Trưởng tàu Mỳ ôn tồn giải thích lỗi đi tàu không có vé cho hai anh em hành khách nhỏ vừa mới bị nhân viên kiếm soát phát hiện, dẫn về toa điều hành đoàn tàu để xử lý. Thằng anh độ mười ba mười bốn, đứa em chừng hơn mười tuổi trông còm cõi, tiều tụy. Giữa mùa Đông mưa lạnh mà cả hai anh em chỉ khoát trên mình hai chiếc áo mỏng và hai cái quần xà lỏn để lộ những đôi chân đen bóng, khẳng khiu. Đầu không nón, chân không dép.
Chúng khóc sướt mướt van xin đừng đuổi chúng xuống khỏi tàu giữa đêm hôm khuya khoắt và mưa lạnh thế nầy. Chúng năn nỉ nhà tàu cho chúng được đi thêm một đoạn nữa để về thăm bà ngoại đau nặng. Khi chiều nghe tin nhắn, thương ngoại quá, nhưng lại ở xa ngót hơn sáu, bảy mươi cây số đành liều lên tàu đi, tưởng sẽ trốn được. Mẹ còn bận đi làm công ngoài đồng ruộng trả nợ gạo mượn ăn mấy hôm rồi, chỗ làm cách xa nhà nên chưa nghe được tin, đi sau. Cha bị tai nạn qua đời hồi thằng em mới sáu tuổi.
Nhìn hai đứa nhỏ gầy gò, nước mắt ràn rụa trên hai khuôn mặt trông có vẻ nhà quê khờ khạo, Mỳ càng dịu dọng và gạn hỏi thêm. Chúng vừa khóc, vừa ấp úng kể lể cảnh côi cút cô đơn, Mỳ lặng im không nói thêm lời nào. Hồi lâu đứng dậy móc ví lấy tiền và bảo nhân viên bán vé bổ sung cho hai đứa nhỏ, khiến mọi người trong toa tàu ngạc nhiên đưa mắt nhìn.
Khi nghe thằng em mồ côi cha lúc mới sáu tuổi, trong Mỳ như nhói lên nỗi đau quá khứ của mình. Hai đứa nhỏ rách rưới khốn khổ đang đứng trước mặt là hình ảnh hơn hai mươi năm trước của anh em Mỳ trong những năm tháng chiến tranh loạn lạc.
Hai đứa nhỏ đi rồi, Mỳ nằm vật xuống chiếc giường gỗ dành cho mình, mắt nhắm nghiền, cả thân mình đu đưa theo nhịp lắc con tàu đang chạy. Không ngủ được nữa, đầu óc Mỳ lại miên man nghĩ đến cha mẹ, chị Hải, anh Bánh, đến những ổ bánh nguội sau buổi đi bán khuya anh nhín đem về âu yếm cho. Chuyện xưa hiện về như những thước phim quay cuồng sống động trong tâm trí Mỳ.
* * *
Như có linh tính báo trước cho vợ chồng ông bà Sáu một gia đình nông dân nghèo quanh năm sống an phận với ruộng đồng tận vùng trung du. Hằng ngày dù có bao nhiêu bữa ăn cũng chỉ cơm gạo, ngô khoai mà thôi, họa hoằng lắm cả năm mới có một đôi lần bánh xèo, bánh đúc cũng làm bằng thứ bột gạo tự tay bà Sáu chế biến. Ở gần núi, đứa con gái đầu lòng ông bà lại đặt tên Hải, hải chữ Hoa là biển, mà ông bà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ có thấy biển chỗ nào và ra sao đâu. Sau Hải, bốn năm tiếp bà sinh liền hai đứa trai đặt tên Bánh và Mỳ. Cũng như biển, cả nhà chẳng ai biêt cái bánh mỳ hình dáng như thế nào, làm bằng thứ bột gì. Nhưng ông có ngờ đâu chỉ một thời gian sau nữa thôi, trong cuộc mưu sinh mới, sẽ có lần ông bà đến tận biển, và cái bánh mỳ sẽ là cứu cánh cho gia đình ông.
Năm Mỳ lên sáu, Bánh lên tám và Hải mười tuổi. Người ta chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, đốt sạch nhà cửa xóm làng gom dân đến một nơi khác ở để hy vọng ngăn chặn được việc giao tiếp với phía bên kia.
Gia đình ông bà Sáu cũng không thoát khỏi số phận nghiệt ngã của thời cuộc. Ông Sáu đứng nhìn ngôi nhà tranh gọn gàng ngăn nắp mà ông bà đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức và thời gian xây dựng, đang ngùn ngụt cháy thành tro bụi mà lòng đau như cắt. Bà vật vã lăn lóc dưới mặt đất khóc than thảm thiết, tiếc sự nghiệp đời người bỗng chốc tan thành khói mây. Ba đứa nhỏ chưa biết gì đứng ngơ ngác nhìn. Sự nghiệp và đời sống kể từ hôm nay chỉ còn trong hai đôi quang gánh của ông bà với vài ang gạo, mấy bộ quần áo cũ, nồi niêu méo mó, chén dĩa khờn mẻ.
Cả đoàn, gồng ghánh dắt díu nhau ra đi mà cũng chẵng biết đi đâu, ở đâu.
Cuối cùng, khi chiều xuống, tất cả được đưa đến ở tạm trong một ngôi trường tiểu học của thị trấn cách xa làng cũ hơn mười cây số, trước khi chuyễn đến khu trại tạm cư đơn sơ đang xây dựng cách trường không xa. Trại, trên một khu đất rộng, người ta xây dựng nhiều dãy dài, bên trong ngăn thành từng ô rộng khoảng hơn 30 m2 cho mỗi gia đình. Khung trại toàn bằng tre, mái và ngăn cách giữa hai gia đình tất cả cũng toàn bằng Toles nên trời nắng nóng hầm hập, khi mưa chỉ một cơn nhỏ cũng ồn ào như giông bão. Bên nầy nói, bên kia nghe rõ mồn một.
Tại đây, thời gian đầu, cứ một tuần lễ hoặc mười ngày họ được cấp phát một số gạo, không có tiền, đủ cho gia đình năm miệng ăn như ông bà Sáu sống qua ngày. Thỉnh thoảng trẻ em được một hội từ thiện hoặc nhà hảo tâm nào đó mang đến phân phát mỗi đứa một ổ bánh mỳ to bằng trái bắp lớn làm bữa ăn sáng. Thế là cho đến lúc nầy cả nhà ông bà Sáu, lần đầu tiên biết được cái bánh mỳ, kể từ khi đặt tên cho con và cả hai đứa con trai biết cái bánh mình mang tên nó. Cái bánh sém màu lửa nướng, hai đầu nhọn và bị rạch một đường dọc trên thân.
Nhưng ông bà cũng như nhiều người dân ở đây chưa ai biết rõ bánh làm bằng loại nguyên liệu gì.
Dần dà số gạo ít ỏi đó cũng không còn được cấp phát, mọi người phải tự bươn chải tìm việc làm lo cho cuộc sống của mình ở nơi xa lạ tứ cố vô thân nầy. Vì vậy, vào kỳ khai giảng năm học mới, ba chi em Hải cũng chỉ còn mỗi Mỳ được đến trường mà thôi. Mặc dù lúc nầy chuyện học được chính phủ rất coi trọng, luôn luôn khuyến khích và trợ cấp, cho nên suốt năm học, phụ huynh và học sinh không phải đóng bất cứ một khoảng tiền gì. Em nào học giỏi còn được các nhà hảo tâm tặng sách vở và học bổng, có khi cả học bổng du học nước ngoài nữa.
Hải và Bánh sau khi nghỉ học, được ông Sáu dẫn đến lồ bành mỳ trong thị trấn bảo lãnh để hai chị em nhận bánh mang đi bán dọc đường và trong khu trại tạm cư. Từ đó, ngày mưa cũng như ngày nắng, một xuất từ sáng tinh mơ, một xuất trước khi mọi người sắp lên giường ngủ, người ta nghe tiếng rao bán lảnh lót buồn buồn của hai đứa trẻ sớm bon chen trong cuộc sống.
Lần lượt bà Sáu cũng nhập cuộc cùng hai con trong việc bán bánh mỳ, vì đi làm thuê công việc đồng áng cho người địa phương không còn được thường xuyên do càng ngày người đến đây ở càng đông, ruộng đất cũng thu hẹp bớt, người thừa, việc thiếu. Bà Sáu không phải mang bánh trong bao đi bán dạo như hai con, mà được ông Sáu với tay nghề thợ mộc nhà quê, thời gian vừa rồi đi làm các việc vặt vảnh khi có người gọi đến nhà, đã nhặt nhạnh gỗ tạp đây đó chắp nối cho bà một cái tủ thô sơ - đúng hơn là cái thùng – đặt ven con đường đất nơi ngã ba rẽ vào thị trấn và gần trường Mỳ đang học để bán suốt ngày cho người qua lại và học sinh. Ban đầu, bà Sáu cũng chỉ bán bánh vỏ, nóng nhận từ lò như hai con, về sau được nhà lò chỉ vẽ cách bán bánh có nhân bằng rau tươi, thịt heo quay và chả lụa. Nhiều người khen ngon và nhìn cách làm của bà sạch sẽ, càng ngày càng đắt hàng. Gia đình đỡ vất vả hơn hồi mới đến đây ở .
Đời sống gia đình ông bà Sáu cũng biến đổi theo cái bánh mỳ. Thu nhập của “mẹ con bà Sáu bánh mỳ” cộng với tiền công không lấy gì ổn định của “ông Sáu thợ mộc” cũng đủ xoay xở qua ngày tháng. Những âu lo khắc khoải cho cuộc sống cũng vơi dần, chỉ còn vết hằng sâu đậm trên khuôn mặt ông Sáu nỗi buồn xa quê, xa xứ. Đôi mắt sáng làm thợ của ông nay mang vẻ đăm chiêu xa vắng, và tính tình bỗng dưng thay đổi, lầm lì ít nói hơn hồi còn ở quê nhà. Cái hoạt bát khôi hài của “ông Sáu thợ mộc” ngày nào ở quê nay không còn nữa.
Kể như đời sống tạm bợ nơi xứ lạ quê người của gia đình ông bà Sáu có được chút ổn định tối thiểu, không đến nỗi phải tảo tần lam lũ nhiều. Hải lớn dần, và nhân khách ăn bánh của mẹ càng ngày đông thêm, ông Sáu quyết định Hải không phải đi bán dạo như trước mà ở nhà phụ mẹ từ sáng sớm ở tủ bánh ven đường. Vì vậy, bây giờ người ta chỉ còn nghe tiếng rao buồn bả quen thuộc của Bánh mà thôi.
Ông Sáu tuy là người ít học nhưng lại có suy nghĩ sâu xa, nhất là lòng thương con vô bờ nên khi đã có được cuộc sống tương đối thế nầy, nhiều lần ông khuyên Bánh nên tiếp tục việc học trở lại để tối thiểu cũng hết cấp hai. Bánh từ chối, một phần vì Bánh tự nghĩ nay mình đã quá tuổi, phần khác Bánh ý thức được tuy vậy cha mẹ nay cũng đã già. Hơn hết, ý chí Bánh nung nấu bấy lâu là quyết tâm hy sinh cho em Mỳ, để em học đến nơi đén chốn. Niềm hy vọng duy nhất ngày sau em sẽ là người thay đổi số phận gia đình, thoát cảnh bị khinh khi nghèo hèn dốt nát. Từ ý chí nầy, mỗi lần đi bán về, Bánh luôn nhín lại cho em một ổ để làm qùa khuyến khích. Cũng như tuy đi bán vất vả, khi về đến nhà có công việc gì Bánh luôn làm thay cho em, từ buông màn, giũ chiếu cho cha đến dọn dẹp nhà cửa.
Trước khi rời bỏ quê hương ra đi, chị em Hải, Bánh chẵng những đều được đi học, mà còn là những học sinh giỏi ở trường làng. Đó cũng là điều ông Sáu ân hận và tiếc nuối, nên luôn luôn căm giận người gây ra cuộc chiến tranh phi lý nầy.
* * *
Thời gian qua nhanh, mới đó mà nay Hải và Bánh đã “lớn sồ sộ”, tới tuổi trưởng thành. Hải đi có chồng ở tuổi mười chín lấy người cùng quê và cùng ở trong khu tạm cư. Hải về nhà chồng mang theo cả nghề bán bánh mỳ tình cờ của mẹ làm của hồi môn và làm kế sinh nhai.
Bánh chưa đến tuổi công dân nhưng có lẽ giống cha mẹ phương phi vạm vỡ như một thanh niên thực thụ, suy nghĩ lại già dặn hơn bạn bè, có lẽ do lăn lộn với đời sớm. Sau khi không đi bán bánh mỳ và từ chối đi học trở lại, Bánh theo người trong trại học nghề thợ xây. Nhờ sáng dạ và như có gen kỹ thuật của cha, không bao lâu sau Bánh thành thợ chính, tay bay tay thước giỏi giang, ngày ngày đi làm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học.
* * *
Khi cuộc sống bớt khó khăn lại là lúc gia đình gặp rủi ro. Trong một lần đi làm, ông Sáu bị tai nạn, và trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu, ông đã trút hơi thở cuối cùng về với ông bà trong sự thương tiếc chẳng những của gia đình và người thân, mà còn của hầu hết láng giềng, vì ông Sáu là người có cách ăn ở với cộng đồng được quý trọng và thương yêu. Ông Sáu chêt đi chỉ được nhìn gia đình bắt đầu có những niềm vui vật chất nho nhỏ và sự trưởng thành của con cái. Nhưng lại mang về bên kia thế giới nỗi buồn chưa được về lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, chưa được thăm lần cuối mồ mả tổ tiên như bao nhiêu năm lòng ông canh cánh mong chờ.
Gánh nặng gia đình từ nay chuyền qua vai người con trai mới lớn, vì bà Sáu cũng bắt đầu vào già và nhất là thời gian lam lũ quá lâu của một phụ nữ trong cuộc mưu sinh biến đổi đột ngột đã làm bà như kiệt sức trước tuổi.
* * *
Vậy là mười năm đằng đẳng xa quê hương, nhưng sự trưởng thành của mấy chị em con ông bà Sáu tưởng như chỉ một khoảnh khắc đã trôi qua.
Ngày kết thúc chiến tranh, về lại quê xưa làng cũ, kẻ mất người còn, kẻ tay bồng tay bế. Mảnh vườn xưa của gia đình ông Sáu nay như một khu rừng nhỏ cây cỏ rậm rạp. Vắng bóng người bấy lâu cây dừa, cây mít như cũng buồn thân phận lẻ loi không đơm hoa kết trái, mà trên mình còn mang những vết hằng do bom đạn gây nên, trông chúng càng ủ rủ xác xơ
Cảnh hoang dã tiêu điều của hầu hết các khu vườn không người chăm sóc nhiều năm, và sự hiểm nguy của bom đạn còn sot lại sau cuộc chiến đang chờ đợi công sức mọi người. Với Bánh càng khó khăn hơn, vì Bánh vào đời bằng tay bay thay thước, ở nhà tạm trên một nền đất chỉ hơn ba mươi mét vuông, không có chút kinh nghiệm nào về ruộng vườn, rừng rẫy, cha lại mất sớm, không người dắt dẫn nên không khỏi bỡ ngỡ. Thêm vào đó ý chí hy sinh cho em, niềm hy vọng đổi đời của gia đình luôn luôn thôi thúc Bánh phải cố sức. Vì vậy, Bánh một mình phải gánh vát mọi chuyện, từ nuôi mẹ, lo cho em, thay cha xây dựng lại một cơ đồ từ đầu như người đi khai cơ lập nghiệp giữa rừng hoang.
Giống như mọi người, lần lượt Bánh cũng lo được cho gia đình chỗ ở trong khi dành tất cả thì giờ cho việc khai vỡ ruộng nương kịp thời vụ, ổn định cái ăn hằng ngày, vì bây giờ không còn nguồn thu nhập từ khoảng tiền công thợ hồ nữa. Và cũng như hồi còn đi bán bánh mỳ hay làm thợ xây ngoài thị trấn, Bánh luôn luôn nhắc nhở em không được xao lãng việc học hành, em là nièm hy vọng cho cả nhà kể cả vong linh cha nơi xa xăm khuất vắng. Công viêc trong nhà Bánh luôn giành rước và nhường nhịn cho em tất cả để em có điều kiện học hành. Nhà nghèo, lại mới trở về từ khu tạm cư, với vô vàn khó khăn chồng chất. Tài sản có giá trị nhất trong nhà lúc nầy chỉ là chiếc xe đạp cũ kỹ. Ngày xưa từng là phương tiện Bánh đi bán bánh mỳ, sau đó đi làm thợ hồ, nay chuyễn lại cho em để Mỳ ngày hai bận đi về từ quê ra lại thị tấn học trường huyện, vì nơi đây dân chúng mới hồi hương, lại là vùng sâu, vùng xa miền trung du nên chưa xây dựng được trường lớp.
Qua hai năm cật lực làm việc, đến nay cuộc sống tương đối ổn định, cái ăn chính là gạo không còn phải đong từng bữa ngoài chợ như trước nữa, Bánh lại bắt tay vào việc sửa chữa cái trại tạm làm ngày mới về để thành ngôi nhà tranh có vách đất cứng cát hơn phòng khi mưa dầm, gió lớn. Từ cái trại đến nhà tranh vách đất hôm nay, vật dụng trong nhà thường cái mà Bánh lo tước tiên là chỗ để hằng đêm thắp nhang cho cha và hằng ngày Mỳ học tập.
Hai cái bàn đơn sơ cũng nhặt nhạnh ván gỗ từ thị trấn mang về.
Cũng trong thời gian nầy, một lần nữa, rủi ro lại ập đến với người con trai tháo vát và hiếu nghĩa. Bà Sáu sau mấy ngày sốt cao lại thiếu thuốc men biến thành tê bại nửa thân người. Qua cơn sốt bà liệt nửa thân người bên trái và nằm, ngồi trên giường, không còn đi lại được nữa, cũng may nhờ có Hải nay cũng ở gần, và Mỳ đang còn trong dịp nghỉ hè nên ba chị em cùng nhau lo cho mẹ. Về sau cũng chỉ mỗi một mình Bánh chăm sóc.
Cuộc sống neo đơn, thiếu thốn vật chất của mẹ con bà Sáu nhưng tràn đầy tình thương và quý mến của láng giềng, có lẽ vì tính cách xề xòa của bà Sáu và sự đùm bọc của các con. Cả ba chị em đều an phận, không đua đòi, nhất là lòng hiếu thảo với cha mẹ, đến nỗi người lớn tuổi cũng thấy kính trọng nể nang. Từ đó, không ít những cô gái và phụ huynh của họ trong làng để mắt đến chàng trai gần như mẫu mực nầy. Bánh ngược lại, chưa dám nghĩ tới chuyện riêng tư cho mình trong lúc nầy. Cái ưu tư, lo lắng lúc nào cúng canh cánh trong lòng mình là việc học hành của em.
Mỳ là một học sinh luôn siêng năng và học giỏi, nên rất ham học, nhưng thấy anh mình quá vất vả vì gia đình khó khăn, mẹ lại bệnh hoạn, có lúc Mỳ xin anh được thôi học để phụ giúp, Bánh một mực không cho, còn nhỏ nhẹ khuyên răn em không nên nghĩ đến anh, mà phải nghĩ đến tương lai bản thân và gia đình mới là điều cần thiết.
Bánh tuy sinh ra ở một vùng quê xa xôi lạc hậu, nhưng trước đây cũng là một học sinh giỏi, đã từng đươc thầy giáo khen và thưởng dưới cờ liên tục suốt mấy năm ở trường làng, hoàn cảnh đất nước chiến tranh đưa đẫy Bánh đành bỏ dở. Vì vậy, mọi đam mê, ước muốn Bánh dành hết cho em, lo cho em.
Cho đến khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông, Mỳ vẫn luôn là một học sinh giỏi đều cac môn. Trong ngôi nhà vách đất thô kệt không tô phẳng, quét vôi lại nổi bật những giấy khen in màu sặc sỡ, cũng là những ước muốn của bạn bè và nhiều bậc cha mẹ.
Tự biết khả năng và niềm đam mê của mình, cũng như những lời khuyên và góp ý của thầy cô và bạn bè, Mỳ cũng muốn sau nầy được làm một nghề kỹ thuật nào đó, nhưng nghĩ đến cái khó khăn của gia đình và sự hy sinh quá nhiều của anh. Mỳ không dám nộp đơn thi vào trường bách khoa, kỹ thuật. Cũng như về nhà cũng không dám nói ra nguyện vọng của mình, sợ biết được anh sẽ chiều ý, dẫn đến hy sinh thêm nữa trong khi anh đã lo cho quá nhiều rồi.
Đang lúc phân vân chưa biết phải học nghành nào, tình cờ Mỳ nghe được tin Tổng cục đường sắt tuyển sinh đào tạo lớp kiểm soát viên tàu lửa, học hai năm và được nuôi ăn, ở ngay trong trường, Mỳ liền làm thủ tục xin thi. Mỳ nghĩ, nếu may ra trúng tuyển, sẽ bớt cho anh gánh nặng hằng tháng phải gởi tiền nuôi mình trong thời gian theo học, nếu là học các ngành khác.
Hơn nửa tháng sau khi đi thi về, một buổi sáng, trong khi đang lúi húi ngoài giếng giặt giũ quần áo cho mẹ, Mỳ nhận được giấy báo trúng tuyển do người đưa thư của xã mang đến, mà lại đạt điểm cao trong số năm mươi người trúng tuyển của hơn hai ngàn thí sinh dự thi. Mỳ vui mừng đến bàng hoàng, chạy ngay vào nhà ôm chầm lấy mẹ la to “con đậu rồi, con đậu rồi”. Quên cả cảm ơn người đưa thư và thau áo quần đang giặt dở dang ngoài giếng. Bà Sáu sau cơn bạo bệnh nói năng khó khăn cũng mỉm cười hân hoan cùng con với cái miệng méo xệt nửa như mừng nửa như tủi. Và, những giọt nước mắt tưởng chừng đã khô cạn cùng nắng mưa năm tháng chất chồng, lại lăn dài theo các vết nhăn trên khuôn mặt héo hon cháy nám.
Rồi như sực nhớ điều hệ trọng nữa, Mỳ đến đốt nhang trên bàn thờ cha, xong cầm giấy báo chạy một mạch ra đồng ruộng tìm anh. Từ xa, Mỳ đã la to “Em đậu rồi, em đậu rồi!” và sau đó anh em lại ôm chặt lấy nhau vui mừng trước đám đông nông dân đang gặt lúa dừng tay đứng trố mắt nhìn. Những giọt nước mắt sung sướng nóng hổi nhỏ ướt vai nhau. Những lời khen ngợi anh em Bánh có ý chí không ngớt.
Mặt trời lên cao, nắng buổi sáng mùa Hè bắt đầu nóng rát, mà anh em Bánh tưởng như hôm nay trời xanh hơn và dịu mát hơn mọi ngày.
Mọi người hối thúc Bánh nghỉ tay cùng em về nhà để tận hưởng niềm hạnh phúc anh em theo đuổi bấy lâu nay đã có kết quả. Một kết quả của lòng hy sinh và ý chí đổi đời của những đứa trẻ con nhà nghèo.
Suốt mấy đêm liền Mỳ không ngủ được, Bánh cũng không đi dạo chơi quanh xóm như mọi đêm. Đầu óc hai anh em cứ như quay cuồng, buồn vui lẫn lộn, và lo lắng nữa. Theo giấy bào chỉ còn mấy hôm thôi Mỳ sẽ đi nhập học xa. Mỳ nghĩ đến nỗi buồn phải xa mẹ, xa anh chị đến cả ngàn cây số mà lại lần đầu tiên sống một mình. Mỳ biêt anh không nói ra nhưng trong lòng cũng bồn chồn không ít, vì tuy được nhà trường nuôi ăn ở nhưng còn tiền xe đò, quần áo, mà hiện tại biết nhà không có sẵn.
Cuối cùng mọi việc cũng qua, Bánh bán bớt một ít lúa, biết như vậy sẽ không đủ gạo ăn đến giáp hạt nhưng cũng đành, và mượn thêm tiền của bà con.
Vợ chồng chị Hải từ ngày nghe em thi đậu cũng mừng rỡ vô cùng, vì cả nước nhiều người thi mà Mỳ trúng tuyễn thật quá may mắn cho gia đình. Không dư dả gì nhưng anh chị cũng cố sắm cho em bộ quần áo mới để có với bạn bè.
Những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi lại hoen trên mi mọi người khi nhìn Mỳ khoát lên vai chiêc túi xách du lịch nhỏ đã bạc màu, nối quay, bịn rịn cúi chào mọi người để ra đi.
Mấy tháng sau, khi việc ăn ở, học hành ổn định, một hôm nhân có người về quê, Mỳ gởi cho anh một ít tiền dành dụm được trong khoảng học bổng hằng tháng để anh trả bớt nợ lo cho mình ngày đi.
Cầm mấy tờ giấy bạc ít ỏi và lá thư của em, Bánh ứa nước mắt vừa giận, vừa thương. Giận em vội vã quá, không giữ lại để hộ thân trong khi xa nhà, thương là ghi nhận em có ý thức với gia đình, với số tiền ít ỏi vẫn tằn tiện không tiêu xài hoang phí để gởi về.
Hai năm miệt mài học tập, cuối cùng Mỳ cũng được đền đáp bằng tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Đậu cao, Mỳ có quyền mơ ngày được gọi đi làm chắc sẽ không còn xa, niềm mơ ước phụ anh chữa bệnh cho mẹ sẽ thành hiện thực.
Cho đến lúc nầy Bánh đã xấp xỉ ba mươi tuổi, trong đầu mới loáng thoáng nghĩ đến chuyện lập gia đình, nhưng cũng chỉ nghĩ thế thôi chứ chưa dám, vì nhận thấy nhà còn khó khăn quá, nhất là em Mỳ chưa được đi làm là chưa hoàn toàn như mong muốn. Đã nhiều lần mẹ, chị và bà con thấy Bánh vất vả quá đã góp ý Bánh lấy vợ nhưng Bánh từ chối vì sợ sẽ mang tiếng tìm người về san sớt việc nuôi mẹ bệnh hoạn. Mà chắc gì người đó phục vụ mẹ được như Bánh, lại thêm buồn.
* * *
Cái ngày mà Mỳ vò võ đợi chờ được đi làm, và những giấc mơ cùng con tàu xuyên qua bao nhiêu cảnh lạ và đẹp của quê hương thân yêu suôt từ Nam ra Bắc cuối cùng cũng đến.
Một ngày đầu Đông năm ấy, sau hơn năm tháng nhận bằng tốt nghiệp, Mỳ tiếp tục nhận giấy báo đi làm để quen việc chuẩn bị cho những đoàn tàu tăng cường trong dịp Tết Âm lịch sắp đến. Cả nhà như rộn lên niềm vui và hạnh phúc, mọi người đếu hớn hở hân hoan, đến bà Sáu tai chỉ nghe tiếng được tiếng mất cũng tỉnh táo hơn và tươi tỉnh hơn. Đôi măt bệnh hoạn u uất bấy lâu, nay cũng nhìn anh em Bánh thiết tha trìu mến.
Ước mơ và ý chí của anh em Bánh bấy lâu nay đã thành hiện thực, gia đình bà Sáu đến lúc đổi thay như ý muốn. Mỳ ngoài thời gian đi theo đoàn tàu, về lại khu tập thể nhận dạy kèm một số con em đồng nghiệp để có thêm thu nhập phụ giúp anh.
Trong cuộc sống gia đình sau đó, Mỳ đã tằn tiện tích lũy gởi về cho anh xây lại ngôi nhà gạch nhỏ nhưng khang trang ngăn nắp. Bà Sáu có thêm thuốc thang sức khỏe cũng dần dần tốt hơn. Nhân một chuyến ghé thăm của trưởng bộ phận kiểm soát tàu, thấy rõ hoàn cảnh gia đình Mỳ, nhất là bệnh tình của mẹ, về tổng công ty ông đề xuất tặng cho bà chiếc xe lăn để dễ xê dịch trong nhà.
Đến lúc nầy Bánh đã có một thằng cu gần hai tuổi kháu khỉnh, niềm vui lớn nhất của bà nội bênh hoạn. Vợ Bánh người cùng làng, mất mẹ từ lúc mới về lại quê hương. Trong một lần làm lụng ngoài vườn, bà dẩm phải trái đạn còn sót sau chiến tranh. Đạn nổ, bà chết tức tưởi.
Có lẽ vì quý trọng đức hạnh của anh em Bánh và nỗi đau tai nạn của mẹ mình, vợ Bánh hết lòng lo cho chồng cho em và dồn hết tình thương cho mẹ chồng. Từ ngày có con dâu thương yêu và tận tình chăm sóc đúng mưc, bà Sáu cũng tươi tỉnh thêm lên.
Qua mấy năm đi kiểm soát trên tàu, Mỳ luôn luôn tỏ ra có năng lực và ý thức trách nhiệm, chịu khó học hỏi nên được đề bạt làm trưởng tàu. Một trưởng tàu có uy tín được cơ quan tin tưởng, đồng nghiệp yêu thương.
Xuân Thới
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net