Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 07, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Văn (Kim văn)
NHỮNG CUỘC ĐỜI, NHỮNG NGÃ RẼ
XUÂN THỚI

Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng vào khung có audio file
để nghe âm-thanh. Muốn nghe file khác, click vào hai gạch thẳng đứng
(nằm dưới cùng góc trái trong khung) để OFF audio file đang phát
và click vào mũi tên màu trắng trong khung có tên audio file kia để nghe.

NGHẸN NGÀO
Sáng tác: Lam Phương
Bản số 1: Diễm Liên & Quốc Khanh ca
Bản số 2: Guitar Hawaii Cao Dzan

* * *


Đến khoảng những năm sau 1960.

Chính quyền miền Nam vẫn còn quyền lực và càng ngày càng có chủ trương mở rộng quyền dân chủ toàn diện trong xã hội (Cách mạng 1963). Sinh hoạt chính trị cởi mở, người dân thực sự được hưởng tất cả quyền tự do căn bản theo Công pháp quốc tế, đời sống vật chất cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Nhận thấy xã hội tiến bộ và phồn vinh như thế sẽ bất lợi cho mình. Lực lượng phía bên kia bắt đầu đẩy mạnh hoạt động trong dân chúng, tiến hành du kích chiến mở màn chiến tranh.

Ban đầu, một số người năm 1954-55 hành trang đi tập kết ra Bắc, có đưa tiễn hẳn hoi, nhưng sau đó đổi vùng vẫn sống trong Nam hoặc âm thầm quay về lại xóm làng, sống cuộc sống trốn tránh. Có người được thân nhân che giấu trong nhà hoặc dưới hầm bí mật đâu đó, lợi dụng đêm tối xuất hiện tìm gặp những người được tổ chức cài lại sống hợp pháp dưới chế độ mới hoặc cựu đảng viên, gia đình có thân nhân tập kết hiện ở ngoài Băc để giữ liên lạc

Hoạt động công khai ban đầu của họ là thỉnh thoảng trong đêm tối lén treo lá cờ đỏ sao vàng đâu đó hoặc rải mấy tờ truyền đơn tuyên truyền trên đường làng để chứng tỏ họ đã hiện diện. Cũng có khi truyền đơn hăm dọa một ai đó, thường là người tham gia chính quyền miền Nam. Khiến những người trước đây là đảng viên hay có thân nhân tập kết ra Bắc còn ở lại bị nghi ngờ.

Lần lượt, khi có lực lượng từ miền Bắc tăng cường vào, họ tạo cơ sở trên núi, dựa vào dân tộc thiểu số, nên hoạt động của họ cũng thường xuyên hơn và táo bạo hơn.

Trong đêm tối họ tìm bắt những người tham gia chính quyền dẫn lên núi cao giam giữ có khi cho về, có khi không, mà nếu không cho về, gia đình cũng chẳng biết đâu tìm kiếm, chẳng biết ai hỏi han. Cũng có khi giết chết, để lại trên thi thể một mảnh giấy như một bản kết tội. Có người bị bắn ngay tại nhà mình.

Ngoài việc bắt bớ, giết chóc vì cho rằng những người nầy có tội với nhân dân và cách mạng. Vào nhà mà không gặp đối tượng bắt, họ lấy tài sản như trâu, bò, lúa gạo, cũng để lại mảnh giấy nhỏ gọi là tich thu tài sản đã cướp giật của nhân dân mà có. Để nuôi bộ đội “giải phóng”.

Những thành phần khác cũng là đối tượng họ tìm bắt đó là những người có trình độ học vấn, những người không tham gia chính quyền nhưng có uy tín trong địa phương. Đặc biệt thành phần trẻ là sinh viên học sinh, họ bắt để vận động hợp tác nhằm tuyên truyền thành phần trí thức cũng hưởng ứng với họ. Nếu không hợp tác, trong đêm họ dẫn đi giới thiệu trước nhân dân những vùng họ lui tới được. Tiếng đồn loan ra, thế là dù họ có cho về cũng ngại không về vì sợ chính quyền làm khó dễ, thế là ở lại phục vụ họ luôn.

* * *

Sau khi thi đỗ Tú tài ở thành phố xong (lúc nầy chỉ tổ chức dạy và thi ở một số thành phố lớn), Thanh nhận được thư nhà cho biết ở quê tình hình an ninh không còn như xưa, chiến tranh đã xuất hiện. Chuyện làm ăn của nông dân bị ảnh hưởng nên việc cấp dưỡng cho Thanh ăn học tiếp ở thành phố chắc sẽ không còn được đầy đủ như cũ. Thanh hoang mang chưa biết định liệu thế nào, tiếp tục học lên gặp khó khăn, về quê càng không ổn, Thanh đành tạm thời nộp đơn xin một việc làm tạm bợ ở thành phố sau đó sẽ tính tiếp.

Gởi đơn xin việc xong, trong khi chờ đợi, Thanh tranh thủ về quê thăm gia đình vì đã gần một năm chưa gặp cha mẹ, nhất là để xem thực tình quê hương như thế nào.

Quê Thanh, một vùng nông thôn xa xôi cách trở, đời sống người dân đa phần còn nhiều khó khăn nên số người đi học cao cũng ít, chỉ có Thanh và vài người bạn nữa mà thôi. Vì vậy mỗi khi Thanh và bạn về, trong làng ai cũng hay biết, và bà con rất yêu thương, quý trọng.

Thế rồi, sau mấy hôm Thanh về ở với cha mẹ. Vào một đêm không trăng sao, một đoàn độ năm sáu người lạ có súng trong tay âm thầm vào nhà gọi cửa bắt Thanh, trói go hai tay ra sau lưng, lạnh lùng dẫn đi trong đêm tối mịt mùng mà không cho biết lý do, mặc cho cha mẹ Thanh khóc lóc van xin (Thanh là con trai duy nhất).

Việc bắt bớ mỗi ngày mỗi nhiều, khiến không ít người lo sợ, nên chiều xuống, số người như kể trên, cơm nước xong, tìm đến một nhà khác ở vùng chính quyền còn kiểm soát chặt chẽ ngủ nhờ qua đêm để tránh né. Cứ thế, hết tháng nầy qua tháng khác nhà mình chỉ ở ban ngày mà thôi. Tuy có người không tham gia chính quyền, không hoạt động đảng phái chính trị nào, cũng không phải cảm tình của phía bên kia. Họ đi tránh cũng có ý tránh cả hai bên. Ở nhà nếu không bị bắt vào khu thì cũng bị chính quyền nghi ngờ ở lại để giao tiếp.

Đời sống ở đây bây giờ là như thế và càng ngày càng căng thẳng hơn.

Thanh và gia đình nghĩ mình còn đi học, không đụng chạm gì đến bên nào nên không việc gì phải sợ, an tâm ngủ nhà và, chuyện đến đã đến.

Đêm càng về khuya càng yên tỉnh, những đám mây đen và dày của cơn mưa ban chiều còn giăng lại khiến bầu trời thêm tối mịt, không gian như tê cóng. Cảnh vật nhốm thêm màu bí hiểm.

Trên đường đi không ai nói với ai câu nào, chỉ nghe tiếng chân người đều đều, nhẹ nhàng như rón rén và hối hả trên đường mòn sũng nước. Thỉnh thoảng loài chim “Te Te” đâu đó bắt hơi người, theo thói quen bay là trên đầu cất tiếng kêu mới làm xao động không gian.

Khi cách nhà độ ba cây số, người ta mở dây trói hai tay nhập một để Thanh đi được dễ dàng cùng đoàn, chỉ cấm không được cất tiếng nói, và phải nén cơn ho hen mà thôi.

Đi mãi đến khi trời gần sáng, cả đoàn vào một khu rừng thấp, nơi đây như đã bố trí người chờ sẵn, Thanh được giao lại cho số người nầy dẫn đi tiếp, độ hơn một giờ sau mới dừng lại trong một khu rừng rậm rạp hơn, nghỉ ngơi ăn uống, chờ đêm xuống tiếp tục cuộc hành trình. Thức ăn cũng do mấy người nầy mang theo và cung cấp, gồm một cục cơm bằng nắm tay, gói bằng lá chuối tròn như quả cam, đã nguội, bên trong điểm những hạt muối trắng. Những bữa ăn chính khác cũng vậy. Ban ngày không thể đi vì sợ lực lượng an ninh chính quyền phất hiện hoặc phục kích. Qua mỗi đoạn đường lại thay đổi người áp giải.

Cứ thế, ngày vào rừng nghỉ để tránh phát hiện của máy bay quân lính chính quyền, đêm tiếp tục trên những đoạn đường mòn có khi trong rừng già, có khi ngoài bìa núi. Dẫn Thanh đi thường là hai người có võ trang súng trường, một người đi trước, một đi sau, Thanh đi giữa. Thanh bị cột sợi dây trên cùi chỏ tay trái, có lúc tay mặt, đầu dây kia người đi sau cầm giữ phòng trong đêm tối mịt mùng Thanh ẩn trốn còn hay biết. Ban ngày, khi nghỉ, để khỏi lo Thanh chạy trốn và người áp tải yên tâm ngủ lấy lại sức, họ trói chặt Thanh vào một gốc cây nào đó.

Mấy ngày sau, khi tới một vùng núi thật hẻo lánh, bốn bề rừng cao bao bọc, lưa thưa vài ngôi nhà sàn của người dân tộc thiểu số cạnh suối nước và không xa lắm, mấy thửa ruộng bậc thang, Thanh bị giữ chung với ba người lớn tuổi không quen biết đã có trong lán trại.

Trại làm bằng cây, lợp lá đơn sơ dưới tán một cây lớn bên bìa rừng, máy bay không thể nào phát hiện được. Tất cả bị canh giữ và theo dõi bởi bốn người có võ trang, ba người đàn ông đều lớn tuổi hơn Thanh luôn thể hiện vẻ nghi ngờ và xa cách trên nét mặt. Một cô gái nhỏ hơn Thanh, có lẽ chỉ chừng 16- 17 tuổi, cũng người ở nông thôn nhưng cô lại có nước da trắng trẻo hồng hào và thân hình thật cân đối hấp dẫn của tuổi dậy thì, khiến Thanh rất ngạc nhiên, liên tưởng đến một cành Lan giữa đại ngàn. Và trong lòng nảy sinh thắc mắc giữa rừng xanh heo hút thế nầy tại sao cô gái mới từng tuổi ấy, không lo học hành hay phụ giúp gia đình mà lại có mặt ở đây.

Khác với những người kia, cô gái thật hồn nhiên, đôi môi đỏ mọng luôn vui cười và hát những bài ca trử tình ca ngợi người lính Cộng hòa, khiến luôn bị mấy người lớn tuổi nhắc nhở và trách móc. Họ cho rằng đó là những bài ca ủy mỵ của hệ thống văn nghệ vong bản được đế quốc mua chuộc sáng tác nhằm ru mị người dân miền Nam quên đi tình yêu quê hương tình yêu tổ quốc, để họ dễ kèm kẹp, sai khiến.

Thời gian đầu, ban đêm, Thanh cũng như mọi người đều bị cùm hai chân.

Cùm là một vật tự tạo, dùng để giữ người thay cho dây cột hay phòng kín. Cùm ở đây được làm bằng hai thanh gỗ dày độ mười phân, lớn chừng hai mươi phân và dài khoảng ba mét (vì chung cho nhiều người). Bìa phần dày, cứ độ hai mươi phân người ta khoét nửa lỗ tròn để khi chồng hai thanh gỗ lên nhau sẽ thành một lỗ lớn hơn cổ chân người một chút, khi đưa hai chân vào trong thế nằm ngửa không thể rút chân ra được. Khoảng cách hai mươi phân cũng vừa đủ cho hai người nằm sít nhau, khỏi phí chỗ, tuy chỉ nằm dưới nền đất gồ ghề của lán trại. Đầu mỗi thanh gỗ cũng trên bề mặt dày, có lỗ ngược với lỗ tra chân vào, và trùng nhau để khi người đưa chân vào, chồng gỗ lên xong đóng hai cây nọc chắc chắn ghim chung xuống đất, có khi nọc đã có sẵn. Đầu mỗi cây nọc còn có chốt ngang và nêm cứng, cũng có khi cột bằng một sợi kẽm hoặc dây xích xe đạp cũ có ổ khóa để ngăn ngừa người bị cùm tự tháo thanh gỗ ra trốn thoát. Một bộ cùm như thế có thể dùng cho hơn mười người.

Khi nào số người bị băt dẫn lên quá đông, họ cùm mỗi người một chân, và như vậy mọi người phải nằm nghiêng sít vào nhau.

Hai tuần lễ sau, không khí giữa người canh giữ và người bị bắt bớt căng thẳng dần. Bây giờ, ban đêm người bị bắt tuy có ít nhưng không còn bị cùm hai chân như hồi mới, mà chỉ một chân thôi, có đêm còn được người canh giữ cho đổi chân để đổi thế nằm cho đỡ mỏi.

Ban ngày, ngoài thời gian có người ở đâu đó đến tuyên truyền, gọi là hướng dẫn học tập. Họ có thể ngồi lại nói chuyện với nhau, bớt đi vẻ đố kỵ e dè như hồi mới lên, nhất là cô gái vô tư hẳn. Và có lẽ cùng là tuổi trẻ nên cô mau thân thiện với Thanh. Hơn nữa, Thanh cũng vui tính, và cô lại nghe Thanh khai đang là học sinh ở thành phố lớn. Là người có học thức nên không ngoại trừ ai, các cô gái đang ở độ tuổi sắp bước vào đời cũng mau có cảm tình, mau thân nhau là lẽ thường.

Thanh may mắn được cha mẹ sinh cho làn da trắng, và còn trẻ nên mịn màng như da con gái, lại mãi đi học, ở trong mát nên càng nổi bật so với con trai trong làng. Bạn học cũng luôn khen Thanh đẹp trai nhất trường. Tuy đang chịu cảnh bị giam cầm nhưng Thanh luôn nói cười vui vẻ vì nghĩ mình chưa làm việc gì để kết thành tội lỗi. Ảnh hưởng nếp sống thành phố nhiều năm nên cách cư xử của Thanh thể hiện nếp văn minh, không mộc mạc như người nông thôn, nhất là vùng nông thôn xa xôi như ở đây, càng khiến cô gái vui tính muốn thân thiện.

Qua trao đổi, lần lượt Thanh được biết cô tên Phượng, nhà ở cách xa quê Thanh hơn 10 cây số, khác quận, gần đường tỉnh lộ. Cô đã qua tuổi mười bảy, là kết quả của đôi vợ chồng trẻ bị hối hả làm lễ cưới bốn ngày trước khi người chồng ra lại đơn vị, và sau đó theo đoàn tập kết ra tận miền Bắc. Về sau, chờ chồng quá lâu lại không có tin tức gì, mẹ cô làm lại cuộc đời với một người đàn ông khác, góa vợ phục vụ trong chính quyền mới.

Cuộc hôn nhân trước chẳng những làm lận đận cho cha mẹ cô, mà còn liên lụy đến hai bên nội ngoại trong thời gian sau đó. Liên kết thành phần.

Mẹ cô, con gái một gia đình bị khép vào thành phàn địa chủ bóc lột, tuy ông bà ruộng đất cũng không có là bao, nhưng để thực hiện chủ trương và chỉ tiêu trên giao, phải nâng lên cho có địa chủ trong địa phương để phát động đấu tố.

Cha cô, con một viên chức hương lý của triều đình đã nghỉ từ lâu. Ông có một thời gian được cha mẹ cho đi học trường Tây tận thành phố Huế, sau đó ông phải nghỉ học về quê, và theo tiếng gọi lên đường tham gia toàn quốc kháng chiến (1946). Gia cảnh ông bà nội cũng đã sa sút, tuy vậy vẫn còn mang tiếng thành phần trí thức tiểu tư sản.

Cha mẹ Phượng yêu nhau khi ông còn ở nhà, chưa vào bộ đội. Trong thời gian ở đơn vị, ông vẫn tìm cách tranh thủ về quê gặp bà rồi hai người hò hẹn đợi chờ. Một thời gian sau mới về làm lễ cưới. Cưới nhau xong cha cô phải trở lại đơn vị, và chuyễn đi ngay sau đó. Đi chiến dịch cực Nam, mà lúc bấy giờ cuộc chiến chống thực dân Pháp đã đến hồi quyết liệt, giao thông khó khăn, thông tin không có nên cũng chẵng ai biết cực Nam là tận đâu.

Cũng không hoàn toàn vì lý do công tác của đơn vị mà cha mẹ cô xa cách nhau suốt từ sau ngày cưới cho đến khi không còn là của nhau nữa. Cha cô sau đó chỉ nhận được tin miệng mình có con gái đầu lòng mà thôi, chứ cũng chưa thấy mặt con bao giờ. Và còn biết thêm tin hiện gia đinh hai bên đang gặp rất nhiều khó khăn với chính quyền, trong chủ trương đấu tranh giai cấp bắt đầu từ công cuộc cải cách ruộng đất của Chính phủ. Vì quê hương của ông là vùng duy nhất ở miền Nam, sau ngày gọi là khởi nghĩa mùa Thu năm 1945, Đảng Lao Động (tiền thân của Đảng Cộng Sản hôm nay) lập được chính quyền chuyên chính vô sản toàn bộ từ thành thị đến nông thôn. Ông không muốn xin phép về thăm quê vì sợ liên lụy đến bản thân, và thêm khó khăn cho gia đình như một số bạn bè cùng đơn vị đã ghánh chịu.

Mãi cho đến ngày chấm dứt chiến tranh theo hiệp định Genève, đất nước bị phân chia thành hai miền. Trên đường đi ra miền Bắc, cha cô mới được cấp phép một khoảng thời gian ngắn ghé thăm vợ con lần đầu và cũng là lần duy nhất nhìn thấy mặt con gái. Lúc nầy cô cũng mới mấy tuổi đầu, chưa có ý thức sâu sắc về cha con. Chính điều nầy, về sau đã thôi thúc Phượng nghỉ học đi tìm cha sau bao nhiêu năm sống như một đứa trẻ mồ côi.

Cách đây hơn một năm, cô được tin cha nay không còn ở bộ đội nữa mà đã chuyễn ngành, hiện đi B về hoạt động trở lại, cơ quan ông còn ở phía sau, và bận công tác chưa xuống thăm gia đình được. Cô lập tức giấu mẹ và cha dượng, âm thầm liên lạc để đang đêm tình nguyện đi theo đoàn, quyết tìm người đã sinh ra mình. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa gặp mặt. Người báo tin cũng không thấy xuất hiện nữa. Hỏi ra chỉ nhận được câu trả lời đã chuyển công tác đến một đơn vị khác. Cô đành tiếp tục nuôi hy vọng và mòn mỏi trông ngóng đợi chờ. Đó là lý do cô gái trẻ bỏ mẹ, cô nữ sinh bỏ trường bỏ bạn lên ở đây.

Sự thật chỉ là một cách kéo người lên chiến khu mà thôi, vì đến khi đất nước thống nhất mới biết rõ. Sau khi ra đến miền Bắc, đơn vị ông được bố trí làm công tác sản xuất trên vùng cao. Vì khác phong thổ và thiếu thốn dinh dưỡng, cha cô ngã bênh và qua đời sau đó không lâu.

Lúc nầy trong lán trại, ngoài những lúc phải ngồi nghe cán bộ đến tuyên truyền đường lối, riêng Thanh đã được cùng cô gái ra rừng kiếm củi, tìm rau hoặc xuống suối lấy nước về dùng cho sinh hoạt chung trong trại, nên họ càng thân nhau thêm.

Quang cảnh hùng vĩ của núi rừng. Bên đường đi có suối nước trong chảy róc rách, trên cây cao chim muông ca hót rộn ràng trở thành một nơi vừa đẹp, vừa thơ mộng. Chỉ những ngày đầu mới đến, mỗi sáng sớm hay khi hoàng hôn bắt đầu buông, nghe tiếng gà rừng gáy đâu đó, Thanh thấy lòng tràn ngập một nỗi buồn vừa ngao ngán, vừa âu lo. Ngày xưa, lần đầu đi học xa nhà đêm đêm nghe tiếng còi tàu lửa cũng buồn, nhưng không phải buồn như ở đây.

Những người kia vì lý do nào đó vẫn chưa được ra ngoài.

Gạo muối ăn hằng ngày, được ở đâu đó tiếp tế đến nhưng không mang thẳng vào trại, mà gởi trong nhà sàn một gia đình người thiểu số ngoài đầu hố núi. Có lẽ để đề phòng lính hành quân vào giấu không kịp sẽ bị thiêu hủy, cứ hai hoặc ba ngày một trong những người đàn ông bị bắt như Thanh được người canh giữ dẫn ra mang vào. Việc nấu ăn cũng vậy, thật nhanh và dùng một loại củi không sinh khói để tránh máy bay phát hiện. Nồi soong xong bữa giấu ngay vào bụi rậm đâu đó để tránh việc lính vào đập phá và biết có người ở.

* * *

Ở trại đến tuần lễ thứ tư. Thình lình vào giữa trưa một hôm, có tiếng người dân tộc thiểu số trong ngôi nhà sàn ngoài xa gọi vọng vào thế nào đó. Thế là những người canh giữ hối hả tay cầm sung, miệng quát tháo xua người bị bắt chạy vào rừng, Thanh cũng bị Phượng dẫn đến một khe giữa hai tảng đá lớn. Phượng vặt lau lách một đoạn, hiện ra lỗ trống vừa người chui vào. Thì ra đó là cửa khe, bên trong rộng được dùng làm hầm bí mật sửa soạn sẵn từ bao giờ, nơi để trốn nấp an toàn mỗi khi bị truy đuổi.

Khi dẫn Thanh vào yên bên trong, Phượng lại lần ra sửa cho cây lá trở lại tự nhiên như cũ xong mới vào sau. Một mình ngồi lại, đưới anh sáng lờ mờ xuyên qua kẽ trống ít ỏi của lá cây, Thanh mới biết mình đang ngồi trong một cái hang rộng chưa đến bốn mét vuông, mùi ẩm mốc và tanh đất bùn tràn ngập.

Phượng ngồi một hồi lâu, đến khi thấy tim mình không còn đập dồn dập như lúc mới nghe tiếng báo động của người thiểu số, và hơi thở bớt hồi họp. Cô ghé sát vào tai Thanh thầm thì:

- Tiếng người dân tộc lúc nãy là ám hiệu báo động có lính của chính quyền đang đi càn (hành quân) vào, anh em mình phải trốn trong hầm nầy chờ khi nào có tiếng gọi lính đã bỏ đi mới được ra. Những người kia cũng vậy.

Thanh vặn lại,

- Thường thì đến bao giờ

Phượng trả lời ngay và gọn lỏn

- Vô chừng.

Trong đầu Thanh xuất hiện một suy tư bực tức. Mình không tham gia, không làm gì nên tội, bị bắt vô cớ bây giờ vô tình lại trở thành đồng đội, cùng chiến hào. Khốn nạn!

Sau hai tiếng “vô chừng” cộc lốc ấy, dưới ánh sáng lờ mờ nhưng Phượng như thấy nỗi buồn và sự bực bội hiện trên nét mặt Thanh, lòng cô như cũng thoáng chút ân hận.

Chiều xuống dần

Bên ngoài, lán trại bị đốt cháy rụi khi lính mới vào, chỉ còn những sợi khói thoi thóp bốc lên từ đống tro tàn. Lính tiếp tục la hét và lục lọi đây đó, thỉnh thoảng bắn một vài loạt đạn như để thị uy.

Phượng lại nói nhỏ vào tai Thanh.

- Có lẽ trong khi tiến vào chúng nó tìm thấy cái gì đó mà khi chạy trốn em cùng mấy người kia không giấu kịp, nên biết trại đang có người ở và hiện lẫn trốn đâu đây nên mới ở lâu và tìm kiếm đến giờ nầy. Mọi lần chỉ đi qua hoặc lâu lắm cũng hai giờ đồng hồ là đi đến mục tiêu khác ngay. Vì vậy chưa có tiếng gọi lại của người thiểu số.

Đến khi trời nhá nhem vẫn chưa có lệnh gì, Phượng lần mở túi mang vai may bằng vải nylon cùng loại thường dùng làm võng nằm, lấy ra một bình đựng nước nhỏ, bằng nhựa, loại của lính, và gói cơm trộn muối hầm, rang dòn, là lương thực khô, bảo Thanh cùng ăn tạm. Những người ở đây luôn luôn chuẩn bị sẵn các thứ nầy để phòng hờ.

Nếu lính không rút đi, tối đến họ vẫn phải tiếp tục co ro trong khoang hầm chật chội lạnh lẻo và hôi thối nầy. Ngồi qua đêm hoặc nằm trên tấm vạt tre nhỏ thô sơ, mốc meo đã có sẵn từ bao giờ.

Thanh im lặng, cằm tựa lên hai cánh tay khoanh chồng lên nhau và gác trên đầu gối trong thế ngồi chồm hổm dười đất, không tỏ thái độ gì. Phượng như hiểu được nỗi buồn chán của Thanh, cô nói như an ủi.

- Cố thôi anh, rồi lính sẽ đi, mình lại ra và một ngày nào đó “trên” sẽ cho anh về như bao người vô tội khác đã từng như anh hôm nay.

Lần đầu tiên Thanh nghe Phượng gọi mình bằng anh và xưng em ngọt ngào, đượm chút trìu mến, khiến không khỏi ngạc nhiên. Trong sinh hoạt thường ngày thời gian qua, Phượng chỉ nói năng bình thường, có khi còn cộc cằn nữa. Không hiểu bị bắt buộc phải có khoảng cách giữa người canh giữ và người bị xem là có tội, hay ở chỗ đông người, Phượng dè dặt để giữ tư cách. Dẫu trường hợp nào cô cũng là con gái, lại vừa mới là nữ sinh một trường trung học. Vì vậy, chưa bao giờ Phượng tỏ thái độ thân thiện đến thế nầy.

Bây giờ, nơi đây, một vùng đúng nghĩa của từ ngữ “thâm sơn cùng cốc” giữa đại ngàn, trong khung cảnh vắng lặng và hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Chỉ hai con người khác phái, Phượng lại ngọt ngào và tỏ ra quá thân mật, khiến Thanh không khỏi thắc mắc thái độ của cô, người con gái mới lớn sinh lực và tình cảm đang thời kỳ phát tiển. Việc Phượng tình nguyện lên đây phục vụ cũng không phải cố tình vì kháng chiến hay mục đích cao xa nào khác. Mà lý do chính như có lần cô bộc bạch, cũng từ tình cảm, tình cha con: Phượng đi tìm cha!

Thanh cũng không loại trừ nghi vấn Phượng nhận chỉ thị “trên giao” dùng tình cảm lôi kéo mình tham gia, như trong các buổi cán bộ đến tuyên truyền đã vận dụng bằng những luận thuyết hay cách đối xử khác, có khi hăm dọa, có khi đề cao chính nghĩa cũng không ngoài mục đích vận động. Ngược với nghi vấn đó, Thanh lại nghĩ, nếu vận động mà mình thẳng thừng từ khước hợp tác hay phản đối lại thì sẽ thế nào. Rồi, xét chung đại gia đình thì cả dòng họ Thanh trong kháng chiến lần trước cũng không có người nào tham gia.

Hôm mới về Thanh đã nghe cha và vài người thân đến thăm kể những cái chết trong làng quá dễ dàng, họ giết một cách vô tư như hành động cua người vô cảm. Từ đó, Thanh nghĩ tiếp người ta bắn mình nơi đây ai biết, và rồi gia đình kiện được ai. Nghĩ đến đây bỗng dưng Thanh thấy rùng mình và cả người lạnh toát, Thanh nghiêng nhìn sang Phương nhưng lúc nầy trong hang đã gần tối hẳn, chỉ thấy Phượng ngồi im mà không nhìn rõ được nét mặt để nhận xét thêm. Thanh trở lai thế ngồi như cũ, trong lòng cảm thấy băn khoăn khi nhớ lại mấy ngày trước đây, có lần cạn cợt tin vào sự thành thật của cán bộ tuyên truyền, Thanh đã nói lên tất cả quan điểm của mình.

Thỉnh thoảng Thanh lại kéo tay áo nhìn đồng hồ. Trời đã vào đêm.

Từ những suy nghĩ trên, đến đây Thanh đành phải thay đổi cách đối xử, nhẹ nhàng và tế nhị với Phượng. để an thân và may ra còn tim được đường trở về với cha mẹ sớm.

Trong hang sâu, ẩm ướt, hơi lạnh từ đất và đá đã bắt đầu bốc lên theo bóng tối. Đến lượt Thanh thì thầm:

- Lạnh rồi em ơi.

Phượng không trả lời, âm thầm lấy trong túi ra một tấm vải dù in hoa văn màu xanh cây rừng, choàng chung cho hai người và ngồi sát vào nhau hơn như để chuyền hơi ấm. Được một lúc, lát sau, cả hai người đều cảm thấy mỏi, vì ngồi quá lâu, từ hồi mới quá trưa khi chạy vào đây đến tận giờ nầy, họ đành đánh bạo co cụm nằm chung với nhau trên tấm vạt tre chõng chơ chật hẹp.

Thế là mặc dù đang trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát, nhưng hai sức sống đỉnh cao thời kỳ phát triển, da thịt lại cạ kề vào nhau để xua đuổi cái lạnh của không khí ẩm ướt bao trùm. Bất chợt, ham muốn trỗi dậy, họ không còn kèm chế được nữa, quên hết không gian, thời gian quên cả vị thế hiện tại của mỗi người. Tự bằng lòng với nhau cùng tận hưởng lần đầu tiên trong đời vị ngọt ái ân mà Tạo hóa bang tặng cho muôn loài để sinh tồn.

Vì lạnh lẽo, vì háo hức, suốt đêm họ không ngủ được. Trong hơi thở bồng bềnh, họ tỉ tê vào tai nhau những lời chân thật nhất.

Thì ra, Phượng, như Thanh nhận định từ đầu, cô chỉ duy nhất một mục đích đi tìm cha mà thôi, ngoài ra cô cũng không biết và không có một chủ đích gì khác. Cô còn thật thà: ngay từ ngày đầu gặp Thanh cô đã tưởng như một cuộc gặp bình thường của hai người trong đời sống hằng ngày và có cảm tình với anh ngay, sau đó là thương hại Thanh dang dở việc học hành, và thân hình như thế lại vô cớ vướng phải bắt bớ, cực hình như hôm nay. Lần lượt đến khi được giao tiếp với nhau thường xuyên hơn, qua trao đổi, hình như trong Phượng đã có một cảm tình đặc biệt với Thanh hồi nào không hay.

Cho đến quá trưa hôm sau, núi rừng trở lại yên tỉnh, lính đã rút về xuôi không còn lục lạo gì nữa, người dân tộc gọi vào, Thanh và những người kia mới lần lượt được ra khỏi nơi trốn nấp. Tối đến, khi trời đã về khuya cả đoàn lại bị dẫn đi, chỉ biết lệnh di chuyễn đến một nơi khác mà chẳng biết là nơi nào. Lần nầy không ai bị cột trói. Lúc bắt đầu đi, Thanh nghĩ chắc lại phải đi xa thêm nữa so với nơi cũ đã bị lộ. Nhưng có lẽ nhờ tình cảm lúc nầy đã khác trước, một lúc sau, Phượng nói khéo để Thanh đi chậm lại, khi cách xa đoàn một khoảng vừa đủ, Phượng nói nhỏ, đủ cho Thanh nghe.

- Sắp về gần quê anh rồi đó.

Nghe thế, niềm hy vọng trốn thoát trong Thanh bắt đầu nhen nhúm trở lại.

Quả vậy, đi mãi đến khi trời sáng Thanh nhận ra địa hình có vẻ quen thuộc, vì lúc nhò Thanh đã từng theo cha, theo anh đi săn thú rừng hoang dã tận đây. Tuy vậy Thanh tuyệt đối không tỏ một cử chỉ hay thái độ nào có thể làm cho những người canh giữ nghi ngờ, và càng tỏ ra thân thiện với Phượng nhiều thêm lên.

Đêm thứ ba nơi giam giữ mới, nhận thấy toán canh gác lơi lỏng và ngủ say, có lẽ do căng thẳng mấy ngày qua nên mệt mỏi. Khi trăng thượng huyền vừa xuống núi, chỉ còn sót lại một thứ ánh sàng lờ mờ đủ để nhìn thấy đường mòn, Thanh rón rén ra khỏi trại thực hiện ý định của mình. Đến khi đoán biết cách xa tầm đèn pin nếu lỡ có ai đó rọi theo từ lán trại, Thanh lội qua một khe suối nhỏ, xong, bắt đầu đi hối hả, có lúc chạy trên đường mòn quanh co. Vì vậy khi trời sắp sáng đã về đến gần làng.

Mang nỗi vui mừng, Thanh vội vã chạy nhanh vào trong. Bỗng dưng Thanh khựng lại và ngạc nhiên đến bàng hoàng. Chỉ mới hơn hai tháng kể từ ngày bị bắt lên rừng, nay về lại, thôn xóm không còn nữa, tất cả đã xơ xác tiêu điều, nhà cửa cháy rụi chỉ còn lại những đống tro than, và đây đó, những cây cột, cây kèo không cháy hết, đen sì trơ trụi như những cây than đứng chênh vênh trên nền đất phủ toàn tro xám. Những lũy tre xanh ngày nào, biểu tượng của làng quê Việt Nam muôn thuở giờ cũng cháy sém trơ cành. Dân chúng cũng không còn ai nên không có cả tiếng chó sửa, tiếng gà gáy sáng.

Lần đến nhà mình, Thanh như chết lặng trước cảnh tiêu điều đến ghê sợ. Không còn thấy bất cứ một cái gì, tuy cả vùng, nhà cha mẹ Thanh bề thế hơn cả. Có lẽ khi can qua chỉ còn hai ông bà già, sức yếu, không thể thu dọn được các thứ nên tất cả đã làm mồi cho lửa đỏ.

Ngồi day dứt một hồi lâu, Thanh đứng dậy đi loanh quanh đến những nhà bà con xưa, cũng không gặp ai và cũng chẳng nhìn thấy còn vật gì. Thanh đoán cha mẹ mình và bà con chung quanh đã được chính quyền đưa đến một nơi tạm cư nào đó sau khi tiêu thổ kháng chiến.

Trước cảnh vườn tược, tài sản cha mẹ mình xây dựng và ky cóp cả một đời giờ tiêu điều và lửa thiêu tất cả, lòng Thanh không ngui chua xót bùi ngùi. Nhưng rồi nhận thấy không nên ở lại đây lâu, lỡ sáng ra trên trại biết Thanh bỏ trốn, cho người theo tìm bắt lại càng khó khăn thêm. Hơn nữa, nơi đây hiện tại thành chỗ không người, không có chính quyền hay quân đội, máy bay và đại bác có quyền bắn phá tự do, đó là quy định thông thường của chiến thuật tiêu thổ kháng chiến trong các cuộc chiến tranh. Càng ở lâu, càng có thể nguy hiểm đến tánh mạng, Thanh vội tiếp tục đi, cũng để tìm người hỏi han tìn tức cha mẹ cho đỡ sốt ruột, và tránh xa nơi nầy. Nhưng ở đây không gặp được người nào.

Khi mặt trời đã lên khỏi núi, đồng hồ chỉ gần bảy giờ, Thanh ra khỏi đoạn đường có con dốc đèo nhỏ, đến địa phận một xã khác. Vậy là Thanh đã đi xa làng cũ hơn năm cây số, nơi đây xóm làng dân chúng vẫn còn đông đúc, tạm xem như vùng tương đối an toàn Thanh mạnh dạn lần vào một gia đình gần đường để hỏi thăm và cũng để xin nghỉ ngơi lấy lại sức sau một đêm chạy trốn vừa hồi họp, vừa vất vả.

Vợ chồng người chủ nhà khoảng ngoài năm mươi tuổi, nông dân chất phác. Khi nhìn thấy Thanh trắng trẻo, xanh xao nhưng lại hốc hác tiều tụy, dáng đi thất thểu và trên người không có hành lý gì, nhìn kỹ cũng chưa gặp mặt lần nào, chứng tỏ không phải người trong địa phương. Ông bà không khỏi ngạc nhiên và ngờ vực. Khi nghe Thanh kể qua lai lich và tình trạng của mình, ông bà vẫn chưa hoàn toàn tin là sự thật, mà có ý nghi ngờ Thanh là người của bên kia, sống chui rúc trong rừng núi lâu ngày cực khổ quá không chịu đựng được, nay về lại bên nầy quy hàng, nên dè dặt việc tiếp xúc. Chỉ đến lúc họ dò hỏi và Thanh kể ra thân nhân, dòng họ và xóm làng. Ông mới nhớ lại, thì ra cũng là chỗ có quen biết. Lúc bấy giờ mới tin nhau và tận tình chiếu cố.

Trong khi được người chủ nhà thông cảm và nhiệt tình mời ăn cơm sáng. Cùng lúc, kể cho nghe chuyện đã xảy ra nơi quê Thanh hồi tháng trước.

Theo đó. Sau đêm đến bắt Thanh ba, bốn tối gì đó, người ta lại tiếp tục xuống làng, lần nầy không bắt người mà tập kích vào nơi ngủ đêm của một số cán bộ chính quyền địa phương, làm chết và bị thương nhiều người. Thế là khi cấp trên nhận được báo cáo, sẵn đã có quyết định tiêu thổ vùng nầy từ trước, họ liền tổ chức ngay cuộc hành quân thực hiện. Quê hương Thanh mới ra nông nỗi.

Hiện tại cha mẹ Thanh cùng tất cả đồng bào trong địa phương được chuyễn đến ở trong một trại tạm cư gần thị trấn và được chu cấp thực phẩm hằng ngày đầy đủ. Nghe đến đây, Thanh bắt đầu thấy yên tâm về cha mẹ mình. Xong bữa ăn đạm bạc, nghỉ ngơi một hồi, Thanh nói lời cảm ơn và xin được tiếp tục đi tìm cha mẹ, vì biết ông bà còn sốt ruột hơn cả mình nhiều.

* * *

Một cảnh tượng khiến nhiều người ở gần đến bao quanh căn trại của cha mẹ Thanh, khi Thanh từ ngoài chạy ào vào, ôm chặt cả cha mẹ, rồi tất cả khóc nức nở. Cho đến lúc nầy ông bà mới tin con mình còn sống, vì hơn hai tháng qua không có một tin tức gì về Thanh cả. Mà thường là vậy, trước đây những ngườu bị bắt dẫn đi, chỉ đến khi nào về đến nhà, người thân mới hay là còn. Ngoài việc những người bị kết là có tội, xử trị. Còn biết bao nhiêu rủi ro cận kề, từ lính phục kích ban đêm, máy bay bắn bỏ ban ngày, rồi rừng sâu nước độc và thú dữ vồ chụp.

Hai hôm sau khi Thanh bị bắt đi rồi, cha mẹ Thanh nhờ người đánh điện tín cho con gái hiện theo chồng lập nghiệp trong một “Khu trù mật” tận miền Đông Nam bộ, do chính phủ Úc xây dưng và cấp dưỡng ban đầu trong chương trình viện trợ của nước bạn đông minh. Có con về, ông bà cũng đỡ phần nào ưu phiền.

Đoàn tụ xong gia đình, chị bàn với Thanh tất cả đi vào Nam sống cùng vợ chồng chị, vì bây giờ, ở đây cũng có còn gì để luyến tiếc và bảo đảm cuộc sống nữa đâu, cha mẹ mỗi ngày mỗi già thêm, không còn sinh hoạt gì khác được để có thu nhập.

Thế là mấy ngày sau, trả lại căn trại tạm cho chính quyền, cả nhà ra đi.

* * *

Ổn định xong cuộc sống tạm, chung với vợ chồng chị ven thị xã Bà Rịa, Thanh thấy không còn điều kiện nào để tiếp tục học như dự định trước lúc về quê. Mà không học tiếp được, thời gian sau phải đi thi hành quân dich cho chính phủ theo luật định. Hiện tại lại cần phải làm một việc gì đó để phụ chị và cha mẹ. Thanh xin vào dạy trong một trường tư thục mới mở, cũng có được chút ít thu nhập. Một năm sau Thanh đi thi hành quân dịch. Xong khóa huấn luyện ở quân trường Thủ Đức, Thanh được bổ sung về phục vụ tại một tiểu khu mới, tỉnh Long Khánh. Hơn một năm sau nữa Thanh lập gia đình với con một nhà buôn trong thị xã.

Chuyện người con gái gặp gỡ tình cờ trên núi rừng ngày bị bắt, xem như không còn gì trong ký ức Thanh, hơn nữa từ đó đến nay họ cũng không một lần gặp lại hay liên lạc thư từ gì.

Phượng. Về sau được biết lần yếu lòng với Thanh trong hang đá, cô có mang, bị kỷ luật, tổ chức không cho theo nữa, cô phải quay về sống với ngoại chờ ngày sinh nở. Và nhờ có cha dượng là cán bộ chính quyền bảo lãnh và đang bụng mang dạ chửa nên không bị trừng phạt gì.

Sau khi Phượng sinh bé gái và đặt tên Thanh (có lẽ cố ý ghi lại một ngã rẽ đời mình) sáu tháng, chiến tranh lan đến vùng Phương ở, cha dượng lại một lần nữa bảo bọc, đưa ngoại và mẹ con Phượng ra thị trấn sinh sống. Tại đây Phượng cũng đôi lần dò hỏi tin tức Thanh nhưng bóng chim tăm cá mỏi mòn vì xóm làng nay không còn, mỗi nhà tản mát mỗi nơi. Cuối cùng Phượng sống âm thầm với ngoại, một mình nuôi con cho đến một ngày...

* * *

Sáu năm phục vụ trong ngành an ninh quân đội miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 một lần nữa Thanh lại bị dẫn lên núi. Lần nầy không còn cơ hội trốn thoát như lần trước mà phải đợi một thời gian dài hơn thời gian quân ngũ hai năm mới được về.

Cuộc đời Thanh gần như sinh ra cùng với những trái ngang bất hạnh. Sau sáu năm luồn lách với cái chết, tám năm lao lý tù đày. Ngày về lại chịu tất cả những mất mát ưu phiền của gia đình. Cha Thanh đã vĩnh viễn về với lòng đất, nơi không có mồ mả ông bà, cũng không nhìn được mặt đứa con trai duy nhất lần cuối. Mẹ nay già yếu bệnh hoạn, ba đứa con thiếu mẹ ngơ ngác.

Day dứt hơn cả là chuyện về vợ, xét cho cùng, cũng là nỗi đau cho cả hai người (mà biết dâu lại không là nỗi đau của bao nhiêu người khác nữa!). Trong thời gian dài Thanh vắng nhà, Nhã - vợ Thanh - nguyên là một công chức ngành giáo dục, sống mẫu mực trong bốn bức tường của trung tâm mô phạm tỉnh. Hằng tháng no đủ bằng đồng lương do chính phủ cung cấp, Cuộc sống đó nay không còn, cũng không về bám víu vào cơ sở buôn bán của cha được nữa, vì sau chủ trương cải tạo thương nghiệp của Nhà nước mới, ông trở thành người trắng tay.

Trong cuộc bương chải nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ chồng ngoài xã hội, nơi cô chưa từng lăn lộn nên không có chút kinh nghiệm nào. Trong khi cái nhan sắc mặn mà hơn bạn bè một thuở vẫn giữ được nét quyến rũ, khiến còn có người say mê thèm muốn. Rồi cô lại yếu lòng trước những cám dỗ mưu mẹo trong cuộc mưu sinh, dẫn đến có con với một cán bộ quản lý thị trường của chính quyền mới. Trong sự vỡ lở và nỗi ân hận tột cùng, nhiều khi cô cũng muốn hủy cuộc đời mình. Nhưng nhìn ba đứa con vô tư không tội tình gì, và cha mẹ chồng vẫn tốt bụng thông cảm, cô không nỡ. Cô vần tiếp tục làm tròn bổn phận với cha mẹ Thanh, yêu thương, nuôi nấng con cái chu toàn. Kể cà thăm nuôi Thanh đều đặng.

Đến khi nghe tin Thanh sắp được cho về. Vì mặc cảm tội lỗi và thẹn với Thanh, nàng đã lặng lẽ cùng con nhỏ ra đi, mà cũng chẳng ai biết nàng đi đâu.

Hơn tám tháng Thanh về sống đời thường với mẹ già và ba đứa con thơ dại. Cũng là thời gian gần một năm kể từ ngày mà Nhã cố cho nước mắt chảy ngược vào trong, và nén lòng để khỏi bật ra tiếng khóc khi ngồi viết những dòng chữ tạ lỗi mẹ, tạ lỗi Thanh và tạ lỗi cả ba đứa con mình đã rút ruột sinh ra. Thay cho lời từ biệt xé lòng không thể thốt lên được. Để rồi chỉ lặng lẽ bế đứa con nhỏ ra đi. Một bước đi bây giờ là một bước xé lòng, Nhã đi, bỏ lại sau lưng bao nhiêu hình ảnh thân thương quen thuộc, và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn đã qua.

Rồi đây trong suốt những tháng năm còn lại của đời mình, Nhã không làm sao quên được buổi sáng hôm ấy. Một buổi sáng mùa Hè, trời còn rất sớm, bên ngoài không gian vắng ngắt, ánh trăng hạ huyền yếu ớt trải trên mọi vật một màu vàng ảm đạm, lâu lâu, từ xa văng vẳng vài tiếng chó sủa bâng quơ khiên không gian càng thêm ảo nảo. Trong nhà, mẹ chồng và ba đứa con đang trong giấc ngủ say.

Dưới ánh đèn 40W ám bụi lâu ngày treo lủng lẳng trên đầu, tỏa thứ ánh sáng mù mờ le lói, Nhã xếp gọn mấy trang giấy vở học trò vừa mới viết xong để vào hộc bàn học cho các con dễ nhìn thấy. Xong, nhẹ nhàng mở cánh cửa nhỏ phía sau nhà để tránh gây tiếng động, có thể làm mọi người thức giấc trông thấy. Nhã lách người rón rén ra đi, trên tay bồng đứa bé chưa tròn ba tuổi còn đang trong giấc ngủ. Một bên vai mang túi xách không lấy gì làm lớn chứa tất cả hành trang cho quảng đời còn lại. Đầu đội chiếc nón lá đã cũ, và như cố kéo thấp xuống phía trước mặt để che giấu nỗi xót xa và những giọt nước mắt bây giờ không còn cầm được nữa.

Nhã đi trốn chính mình!

Trong thời gian về nhà, cũng có mấy lần Thanh cùng các con làm những chuyến về thăm ông bà ngoại, cũng để dò tìm tung tích vợ, nhưng tuyệt nhiên không một ai biết được gì, Thanh càng thêm day dứt, nhất là những lúc nhìn vẻ thất vọng buồn nhớ hiện trên những khuôn mặt trẻ thơ. Không nói với bât cứ ai, nhưng ngoài những chuyến về quê, Thanh còn kín đáo dò hỏi nhiều người khác để may ra có tin về nàng. Nhưng nỗi hất vọng như gần biến thành tuyệt vọng.

Dù không có được tin gì về vợ, nhưng với đoạn đường xa ngót tám mươi cây số giữa hai gia đình, qua bao nhiêu lần đi, về trên xe dưới bến, cơ hội được giao tiếp với nhiều người nhiều nơi, Thanh nghe bao nhiêu những khó khăn oan trái của một thời ngăn sông cách chợ ập lên đầu những thân phận khốn cùng do thời đại. Càng nghe, càng biết, Thanh càng thấm thía với tình người và cạm bẫy đời. Đền bây giờ, trong Thanh bớt đi rất nhiều nỗi giận hờn trách móc, mà thay vào đó sự thông cảm và quý trọng tính cách cao thượng của Nhã.

Ghi nhận lòng hiếu thảo đúng mực và hết lòng lo cho con cái cả cho mình qua bao tháng năm tù tội mà hàu hết người quen thân kể lại. Cùng với lời khuyên của mẹ, Thanh mở lòng sẵn sàng tha thứ và quyết tìm gọi nàng về.

Cho đến một hôm, lúc trời đã về chiều, trong khi Thanh đang loai hoay tự sửa chiếc xe đạp cũ kỹ trước nhà. Người nhân viên bưu điện mang đến một phong thư, thoạt nhìn Thanh biết ngay là nét chữ của Nhã. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm Thanh mới thấy lại tuồng chữ quen thuộc ngày nào, và lại quá đột ngột, khiến Thanh bàng hoàng đến ngây người. Thanh bỏ dở tất cả, hối hả cầm lá thư đi vào nhà trong mà như đi vào một nơi nào đó vô định.

Tâm trạng Thanh lúc nầy không phan biệt được ở trạng thái nào, từ giận hờn, trách móc, cảm thông và vui, buồn. Ngồi bệt xuống sàn ciment, một tay phơ phất chiếc quạt lá xua đi cái nóng bức mùa Hè, một tay lật qua, lật lại chiếc phong bì vừa để xem cho rõ, vừa như định thần trước khi mở ra xem, vì thư đến quá tình cờ sau thời gian dài không có tin tức, tưởng không bao giờ còn biết được nhau nữa. Và trong lúc đầu óc Thanh không lúc nào không nghĩ đến Nhã, cố tưởng tượng ra tình trạng nàng bây giờ.

Trong khi Thanh chưa hết ngỡ ngàn với chiếc phong thư, có tiếng đứa con gái đầu lòng đi học về, đang hối hả vào nhà. Con nay đã mười ba tuổi, cũng chịu ảnh hưởng sự biến đổi xã hôi còn học trường làng, Thanh vội xếp thư bọc vào túi vì thoáng có ý chưa muốn cho con biết tâm tình của mẹ lúc nầy. Nhưng rồi Thanh lại thay đổi ngay ý định, gọi con ra ngồi bên cạnh mình, nói nhỏ vào tai và móc túi lấy thư đưa cho con, bảo con mở đọc để cha con cùng nghe.

Bây giờ Thanh mới rõ, chẵng những đến hôm nay mà sau khi trót lỡ, kể cả trước khi biết mình có mang, Nhã đã vô cùng ân hận và tuyệt giao với con người lợi dụng ấy. Vì vậy, khi ra đi Nhã không về lại cha mẹ, và quyết với lòng mình sẽ đến một nơi thật xa không bạn bè, không người thân quen để an phận với cuộc sống nông nổi của mình. Cuối cùng nàng đã theo đoàn đến định cư ở vùng kinh tế mới thuộc một tỉnh cao nguyên đất đỏ, sát biên giới nước bạn.

Trong thư, Nhã trải lòng không dám trách móc sự khinh bỉ, nguyền rủa của Thanh, cũng không van xin tha thứ, mà chỉ mong sau khi nhận được thư nầy Thanh chớ nên tìm gặp lại nhau làm gì, vì Nhã tự nhận biết mình không còn xứng đáng với Thanh với gia đình Thanh. Nhã cũng nhận mình có lỗi với ba đứa con, những khúc ruột Nhã cắt ra nhưng vì danh dự, nay đành thắt lòng chia lìa. Tâm tình người mẹ, hình bóng chúng không lúc nào không hiên diện trong đàu óc nàng. Sự đoạn tuyệt của Thanh sẽ là một tha thứ mà Nhã ghi nhớ và tri ân cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Nhã muốn an phận với định mệnh trớ trêu mà tự mình đã chuốt lấy. Cũng không cần phải minh định chuyện vô tình hay cố ý, vì mọi việc nay là chuyện đã rồi. Sự xác định bây giờ chỉ làm đau lòng đứa bé ngày kia, khi nó khôn lớn đầy đủ lý trí: Đưa con hoang!

Đọc xong thư hai cha con lại ôm nhau khóc, tiếng khóc ấm ức, nhỏ vẫn không khỏi lọt vào tai bà cụ già yếu đuối nhưng còn minh mẫn đang ngồi bên trong. Cụ vốn ý thức hoàn cảnh xã hội, hằng thương con, tha thứ nàng dâu và quý các cháu của mình. Ngạc nhiên cụ hỏi vọng ra. Cùng lúc, hai dứa con nhỏ một đã mười một, một lên chín tuổi cũng tan trường vừa về tới. Cha con Thanh không trả lời bà mà vội lau nước mắt cố trở lại bình thường để tránh cho hai khối óc còn quá thơ dại kia xúc động thêm nữa. Thanh dặn con gái lớn, chưa nên cho ai biết tình hình mẹ lúc nầy, nhất là bà nội và hai em.

Tâm trạng Thanh ngoài việc mềm lòng của vợ, còn trải qua không ít những buồn đau. Xót xa hơn cả, chuyện gần một năm trước khi cho về, vào một ngày đầu Thu năm ấy, khi mây khói bắt đầu bàng bạc khắp núi rừng, những cơn gió đầu mùa làm se lạnh da người vốn đã sạm chai qua mấy mùa nắng cháy. Thanh nhận được hung tin gần một tháng trước, ở quê nhà cha mình đã nhắm mắt xuôi tay sau một cơn bạo bệnh, một phần cũng do cơ thể ông mỗi ngày mỗi còm cõi qua bao nhiêu năm tháng cô đơn và muộn phiền. Vậy mà lúc bấy giờ Thanh cũng không được về nhìn mặt cha lần cuối và đưa cha đến nơi an nghỉ đời đời.

Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, nằm nghe tiếng thở của các con bên cạnh, khiến lòng Thanh bỗng dưng se thắt nhớ lại rất rõ hình ảnh cha mình. Một người đàn ông từ thuở tráng niên cho đến khi vào già đã khóc thương đứa con trai duy nhất và muộn màng của mình không biết bao nhiêu lân. Lần hụt hẫng nhất là lúc bị bắt lên rừng năm xưa, tiếp theo những lần vào lính, đi về trong chiến tranh ác liệt. Lần cuối cùng cũng lại bị đưa lên rừng. Ông khóc trước mặt con, cầm tay con mà khóc. Thế mà, Thanh lại chỉ được khóc thành tiếng một làn cho cha, nhưng lại không được trước hình hài khi ông vĩnh viễn ra đi, mà chỉ trước vong linh qua tấm hình nhỏ nhoi hoen ố đặt trên bàn thờ bằng gỗ tạp đơn sơ, ngày về.

Trước đó, chuyện vỡ lỡ của vợ, trên trại, Thanh cũng phong phanh nghe được qua tin đồn từ những người thăm nuôi từ quê mang lên. Mới chỉ là tin đồn nhưng Thanh đã buồn khổ và uất ức vô cùng. Thế rồi, lúc bấy giờ vì công việc lao động nặng nhọc ngày tiếp ngày nơi rừng sâu núi thẳm, mà tương lai lại quá mù mịt của đời tù không bản án, nên đầu óc không còn chỗ cho tự ái và dằn vặt xót xa. Hơn nữa, cũng được biết Nhã không phải là trường hợp duy nhất giai đoạn nầy, còn có không ít những người “bụng đàn bà dạ con nít” như thế vì “Gái ngoan trai dỗ lâu ngày cũng xiêu”. Mà đã không phải là trường hợp duy nhất thì đâu phải tự họ gây nên. Xã hội cũng có một phần trách nhiệm đã đưa đẩy họ đến nông nổi. Nghĩ thế, lần lượt lòng cũng nguôi ngoai, nỗi buồn không còn gay gắt như hồi mới biết.

Chỉ đến khi về lại nhà, ngày ngày một mình đối diện với con thơ mẹ già, lúc bấy giờ nỗi buồn trong Thanh mới sống lại đến như đặt quánh.

Vốn là người vui tính năng nổ nhưng trước thực tế phủ phàng từ cái đổ vỡ mất mát to lớn nầy, Thanh không còn như xưa. Suốt ngày âm thầm đăm chiêu như để nghiền ngẫm nỗi bất hạnh không phải của riêng ai, và cũng không phải thời nào cũng có.

Hết day dứt về cha, về hiện tại, Thanh lại nhớ đến chuyện ngày xưa, khi vào đời. Lúc bấy giờ Thanh cũng có một cuộc tình đẹp như bao nhiêu cuộc tình đẹp trong thế gian, Thanh đã yêu Nhã, người con gái nhu mỳ nết na, và được mãn nguyện hạnh phúc chung sống với nhau cho đến ngày vào trại tập trung “học tập”. Thanh cũng được nàng đáp lại bằng một tình yêu chân thành say đắm.

Nhớ những buổi chiều trên con đường rợp bóng hàng cây cổ thụ, thoang thoảng gió mát của một thành phố mới xây dựng, anh lính trẻ trong bộ đồ trận màu xanh cây rừng tuềnh toàng, cùng cô nữ sinh áo trắng đi bên nhau. Là hình ảnh như những thước phim được lưu trữ trong trí nhớ Thanh một cách sống động và mãi mãi. Rồi vô vàn những kỷ niệm với một người vợ đảm đang sống hết lòng cho chồng con và gia đình.

Thanh cũng không phải hạng người hẹp hòi cố chấp, không nhận chân được hoàn cảnh khách quan đẩy đưa hành động. Từ ghi nhận tấm lòng hiếu thảo, chăm lo cho con cái của bà con, những lời khuyên răn chí tình của mẹ, Thanh định bụng sẵn sàng tha thứ để Nhã về sống chung trở lại với gia đình chồng con, kể cả đứa con lỡ lầm.

Hiện tại, cái làm Thanh nhứt buốt tâm tư hơn cả là hằng gày phải nhìn những đứa con, những khúc ruột của mình ngơ ngác buồn, thui thủi. Chỉ chị em quấn quít với nhau mà thôi, dù rằng chúng cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác, còn đầy đủ cha mẹ. Thỉnh thoảng đứa con nhỏ nhất, còn vô tư, vô tình buộc miệng “có khi nào mẹ về không ba”, đó là câu nói mà Thanh sợ hơn cả, vì nó không khác lưởi dao sắc cứa vào lòng mình.

Thanh biết cũng còn rất nhiều gia đình đổ vỡ như mình nữa. Rõ ràng cuộc chiến đã vô cùng dã man, gieo không biết bao nhiêu bất hạnh, tan tóc trong xã hội. Nếu có oán trách, Thanh chỉ oán trách người làm ra chiến tranh, mà không oán xã hội, vì xã hội không hợp lòng dân một ngày nào đó nó sẽ bị đào thải, còn làm chiến tranh là gây chết chóc, lạc hậu cho dân tộc mình.

* * *

Hai tháng sau ngày nhận được thư Nhã, và còn trong thời gian gọi là phải chịu sự quản chế (hay quản thúc – một cách tù tại gia) của chính quyền địa phương, Thanh quyết định làm đơn xin phép tạm vắng để đi tìm vợ theo dấu bưu điện đóng trên phong bì.

Chuyện gia đình Thanh trong một thị xã nhỏ của tỉnh lẻ thế nầy khiến rất nhiều người biết, kể cả chính quyền, nên việc xin phép không khó khăn lắm. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng thông cảm không gò bó thời gian vắng ở địa phương như người khác. Mọi người chỉ lo cho Thanh là địa chỉ mơ hồ quá, đơn vị hành chánh mới mẻ, giao thông còn sơ sài thành mông lung. Lại có nhận định cho rằng tuy là dấu bưu điện của một huyện rộng, nhưng là huyện mới thành lập, sát biên giới nước bạn. Trước chỉ toàn đồng bào dân tộc thiểu số của bản địa, nay mới có một it người kinh từ nhiều nơi trong nước, vì lý do riêng tư nào đó rời quê hương đến đây lập nghiệp, nên việc dò tìm chắc cũng không đến nỗi.

* * *

Chưa đầy tám trăm cây số, nhưng vì mới qua cuộc chiến tranh dai dẳng, cầu đường vào khu định cư chưa thông thoáng, lại phải bằng nhiều loại phương tiện từ thô sơ đến cũ kĩ nên mất gần hai ngày Thanh mới đến đươc huyện lỵ xa xôi nầy. Là vùng đất đỏ nên hai bên đường xe chạy, lá cây cũng không còn màu xanh. Cách nhau xa mới có một cụm năm, ba căn nhà của người dân mới đến, mái tole cũng không còn màu sắt mà đỏ quạch như màu ngói.

Thanh đến nơi trời đã quá chiều, đêm chưa xuống mà cảnh vật đã đìu hiu tỉnh mịch. Hòa trong ánh nắng thoi thóp cuối ngày là tiếng chim gọi đàn về tổ. Huyện đường chỉ duy nhất một dãy nhà dài dọc theo đường lộ, và cách xa vào sâu chừng 50m. Bên trong nhà ngăn thành nhiều phòng cho mỗi ban ngành làm việc. Sau dãy nhà làm việc là khu ăn ở cho cán bộ công nhân viên ở xa. Trước nhà, một khoảng đất bằng phẳng, rộng, dùng làm sân và cũng là nơi xe đậu rước, trả khách hằng ngày. Phương tiện đi lại ở đây duy nhất là máy cày máy xới tháo lưỡi, kéo rơ-móc. Hành khách ngồi chồm hổm chung với nông sản dưới sàn thùng. Ngơ ngác một hồi, Thanh lững thững đi tìm nơi ăn tối vã chỗ qua đêm, cũng là bắt đầu dò la tin tức về Nhã.

Đối diện cơ quan huyện, xéo qua hai bên là hai quán bán tạp hóa đơn giản và rất ít hàng. Hàng đa phần là cuốc, xẻn, rựa rìu, dụng cụ phục vụ sản xuất. Thức ăn chỉ toàn hàng khô, mỳ ăn liền, tôm, cá, mắm muối. Vào hỏi, chủ quán cho biết ở đây chưa có quán cơm, quán nước, nhà trọ. Khó khăn đầu tiên bắt đầu đến với Thanh, nhưng Thanh không buồn nỗi khó khăn nầy mà thương Nhã chọn một nơi quá heo hút. Nghe Thanh kể tình cảnh và lý do lên đây của mình, người chủ quán tốt bụng bán cho hai gói mỳ tôm và cho nước sôi để Thanh đở lòng, đồng thời mách Thanh ăn xong vào xin Hạt Kiểm Lâm huyện ngủ đở qua đêm chờ mai sáng. Đã nhiều người lên đây lỡ đường cũng phải vậy. Ở đó có người thức trực suốt đêm để quản lý thị trường gỗ dân khai thác trái phép chuyễn về xuôi (lại quản lý thị trường!). Nghe bốn tiếng ấy, Thanh vừa uất hận, vừa tái tê trong lòng. Nhưng đã quyết tha thứ, đành cố nén.

Thanh ăn xong hai gói mỳ, bên ngoài trời đã tối hẳn, mọi nhà đều kín mit, bên trong những ngọn đèn dầu hôi nhỏ, ánh sáng không đủ để lọt qua khe cửa thô sơ. Để khỏi làm phiền người chủ quán đợi chờ đóng cửa, Thanh trả tiền, nói lời cảm ơn xong tiếp tục mang túi xách nhắm phòng cuối cùng bên trái dãy nhà nơi có ánh đèn măng-xông duy nhất và bảng đề “Hạt Kiểm Lâm” thấy khi chiều, đi vào. Ba thanh niên ở đây vui tính, đàn ca hồn nhiên. Nghe Thanh mở lời xin ngủ đêm vì lỡ đường, họ chấp nhận ngay. Ở đây đất mới, muỗi mòng nhiều, các bạn trẻ chẳng những cho ngủ nhờ mà còn cho mượn cả chăn màn. Vì là cao nguyên nên tuy ban ngày nắng nóng nhưng về khuya thường se lạnh, cái lạnh còn sót lại của đại ngàn ngày xưa. Không gian vùng cao yên tỉnh đến nghe cả tiếng muỗi kêu ngoài màn.

Đến khoảng hơn mười giờ khuya. Một toán sáu người khác vai đeo súng, nói cười vui vẻ đi vào, hai người đi đầu khiêng trên vai một bình rượu cần nhỏ. Họ đi công tác về.

Nằm trên đống gỗ bên trong, mở mắt nhìn qua màn khiến Thanh nhớ lại cảnh cách nay đã mười mấy năm cái đêm Thanh bị bắt ở quê nhà.

Những người về cũng rất hồn nhiên, nói cười toe toét, hình như có một người là dân tộc thiểu số, nói tiếng kinh không rõ lắm, khiến Thanh không ngủ được, ngồi lên chào hỏi. Và như quen với việc có người xin ngủ nhờ, họ không hỏi Thanh làm gì mà chỉ hỏi Thanh ở đâu, đi đâu mà thôi. Chính nhờ cái tự nhiên đó, mà trong tiệc rượu bất ngờ tiếp theo Thanh bắt chuyện và như có được chút tin ban đầu có thể Nhã ở đâu đây.

Sau khi nghe Thanh kể và tả dáng người Nhã, một người có lẽ lớn tuổi hơn cả trong bọn lên tiếng:

- Cách nay trên dưới một năm gì đó, có một phụ nữ xưng tên là Hối, dáng người như chú tả, dẫn theo một bé gái độ hai, ba tuổi. Ban đầu cô đến xin ở nhờ trong nhà vợ chồng một người Quảng Bình, cách đây hơn ba cây số, ông vào từ trước, trồng cà phê. Sau, cô tạo chỗ ở riêng cũng gần ông. Hằng ngày cô rất khó khăn chăm bón mảnh vườn nhỏ (như không quen công việc nầy), xong, đi dạo mua đậu khoai, sau là cà phê của mấy nhà lân cận, đến giờ xe xuống mang ra sang lại kiếm chút đỉnh tiền lời. Gần đây nghe nói cô sang tất cả cho một ngưới khác, đi lần xuống khu dân cư đông đúc hơn cách đó gần năm cây số ở và dạy trẻ em cho đỡ vất vả.

Nghe bấy nhiêu thôi Thanh không muốn nghi ngờ, mà có cảm nhận có thể là Nhã rồi. Mà sao lại tên Hối, liệu nàng có đổi tên không, sao lại đổi tên. Thanh không thể ngủ tiếp được dù trong người đã có chút men rượu cần. Trằn trọc suy nghĩ, mường tượng cho đến khi nghe tiếng gà rừng gáy vang. Thì ra trời sắp sáng.

Thanh ngồi dậy mở màn, gấp chăn, bước ra ngoài hít thở không khí ban mai, chuẩn bị đi tiếp, vì nóng lòng sau lúc nghe bạn trẻ kể. Bấy giờ mới trực nhớ, lúc nói chuyện vì quá chăm chú quên cả hỏi ông người Quảng Bình tên gì, mà sau canh rượu khuya, anh bạn lại ngủ vùi. Quen cách sống trên trại học tập, Thanh không dám gọi cán bộ dậy, đành ngồi sốt ruột chờ. Lúc lâu sau, thấy có người trong màn cựa quậy, Thanh đánh liều hỏi ngang và nói lời cảm ơn, từ giả. Một người khác trả lời thay

- Ông ấy tên Hoàng chú ạ, mà sao chú không gọi sớm, thôi chú đi nhé, chúc chú may mắn.

Nói xong ngủ tiếp.

Thanh khoác túi xách lên vai, hối hả bước đi theo hường người kia đã chỉ, tay cầm một đoạn cây như cây gậy phòng lỡ gặp rắn rết trên đường. Thanh không phân biệt được mây khói hay sương đêm mà từng mảng trắng giăng là là trên ngọn cây hai bên, có khi ngay giữa lối đi, Thanh phải lẫn vào trong đó, nghe lành lạnh cả người.

Quá sáu giờ sáng, gặp ngôi nhà đầu tiên, cửa đóng kín, người nhà còn ngủ, Thanh không dám gọi, đứng ngoài chờ. Hai con chó thấy có người lạ đi vào, sủa inh ỏi, người đàn ông trung niên hé cửa hỏi ra bằng dọng người trung. Thanh mừng rỡ liền thưa chuyện. Người đàn ông nhận có cô Hối, nhưng đó là tên con bé con, còn cô tên gì đó có báo một lần nhưng không còn nhớ. Hơn nữa, phong tục ở đây lại quen goi tên cha mẹ theo tên con đầu lòng, vợ cũng không gọi theo tên chồng như các nơi. Hiện cô chuyễn về xóm dân cư đông đúc hơn cách đây độ năm, bảy cây số, gần sông, gần chợ để dễ sinh hoạt, theo hướng dẫn của một người mới quen trong những ngày đi mua đậu, mua bắp cho nhà xe.

Niềm hy vọng trong Thanh tăng lên, Thanh cuối chào và nói tiếng cảm ơn xong hối hả ra đi theo hướng tay chỉ.

Thế mà cũng phải đến hơn mười giờ trưa, sau mấy lần dò hỏi, Thanh mưới đến được trước ngôi nhà nhỏ mái toles thấp lè tè. Nhà “bà Hối”, nhà trong xóm chứ không phải ngoài đường lộ như trước. Nhà đóng cửa, chủ đi vắng. Lại chờ! Lần chờ nầy tự nhiên Thanh thấy khác những lần trước trong cuộc đời có quá nhiều lần chờ của mình. Lòng cứ nôn nao hồi họp, đúng là đứng ngồi không yên.

Thanh hết ngồi trên đòn ghế trong hè nhà, lại đứng ngoài sân như thế đến gần một tiếng đồng hồ. Và có lẽ vì quá sốt ruột, thỉnh thoảng một ý nghĩ phân vân ngộ nhận lại thoáng qua trong đầu khiến Thanh bồn chồn thêm.

Cuối cùng, từ con đường mòn nhỏ phía sau nhà đi lên, người phụ nữ bận bộ đồ bà ba đen vải “mậu dịch phân phối” đã bạc màu, trên vai vác một cái bao không biết chứa vật gì bên trong, tay dắt đứa bé gái lững thững đi tới. Những đứa nhỏ hàng xóm thấy Thanh đứng chờ đến chơi từ lâu, lớn tiếng “cô Hối về, cô Hối về”. Thanh ngẫn lên nhìn thì ra là Nhã!

Họ nhìn nhau mà không thốt nổi lời!

Vừa tầm bữa ăn trưa, cha mẹ gọi, những đứa nhỏ không biết việc gì bỏ chạy về nhà. Nhã cúi mặt, đứng như chết lặng hồi lâu, trước khi âm thầm bước những bước nặng nhọc đi vào tra chìa mở khoá cửa, Thanh thất thểu theo sau.

Mở đầu câu chuyện, nói trong nghẹn ngào, Nhã lên tiếng như than như trách:

- Em đã gởi thư van xin đến như khẩn cầu, anh còn lên đây làm gì. Sau khi trót bỏ thư vào thùng bưu điện, về nhà em nghĩ ngay ra mình vụng về, dai dột rồi lo sợ, nhưng không lấy lại được, để cuối cùng có ngày hôm nay.

Thanh ôn tồn:

- Nhã hãy thông cảm cho anh, như anh đã thông cảm cho xã hội. Chúng ta không có lỗi, có chăng là xã hội, là những người đã gây ra chiến tranh. Chính họ đã đẩy chúng ta và bao nhiêu người khác nữa vào những ngã rẽ cuộc đời, đến sự đổ vỡ nầy. Rồi con chúng ta nữa, kể cả bé Hối đây, nó đã làm gì nên tội mà phải chịu cảnh như những đứa trẻ mồ côi.

Nói xong cà hai ngổi im lặng như hai cái xác không hồn. Mấy phút sau Nhã bật khóc thành tiếng. Chờ cho Nhã lấy lại bình tỉnh, Thanh mới tiếp lời:

- Về với con, với anh thôi em, bấy nhiêu đủ rồi, đừng tự đày đọa mình thêm chi nữa. Trong cuộc sống có biết bao nhiêu chữ nếu, mà đã mấy ai thấm thía hết từ ngữ ấy đâu em. Thấm thía hết từ ngữ ấy chẳng khác một người tu hành chứng được một quả nào đó vây. Anh đã cố, mới tìm lên đến tận đây em nên hiểu thế.

Thanh vừa dứt câu, Nhã gạt ngay:

- Không. Em luôn mách với lòng mình, em không còn xứng đáng với anh, với đại gia đình anh nữa. Anh hãy về đi, hãy về để em được an phận như em đã viết trong thư, và cố tình đặt tên cho đứa con như anh biêt đấy. Em rất bằng lòng khi ở đây mọi người đều gọi em bằng tên của bé. Hối. Một ngày có bao nhiêu lần người ta gọi tới, xem như có bấy nhiêu lần xã hội nhắc nhở sự phản bội của em với đối với anh, với một người mà ngay từ khi lấy được nhau em đã nguyện với lòng sẽ tôn thờ suốt đời. Nhưng giữa chừng lại chính em làm cho đổ vỡ.

Anh về, đó mới là cách tha thứ và cảm thông trọn vẹn cho em. Làm thế, em sẽ ghi ơn anh cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay như lòng em nguyện. Em phải trả giá cho hành động của mình bằng cuộc sống tận đáy xã hội nầy. Âu cũng là lẽ công bằng của tạo hóa. Như ba Hối, người chỉ biêt lợi dụng và chiếm đoạt, nhởn nhơ trên khổ đau người khác, Lần cuối phải chấp nhận một bản án chung thân khổ sai. Tời đất luôn luôn công minh anh ạ. Em xin chịu sự trừng phạt của đất trời.

Cuộc chia ly nào cũng xót xa, thì cuộc trùng phùng nào cũng không khỏi có nước mắt. Không nước mắt mừng vui thì cũng nước mắt muộn phiền.

Nhã đã khóc, và Thanh cũng khóc. Họ khóc không những cho thân phận mà khóc cho cả thế hệ họ phải gánh chịu bao nhiêu áp đặt phi lý của cường quyền. Chến tranh thế nầy chỉ đem lại lợi ích và thoả mãn tham vọng cho một số người. Nhưng tạo cho biết bao nhiêu cuộc đời phải kinh qua bao nhiêu ngã rẽ.

Suốt cả buổi chiều, và cho đến trắng một đêm tiếp theo, họ nói với nhau nhiều điều, có khi bằng lời nói tỉ tê, có khi bằng nước mắt ràng rựa. Có khi bằng tình yêu vợ chồng, có khi bằng tình thương con cái. Nhưng cũng không lay chuyển được ý chí của một phụ nữ trí thức nhiều tự ái.

Nhã vẫn gạt nước mắt từ chối đề nghị của Thanh!

* * *

Giữa trưa hè nắng nóng. Thanh hối hả trên con đường bụi đỏ. Chuyến xe duy nhất về xuôi đang rú còi gọi khách inh ỏi vẫn không làm tâm trí Nhã tỉnh lại.

* * *

Hai tuần lễ tiếp theo, sau khi kể lại đầy đủ cuộc gặp Nhã với những người thân nhất xong, một ngày cuối Hè, tranh thủ thời gian trước khi các con nhập học, Thanh dẫn ba đứa nhỏ và mẹ vợ, người còn đủ sức khỏe trong ba bậc sinh thành còn tại thế lên đường. Hy vọng những nhân cách đó sẽ rung động được ý chí của Nhã.

Nhưng cũng hoài công với Nhã. Nàng qùy lạy mẹ, lạy Thanh, và cũng không nao lòng khi những đứa con ôm mẹ và nước mắt chúng nhỏ nóng da thịt và hòa cùng nước mắt Nhã. Trước mặt Nhã, mẹ nàng xin lỗi Thanh và tỏ ra rất đồng tình với nhận định của con rễ, bà nói:

- Con phải mở lòng mà nghĩ rằng lý ra xã hội phải xin lỗi cha mẹ, xin lỗi Thanh xin lỗi con và xin lỗi cả các cháu của mẹ đây nữa chứ không phải một mình mẹ xin lỗi chồng con qua sự đổ vỡ nầy. Cuộc chiến chỉ làm thỏa mãn những tham vọng riêng tư của họ, đem lại lợi ích cá nhân cho những người chủ trương. Thế mà, họ sẵn sàng hủy diệt thuần phong mỹ tục của xã hội, khoái trá trên đau khổ của người khác, của các con, của gia đình mình, và bao nhiêu gia đình khác nữa trong bấy nhiêu lâu.

Ngồi dưới chân mẹ, nghe mẹ nói, Nhã khóc càng lúc càng to, nước mắt ướt đẫm đầu tóc; mấy đứa nhỏ cũng đang gục như lịm trên người Nhã. Nhưng sâu thẳm trong lòng Nhã vẫn không từ bỏ ý định! Hồi lâu, Nhã mới ấp úng được mấy câu, kính trọng mẹ, cảm ơn Thanh và chỉ xin từ nay, thỉnh thoảng về thăm cha mẹ, những lúc ấy có cả các con là đủ lắm rồi. Riêng với mẹ, Nhã nói:

- Con biết cha mẹ rất thương con trong tình cảnh nầy, nhưng con cũng mong cha mẹ xem con là đứa bất hiếu, đứa làm cho cha mẹ buồn khổ quá nhiều khi đã cuối cuộc đời, và sự nghiệp gầy dựng cả bấy lâu cũng không vô cớ tiêu tan. Cha mẹ cho con một cơ hội trả giá cho lần dại dột của mình.

Quay sang Thanh:

- Em thật lòng cảm ơn anh, em luôn nghĩ trên đời nầy không ai có lòng bao dung như anh, không ai tốt bụng bằng anh. Mà cũng không phải đến bây giờ em mới biêt ra điều đó. Khi nhận lời cầu hôn của anh, em đã được nhiều người chúc tụng từ đánh giá của họ về anh rồi. Đến khi sống chung, em tự mãn sự may mắn trời đất ban cho. Thế mà cuối cùng em lại phản bội anh, em không thể nhìn anh, nhìn người thân của anh, bạn bè anh. Em không thể đâu anh ạ. Thôi ! Còn thương em anh hãy về đi.

Cả căn nhà vang vang tiếng khóc!

Liên tiếp mấy ngày đêm chỉ một đề tài. Trong căn nhà nhỏ đông nhưng không vui. Ngày có khi lặng tờ như thanh vắng, thỉnh thoảng văng vẳng tiếng sụt sùi. Đêm trắng cho mọi người cùng day dứt nỗi riêng tư. Bóng tối không ngăn được tiếng thở dài. Nhưng câu chuyện vẫn không có hồi kết thỏa mãn cho cả hai.

Trên đường về hôm nay, mẹ Nhã, Thanh và ba dứa nhỏ (đã bắt đầu có ý thức) lại không nói với nhau thêm điều gì của lần đi ngày hôm trước.

Sau, họ gặp nhau tại nhà Thanh một lần duy nhất khi Nhã về thắp nén hương cho mẹ chồng lúc bà qua đời nhưng cũng sau khi mồ yên mã ấm bên ông nửa tháng, vì đường xa, phương tiện lạc hậu tin không đến kịp thời. Mà thật lòng nếu tin đến kịp thời chắc Nhã cũng không về ngay, vì lâu rồi, Nhã không muốn đến chỗ đông người nhất là người thân của Thanh.

Lạy mẹ chồng xong Nhã đi ngay.

Một năm sau ngày mẹ qua đời, có một thỏa thuận quốc tế nào đó, chương trình HO được phát động, Thanh nghĩ đây có lẽ là dịp tốt để Nhã xóa được mặc cảm, chấp nhận đoàn tụ với gia đình vì xa quê hương đến nửa vòng trái đất. Thanh vội vã cùng con lớn lên đường. Nhưng kết quả không như mong muốn, Nhã chỉ chúc mừng và cầu nguyện cho Thanh và các con gặp may mắn nơi xứ người, còn Nhã chỉ xin được yên thân vĩnh viễn nơi nầy mà thôi.

Họ còn gặp lại nhau vài lần nữa trước khi Thanh và ba con đi định cư ở Hoa Kỳ.

* * *

Sau khi ổn định cuộc sống và việc làm nơi quê hương thứ hai, trên đất nước đang cưu mang Thanh và dang rộng vòng tay chấp nhận Thanh là một công dân đầy đủ của mình. Cũng như với bao nhiêu bạn bè khác từ miền Nam đất nước đã thành kẻ chiến bại trong cuộc chiến mà họ xả thân tranh đấu cho tự do dân chủ vừa qua nhưng không thành, nay bị ruồng rẫy. Thanh bắt đầu nghĩ đến việc về thăm lại quê nhà, thăm Nhã. Thanh cũng nghĩ đến sau đó sẽ về thăm nơi Thanh đã được sinh ra và lớn lên với vô vàn kỷ niệm thời ấu thơ cũng như tìm lại bạn bè hồi khôn lớn để biết ai mất, ai còn, mà suốt mấy mươi năm qua, với bao nhiêu vất vã và đổi thay của xã hội, của đời mình, khiến Thanh chưa một lần về lại. Còn nay thì Thanh đã là người tự do, khác quốc tịch tuy không phải tự mình chối bỏ.

Ý thức thôi thúc thành hiện thực. Nhân kỳ nghỉ phép ba mươi ngày đầu tiên của công ty, Thanh vội vã lên đường. Máy bay hạ độ cao, phi đạo bận, chưa hạ cánh được. Ba vòng chờ trên không trung, qua khung cửa kính, lúc nầy Thanh thấy đất nước mình mới thật đáng quý đáng thương. Nhưng bỗng dưng mình bị đẩy thành người khác dù nguồn cội vẫn ở nơi nầy.

Quỹ thời gian ít ỏi, Thanh tranh thủ về nơi chôn nhau cắt rốn. Ngờ đâu định mệnh lại trớ trêu thêm một lần nữa. Một ngã rẽ của một đời người nối tiếp gắn bó với đời Thanh: Phượng.

Sau bao nhiêu năm chuyện tưởng đã quên, đã thuộc về dĩ vãng, khi về đây tình cờ, Thanh lại có được tin về người con gái ngày xưa, và đứa con cũng tình cờ mình có với nàng, nay đã có gia đình sống hiếu thảo với người mẹ một đời cô đơn.

Họ gặp lại nhau!

Cuộc hội ngộ đúng với câu nói “mừng nừng, tủi tủi”. Thanh vô cùng xúc động khi nghe Phượng kể lại những hệ luỵ Phượng phải chịu đựng sau khi Thanh trốn trại. Ban đầu người ta chỉ nghi ngờ Phượng tiếp tay giải thoát cho Thanh, phải kiểm điểm, áp dụng kỷ luật để răn đe người khác. Đến khi thấy Phượng quằn quạy trong cơn nghén, họ quả quyết vì có tình cảm mới dẫn đến tình dục, nên việc tạo điều kiện để Thanh xuống trước, Phượng sẽ về sau đoàn tụ là nhận định có cơ sở. Mà cả hai đều biêt rõ nơi đây, khi về vùng “địch” rồi, việc gì sẽ xảy ra cho căn cứ ai lường trước được, vì vậy phải dùng kỷ luật thích đáng.

Cuối cùng, vào một đêm tối trời sau đó, họ chính thức đọc lệnh đuổi Phượng về quê. Thân gái một mình, đường rừng heo hút, không người bảo vệ, có khi còn có thể gặp thú dữ vồ mà trong tay không có gì để tự vệ. Không còn cách nào khác, Phượng phải đành lòng. Vừa đi, vừa nghiền ngẫm tình người, cuộc đời. Về đến nhà, mấy lần Phượng bị chính quyền gọi hỏi cung, nhưng nhờ có cha dượng bảo lãnh, và thai nghén hành hạ, cũng được người ta tha thứ. Phượng không bị chính quyền khó dễ nhưng lại bị tâm trí dày vò.

Thanh cảm động và day dứt nhất khi nghe Phượng sụt sùi vừa khóc, vừa kể vì nhớ mình, nên đã có lần trong âm thầm, Phượng cố đi tìm tin tức Thanh nhưng không có kết quả. Thai càng ngày càng lớn, không đi lại xa đươc nữa mới thôi. Sau khi sinh, Phượng lấy tên Thanh đặt cho con, bé Thanh bây giờ. Phượng nghĩ rằng trong cuộc tao loạn nầy, làm vậy, mai sau nếu Phượng có thế nào cha con dễ nhìn nhau.

Lần thứ hai, sau lần gặp Nhã. Thanh bùi ngùi!

Đến lúc nầy, đời Thanh như thêm một ngã rẽ, mà hai dấu ấn là hai con người. Bé Hối và bé Thanh. Bé Hối không phải giọt máu của mình nhưng vì Nhã, Thanh muốn bảo hộ đã không được. Đến lượt gặp bé Thanh đúng là giọt máu của mình đáng bù đắp, vì sau bao nhiêu năm xem như con thất lạc, ngoài giá thú. Cũng khó lòng.

Phượng tuy nay tuổi đã về chiều nhưng ít sinh đẻ, nên vẫn còn giữ được phần nào nét cân đối ngày xưa. Làn da mịn năm nào nay đã sậm, có lẽ do sương nắng cuộc đời làm đổi thay. Đôi mắt vẫn to và đen nhưng nhốm buồn, cũng có thể nói lên tháng năm muộn phiền với bao nhiêu thao thức truân chuyên, trong những ngã rẽ của đời mình.

Sau khi thành người mẹ trẻ, Phượng trở nên trầm tĩnh, để ý thức trung thực ra cái mà hồi đó người ta rót như mật ngọt vào tai mình gọi là chính trị, gọi là chiến tranh, goi là hy sinh và gọi là nghĩa vụ. Phượng ngán ngẫm, âm thầm và lặng lẽ sống với ân hận, nuôi con đến tận hôm nay.

Trong câu chuyện lúc nầy Thanh mới biết bà ngoại Phượng đã mất. Cha dượng sau ngày đất nước gọi là được giải phóng hoàn toàn, ông lại phải đi cải tạo tư tưởng một thời gian trên rừng xa, nhiểm bệnh sốt rét cho về để gia đình chữa trị, nhưng cũng qua đời sau đó không lâu vì bệnh đã đến thời kỳ không còn chữa trị được nữa. Mẹ Phượng đã già sống với con trai ngoài thị xã.

Việc hôm nay, và sắp đến Thanh phải làm là xin phép Phượng thắp cho cha đẻ cô nén nhang và những ngày kế tiếp được cùng Phượng đến thắp cho ngoại và cha dượng để cảm ơn công đức sinh thành và lòng cưu mang bảo bọc đời Phượng. Tiếp theo ra thị xã thăm và tạ lỗi mẹ nàng.

Thanh xin lỗi Phượng việc năm xưa, và sự vô tình sau đó với tất cả sự thành thật của một người đàn ông có hiểu biết và đứng tuổi. Tuy tất cả cũng do hoàn cảnh đưa đẩy: CHIẾN TRANH.

Bé Thanh (con) giống ba như khuôn đúc, dẫu người xa lạ lần đầu gặp cũng có thể đoán ra có sự liên hệ giữa hai người. Từ cái mũi cao của ba, làn da trắng của mẹ. Và liếng thoắng hồn nhiên nhắc nhớ hình ảnh Phượng thuở nào.

Tiến, chồng bé Thanh nay cũng là một bộ đội, rất quý trọng cha vợ, lễ phép và hòa nhã.

Mọi việc trở nên bình thường, Thanh báo tin về bên kia cho các con, lên cao nguyên cho Nhã. Tất cả đều vui vẻ, tỏ ý bằng lòng, xem như việc đã rồi và là một may mắn, an ủi cuối đời cho Thanh qua bao nhiêu đắng cay từng phải chịu đựng.

Nhã thật lòng chúc Thanh có hạnh phúc.

Cuộc hội ngộ quá đột ngột, đột ngột tưởng như trong mơ khiến Thanh và mọi người không khỏi bàng hoàng xúc động suốt mấy ngày liền. Niềm vui đến quá bất ngờ.

Những ngày tiếp theo Thanh có nhã ý rồi đây được bảo lãnh con qua đoàn tụ. Cũng là để bù lại một thời như đã vô tình, thiếu trách nhiệm. Nhưng không được, vì Phượng chỉ có mỗi bé Thanh, còn bảo lãnh Phượng thì càng không thể, dù rằng chính Nhã không muốn chứ không phải Thanh từ chối bảo lãnh Nhã. Dù cho đến nay Thanh vẫn còn sống độc thân nơi xứ người.

Hết hạn phép, Thanh phải trở về với các con nơi đất nước tự do, trong sự quyến luyến đến não lòng của tình cha con mới hội ngộ, và ghi đậm trong lòng Thanh hình ảnh Phượng, bây giờ là hình ảnh thân thương thật sự của cuộc tình tinh khôi kéo dài cho đến đoạn cuối cuộc đời hai người, và xóa nhòa được nỗi mõi mòn bấy lâu ở Phượng.

Về đến bên nhà, các con Thanh thấy mẹ quá cứng rắn, ba tuổi già lại cô đơn, luôn gởi thư, gọi điện động viên Phượng và vợ chồng Tiến đừng ngần ngại, cho Thanh và các con bên nầy bảo lãnh qua đoàn tụ. Nhưng Phượng có lập trường riêng cố chối từ, chỉ mong được là người tình trọn đời của Thanh, để ngày nào đó khi Thanh già yếu muốn trở về nơi chôn nhau cát rốn sẽ có Phượng và con.

Phượng không thể, vợ chồng Tiến cũng không xa mẹ được.

* * *

Như vậy là suốt mấy mươi năm liền trên đất nước nầy, từ vị vua đến rất nhiều người dân đủ mọi thành phần xã hội. Cuộc đơi họ phải trải qua những ngã rẽ không ngờ trước, có khi là đắng cay và ân hận.

Thời gian sau, các con Thanh ở nước ngoài lần lượt thay phiên về nhận chị em, cùng cha giúp vốn, Tiến xin ra khỏi bộ đội vợ chồng mở cửa hàng buôn bán. Cuộc sống đến lúc nầy mới bắt đầu ổn định, có điều kiện phụng dưỡng Phượng tốt hơn, đầu tư cho con học hành chu đáo.

Thanh có dự định một ngày nào đó, khi mình hết đi làm, đời sống các con bên nầy ổn định hơn sẽ cùng nhau về nước, làm một cuộc đoàn tụ có cả Nhã, Phượng, bé Thanh và Hối ngay trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Việc đó sẽ kể sau.

Xuân Thới


PHỤ LỤC

Sau gần mười năm dân chúng trên khắp đất nước Việt Nam không còn nhìn thấy cảnh người chết, nhà cửa bị thiêu rụi, xóm làng xơ xác do bom đạn gây nên. Kết quả của việc thi hành hiệp định Quốc tế đình chỉ chiến sự cho toàn bán đảo Đông Dương ký kết tại thành phố Genève nước Thụy Sỹ ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa các bên tham chiến. Được thế gới công nhận và kiểm soát việc thực hiện hẳn hoi.

Hiệp định còn có thêm điều khoản, các nước Lào, Cao Miên vẹn toàn lãnh thỗ, riêng nước Việt Nam chia cắt thành hai miền Nam, Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới.

Miền Bắc thuộc quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập từ tháng 9 năm 1945, ở các vùng nông thôn. Ban đầu do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, trong xu thế sẽ thành lập liên bang. Liên bang Đông Dương theo khuôn mẫu Liên bang Xô viết, và một số nước miền đông châu Âu, nhưng không thành, cuối cùng giữ nguyên ba nước Việt, Miên, Lào như cũ.

Miền Nam giao cho Vương triều nhà Nguyễn quản lý. Vương triều trải qua sáu đời chúa và mười ba đời vua. Bắt đầu từ Chúa Nguyễn Hoàng 1640, rồi đến năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh đánh bại Tây Sơn, thay vì xưng Chúa để thành chúa thứ bảy, ông xưng vua lấy vương hiệu Gia Long vị vua đầu tiên. Hiện tại vua Bảo Đại, vua thứ mười ba, vị vua cuối cùng của triều đại. Ông lên ngôi năm 1926 lúc mười ba tuổi. Là một ông vua theo Tây học, tốt, nhưng vì giai đoạn lịch sử thế giới khiến cuộc đời ông chẳng những luôn bị bôi bác, mà còn có quá nhiều ngã rẽ.

Đến lúc nầy vương triều nhà Nguyễn lãnh thổ mới có lại hoàn toàn miền Tây Nam bộ. Trước đó, chính phủ thực dân Pháp, nước đô hộ, đã ép triều đình cắt nhượng 6 tỉnh miền Nam thành thuộc địa của họ (1884). Lần lượt họ còn buộc phải thừa nhận sự bảo hộ của họ cho xứ Bắc kỳ. Nên bên cạnh các quan Tổng đốc của triều đình, người Pháp đặt một viên “Khâm sứ” để giám sát, thường là sĩ quân trong quân đội viễn chinh. Còn đặt một quan toàn quyền cho toàn cõi bán đảo Đông Dương.

Lãnh thổ vương triều trước lúc ký hiệp định chỉ còn lại dải đất miền Trung với Quốc hiệu “Đại Nam Trung Kỳ Chính Phủ”. Trước đó, vua Tự Đức có lần cử đoàn sang tận Paris đàm phán lấy lại các tỉnh bị làm thuộc địa nhưng không thành.

Để kiếm soát việc đình chỉ chiến sự, một ủy ban Quốc tế được thành lập gọi là “Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến” gồm đại biểu đại diện của 9 nước trên thế giới, có trụ sở đặt tại hai miền Nam, Bắc. Những năm đầu còn nghe nói đến, về sau dần dần lu mờ trước sự phá bỉnh để thực hiện chiến tranh.

Sau khi trao trả tù binh chiến tranh và nhận lãnh thổ xong, miền Bắc xây dựng xã hội Chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô, Trung Quốc và một số nước Đông Âu. Đảng lao động trở thành đảng duy nhất lãnh đạo.

Miền Nam giữ nguyên vương triều Nhà Nguyễn, và đang trong chủ trương hình thành chế độ Đại nghị, quân chủ lập hiến. Vua chỉ là nhân vật tượng trưng uy quyền quốc gia. Điều hành đất nước là một Thủ tướng. Xã hội có nhiều đảng phái tạo thế đối lập để kiểm soát nhau ngăn ngừa độc tài chuyên chính.

Nhưng không bao lâu sau (năm 1956) miền Nam lại thay đổi thể chế thành một nước Cộng Hòa, lấy Quốc hiệu “Việt Nam Cộng Hòa”, xây dựng Hiến Pháp trong xu thế văn minh thế giới tân tiến hiện đại. Theo đó, tam quyền phân lập rạch ròi. Lập pháp có hai viện Quốc hội. Hành pháp đứng đầu là một Tổng thống. Tất cả đều do dân bầu qua thể thức phổ thông đầu phiếu. Đứng đầu chính phủ là một Thủ tướng do tổng thống chỉ định, Lưỡng viện Quốc hội phê chuẩn. Thủ tướng là một chuyên viên hành chánh được quyền thành lập nội các. Tư pháp, cao nhất có Tòa Thượng thẩm, Chánh án do Tổng Thống bổ nhiệm.

Cương lĩnh là phát huy tự do nhân quyền, bảo vệ độc lập dân tôc, và tôn trọng tư hữu. Mục tiêu theo đuổi là dân giàu nức mạnh, đề cao mọi quyền tự do của công dân. Về kinh tế, ở thành thị khuyến khích hợp tác kinh doanh và kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp. Ở nông thôn xây dựng các khu “Dinh điền”, khu “Trù mật” để tạo điều kiện nâng cao đời sống nông dân trong việc tiếp cận kỹ thuật nông nghiệp tân tiến, khai thác những vùng đất còn hoang hóa, xây dựng luật người cày có ruộng hợp lý để xã hội nông thôn được công bằng.

Tiến trình xây dựng thể chế tự do dân chủ đang trên đường ổn định, kinh tế phát triển nhanh, đời sống người dân từ thành thị ra nông thôn lên cao trông thấy, thì ở những vùng xa xôi như quê hương Thanh đã bắt đầu có chiến tranh trở lại.

Sau hai cuộc đại chiến thế giới, mọi người đều thấy sự hủy diệt kinh khủng của chiến tranh, từ vật chất cho đến tinh thần nhân loại. Vì vậy, hiệp định đình chỉ chiến sự nêu trên, tuy chỉ áp dụng cho bán đảo Đông Dương nhưng lại thành hiệp định Quốc tế, để có điều khoản ràng buộc các bên không được thực hiện chiến tranh trở lại, không hiệp thương tuyển cử trong lúc nầy. Tất cả chỉ lo cho đời sống người dân, vật chất đầy đủ, dân trí lên cao. Sau đó, tự dân chúng quyết định tương lai đất nước một cách hòa bình và tự do.

Qui định như thế bất lợi cho chủ trương quốc tế chủ nghĩa Cộng sản, mà hiện tại Liên Xô và Trung Quốc nhận định cơ hội tốt cho việc tiến xuống vùng Đông nam Á châu để xây dựng Nhà nước cộng Sản cho toàn vùng. Một số nước trong đó có chính phủ Việt Nam Cộng Hoà biết chủ trương bành trướng nầy, đã cùng nhau thành lập một liên minh có tên gọi “Liên minh phòng thủ Đông Nam Á” hay “Minh Ước Liên phòng Đông Nam Á” (tiền thân của hiệp hội Asean ngày nay), nhằm đối phó, đồng thời, gây trở ngại mục tiêu chính của Đảng Lao Động Việt Nam là đánh đổ cả vương triều nhà Nguyễn, giành trọn quyền cai trị đất nước. Vì vậy, miền Bắc thành lập một đoàn do tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường người được cả châu Âu kính trọng (23 tuổi trong một năm bảo vệ thành công và thủ khoa 2 bằng Tiến sĩ tại Pháp) dẫn đầu. Trước tiên đến các nước trong Ủy hội kiểm soát đình chiến, sau, một số nước khác, giải thích việc phải làm chiến tranh để giải phóng dân tộc khỏi ách phong kiên (ám chỉ nhà Nguyễn) và đế quốc (Mỹ).

Ngày 20/12/1960, người ta ra công bố Quốc tế một mặt trận lấy tên gọi “Mặt trân Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” với lá cờ hai màu xanh và đỏ, đính ngôi sao vàng ở giữa để nói lên do nhân dân miền Nam tự phát thực hiện chiến tranh giải phóng áp bức chứ không phải do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chủ trương. Vì vậy, để tạo danh chánh ngôn thuận Mặt trận dùng một trí thức miền Nam làm chủ tịch (Luật sư Nguyễn Hữu Thọ), Về sau, để phát động chiến tranh có tầm mức cao hơn, và có danh xưng với Quốc tế, người ta nâng mặt trận lên thành “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Thực chất, tất cả đều do Đảng Lao động, cũng là Đảng Cộng Sản miền Bắc trong hệ đệ tam quốc tế lãnh đạo và chi phối.

Miền Bắc, chấp nhận hiệp định là một thắng lợi, vì họ có được nửa đất nước, thay vì chỉ có ở vùng nông thôn như trước đó mà thôi. Và để chuẩn bị cho hành động về sau, họ tuyên tuyền trong dân chúng rằng hiệp ước có qui định sau hai năm hai bên phải tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử để chọn thể chế chính trị thống nhất đất nước. Sự thật bản văn tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt của hiệp định không có điều khoản nầy. Tuyên truyền như thế họ có nhiều điều lợi. Trước tiên là đưa được một số người trong Nam ra Bắc, mặc dù trong số người nầy, trươc đó có người tham gia với họ, có người không. Ra đến nơi tất cả buộc phải tham gia xây dựng cho miền Bắc. Và miền Bắc xem như đương nhiên có được khối tình cảm to lớn còn lại ở miền Nam đó là gia đình những người đi. Nếu tổ chức chiến tranh tiếp hoặc hiệp thương tuyễn cử, mặc nhiên họ có được một bộ phận nằm vùng hùng hậu và hữu ích.

Người đi cũng mạnh dạn, vì nghĩ rằng hai năm như một giấc ngủ, đi rồi sẽ về, dễ dàng. Ra đến nơi họ mới thấy không phải như vậy. Một minh chứng cụ thể là trong chủ trương tập kết cán bộ, bộ đội từ miền Nam ra miền Bắc. Ban đầu người không có tiêu chuẩn nhưng muốn đi, buộc phải đóng một khoảng tiền lớn, lần lượt mở rộng ra, ngoài việc không đóng tiền còn kêu gọi được đi tùy ý.

Sâu sắc hơn, cùng trong kế hoạch đặt cán bộ ở lại gọi là nằm vùng tiếp tục hoạt động. Để tạo thêm được tình cảm, người ta còn khuyến khích những thanh niên trước không có tiêu chuẩn được đi, nay vừa làm lễ cưới nhau xong một trong hai vợ chồng lại được đưa vào biên chế, gọi là ưu đãi. Hoặc chỉ mới đính hôn họ khuyến khích tiến hành lễ cưới để vợ hoặc chồng ra đi khỏi bận tâm gì nhau.

Chiến tranh, chính trị đẩy rất nhiều cuộc đời, nhất là những người thật thà, cả tin lần lượt qua hết ngã rẽ nầy đến ngã rẽ khác. Có khi đến chỗ nguy hiểm mà không xác định được sự hy sinh đó có chính đáng hay không.

Miền Nam không nhắc đến hiệp định vì toàn dân đã truất phế vua Bảo Đại (qua trưng cầu dân ý), là không còn dính líu gì vương triều nhà Nguyễn nữa. Mà không dính líu là không bị hiệp định ràng buộc (không ký).

Cũng có thể xem như vua Bảo Đại là tiêu biểu cho những ngã rẽ của những cuộc đời từ bình dân đến trí thức của một giai đoạn lịch sử dân tộc.

Miền Nam toàn tâm toàn ý xây dựng đất nước theo thế chế Cộng Hòa, dân chủ, phục vụ đời sống người dân; đó là mục tiêu theo đuổi chính của thể chế lúc bấy giờ. Đi trước miền Bắc một bước trong cùng chủ trương “bài phong, phản đế”.



Xuân Thới

* * *

Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Văn:click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh