Trên chuyến bay Boeing 747 của hãng hàng không United Airlines từ Hồng kông đến Chicago. Tôi ngồi bên canh một thanh niên người Mỹ gốc Việt ôm bức chân dung người lính VNCH gục đầu khóc. Hình ảnh đó, làm cho lòng tôi se lại, bỗng nhớ về một thời chinh chiến trên quê hương Mẹ năm xưa. Nó đã gợi lên cho tôi một ý nghĩ khám phá bức chân dung đó. Tôi đứng dậy nghiêm chỉnh nhìn thẳng bức chân dung cúi đầu chào, bức chân dung nầy trên nắp túi áo có cài Bảo Quốc huân chương Đệ ngũ đẳng, chàng trai ấy thấy vậy cũng đứng dậy nâng bức chân dung ngang tầm, nước mắt chảy lăn dài trên đôi má còn trẻ có bộ râu quai nón lún phún. Xong tôi vỗ vai hỏi chàng trai:
-« Bức chân dung nầy là ai? Có liên hệ gì với cháu không?”.
-“Người trong bức ảnh nầy cháu chưa bao giờ thấy mặt nhưng mọi người đều nói đó là Cha cháu…”.
-“Có chuyện gì bí ẩn về bức di ảnh nầy phải không?”.
-“Không, không! Một sự thật đến với cháu quá đột ngột tựa như quả bom chấn động nỗ dưới đường hầm yên tĩnh”.
Chiếc máy bay bình phi với cao độ trên 5.000 feets lướt nhẹ trên không gian màu xanh ngắt. Thể theo lời yêu cầu của tôi, cậu con trai ấy bắt đầu kể cho tôi nghe một câu chuyện:
Nhân đang chơi Tây ban cầm trong căn phỏng nhỏ, với bản FLOWERS HILL được Nhân phổ thành nhạc của nhà thơ nỗi tiếng người Pháp là Charlees. Căn phòng nầy được Ba Mẹ dành riêng cho Nhân chơi Vĩ cầm và Tây ban cầm từ lúc Nhân học xong bậc Trung học. Ít khi Ba Mẹ để ý tới. Nhưng vị trí nầy Mẹ Nhân bắt đầu quan tâm kể từ khi Ba Nhân tử nạn ở Lockerbie trên chiếc phi cơ Pan Am năm 1986. Từ đó Mẹ buồn bả và ít nói, thường hướng mắt mãi nhìn lên bầu trời mỗi lần nắng chan hòa ôm tron vùng không gian Đông bắc Mỹ. Cũng từ đó mẹ nghiêm khắc với Nhân hơn, cần việc gì nói với giọng đanh thép như ra lệnh. Sau khi tiếng chuông Giáo đường Elm Park ngưng đổ, Mẹ gọi Nhân đến phòng tiếp khách, trên bàn có pha sẵn hai tách cà phê sữa nóng. Cái thói quen của Nhân chưa đến nơi đã lên tiếng:
-“Chào Mẹ và hỏi Mẹ có mạnh khỏe không?”.
Mẹ ngồi trên chiếc ghế bành không biết từ bao giờ nhếch môi cười và bảo Nhân ngồi xuống Sofa. Đã từ lâu Nhân không dám nhìn thẳng lên mặt Mẹ, Hôm nay tai sao Nhân lại bạo dạn hơn nhìn Mẹ, thấy vóc dáng Mẹ tiều tụy, da thì xanh xao, mắt sâu vành mi thâm quầng, tóc màu nâu ngày xưa nay đã phai nhạt hiện lên màu bạc trắng, bỗng Nhân thương Mẹ vô cùng, tiến đến ôm hôn vầng trán và đôi vai gầy của Mẹ. Mẹ bình tĩnh nhìn lên bức di ảnh của Ba Nhân treo trên tường nói với giọng trầm buồn:
-“Ba con chết đi đã để lại cho Mẹ một di sản tình cảm rất lớn, một phán quyết như dấu ấn không bao giờ xóa nhòa đươc, Mẹ hứa với lòng phải chu toàn trách nhiệm bảo dưỡng con và dạy dỗ con nên người. Trong quyển nhật ký của Ba con ghi lai rõ ràng lý lịch cá nhân con và những kỷ niệm vui buồn của cuộc hành trình trên lãnh thổ một quốc gia mà Ba con tham chiến. Máu xương, nước mắt, mồ hôi mà Ba con chứng kiến hàng ngày trên một quê hương xa lạ. Cuối cùng Ba con đem con đến đươc thành phố cổ Worcester buồn lạnh giá nầy. Còn nữa, Ba con phải đối diên biết bao nhiêu phức tạp về giấy tờ, về căn bản pháp lý để con được Sở Di Trú Hoa Kỳ cho phép con đến quốc gia thứ hai, lúc đó con chỉ có 3 năm 4 tháng tuổi. Mẹ rất vui sướng được ôm con vào lòng từ tay của Ba con khi mà Ba con trở lại quê nhà, trên vai còn mang Ba lô chiến trận, còn mặc bộ đồ TQLC. Đôi mắt Ba con sâu thăm thẳm nhưng nỡ nụ cười tự nhiên nói với Mẹ: Anh cho em đứa con trai đầu lòng”. Lúc đó tâm hồn Mẹ dường như rơi vào cảm giác miên man lạ thường, nghĩ về Ba con, người trai dạn dày trong khói lửa binh đao mà có một hành động phi thường đầy nhân ái mang con từ bên kia đại dương về bên Mẹ, lẫn hoài nghi đó là đứa con rơi mang dòng máu của Ba con ở nước ngoài. Đồng thời Ba con cũng trao cho Mẹ hai Tấm thẻ bài Kim Khí và nói với Mẹ rằng: “Đây là di vật cuối cùng của đứa bé nầy còn lại trên cổ áo của nó sau khi anh cứu nó trong vòng lửa đạn, em phải chờ nó đến tuổi trưởng thành cho nó biết nó từ đâu đến, kể từ lúc nầy chúng mình xem nó là con yêu quí trong gia đình”.
Ngừng một phút Mẹ uống vài hớp cà phê, Mẹ nói tiếp:
“Sau nầy nếu có dịp con sẽ đọc quyển nhật ký Ba con viết về con, hiểu thế nào là người Cha can trường không kể hiểm nguy đến tính mạng cứu con lúc con bị thương đang quằn quại trong vũng máu bên ngọn lửa hầu như muốn đốt con thành tro. Con ạ! Người lính chiến Quân lực Hoa Kỳ lúc nào cũng nêu cao tinh thần chiến đấu bảo vệ lý tưởng tư do hòa bình và sinh mạng con người dù bất cứ ở nơi nào. Thêm nữa, Mẹ rất khâm phuc ông ấy, có lần ông ta đã cứu Mẹ lúc là một sinh viên cùng học trường đại học WPI, Mẹ chẳng may bị trượt tuyết té lọt xuống hồ Lake Quinsigamond vào mùa Đông năm Mẹ vừa 17 tuổi, cái giây phút Mẹ đang say mê trượt tuyết thì bị nạn. Mọi người thấy vậy hốt hoảng bỏ chạy. Ông thì không, cấp tốc cứu Mẹ bằng cách chui đầu xuống nước ôm Mẹ, đưa Mẹ vào bờ. Cái khoảng cách giữa nam và nữ, giữa sự sống và sự chết đã cho Mẹ một ấn tượng khác lạ, cảm nhận thật sự ý nghĩa của cuộc đời là gì. Hình ảnh đó đến bây giờ ở trong trái tim Mẹ vẫn còn là dấu ấn khó quên. Nó đã hằn sâu trong nhãn quang Mẹ bóng dáng người trai dũng cảm, một người bạn chân tình, một người yêu bất diệt, một người chồng trân trọng quí mến”.
Nhân Nghe Mẹ kể đến đây vì quá xúc động lẫn sững sốt bàng hoàng liền hỏi Mẹ:
-“Tại sao Mẹ lại giấu con từ đó đến bây giờ?”.
Mẹ nhìn thẳng vào mắt Nhân ôn tồn nói:
-“Cái ngày đó con còn thơ ngây quá chưa đủ tầm vóc và kiến thức nhận định để chịu đựng nỗi đau về thân phận của mình nên…”.
-“Như vậy con không phải là con của Ba Mẹ sinh ra?”.
-“Đúng vậy, nhưng lúc nào Ba Mẹ vẫn coi con là đứa con yêu quí nhất. Chắc chắn điều nầy con hiểu rõ hơn ai hết. Hầu hết những công dân sống trên đất nước Hoa Kỳ phần đông đều là nguồn gốc sắc tộc phát sinh từ những quốc gia khác, từ những kinh nghiệm mất mát đau thương tạo cho ho có bản năng sinh tồn và có đức tính khiêm tốn vị tha. Đất nươc và dân tộc Hoa Kỳ tự tôn lòng bác ái bao dung, mang tính cách tự chủ, tự lập không có dân tộc nào sánh theo kip. Bởi vây Mẹ hãnh diện được thừa hường nền văn hóa đặc thù hợp chủng quí hóa đó, rồi con sẽ thấy và hiểu thế nào là công dưỡng dục của Ba Mẹ, nói rõ cho con biết là Ba Mẹ không bao giờ phân biệt con đẻ hay là con nuôi”.
-“Mẹ có thể cho con đọc quyển nhật ký của Ba viết về con…”.
-“Hiện tại thì không được. Bởi vì con chưa hoàn thành nhiệm vụ mà Ba Mẹ mong muốn. Quyển nhật ký nầy con chỉ được đọc lúc nào thanh thản và yên tịnh nhất. Dòng chữ của nhật ký là hơi thở, là mạch máu chảy qua cân não Ba con trong những ngày tháng gian lao nhất của quãng đời viễn chinh. Bây giờ thì Mẹ chỉ giao lại một báu vật mà Ba con giữ suốt 30 năm để trong cái hộp mạ bằng vàng mà Mẹ cất giữ, giấu kỹ trong chiếc túi đeo lưng của Ba con thời tham chiến tại Châu Á”.
Nói xong. Mẹ Nhân tiến đến cái tủ mở khóa lấy từ trong túi đeo lưng, mở nắp hộp lấy hai tấm thẻ bài Kim khí trao cho Nhân và nói rằng:
-“Sau khi con đọc những hàng chữ trên hai tấm thẻ bài kim khí nầy, con phải thu xép mọi công việc đi đến Việt Nam”.
-“Quê hương con là nước Việt Nam hả Mẹ?”.
-“Căn cứ theo bản đồ Thế giới, nước Việt Nam nằm về hướng Đông Nam Châu Á, hình cong Chữ S, có bờ biển dài, có dãy núi Trường Sơn nối dài từ Băc tới đồng bằng sông Cửu Long cao xanh hùng vỹ. Nơi mà con sinh ra đời. Cũng là nơi mà Ba con chiến đấu vì hai chữ “Tự Do” ròng rã 3 năm, gặp phải một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, do Chủ thuyết vô sản xúi dục tàn phá khủng khiếp trên quê hương con mà Ba con chiến đấu bền bỉ và hiên ngang bất chấp hiểm nguy. Tất cả diễn biến đều ghi rõ trong cuốn nhật ký nầy. Hầu như Mẹ đã cảm nhận được nội dung quyển nhật ký là sự thật chứa chan lòng nhân từ của Ba con dù ở góc độ nào đối với mọi sự thử thách đầy cam go. Trong đó cũng là một dữ kiện tiêu biểu hiện thực cho bất cứ người chiến binh nào của Quân đội Hoa Kỳ mà trang Quân sử đã ghi đậm nét cái vinh dự hào quang sáng chóa đó. Con hãy chuẩn bị cho chuyến đi từ ngay bây giờ. Chúc con thành công và may mắn”.
Theo lệnh Mẹ, Nhân lấy vé máy bay, xin Visa nhập cảnh vào Việt Nam, xin phép công sở nghỉ việc 3 tuần lễ. Chuyến bay từ Hồng Kông đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, thành phố Sài Gòn. Nhân vội vã mua vé bay nôi địa Việt Nam Airlines đến phi trường Chu Lai. Quê hương Mẹ xem sao mà xa lạ quá. Núi đồi, sông ngòi, kinh rạch cấu tạo bởi thiên nhiên mang màu sắc khác lạ đối với kẻ tha hương từ tấm bé. Đứng trên mảnh đất quê hương Nhân thấy mình lạc lỏng bơ vơ. Sực nhớ lời Mẹ dặn dò: “Con phải đến nhà thờ hoặc tu viện Công giáo nhờ các Soeur chỉ đường con tìm về quê quán”.
Nhân nhìn trên tấm thẻ bài có khắc hàng chữ “Cô nhi viện Đức Phổ”. Nhân goi Taxi, người tài xế già nét mặt đăm chiêu nhưng rất hiền từ sẵn sàng đưa Nhân đến quận Đức phổ, Nam Quảng Ngãi. Vừa đến nơi, nắng chiều sắp tắt lòng Nhân nao nao, lo lắng biết hỏi ai bây giờ để tìm lai người thân. Nhân nghĩ ngay là phải nhờ những người lớn tuổi, bỗng gặp một cụ già đốn củi về, Nhân liền hỏi:
-“Cô nhi viện Đức Phổ ở đâu? Thưa Cụ làm ơn cho cháu biết”.
Cụ nói hơi dè dặt:
-“Hồi xưa kia thì ở vị trí nầy nhưng bây giờ nó ở xa tít chân núi đèo Mỹ Trang, họ đã dời đến đó từ sau ngày chế độ Miền Nam Việt Nam sụp đổ, nói đúng hơn là bị đuổi… Cậu hãy đến đó thì tốt hơn”.
Nhân cảm ơn Cụ rồi tiếp tục lên đường.
Một dãy nhà Cô nhi viện đứng im lìm trong xó núi, những cây so đũa đứng đu đưa theo tiếng gió núi lúc hoàng hôn ru hiu hiu buồn. Những đứa trẻ mồ côi thấy Nhân bước vào hiên nhà trú, đồng thanh cùng reo lên:
-“Soeur Ơi! Có người hỏi thăm Soeur”.
Từ cõi tâm thức sâu lắng trong trí nhớ Nhân bỗng hiên về dĩ vãng, dường như nghe thoáng buồn man mác của ngày xưa thời thơ ấu cũ, có một người đã đưa Nhân đến đây như chạy trốn trách nhiệm, bỏ Nhân ở lại nhận niềm cô độc miên viễn. Nhân thì thầm: “Đức Mẹ Maria ơi! Con đã trở về đây mang niềm đau vong Quốc của người con trai nước Việt, niềm đau kẻ lạc loài từ khi con là đứa bé mồ côi gởi vào Cô nhi viện nầy…”.
Dòng suy tưỡng của Nhân chưa dứt thì Soeur vừa đến hỏi Nhân:
-“Con đến đây tìm ai?”.
-“Con về đây thăm Soeur”.
-“Ủa! Con tên gì?”.
Nhân rút thẻ bài kim khí dâng lên cho soeur, soeur nhìn kỹ và đọc dòng chữ trên thẻ bài sắc mặt Soeur tái dần rồi ngã quỵ. Thấy vậy, Nhân vội vã đỡ Soeur làm hô hấp nhân tạo, đám trẻ mồ côi vây quanh khóc nức nở, “Soeur ơi! Đừng bỏ chúng con bơ vơ”. Nhân cũng khóc thật sự bên người Mẹ ngày xưa đã từng bồng bế ru Nhân ngủ và hát lời kinh Thánh: “À ơi! Con ngủ cho ngoan, Mẹ là Mẹ mang ơn Thiên Chúa trên trời…” Tiếng hát ấy nghe sao xa vời vợi đã đưa tâm hồn tuổi thơ của Nhân ấm lại như tiếng hát ngọt ngào chính của Mẹ ruột mình.
Sáng hôm sau thức dậy sớm, Sau một đêm hồi phục, sức khỏe Soeur trở lại bình thường, Soeur trầm tĩnh nói với Nhân:
-“Cái ngày kinh hoàng và đau thương đó mãi ám ảnh trong tâm khảm Soeur. Cuộc chiến vô nghĩa đã hủy hoại đất nước, giết chết nhiều người và những đứa bé mồ côi vô tội. Nơi Cô nhi viện ngày xưa Soeur nghĩ rằng đây là nơi thích hợp an toàn nhất để bảo vệ nuôi dưỡng các con. Không ngờ bọn VC dùng bộc phá, lựu đạn tấn công vào Quận Lỵ Đức Phổ, thời đó Cô nhi viện nằm sát phía sau lưng Quận hành chánh Đức phổ. Nhiều đứa bé chết cháy thiêu lúc còn đang nằm ngủ trong nôi và một số bị mảnh đạn giết chết. Một cái tang đau buồn quá lớn, Soeur phải mang đi chôn cất 8 thi hài bé bỏng trong đó có ghi tên Ngô Hoàng Nhân chung cùng một tấm bia trên nấm mộ tập thể, Soeur cố bới tìm trong đống gạch đổ nát mà không thể nhận được hình dạng đứa bé nào. Soeur đã cố chôn vùi niềm đau ấy hơn 35 năm rồi. Bỗng dưng hôm nay con lại xuất hiện nơi nầy. Đường đời có nhiều bí ần lẫn bất ngờ khi mà dân tộc Việt Nam đi vào lối rẽ của dòng lịch sử, chế độ thượng tôn đôc đảng hủy diệt biết bao là sinh mạng”.
Soeur không cho Nhân có dịp nói gì hết, soeur lấy một tấm danh thiếp trong ngăn tủ đưa cho Nhân và dặn dò:
-“Con phải cẩn trọng lần dò hỏi thăm đường về quê quán, đời thường có nhiều cạm bẫy: Hơn họ thì họ ám hại, thua họ thì họ khinh khi, bằng họ thì họ tìm cách trù dập. Chúc con gặp may mắn theo như ý muốn”.
Gió trưa Hè mang hơi nóng của rừng núi Trung Việt, con đường đất đỏ vòng quanh chân Núi Khoáng dẫn đến làng Phước Sơn. Làng nầy nằm lọt trong một thung lũng có hồ Bầu Dế, có Kênh đào Nam sông Vệ chảy xuyên qua và uốn khúc theo chân núi. Con đường Làng hai bên có bóng cây cổ thụ cao xanh mát, có những loài chim hót líu lo trên cành. Có dòng suối Mơ chảy rì rào.
Nhân căn cứ theo địa chỉ trên danh thiếp của Soeur và Tấm thẻ bài kim khí của Mẹ trao. Thế là Nhân đã tìm được căn nhà ngày xưa nơi chôn nhau cắt rún thưở Nhân chào đời.
Một căn nhà cổ thấp lè tè, lợp ngói vảy thời xưa đứng dưới bóng cây nhãn lồng và cây xoài, có một Cụ già trên 80 tuổi cụt một chân trái, mắt sâu, má hóp nhăn nheo không còn một cái răng nào dính trên lợi, tóc lưa thưa bạc trắng, ngồi lim dim bên góc hè, quần áo rách tả tơi. Hỏi ra thì đó là Bác ruột của Nhân. Một hình hài gầy đét khốn khổ trước mặt, Nhân tự hỏi có phải giống dân thời nguyên khai của loài người hay không? Tại sao ở thế kỷ 21 mà có một người Bác như vậy. Nhân không còn tự chủ vội gọi “Bác ơi!” rồi ôm chầm người Bác già nua bệnh tật khóc trên vai Người. Sau những giây phút trùng phùng đó Nhân lại nhận một hung tin như tiếng sét đánh vỡ nát cõi lòng Nhân, Khi Nhân hỏi Bác tin tức của Cha Mẹ hiên giờ ở đâu? Sống chết ra sao? Bác của Nhân sụt sùi kể cho Nhân nghe:
-“Cha cháu tên là Ngô Hoàng, một người lính của Quân Lực VNCH, một Sĩ quan trẻ ưu tú dũng cảm chiến đấu không lùi bước sức tiến công của địch. Chính đơn vị Cha cháu chỉ huy đã đánh trả và tiêu diệt hàng trăm tên quân thù trong trận giao tranh ác liệt tai Thạch Trụ. Chiến tích vang lừng đó được truyền thanh, báo chí loan đi khắp mọi miền đất nước. Cha cháu được thăng cấp tại mặt trận và tưởng thưởng mề đay Bảo Quốc Huân Chương. Với tiếng vang đó VC tim mọi cách trả thù, bằng cách duy nhất phục kích bắt Cha cháu trên đường đi phép về thăm nhà. Rồi chúng tự dựng bản án và bắn chết Cha cháu vào một đêm ở ngã ba đường vào cổng Làng nầy. Một cái tang đau đớn đến với Mẹ cháu, vả lại đứng trước thảm cảnh còn lại hai đứa con còn nhỏ dại không biết trông cậy vào ai. Mẹ cháu tức tưởi lên án bọn CS ác ôn, loài dã thú, man di, hứa là sẽ trả thù cho chồng bất cứ giá nào. Thế là bon du kích VC dùng thủ đoạn cực kỳ độc ác kéo lôi Mẹ cháu bắn chết nơi trước cửa nhà nầy. Chị gái cháu mới vừa chớm tuổi lên tám, quá đau lòng cắn lưỡi tự tử.
“Nghe tin nầy Bác từ chiến trường Tiên Phước, Quảng Nam tức tốc trở về mai táng Mẹ và Chị cháu bằng tấm vải ni lông với chiếc áo quan là Poncho, Bác vội vã chôn cả hai ở phái sau vườn, hai nấm mộ ở kia kìa. Một tuần lễ Bác phải chôn ba người, nước mắt Bác đã khô quánh lại không còn chảy nữa. Chiến tranh và hận thù trên quê hương đã làm băng hoại cả một thế hệ, làm tan nát gia đình cháu. Đứng trước nghịch cảnh quá buồn đau đó, vả lại thời gian đó Bác là quân nhân tại ngũ không thể nuôi dưỡng cháu được đành phải gởi cháu đến Cô nhi Viện và Bác có để lại một danh thiếp ghi rõ địa chỉ của Bác và hai tấm thẻ bài bằng kim loại đeo vào cổ cháu cho soeur giữ hộ, nếu sau nầy Bác có dịp sẽ trở lại đem cháu về. Bác cắn răng gạt nước mắt gởi cháu nhờ các Soeur nuôi dưỡng”.
-“Trời ơi! Tàn nhẫn quá!”. Nhân thét lên!
Đời là bể oan nghiệt là nổi bất hạnh đau thương:
- Con về đây tìm lại Cha, thì Cha ngậm hờn nơi chin suối.
- Con về quê cũ thăm Mẹ, thì Mẹ đã nằm yên dưới lòng đất lạnh mang nỗi buỗn u uất.
- Em về thăm Chị nơi vườn xưa, để nhớ lai thời thơ ấu, thì Chị đã chọn cõi đi về, chối bỏ tuổi đời con gái.
- Cháu tìm lại căn nhà xưa duy chỉ còn một mình Bác với tấm thân gầy gò, đói rách, mất một chân trong cuộc chiến đã để lại một vết tích mãi mãi còn in dấu theo tháng năm buồn…
- Chỉ còn lại ở nơi đây một khoảng đời riêng đơn độc trơ trọi của một kẻ bất hạnh với trái tim dường như rớm máu rung lên nhịp buồn khôn tả.
Đã từ lâu Nhân vẫn nghĩ mình chỉ có một người Cha là Joln Marine, Mẹ là Louise Lawrence sinh sống ở Mỹ quốc, đâu có ngờ rằng mình mang dòng máu Mẹ Việt Nam, có một bến bờ Tổ Quốc, có người Cha thân yêu đã cống hiến cả cuộc đời để rồi Cha nằm yên ở đó trong âm thầm quên lãng. Rồi Nhân phải nhận nơi quê hương xa lạ làm Tổ Quốc mình vĩnh viễn, nhận Ba Mẹ nuôi làm Cha mẹ mình suốt đời. Nỗi khổ của đứa con lạc loài đi làm nhân chứng cho thời đại, cho chủ thuyết Cộng sản ngông cuồng, cho mốc xích của tội ác chiến tranh. Nhân nhận thấy mình tựa như cánh chim bay lạc loài trên một băng đảo xa xăm. Giã từ quê hương Mẹ, chia tay Bác trở lại Hoa Kỳ. Bác cúi mặt rưng rưng lệ, cầm trao lại cho Nhân một bức ảnh và nói rằng:
-“Đây là di sản quí giá cuối cùng của Ba cháu để lại, một di ảnh có một không hai gắn liền với cuộc đời và cũng là cái mốc đau thương đánh dấu một giai đoạn đen tối nhất của dòng lịch sử dân tộc. Cháu phải bảo vệ giữ gìn cẩn thận bên cạnh suốt cuộc đời…”
Chiếc máy bay bắt đầu giảm tốc độ hạ thấp dần dần. Tấm bản đồ không ảnh ghi đường bay của TV treo trên khung thành chiếc phi cơ chỉ hướng bay đến sân bay quốc tế Chicago. Tôi hỏi câu trai ấy cháu có căm nghĩ gì khi cháu tìm trở lại quê hương và cảm nhận điều gì trong thời gian cháu kể câu chuyện nầy cho chú nghe:
-“Cháu phải cố gắng lắm mới giữ trạng thái bình tĩnh để khỏi bật thành tiếng khóc. Chính bức chân dung nầy là thân phụ của cháu. Cháu tên là Ngô Hoàng Nhân, con trai của Ngô Hoàng, con của người lính Quân Lực VNCH. Cháu là người Việt Nam, một đứa con lạc loài gần 39 năm mà cứ tưởng mình là người Mỹ, sinh tại đất Mỹ, nói tiếng Anh lưu loát, nói tiếng Mẹ đẻ lập lững. Quê hương bỏ lại sau lưng là nơi mà được Mẹ cháu chôn nhau cắt rún khi cháu chào đới làm sao cháu quên được”.
Tôi bắt tay từ giã Ngô Hoàng Nhân tại Phi Cảng Chicago. Gió chiều lục địa Trung Mỹ thổi về hơi lạnh lạnh. Tôi và Nhân là hai thế hệ khác nhau nhưng đồng cảm cùng mang nỗi buồn như nhau: “Niềm đau kẻ vong quốc nó day dứt triền miên”. Nỗi buồn nào bằng nỗi buồn kẻ mất Tổ Quốc sống tha hương cầu thực. Những bóng mây bay lang thang trên bầu trời, sương khói hoàng hôn phủ xuống đồi núi sông ngòi và rặng thông xứ người, nó gợi nhớ về hình ảnh một quê hương bỏ lại. Những cánh chim lạc loài trong cơn giông tố cũng mong đất trời yên tịnh có dịp trở lại núi rừng xưa. Còn con người, vì bối cảnh lịch sử bất đắc dĩ phải xa quê hương ai cũng mong ngày trở lại nơi quê Cha đât Tổ.
Cuối Hạ 2011
Đỗ Vĩnh khanh
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net