Cái thuở mà sinh con cắt rốn bằng mẻ chai, mẻ sành hay cật tre khô vót sắc; cùng lắm là lưỡi hái, dao trầu thay cho dao kéo vô trùng ngày nay. Sau đó, lỡ con có nhức đầu, sổ mũi mời thấy cúng hơn là cho uống lá như người lớn “đói ăn rau, đau uống lá” thường tình. Khiến bà Hợi phải căng bụng đẻ cho chồng đến mười ba lần con; để quyết cho có người nối dõi tông đường nhà ông, vì ông chẵng những là con trai trưởng mà còn là đích tôn của một dòng họ lớn, hương hỏa từ đường nhiều, nhà có của ăn của để. Thế nhưng chung cuộc ông bà cũng chỉ còn lại một gái hai trai. Người con lớn là gái, đẻ đến lần thứ năm. Hai người con cuối cùng thứ ba và tư (thứ lại, tức là mười ba, mời bốn) mới được là trai.
Anh con trai lớn, thứ mười ba đó, khi bà bắt đầu cấn chửa vài tháng, cúng đơm lẻ, giắt đôi đủa tre một đầu vót để như bông tranh lên mái rui trước cửa cho ai đến dễ nhận biết xong, ông bắt đầu ăn chay nằm đất cả tháng trời sau đó. Trước tiên để “cầu đinh” (Chữ Hán: nam-trai), tiếp theo mời thầy về cúng liền ba ngày, làm bùa dán từ trong giường nằm của bà đến cửa buồng, của bổn mạng và ra tận ngoài sân, ngoài ngõ. Làm đến như thế mà có vẻ ông cũng chưa yên tâm. Nói chuyện với ai ông cũng khéo léo tìm hiểu cách nuôi giữ con cho khỏi chết như anh chị nó trước kia. Rồi nhiều người dị đoan còn độc miệng cho rằng bởi con ông bà thuộc loại “con ranh con lộn” nên mới dễ đẻ và dễ chết như vậy. Khiến ông càng lo lắng.
Một hôm có người mách, nếu lần nầy bà sinh con gái thì chắc không hề hấn gì, khôn lớn như chi năm nó thôi, khỏi phải lo; còn sinh con trai thì ông nhất thiết phải làm ngay những việc mà thường tình dân gian thường làm khi gặp trường hợp như ông.
Nhớ là sau khi sinh ra đúng bảy ngày (nam thất nữ cửu), mời thầy đến cúng ngay, sau đó bán đứa bé cho thầy hoặc chùa nào đó, để tránh như những thằng anh nó chêt vì mình không có “tay ấn”, khiến “kẽ khuất mày khuất mặt” dễ bắt nạt, làm càn mà sợ nhất là “Ngài Quan sát”. Ngài ghê lắm! Khi cháu lỡ bị ngài “chụp” nhất là ngài “Kim thiết” thì đến thầy già tay ấn cũng khó lòng trừ được. Cũng có khi hồn ma ngay trong bà con gia đình ông mà người đời thường có câu “Cô cha bà cháu”, là cô của ông, nó gọi bằng bà. Chết lúc còn trẻ, còn trinh, sau đó thành ma nhưng là “ma xó”, ghen ghét quấy nhiễu con cháu.
Xong việc bán rồi, hằng ngày ông bà nên xưng với nó là chú thim hay cậu mợ gì đó chứ đừng xưng cha mẹ. Cũng như sau nầy khi nó biết nói cũng nên tập cho nó goi như vậy mà thôi. Có bán cho ai hay gọi bằng gì cũng là con ông bà. Bán giả bộ mà, đừng lo.
Đến khi đầy tháng, cúng sụt lại một ngày (gái sụt hai, trai sụt một), xong tìm một cái tên gì đó thật xấu xí đặt cho nó để “quới ngài” khỏi dòm ngó. Thường, có người đặt bằng tên chất bài tiết hoặc bộ phận sinh dục của nam hay nữ gì đó.
Nghe vậy, về nhà suốt mấy đêm liền, ông nghĩ người góp ý vừa rồi cũng có lý, vì trong xóm làng từ trước đến giờ cũng có người làm như thế nên mới có ông nọ, người kia mang suốt cả đời những cái “tên tộc” như vậy đó thôi. Thế là tuy chưa biết sắp đến bà sẽ sinh con gái hay con trai nhưng ông đã suy nghĩ một cái tên cho con trai thích hợp như lời bày để chuẩn bị.
Ông lại nghĩ: “đặt tên xấu xí cũng được, nhưng tội cho nó, vì khi nó lớn lên sẽ bị bạn bè nhạo báng, rồi đến khi già cũng bị người ta gọi nó với cái tên khiếm nhã”. Cuối cùng ông quyết định sẽ tìm đăt cho con một cái tên ý nghĩa cứng cát hùng dũng để đối phó, mà cũng hợp với con trai nữa.
Ăn Tết năm đó xong, chưa đến ngày mồng Bảy hạ nêu như thường lệ, bà chuyễn dạ sinh một anh con trai. Ông bà vui mừng vô cùng nhưng lại hết sức kín miêng với láng giềng, sợ nói ra sẽ đến tai “kẻ khuất mặt“ không nên, chờ đủ bảy ngày bán xong mới cho mọi người biết. Thậm chí xác lá bóp sữa, thường người ta bỏ ngoài đường để như báo cho mọi người bết nhà gần đó có em bé, và người qua lại đạp càng dập, vú bà mẹ trong nhà càng có nhiều sữa cho con bú! Ông đành bóp bụng giấu luôn bảy ngày. Để lại trong sân người nhà xúm nhau đạp mà thôi.
Mọi thủ tục ban đầu như lời bày biểu, ông hoàn tất chu đáo, chỉ còn chờ đến ngày thứ hai mươi chín (trai sụt một) mời thầy đến cúng tiếp và gọi tên là đủ lễ. Cái tên con ông cũng đã nghĩ ra và có sẵn trong đầu rồi, nhưng vẫn kín miệng, vì cho rằng chỉ có miệng thầy nói ra mới có uy lực.
Đến đúng ngày, trong khi chờ đặt lễ vật lên bàn, ông thầy cúng ngồi bắt chân chữ ngũ, uống nước chè Tàu, hỏi ông đặt tên gì cho con, ông vẫn ậm ừ chưa tiết lộ. Đợi đến khi nhang đèn nghi ngút, thầy chuẩn bị khấn vái, ông chấp tay, quỳ một bên, nghiêng qua nói nhỏ vào tai: xin thầy đặt cho cháu tên “Hung” cho nó mạnh bạo, tôi đã chọn như vậy lâu rồi thầy ạ.
Thế là cho đến hơn năm mươi tuổi ông Hợi mới có con trai đầu lòng anh, “ba Hung”. Ra tháng, Hung bắt đầu kháu khỉnh bụ bẩm, ông bà luôn tấm tắc khen lời bày đó đúng là có linh nghiệm, cả nhà vui mừng ra mặt.
Năm nầy lại là năm nhuận, mười ba tháng. Bà giỏi giang thế nào đó không biết, mà chửa tiếp một bụng nữa, rồi bà tính đến gần Tết phải ở cử trở lại. Vậy là một năm bà đẻ hai lần.
Đến những ngày cuối năm, trong khi mọi người tất bật chuẩn bị Tết, chiều hôm lo lễ vật cúng “đưa ông Táo về Trời”, bà lại sắp xếp để “nằm xó”.
Lần đẻ thứ mười ba nầy cũng lại con trai. Ông rất mừng nhưng cũng hơi lo vì trước đó ông nghĩ chắc bà “đổi đầu con”, lần nầy là con gái nên ông có hơi chểnh mảng các thủ tục ban đầu như hồi anh ba Hung. Vì vậy, để bù lại, các điều kiện tiếp theo ông tươm tất hơn rất nhiều. Duy có một cái khó cho ông là không thể đợi bảy ngày mới bán được, và hai mươi chín ngày đầy tháng mới đặt tên. Vì làm như thế thành ra đứa con chửa đẻ hai năm, mà tháng Chạp năm nầy lại thiếu, chỉ có hai mươi chín ngày thôi. Thế là vài hôm sau ông mời thầy cúng nhập chung vào một “diện”.
Về đặt tên, cũng vậy, lần nầy ông nghĩ phải đặt một cái tên sao cho vừa chống cự, vừa tồn tại mới yên tâm. Vậy là sau nhiều đêm suy nghĩ đắn đo, ông quyết đặt cho anh nầy tên Thủ, bốn Thủ. Ngẫm nghĩ về tên hai người con trai ông đắc ý vô cùng. Hung, Thủ.
Tuổi thơ hai anh Hung và Thủ lớn như thổi, gần như không “ấm mình, nóng lạnh” gì cho ghê gớm cả. Đến tuổi đi học, anh Hung chậm chạp nhưng cần cù, anh Thủ thông minh liền thoắng lại cẩu thả. Cuối cùng khi anh Hung lấy xong bằng Bờ-ri-me, anh Thủ còn dở dang. Nhưng rồi vì lý do nào đó, tất cả đều nghỉ học, Anh Hung về làm giáo viên dạy trường làng, anh Thủ cày ruộng, sau làm việc ở Ủy ban kháng chiến hành chánh xã một thời gian trước khi đi tập kết ra miền Bắc.
Bấy giờ là thời thuộc Pháp, anh Hung học chương trình Pháp, nên tuy chỉ lấy bằng loại khá, rồi trước khi về dạy học, anh có hai năm làm trực tiếp với người Pháp ở Sở Học chánh, nên anh nói tiếng của họ rất rành. Đến khi toàn quốc kháng chiến anh không còn đi dạy, vì chương trình lúc nây không có chủ trương. Với lại đang đánh Pháp, bài Pháp nên cũng không dạy hay học chi tiếng của bọn thực dân, chỉ cần học căm thù như tuyên huấn đã dạy là tốt hơn thôi. Tuy có chữ, anh cũng không được mời làm việc gì trong chính quyền, vì họ có ý kỳ thị cái thân Tây của anh trước kia. Quen miệng nên bất đắc dĩ lắm, người ta mới để cho bà con gọi anh ông Trợ, ông Giáo như xưa thôi.
Sau khi anh Thủ và mọi người đi tập kết ra miền Bắc, ở lại trong Nam, với chính phủ mới, anh Hung được cho đi dạy mấy năm, xong cũng phải nghỉ, vì bây giờ chính sách tuy khuyến khích học ngoại ngữ, chẵng những một thứ tiếng, mà nhiều nữa. Nhưng chương trình khác và cao hơn, anh không còn thích nghi nữa.
Anh Thủ, ra đến miền Bắc, nghe nói ban đầu cũng đi đập đá làm đường trên Tây Bắc để (Đường ta rộng thênh thang tám thước – Thi hào Tố Hữu) xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa của loài người tiến bộ. Vì không chịu nỗi phong thổ khắc nghiệt vùng cao, nên anh xin về học bổ túc văn hóa chương trình một năm bốn lớp để cho xong cấp III (chương trình tân tiến ở đây, bậc trung học chỉ mười năm. Có lẽ cũng cho phù hợp câu nói “thập niên đăng hỏa” hay “mười năm đèn sách” gì đó).
Theo học chương trình nầy cũng đông lắm chứ không riêng gì anh Thủ. Lứa tuổi với anh hoặc nhỏ hơn anh nguyên đang là học sinh được ”trên” cấp tiêu chuẩn đi hai năm để được học tiếp, khỏi gián đoạn tiếp thu kiến thức. Đó là ưu ái, cũng là đạo đức cách mạng. Thế rồi, hai năm không về được mà phải đến hai mươi mốt năm nên khi về anh nào anh nấy nghe nói cũng có bằng cấp cao, học hàm, học vị đầy mình. Lêu lổng lắm cũng có được tấm bằng Kỹ sư, không kỹ sư ngành thợ hồ thì cũng kỹ sư ngành địa chất đi đo ruộng dân đưa vào hợp tác xã để khoán công điểm.
Sau khi tốt nghiệp Đại học trong nước xong, có người còn được cho đi du học hoặc nghiên cứu sinh trên Đại học tận bên các nước tiến bộ nhất thế giới như Liên Xô, Trung Quốc, Hung, Bun gì đó nữa v.v… Nên khi trở về, mỗi anh đều có tấm bằng “Phó Tiến sỹ” hoa văn chìm hình ngôi sao và búa liềm chéo vào nhau óng ánh. Vì học ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em nên dễ lắm, luôn luôn có thông ngôn hoặc thông dịch, không cần thiêt phải biết tiếng nước sở tại, hay một thứ tiếng thông dụng quốc tế nào khác. Thời gian công tác sau đó, Viện nghiên cứu giáo dục Quốc gia nhận thấy tất cả đều có năng lực, cộng với kinh nghiệm qua quá trình thực tế, trình lên trên. Cuối cùng, vào một buổi chiếu đẹp trời nào đó, lãnh đạo ký ngay một quyết định để sáng hôm sau ban hành, theo đó từ nay bỏ học vị Phó tiến sỹ. Những Phó tiến sỹ trước đây đương nhiên được đôn lên thành Tiến sỹ tất cả. Do đó, có người hồ hởi phấn khởi với may mắn “ngủ một đêm, sáng ra có được cái bằng Tiến sỹ”. Vì vậy, “Nhiều vị có đến hai bằng tiến sỹ nhưng không nói được một ngoại ngữ nào”.
Rồi hoàn cảnh đất nước những năm đó vừa mới hòa bình, nên mấy ông tân Tiến sỹ ấy rât dễ được ”trên” bố trí công tác phục vụ xã hội theo đúng ngành học của mình kể cả múa, đá banh. Cho nên có người mừng rỡ hãnh diện với quốc tế. “Không biết trên thế giới có nước nào như nước mình không! Múa cũng có Tiến sỹ, đá banh cũng có Tiến sỹ”.
Nói về anh Thủ, vồn người phương phi lanh lợi. Sau ngày chính phủ miền Nam sụp đổ, đất nước được “hoàn toàn giải phóng khỏi sự kèm kẹp của đế quốc, và bóc lột của tư bản”, anh về quê hương trong tư thái hiêng ngang của một người mang trong mình tấm bằng “Tiến tiếng sỹ xây dựng Thủy lợi” (dễ hiểu là công trình kênh mươn, dẫn thủy nhập điền) của Đại học đường Nhân Dân Bắc Kinh cấp trước đó mấy năm. Hiện anh đang làm công trình bờ kè chống xói lở ven biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây cũng là quê người vợ hiện tại, người đàn bà anh lấy lần sau, sau hai năm chưa được trở về với vợ trước, như công bố lúc ra đi.
Đến năm 1979, trên lý thuyết, Nhà nước kêu gọi toàn dân. Ở thành thị đưa máy móc vào thành lập hợp tác xã cơ khí công nghiệp, hoặc công ty công tư hợp doanh. Ở nông thôn đưa ruộng đất, trâu bò, cày bừa vào hợp tác xã nông nghiệp, làm ăn lớn, công điểm no nê. Mở màn cho bước nhảy vọt “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Tiền để của công cuộc mang ý tưởng cao siêu đưa dân tộc đến thiên đường Cộng Sản như các nước anh em.
Cũng năm nầy, nhân dịp anh Thủ về thăm một tháng, ở nhà anh Hung. Bà con mang “Phân thơ, cựu khế và trích lục địa bộ” đến nhờ anh xem giùm để kê khai cho chính xác, vì nghe anh học tận bên Tàu đến năm, sáu năm, chắc giỏi chữ Hán, và đậu đến bằng Tiến sỹ lận. Nhưng anh không đọc được chữ nào, anh cho biêt, vì anh học qua thông ngôn, thông dịch và trên công trường là chủ yếu. Đến bản “trích lục địa đồ” do Quan Địa Chánh phủ huyện của “Đại Nam Trung kỳ Chánh phủ” lập, ghi bằng hai thứ chữ Pháp và Hán, anh Hung phải làm thay, dịch các câu chữ Pháp ấy.
Từ đó, bà con nông dân ít chữ nghĩa trong làng luôn luôn phân vân hai cái bằng Bờ-Ri-Me của anh Hung và cái bằng Tiếng sỹ của ông em, là anh Thủ .
Gần đây, trong một cuộc trà dư, tửu hậu, có người đem chuyện nầy ra tào khao. Trong bàn, một giáo viên lưu dung (dung tha để sử dụng) đã nghỉ hưu, xót xa thỏ thẻ. Sách giáo khoa gần đây những “đỉnh cao trí tuệ” sư phạm soạn GIỖ tổ Hùng Vương thành DỖ, giáo viên cũng phải dạy cho học sinh như thế. Còn ngoài xã hội, lâu rồi, DIỄN HÀNH phải nói thành DIỄU HÀNH cho giống “trên” nói, để chứng tỏ đã thống nhất và nêu cao ý thức “quán triệt chủ trương”, có sao đâu! Rồi nghĩa đúng đắn cái từ đơn “diễu” đó nó có bị “Quan sát kim thiết” chụp chết không, mà không thấy ai làm giấy khai tử, rồi chôn nó trong nghĩa trang nào cũng không ai hay. Kết cục trong hầu hết tự điển tiếng Việt thì nó trốn hồi nào cũng không ai biết.
Chuyện là như thế.
Xuân Thới
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net