LỜI GIỚI THIỆU:
Nhằm cung cấp cho độc giả một số kiến thức liên quan đến mọi vấn đề, Ban Điều Hành chọn đăng một số bài viết hay tài liệu đặc biệt.
Dù có ghi nguồn của tài liệu hay không, phần trách nhiệm thuộc về tác giả, việc nhận định hay áp dụng tùy thuộc vào độc giả. Đây cũng không là chủ trương hay quan điểm của Ban Điều Hành.
Xin giới-thiệu cùng độc-giả bài viết "Từ Đồng-minh Chiến-lược đến Đối-thủ Chiến-lược" của tác giả Chu Sa dưới đây.
Ban Điều Hành
www.nuiansongtra.net
- - - - - - - - - - - - - - -
TỪ ĐỒNG MINH CHIẾN LƯỢC ĐẾN ĐỐI THỦ CHIẾN-LƯỢC.
Chu Sa
Phần I:
November 5th, 2002.
1. Tổng Thống W. Bush với cái nhìn toàn diện
Tổng Thống Bush quyết định thiết kế "hàng rào hỏa tiễn chống hỏa tiễn" để bảo vệ Hoa Kỳ và các nước đồng minh trên toàn thế giới, nhất là vùng Á Châu, thì người ta liên tưởng ngay đến Nhật Bản và Đài Loan là hai nước có quân đội mạnh nhất trong vùng. Sở dĩ không đề cập đến Nam Hàn - không phải vì nơi đó đã có sẵn quân đội Hoa Kỳ đồn trú rồi - nhưng vì Tổng Thống Kim Đại Trọng có gốc thiên Tả, nên không được Hoa Kỳ tin cậy cho lắm. Tuy nhiên cũng chính CIA của Hoa Kỳ đã cứu ông ta khỏi chết khi mật vụ của Tổng Thống Phác Chánh Hy đã đem ông ta ra thả ngoài bể, nhưng nhờ Hoa Kỳ biết được nên đã cho phi cơ bay ra thả hỏa châu làm sáng cả vùng bể khiến cho mật vụ Nam Hàn không dám quẳng ông ta xuống bể nữa.
Nhưng nay ông đã trở thành tổng thống Nam Hàn vì dân chúng - quá chán ghét chế độ độc tài của một số tướng lãnh - nên đã dồn phiếu cho ông thay vì bỏ cho đối thủ của ông, nhưng lại là con bài của phe tướng lãnh. Nay thì ông ta muốn bắt tay với Kim Chính Nhật, tên cộng sản độc tài của Bắc Hàn, để thực hiện mộng thống nhất đất nước.
Nếu ông nuôi ảo mộng đó, thì ông Kim Đại Trọng không sớm thì muộn thế nào cũng bị tên Kim Chính Nhật lừa y hệt như Hồ Chí Minh đã gạt các chính đảng quốc gia ở Việt Nam vào năm 1945. Tổng Thống Bush ngoài miệng thì nói không tin Kim Chính Nhật, nhưng biết đâu trong thâm tâm của ông ta cũng không mấy tin tưởng vào sự thành thật của ông Kim Đại Trọng, vì trong kỳ họp hội nghị thượng đỉnh tại Okinawa, Nhật Bản, của một số lãnh tụ thế giới, ông Kim Đại Trọng - sau khi họp riêng với Tổng Thống Nga Putin - đã nói theo luận điệu của ông nầy về lãnh vực chống hỏa tiễn liên lục địa, đi ngược lại chính sách của Tổng Thống Bush, khiến bộ Ngoại Giao Nam Hàn phải lật đật lên tiếng cải chánh, và sau đó ông Kim Đại Trọng đã lên tiếng hối tiếc có sự hiểu lầm.
Nhưng đối với mọi người, nhất là Hoa Kỳ, thì lời tuyên bố đầu mới thể hiện đúng những suy tư thầm kín của ông, còn lời tuyên bố sau là vì ông bị áp lực của bộ Ngoại Giao mà phải nói. Cũng vì vậy mà chưa chắc Hoa Kỳ sẽ dùng Nam Hàn làm một trong những căn cứ tiếp vận cho "hàng rào hỏa tiễn chống hỏa tiễn" của họ trong tương lai ở Á Châu. Trong trường hợp mà vì bắt buộc họ phải dùng Nam Hàn để làm căn cứ cho chương trình hàng rào hỏa tiễn của họ, thì biết đâu vào một ngày tối trời nào đó, lại sẽ có máy bay thả hỏa châu giúp cho một tướng lãnh Nam Hàn đứng ra đảo chánh ông tổng thống thiên Tả, thân Cộng này cũng nên!
Sau cuộc chiến tranh 8 năm với Iran, Iraq đã được Liên Xô đổ cố vấn quân sự và chiến cụ tối tân nhất vào giúp nên đã trở thành một nước có một đạo quân hùng mạnh đứng vào hàng thứ 4 trên thế giới, sau Liên Xô, Hoa Kỳ và Trung Cộng. Nhờ vị trí địa dư gần Liên Xô nhất, nên Iraq với nguồn lợi thiên nhiên về dầu hỏa dồi dào vào bậc nhì ở Trung Đông, chỉ sau Ả Rập Saudi, đã được Liên Xô đặc biệt chú ý đến. Mặt khác Iraq lại là một khách hàng giàu có, dư điều kiện trả tiền, thì đó là một điểm son đối với Liên Xô; nhất là khi người cầm đầu Iraq lại là kẻ thù không đội trời chung với Do Thái.
Mặc dầu đứng về phía Đồng Minh - lên án hành động xâm lăng Kuwait của Iraq - nhưng Liên Xô vẫn còn lưu lại Iraq hơn 2000 cố vấn quân sự kèm theo một số quân cụ có kỹ thuật hiện đại để giúp Iraq tiếp nhận những tin tức điều động quân sự của quân đội Đồng Minh do các vệ tinh của Liên Xô chuyển về. Năm 1991, vài ngày trước khi quân đội Đồng Minh mở cuộc tấn công ồ ạt bằng Không quân vào các phòng tuyến của quân đội Iraq, thì cựu tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon có viết:
-"Nếu chúng ta cần phải tham gia cuộc chiến, thì đó cũng không hẳn là vì dầu hỏa hay là vì dân chủ. Sở dĩ chúng ta tham dự cuộc chiến nầy là vì Hòa Bình - không phải riêng cho Hòa Bình trong thời đại của chúng ta mà thôi - mà chính là cho Hòa Bình của các thế hệ mai sau. Hành động tham gia vào cuộc chiến ở Vùng Vịnh của chúng ta có một mục đích cao cả về đạo đức".
Nhưng mỗi quốc gia trong cuộc đã hiểu và áp dụng hai chữ "đạo đức" một cách khác nhau, tùy theo chủ trương và quyền lợi riêng của nước họ.
Mặc dầu lúc đó Liên Bang Xô Viết cũng gần tan rã đến nơi rồi, nhưng chúng ta cũng cứ thử bắt đầu từ Liên Xô trở đi. Qua tuần lễ đầu, sau khi không quân Đồng Minh oanh tạc dữ dội Iraq, số cố vấn quân sự còn trên lãnh thổ Iraq không dưới 1700 người; nhưng Liên Xô lại tuyên bố số cố vấn nầy chỉ có 145 người và đều là những tên ngoan cố không tuân lệnh rút về của Gorbachev. Lời tuyên bố vô lý nầy chứng tỏ Liên Xô vẫn trắng trợn coi thường dư luận quốc tế.
Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, Liên Xô đã chơi trò thò lò 2 mặt, vừa đứng vào phe Đồng Minh, vừa đi đêm với Iraq. Kể từ thời đại các Sa hoàng cho đến cuối thập niên 1990, nước Nga - dù ở dưới chế độ nào - cũng vẫn luôn luôn nuôi mộng làm bá chủ ở Trung Đông.
Dưới chế độ Cộng Sản và trong thời kỳ "chiến tranh lạnh", Liên Xô luôn luôn tìm đủ mọi cách để gây ảnh hưởng tại các nước Ả Rập theo Hồi giáo trong vùng như Ai Cập, Syria, Iraq, Yemen, Lybia và ngấm ngầm cổ xúy phong trào tiêu diệt nước Do Thái, một quốc gia được Hoa Kỳ hết lòng bảo trợ. Chủ trương của Nga - từ lúc đó cho đến bây giờ - là gây ảnh hưởng tại các nước Ả Rập trong vùng Trung Đông - bằng cách bán chịu vũ khí cho họ để họ có phương tiện gây chiến với Do Thái.
Cũng xin lưu ý bạn đọc là tất cả các nước Ả Rập ở Trung Đông đều sống dưới chế độ độc tài phát xít nhưng lại ngụy trang dân chủ qua những cuộc bầu cử gian lận, giống như ở Nga từ gần một thế kỷ nay.
Nhìn lại lịch sử các cuộc chiến tranh giữa Do Thái và các nước Ả Rập bao quanh nước nầy ở Trung Đông, chúng ta sẽ thấy - cứ mỗi khi quân Do Thái sắp sửa chiến thắng quân đội của các nước Ả Rập, thì Liên Xô lại nhảy vào can thiệp, đòi Hoa Kỳ phải áp lực với Do Thái và buộc nước nầy phải ngưng chiến. Đã hai lần Liên Xô đã biến thảm bại quân sự của khối Ả Rập thành thắng lợi chính trị cho họ.
Lần nầy cũng vậy, khi thấy quân đội Iraq bị thiệt hại quá nặng nề vì các cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ, thì Liên Xô lại nhảy ra đóng vai trò trung gian hòa giải. Nhưng trái với những cuộc chiến tranh trước ở Trung Đông mà lúc nào Hoa Kỳ cũng bị Liên Xô luôn luôn chơi gác về ngoại giao, lần nầy Hoa Kỳ chủ động về mọi mặt trong khi đó thì Liên Xô đang bị tình hình kinh tế và chính trị nội bộ làm cho mất hết khả năng lung lạc tình hình chính trị thế giới.
Một chuyện tréo cẳng ngỗng nữa trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là không phải tòa Bạch Ốc định ngày 15-1-1991 là thời hạn chót của tối hậu thư Đồng Minh gửi cho Iraq. Người chủ xướng thời điểm nầy lại chính là Gorbachev và tin nầy được tiết lộ do tình báo của Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương và cũng do tuần báo Newsweek, cơ quan bán chính thức của Ủy Hội Tay Ba (Trilateral), số ra ngày 28-1-91, trang 44. Liên Xô đã chọn thời biểu nầy vì đó là ngày mà Mạc Tư Khoa ra lệnh dùng quân đội đàn áp phong trào tranh thủ độc lập của các quốc gia trong vùng Baltic. Gorbachev đã âm mưu dùng bom đạn ở Trung Đông để làm tấm màn khói che đậy cuộc đàn áp các dân tộc vùng Baltic do y chủ trương.
Những hành động bỉ ổi của Liên Xô trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh khó mà kể ra cho hết. Ngoài mặt Liên Xô không phản đối hành động quân sự của Đồng Minh, nhưng trong khi đó thì họ lại ngấm ngầm tiếp tế vũ khí và quân cụ cho Iraq qua ngã Jordan và Iran. Hai tuần sau khi chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ, một tuần dương hạm của Hoa Kỳ tại Hồng Hải đã chận xét một tàu buôn Nga chở lậu chiến cụ của Liên Xô chuyển cho Iraq qua ngã Jordan.
Trong khi chiến tranh tiếp diễn, thỉnh thoảng đài phát thanh Jordan lại lên tiếng tố cáo phi cơ Đồng Minh oanh tạc một số xe buýt chở hành khách. Thực ra đó là những chiếc xe buýt chở lậu chiến cụ từ Jordan qua Baghdad để tiếp viện cho Iraq. Tất cả những chiến cụ nầy đều xuất phát từ Hắc Hải thuộc hải phận Liên Xô, chạy ra Địa Trung Hải, qua kênh đào Suez để vào Hồng Hải, rồi cặp bến tại hải cảng Aqaba của Jordan. Hành động của Liên Xô là luôn luôn giữ cảm tình của Iraq để sau nầy còn tái võ trang cho Iraq sau khi chiến tranh Trung Đông chấm dứt.
Có một thời gian báo chí Tây phương từng loan tải là viên đại tá Alknis thuộc quân khu vùng Baltic, hiện là một đại biểu quốc hội Nga, đã lên diễn đàn quốc hội và ra thời hạn 30 ngày cho Gorbachev phải lập lại trật tự trong nước nếu không "những người yêu nước" sẽ đứng ra lãnh nhiệm vụ này. Dư luận Tây phương lúc bấy giờ rất lo cho số phận của Gorbachev, trong khi đó thì ông ta vẫn thản nhiên như không vì viên đại tá nầy chỉ là một tên "cò mồi" của Gorbachev mà thôi. Ngay cả vụ đàn áp đẫm máu tại Lithuania làm 18 người dân bị thiệt mạng, Gorbachev cũng biện bạch rằng ông ta không hề biết trước chuyện động trời nầy và việc giết người dã man nầy là do một số quân đội "vô kỷ luật" làm!
Vì e ngại cho ngôi báu của người được giải hòa bình Nobel và vì cần sự ủng hộ của Gorbachev trong cuộc chiến tranh ở Trung Đông mà Tây Phương đã chỉ lên tiếng phản đối chiếu lệ. Trước khi Gorbachev mở cuộc "tấn công hòa bình" nhằm vô hiệu hóa chiến thắng của Hoa Kỳ và Đồng Minh, thì mật vụ KGB của Liên Xô và quân báo GRU của Hồng quân đã đồng loạt vận động báo chí mở cuộc tấn công đả kích "chủ trương tàn phá Iraq" của Hoa Kỳ và cực lực bênh vực Saddam Hussein.
Tờ Gazette Littéraire ra ngày 15-1-91 viết:
-"Một số lớn tướng lãnh Liên Xô luôn luôn giữ mối cảm tình đặc biệt đối với Saddam Hussein".
Tờ Sovietskaia Rossia ra ngày 18-1-91 viết:
-"Tại sao người ta lại có thể lên án Iraq? Tại sao dư luận Nga và thế giới không đòi hỏi việc hủy bỏ một số võ khí của một kẻ xâm lăng khác là Do Thái... và trừng trị Hoa Kỳ về vụ tấn công Granada và Panama?" Ngày 22-1-91, báo Sự Thật (Pravda) của đảng Cộng Sản Nga đăng tít lớn "Quyền lợi về kinh tế đã khiến Hoa Kỳ hành động".
Cũng trong ngày đó, thống chế Akhromeniev, cố vấn quân sự của Gorbachev, yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải can thiệp vào Trung Đông để tiến tới một giải pháp hòa bình cho cả hai bên. Và để đề phòng lá bài Iraq thất bại, Gorbachev đi tìm một con bài khác dự phòng cho thế đứng tương lai của Nga tại Trung Đông: đó là Iran. Để nắm quân đội, Gorbachev đưa một số tướng tá của Phòng 3 thuộc cơ quan KGB qua chỉ huy những sư đoàn tinh nhuệ của quân đội Liên Xô.
Trong hệ thống KGB, phòng 3 có nhiệm vụ theo dõi nội tình và lòng trung thành của quân nhân đối với Đảng. Khi còn làm giám đốc "Cơ Quan Hành Chánh" (1980-1985), Gorbachev từng bổ nhiệm tướng Doushine làm trưởng phòng 3 của cơ quan KGB. Năm 1989, Gorbachev thay Doushine "hơi cứng đầu" bằng tướng Serguiev "dễ bảo hơn". Đến mùa thu năm 1990 thì Gorbachev đã bố trí xong người của ông ta vào phòng 3 KGB và 14 quân khu bộ binh cũng như 4 quân khu Hải quân của Liên Xô. Vốn tiến thân là nhờ KGB, nên Gorbachev - hơn ai hết - hiểu rất rõ là muốn nắm quyền bính lâu dài ở Liên Xô thì phải nắm chặt mật vụ KGB.
Do đó, ông ta đã bổ nhiệm một người bạn thân là Krioutchkov vào chức vụ tổng giám đốc mật vụ KGB. Sau đó, ông ta lại đưa thêm một người bạn thân khác là Boris Pugo, một viên tướng của KGB vào chức vụ giám đốc MVD, cơ quan an ninh quốc nội. Pugo là người gốc Estonia. Năm 17 tuổi, Pugo được Arvid Pelche nhận làm con nuôi. Pelche là một ủy viên Bộ Chính Trị dưới triều đại Brejnev và là một tên đồ tể khét tiếng, từng sát hại hàng chục ngàn người yêu nước Estonia.
Sau khi đã bố trí xong guồng máy bảo vệ ngôi báu của mình rồi, Gorbachev bèn đưa ra một số sĩ quan KGB qua chỉ huy các sư đoàn tinh nhuệ nhất của Hồng quân Liên Xô. Đoạn y tuyên bố giải tán ngành sĩ quan chính trị nhưng thật ra chỉ giải tán ngành giảng dạy lý thuyết Cộng Sản, một lý thuyết không còn đảng viên nào thực sự tin tưởng.
Gorbachev cũng như những người cộng sản khác chỉ là một anh chàng đạo đức giả. Lời nói và việc làm của y luôn luôn trái ngược nhau. Miệng thì nói ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, nhưng trong bóng tối lại vận tải vũ khí tiếp tế cho Iraq. Miệng hô hào thế giới hợp tác và chung sống hòa bình nhưng trong thực tế lại xúi bẩy các nước thù nghịch nhau để bán vũ khí kiếm lợi nhuận và tạo ảnh hưởng chính trị. Ông ta van xin viện trợ thực phẩm, nhưng lại cho phao tin thực phẩm viện trợ có thuốc độc để nhân dân Nga thù ghét Tây Phương. Ông ta thu hồi giấy bạc 50 và 100 Rúp (Ruble) để triệt hạ tư sản trong nước nhưng lại đổ cho nước ngoài đổ bạc giả vào Liên Xô để phá hoại nền kinh tế nước Nga. Ông ta hô hào cải cách nhưng lại tái lập độc tài chuyên chế khiến những người từng xả thân cho sự nghiệp cải cách của ông ta phải bỏ đi vì thất vọng với những "cải cách bằng miệng" của ông ta.
Có 3 mục tiêu chính, quan trọng như nhau, trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh:
a. Mục tiêu thứ nhất là Hoa Kỳ cần triệt hạ thế lực của Liên Xô tại Trung Đông qua Iraq. Chính Liên Xô đã xúi Iraq xâm chiếm Kuwait, để rồi từ đó tràn tới Ả Rập Saudi và các tiểu quốc nằm trên bán đảo Ả Rập. Để che đậy âm mưu nầy, Liên Xô phải giả bộ đứng vào phe lên án Iraq và đòi Iraq phải rút ra khỏi Kuwait. Liên Xô tin rằng - cho dù Hoa Kỳ có tập trung quân tại Trung Đông - cũng chỉ để "hù" cho Iraq sợ mà thôi.
b. Mục tiêu thứ 2: Nếu không nhân cơ hội nầy tiêu diệt ngay tiềm lực quân sự của Iraq, thì chỉ vài năm nữa thôi là Do Thái không làm sao chịu nổi áp lực quân sự của Iraq, nhất là khi Saddam Hussein hoàn tất xong giai đoạn chế tạo bom nguyên tử.
c. Mục tiêu thứ 3: Đây là cơ hội bằng vàng để Hoa Kỳ xây dựng uy thế lãnh đạo tại Trung Đông. Nắm được nguồn năng lượng nầy của thế giới là Hoa Kỳ trở lại được vị trí lãnh đạo thế giới như ở thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai.
Trước khi phe Đồng Minh phát động cuộc chiến tranh chống Iraq bằng quân sự thì giới ngân hàng quốc tế đã "khai chiến" với Saddam Hussein từ mấy tháng trước rồi. Họ không cho Iraq vay tiền nữa. Các công ty bảo hiểm cũng từ chối bảo hiểm cho hàng nhập cảng của Iraq. Mặc dầu Iraq nhất định dấu kín món nợ của mình, nhưng Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã phanh ra được tổng số tiền nợ của Iraq là 70 tỷ mỹ kim!
Riêng Liên Xô, nước bán chịu vũ khí cho Iraq nhiều nhất và được Iraq trả bằng tiền mặt, nhưng vẫn còn "được nợ" đến 8 tỷ mỹ kim. Chỉ có Pháp là nuớc xui xẻo nhất vì Iraq còn thiếu nợ Pháp tới 3,5 tỷ mỹ kim. Cơ quan COFACE, quỹ bảo hiểm của chính phủ Pháp, vì đứng ra bảo hiểm hộ cho Iraq, nên đành phải è cổ ra trả nợ đậy cho Iraq; và dĩ nhiên nạn nhân cuối cùng vẫn là nhân dân Pháp.
Chỉ có Liên Xô là quốc gia thủ lợi nhiều nhất trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh. Ả Rập Saudi và các tiểu quốc có mỏ dầu hỏa trong bán đảo Ả Rập đã phải hùn nhau lo lót cho Liên Xô 4 tỷ mỹ kim để Liên Xô bỏ phiếu chống cuộc xâm lăng Kuwait của Iraq tại Liên Hiệp Quốc. Đó là chưa kể chính phủ lưu vong Kuwait còn bằng lòng cho Liên Xô vay thêm 3 tỷ mỹ kim nữa.
Đến đây lại nhớ bên nhà người ta thường chọc mấy gã đàn ông "dại gái":
-"Bắc thang lên hỏi ông trời, đem tiền cho gái có đòi được không?"
Giờ đây, về trường hợp Kuwait cho Liên Xô vay thêm 3 tỷ mỹ kim nữa, thì dân chúng ở Việt Nam sẽ hát lên rằng:
-"Bắc thang lên hỏi ông trời, biếu tiền kẻ cướp có đòi được chăng?".
Tiểu quốc Kuwait, tuy đất đai không rộng bằng tiểu bang Connecticut của Hoa Kỳ, nhưng lại được rất nhiều nước o bế vì nó giàu quá và đang cần tái thiết vì nhiều cơ sở bị quân đội Iraq tàn phá. Tin sơ khởi cho biết số tiền dùng vào việc tái thiết lên tới 100 tỷ mỹ kim. Sáu ngày trước khi quân đội Đồng Minh mở cuộc tấn công bằng bộ binh vào Kuwait thì trên 70% của 181 hợp đồng tái thiết Kuwait đã lọt vào tay các nhà thầu Hoa Kỳ, trong đó 3/4 các công ty nầy là thành viên của Ủy Hội Tay Ba. Số hợp đồng còn lại đã được Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh Quốc áp lực phải giao cả cho các công ty người Anh.
Chỉ có Pháp là không được "xơ múi" gì cả. Kể như Liên Xô đã thua keo đầu trong ván cờ Trung Đông lần nầy vì đã đi một nước cờ sai, khiến tổng thống Herbert Bush thắng lớn về quân sự lẫn chính trị. Tổng thống Herbert Bush đã khai thác tối đa vị trí "đồng minh" - cho dù chỉ là đồng minh ngoài miệng - của Liên Xô trong cuộc chiến tranh nầy để cầm chân Liên Xô và củng cố liên minh với các nước Ả Rập ngõ hầu nâng cao uy tín lãnh đạo của Hoa Kỳ trên chính trường quốc tế. Tổng thống Herbert Bush đã rất khôn khéo trói tay Liên Xô bằng sợi dây Đồng Minh, tránh mọi va chạm với Liên Xô để bảo vệ sự đoàn kết của phe Ðồng Minh.
Cho nên ngày 4-1-91, khi hải quân Hoa Kỳ chận bắt được một tàu Liên Xô chở vũ khí lậu cho Iraq qua ngã Jordan, tòa Bạch Ốc đã ếm nhẹm vụ nầy đi cùng với hàng trăm vụ khác sau đó. Thực ra dù Liên Xô có đổ vũ khí ào ạt vào Iraq thì cũng không cứu vãn được Saddam Hussein vì hàng ngàn chiến xa của Iraq tại Kuwait đã chỉ làm mồi cho phi cơ của Hoa Kỳ tàn sát và hàng trăm hỏa tiễn Scud cũng chỉ trở thành pháo bông trên nền trời Do Thái và Ả Rập Saudi mà thôi.
Ngược dòng thời gian về thời kỳ giáo chủ Khomeini đang chống đối quốc vương Pahlevi, đảng Cộng Sản Tudeh của Iran đã bố trí cho cán bộ của họ móc nối với Khomeini qua Ahmah, con trai của ông ta. Lúc Khomeini bị mật vụ của quốc vương Iran ruồng bắt gắt gao, ông ta đành phải chạy qua tá túc tại Iraq, rồi một thời gian sau mới chạy qua sống lưu vong ở Pháp quốc. Tại nơi đây, Khomeini được đảng Cộng Sản Pháp giúp đỡ thiết kế một hệ thống truyền tin viễn liên tại tư gia. Nhưng khi trở về lại Iran và nắm được chính quyền thì Khomeini đã nghe theo lời xúi bẩy của bọn tu sĩ cuồng tín nên đã ra lệnh sát hại một số đảng viên đảng Tudeh, tức đảng cộng sản Iran. Nhưng Liên Xô - không vì thế mà bỏ hẳn Iran - trái lại họ tiếp tục gài thêm cán bộ vào guồng máy chính quyền Iran để dùng về sau nầy.
Khi Iran bắt con tin Hoa Kỳ thì ảnh hưởng của Liên Xô tại Iran lại càng lên cao. Trong cuộc chiến tranh 8 năm giữa Iran và Iraq, Liên Xô bán vũ khí cho cả hai bên để thủ lợi. Sau khi Khomeini qua đời và Rafsanjani lên làm tổng thống Iran, thì Liên Xô có ký một thỏa ước cho Iran vay 15 tỷ mỹ kim để đổi lại việc Liên Xô đưa hàng ngàn cố vấn quân sự qua thủ đô Tehran. Khi Iraq xua quân xâm chiếm Kuwait, thì Liên Xô có mời một phái đoàn cao cấp của Iran qua tham quan Mạc Tư Khoa.
Trong phái đoàn nầy có 2 chuyên viên tình báo của Iran đã từng có quan hệ mật thiết với Anatoli Loukianov, chủ tịch Quốc Hội Liên Xô. Trước đó thì Loukianov đã từng làm giám đốc "Cơ Quan Hành Chánh" vào năm 1987; cơ quan nầy có nhiệm vụ giám sát tất cả mọi hoạt động của tình báo Liên Xô và Gorbachev cũng đã từng lãnh đạo cơ quan nầy một thời gian.
Và nếu Saddam Hussein có ngã ngựa thì lá bài Iran càng trở nên sáng giá đối với điện Cẩm Linh và nếu phe mật vụ KGB và phe quân sự đoạt được quyền lực tối hậu - như hiện nay - thì Iran sẽ trở nên một cường quốc quân sự lớn nhất ở Trung Đông. Báo chí Tây phương, nhất là những tờ báo lớn chịu ảnh hưởng của Ủy Hội Tay Ba (Trilateral) trong đó có cả báo giới Pháp, nhận định rằng Gorbachev đã trở thành con tin của quân đội Liên Xô. Thật ra Gorbachev vẫn sát cánh với giới quý tộc Đỏ (Nomenklatura) gồm giới lãnh đạo ngành kỹ nghệ quốc phòng, hai cơ quan mật vụ KGB và MVD và bọn quan liêu hành chánh.
Những ai đọc qua lịch sử Trung Đông thường bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh kéo dài từ ngày Do Thái lập quốc vào năm 1948 cho đến nay, giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập, bắt nguồn từ sự khác biệt về tôn giáo. Hầu hết người Do Thái đều theo Do Thái Giáo, nhưng thật ra "lò lửa Trung Đông" không phải chỉ đơn thuần do mâu thuẫn giữa Do Thái và các nước Ả Rập mà do những kình chống kịch liệt giữa các nước Ả Rập với nhau. Do đó đã có các cuộc chiến tranh giữa Ả Rập Saudi với Yemen; giữa Yemen với Ai Cập; giữa Jordan với Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO); giữa Morocco với Algeria; giữa Iran với Iraq và mới đây nhất là giữa Iraq với Kuwait.
Lần nầy cuộc xâm lăng Kuwait đã lôi vào vòng chiến Ai Cập, Ả Rập Saudi, Syria và các tiểu quốc trên bán đảo Ả Rập. Phía Iraq chỉ có PLO và Jordan, nhưng chỉ ủng hộ bằng cách đánh võ mồm thôi. Iraq thì đã khản cổ kêu gọi "thánh chiến" giải phóng thánh địa Mecca khỏi sự thống trị của dòng họ Saud của quốc vương Fadh, nhưng không một nước Ả Rập nào hưởng ứng, mặc dầu Iraq rêu rao dòng tộc nầy thuộc gốc Do Thái.
Cho nên các nước Ả Rập không thể nào đoàn kết thực sự với nhau để cùng đánh kẻ thù chung là Do Thái. Các dân tộc không thuộc sắc dân Ả Rập tại Trung Đông thường cho rằng dân tộc Ả Rập có tính nói dối, không thật, đến ngay cả cấp lãnh đạo cũng lấy sự tráo trở đối xử với nhau. Chính miệng quốc vương Hussein của Jordan - khi còn sống - kể lại rằng, khi cuộc chiến tranh giữa Ả Rập và Do Thái bùng nổ vào năm 1967 thì Nasser, lúc đó là tổng thống Ai Cập, đã gọi điện thoại cho ông ta hay rằng không quân Ai Cập đã tiêu hủy hết không lực Do Thái và bộ binh của Ai Cập đã tiến qua chiếm bán đảo Sinai và cũng đã tiến tới nội địa Do Thái qua ngả sa mạc Neguev.
Quốc vương Hussein của Jordan mừng quá vội vã ra lệnh cho quân đội của ông ta tấn công vào lãnh thổ Do Thái. Ông ta có ngờ đâu đã bị Nasser gạt gẫm và quân đội của Jordan đã bị quân Do Thái đánh cho không còn một manh giáp và Do Thái đã nhân cơ hội nầy chiếm luôn vùng đất West Bank, tức vùng đất phía Tây của Jordan giáp ranh với Do Thái và chiếm giữ luôn cho tới ngày nay. Một trong những yếu tố thắng lợi trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là yếu tố Ả Rập.
Đất Trung Đông từ xưa đến nay thường được các sử gia gọi là "lò lửa Trung Đông" vì chiến tranh thường xuyên diễn ra tại nơi đây, nhất là trong vòng hạ bán niên thế kỷ thứ 20. Cũng chính tại Trung Đông là nơi ra đời của 2 tôn giáo lớn vào bậc nhất thế giới: đó là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đa số sắc dân ở Trung Đông là dân Ả Rập theo Hồi Giáo. Một đặc điểm của tôn giáo nầy là việc truyền đạo thường dựa vào võ lực, bắt đầu từ Giáo Chủ Mohamet. Không biết có phải vì thế mà người Ả Rập thường được các dân tộc khác coi là sắt máu hay không.
Không cái dại nào giống cái dại nào, mắc hỡm Nasser chưa đủ, quốc vương Hussein còn bị mắc hỡm Saddam Hussein nữa. Khi chiếm xong Kuwait, Saddam Hussein gọi điện thoại cho quốc vương Hussein của Jordan và hứa với ông nầy là y sẽ rút lui khỏi Kuwait đồng thời yêu cầu "hoàng thúc" ủng hộ y. Quốc vương Hussein cứ đinh ninh Saddam không nỡ dối trá mình, nên đã bị kẹt cứng trong cuộc thảm bại của Iraq. Ngay cả tổng thống Herbert Bush, một người vốn ăn nói rất dè dặt, cũng gọi đích danh Saddam Hussein là một tên "nói dối" (a liar )trên truyền hình Hoa Kỳ.
Khi xảy ra chiến tranh Vùng Vịnh có dư luận cho rằng trong thành phần chính phủ Herbert Bush có rất nhiều thành viên của Ủy Hội Tay Ba (Trilateral) và cũng theo dư luận nầy thì hình như chủ trương của Ủy Hội là kéo dài sự tồn tại của Liên Bang Xô Viết; vì nếu cộng sản tiêu ma hết thì Hoa Kỳ sẽ không còn được thế giới trọng nể nữa vì lúc đó đâu còn "ma quỷ" nữa mà phải cần đến Hoa Kỳ bảo vệ. Nhận xét như vậy có lẽ không đúng lắm, vì chính là nhờ tổng thống Herbert Bush ngầm đi đêm với ngoại trưởng Liên Xô thời ấy là Shevardnadze phá hoại bên trong, cho nên Liên Xô mới tan rã cấp kỳ như vậy và mối "tình thâm nghĩa trọng" giữa ông Bush (cha) và Shevardnadze (nay là đương kim tổng thống tiểu quốc Georgia) cho đến nay vẫn còn được tiếp nối như ông Bush (con) đã từng khẳng định trong bức thư tay ông ta gửi cho tổng thống Shevardnadze; và ông nầy đã đưa cho ký giả Hoa Kỳ Jim Hoagland xem, khi ông nầy qua Georgia để phỏng vấn Shevardnadze.
Chuyện quan trọng là tổng thống G. W. Bush có hứa là sẽ gởi chuyên viên qua Georgia để lo vấn đề an ninh cho tổng thống Shevardnadze vì ông nầy đã hai bận bị mật vụ KGB của Nga mưu sát, nhưng nhờ có mật vụ CIA của Hoa Kỳ bảo vệ, nên ông đã thoát chết. Khí giới mà tổng thống Herbert Bush sử dụng để cầm chân Liên Xô trong cuộc chiến Vùng Vịnh ở Trung Đông là một "củ cà rốt" rất bự. Kể từ 10 tháng 9 đến 14 tháng 9, 1990 Bộ trưởng Thương Mãi Robert Mosbacher đã cầm đầu một phái đoàn kỹ nghệ gia thượng thặng Hoa Kỳ trong các xí nghiệp dầu hỏa lớn nhất của Hoa Kỳ như Chevron, Texaco, Pruet Oil... bay qua tham quan Liên Xô. Các giám đốc nầy đều nằm trong tổ chức USTEC, một thành viên của Ủy Hội Tay Ba. USTEC chuyên lo về quan hệ thương mãi và trao đổi kỹ thuật với Liên Xô. USTEC hứa hẹn với Gorbachev là sẽ giúp Liên Xô chấn hưng ngành kỹ nghệ khai thác dầu hỏa của Liên Xô trong vòng từ 2 đến 3 năm với điều kiện là tiến trình cải tiến phải bắt đầu ngay và liên tục.
Năng lượng là chìa khóa của phát triển kinh tế, nên đề nghị của USTEC là một miếng mồi "không thể cầm lòng được". Và ngay từ đầu năm 1991, người ta đã thấy xuất hiện tại Tengiz, gần bờ biển Lý Hải (Caspian Sea )và Turkmenistan những chuyên viên dầu hỏa Anh và Hoa Kỳ. Tổng thống Herbert Bush đã mua sự ủng hộ của Liên Xô trong cuộc chiến tranh với Iraq bằng kỹ thuật khai thác dầu hỏa hiện đại.
Còn cho rằng một khi Liên Xô tan rã thì Hoa Kỳ sẽ mất vị trí lãnh đạo thế giới về chính trị cũng như về kinh tế thì không đúng tý nào vì từ khi Liên Bang Xô Viết tan rã cho đến ngày nay, vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ về kinh tế cũng như về chính trị vẫn y nguyên, chả có gì thay đổi cả; trừ 8 năm dưới trào tổng thống "trốn lính" Bill Clinton thì ý nghĩa về hai chữ "Đạo Đức" của tổng thống Nixon đã hoàn toàn bị Bill Clinton chà đạp, đồng thời dư luận chính giới quốc tế cũng đã không tiếc lời phê bình ông về việc nầy.
2. Trung Đông và Dân Tộc Kurd
Khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc, vào ngày 23 và 24 tháng 3, 1991 tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Turgut Ozal đã qua thăm viếng Hoa Kỳ và ông ta đã nói thẳng với tổng thống H. Bush là ông ta chỉ có thể chấp nhận quyền tự trị cho dân Kurd ở miền Bắc, trong lãnh thổ của Iraq mà thôi và ông ta cương quyết chống lại mọi việc chia cắt Iraq thành 3 nước nhỏ: nước Kurd ở miền Bắc, nước Shia ở miền Đông Nam và nước Iraq còn lại ở miền Tây Nam. Tổng thống Ozal khuyến cáo tổng thống H. Bush đừng bao giờ tin lời tên nói dối thường trực Rafsanjani (tổng thống Iran). Tổng thống Ozal còn cho ông Bush hay là tuần nào Rafsanjani cũng gọi điện thoại cho ông ta xác nhận là không bao giờ hắn dung dưỡng tư tưởng thành lập một nước Shia bao gồm thị trấn Basra ở Đông Nam Iraq cả.
Ngày 4 tháng 3, 1991 khi Iraq chấp nhận đầu hàng quân đội Đồng Minh vô điều kiện, thì cấp lãnh đạo chính quyền giáo trị ở Iran họp khẩn cấp để bàn về vấn đề chiến lược ở Vùng Vịnh trong tương lai. Hiện diện trong phiên họp nầy có: Giáo chủ Ali Khameini, đại diện cao nhất của giáo quyền và cũng là cán bộ cộng sản cao cấp; Ali Rafsanjani, tổng thống Iran; Pháp sư Mehdi Karubi, chủ tịch Quốc Hội Iran; Pháp sư Mohamed Yazdi, đại diện tối cao của ngành Tư Pháp; Ali Falahian, Bộ trưởng Tình Báo và An Ninh nội bộ; và Abdullah Nouri, Bộ trưởng Nội Vụ.
Chuyện đáng lưu ý trong cuộc thăm viếng Hoa Kỳ của tổng thống Ozal là ông ta biện hộ dùm cho Saddam Hussein và trao một bức "tâm thư" của tên nầy cho tổng thống H. Bush. Ngày thường, chính giới quốc tế thường hay mô tả Saddam Hussein là một lãnh tụ đần độn nhất thế giới, nhưng hắn đã tránh được một hành động đần độn cuối cùng là không bao giờ đoạn giao với Thổ, mặc dầu hắn đã đoạn giao với rất nhiều nước trong khối Ả Rập và Tây Phương. Trong bức thư nầy, Saddam Hussein nhũn như con chi chi, cầu khẩn Hoa Kỳ đừng giúp đỡ phe chống đối chính phủ, hắn ta cũng còn biết tránh dùng hai chữ "phiến loạn" để gọi phe nổi dậy và nhấn mạnh rằng nếu phe chống đối thành công thì không bao giờ Trung Đông có ổn định chính trị cả và nếu Hoa Kỳ loại bỏ Saddam ngay bây giờ thì Trung Đông sẽ bất ổn lớn và kẻ được hưởng lợi nhiều nhất mà không tốn một viên đạn hay một sinh mạng nào là Iran.
Sau buổi họp nầy, ngày 8 tháng 3, 1991 tổng thống Rafsanjani đã lên vô tuyến truyền hình kêu gọi Saddam Hussein và đảng Baath (đảng Phục Sinh) tuân theo ý muốn của nhân dân và hứa hẹn sẽ giúp đỡ cuộc nổi dậy của dân Iraq theo Hồi giáo thuộc phái Shia. Chiến lược của Iran lúc bấy giờ là cố gắng biến Iraq và cả Jordan thành những nước đặt dưới chế độ giáo trị Shia, chịu ảnh hưởng của Iran. Đồng thời Iran cũng tiếp tế võ khí nhẹ cho dân tộc thiểu số Kurd đang nổi dậy ở tại miền Bắc Iraq.
Dân tộc Kurd là một dân tộc bất hạnh nhất trong vùng Kurdistan của Trung Đông. Sau khi đệ nhất thế chiến chấm dứt, hội Vạn Quốc (như Liên Hiệp Quốc thu hẹp ngày nay) - mặc dầu chưa có đến 50 quốc gia hội viên - đã họp lại để phân chia đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ - lúc đó theo Đức quốc - thành nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Kuwait. Không ai thèm lưu tâm đến số phận của gần 30 triệu dân Kurd sống trong vùng Kurdistan.
Trái lại, vùng nầy được chia cắt thành 3 mảnh: phía Bắc giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, phía Tây giao cho Syria và Iraq, phía Đông ghép vào cho Liên Xô và Iran. Dân Kurd ở Thổ có khoảng 14 triệu; ở Syria 1,5 triệu; ở Iraq gần 5 triệu; ở Iran khoảng 7 triệu và ở Liên Xô gần nửa triệu. Kurdistan là vùng cao nguyên của Trung Đông, núi non hiểm trở nhiều hơn đồng bằng, và vùng 5 biên giới hiện nay là nơi đồn trú của đại bản doanh quân đội cách mạng Kurd.
Dân tộc Kurd nói tiếng Farsi, họ có văn hóa riêng nhưng chưa bao giờ được hưởng quyền tự trị nói chi đến độc lập. Suốt 70 năm qua, dân Kurd kiên trì tranh thủ độc lập, nhưng các nước Thổ, Syria, Iraq và Iran bảo nhau chống phá nỗ lực giành độc lập của họ. Cuộc thảm bại của Saddam Hussein tưởng sẽ giúp cho dân Kurd có thời cơ thực hiện được giấc mộng độc lập nhưng cuối cùng giấc mơ ngàn đời của họ cũng chỉ trở thành ảo mộng vì quyền lợi ích kỷ của các quốc gia trong vùng Trung Đông.
Thủ lãnh của dân Kurd ở Iraq lần nầy cũng là Barzani, nhưng không phải là tướng Barzani thời trước mà là Barzani, con trai của ông tướng Barzani nói trên đây. Do rút được bài học chua xót của bố, Barzani "con" lúc đầu rất dè dặt. Trong khi dân Iraq thuộc hệ phái Shia phát động cuộc "thánh chiến" ở tại miền Đông Nam Iraq để tiêu diệt tàn quân của Saddam Hussein, thì quân của Barzani vẫn án binh bất động. Cho đến khi Iran tiếp tế vũ khí cho quân Shia đánh chiếm thành công nhiều vùng ở miền Đông Nam Iraq, thì dân Kurd không thể chần chừ được nữa, nhất là lại được Iran trao vũ khí đến tận tay.
Hơn nữa, tuy không được tổng thống Bush chính thức hứa hẹn sẽ yểm trợ, nhưng tin tưởng rằng tổng thống Hoa Kỳ đã ẩn dụ giúp đỡ họ lật đổ Saddam Hussein qua những lời tuyên bố trên đài truyền hình cho cả thế giới nghe, nên họ đã quyết định nhất tề nổi dậy . Một phát giác động trời nữa là không phải do tổng thống Ozal của Thổ Nhĩ Kỳ khuyên bảo mà tổng thống Bush thay đổi ý kiến về việc yểm trợ quân nổi dậy ở Iraq tại miền Nam cũng như tại miền Bắc. Tổng thống Bush đã có kế hoạch dùng tàn quân của Saddam Hussein để quét sạch dân quân nổi dậy Iraq, theo Hồi giáo thuộc hệ phái Shia thân Iran ở tại miền Đông Nam của Iraq, từ khi ông ra lệnh cho tướng Schwarzkofp ngưng truy kích đạo quân tháo chạy của Iraq, lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 28 tháng 2, 1991. Hình ảnh bọn cuồng tín Shia của Iran bắt giữ con tin Hoa Kỳ tại tòa đại sứ của nước nầy tại thủ đô Tehran không bao giờ phai mờ được trong đầu óc của mỗi người Mỹ.
Để cho dân Iraq theo hệ phái Shia có được một lãnh thổ riêng ở trong vùng Basra, thuộc Đông Nam Iraq, thì tai họa sẽ còn ghê gớm hơn nữa. Cho nên không phải lúc nào câu: "Kẻ thù của kẻ thù của ta là bạn của ta" cũng đúng cả. Đó cũng là lý do Saddam Hussein được Hoa Kỳ "cho phép" xử dụng trực thăng võ trang để tàn sát quân nổi dậy Shia thân Iran ở trong vùng Đông Nam của lãnh thổ Iraq và lệnh nầy đã làm cho quân cách mạng Kurd trên miền Bắc Iraq cũng bị vạ lây.
Hoa Kỳ cũng đã có lần nhúng tay vào cuộc tranh thủ quyền tự quyết của dân tộc Kurd. Khi đó Hoa Kỳ chưa mất chỗ đứng ở Iran, vì câu chuyện xảy ra dưới thời quốc vương Pahlevi, vào năm 1974, khi 2 nước Iran và Iraq có chuyện tranh chấp đất đai ở dọc biên giới về phía Nam. Ông Henry Kissinger, lúc đó là ngoại trưởng, đã ngấm ngầm vận động thủ lãnh dân Kurd là tướng Barzani nổi loạn đòi độc lập cho dân Kurd ở miền Bắc Iraq. Nhờ cuộc nổi loạn đó mà Iraq phải nhường mảnh đất tranh chấp cho Iran. Nhưng sau khi dành được đất thì quốc vương Iran bỏ rơi dân Kurd ngay, để mặc cho Iraq tàn sát thường dân Kurd như thường lệ, sau mỗi lần dân Kurd nổi dậy. Trò chính trị trên chính trường quốc tế là vậy: "Hết xôi rồi việc".
Thảm kịch của dân tộc Kurd bắt đầu từ hành động chia cắt vùng Kurdistan thành 5 mảnh để ghép vào 5 nước khác nhau và ảnh hưởng còn tiếp tục kéo dài cho đến ngày nay và không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Dân tộc Kurd sống trong 5 nước Nga, Thổ, Syria, Iran và Iraq luôn luôn đứng lên đòi quyền dân tộc tự trị, nhưng chưa bao giờ họ thành công cả; vì 5 nước kia đều lo ngại nếu họ tranh đấu được quyền tự trị tại một nước, thì họ sẽ nổi lên ở các nước khác. Ngay như tổng thống Ozal của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ bằng lòng cho 5 triệu dân Kurd được quyền tự trị ở phần đất của Iraq, còn quyền tự trị của 14 triệu dân Kurd trên đất của Thổ thì lại không thèm đả động đến. 17 năm trước đây, Barzani "bố" dẫm phải vỏ chuối Mỹ, ngày nay Barzani "con" vừa dẫm phải vỏ chuối Mỹ, vừa đạp phải vỏ dưa Iran.
Nhưng lần nầy tai họa đến với dân Kurd còn ghê gớm hơn nhiều, vì hàng triệu dân Kurd sắp chết đói và chết rét tại các vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Và Saddam Hussein thì tha hồ tận diệt dân Kurd mà không có một quốc gia nào trên thế giới lên tiếng can thiệp. Đứng trên tình đồng loại, ai cũng nhìn cảnh dân Kurd bị Iraq tàn sát với ánh mắt bất nhẫn và phẫn hận. Khi đề cập tới lý do nhảy vào cuộc chiến ở Trung Đông, cựu tổng thống Nixon đã viện dẫn lý do "đạo đức". Không hiểu cái lý do "đem con bỏ chợ" dân Kurd của tổng thống Herbert Bush có phải cũng vì "đạo đức" hay không? Ô hô hai chữ "đạo đức"! Cũng vì mi mà dân Kurd bị diệt chủng !!!. Nhưng thử đặt mình vào địa vị của tổng thống Herbert Bush thì bạn sẽ hành động như thế nào? Có thể làm khác tổng thống H. Bush được không?
Giả sử cuộc nổi dậy của dân Kurd và dân Iraq thuộc hệ phái Hồi giáo Shia thành công, thì Iraq sẽ bị cắt thành 3 nước nhỏ: phía Bắc là vùng dân Kurd, phía Nam là vùng dân Iraq, hệ phái Hồi giáo Shia thuộc ảnh hưởng của Iran, và Iraq chỉ còn lại vùng phía Tây mà thôi. Một khi Iran đặt chân lên được phía bên nầy của Vùng Vịnh thì Iran sẽ không chỉ dừng mộng bành trướng ở Iraq không thôi, mà họ sẽ còn tiến mãi về phía Tây, trước hết là xúi dục dân Palestinian lật đổ quốc vương Hussein để biến nước Jordan thành một quốc gia thuộc giáo trị Shia, kế tiếp là chiến tranh với Do Thái và lò lửa Trung Đông sẽ phát nổ, không phải chỉ trong vòng một trăm giờ như cuộc chiến tranh Vùng Vịnh giữa quân đội Đồng Minh với Iraq.
Khi tổng thống Herbert Bush cho phép trực thăng võ trang của Saddam được tự do tàn sát quân Shia ở miền Đông Nam Iraq, là Iran đã hiểu rằng tổng thống H. Bush đã quyết tâm loại bỏ ảnh hưởng của giáo phái Shia trên lãnh thổ Iraq, và duy trì giáo phái Sunni tại Iraq để cân bằng lực lượng. Do đó, chuyện hòa thuận giữa Iran và Hoa Kỳ chỉ còn là một ảo mộng. Hai nước nầy sẽ tiếp tục đương đầu với nhau trong nhiều năm nữa và đó là điều mà Nga mong muốn nhất. Mục đích của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh là gây dựng lại thế lực của Mỹ ở Trung Đông, bẻ gãy trục Mạc Tư Khoa - Tehran - Baghdad của Nga, đập tan thế lực giáo phái Shia của Hồi Giáo ở Miền Nam Iraq (một chi nhánh của Hồi Giáo Shia ở Iran) tạo đầu mối cho những bất ổn trong tương lai đối với Ả Rập Saudi và các tiểu quốc trong vùng bán đảo Ả Rập.
3. Trục Ma Qủy
Từ ngày chiến tranh Vùng Vịnh chấm dứt cho đến nay, thấm thoát thế mà cũng đã gần một con giáp, và lịch sử hình như đang trên đà trở lại mười hai năm về trước. Ở Hoa Kỳ, tổng thống cũng thuộc dòng họ Bush, nhưng mà Bush con (W. Bush) chứ không phải Bush cha (H. Bush ) và cả cha lẫn con đều là thành viên của "lốp by dầu hỏa" mạnh nhất hoàn cầu. Còn nhân dân Iraq vẫn sống điêu linh dưới chế độ của tên độc tài khát máu Saddam Hussein, luôn luôn nuôi mộng muốn làm bá chủ vùng Trung Đông và triệt tiêu cho kỳ được nước Do Thái.
Sau khi đập tan nhóm Hồi giáo khủng bố Taliban ở A Phú Hãn, việc mà tổng thống W. Bush lo trước tiên là phải chuẩn bị ngay tức khắc cuộc chiến tranh với Iraq, một trong 3 nước ủng hộ phong trào khủng bố của Bin Laden là Iraq, Iran và Bắc Hàn mà ông đã liệt tên trong " trục ma qủy"(đầu) sau khi xảy ra vụ biến động 11 tháng 9, 2001 tại Hoa Kỳ.
Ông cũng đã âm thầm ra chỉ thị cho Ngũ Giác Đài liên lạc với các công ty chế tạo bom đạn phải tăng gấp đôi năng xuất của họ nhất là về lãnh vực chế bom được điều khiển bằng tia "laser"với đuôi bom có gắn máy do vệ tinh điều khiển để hướng dẫn rất chính xác cho bom rơi đúng ngay mục tiêu. Hiện nay, vấn đề ưu tiên của quân đội là thiết lập một kho dự trữ về "bom thông minh" nầy, càng sớm càng tốt, nhất là về loại bom JDAM, đã chính xác lại rẻ tiền (,000 một đơn vị), sau đó là bom Paveway được điều khiển bằng tia "laser" và có thể do bộ binh ở dưới đất hướng dẫn đến ngay mục tiêu. Loại bom thứ ba là hỏa tiễn Tomahawk được phóng đi từ tàu của Hải quân kể cả tiềm thủy đĩnh và đã được xử dụng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh.
Riêng về loại "bom thông minh" JDAM thì trong năm 2002, công ty Boeing đã sản xuất được 9000 quả, và theo Phân Tích Gia John Pike thì số lượng đó chỉ mới là một phần trong số 50,000 quả JDAM được Ngũ Giác Đài dự trù mua. Sở dĩ Ngũ Giác Đài cần nhiều bom JDAM là vì họ nhắm phá hoại cơ sở hạ tầng của quân đội Iraq trong khi tránh thương vong cho quần chúng.
Và còn thêm một cái lợi khác nữa là với một số máy bay nhất định, dùng bom JDAM có thể phá hủy được nhiều mục tiêu quân sự của bên địch hơn, trong một thời gian ngắn. Phân tích gia Pike còn cho biết thêm - theo tiết lộ của một đề đốc hải quân là "bom thông minh JDAM" tăng khả năng gây thương vong cho kẻ địch của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ lên gấp 5 lần.
Và nhờ có khả năng gây thương vong bên địch cao như vậy, nên nếu Hoa Kỳ có đem binh đi chinh phạt Iraq thì cũng không cần phải điều động một số lượng quân đội khổng lồ như trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh cách đây gần một con giáp 12 năm. Giờ đây, xưởng chế tạo bom JDAM của công ty Boeing tại St. Charles, thuộc tiểu bang Missouri là nơi chế tạo 2 loại "bom thông minh" một ngàn kí lô và năm trăm kí lô để cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tiêu diệt Iraq của Saddam Hussein trong tương lai gần đây. Vì công ty Boeing có nhiệm vụ chế tạo bộ óc thông minh của loại bom JDAM, nên chính quyền Hoa Kỳ luôn luôn bảo vệ quyền lợi của công ty nầy bằng mọi cách.
Cách đây vài tháng, công ty chế tạo máy bay phản lực Airbus Industrie của Âu Châu đã vận động với một số chính phủ Âu Châu có cổ phần trong công ty nầy để phản đối với chính quyền Hoa Kỳ về vụ dùng áp lực chính trị với chính quyền Đài Loan để bác quyết định cho phép công ty hàng không China Airline (CAL) của chính phủ mua 16 máy bay chở hành khách Airbus 330, thay vì mua máy bay phản lực 777 của công ty Boeing. Công ty Airbus Industrie khiếu nại là trong tháng 7, 2002 vừa qua, công ty hàng không CAL của Đài Loan đã thông báo cho họ hay là hợp đồng 3000 triệu mỹ kim bán cho chính phủ Đài Loan 16 chiếc Airbus 330 đã được chấp thuận; nhưng tại sao nay lại hủy bỏ hợp đồng ngang xương như vậy?
Sau khi điều tra, Airbus Industrie mới biết có một số nghị sĩ, dân biểu của Quốc Hội Hoa Kỳ trong đó có dân biểu Henry Hyde, chủ tịch Ủy Ban Liên Lạc Quốc Tế của Hạ Viện gởi cho tổng thống Chen Shui-Bian của Đài Loan nhấn mạnh ở điểm chính quyền Đài Loan không mua máy bay của Boeing sẽ làm cho công ty nầy thiệt hại 30,000 "giốp" (jobs). Dân biểu Hyde cũng nhắc khéo tổng thống Đài Loan là trong khi chính quyền đảo nầy đang trên đà xây dựng một lực lượng quân sự vững vàng và hữu hiệu thì công việc cấp thiết mà hai nước chúng ta cần phải làm ngay là củng cố an ninh, tăng cường mậu dịch và giao thương cho hữu hiệu giữa hai nước chúng ta.
Một bức thư khác mà nội dung cũng tương tợ như bức thư trên đây, đã dược 16 nghị sĩ và dân biểu "nặng kí" của Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ký tên vào bên dưới. Sự can thiệp của một số nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ đã đưa đến việc công ty hàng không "China Airlines" của Đài Loan hủy bỏ hợp đồng 3000 triệu mỹ kim ký với công ty Airbus Industrie của Âu Châu và tạo ngay tại Đài Loan một luồng dư luận trong quần chúng là đảo nầy nên mua máy bay của công ty Boeing để bảo vệ tình hữu nghị giữa hai nước Hoa Kỳ và Đài Loan trong tương lai. Cũng vì bất mãn về vụ công ty Airbus Industrie mất hợp đồng 3000 triệu mỹ kim nầy, nên tổng thống Chirac của Pháp đã ngả về phiá Nga để chống lại tổng thống Bush trong vụ lên án Iraq, sau ngày 13 tháng 9, 2002.
4. Hội Đồng "Bất An" Liên Hiệp Quốc
Bài diễn văn của tổng thống W. Bush đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng 9, 2002 tại New York đã lên án rất nặng nề Saddam Hussein kể từ 6 tháng nay; đồng thời ông cũng vạch rõ một cách rất tế nhị những lỗi lầm trong việc thi hành một số quyết nghị đã được đại hội biểu quyết của ông Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và của một số thành viên trong Hội Đồng Bảo An - ngoài Hoa Kỳ - là Anh, Pháp, Nga và Trung Cộng.
Đồng thời tổng thống W. Bush cũng đưa ra những lý do căn bản về những biện pháp cưỡng bức nhằm chống lại Iraq về ngoại giao cũng như về quân sự nếu cần, để bênh vực cho chủ trương thay đổi chế độ độc tài sắt máu của Saddam Hussein ở Iraq, đồâng thời mở rộng liên minh chống Saddam của Hoa Kỳ và Anh quốc. Tổng thống W. Bush cũng nhấn mạnh là cơ chế quốc tế của Liên Hiệp Quốc được đại hội đề ra từ 1948 đang lâm nguy và sự thách thức nầy - không phải đến từ Hoa Thịnh Đốn - mà lại đến từ Iraq.
Trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống W. Bush khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ đóng góp với Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để thảo ra một nghị quyết mới nhằm giải quyết mọi vấn đề với Iraq. Nhưng chắc gì chuyến này Saddam Hussein lại không giở trò phá thối như các trường hợp trước đây vì ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan quá nhu nhược. Rồi mọi người đều nhớ lại - khi Iraq ra lệnh trục xuất tất cả các thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc sau khi chiến tranh Vùng Vịnh chấm dứt - thì đó là một sự sỉ nhục tầy trời đối với mọi nhân viên của Liên Hiệp Quốc - thế mà ông Kofi Annan đã không biết nhục, lại còn cất công qua Iraq để "xin được" diện kiến với Saddam Hussein.
Sau khi trở về lại New York, ông ta lại còn tâm sự với thuộc hạ rằng Saddam Hussein là một nhân vật rất mềm dẻo và ông ta thấy có rất nhiều triển vọng để thương lượng với y, mặc dầu trong chuyến qua Iraq lần đầu tiên, ông đã trở về lại New York với tay không. Rồi tổng thống W. Bush kê ra một loạt những vụ vi phạm, coi thường các quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong 12 năm qua của Saddam Hussein như đàn áp đẫm máu nhân dân Iraq, giam giữ những kiều dân ngoại quốc sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh mãi cho đến nay vẫn chưa trả lại tự do cho người ta; hỗ trợ các nhóm khủng bố qua chương trình đổi dầu hỏa để mua thực phẩm và cuối cùng là dùng tiền nầy để chế tạo các loại vũ khí nhằm sát hại một số đông quần chúng nhân dân.
Nếu những vụ khinh miệt coi thường những quyết định của Liên Hiệp Quốc không chấm dứt hay sửa chữa, thì làm sao Liên Hiệp Quốc có thể duy trì cho được lòng tin cậy vào cơ quan nầy của toàn dân trên thế giới và hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ ổn định toàn cầu? Tổng thống W. Bush đã khôn ngoan từ chối không theo quan điểm của phe "diều hâu" khuyên ông không nên xuất hiện trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vì làm như vậy thì ông sẽ rơi vào "mê hồn trận" của Saddam Hussein và cuộc tranh chấp sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Ông đã nghe theo lời khuyến cáo nên ra trình bày quan điểm của ông trước Đại Hội Đồng Liên Quốc của ngoại trưởng Colin Powell và thủ tướng Tony Blair của Anh quốc.
Ông Bush cũng nhấn mạnh ở điểm là quyền hạn của Liên Hiệp Quốc đã bị Saddam Hussein coi thường, nếu tránh không dùng từ "chà đạp". Ông nhấn mạnh nhiệm vụ hiện nay của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - với quyền phủ quyết của các thành viên - là có bổn phận giúp cho Liên Hiệp Quốc với cơ chế quốc tế mà họ đại diện - phải có biện pháp thích nghi cấp kỳ để đương đầu với những thách thức coi thường quyền hành của Liên Hiệp Quốc đã từng xảy ra từ trước tới nay của Saddam Hussein. Và nếu Liên Hiệp Quốc từ chối không chịu hành động, thì Hoa Kỳ sẽ tự đảm đương trọng trách nầy, cùng với sự cọng tác của một số quốc gia hội viên, "vì an ninh và quyền lợi của mọi người trên thế giới".
Một số người chỉ trích tổng thống W. Bush đưa ra ý kiến là rồi đây bản nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được thảo theo đề nghị của Hoa Kỳ và Anh quốc sẽ chỉ là một bản mở đầu cuộc chiến tranh đánh vào Iraq do các chuyên gia quân sự của hai nước Hoa Kỳ và Anh quốc soạn thảo, sắp được hoàn tất trong thời gian gần đây; và rất có thể là những điều kiện của tổng thống W. Bush đưa ra buộc Iraq phải chấm dứt sự ủng hộ các nhóm khủng bố và tàn sát vô tội vạ nhân dân Iraq sẽ không bao giờ được Saddam Hussein chấp nhận.
Việc tổng thống W. Bush chọn con đường đi qua ngả Liên Hiệp Quốc rất là khôn ngoan vì ông ta đã khôn khéo chọn diễn đàn nầy để chỉ trích sự tàn độc của Saddam Hussein đồng thời coi rẻ tất cả mọi quyết định của Liên Hiệp Quốc bằng cách không bao giờ thi hành những quyết định nầy; Ông cũng vạch trần vai trò "bù nhìn" của Liên Hiệp Quốc là không bao giờ dám lên tiếng kết án Iraq khi Saddam Hussein ra lệnh cho thuộc hạ của y đừng bao giờ chấp chưởng những quyết định của Hội Đồng Bảo An trong suốt 12 năm qua, sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh.
Kể từ ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập cho đến nay, thấm thoát đã được 54 năm và cũng vào năm đó ông bà Herbert Bush tổ chức lễ "thôi nôi" cho chú bé G.W. Bush, trưởng nam của dòng họ Bush, đồng thời cùng một lúc, chứng kiến sự thành lập ngay trong nội bộ của Liên Hiệp Quốc một cơ quan mang tên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng trong thực tế thì cơ quan nầy - phần lớn - chỉ gây ra hoặc duy trì "bất an" cho thế giới mà thôi. Có thể nói huỵch tẹt Liên Hiệp Quốc chỉ là một nơi để cho các nước độc tài đội lốt dân chủ: lớn thì như Nga và Trung Cộng, nhỏ thì như Iran, Iraq, Syria, Lybia, Sudan, Algeria, Cuba, Bắc Hàn...diệu võ dương oai, diễu cợt, khinh thường các "quyết nghị" lên án những hành động của bọn chúng đã không bao giờ được thi hành mà lại còn bị chúng tái phạm nữa là khác.
Một nước Nga - vì quân đội quá yếu và chuyên đào ngũ - đã lén dùng chất nổ Hexagen, một loại chất nổ do chính quyền Nga chế tạo và chỉ tồn trữ trong các kho của mật vụ Nga KGB - để làm nổ sập 3 cao ốc và giết hại 300 thường dân vô tội, rồi đổ tội cho kháng chiến quân Chechen ở miền Nam nước Nga gây ra vụ khủng bố nầy. Nhưng những hành động tầy trời nầy đều được Hội Đồng "Bất An" Liên Hiệp Quốc ếm nhẹm và chẳng bao giờ đưa vấn đề nầy ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc thì còn nói chi đến những vụ Saddam Hussein giết hại hàng triệu dân Kurds !!! và Bắc Hàn bán hỏa tiễn cho Iraq, Lybia và giết hại hàng triệu thường dân vô tội Bắc Hàn bằng cách giữ lấy độc quyền thực phẩm do các quốc gia "giàu lòng thương nhân loại" trên thế giới viện trợ, để rồi chỉ phát cho cán bộ cộng sản và quân đội của chúng mà thôi.
Đã có quốc gia nào nêu vấn đề vô nhân đạo nầy của Bắc Hàn ra trước diễn đàn của Liên Hiệp Quốc chưa? Hay lại sợ làm "buồn lòng" các nước độc tài ngụy trang dân chủ trong tổ chức Liên Hiệp Quốc phản dân chủ nầy? Một Trung Cộng công khai sát hại hàng ngàn dân chúng biểu tình ở Thiên An Môn đòi Tự Do, Dân Chủ; sau đó vài năm lại cũng Trung Cộng bắt bớ, giam cầm, tra tấn và sát hại hàng vạn dân chúng theo môn Pháp Luân Công; hai trường hợp trên đây là chỉ mới đề cập đến quần chúng Trung Hoa bị nhà cầm quyền Trung Cộng sát hại và chưa đề cập đến quần chúng tại các vùng như Tây Tạng, Tân Cương - được Trung Cộng - "tự trị" hộ cho và sát hại quần chúng các nước nầy một cách công khai và chỉ có một quốc gia nhiều lần lên tiếng phản đối hành động dã man nầy là Hoa Kỳ mà thôi.
Khi tổng thống W. Bush ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 12 tháng 9, 2002, 3 nước thành viên của Hội Đồng "Bất An" Liên Hiệp Quốc là Nga, Trung Cộng và Pháp cứ tưởng rằng sẽ dùng diễn đàn nầy để buộc Hoa Kỳ phải bỏ ý định tấn công Iraq nếu không được sự đồng ý của Đại Hội Đồng. Họ cứ tưởng tổng thống W. Bush cũng sẽ như cựu tổng thống "trốn lính" Bill Clinton khi nào cũng "nhắm mắt" chấp hành biểu quyết của Đại Hội Đồng LHQ, nhất là trong trường hợp của "mèo Iraq" thì lũ "chuột nhắt" trong LHQ đâu có gan lì dám vỗ ngực mang chuông đi buộc cổ "mèo", cho nên Nga, Trung Cộng, Pháp và đa số các nước Ả Rập hoặc thân Ả Rập đều chờ có một cuộc bỏ phiếu mà - chúng sẽ chiếm đa số và Hoa Kỳ sẽ ngoan ngoãn nghe theo - để cứu vãn tên độc tài Saddam Hussein.
Nhưng LHQ có ngờ đâu tổng thống W. Bush chỉ dùng diễn đàn LHQ để hài tội tên độc tài khát máu Saddam Hussein, phơi bày sự bất lực của Koffi Annan, tổng thư Ký LHQ và miệt thị các thành viên trong Hội Đồng "Bất An" Liên Hiệp Quốc, để rồi cuối cùng ông ta khẳng định trước Đại Hội Đồng rằng nếu LHQ không có hành động thỏa đáng thì chính Hoa Kỳ sẽ đơn phương hoặc cùng với sự góp sức của một số thành viên Liên Hiệp Quốc, đứng ra "thu xếp Iraq" để bảo vệ an ninh cho nhân loại và nhất là cho Hoa Kỳ trong một ngày gần đây. Chuyến nầy - tuy Hoa Kỳ chưa có cho Iraq nếm mùi mưa bom - nhưng tổng thống Bush đã đích thân cho "nổ một quả bom" ngay trước diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
5. sự bang giao Hoa Kỳ - Trung Quốc
Tân chính quyền Cộng Hòa W. Bush thì cách đối xử với Trung Cộng lại khác, nhất là một khi có sự tranh chấp thì mọi việc phải được đưa ra ánh sáng, nhất là sau vụ Hoa Kỳ và Anh quốc dội bom xuống gần thủ đô Baghdad. Và không đầy một tuần sau khi Bắc Kinh hứa hẹn mở cuộc điều tra xem có công ty nào đang thiết kế máy móc dùng "sợi quanh học" để tăng cường độ chính xác cho các dàn cao xạ phòng không của Iraq, thì chính quyền Trung Cộng mà phát ngôn viên lại chính là bộ trưởng Ngoại Giao Tang Jiaxuan - đã tuyên bố trong một cuộc họp báo "chả có công ty nào của Trung Quốc giúp cho Iraq thiết kế máy móc dùng "sợi quang học" để tăng độ chính xác cho các dàn súng cao xạ bắn lên phi cơ của Hoa Kỳ và Anh quốc".
Mặc dầu ông Tang tuyên bố như vậy, nhưng một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xác nhận với đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh là cựu đô đốc Joseph W. Prueher, chính nhân viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng có thông báo cho họ hay là Bắc Kinh đã chỉ thị cho các công ty Trung Cộng đang thiết kế máy móc giúp tăng cường hiệu năng ngành viễn liên của Iraq phải ngưng ngay công tác này và sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Sau đó, nhân viên bộ Ngoại Giao Trung Cộng còn hứa với đại sứ Prueher là Trung Cộng sẽ tôn trọng những luật cấm của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Một nhân viên cao cấp của Ngũ Giác Đài đã không ngần ngại tố ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Tang Jiaxuan đã nói dối. Ban đầu, Trung Cộng chỉ trích lời tố cáo của Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ và nhấn mạnh là họ cố ý làm như vậy để đánh lạc hướng dư luận quốc tế về vụ ném bom xuống Iraq mà không được sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc; nhưng đến khi họ trả lời lại cho Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2, 2001, thì họ lại dịu giọng xuống và cho biết là họ sẽ cho nhân viên điều tra lời khiếu nại này.
Theo một số chuyên gia phân tích thời cuộc thì sở dĩ Trung Cộng cứ nói quanh co như vậy là vì họ sợ vụ Iraq này sẽ làm cho căng thẳng bang giao với Hoa Kỳ; nhưng sau đó, khi Bộ Trưởng Ngoại Giao Tang tiếp xúc với báo chí nhân phiên họp hằng năm của Quốc Hội, thì ông ta trở lại luận điệu cũ và còn cảnh cáo Hoa Kỳ về vụ bán khí giới cho Đài Loan. Ông Tang nhấn mạnh việc bán võ khí cho Đài Loan sẽ làm tổn thương đến sự bang giao Hoa Kỳ - Trung Quốc, và nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ thì vấn đề Đài Loan đã được giải quyết từ lâu rồi. Thường thường các nước trên thế giới hay tránh làm mất lòng Tổng Thống Hoa Kỳ, nhất là khi ông ta vừa mới lên nhậm chức chưa được hai tháng. Nhưng Trung Cộng lại nhân cơ hội nầy để thăm dò và luôn tiện thử thách ông tân tổng thống.
Bị bắt quả tang vi phạm lệnh hạn chế giao thương với Iraq, Trung Cộng đã lên tiếng chối bỏ thô lỗ một cách ầm ỉ mọi lời tố cáo của Hoa Kỳ. Đoạn đặt vấn đề thẳng thừng với Hoa Kỳ là nếu Hoa Kỳ tin những lời báo cáo của nhân viên tình báo của họ thì sẽ làm tổn thương trầm trọng đến quyền lợi về thương mãi và tổn thương mối quan hệ chiến lược giữa họ và Trung Quốc.
Luận điệu này thường hay được họ nêu ra mỗi khi họ bị bắt quả tang vi phạm những điều cấm kỵ của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, hoặc những vi phạm các thỏa ước về sản xuất và buôn bán võ khí hạch tâm đã được ký kết giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc suốt 8 năm qua, dưới thời cựu Tổng Thống Clinton. Thành thực mà nói chỉ có chính quyền Clinton mới tin vào thế "đồng minh chiến lược" giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, chứ đối với nước nầy thì chưa bao giờ họ tự cho họ là "đồng minh chiến lược" của Hoa Kỳ hết; tuy nhiên để tình trạng nầy nhập nhằng như vậy thì lại càng có lợi cho họ mà thôi.
Dưới thời cựu tổng thống Clinton, Trung Cộng đã dùng nói dối để bao che tất cả các vụ vi phạm của họ đối với quốc tế hay đối với Hoa Kỳ một khi bị bắt quả tang, đoạn hăm dọa chính quyền Hoa Kỳ là tình hữu nghị giữa hai nước sẽ bị tổn thương trầm trọng nếu Hoa Kỳ không chịu bỏ qua những vụ vi phạm "nhỏ nhặt" này; riết rồi nói dối và hăm dọa đã trở thành quốc sách của Trung Cộng đối với quốc tế nói chung và đối với chính quyền mềm yếu của Clinton nói riêng.
Nhưng đối với chính quyền cộng hòa của Tổng Thống Bush thì những hành vi của Trung Cộng cần phải được phơi bày ra ánh sáng, trước dư luận quốc tế. Cho nên sau vụ dội bom xuống thủ đô Baghdad, chính quyền Bush đã yêu cầu Trung Cộng mở cuộc điều tra xem công ty Huawei Technologies có vi phạm hay không quyết định của Liên Hiệp Quốc cấm mọi quốc gia không được bán loại máy có liên quan đến "sợi quang học"cho Iraq.
Ban đầu thì Trung Cộng phủ nhận luận điệu này, nhưng sau đó có hứa với Hoa Kỳ là sẽ cho mở cuộc điều tra. Đồng thời Liên Hiệp Quốc có mật thông báo cho Hoa Kỳ hay là từ lâu Trung Cộng thừa biết ý đồ của Huawei Technologies là muốn bán cho Iraq một số máy móc tối tân về truyền tin mà trong đó ít nhất có một loại máy có xử dụng "sợi quang học" bị Liên Hiệp Quốc cấm, nhưng rồi công ty này vẫn tiến hành việc thiết kế loại máy tối tân này để tăng thêm sự chính xác của các dàn súng cao xạ Iraq được dùng để bắn máy bay Hoa Kỳ và Anh quốc.
Cũng vì vậy mới xảy ra chuyện Hoa Kỳ tố cáo Trung Cộng, để rồi Trung Cộng chối bỏ mọi sự vi phạm, và rốt cục cũng phải đấu dịu lại với Hoa Kỳ về vấn đề này, nhưng đồng thời tấn công trở lại Hoa Kỳ bằng cách đưa vấn đề Hoa Kỳ định võ trang ào ạt cho Đài Loan, có thể tạo nên sự bất ổn trầm trọng cho nền an ninh của Trung Cộng. Nhưng thái độ của Hoa Kỳ đối với Trung Cộng sau vụ dội bom xuống Baghdad, cũng đủ cho Bắc Kinh thấy rõ là với chính quyền Bush ở Hoa Thịnh Đốn, Trung Cộng khó mà trông chờ được một sự đãi ngộ như dưới thời chính phủ Clinton.
Vả lại chờ mãi mà chẳng thấy Tổng Thống Bush gọi điện thoại cho Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân sau khi ông tuyên thệ nhậm chức, nên Bắc Kinh đành phải "muối mặt" mở một cuộc tấn công ngoại giao bằng cách phái qua Hoa Kỳ 3 phái đoàn để tìm hiểu thêm thái độ của chính quyền Cộng Hòa đối với họ, mặc dầu 3 phái đoàn nầy không hề được chính phủ Hoa Kỳ đạt giấy mời.
Phái đoàn thứ nhất gồm có 3 cựu đại sứ đã từng phục vụ tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, và đến Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 2, 2001.
Phái đoàn thứ hai do ông Zhou Mingwei, Phó Giám Đốc Đài Loan Sự Vụ trong Viện Quốc Dân Trung Quốc cầm đầu, đã đến Hoa Thịnh Đốn vào đầu tháng 3.
Phái đoàn thứ ba do Phó Thủ Tướng Qian Qichen cầm đầu, đã đến Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 3.
Mọi người trong giới ngoại giao đoàn đều rất ngạc nhiên về sự thay đổi cách cư xử rất đột ngột của Bắc Kinh đối với chính quyền Bush, vì dưới thời cựu Tổng Thống Clinton họ quen thói làm cao rồi, nhưng nay lại tỏ vẻ quá ư quỵ lụy, "không mời mà đến" cũng đủ chứng tỏ Trung Cộng - qua thái độ phớt tỉnh của ông Bush - đã cảm thấy băn khoăn lắm rồi. Tám năm về trước Trung Cộng chả cần làm gì hết, chỉ có việc ngồi chờ tân chính quyền Clinton phái sứ thần qua "triều kiến long nhan" tại Bắc Kinh. và nhận lãnh "chỉ thị" của "hoàng đế Trung Cộng" mà thôi. Nay thì Bắc Kinh có thái độ chịu "đi nước dưới" đối với chính phủ Bush thì giới ngoại giao quốc tế quá đổi ngạc nhiên.
Chuyến đi của 3 phái đoàn nầy tuy đi một công mà có đôi ba việc. Việc thứ nhất là tìm hiểu lý do sâu xa về sự chuyển hướng của Hoa Kỳ trong việc đối xử với Trung Cộng từ thế "đồng minh chiến lược" nhảy băng qua thế "đối thủ chiến lược", để rồi còn có thể buớc thêm một bước thứ hai tận cùng là "kẻ thù chiến lược". Khi mà Hoa Kỳ đưa Trung Cộng vào thế tận cùng này, có nghĩa là họ muốn buộc nước này vào thế thi đua võ trang, giống như họ đã buộc Liên Xô phải chạy đua võ trang với họ, để rồi cuối cùng ngân sách quốc gia khánh kiệt và chế độ tiêu ma không kèn không trống.
Việc thứ hai là cố gắng làm cho tình hữu nghị giữa hai nước trở lại thắm thiết như xưa. Việc thứ ba mới là đi vận động thật sự để Hoa Kỳ đừng bán 4 khu trục hạm thuộc loại Arleigh Burke có trang bị radar tối tân Aegis - có thể phát hiện một trăm mục tiêu cùng một lúc - cho Đài Loan.
Phái đoàn thứ nhất gồm có 3 ông cựu đại sứ đã được một số nhân viên hạng trung của Bộ Ngoại Giao ra đón tiếp ở phi trường. Phái đoàn có ghé qua Houston để thăm cựu Tổng Thống Bush, thân sinh của đương kim tổng thống Hoa Kỳ và được ông này tiếp rất lơ là, nếu không muốn nói là lạnh nhạt. Trước khi ba phái đoàn này qua Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã có nhờ người tiếp xúc với các ông Kissinger và Brent Scowcroft để nhờ họ nói giúp một tiếng với cựu Tổng Thống Bush thì các vị này có hứa là họ sẽ can thiệp với thân sinh ông tổng thống để ông này sẽ "dạy cho ông con" không nên làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa hai nước. Tưởng họ nhờ ai chứ nhờ ông Kissinger, người từng bị Lê Đức Thọ của Hà Nội qua mặt một cái vèo sau khi ký kết Hiệp định Ba Lê, thì chuyện vận động của Bắc Kinh có cơ thất bại là cái chắc.
Phái đoàn thứ 3 do Phó Thủ Tướng Qian Qichen cầm đầu, trước khi tới Hoa Thịnh Đốn, có ghé lại Nữu Ước, và trong buổi gặp báo chí tại nơi đây, ông Qian dõng dạc lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ rằng việc nước nầy bán 4 chiếc Khu trục hạm Aegis cho Đài Loan sẽ làm sứt mẻ tình hữu nghị giữa hai nước và có thể đưa đến tình trạng chiến tranh. Ông ta nhấn mạnh: việc bán 4 khu trục hạm cho Đài Loan chứng minh rõ rệt là Hoa Kỳ đã vi phạm trầm trọng hiệp định 1982 qui định hạn chế việc bán vũ khí cho Đài Loan. Nhưng ông ta quên rằng bên cạnh hiệp định có kèm theo một trang ghi điều khoản gởi cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia nói rõ lời tuyên bố của Tổng Thống Reagan là việc hạn chế đó chỉ có giá trị khi nào cán cân lực lượng giữa Trung Quốc và Đài Loan không có thay đổi. Nhưng từ ngày ấy đến nay, Trung Cộng đã đặt thêm hàng trăm hỏa tiễn dọc theo bờ bể tỉnh Phúc Kiến và hướng về phía Đài Loan.
Nhân vụ Trung Cộng tăng cường vũ khí dọc theo eo bể Đài Loan, Đô Đốc Dennis Blair Tư Lệnh Lực Lượng Quân Sự Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương có cho biết là ông ta đã có lưu ý Trung Cộng nên tiết giảm số hỏa tiễn dàn dọc theo bờ bể Phúc Kiến và nhắm về Đài Loan để cho tình hình giữa đôi bên bớt căng thẳng thì đã được Trung Cộng trả lời là những vũ khí đó không nhắm vào Đài Loan.
Khi nghe xong những điều trình bày trên đây, Phó Thủ Tướng Qian đã trả lời cộc lốc:
-"Tôi không cho rằng những chuyện đó lại có thể trở thành một vấn đề".
Ông Qian tỏ vẻ lạc quan vừa phải khi ông đề cập đến việc Hoa Kỳ dự tính bán 4 chiếc khu trục hạm cho Đài Loan, đoạn ông ta nhấn mạnh ở điểm là năm (năm 2000), chính Tổng Thống Clinton cũng đã một lần từ chối việc bán cho Đài Loan những chiếc khu trục hạm nầy. Tiện đây cũng nên nhắc lại là cách đây 3 năm (1999), quý ông Paul Wolfowitz (nay là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng), Richard Armitage (nay là Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao) và ông I. Lewis Libby (Văn Phòng Trưởng của Phó Tổng Thống Dick Cheney) có gởi một văn thư cho cựu Tổng Thống Clinton kêu gọi ông này nên có những hành động nhằm giúp thêm vũ khí cho Đài Loan. Nhưng ông Clinton - sợ mếch lòng Trung Cộng - nên đã ngoảnh mặt làm ngơ, không trả lời.
Phó Thủ Tướng Trung Cộng đã được Tổng Thống Bush tiếp kiến tại tòa Bạch Ốc ngày 22 tháng 3 năm 2001. Cũng vào thời gian đó, phát ngôn viên bộ An Ninh của Trung Cộng ở Bắc Kinh cho báo chí hay là ngày 11 tháng 2, năm 2001, họ đã bắt bà Gao Zhan 40 tuổi, giáo sư tại đại học American University, Hoa Thịnh Đốn, cùng chồng của bà và em bé Andrew, 5 tuổi, con của bà ta. Cả ba người nầy đều bị giam riêng để thẩm vấn. Mặc dầu em bé Andrew chỉ mới có 5 tuổi mà cũng bị biệt giam 26 ngày liền, xa cha mẹ của em, thì chắc tội của em cũng nặng lắm - theo nhân viên bộ An Ninh Trung Cộng - và rất có thể là em đã âm mưu lật đổ chế độ hà khắc, vô nhân đạo của Tổng Bí Thư Trung Cộng Giang Trạch Dân chăng?
Bà Gao và ông Xue, gốc Trung Hoa, đang xin nhập quốc tịch Hoa Kỳ; còn em Andrew - vì sinh ở Hoa Kỳ - nên đã có quốc tịch Hoa Kỳ từ khi mới sinh ra đời. Nhưng khi bắt "nhà đại cách mạng Andrew" mới có 5 tuổi nầy, Bộ An Ninh Trung Cộng không thông báo cho tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh biết, là họ có bắt một công dân Hoa Kỳ bị tình nghi âm mưu phá rối nền an ninh của Trung Quốc; vì giữa hai nước có ký thỏa ước khi nước nầy bắt kiều dân của nước kia, thì nước bắt người bị tình nghi phải thông báo cho nước kia biết, chậm nhất trong vòng 4 ngày. Nội một hành động nầy cũng đủ chứng minh cho thế giới biết là đối với Trung Cộng, việc thi hành và tôn trọng mọi hiệp ước được ký kết giữa đôi bên là chuyện của bên kia, còn vi phạm hiệp ước là chuyện đương nhiên hay nói cho chính xác hơn là "quyền của Trung Cộng!"
Tổng Thống Bush và Ngoại Trưởng Powell đã được thông báo về vụ bắt bớ em bé Andrew, kiều dân Hoa Kỳ nầy.Và ông Powell đã thốt ra câu "thật là vô nhân đạo". Còn dư luận của giới ngoại giao thì quá ngạc nhiên khi thấy Bắc Kinh có một hành động điên rồ như vậy vì chính bộ An Ninh Trung Cộng lại lựa đúng ngày Phó Thủ Tướng Qian đi gặp Tổng Thống Bush để loan tin cho thế giới biết là vừa bắt một gia đình người Mỹ gốc Hoa có hành động làm nguy hại đến nền an ninh của Trung Quốc. Trong khi phó thủ tướng của họ đang chuẩn bị xin tổng thống Hoa Kỳ dẹp bỏ ý định bán 4 chiếc khu trục hạm Aegis tối tân cho Đài Loan, thì Bắc Kinh lại có hành động khiêu khích, hăm dọa, đánh phủ đầu Hoa Kỳ như vậy, quả thật là xuẩn động!
Thế rồi việc gì phải xảy ra đối với phái đoàn Trung Cộng đã đến. Tổng Thống Bush đã nhân cơ hội nầy để thuyết cho Phó Thủ Tướng Qian nghe quan niệm của ông về Nhân Quyền và Tự Do Tín Ngưỡng. Riêng ông Qian thì im lặng ngồi nghe, ít nói, và tỏ thái độ rất là cung kính, theo lời tường thuật của một số báo chí lớn của Hoa Kỳ. Và cuối cùng, Tổng Thống Bush cho ông Qian hay việc bán 4 chiếc khu trục hạm hay không là quyền của Hoa Kỳ và ông mong rằng việc gia đình của em bé Andrew sớm chóng được Bắc Kinh giải quyết càng sớm càng tốt
Trong tháng 4 vưa qua, Tổng Thống Bush không gấp gáp gì mà tuyên bố việc bán 4 chiếc khu trục hạm Aegis cho Đài Loan để làm mất lòng Trung Cộng trong lúc này vì ông còn phải "xử lý" vụ Nga trước đã. Trong khi đó thì ông lại treo một cây kiếm ngay trên đỉnh đầu Trung Cộng và ngầm cảnh cáo Trung Cộng nếu còn tiếp tục có thái độ hung hăng đối với Đài Loan, thì khi đó ông sẽ ra lệnh bán 4 chiếc khu trục hạm Aegis ngay cho Đài Loan. Và để xoa dịu Đài Loan, ông sẽ chấp nhận bán cho Đài Loan một số khu trục hạm loại Kidd dùng đối phó với phi cơ Trung Cộng, một mối nguy kề cận nhất đối với Đài Loan.
Vả lại nếu Đài Loan mua khu trục hạm loại Kidd, thì đã có sẵn rồi, và Hoa Kỳ có thể giao ngay; còn loại có trang bị radar Aegis thì phải chờ đến năm 2005 xưởng đóng loại tàu nầy ở Pascagoula, tại Mississipi mới đóng xong, với giá 1 tỷ mỹ kim cho một chiếc (1 tỷ bằng 1000 triệu ).
Qua cuộc tiếp xúc với phái đoàn Qian, Tổng Thống Bush đã tỏ ra rất cương quyết đối với Trung Cộng. Mặc dầu ông không nói rõ ý của ông, nhưng nội cách trả lời cứng rắn của ông với ông Qian cũng đủ thấy ông không nhân nhượng Trung Cộng tý nào cả và không lý gì đến vấn đề có chiến tranh hay không tại eo bể Đài Loan; có lẽ là ông đã có chủ ý cả rồi. Chúng ta cứ nhìn qua buổi ông ta tiếp kiến Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trọng thì mới thấy được - mặc dầu ông ít kinh nghiệm về ngoại giao, nhưng để lấp cái lỗ hổng đó, ông được trời đã phú cho có cái nhìn sắc bén về đối tượng của mình, và một lương tri sáng suốt và bình tĩnh để nhận xét tình hình một cách khách quan.
Ông Kim Đại Trọng đã có cái nhìn sai lạc về ông Bush khi ông tiếp xúc với ông này, nên mới đặt lại vấn đề tiếp tục cuộc điều đình với Bắc Hàn về việc sản xuất hỏa tiễn đang còn bỏ dở dưới thời Clinton. TT Bush đã trả lời ngay với ông Kim Đại Trọng là ông không tin Bắc Hàn, nhất là về vấn đề kiểm soát, nên ông đã đơn phương hủy bỏ cuộc đàm phán đang bỏ dở này; mặc dầu ngày trước đó Ngoại Trưởng Powell có hứa với ông Kim Đại Trọng là chính phủ này sẽ tiếp tục lại cuộc đàm phán đang bỏ dở dưới thời ông Clinton.
Lời tuyên bố của ông Ngoại Trưởng Colin Powell thế nào lại chẳng được ông Kim Đại Trọng gọi điện thoại về Bình Nhưỡng để báo tin mừng này cho Kim Chính Nhật lãnh tụ Bắc Hàn, làm cho tên này mừng hụt tưởng rằng mình sẽ có cơ hội để "gạt tên Bush con này một mẻ cho mà xem!" Qua hai vụ tiếp xúc với đại diện hai nước Trung Cộng và Nam Hàn, chúng ta có thể nói chính ông Bush là người quyết định tối hậu về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, mà đôi khi không cần hỏi ý kiến cộng sự viên của ông ta.
6. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Canada
Vào đầu tháng 9 vừa qua, "Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Canada cho thế kỷ thứ 21" đã công bố một bản báo cáo vạch rõ tình trạng thê thảm về quốc phòng của Canada. Theo giáo sư J. L.Granatstein, một sử gia có tên tuổi của Canada, thì chính phủ của ông Chrétien chả lưu tâm gì đến vấn đề quốc phòng của nước nầy và theo ông ta, thì muốn đột nhập vào Hoa Kỳ, không có gì dễ dàng hơn bằng cách đột nhập qua ngả Canada, một yếu điểm trong hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ. Tờ National Post, một nhật báo có con số phát hành cao vào mức nhất nhì ở Canada đã viết như sau:
(1 ) Không quân Canada có rất ít sĩ quan hoa tiêu có kinh nghiệm, vì từ khi chính phủ từ chối không trả lương cho họ tương đương như bên dân sự, thì họ đã tìm việc làm tại hãng Hàng Không Air Canada.
(2) Hiện nay, Canada rất "yếu" về quân dụng, nhất là về loại đạn dược điều khiển bằng tia Laser của loại phi cơ F18s đã từng hoạt động ở Serbia và Kosovo cách đây 4 năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bổ sung lại.
(3) Nếu cần phải điều động Hải quân như ở Vùng Vịnh chẳng hạn, thì Canada chỉ cung ứng - nhiều lắm - là 3 chiến hạm thôi.
(4) Canada không có đủ bác sĩ quân y để cung cấp cho một bệnh viện dã chiến.
(Xem tiếp phần II)