Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
26 THÁNG 3
XUÂN THỚI


Gần năm giờ sáng, thành phố khác hẳn mọi ngày.

Tất cả như như đang còn trong giấc ngủ sâu, không ồn ào náo nhiệt bắt đầu cho một ngày mới thức dậy, cửa nhà nào cũng đóng chặt. Cảnh vật còn chìm trong bóng đêm, rất im lặng, sự im ắng có đượm chút gì rờn rợn âu lo. Đường sá vắng ngắt, trải mình dưới cái ánh sáng vàng vọt của dãy đèn lưa thưa. Không một bóng người hay xe cộ đi lại khiến vẫn ánh đèn nầy, vẫn những con đường nầy mà nay như lạ lẫm lắm.

Không khí lúc đêm về sáng còn phảng phất cái se lạnh những ngày cuối Xuân, mà không gian thì tê tái hơn.

Đêm qua là đêm thứ nhất bộ đội miền Bắc quản lý thành phố sau khi chiếm được hoàn toàn trong đêm trước đó - 24/3/1975

Chiếm xong, lúc trời còn chưa sáng, xe phóng thanh chạy chầm chậm, vòng vòng qua các con phố rồi ra vùng phụ cận. Theo sau xe phóng thanh là một xe “Cam nhông” quân sự mui trần, loại xe sau nầy mới biết của Liên Xô chế tạo. Trên xe toán lính đầu đội nón vải màu xanh cây rừng, có võ trang súng trường chỉa ra hai bên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cứ mươi, mười lăm phút xe lại dừng để phát khẩu lênh của ban quân quản lệnh cho những người tham gia chế độ cũ phải ra trình diện. Nếu ai bất tuân, lực lượng an ninh “cách mạng” bắt được sẽ bị trừng trị theo luật thời chiến.

Người trước đây tham gia quân đội họ gọi là “ngụy quân”, tham gia chính quyền gọi là “ngụy quyền” Sài Gòn.

Hôm nay cũng vậy, xe phóng thanh phát lệnh khác: nhà nào có súng, đạn, chất nổ và tài liệu liên quan đến “ngụy quyền” Sài Gòn phải đem nộp gấp. Nếu ai không chấp hành, khi chính quyền “cách mạng” phát hiện sẽ bị tịch thu và trừng phạt theo quân luật.

* * *

Khuya đêm 24/3, sau khi quân lính của chính quyền cũ bỏ đi, bộ đội miền Bắc tiến vào thành phố như vào chỗ không người. Từ mọi hướng không gặp phải sự chống đối nào nên không có tổn thất, thương vong.

Trước đó, hồi sáng sớm, nhiều loạt đạn Đại bác của bộ đội miền Bắc từ các vùng nông thôn xa xôi nã bừa bãi vào thành phố làm một số người dân chết và bị thương, nhà cửa sụp đổ, cháy sém.

* * *

Khi binh lính rút đi, một số gia đinh quân nhân, những người có tham gia ít nhiều với chính quyền cũ, cùng với đảng viên các đảng phái khác đảng Cộng sản và tín đồ giáo phái (đạo Cao Đài) trước kia từng chống đối, đã bị giết hằng loạt. Nay sợ sẽ bị chính quyền mới hành xử trờ lại như hồi 1945, cùng dắt díu nhau đi theo mà chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu.

Một số không tham gia chính quyền, đảng phái hay tôn giáo nào nhưng trước đó đã nghe được những thông tin như vụ án “Nhân văn giai phẩm” ở Hà Nội và những cuộc đấu tố trong cải cách ruộng đất ở nông thôn toàn miền Bắc mà cách đối xử với người trí thức, người có tài sản trong chủ trương “Trí, Phú, Địa, Hào đào tận gốc, trốc tận rễ” đến nỗi họ không bị đấu tố đến chết thì cũng tự tử, nên không muốn ở lại.

Sau khi các bên tham chiến ký kết hiệp định Paris (1973), dư luận Quốc tế không mấy thuận lợi cho chính quyền miền Nam, cộng với tình hình chiến sự trong nước gặp nhiều khó khăn vì Mỹ cắt viện trợ cho miền Nam. Miền Bắc không còn bị máy bay oanh kích, có thêm ưu thế trong việc tiếp tế cho bộ đội của họ tăng cường sức mạnh chuyễn sang Vận động chiến, trận địa chiến ở miền Nam. Phản công chứ không còn đánh du kích lẻ tẻ như trước.

Viễn ảnh chính phủ miền Nam sụp đổ không còn xa. Đảng Cộng Sản miền Bắc sẽ thôn tính và lập chính quyền trong thời gian đến không còn nghi ngờ gì nữa. Vì vậy, trước và sau Tết âm lịch năm đó (Ất Mão, 1975) trong dân chúng đâu đâu cũng nhắc lại những chuyện khi họ lập chính quyền lần đầu từ nhiều năm trước. Điển hình hồi 1945, hầu hết các vùng “hưởng ứng tham gia cuộc khởi nghĩa” trên cả nước (đa phần là ở nông thôn), sau khi cướp được chính quyền họ mang một số người phục vụ triều đình Huế trong “hương lý”, đảng viên các đảng phái khác, tín đồ đạo Cao Đài ra hành quyết công khai theo bản án là cấu kết tội ngắn gọn của một người cũng trong địa phương được phong là Tư pháp cắt cử từ khi còn trong bí mật, không ai hay biết.

Xét xử đơn giản, kết tội đơn giản, rồi phương tiện hành quyết cũng rất đơn giản: chỉ với một viên đạn cho độ năm, sáu người trói đứng bên cạnh dãy trụ chôn hàng dọc ngay ngắn. Sau đó là gươm, đao, dáo mác của bộ phận gọi là dân quân cũng người trong thôn xóm (có khi là người thân), hăng hái miệng tung hô diệt phong kiến đế quốc, thẳng tay đâm chém lia lịa lên những thân người mà viên đạn chưa đủ làm cho họ chết hẳn.
 

 

Xử trị những kẻ có "nợ máu với nhân dân", không cần tòa án.

 

Kết thúc cuộc xử, Ủy ban hành chánh kháng chiến lâm thời cho phép người nhà được quyền tự do mang xác thân nhân mình đi chôn nơi nào tùy ý.

Có nơi, người ta không bắn hay đâm chém mà đẩy năm, bảy người đang sống xuống một giếng khơi dùng lấy nước tưới cây, xong lấp đất thành huyệt mộ chôn sống tập thể (thường gọi giếng thuốc, giếng lấy nước tưới cây thuốc lá, giếng thay đổi theo vụ mùa, sau một vụ tưới có khi lấp lại).

Khi chưa chiếm được thành phố, từ nông thôn - những vùng được gọi là “giải phóng cũ” - thường tung những tin đồn đại loại: “Khi nào giải phóng thành phố sẽ cho đầu người dân theo ngụy bay như bông gòn!”. Vì câu nói gợi hình ảnh rùng rợn đó và nhớ lại những việc đã xảy ra như kể trên, mới có cảnh ùn ùn kéo nhau ra đi, gọi là “Di tản”.

Vì vậy đoàn quân thành đoàn người chen chân, ồn ào kéo dài hơn hai cây số trên một đoạn đường Quốc lộ I. Điều nầy khiến tôi chợt nghĩ đến chuyện ngày xưa trong Tam Quốc chí, Lưu Bị dẫn quân cùng dân Bành Thành ra đi(!).

Ra khỏi thành phố chừng 10 cây số, đêm đã về khuya, đến đoạn đường có gò núi và lau sậy hai bên (xã Bình Liên, nay gọi là Bình Long), dưới ánh trăng sáng tỏ đêm 13 tháng 2 âm lịch năm Ất Mão (1975), đoàn người bị một cánh quân thuộc lực lượng miền Bắc phục kích dữ dội. Lính nhờ có vũ khí chống trả ít bị tấn công và biết cách núp tránh nên ít thương vong. Dân và gia đình quân nhân đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em hốt hoảng chạy tán loạn trên mặt đường nhựa, trở thành mục tiêu cho đủ các loại súng đạn lớn, nhỏ.

Cuộc phục kích kéo dài gần một giờ đồng hồ. Sau đó, những người còn sống và không thương tích gì tiếp tục di chuyễn ra căn cứ quân sự Chu Lai còn cách xa đến hơn hai mươi cây số nữa để hy vọng có được tàu biển vào Sài gòn, một số khác không theo kịp vì thất lạc trong lúc bị phục kích, lần lượt về lại thành phố. Hai đoàn người sau (đoàn đi tiếp, đoàn trở về) không bị phục kích.

Sáng ra, một cảnh tượng rùng rợn đến hãi hùng:

Suốt hơn hai cây số trên mặt đường nhựa rộng, xác người, túi xách cá nhân, xe cộ (đa phần là xe gắn máy), nằm vung vãi ngổn ngang. Có người chết thân thể rách bươm, có người còn sống nhưng bị thương quằn quại rên xiết, có người vết thương quá nặng nằm bất động thở thoi thóp chờ trút hơi cuối cùng.

Thảm thương nhất là những em bé chỉ mới biết bò, mình cũng be bết máu, có lẽ máu của mẹ nó, còn mẹ thì đã chết từ khuya nhưng nó vẫn cứ ôm lấy bầu vú bú vô tư. Hay có đứa không biết có phải bị nắm hai chân xé tách làm đôi, hoặc dồi lên cao rút súng lục bắn chơi một vài phát như tội ác giặc Pháp được nghe cán bộ tuyên truyền của “cách mạng” kể trước kia hay không mà thân xác nhỏ nhoi lại trúng phải viên đạn lớn phá nát hình hài, phần thân thể còn lại như tua một con cá mực.

Mặt đường máu đọng lổ chổ như những vũng nước sau cơn mưa chiều. Tiếng khóc những người còn sống, của thân nhân đi tìm người nhà và tiêng rên xiết của người bị thương râm ran thảm thiết cả một vùng trời nghe đến nẫu ruột.

Trong khi đó, một số bộ đội phục kích đêm qua vẫn còn ở lại, đứng bên vệ đường lăm lăm khẩu súng trong tay như canh giữ, phòng những xác người nằm đó sẽ vùng dậy chạy trốn!

Cùng với việc lật xác nhận diện thân nhân, hoặc băng bó vết thương. Một số người thừa cơ hội cũng kéo xác nhưng để lột đồng hồ đeo tay, nữ trang hay móc túi tìm vàng bạc, số khác lục lọi trong túi xách.

Trong thành phố, bệnh viện chật cứng bệnh nhân, nằm la liệt cả dưới sàn gạch. Lúc nầy chưa ai quản lý bệnh viện nhưng những Bác sĩ, y tá ở đây vì lòng nhân đạo và lương tâm nghề nghiệp không ai bảo ai vẫn ở lại phục vụ tận tình. Nếu không có họ số người chết chắc sẽ còn tăng nhiều hơn nữa.

Cả ngày hôm đó (25/3) thành phố và các vùng phụ cận như một đám tang tập thể, khu nào cũng có người chết hoặc bị thương. Chết và bị thương lúc bình minh khi đại bác nã vào hoặc trong đêm khi bị phục kích trên đường di tản.

Những đám tang vội vã và lặng lẽ đưa đi, không cờ không trống như ngày thường và thưa thớt người thân tiễn biệt khiến nỗi tang tóc càng thêm ảm đạm thê lương.

 

 

Ủy ban quân quản "làm việc" với dân "ngụy"  thuộc tàn dư chế độ cũ.

 

Trong cái buồn thương mất mát người thân còn ẩn chút gì sờ sợ và gờn gợn nỗi âu lo nào đó, nên cũng làm cho nước mắt như chảy ngược vào trong mà không đầm đìa trên những khuôn mặt chỉ mới sau hai mươi bốn giờ đồng hồ đã trở thành hốc hác, thảm não.

Tối đến, không còn nghe tiếng súng nhỏ hay đại bác bắn đến, bắn đi, không còn ánh hỏa châu le lói đâu đó trên bầu trời như trước. Vẫn đêm trăng bình thường trải ánh sáng vàng khắp đó đây, nhưng mọi người có cảm tưởng như trời tối đi vì im ắng quá, một sự im lặng có chút gì rờn rợn khắp không gian. Cửa đóng sớm và không nhà nào mở đèn, mà chắc cũng không mấy ai chợp mắt được. Thao thức, nghe ngóng, mà cũng không xác định nghe ngóng thứ gì và để chi.

Một nỗi sợ hãi bao trùm!

Chốc chốc có tiếng chân nhiều người đi ngoài đường loạt xoạt và tiếng nói xầm xì làm tăng vẻ bí hiểm, hoang mang. Thỉnh thoảng ở một nhà nào đó có tiếng ra lệnh mở cửa, “thắp” đèn và tiếng súng lên đạn lắc cắc nghe lạnh cả người.

Cuối cùng, tiếng cửa kéo mở ra. Sau một hồi ngắn ngủi lớn tiếng quát tháo ra lệnh của người mới vào và tiếng nhỏ nhẹ khẩn khoản van xin của người trong nhà. Đoàn người ra đi, dẫn theo một người tay bị cột chặt ra sau lưng.

Đoàn người đi rồi cửa không buồn đóng nữa. Tất cả người còn lại ngồi ôm nhau khóc lóc thảm thiết như nhà cũng có người chết vậy.

Cảnh bắt bớ như thế diễn ra đây đó suốt đêm và nhiều ngày, nhiều đêm tiếp theo. Người bị bắt thời gian sau có người về, có người không. Người không về khi thân nhân đến chính quyền hỏi thăm tin tức chỉ được nghe câu trả lời thản nhiên “còn đang học tập cải tạo tư tưởng trên tỉnh trên huyện gì đó”. Thế là xong! về nhà âm thầm chờ đợi.

Trước sự thay đổi đột ngột, người dân còn e dè vì chưa biết chính sách của chính quyền mới trong sinh hoạt xã hội sẽ như thế nào vì trước đây thường được nghe tuyên truyền sẽ xây dựng một xã hội vô sản để tiến đên thiên đường Cộng sản. Thêm vào đó, nhiều gia đình có người tham gia chính quyền cũ đi “trình diện” và bị giữ lại từ ngày hôm qua lo lắng không biết rồi sẽ bị đối xử ra sao. Vì vậy đường vắng, chợ không đông

* * *

Ngày và đêm hôm qua tôi cùng gia đình may mắn không gặp rủi ro gì.

Khi về lại nhà, sau cái đêm hãi hùng trên đoạn đường kinh hoàng đó, tôi nghe lệnh gọi “trình diện”. Không dám chậm trễ vì tự biết mình là người tham gia chế độ cũ, “chạy trời không khỏi nắng mưa”, đã cùng mấy người cùng khu phố, ở gần đi trình diện hồi hơn 9 giờ và được cấp giấy chứng nhận, cho về. Nghe vậy trong lòng thầm mừng tưởng thế là xong. Nhưng không, liền sau đó lệnh tuyền qua loa phóng thanh những người được cấp giấy như chúng tôi là để về chuẩn bị mười ngày ăn trên đường đi đến trại “học tập cải tạo” tư tưởng. Hai giờ chiều hôm sau (27/3) phải tập trung trở lại nơi nầy để có cán bộ dẫn đi theo chính sách của chính phủ “cách mạng”. Ai trễ nải là cố ý trốn tránh sẽ bị trừng trị.

Nghĩ đến mười ngày đi đường lòng ai nấy tuy không nói ra cũng đều hồi hộp lo lắng, vì không hiểu sẽ đi xa đến tận đâu và rồi sẽ ra sao. Có giống như một số người đêm hôm trước bị bắt tại nhà dẫn đi, hồi lâu nghe văng vẳng tiếng súng nổ, sau đó vĩnh viễn không trở về với gia đình vợ con nữa! Do đó, một số người tuyệt vọng đi đến tự tử thảm thương.

Khi cùng đoàn cả trăm người dẫn bộ ra đi, tôi lại nghĩ đến những người Do Thái ở châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi đi đến trại tập trung Bergen Belsen, Auschwitz... trên đất Ba Lan có gì khác chúng tôi bây giờ?!

* * *

Suốt buổi sáng hôm đó (26/3), khi vợ tôi đi tìm mua gạo, và các thứ làm thức ăn khô chuẩn bị cho tôi (vì chưa có chợ), xe phóng thanh liên tục kêu gọi nhưng tôi không còn tâm trí để quan tâm. Hơn nữa tôi cứ nghĩ mình không có tài liệu gì, khẩu súng lục cũng đã vứt bỏ trên đường về từ sáng hôm qua rồi.

Bữa cơm trưa hôm đó thật ảm đạm và buồn.

Không nói ra nhưng trong lòng vợ chồng tôi đều nghĩ biết đâu đây không là bữa cơm sum họp cuối cùng của gia đinh giữa tôi, vợ tôi và bốn đứa con còn nhỏ dại, đứa nhỏ nhất mới hơn ba tháng tuổi.

Ăn xong, ngồi nhìn gói quần áo và thức ăn chuẩn bị sẵn, rồi nhìn vợ con đang ngồi im lìm bất động, lòng tôi như thể bị vò nát. Thương nhất là hai đứa con nhỏ, chưa biết gì nên vẫn vô tư đừa giỡn, ê a. Hai đứa lớn tuy chỉ biết mang máng, không khóc nhưng mắt chúng cũng vẩn nước nhìn càng thêm xót xa!

Trong khi tôi chuẩn bị lên đường, một chiếc xe Cam nhông nhỏ sà đến, đỗ ngay trước nhà. Lúc đầu tôi tưởng xe đến gom tôi đi theo địa chỉ tôi đã khai báo ngày hôm qua. Nhưng không, liền sau, một toán người có võ trang từ trên xe xuống đi thẳng vào nhà. Đi đầu là một người quen cũ tên Huân, tôi biết anh ta vì trước kia có người gởi gắm để tôi che chở cho anh khi đến tuổi quân dịch, mà anh là con duy nhất và có cha mẹ già trên sáu mươi tuổi, bệnh hoạn yếu đuối; nên anh thường lui tới nhà tôi, không lạ chỗ nào và vật gì. Anh ta cũng thích đọc sách nữa! Huân bận quần áo dân dã bình thường như mọi ngày, chỉ khác đầu đội chiếc mủ vải màu xanh cây rừng như những người tôi gặp ở chỗ trình diện ngày hôm qua.

Sau khi tự giới thiệu Huân nay là cán bộ chỉ huy đội du kích địa phương, được lãnh đạo Ủy ban quân quản chỉ thị (không có giấy tờ) đến kiểm tra nhà tôi khẩn cấp, vì nhân dân phản ảnh nhà tôi chứa chất nhiều tài liệu liên quan chế độ cũ và sách báo văn hóa nô dịch của đế quốc.

Tuyên bố xong, Huân chìa tay ra hiệu tôi giao chìa khóa các tủ sách và lệnh cho các người đi theo không cần phải lục soát kiểm tra gì, chỉ tịch thu toàn bộ sách báo của tôi đựng trong máy tủ kiếng lớn nhỏ đem ra xe chở về cơ quan xử lý. Sau nầy nếu tìm thấy có tài liệu phản động nguy hiểm nào trong đó sẽ thông báo lên trại học tập cải tạo nơi giam giữ tôi để có biện pháp kỷ luật thích đáng.

Lời tuyên bố của Huân là mệnh lệnh thay cho biên bản, tôi không thể đòi hỏi gì hơn. Mà tôi cũng liền nghĩ ra nếu có đòi hỏi cũng vô ích thôi và biết đâu lại không thêm rắc rối cho bản thân trong lúc này. Tôi im lặng đứng nhìn.

Thế là tài sản bao nhiêu năm ky cóp của tôi thoáng chốc không còn là của tôi nữa!
Tôi không có vàng bạc châu báu, của nổi của chìm, chỉ có từng ấy sách báo là tài sản với tâm niệm “để dành cho các con” như từng ghi ở mỗi trang đầu sách khi mua về.

Và hôm nay...!

Đứng nhìn chiêc xe từ từ chuyễn bánh chạy khuất, tôi thẩn thờ và lặng lẽ quay vào. Trước mắt tôi, mấy tủ gỗ cửa kiếng bây giờ rỗng không, chơ vơ dựa lưng vào tường, hai cánh cửa vẫn còn mở toạt ra hai bên. Tôi có cảm tưởng tủ giờ đây giống như một người mặt cuối gằm, đầu ngoẹo sang một bên, hai tay dang rộng để thể hiện một mất mát, tuyệt vọng nào đó.

Gỗ cũng ngậm ngùi!

Trước, sau chưa đến một giờ đồng hồ, tài sản ra đi, tôi ra đi mà tất cả không biết đi về đâu, và ngày mai rồi sẽ thế nào!

Thời gian sau, trong một lần đi làm kênh mương thủy lợi, tình cờ tôi thấy lại quyển sách có chữ ký của mình, một trong bộ 27 quyển viết về cuộc chiến thế giới thứ hai. Quyển “Trại tập trung Bergen Belsen”, sách dịch của một tác giả người Ba lan. Nhưng tôi không dám nhìn vì bây giờ trên tay một người khác, một cán bộ.


* * *

Trong thời gian ở trại học tập cải tạo, khác với bạn bè, đa phần họ chỉ tiếc nhớ đến tài sản, gia đình: nhớ cha mẹ, vợ con,…, còn tôi, thêm nỗi tiếc nuối cái tài sản tinh thần đã bao năm ki cóp: sách vở.

Nhiều đêm không ngủ được, tôi lại băn khoăn ngớ ngẩn với những suy nghĩ viễn vông, rằng không hiểu rồi đây có ai tiếp tục ghi lại “Chuyện hằng ngày” trên toàn thế giới của Đoàn Thêm không? Có nhà văn nào viết tiếp thiên bi hùng ca “Việt nam máu lửa” của Nghiêm Kế Tổ nữa không? Tác phẩm “Tầng đầu địa ngục” của nhà văn Liên xô vĩ đại Solzhenitsyn được trao giải Nobel văn học năm 1962 có còn được lưu hành để các thế hệ sau biết được giai đoạn lịch sử kinh hoàng của những dân tộc ở Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu không? Tôi cũng lục lọi trí nhớ mình những cảnh trong “Một ngày trong đời Ivan Énochovich” thời gian ở Sibéria, trong những ngày nhiệt độ xuống âm 35 độ C, để xem mình có chỗ nào giống trong đó không?! Có khác chăng chắc chỉ cái lạnh thấu xương ở đó và cái nóng rát da người ở đây mà thôi!

Một buổi sáng nọ, mới sau mấy hôm đến trại, khi điểm danh để phân chia việc làm, Ban Chỉ huy trại thông báo thiếu một trại viên (trong giấy tờ ghi “tù binh”). Thế là mất toi hơn một giờ đồng hồ “lao động sản xuất” vinh quang, để đứng nghe “Chỉnh huấn”.

Cả ngày hôm đó không biết bao nhiêu phỏng đoán truyền miệng với nhau: nào là anh ta bị bệnh “thổ tả” chết trong đêm, phải đưa đi chôn vội vã đâu đó đẻ tránh lây lan, nào là trốn trại từ hồi nhá nhem tối hôm qua v.v...và v.v...

Tối đến và hai đêm tiếp theo, sau khi ăn cơm xong tất cả phải tập trung về hội trường của trại để nghe “cán bộ” trại “giáo huấn” về đường lối, chủ trương của “cách mạng”… và ôn lại kỷ luật trại đến tận khuya.

Khi nghe trốn trại tôi lại nghĩ đến “Papillon”, (Người tù khổ sai) của Henry Charrière (1). Rồi gạt đi cái phỏng đoán chết chóc để nghĩ tiếp: anh ta có được cái may mắn “giang hồ tung cánh” như Bonco hay không? Rõ lẩn thẩn!

Tất cả cũng do sự tiếc nuối cái đã mất: SÁCH!




Hình bìa cuốn “Papillon” ấn bản tiếng Anh, in năm 1970.


Sau khi được “học tập tốt”, theo lời của trại giam, tôi được cho về sống đời dân dã tại nơi sinh, lúc cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ được gọi là “quá độ”. Mọi người phải “thắt lưng buộc bụng” để “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, xây dưng “Thiên đường Cộng sản”. Nhiều người bạn của tôi lại tiếc nuối cho tôi cách khác, họ bảo: “phải chi hồi đó ông đừng sắm sách mà sắm vàng cất hôm nay ông đâu có khổ quá thế nầy. Vì nay người dân tuy luôn được nhắc nhỡ vàng không còn giá trị nữa nhưng có ai xem sách quý hơn vàng đâu? Sách không ai bán còn vàng có ngày lên năm bảy giá. Nếu lỡ có khi nào đó đồng bạc mất giá thì áp dụng biện pháp mười đồng đổi lấy một đồng cho tăng giá trị đồng sau cũng là một cách làm kinh tế vậy!”. Tôi không biết phải giải thích thế nào cho phải lẽ và cũng không biết mình đã đúng hay sai, vì vậy cứ ầm ừ cho qua chuyện hoặc lặng thinh méo miệng cười trừ!

Đây là phần đầu của thiên hồi ức nhiều phần kể về một đoạn đời mà tôi đã trải qua và sẽ cố nhớ, ghi lại làm quà kỷ niệm cho con cháu tôi sau khi tôi chết.

Chỉ mong được để lại cho con cháu tôi mà thôi.

Xuân Thới

(1) “Papillon”, tự truyện của Henri Chrrière trong thời gian 14 năm sau khi bị kết án tội sát nhân, một tù nhân người Pháp, trốn thoát từ trại tù khổ sai tại Guiana, một thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ, được Patrick O’Brian viết lại thành truyện, in lần đầu tại Pháp năm 1969, năm sau được dịch ra Anh ngữ, thuộc loại sách “bán chạy nhất” (bestseller), sau đó được Hollywood đóng thành cuốn phim mang cùng tên.

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh