồng mắt, mà chảy ra từ trái tim nhân ái hiền lành của cô.”

Nghe tôi nói, cô Bắng Nhắng sung sướng quá và ôm chầm lấy tôi trong hai vòng tay:

-“Anh nói như thi sĩ làm thơ. Anh làm cho tôi hết buồn rồi. Chuyện không giải quyết được, tội gì mà buồn lâu anh nhỉ. Chúng ta chấp nhận đời có cả tốt lẫn xấu, như một toàn bộ. Khi vui được cứ vui, tạm quên những khổ đau rắc rối. Tôi mà không làm được thế, thì trong mấy năm sau nầy, tôi đã chết mất vì phiền muộn, và cái bao tử của tôi đã ung thư nát ngấu.”

Tôi trở thành thân thiết với cô Bắng Nhắng từ ngày đó. Tôi học được từ cô nhiều quan niệm về cuộc đời, về hạnh phúc, về cách đối xử với người chung quanh. Tôi chỉ không học được cái bắng nhắng, lanh chanh của cô mà thôi. Tôi cũng không học được cái trang phục lòe loẹt, kỳ dị của cô. Tôi không còn thấy cô xấu xí nữa. Nhiều người khác trong sở cũng không thấy cô xấu. Đặc biệt nhất là chính cô, cô cho cô là đẹp. Cô không biết cô xấu xí dị kỳ.

Có lần, cùng với vài người bạn khác đi ăn trưa chung với cô Bắng Nhắng, trên đường đi, cô chào hỏi mọi người qua phố, và họ cũng chào hỏi cô inh ỏi, làm như cô quen hết cả khu phố. Vào tiệm, chủ tiệm cũng mừng rỡ, chào đón ríu rít, cô hỏi thăm vợ con ông chủ, như là bạn thân tình. Một buổi đi ăn trưa chung với cô, tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, vui vẻ và yêu đời hơn.

Nhiều buổi trưa, cô đem thức ăn qua bàn tôi cùng ăn và giảng đạo. Ban đầu tôi cũng nể lòng mà nghe lơ là về chuyện đức tin, về kiếp sống đời-đời mai sau. Khi chán quá, tôi nói với cô:

-“Cô vẫn thường bảo là đừng lo chuyện ngày mai, vì chuyện ngày mai chưa tới, không lo được, hãy sống cho hôm nay. Chuyện ngày mai chưa lo tới, thì sao phí công làm gì, lo cho xa đến kiếp sống mai sau. Vã lại, chắc chi có hỏa ngục thiên đường mà phung phí thì giờ chuẩn bị cho ngày đó.

Cô Bắng Nhắng cười xòa mà nói:

-“Phải tin tưởng một cái gì đó, phải biết sợ hình phạt của thiêng liêng, con người mới khỏi sa ngã vào tội lỗi. Ai cũng có nguồn tội lỗi ẩn ngầm bên trong. Khi cái thánh thiện yếu thế, thì cái tội lỗi vùng lên. Khi làm điều sai trái, nhiều người cũng ý thức được là họ đang là điều không đúng, nhưng cứ làm. Nếu không sợ luật pháp trừng trị, cũng không sợ sự phán xét của thiêng liêng, thì không biết dừng lại, làm càn. Mà con người thì yếu đuối và dễ bị tội lỗi cám dỗ. Phải sợ một cái gì đó, để ngăn chận cái ác trong ta. Nói thật với anh, đức tin của tôi cũng có chừng mực thôi, nhưng tôi rán giữ gìn, để giữ mình, cho bớt sa ngã.”

Cô Bắng Nhắng đi đến đâu, cũng được tiếp đón niềm nở, và quanh đó có tiếng cười dòn. Cô không tốn một đồng xu nào cả, mà mua được cái không khí vui vẻ, yêu đời bao bọc chung quanh cô. Cái bí quyết của cô, là quan tâm đến mọi người, chấp nhận mọi người với toàn bộ tốt xấu họ có, và cô có tài trào phúng, khi nào cũng nói được một câu khôi hài duyên dáng mua cười cho thiên hạ. Chỉ có thế thôi. Nhưng cô không mua được cảm tình với người chỉ huy trực tiếp của cô. Bỡi vì bà nầy ganh tị, thấy cô được nhiều người thương, nhiều người săn đón vồn vã, và giao thiệp rộng rãi. Bà thì khó khăn, trang nghiêm, khép kín. Bà cứ tìm cách gây rắc rối cho cô Bắng Nhắng, giao cho cô những công việc khó khăn, khúc mắc, để có cớ mà phàn nàn, trách cứ. Cô vẫn vui vẻ chấp nhận phần lỗi của cô, và làm như không biết cái nhỏ nhen ti tiện của bà chỉ huy. Cô vẫn chào hỏi vui vẻ, tặng hoa cho bà, và nói chuyện tiếu lâm làm bà không nhịn được cười. Khi đã cười được, thì không còn khó khăn gầm gừ. Về sau bà nói thẳng thừng với cô:

-“Tôi muốn ghét cô lắm, mà không ghét được. Con người gì mà khi nào cười nói ồn ào, lạc quan quá lố. Đời cô không có chuyện gì rắc rối, khổ đau trong cuộc sống cả?”

Từ đó, bà thôi tìm cách làm khó cô, và càng về sau thì càng tử tế.

Khi có một công việc chung liên hệ đến các nhóm khác, bị chậm trễ, hay không giải quyết được, cô Bắng Nhắng thường được cử đi ngoại giao, vì nhờ quen biết nhiều, và nhờ cách ăn nói khéo léo của cô. Thường thường, những khó khăn được giải quyết mau lẹ. Có lần cô đến nhóm tôi, nói chuyện với bà Maria, hỏi thăm về chuyện mua vé đi nghỉ mát tại Cancun, và nhờ bà Maria chỉ dẫn nơi nào cảnh đẹp đáng thăm viếng. Cô biết quê bà Maria ở Cancun, và cô biết bà nầy có chồng là người Trung Đông, nên cô khen mắt của người Trung Đông đẹp và huyền bí. Bà Maria sung sướng vui cười, chỉ dẫn tận tình, cho cô mượn thêm cuốn sách hướng dẫn du lịch. Cuối cùng, cô nói nhỏ với bà Maria:

-“Chị có thể làm ơn giúp cho em một chuyện nầy không? Nếu không được thì em cũng không dám phiền chị. Hôm kia, chúng em có chuyển một hồ sơ dự án ABC xuống, để nhờ nhóm chị hoàn tất phần hành của nhóm chị. Em biết chị bận rộn với nhiều dự án khác, cũng cấp thiết lắm. Chị có thể nào giúp em, đặt ưu tiên cao hơn một chút cho dự án của em được không? Đáng ra, em không dám phiền chị, nhưng ông giám đốc hối quá. Chị giúp em đi, rồi mai mốt em cho chị lá bùa, ếm ông xã chị, để ông không còn tính được chuyện lấy bốn bà như luật của xứ ông cho phép.”

Bà Maria nghiêm mặt, chỉ tay mà nói:

-“Tôi nói cho cô biết, cái bà xếp của cô tưởng đâu hoạnh họe được tôi, ăn nói vô phép. Tôi đã bảo bà ta là phải chờ. Tôi cũng có nhiều dự án ưu tiên hơn cần hoàn tất trước. Không phải hồ sơ đến sau, mà đòi làm ngay được. Nhưng thôi, tôi sẽ đặt ưu tiên cao hơn cho dự án của cô. Đừng lo. Tôi không cần bùa phép của cô đâu, nói nhỏ mà nghe, ông nhà tôi, phục vụ cho mình tôi cũng đã hụt hơi rồi, đừng nói chuyện ba bốn bà. Nầy, cô có biết không, người ta khi ăn no cành hông ra rồi – dù là ăn bánh mì hẫm mốc – thì đem cho nem công chả phụng cũng không màng ngó mắt đến. Cái bùa nầy, có hơn cái bùa của cô không?”

Thỉnh thoảng, cô Bắng Nhắng tổ chức những buổi ăn trưa chung, mỗi người đem theo một món ăn đặc biệt. Những món ăn của đủ sắc dân, của đủ xứ trên thế giới. Có món cay chảy nước mắt, như vừa ăn vừa khóc của các dân tộc Nam Á, như Ấn Độ, Thái Lan, A Phú Hãn. Có món dầu mỡ ớn, chiên thành viên như của dân Trung Đông. Có món gỏi cuốn, chả giò của Việt Nam. Có món bầy nhầy như một tô bùn, có lẽ nấu bằng đậu, của các dân tộc Nam Mỹ. Có những món lạt lẽo như luộc của người Mỹ, người Âu. Một bàn chất đầy hương vị của các dân tộc khác nhau. Mỗi thứ nếm thử vài miếng, có món ngon miệng, có món phải nhắm mắt mà nuốt như uống thuốc độc. Mùa nắng ráo thì tổ chức trong công viên, có nhạc vui vẻ, có người tình nguyện ca hát, đánh trống, làm trò. Họp mặt, ăn chung vui vẻ, nhờ đó mà trong sở quen biết nhau, biết tên, biết việc làm của nhau, về sau, khi cần liên lạc thì dễ dàng và giúp đở nhau nhiều hơn. Những lúc nầy, làm đời sống trong trong sở bớt nhàm chán, bớt lạnh lùng, bớt căng thẳng. Phần cô Bắng Nhắng, thì cô chỉ muốn vui, đem nguồn vui cho cô, cho chung tất cả mọi người.

Một dạo liền mấy tháng, tôi không gặp cô Bắng Nhắng. Trong cao ốc hơn hai ngàn nhân viên nầy, có khi không gặp nhau hàng tháng là thường. Tôi hỏi thăm tin tức cô, thì có người cho biết cô đang nằm bệnh viện vì bị liệt thận, chờ thay thận mới, đang chờ có người hiến tặng trái thận. Chúng tôi tổ chức đi thăm cô, mang hoa đến bệnh viện. Gặp chúng tôi, và cô vẫn khôi hài như cũ, và khuôn mặt bệnh hoạn mệt mỏi vẫn nở nụ cười trên môi. Cô hết sức tin tưởng, sẽ có người cống hiến cho cô một trái thận, như trước đây cô đã từng cống hiến trái thận của cô cho người không quen biết nào đó đang chờ chết tại một thành phố xa xôi. Niềm tin nầy làm cho chúng tôi bối rối, lặng người. Cô nói rằng, cô chưa muốn chết, cô còn trẻ, còn phải lấy chồng, sinh con, và cuộc đời vui quá, làm sao mà chết được. Một người nói:

-“Giá như trước kia cô không cho đi một trái thận, thì bây giờ cũng còn mà dùng. Cô có tiếc gì không?”

Cô lắc đầu và nói đại ý rằng, nếu cô không cho, thì người kia đã chết, và nếu cô còn giữ lại, thì chắc gì ngày nay quả thận đó còn nguyên vẹn, mà không hư.

Trong sở, một nhóm tình nguyện được thành lập để quyên góp, và vận động, đăng quảng cáo, mục đích xin một trái thận cho cô Bắng Nhắng. Tôi cũng xung phong làm việc cho ban vận động nầy. Đi phát thông cáo, dán giấy, thu góp tiền bạc. Một số người chịu thử nghiệm, xem thận của họ có hợp với cơ thể cô Bắng Nhắng hay không. Có chân trong ban vận động, tôi mới thấy đất nước nầy đáng yêu hơn. Vì lòng người đầy nhân ái và ấm áp, che dấu dưới cái vỏ bên ngoài mang vẻ lạnh lùng, ích kỷ, cá nhân. Bởi vậy, nên đất nước nầy mới mở rộng vòng tay chấp nhận cho tôi đến đây tìm tự do, tìm đời sống mới, khi bị chính đồng bào tôi dày vò, hành hạ, áp bức, không còn đường sống. Số người ghi tên thử nghiệm nhiều hơn là tôi nghĩ.

Ban đầu, tôi cũng không thể tưởng tượng là mình có thể cống hiến trái thận cho một người quen biết thường tình như cô Bắng Nhắng. Tôi có thể hy sinh trái thận mình cho cha mẹ, vợ con, anh chị em. Chứ chưa hề nghĩ đến chuyện xẻ bụng mình ra, cho người không thân quen một phần cơ thể của mình. Tôi thấy nhiều người không quen thân với cô Bắng Nhắng, mà vẫn ghi tên, làm tôi cảm thấy hổ thẹn, nên phải miễn cưỡng ghi tên mình, và hy vọng thận tôi sẽ không thích hợp với cơ thể cô. Tôi tạm thời quên đi chuyện trái thận và vui vẻ sống hàng ngày. Cho đến khi tôi được báo tin kết quả thử nghiệm, trái thận có thể dùng cho cô Bắng Nhắng. Tôi thực sự lo lắng, và thật lòng, tôi sợ. Không biết phải quyết dịnh làm sao cho đúng. Tôi cũng không dám trở lại thăm cô Bắng Nhắng, tôi cứ tưởng như vào đến bệnh viện, là người ta bắt tôi đè ra, rạch bụng móc ra một trái thận, chuyển qua cho cơ thể cô Bắng Nhắng. Trong một bữa ăn, tôi lựa lời nói vói vợ tôi:

-“Em nghĩ sao về những người hiến thận cho kẻ khác. Em nghĩ là em có thể hiến thận cho ai không?”

-“Thật là một hy sinh tuyệt vời. Em sẽ không hiến thận cho ai cả, ngoại trừ anh và các con.”

-“Em có biết, rất nhiều trường hợp, người ta hiến thận cho một người không quen biết gì cả, và sau khi hiến thân xong, người ta cũng không muốn biết ai là kẻ đã nhận một phần cơ thể của mình?”

-“Em chịu. Theo em, thì những người nầy hoặc quá thánh thiện, hoặc quá ngu dại. Đem cho người lạ một phần cơ thể mình, là không có trách nhiệm đối với bản thân. Mình phải biết thương mình trước, rồi thương người khác sau. Những kẻ không biết tự thương mình, thì làm sao mà biết thương kẻ khác? Hành động hiến thận đó, thực tế, thì thấy rất cao quý, nhưng trong sâu thẵm, thì em nghĩ là có thể vì ham được khen tặng tuyên dương, nên dại dột với bản thân.”

Tôi bối rối, nếu phải cho đi trái thận, thì làm sao mà báo cho vợ biết, và làm sao mà thuyết phục cho vợ bằng lòng. Tôi nói:

-“Nếu mình ngu dại, để cứu một mạng người, thì em nghĩ có nên ngu dại không?”

Vợ tôi nhăn mặt, gắt gỏng:

-“Anh nói gì chuyện đó cho mất vui? Hay là, hay là, anh định cho ai trái thận chăng?”

-“Phải, anh định cho một người trong sở quả thận của anh, nhưng phải hỏi ý kiến em trước. Thật sự, thì anh cũng chưa có quyết định dứt khoát. Anh cũng sợ lắm.”

Vợ tôi xanh mặt, hốt hoảng hỏi:

-“Ai? Anh định hiến thận cho ai? Người nào mà thân thiết đến mức đó?”

-“Chẳng phải thân thiết chi cả. Em nhớ cái cô Bắng Nhắng mà chúng mình gặp cách năm trước, trên bãi đậu xe khi di chợ không?”

-“Cái bà ăn mặc như lên đồng ấy à? Làm sao mà quên được? Anh có bị bà ấy cho ăn bùa mê, thuốc lú chi không mà định xẻ chia cơ thể ra cho bà? Anh đã điên chưa? Anh nói đùa hay nói thật? May mà em biết cái cô ấy xấu xí, không ghen, chứ người khác, thì cũng hiểu lầm là có tình ý chi khác.”

Tôi đem đầu đuôi câu chuyện ra kể cho vợ nghe. Ngồi nghe mà khuôn mặt vợ tôi cứng như sắt nguội. Vợ tôi kết luận:

-“Không, em không bằng lòng để anh cho ai quả thận. Người khác cao thượng thì kệ họ. Ngay cả bản thân em, nếu có chết thì chịu, em cũng chẳng muốn anh hy sinh quả thận cho em nữa là. Nếu anh hy sinh cho bố mẹ, cho con cái, thì em không có quyền ngăn cản anh. Cùng lắm, nếu anh hy sinh quả thận cho người yêu xưa cũ, thì may ra còn có lý. Chứ cái bà lên đồng đó, có chút chi thân thiết, tình nghĩa mà anh coi thường cái thân thể mình. Bây giờ, thân thể anh, không còn là của riêng anh nữa, mà của vợ, của con. Anh không thể tự tiện. Đừng hy sinh vợ con cho người dưng nước lã. Anh đừng làm em khổ vì chuyện không đâu.”

Bị vợ kịch liệt phản đối, thì cái ý nghĩ cho quả thận để cứu mạng cô Bắng Nhắng càng thao thức trong tôi. Đến sở, tôi hoang mang, tâm trí để vào nơi hư không, công việc làm có nhiều sai sót. Tôi đem nỗi khó khăn trong lòng ra tâm sự cùng vài người bạn thân, hỏi ý kiến, người thì ngăn cản việc hiến thận, người thì khuyến khích. Lo lắng đến phải uống thuốc an thần tìm giấc ngủ mỗi đêm, làm tôi phờ phạc.

Tôi gắng thuyết phục vợ thêm vài lần, nhưng vợ tôi cương quyết chống đối và bảo, nếu anh không thương vợ con, mà thương người ngoài, thì cứ làm. Anh muốn làm vợ con khổ, thì anh làm đi.

Rồi một tai nạn xe hơi xẫy ra, vợ tôi và đứa con gái út bị hôn mê, đưa vào bệnh viện cấp cứu. Con gái út tôi lái xe, chở mẹ đi phố, đang chạy với tốc độ sáu mươi lăm dặm trên xa lộ, thì một chiếc xe cắt ngang, xe chạm vào nhau. Con tôi vội vàng quay tay lái tránh, chiếc xe đâm vào rào cản ngăn đôi xa lộ. Xe lật. Người ta kéo kịp vợ con tôi ra khỏi xe trước khi thùng xăng bùng cháy. Vợ tôi bị ngất, sáu giờ sau mới tỉnh dậy. Đứa con gái bị dập lá lách, phải mổ và cắt bỏ. Tôi cuống cuồng lo chuyện gia đình, quên đi câu chuyện hiến thận cứu cô Bắng Nhắng. Nhưng hai ngày sau khi ra khỏi phòng cấp cứu, vợ tôi nằm trên giường bệnh nắm tay tôi mà nước mắt rưng rưng nói:

-“Như có thần linh che chở và cứu mạng cho hai mẹ con. Cám ơn Trời Phật cho em và con còn sống sót mà không tàn tật. Mình mang ơn nhiều người quá. Em đã nghĩ kỹ, việc hiến thận của anh là đúng, và nên làm. Đáng ra, em phải khuyến khích anh làm việc tốt đó, chứ không phải ngăn cản. Phải qua kinh nghiệm cận kề cái chết, mình mới sáng suốt, biết việc gì phải, nên làm, việc gì sai nên tránh. Con người sống trong an bình quá, đôi khi quên đi những hoạn nạn cũ, và trở thành ích kỷ”.

Tôi không còn tinh thần nào để nghĩ đến chuyện cứu giúp người khác, gia đình mình lo chưa xong, thì giờ đâu mà nghĩ đến việc bên ngoài. Nhưng vợ tôi cứ thúc dục mãi, buộc lòng tôi phải kêu điện thoại xác nhận sẽ cho cô Bắng Nhắng trái thận, với điều kiện sau khi vợ con tôi hoàn toàn bình phục và trở lại sinh hoạt bình thường. Bây giờ thì chính tôi lại lo lắng, nghĩ đến những bất trắc khi lên bàn mổ, và ảnh hưởng suốt đời sau khi mất đi một trái thận. Cái hăng hái trong lòng tôi chùng xuống, và mong cho ngày hiến thận càng chậm càng tốt. Đôi khi cái ích kỷ trong tôi dâng lên, và tự hỏi tại sao mình lại phải cho đi trái thận. Cô Bắng Nhắng cũng chưa đủ thân tình, chưa đủ ân nghĩa, tại sao tôi phải hy sinh. Nhưng khi nhìn lại danh sách tình nguyện thử nghiệm để hiến thận, thì tôi thấy ý nghĩ của mình còn hẹp hòi và ích kỷ. Tôi vẫn lo lắng không yên lòng.

Tôi bận rộn công việc chăm sóc đứa con út sau khi nó rời bệnh viện. Vì không muốn chờ lâu, cô Bắng Nhắng nhận quả thận của một người khác. Tôi thở phào sung sướng nhẹ nhỏm. Vợ tôi cũng mừng vui vì có người đã cho cô Bắng Nhắng trái thận.

Sau một thời gian thay thận, cô Bắng Nhắng trở lại làm việc, cô vẫn lanh chanh, bắng nhắng và vui vẻ. Gặp ai cô cũng vồn vả cám ơn, như chính những người đó đã cho cô quả thận.

Một buổi trưa, thấy tôi đọc báo Việt Nam, cô Bắng Nhắng nói rằng, cô cứ tưởng chữ Việt Nam cũng ngoằn ngoèo như tăm vụn rơi vung vãi. Thì ra cũng là mẫu tự abc. Cô muốn tôi để dành báo chữ Việt cũ cho cô, càng nhiều càng tốt. Tôi đem cho cô mấy thùng báo cũ, cô mừng lắm. Về sau tôi biết mỗi tháng, cô vào nhà tù thăm viếng, giảng đạo, an ủi những người không may mất tự do. Trong tù có rất nhiều bà người Việt Nam, họ yêu cầu cô kiếm cho họ báo để đọc đỡ buồn. Một lần, vợ chồng tôi đi theo cô Bắng Nhắng và nhóm đạo của cô, vào nhà tù thăm những người đồng hương bất hạnh nầy, nhưng các bà xấu hổ, không muốn gặp chúng tôi. Cô Bắng Nhắng nói:

-“Anh chị đừng buồn mà phải mừng là họ không dám gặp người đồng hương, nghĩa là họ còn biết xấu hổ, còn biết đâu là phải trái, để ăn năn không phạm nữa.”

Cô cho chúng tôi biết có hơn hai chục bà gốc Việt Nam trong nhà tù nầy. Nghe mà tôi buồn suốt mấy ngày. Đi ra xứ người, làm chi mà đến nỗi mang tù tội vào thân. Đã tìm được tự do, sao không biết quý, mà để mất đi, phải nằm tù.

Khi tai qua nạn khỏi trong vụ lật xe trên xa lộ, vợ tôi hướng về tôn giáo, và tin tưởng có đấng thần linh che chở. Bởi vậy nên có ngày Chủ Nhật cô Bắng Nhắng rủ chúng tôi đi nhà thờ, để dự lễ và học thánh kinh. Theo cô vào nhà thờ, chúng tôi phải kiên nhẫn lắm để ngồi cho hết buổi hành lễ tôn giáo vì sợ thiếu lịch sự nếu bỏ ra nửa chừng. Họ đã hành hạ cái thính giác của chúng tôi bằng thứ nhạc ồn ào, như la hét, như gào thét, bởi đám tín hữu trùm áo quàng dài màu tím, nhảy choi choi, vung tay múa chân loạn xạ, ngoác miệng ra thi nhau gào thét, thi đua ồn ào với tiếng trống xập xình, với tiếng đàn, tiếng kèn vang rộn. Trong số người gào thét nhạc nầy, có cô Bắng Nhắng, trông cô hùng hổ không thua chi đám bạn bè. Vợ tôi bấm tay tôi nói nhỏ:

-“Làm như họ lên cơn điên hết cả rồi. Khiếp, không có một chút trang nghiêm nào của tôn giáo cả. Không biết họ nghĩ gì.”

Sau những bài ca chói tai nhức nhối, ông mục sư bắt đầu giảng kinh. Ông chạy lui chạy tới trên bục cao như con gà mắc đẻ, hai tay múa may, chỉ chỏ, như đang giận hờn cãi cọ, sắp đánh nhau với ai. Tôi không hiểu hết ông muốn nói gì, dạy điều gì, nhưng thế mà có nhiều bà đưa khăn tay lên chậm nước mắt sụt sịt khóc lóc. Vợ tôi lại nói nhỏ:

-“Mấy bà nầy lạ thật, cười đó, khóc đó, người đâu mà nhạy cảm đến thế.”

Một lần là vợ tôi đủ khiếp, không dám theo cô Bắng Nhắng đến nhà thờ của cô nữa. Mấy lần sau, cô lại rủ đi nhà thờ, tôi nói thật với cô về nhận xét của vợ tôi. Cô cười dễ dãi nói:

-“Đến nhà thờ cũng phải vui mới lôi cuốn được thiên hạ. Nếu trang nghiêm quá, đứng đắn quá, không ai dám tới. Chúng tôi vốn tội lỗi ngập đầu, đến những nơi trang nghiêm thì sợ quá, thì sợ bị hỏi tội, sợ bị lương tâm cắn rứt. Vừa ca hát, la hét, vừa cầu nguyện thì cũng vui mà bớt đi mặc cảm tội lỗi. Cả ông mục sư cũng biết vậy, nên chỉ nói toàn chuyện tha thứ cho mọi lỗi lầm, hư hỏng. Từ từ mà dẫn dắt họ, để họ dừng lại một mức nào đó, không chìm quá sâu vào con đường xấu xa, tội lỗi.”

Thì ra, chúng tôi đòi hỏi trang nghiêm một cách quá lố chăng.

Một buổi chiều thứ bảy, cô Băng Nhắng rũ tôi đi ăn thịt nướng trong vườn, và ban đêm ngắm trăng, nói chuyện đời. Tôi ngạc nhiên, tưởng chuyện ngắm trăng trà đàm là của dân Á Đông, chuộng nhàn nhã, chuộng thơ văn, chứ không phải là thú vui của đời sống vội vã, văn minh vật chất. Buổi chiều tôi chở vợ đến căn nhà của bạn cô trên đồi cao, có vườn rộng, nhìn xuống dưới xa thấy Vịnh San Francisco xanh ngắt dưới nắng rực vàng. Bên kia cây cầu là San Francisco nhà cao từng ngổn ngang. Tôi nói với chủ nhà nơi đây cảnh đẹp như con đường dẫn đến vườn địa đàng. Ông nói rằng, trên cao nầy, ông có cảm giác gần với Chúa hơn, và bị dòm ngó xét nét nhiều hơn, và khi chết chắc khó chối tội đã sai phạm.

Chúng tôi đến đúng hẹn, khách chỉ lưa thưa năm bảy người. Chừng một giờ sau, khoảng ba mươi cái ghế kê trên bục gỗ đầy khách. Trong một góc sàn, ông nhạc sĩ đàn phong cầm, bà vợ ông đàn vĩ cầm, một thiếu nữ chừng hai mươi tuổi thổi hắc tiêu, một thanh niên cột cái khăn hoa trên đầu giữ dàn trống, có hai người nữa đánh xập xỏa và lắc hai quả lắc như trái bầu nhỏ. Tiếng nhạc trỗi lên, hai vợ chồng ông nhạc sĩ vừa đàn, vừa ca liên tiếp bài nầy qua bài khác. Mỗi người khách tự đi lấy thịt nướng, rau cải, vừa ăn vừa thưởng thức nhạc. Có người nói chuyện ồn ào, không để ý gì đến ca hát âm nhạc. Vài người ra sàn nhảy, múa tay hoa chân. Khi nhạc vui rộn lên, mọi người được kéo hết ra sàn, sắp hàng một, người sau vịn vai người trước, đi lúc lắc nghiêng ngữa, làm tôi nhớ lại cái trò chơi rồng rồng rắn rắn thời thơ ấu.

Tôi đi sau vợ tôi, ghé tai nói nhỏ:

-“Cho xin khúc đầu.”

Vợ tôi cười và quay lại nói:

-“Cả xương cả xóc”.
Tôi tiếp:

“Cho xin khúc giữa.”

Vợ tôi đáp:

-“Cả máu cả me”.

Tôi thì thầm tiếp:

-“Cho xin khúc đuôi” .

Vợ tôi trả lời:

-“Cả xuôi cả ngược.”

Hai vợ chồng tôi không nín được, cười to vì nhớ lại cái thời xa xưa nô đùa chung nhau trong xóm của thành phố nhỏ.

Buổi tối, chủ nhân tắt hết đèn điện, cho uống rượu nho ngọt. Ngồi ngoài sân, trời xanh ngắt, trăng tròn vành vạnh. Ánh trăng vàng rực chảy xuống trên tàng cây kẽ lá. Bóng chúng tôi in rõ xuống sàn. Không khí mát lạnh. Chúng tôi vẫn ngồi vòng quanh trên bục gỗ. Bà chủ nhà đứng dậy, nói vài câu khôi hài. Tóc bà dài phủ xuống lưng óng ánh vàng, rồi bà đọc thơ của bà sáng tác. Tiếng đàn vĩ cầm nho nhỏ chạy đuổi theo lời thơ ngâm. Bài thơ đầu tiên có đại ý:

“Mỗi tháng chỉ có vài ngày tròn trăng. Trăng khuya cũng sẽ khuất bên phương đoài. Chúng ta ngồi đây chỉ có mấy giờ. Dễ gì bạn bè gặp nhau mãi. Sao không vui đi. Rượu ngọt hãy tràn ly, nói lời tử tế cho nhau nghe, mai đây không còn nhau, dù muốn nói cũng không còn dịp. Kìa trăng đã đi dần về hướng Tây, xuống ngủ trong biển mênh mang. Rồi chúng ta cũng chia tay khi đêm tàn”.

Bà ngâm liên tiếp năm sáu bài. Có bài thơ ca tụng tình bạn, có bài ca tụng thiên nhiên, có bài nói lời cám ơn người bạn đời đã cho bà ngày tháng yên vui, nâng đở bà khi yếu đuối. Ông chồng bà ngồi nhìn bà với vẻ mơ màng say đắm, cảm động.

Ba người khách đàn ông khác, cũng là thi sĩ, một ông sống tại San Francisco có đeo khoen trên tai, cái vòng lóng lánh dưới ánh trăng khi ông nghiêng đầu ngâm thơ ông. Ông nầy ở trường phái trừu tượng, tôi không hiểu thơ ông muốn nói gì. Hai ông khác, một ông tóc tai râu ria bờm xờm như con sư tử, áo quần xốc xếch thùng thình, ngâm thơ tình yêu, những nỗi khắc khoải của trái tim bị thương tích trong tình yêu, cô đơn, mong nhớ. Ông thi sĩ khác thì yểu điệu như con gái, lời nói chậm, rõ ràng ngâm thơ đạo, bài thơ nào cũng có Chúa, có ân phước, có niềm tin. Bốn người thi sĩ thay nhau ngâm thơ, chủ nhân ông đưa chai rượu cho khách chuyển quanh. Nhiều bài thơ, khi nghe, tôi có thể ví với chuyện nước đổ lá khoai, chỉ hiểu lơ mơ và chẳng có rung cảm gì. Cô Bắng Nhắng thì ngồi giật giật toàn thân như khi nghe nhạc Rock. Tôi thấy cái đêm nầy, dễ thương, lãng và mạn và hạnh phúc vô cùng. Không ngờ giữa phố thị huyên náo, còn có những người tao nhân mặc khách yêu văn chương thơ phú, tổ chức những đêm ngâm thơ dưới trăng như thế nầy. Sương khuya rơi ướt cả vai áo, cả mái tóc, tôi run vì lạnh, nhưng vẫn thích thú và ngồi lại cho đến khi mãn cuộc. Tôi được ký tặng mấy tập thơ và ấp úng nói lời cám ơn. Sau nầy, cô Bắng Nhắng có đưa cho tôi đọc mấy bài thơ của cô viết, ý thơ cũng chẳng có gì đặc biệt, còn nhạc thơ, luật thơ Mỹ thì tôi hoàn toàn mù tịt, cho nên tôi cứ khen hay cho cô vui.

Một buổi ăn trưa, tình cờ tôi gặp cô trong quán, cô mời qua ngồi chung bàn và tâm sự:

-“Tôi sắp lập gia đình anh ạ. Sau cơn bệnh hiễm nghèo, tôi thấy mình cần có một gia đình ấm cúng và cần có người mà nương tựa nhau. Trước đây tôi sợ lập gia đình, vì cái gương của bố mẹ tôi. Gia đình bố mẹ tôi là một địa ngục trần gian. Mọi người đều đau khổ. Bây giờ, tôi cảm thấy con người khó sống đơn độc, không có gia đình. Tôi đang băn khoăn không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng. Người mà tôi đặt nhiều tình cảm hơn, thì tôi sợ đời sống nheo nhóc sau nầy. Anh ấy không có nghề nghiệp chi rõ ràng cả. Việc làm, khi có khi không. Con người mơ mộng, sống trên mây, chỉ thích làm thơ, không màng chi đến tiền bạc, vật chất. Tôi đã là nạn nhân của nghèo khó trong tuổi thơ, tôi sợ hãi cái nghèo, sợ hãi sự nheo nhóc. Nghèo khó dễ mất hạnh phúc lắm. Người kia, thì có nghề nghiệp vững vàng, tài chánh khá, nhưng là một con người duy lý trí, cân đo cuộc đời quá kỹ lưỡng. Cả hai người đều tốt. Có lẽ tôi sẽ chọn người có tài chánh vững vàng. Anh nghĩ sao?”

-“Tôi chẳng nghĩ sao cả. Mỗi người có một hoàn cảnh, có kinh nghiệm quá khứ riêng. Tuổi thơ tôi cũng sống trong nghèo khổ, nhưng tôi đã chọn tình yêu chứ không chọn kinh tế. Tình yêu có thể thành chất keo, nối hôn nhân bền chặt hơn, và có thể chịu đựng nhau trong tương lai dài. Lấy nhau vì kinh tế thì mai sau, nếu kinh tế suy sụp, hay không còn dồi dào như mình mong ước, e rằng hôn nhân khó tồn tại lâu dài”.

Tôi thầm nghĩ, bất cứ ai, khi muốn kết hợp cuộc đời với cô Bắng Nhắng, thì họ phải là người sâu sắc, chín chắn, để thấy cái đẹp nội tâm quan trọng hơn là cái nhan sắc bên ngoài. Tôi nhìn cô Bắng Nhắng và hỏi một câu mà tôi không định hỏi vì sợ mất lòng:

-“Theo cô nghĩ, thì tại sao các ông kia yêu và muốn cưới cô? Vì kinh tế, vì cảm tấm lòng của cô hay, vì nhan sắc, hay vì cái gì khác?”.

-“Tôi chẳng giàu có gì, và không đẹp lắm, thì tôi nghĩ họ yêu tôi vì đồng tâm cảm, khi ngồi bên nhau thấy tìm được yên ổn, vui vẻ, và họ hy vọng tôi sẽ tạo dựng được một gia đình nhiều hạnh phúc hơn là sóng gió. Tôi không đòi hỏi nhiều, và biết thế nào là đủ trong giới hạn của mình. Biết bằng lòng với những gì Thiên Chúa ban cho. Tôi thấy được nước đầy nữa ly, chứ không phải thấy nước lưng nữa ly”.

Tôi cười, vì cô tự cho cô là không đẹp lắm, nghĩa là cô đẹp. Thì ra, đa số đều tự thấy họ đẹp. Cứ mỗi ngày nhìn vào gương rồi quen mắt, yêu những đường nét quen thuộc của mình trong gương. Rồi lấy đó mà làm tiêu chuẩn mỹ thuật. Bởi vậy, nên có khi gặp một người, mà họ tưởng như đã hẹn hò từ muôn kiếp, bị tiếng sét ái tình phang xuống ngay. Bởi vì người kia có vài đường nét trên khuôn mặt giống họ. Cho nên có nhiều cặp vợ chồng, mặt mày đường nét giống nhau. Tôi nói thật:

-“Có lẽ người nào lấy được cô, đều sẽ có một gia đình hạnh phúc. Tôi nghĩ những người muốn lấy cô, họ đã rất trưởng thành trong quan niệm tạo dựng gia đình. Họ không mù quáng, không ham mê nhan sắc, không sôi nổi, không tìm lợi lộc vật chất . Cả hai người cô nói trên đều xứng đáng. Lấy ai cũng được.”

Cô Bắng Nhắng cười, nụ cười trêu chọc tinh quái, và hỏi tôi:

-“Nếu anh trẻ lại và chưa có gia đình, thì anh có chịu lấy một người như tôi không?”

Tôi lúng túng, ậm ừ, rồi nói:

-“Có và không. Có, nếu tôi khôn ngoan chín chắn. Không, là vì nếu tôi còn trẻ, thì có lẽ tôi ham các thứ khác hơn là lập gia đình.”

Tôi không dám nói là nếu trẻ, tôi còn ham mê nhan sắc, và khó mà chấp nhận lấy con người có cái bề ngoài kỳ dị như cô làm vợ.

Tôi nói tiếp:

-“Tôi thường hành động theo hướng dẫn của tình cảm nhiều hơn là lý trí. Nhiều khi biết là sai, nhưng tôi vẫn làm, vẫn không cưỡng được cái tình cảm yếu mềm trong tôi.”

Mấy tháng sau, tôi đi dự đám cưới cô Bắng Nhắng. Cô lấy một ông mục sư trẻ. Khi bắt tay, tôi hỏi nhỏ:

-“Ông nầy có phải là một trong hai ông mà cô tâm sự với tôi trong quán ăn không?”.

Cô nháy mắt tôi và nói:

-“Không. Tôi bây giờ làm dâu của Chúa. Chồng tôi có Chúa canh giữ, và có nguyên cả một họ đạo nhìn vào. Muốn thiếu đàng hoàng cũng không được.”

Khi ngồi trên ghế, vợ tôi thì thầm:

-“Ông mục sư đẹp trai, to cao oai vệ như như tài tử chiếu bóng John Wayne mà lấy cái bà đồng cốt bé tí teo đó, da đen mốc, giống như con phượng hoàng đứng bên con cú.”

-“Em chưa biết đó thôi. Cái vỏ ngoài xấu xí dị kỳ kia, có chứa một trái tim bằng ngọc. Anh mà còn trẻ, và chưa có gia đình, anh cũng muốn lấy cô ta làm vợ. Nhưng có lẽ cô ta không chịu lấy anh đâu.”

-“Thế thì, anh đánh giá em không bằng cô ấy sao?”

Nhất em, nhì trời, thứ ba mới đến cô Bắng Nhắng.

Vợ tôi véo tôi một cái thật đau.

Có lần cùng đi với chồng đến nhà tôi ăn giỗ, cô Bắng Nhắng nhìn bức tranh vinh quy bái tổ treo trên tường, bức tranh võng anh đi trước, võng nàng theo sau, vợ tôi giải thích ý nghĩa bức tranh cho cô nghe. Kể thêm cho cô rằng, cái thời xưa đó, hôn nhân theo dàn xếp của cha mẹ, đàn ông cưới vợ về mới biết vợ mình ra sao. Cô cười hinh hích và nói:

-“Cần chi phải là thời xa xưa ở xứ chị, cả thời nay và khắp nơi trên thế giới, có đàn ông nào cưới vợ mà biết vợ mình ra sao đâu, phải cưới về sống chung lâu năm mới biết vợ mình như thế nào.”

-“Chị học đâu mà thuộc nhiều chuyện tiếu lâm thế? Khi nào cũng có thể đem chuyện tiếu lâm chêm vào.”

Cô Bắng Nhắng thở dài và nói:

-“Hồi nhỏ tôi khổ lắm, khi nào cũng âu sầu ảm đạm, nhìn đời bằng con mắt bi quan, hận đời. Tôi không có bố, mẹ tôi cũng không biết bố tôi là ai. Mẹ tôi lấy bố dượng tôi bây giờ, hai người cực khổ và gấu ó nhau quanh năm. Rồi mẹ tôi chết vì tai nạn lưu thông, khi đó tôi mới sáu tuổi. Bố dượng tôi lấy mẹ kế của tôi bây giờ. Bà nầy cũng đã có một người con, tôi ở với bố dượng. Vì nghèo túng, nên gia đình khi nào cũng như địa ngục. Tôi va thằng em con bà kế mẫu thương nhau lắm, nên bà mẹ kế cũng thương tôi. Nhà khổ quá, tôi không thiết tha gì đến việc học hành. Năm mười sáu tuổi, anh hàng xóm làm tôi có bầu, mà không chịu lấy tôi, lúc đó tôi chỉ muốn chết. Bỏ học, đi lang thang, mặc áo lùng thùng che cái bụng đang nở lớn, cứ vào tiệm sách và thư viện mà ngồi vì không biết đi đâu, làm gì. Tôi thường đọc các truyện tiếu lâm cho vơi nhẹ bớt âu lo. Vô tình vớ được mấy cuốn sách dạy về thương yêu, hạnh phúc, và làm sao tìm cho mình một lối sống tích cực. Đọc nhiều, rồi thấm lần lần. Khi đọc một bài thơ ngắn, đại ý rằng, nếu hôm nay còn có cái gì để ăn, không đói, còn có áo mặc, không lạnh, còn có mái nhà che, còn có gia đình để về, thì bạn còn sung sướng hơn nhiều tỉ người trên thế giới nầy, họ đang đói, đang lạnh, đang cô đơn, đang bị tù đày, áp bức. Chỉ một câu nầy thôi, tôi như giác ngộ, và biết mình còn may mắn hơn nhiều tỉ người trên thế giới, mà thôi hận đời, thôi oán trách gia đình, thôi ghét bỏ xã hội. Tôi định chờ sinh xong, đi kiếm việc làm nuôi con, nhưng đứa bé chết trong bụng. Tôi trở lại trường, quyết chí học hành, rồi vừa đi làm, vừa đi học, giúp bố mẹ tôi đỡ phần nào túng quẫn.

Dạo đó, tôi có một cuốn sách tiếu lâm, đi đâu cũng mang theo, khi rảnh thì mở ra, xem đi xem lại, thuộc làu. Rồi nói chuyện khôi hài cho bà con nghe, ai cũng thích, ai cũng cười, và tôi đi đâu cũng lọt qua dễ dàng. Khi đi phỏng vấn xin việc, tôi cũng tìm cách nói chuyên hài hước cả với người đang phỏng vấn mình. Nhờ thế, mà tôi có việc dễ dàng, và khi đi làm, ai cũng thân thiện, giúp đỡ mình. Tôi rán học hết hai năm đại học cộng đồng, xem như đã cố gắng vượt bực, phải đi làm để giúp bố mẹ nuôi tôi, cho họ đỡ nghèo túng vật chất. Tôi là kẻ may mắn, không bị chìm xuống, không bị vùi lấp trong tăm tối như đa số bạn bè tôi ở khu phố nghèo nàn ổ chuột đó. Chỉ nhờ biết chút lạc quan, ý thức rằng mình còn sung sướng hơn nhiều tỉ người trên thế giới nầy, nếu mình không biết đón nhận, thì sẽ bị phạt, bị khổ đau, bị dìm xuống trong bất hạnh.

Vợ tôi nhìn cô bằng con mắt cảm phục, nể nang. Khi cô về rồi, vợ tôi nói:

-“Em tưởng cô ấy đồng bóng hời hợt, không ngờ cô ta sâu sắc, chín chắn, còn đáng làm thầy dạy đời cho chúng ta nữa đó”./.

Tràm Cà Mau

Trích từ tập truyện “RONG CHƠI NGÀY THÁNG” của Tràm Cà Mau.
Độc giả nào muốn mua tập truyện nầy thì email cho tác giả, tại địa chỉ:
tramcamau2003@yahoo.com, giá $10 Đô la, gồm cả bưu phí.

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh