TỤC NGỮ CA DAO VỀ NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN. Đào Đức Nhuận
Chuyện xưa kể rằng: Vào một thời xa xưa lắm, người đang sống yên-ổn thì một bầy quỷ dữ đến xâm-lăng. Chúng dùng mưu-mô quỷ-quyệt chiếm hết đất-đai, tài-sản của người. Người thành kẻ làm công cho quỷ. Người trồng lúa, quỷ chia cho người phần gốc, quỷ lấy phần ngọn.
Thấy người khổ quá, Phật hiện ra giúp kế. Theo điều-kiện đã được giao-ước đúng như lời Phật dặn, người trồng khoai lang. Đến mùa thu-hoạch, quỷ lấy phần ngọn chỉ có dây và lá, người lấy phần gốc, củ chất đầy nhà. Quỷ lại đặt điều-kiện: quỷ ăn phần gốc và ngọn, người ăn phần giữa.
Lại theo lời Phật dặn, người trồng bắp. Đến mùa, người lấy hết trái, quỷ chẳng có gì để ăn. Quỷ thua bèn đòi lại đất. Phật khuyên người nên xin quỷ bán cho mình một mãnh đất bằng bóng của một chiếc áo cà-sa. Quỷ bằng lòng. Phật bảo người trồng một cây tre rồi máng chiếc áo cà-sa lên ngọn. Phật làm phép làm cây tre cao mãi, cao mãi đến tận trời và bóng chiếc áo cà-sa lan xa càng lúc càng rộng. Quỷ phải dắt dìu nhau chạy ra ngoài bóng râm của chiếc áo.
Cuối cùng quỷ bị đuổi ra mãi ngoài tận biển Đông. Người lại làm chủ vùng đất của mình.
Từ đấy, quỷ xin với Phật hàng năm cho vào đất liền để thăm mồ mả tổ-tiên. Phật bằng lòng cho quỷ vào đất liền nhân ngày Tết Nguyên-đán của người. Phật dặn người nên trồng cây NÊU trước nhà vào những ngày này để cho quỷ không thể xâm-phạm đến người.
Trên đây là sự tích cây nêu ngày Tết của ta. Thế nên ca-dao ta có câu:
"Cu kêu ba tiếng cu kêu, Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè".
Trong tâm-thức của dân-tộc Việt, cây nêu là biểu-trưng của sức mạnh tinh-thần Việt chống lại sức phản-động cái ác (quỷ). Cây nêu cũng biểu-hiện quyền-lực của mỗi gia-đình trong làng xã ngày xưa:
"Thứ nhất nêu cao, Thứ nhì pháo kêu".
Nhà có cây nêu cao là nhà giàu sang quyền quí. Tràng pháo nổ dòn và đều là báo-hiệu điềm tốt cho gia chủ.
“Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè” chỉ là tâm-trạng trẻ con bởi lẽ chỉ có trẻ con mới mong chóng tới Tết để được “ăn ngon mặc đẹp” còn đối với người lớn, Tết đến là cả một nỗi lo:
"Tết đến sau lưng Ông vải thì mừng Con cháu thì lo".
Quả vậy, vào những ngày năm cùng tháng tận, đa-số dân ta lo-lắng đủ điều. Nào là nợ-nần chưa trang-trải. Nào là công việc chưa hoàn-thành. Nào lo sắm-sửa cho 3 ngày Tết. Nào lo sửa sang nhà cửa để đón Xuân.
Đời-sống của người nông-dân ta ngày trước không phải là dễ-dàng vì phương-pháp canh-tác cổ-truyền, mọi việc phần lớn như còn tùy-thuộc vào sự định-đoạt của Trời. Cuộc sống tuy có muôn vàn cơ-cực, ăn buổi hôm lo buổi mai, thế nhưng việc tiêu tốn cho 3 ngày Tết lại không thể dè-xẻn được. Thế nên có nhiều gia-đình đã phải chịu cái cảnh:
"Đi cày ba vụ Không đủ ăn ba ngày Tết!".
Tết đến, trăm vạn nỗi lo quấn-quít trong đầu, thứ nhất là lo nợ-nần chưa trang-trải:
"Bây giờ tư Tết đến nơi Tiền thì không có sao nguôi tấm lòng Nghĩ mình vất-vả long-đong Xa nghe lại thấy Quảng-Đông kéo còi Về nhà công nợ nó đòi Mà lòng bối-rối đứng ngồi không an".
Thật là trớ trêu. Tiền không có mà tiếng còi của gánh hát Quảng-Đông lại quyến-rủ, thúc-dục. Về nhà thì nợ đòi. Mà nợ đòi thì nguy lắm. Các chủ nợ có lệ cuối năm giằng thúc con nợ, cố đòi cho được số tiền đã cho vay, dù rằng đòi được tiền về để đấy. Người ta cho rằng, nếu không đòi được tiền trước giao-thừa, ngày hôm sau, món tiền nợ đã ra nợ cũ, và ngày Mồng một đầu năm và những ngày sau nữa, người ta không dám đòi nợ, vì con nợ kiêng sợ giông.
Tục lệ như vậy nên cái ngày tất-niên nầy, những người có nợ làm ăn kém may-mắn, không có tiền trả mà phải khất chủ nợ không chịu, đành phải đi trốn nợ đến lúc giao-thừa mới trở về (1).
Tục-ngữ lại có câu:
"Khôn ngoan đến cửa quan mới biết, Giàu có 30 Tết mới hay".
Hoặc là:
"Có, không: mùa Đông mới biết Giàu nghèo: 30 Tết mới hay".
Trên đây là những quan-sát thực-tế của người bình-dân ta ngày xưa. Kẻ khôn ngoan là kẻ khéo biện-bạch trước cửa quan (tức cơ-quan chính-quyền hàng Xã, Tổng, Huyện...) để dành lẽ phải về mình. Mùa Đông là mùa giá rét. Nhiều công việc làm ăn hầu như đình-trệ. Đây thường là khoảng thời-gian đem lương-thực dự-trữ ra để ăn. Nhà giàu có của dự-trữ nên không lo. Nhà nghèo phải đi vay từng đấu gạo. Đến ngày giáp Tết, nhà giàu sắm sửa ê-hề, dân nhà nghèo đôi khi còn phải lo trốn nợ. Thế nên dù ai có tài khoe mẽ đến đâu, đến ngày giáp Tết là người ta biết hết, không thể nào dấu diếm được.
Ngoài những ngày kỵ giỗ bình thường để con cháu tưởng nhớ đến ngày từ-trần của người đã khuất, hàng năm người Việt ta còn có lệ Chạp mả, tất cả mồ mả của dòng họ đều được giẫy cỏ sạch-sẽ vào tháng Chạp để sửa-soạn mời gia tiên về ăn Tết với con cháu. Cũng có nơi để sang tháng Giêng mới giẫy mả.
"Đi đâu mặc kệ đi đâu Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về".
Con cháu không thể bỏ được ngày giỗ chạp bởi vì “con cháu muốn tròn đạo hiếu với tổ-tiên thì những ngày kỵ Chạp, Tết nhứt phải cúng cấp tử-tế. Những người bỏ giỗ bỏ Tết là bất hiếu chi cực”.
Bỏ sêu Tết kỵ Chạp là một điều bất hiếu. Vì thế đã có cô gái trách-cứ vị hôn-phu của mình một cách nặng-nề:
"Chiều 30 anh không đi Tết, Rạng ngày Mồng Một anh không đi lạy bàn thờ, Hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công".
Lạy bàn thờ gia tiên quả là một điều hệ-trọng. Về Tết Nguyên-đán, từ ngày 29 tháng Chạp, gia trưởng phải làm lễ Rước Ông Bà. Trong 3 ngày Tết, suốt đêm ngày lúc nào cũng có hương đèn và lễ vật để cúng tổ-tiên. Đền chiều Mồng 3 hay sang Mùng 4 thì làm lễ Đưa Ông Bà để đốt vàng mả cúng trong 3 ngày Tết (3).
Lạy bàn thờ gia tiên vào 3 ngày Tết là một nghi lễ không thể thiếu của con cháu đối với những người đã khuất. Thế nhưng khi bị vị hôn-thê trách cứ, người con trai đã khéo biện-bạch cho sự vắng mặt của mình bằng một lễ nghi có vẻ còn quan-trọng hơn: lo việc hộ, việc làng.
"Hôm ba mươi anh mắc lo việc hộ, Sáng mồng Một anh bận việc làng, Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi!"
Đến ngày Tết, con cháu dù làm ăn ở đâu cũng cố tìm cách về nhà để ăn Tết, mừng tuổi ông bà cha mẹ. Con cái dù đã lập gia-đình ra ở riêng cũng đem con cái về thăm và chúc Tết cha mẹ mình:
"Mồng một Tết cha Mồng ba Tết thầy".
Lệ tết thầy của ta ngày xưa thật đẹp. Đó là tinh-thần “tôn sư trọng đạo”, là tinh-thần “tiên học lễ, hậu học văn”. Học trò học nghề hay học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa thầy trò. Học trò phải kính-trọng thầy, quý mến thầy mà nhất là thầy dạy học chữ lại phải kính-trọng hơn nữa.
Lúc học, gặp khi mồng Năm ngày Tết như: Tết Nguyên-đán, Thanh-minh, Đoan-ngọ, Trung-Thu,... mùa nào thức nấy, hoặc cặp gà thúng gạo, đường mứt bánh trái hoặc năm ba quan tiền, tùy tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy (4).
Trong các tục-lệ về ngày Tết, ta có tục xông đất hay xông nhà đầu năm. Theo tục lệ nầy, có nhiều người tin rằng, có người vía xấu đến xông đất nhà nào (tức là người đến chúc Tết đầu tiên) nhà đó sẽ gặp điều xui-xẻo quanh năm. Vì thế, nếu không có người nhà dễ vía để xông lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng Một Tết đến xông nhà, trước khi có khách đến chúc Tết, để người này đem sự dễ-dãi may-mắn lại (5).
Do tục-lệ nầy, vào sáng Mồng một Tết ít người dám ra khỏi nhà để đi thăm bà con láng giềng, sợ mình sẽ đem điều xui-xẻo đến cho người khác. Cũng do tục-lệ nầy, người ta rất sợ những kẻ “mang tiếng không tốt” đến xông nhà mình.
Ở đất Hà thành vào những năm cuối thế-kỷ 19 đầu thế-kỷ 20 có hai nhân-vật trào-phúng nổi tiếng, một cặp bài trùng mà những tay có máu mặt thời bấy giờ đều ngán, đó là Ba Giai và Tú Xuất. Hai nhân-vật này mang tiếng là hay chòng ghẹo và phá-phách thiên-hạ. Vì thế người ta đã hù dọa nhau:
"Hễ ai mà nói dối ai Thì mồng một Tết Ba Giai đến nhà".
Đa-số dân ta sống bằng nghề nông. Hàng năm, nhiều nhà dâng lễ cúng đất, còn gọi là lễ “tạ thổ kỳ yên” vào những ngày đầu năm. Ở vùng đồng bằng sông Cửu-Long, lệ cúng đất được thực-hiện vào ngày 10 tháng Giêng:
"Mồng chín vía Trời Mồng mười vía Đất".
Ngày vía đất có lệ cúng đất. Ở nhà quê miền Nam, đến ngày 10 tháng Giêng người nhà nông làm lễ cúng đất. Nghi-lễ rất giản-dị. Nhà khá-giả thì dọn mâm cơm có gà vịt đem ra ruộng cúng rồi cùng nhau ăn uống tại chỗ. Ở nhà thì dọn lễ vật ra cúng tại bàn-thở Thổ Địa đặt trong nhà. Lễ vật cũng đơn-giản: con gà, miếng thị hoặc rút gọn chỉ còn bộ tam sên với dĩa gạo muối (6).
Trong 3 ngày Tết ta có lệ chúc Tết. Con cháu chúc Tết ông bà cha mẹ, ông bà cha mẹ chúc Tết lại con cháu; bà con láng giềng chúc Tết nhau. Ba ngày Tết là 3 ngày mọi người quên đi mọi ghen ghét, giận hờn; hễ gặp nhau là gữi lời cầu chúc tốt đẹp cho nhau:
"Này mừng tứ hải đồng xuân Tam dương khai thái, muôn dân hòa-bình. Sĩ thời chăm việc học hành, Một mai khoa bảng để dành công-danh. Công thì phượng các long đình Đủ nghề su khoáng, rứt nghề công thâu. Nông thời cuốc bẫm cày sâu, Thu hòa hạ mạch, phong thâu có ngày. Thương thời buôn-bán liền tay Rứt tài Tử Cống ai tày cho đang!".
Ở miền Bắc có tục hát “xúc xắc xúc xẻ” để mừng Tết ngay vào đêm giao-thừa. Một đoàn trẻ con gồm chừng 10, 15 em tay cầm ống bương có đựng đồng tiền kẽm. Ngay từ lúc chạng-vạng, bọn trẻ lũ-lượt kéo đến từng nhà để mừng gia chủ sang năm mới gặp nhiều điều may-mắn với lời hát mừng đầy ắp những điều tốt đẹp:
"Xúc xắc xúc xẻ Nhà nào còn đèn còn lửa Mở cửa cho chúng tôi vào Bước lên giường cao: Có đôi rồng ấp Bước xuống giường thấp: có đôi rồng chầu Bước ra đằng sau: có nhà ngói lợp Ngựa ông còn buộc Voi ông còn cầm Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ Vợ ông sinh đẻ Những con tốt lành Những con như tranh Những con như đối...".
Ở một số địa-phương lại có tục “hát sắc bùa” vào ngày Tết. Thông thường hát sắc bùa do phường sắc bùa hát theo điệu dân-ca sắc bùa của từng địa-phương. Có một số địa-phương lại kết-hợp múa sắc bùa với hát sắc bùa thành một vũ điệu dân-gian đầy quyến-rũ. Phường sắc bùa còn có những bài hát riêng cho từng nghề-nghiệp: buôn-bán, nông tang, canh cửi...:
"Thánh chúa vạn niên Thánh chúa vạn niên! Chúng tôi nay dâng cách dội dèn Thái hòa gặp tiết xuân thiên Gió dua chồi ngọc, hoa chen cành vàng Trong nhà ta đèn thắp sáng trưng Song le còn muốn chơi trăng ngoài thềm Để cho trong ấm ngoài êm..."
Vào sáng Mồng một Tết, một số chức sắc trong làng từ Tiên-chỉ, Thứ-chỉ, Lý-trưởng, Trương-tuần cùng các bô-lão đều tề-tựu về đình làng để tế cáo thần-linh bản thổ và thần Thành-hoàng. Trong ngày gặp mặt đầu năm ở nơi linh-thiêng này, quý chức sắc của làng đều dâng lời cầu-nguyện xin Thành-hoàng và thành-linh bản-thổ phù-trợ cho dân làng sang năm mới được vạn sự như ý:
"Chúc mừng thượng đẳng tối linh Phù trì dân xã hiển-vinh sang giàu Trước đình lại có rồng chầu Có đôi qui phụng tựa màu non tiên Giữa đình có đấng bát tiên..."
Trong những hội Xuân đầu năm, làng thường tổ-chức các hội hát nam nữ như: hát đúm, hát dặm, hát trống quân, hát quan họ... Thường vào cuộc hát, người khởi-xướng thường hát những lời chúc tụng tốt đẹp:
"Tới đây viếng cảnh, thăm hoa Trước mừng các cố, sau là mừng dân. Sau nữa tôi mừng cả làng tuần Mừng cho nam nữ chơi Xuân hội nầy Một mai đàn có bén dây Ơn dân vạn bội biết ngày nào quên!"
Vào 3 ngày Tết, các làng thường tổ-chức các trò chơi tại sân đình, sân chùa hay một khoảng đất trống nào đó để dân làng tụ-tập vui Xuân. Các trò chơi thông-thường gồm có: cờ người, tổ-tôm diếm, đánh đu, ném cầu, chọi gà, đô-vật... Ngoài dịp Tết Nguyên-đán, các làng còn tổ-chức hội Xuân vào các ngày Thần kỵ tức ngày húy-kỵ của vị Thành-hoàng của làng. Các lễ hội này thường được tổ-chức vào mùa Xuân hay mùa Thu với nhiều trò chơi đặc-biệt hơn.
Ngoài địa-điểm chính nêu trên, dọc theo đường làng dưới bóng các lũy tre hay cây đa, cây bàng, người ta thấy tụ-tập từng đám 5, 7 người, có nơi 10, 15 người để chơi các trò cờ-bạc như xóc dĩa, đánh đáo...
"Mồng một chơi cửa chơi nhà, Mồng hai chơi xóm, mùng ba chơi đình".
Thực ra, các nơi vui Xuân không phân-biệt ra từng ngày rạch-ròi như trên mà còn tùy thuộc vào từng hạng người, lứa tuổi. Phần lớn các người lớn tuổi thích tụ-tập về sân đình, sân chùa để thưởng-thức các trò vui Xuân, lớp con cháu lại thích tụ tập ở các nơi xóc-dĩa, bầu cua, đánh đáo...
Một số tỉnh thuộc miền Trung Trung-phần, ngoài các trò chơi như xóc dĩa, bầu cua, đánh đáo,... còn có thú chơi bài chòi:
"Rủ nhau đi đánh bài chòi Ở nhà con khóc nó lòi rún ra".
Đây là một hội bài chòi được nhà văn Võ Phiến thuật lại theo tài-liệu của nhà thơ Quách Tấn:
“Trên một khoảnh đất, dựng lên 9 cái chòi. Các chân bài, mỗi chân chiếm một chòi. Người ta dùng bộ bài Tam Cúc 27 cặp, đem mỗi lá bài dán vào một thẻ tre. Bộ bài chia ra làm đôi: một nửa bỏ vào ống do người hô hiệu giữ, một nửa đem phân-phối cho 9 chòi, mỗi chòi 3 lá. Lúc vào cuộc, anh hiệu rút bài trong ống ra, hô lên, chòi nào trúng lá ấy thì gọi hiệu đem lại. Khi có một chòi trúng đến lá thứ 3 là xong một ván. Người hô hiệu thu hết bài, trộn nhau, rồi lại phát ra mỗi chòi 3 lá để bắt đầu lại ván khác. Cứ thế cho đến 8 ván là mãn hội” (7).
Phần lớn những người thích chơi bài chòi là thích cái điệu hô đặc-biệt gọi là hô bài chòi của các tay hô hiệu.
Nói đến Tết mà không nhắc đến các phiên chợ Tết là cả một điều thiếu sót. Chợ Tết có thể là những phiên chợ cuối năm bày bán các hàng Tết từ đồ cúng tế, hoa-quả đến quần áo và đồ chơi trẻ con. Chợ Tết cũng có thể là những phiên chợ đầu năm họp lấy hên và thường được tổ-chức các trò vui Xuân cùng với việc bày bán hàng Tết. Có những phiên chợ Tết mỗi năm chỉ họp một lần:
"Bỏ con bỏ cháu, Không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên Bỏ tổ bỏ tiên Không ai bỏ chợ Viềng mồng tám".
Đây là hai phiên chợ Tết đặc-biệt của Nam-Định xưa: chợ Yên mỗi năm chỉ họp một phiên vào ngày 26 tháng Chạp. Đây là một phiên chợ Tết thật sầm-uất với đầy đủ mặt hàng Tết cho người lớn và trẻ con, quy-tụ khá đông-đảo người quanh vùng về mua sắm.
Chợ Viềng lại họp vào ngày 8 tháng Giêng. Tương truyền ngày xưa ở Nam-định có đến 3, 4 chợ cùng mang tên chợ Viềng. Chợ Viềng chính nằm ở xã Kim-thái, huyện Vụ-bản; họp phiên đầu năm vào mùng 8 tháng Giêng, quy-tụ dân quanh vùng 2 huyện Nam-định, Vụ-bản. Dân vùng này tin rằng buôn bán mở hàng ở chợ Viềng vào phiên đầu năm sẽ được buôn-bán may-mắn quanh năm.
Do đó, nếu gặp những ngày có mưa gió, lại gặp đò ngang cách trở, dân buôn tự-động họp chợ ở một nơi nào đó để buôn bán gọi là “lấy ngày”, cầu may cho cả năm và phiên chợ đó vẫn được gọi là phiên chợ Viềng. Thế là một phiên chợ Viềng mới được thành hình. Sau phiên chợ họp lấy may đầu năm đó chợ không còn để lại một dấu vết nào.
Năm sau hoặc những năm sau nữa, nếu lại gặp trở ngại như trên, dân buôn quanh vùng lại hình thành một chợ Viềng khác, có thể là ở vùng đất năm trước hay một nơi nào khác. Những phiên chợ Viềng này mỗi năm chỉ họp một lần thôi.
Ở kinh-đô Huế có chợ Gia-lạc, mỗi năm cũng chỉ họp có một phiên:
"Gia-lạc chỉ mở ngày Xuân Quanh năm, suốt tháng khó lần tìm ra".
Gia-lạc là một phiên chợ đặc-biệt gần thôn Vĩ-Dạ, hàng năm chỉ họp vào mấy ngày Tết: từ 29 tháng Chạp đến mồng 3 Tết. Tương-truyền đây là phiên chợ đặc-biệt do vị hoàng-tử thứ 4 của Vua Gia-Long là Nguyễn-Phúc-Bính cho lập vào 3 ngày Xuân trên một khoảnh rộng gần phủ đệ của ông để cho các người trong hoàng-phái đến sắm hàng Tết và vui Xuân như đánh bài chòi, đổ xăm hường, đánh đáo lỗ... Chợ tập-trung được nhiều mặt hàng Tết nhất là đồ chơi cho trẻ con do dân các phủ huyện lân-cận sản-xuất và mang về bán.
Dần dần về sau dân quanh vùng cũng được tham-dự trong các sinh-hoạt của phiên chợ Tết này và mỗi năm chợ cũng chỉ họp vào 3 ngày Tết mà thôi.
Ở tỉnh Vĩnh-Yên có phiên chợ Dưng cũng rất nổi tiếng:
"Bỏ con, bỏ cháu Không ai bỏ hội mùng 6 chợ Dưng".
Dưng là tên nôm-na của làng Văn-Trưng thuộc phủ Vĩnh-Tường, Vĩnh-Yên. Hàng năm làng Văn-Trưng mở hội Xuân vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Chợ Dưng tọa-lạc gần đình làng Dưng và mở phiên chợ đầu năm cũng vào mùng 6 tháng Giêng. Vừa gặp ngày hội Xuân, vừa gặp phiên chợ đầu năm nên chợ Dưng vào ngày này thật đông-đúc. Ngoài việc buôn-bán lấy may, dân-chúng còn được thưởng-thức các trò vui Xuân, đặc-biệt là trò chơi trai gái bắt chạch trong chum (*).
Ở huyện Nông-Cống thuộc tỉnh Thanh-hóa có phiên chợ Cầu Quan cũng thật hấp-dẫn. Chợ Cầu-Quan, dân quanh vùng quen gọi là chợ Thượng, họp chợ ngay bên bờ một con sông đào từ thời nhà Lê vào dịp đầu Xuân. Dân chúng vừa đi chợ Tết vừa xem đua thuyền rồng:
"Cầu Quan vui lắm ai ơi, Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng!".
Vùng quan họ đất Bắc cũng có những phiên chợ Tết nổi tiếng một thời còn được dân chúng nhắc-nhỡ qua câu ca-dao:
"Xứ Nam: nhất chợ Bằng Gồi Xứ Bắc: Vân-Khám, xứ Đoài: Hướng Canh".
Xứ nam, xứa Bắc, xứ Đoài là tên gọi nôm-na của các tỉnh Hà-Nam, Hà-Bắc và Sơn-tây ngày xưa.
Riêng đất Nam-định còn có những câu ca-dao giới-thiệu những phiên chợ của họ một cách thú-vị:
"Mồng một chơi cửa, chơi nhà Mồng hai chơi xóm, mùng ba chơi đình. Mùng bốn chơi chợ Quả-linh Mồng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi. Qua ngày mồng bảy nghỉ-ngơi Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng Chợ Viềng một năm mới có một phiên Cái nón em đội cũng tiền anh mua".
Tết Nguyên-đán là ngày lễ cổ-truyền trọng-đại của dân-tộc Việt-nam. Trên đây chúng tôi đã nêu lên một số tục-ngữ ca-dao phản-ảnh một số tập-tục và hình-ảnh quen-thuộc của ngày lễ trọng đại đó.
Ngày nay, vì hoàn-cảnh đặc-biệt của lịch-sử, một phần con dân Việt phải sinh sống ở nhiều nơi trên thế-giới. Thế nhưng dù sống trong hoàn-cảnh, châu lục, quốc-gia nào người Việt ta cũng vẫn nhớ đến ngày Tết cổ-truyền của dân-tộc và vẫn tổ-chức những hội vui Xuân một cách trọng-thể.
Tổ-chức vui Xuân để giử-gìn truyền-thống Việt và quảng-bá phần nào văn-hóa Việt với các sắc dân khác đang cùng sống trên một địa-bàn với chúng ta. Đó là ý-nghĩa quan-trọng của ngày Tết Nguyên-đán mà chúng ta vẫn thường tổ-chức hàng năm.
Đào Đức Nhuận Tháng 11.2000
Ghi chú:
(1) Toan Ánh, Tín-ngưỡng Việt-nam, quyển hạ, tr. 327 (2) Đào-Duy-Anh, Việt-nam văn-hóa sử cương, tr. 204 (3) Lương Đức Thiệp, Xã-hội Việt-nam, tr. 311 (4) Phan Kế-Bính, Việt-nam Phong-tục, tr. 154 (5) Toan Ánh, Tín-ngưỡng Việt-nam, quyển hạ, tr. 316 (6) Đinh Tiểu Nguyên, Tháng Giêng mồng 9 vía Trời, mồng 10 vía Đất, Thời-Luận Xuân Đinh-Sửu, 1997 (7) Võ Phiến, Bài chòi, Đặc-san Tây-Sơn Xuân Nhâm-Thân 1992. (*) Xem bài “Một số lễ hội mùa Xuân qua mấy vần ca-dao” đăng trên Đặc-san Quảng-Ngãi Xuân Tân-Tỵ 2001
Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn:
* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster * Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng * Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web: