Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
TẢN MẠN NỖI SỢ
XUÂN THỚI

 

TẢN MẠN NỖI SỢ


Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp những cuộc tụ tập đông người xảy ngoài đồng ruông, hoặc trong đường phố đến mức quyết liệt. Từ vụ anh em nhà họ Đoàn ở Hải Phòng chấp nhận tù tội nổ mìn, bắn súng hoa cà hoa cải; bà con từ Đắc Nông, Bắc Giang, Hải Dương và nhiều nơi khác không ngại đường sá xa xôi kéo về tận Hà Nội, ngồi lì trước các cơ quan trung ương Nhà nước. Đến Nguyễn Văn Tưởng ở Quảng Nam còn rất trẻ, dám hy sinh cả mạng sống của mình. Đó là chưa kể đến bà con miền Nam không tuần nào không tụ tập trước văn phòng 2 Chính phủ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nay, trên đất Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình như lặp lại chuyện của hơn năm mươi năm về trước. Chứng tỏ nỗi bức xúc của nhân dân đã vượt qua sức chịu đựng.

Tụ tập giữ vườn đất của mình, gởi đơn khiếu nại, và ngồi lỳ để chờ giải quyết là những hình thức ôn hòa đấu tranh của dân chúng. Mà đã có đấu tranh thì theo chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh”. Vậy là nay nhân dân đang bị áp bức!

Không chấp nhận đấu tranh là đồng tình với áp bức

Tất cả những diễn biến trên, có vụ được báo đài đăng truyền, có vụ tuyệt đối không có một câu một chữ nào. Trong khi đó, trên mạng internet lại rất phong phú từ hình ảnh cho đến bài viết của nhiều trang mạng khác nhau.

Internet là một phương tiện thông tin tân tiến, được gọi là công nghệ cao. Trong khi xã hội ta chưa thoát khỏi lạc hậu, dân trí còn thấp, số người biết và sử dụng chưa nhiều, nên chưa có thể gọi là đại chúng. Thế nhưng, chỉ qua chuyền miệng mà sau đó hầu như từ nửa thác Bản Dốc (xưa, ải Nam Quan) đến mũi Cà Mau đều có thông tin đầy đủ từng vụ một. Đâu đâu các anh “hai lúa” - “bình luận gia vỉa hè” - cũng râm ran xì xào “tác nghiệp”.

Cảnh xì xào đó. Trong một lần chè vỉa hè dư, càfé chồm hổm hậu, tôi lại được nghe một cuộc tranh luận khá sôi nổi của những người không quen, với để tài thời thượng, hấp dẫn không kém: dân chúng bây giờ có sợ hay không (hàm ý sợ cán bộ, sợ Nhà nước). Khiến tôi trực nhớ đến nhà văn Liên Xô trước kia - Alecxander Solzenitsine - người đươc chọn trao giải thưởng văn chương Nobel giữa thế kỷ trước.

Nhà văn khi nhận được thông báo đoạt giải. Ban đầu, ông xin đi qua thủ đô nước Thụy Điển nhận thưởng, Nhà nước Liên Xô không cấp Visa, vì sợ ông đi sẽ không trở về và lợi dụng điều kiện bôi bác chế độ ở nước ngoài. Đến khi Nhà nước thay đổi cách ứng xử, ra thông báo cho phép ông đi, ông lại không đi, vì sợ khi đi rồi Nhà nước sẽ không cho ông về lại quê hương. Trong khi công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ của ông chưa đến hồi kết.

Cuối cùng, một thời gian sau, đang đêm, bất thình lình, ông cùng với cả gia đình bị Chính quyền hốt lên máy bay bỏ sang tây Âu sống đời lưu vong với những tác phẩm của mình.

Thế rồi, cách nay chưa lâu, lại đích thân Tổng thổng Nga Vladimir Putin (lần làm Tổng thống trước) ra tận phi trường Mạc Tư Khoa nghiêng mình đón rước hài cốt nhà văn về an táng trong nghĩa trang Quốc gia. Với tang lễ cấp Nhà nước.

Một trong những tác phẩm của ông được Hàn Lâm Viện Thụy Điển chọn trao giải có nhan đề “Tầng đầu địa ngục”, nguyên bản viết bằng tiếng Pháp, xuất bản ngoài Liên Bang Xô Viết, đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Tiếng Việt, tại miền Nam khoảng thập niên 70, thế kỷ XX.

Được biết Solzenitsine chọn nhan đề nầy là mượn câu thơ của một thi sỹ người Ý.
Trong sách, có chương tường thuật về cuộc đối thoại giữa công dân Tổng trưởng An ninh Liên bang Nga (Minister of Internal Affairs of The Soviet Union) là Lavrentiy Pavlovich Beria với một tù nhân - nhà toán học hàng đầu Liên Bang Nga lúc bấy giờ - lần đầu tiên bị gọi đến trình diện ông Tổng trưởng trong một căn phòng lộng lẫy, trang trí đủ tượng trưng cho quyền lực tối thượng của chủ nhân.

Nhà văn kể: (tóm lược)

Sau khi theo người cận vệ Tổng trưởng, bình thản bước vào phòng, công dân tù nhân rất tự nhiên đến lấy thuốc lá và quẹt lửa có sẵn trên bàn Tổng trưởng châm hút. Xong, kéo ghế ngồi mà không đợi cho phép (từ trước đến giờ chưa có ai dám hành động thế nầy).

 

 

 

Tổng trưởng Nội an Nga Lavrentiy P. Beria


Thấy vậy, công dân tổng trưởng hất hàm:

- Anh có biết tôi là ai. Và đây là nơi nào không?

Chậm rải hít hơi thuốc thật dài như để cố xua cái lạnh thấu xương bù cho cơ thể thiếu trang phục thích hợp. Công dân tù nhân chậm rải, thẳng thắn trả lời:

- Thưa biết. Ông là công dân Tổng trưởng an ninh liên bang. Và đây là nơi làm việc. Phòng uy quyền.

Công dân Tổng trưởng dằn từng tiếng.

- Anh không sợ tôi à?

Công dân tù nhân từ từ rút khăn mù xoa chặm nước mũi (vì vừa đi bộ ngoài trời tuyết rơi dày đặc). Xong, ôn tồn, khẳng khái, thay vì trả lời. Bằng giọng rắn rỏi hỏi lại:

- Ông nghĩ thế nào về cái sợ. Sợ, theo ông nghĩa là gì. Thưa công dân Tổng trưởng?

Như quá bất ngờ vì đã từng có biêt bao nhiêu người đối diện mình chỉ biết run sợ và quy lụy chứ chưa ai có thái độ liều lĩnh ngạo mạn thế nầy. Công dân Tổng trưởng hai mắt trợn trừng, nhìn người đối diện từ đầu xuống chân như chỉa hai mũi dao sắt vào thân thể.

Chưa có phản ứng. Công dân tù nhân lại nhẹ nhàng nhưng đầy lý lẽ tiếp:

- Thưa công dân tổng trưởng, một người khi tỏ ra sợ hãi, đó là lúc họ cần để bảo vệ một cái gì họ có hay họ còn. Tôi nay không có, cũng chẳng còn gì cả, thì tôi bảo vệ cái gì nữa đây mà cần phải có nỗi sợ!

Như võ sĩ thượng đài bị thêm một cú đánh bồi, sắc mặt công dân Tổng trưởng bỗng dưng trở nên tái xạm mặc dù là người có tầm vóc phương phi béo tốt, lại ăn vận đầy đủ, ngồi trong căn phòng có máy sưởi điều hòa nhiệt độ ấm áp. Đang tìm một lời phán đủ uy quyền để nói với người đối diện. Chưa kịp. Lại nghe:

- Thưa công dân tổng trưởng. Từ theo lệnh ông, tôi phải rời bỏ gia đình, xa cách vợ con đến ở đây. Một sự thật quá rõ ràng mà ông là người biết hơn ai cả. Đó là: nhà cửa, ăn uống, quần áo, cái khăn mùi xoa nầy, điếu thuốc tôi đang cầm trên tay đây (vừa nói hai tay vừa dơ cao khăn và thuốc). Tất thảy đều của ông. Kể cả buồng phổi tôi đang hít thở không khí là của đất trời nhưng ông muốn cho thở để sống thì cho, muốn bóp ngặt để chết thì bóp. Nghĩa là sinh mạng tôi nhưng cũng lại là sở hữu của ông. Vậy còn cái gì là của tôi để tôi phải sợ mà bảo vệ đây?!

Nói xong, công dân tù nhân, nhà toán học đứng lên từ từ ra khỏi cửa đi về phòng số 7, phòng “âm thính”. Nơi làm việc của số đông tù nhân, những người ưu tú, những nhà khoa học của đất nước!

 

Đọc chuyện người mà ngẫm chuyện ta!

Xuân Thới

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh