Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
HÁT HÒ GIÃ GẠO QUÊ TA
TRƯƠNG QUANG

Kho tàng văn chương bình dân của nước ta thật phong phú và đa dạng qua ca dao, tục ngữ và nhiều thể điệu dân ca. Dân ca là tiếng lòng của quảng đại quần chúng thôn quê, trong đó tiềm ẩn dân tộc tính, dân tộc tình và cả sắc thái địa phương. Phạm trù của dân ca thật bao quát, tại mỗi địa phương thuần thục một lối hát, nhiều điệu hò và điệu lý.

Miền Bắc thành thạo qua các điệu lý giao duyên bay bướm như Lý Quạ Kêu, Lý Con Sáo, Lý Ngựa Ô, Lý Qua Cầu, Hát Trống Quân... từng được Phạm Duy phổ vào tân nhạc.

Miền Nam rộn ràng vang vọng các điệu Hò Dô Ta, Hố Hụi... từng được xem là “khúc ca Đồng Tháp”. Nhiều điệu hát hò nhất là tại miền Trung, từ điệu hò mái nhì, mái đẩy nỉ non lả lướt trên sông nước cố đô, đến các điệu hò giải lao, điệu hò làm việc, hò kéo lưới rất vui nhộn, phấn chấn, đã được phản ảnh trong nhạc phẩm “Tiếng Dân Chài” của Phạm Đình Chương. Kể về dân ca có bài bản, có đối đáp được phổ biến nhất của ba miền là: hát Quan họ Bắc Ninh, hát hò giã gạo miền Trung, và ca Vọng cổ Nam Bộ.

Nói riêng về hát hò giã gạo, kẻ viết bài này chưa có may mắn được thấy ở sách báo nào bàn đến. Nay trên bước đường lưu vong nên không thể tham khảo thực chứng, chỉ biết đem tấc lòng tưởng nhớ cố hương mà ghi lại, tất nhiên bài viết còn nhiều sai sót, rất mong được quí đồng hương chỉ giáo.

Dân ca - cũng như ca dao - là văn chương truyền khẩu được tích lũy qua bao thế hệ, với độ truyền bá không biên giới, đã thành phổ quát trong dân chúng. Tuy nhiên, cũng có nhiều khúc dân ca của mỗi địa phương phản ảnh nét đặc thù về ngôn ngữ và nếp sinh hoạt của địa phương đó.

Tỉnh Quảng Ngãi vốn là cái nôi của hát hò giã gạo miền Trung. Đây là vùng đồng bằng lưng dựa vào Trường Sơn, mặt hướng ra biển Đông, từ xưa dân chúng chuyên về nông nghiệp và thương nghiệp bằng ghe buồm ra vào 5 cửa biển: Sơn Trà, Sa Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á và Sa Huỳnh.

Rõ ràng, hát hò giã gạo là một thể dân ca giao hưởng với điệu múa dân gian, vì tiếng hát theo làn giai điệu chuẩn mực, được nhiều người phụ họa đi đôi với cử động nhịp nhàng đồng bộ theo vòng tròn được tiếng chày giữ nhịp tựa như luân vũ khúc.

Điệu hát Trống quân nguyên là hát hội trăng tròn ở vùng Thanh Hóa được vua Quang Trung phối hưởng với hát hò giã gạo, ngài chỉ bảo quân sĩ - đa số người miền Trung - hát giải lao trên đường hành quân ra Bắc năm 1788 để tảo trừ quân Thanh xâm lược. Người chiến sĩ phân vai nam và nữ hát hò đối đáp theo tiếng trống điểm nhịp thay tiếng chày, lòng quân phấn khích quên khó nhọc.

Từ năm 1958, phía Việt Nam Cộng Hòa đi vào cơ giới hóa nông nghiệp, nhiều nhà máy chà xát ngũ cốc lần lượt mọc lên khắp nơi, hoạt cảnh hát hò giã gạo do đó bị mai một dần dần: điều đáng mừng mang theo điều đáng tiếc. Đúng vào thời điểm ấy, nhạc phẩm “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ ghi lại cái vang bóng một thời, đến nay còn vọng mãi dư âm:

-“Trong đêm trăng tiếng chày khua... ai hát vang trong đêm trường miên man... Ai đang đi trên đường đê tai lắng nghe muôn câu hò đê mê... Vô đây em, dù trời khuya anh cũng đưa em về...”.

Cạnh quan lộ, bên dòng sông hay sau lũy tre, có nhiều nông gia khá giả sắm cối nặng và nhiều chày vồ, nhất là có sẵn vườn rộng rãi, dùng làm tụ điểm cho đám hát giã gạo. Cối là thân cây thật lớn đục rỗng ruột để chứa lúa mới xay tróc vỏ (gọi là gạo lức) đặt ở giữa sân, tầm cao ngang gối.

Gọi tên chày vồ vì theo dạng cái vồ đóng cọc, ấy là khúc gỗ tròn và dài như bắp vế, ở giữa tra cán thẳng góc với chày. Quanh mỗi cối gạo, thường có từ 4 đến 6 người trai và gái, họ luân phiên theo vòng tròn, nâng chày tựa lên vai rồi chồm người giã chày xuống cối cho gạo lức tróc lớp cám. Khi gạo đã trắng đều, họ tuôn ra cho người khác giần, sàng, và thay gạo lức vào tiếp tục giã, tiếp tục hát giao duyên mùi mẫn.

Dưới ánh trăng lung linh mát dịu (họa hoằn mới phải thắp măng-sông sáng rực), nam nữ đối mặt nhau trổ tài hoạt bát như gà đua tiếng gáy, đồng thời việc làm theo quán tính rất đều đặn uyển chuyển, vẫn diễn tiến nhịp nhàng khoan thai.

Câu hát tiếng chày theo gió đưa đi xa trong đêm tĩnh mịch, xóm làng thao thức, người tìm đến thêm đông, có khi phải đặt thêm cối để người đến sau nhập cuộc. Dưới mái hiên, quý vị trưởng thượng ngồi uống trà, gật gù bàn tán. Khắp vườn, người lối xóm tụ đến đan lưới, kéo vải, vót nan... Trẻ con tụm năm, tụm ba vỗ tay và cùng hò theo người lớn. Nồi nước chè xanh bốc khói, xôi chè, gà luộc đã bày kín cả nong nia, dành sẵn cho người hát giã gạo giải lao. Khung cảnh bình dị yêu thương đó, nay biết tìm đâu?

Trong “Đặc Khảo Về Dân Nhạc Việt Nam”, Phạm Duy có viết:

-“Hò giã gạo... cũng vẫn theo đúng kỷ luật của hò. Vẫn có vế kể, vế xô, vẫn có lớp trống, lớp mái, vẫn có hò cái, hò con... Giai điệu vẫn là ngũ cung hơi Nam, giọng ai, nhưng lời ca thì rất trữ tình”.

Thật vậy, nơi hát hò giã gạo không có người ngoài cuộc. Người giã gạo thì hát, đầu câu bao giờ cũng hai tiếng “Hò ơi” mời gọi người cùng hưởng ứng. Tất cả người nghe thì hò. Tiếng hò để phân đoạn câu hát, mà cũng để cho người đương hát lấy hơi hát tiếp.

Tiếng hò cho đoạn ngắn thì “hò khoan”, nếu tiếng hát cuối âm bằng, hay “la hố” nếu tiếng hát cuối âm trắc. Do vậy, nơi này gọi là hát hò, nơi khác gọi là hát hố, tùy theo quen miệng mà thôi. Chấm dứt câu hát, câu hò dài hơn và tạo nên hợp âm với giọng hát xuống (câu 1) và giọng hát lên (câu 2):

1. Khoan hò...khoan hỡi...hò khoan...

2. Khoan hố khoan...là hố hò khoan...

Như một bản hợp xướng, câu hát và tiếng hò sẽ như vầy: (tiếng hò trong ngoặc)

-“Hò ơi...Đêm qua mưa bụi gió bay (hò khoan)
Gió rung cành bắc (là hố) gió lay cành vàng (khoan lại hò khoan)
Em với anh người ở khác làng (hò khoan)
Nào em có biết (la hố) ngõ chàng nơi đâu (khoan hố khoan là hố hò khoan)”.

Thường khi muốn cho người hát đối có đủ thì giờ nghĩ ra câu đáp lại, nên đồng bạn thường có những khúc hát đệm rất linh động, đôi khi ngổ ngáo như:

-“Hố hò hố hụi...xít cuội hò khoan.
Khoan anh chưa vợ...khoan tui chưa chồng.
Chưa chồng...chồng chửa...chồng chưa”v. v...

Tiếng chày thình thịch rơi đều đặn, giữ nhịp cho câu hát sau mỗi hai tiếng hoặc ba tiếng. Nhịp có 3 tiếng được hát gộp như liên ba ở tân nhạc. Tiếng chày tỉ như các vạch nhịp sau đây: (dấu chấm lửng là tiếng hò)

-“Hò ơi...
Tay em bưng/ hộp thuốc/ khay trầu/.../
Miệng mời/ chú lái/.../ ăn trầu/ với tui/.../.../
Bây giờ / thuyền chạy / ghe lui /.../
Trai anh lui / về vợ cũ /.../ gái em lùi / về chồng xưa /.../.../
Thôi anh đừng/ ngọt miệng/ đãi đưa/.../
Cầm duyên / em lại /.../ buổi chợ trưa / em phải ngồi /.../.../...”

Tiếng nói mộc mạc nơi thôn dã được in rõ nét trong câu hát của từng nơi, mang theo âm hưởng cá biệt mà sách vở thường gọi là “thổ ngữ”, như các tiếng “rặt Quảng Ngãi” trong các ví dụ sau đây:

-“Hò ơi...Ai lên nhắn với nậu nguồn
Măng le chở xuống, cá chuồn gởi lên...”
“Hò ơi...
Thuốc ngon chợ Huyện, giấy quyến Sa Huỳnh,
Nẫu xa mược nẫu, đôi đứa mình đùng xa.”

Tiếng NẬU: những ai; NẪU: những ai đó đều là những chỉ định đại danh từ được minh thị ngắn gọn. Cùng loại như các tiếng ỔNG (ông ấy) - BẢ (bà ấy) - ẢNH (anh ấy) - CỔ (cô ấy) v.v... MƯỢC: mặc kệ.

Xin đơn cử một câu hát nói về một cô gái đã bị bà Nguyệt lão từ chối xe duyên, cô ấy bị loại ra vì tội quá lọc lừa, kén chọn:

-“Hò ơi...Làm sao mà chẳng lấy chồng
Người ta lấy hết, chổng mông mà gào!
Bà trăng bả ở trên cao
Phán rằng: Già kén, tao chừa cổ ra.”

Nghĩ cho cùng, ta hiểu được tính thực dụng của nhiều tiếng bị miệt thị là “nhà quê” như trong ví dụ:

-“Hò ơi...Tới đây khổng hát thì hò,
Chẳng phải con cò nghểnh cổ mà nghe.”

“Khổng” là không có thể, “bển” là phía bên ấy, “hổm” là hôm ấy mà ta thường nghe, ngoài tính chỉ định, đó còn là những tĩnh từ lược. Chẳng khác gì người Mỹ nói CAN'T (mà không nói CANNOT), I'VE (mà không nói I HAVE). Rút gọn mà vẫn rõ nghĩa.

Xét về nội dung, thông thường hát hò giã gạo là những lời chào mời, đối đáp thù tạc về đạo lý, về quê hương, câu thăm dò về kiến thức, lời trần tình trước nghịch cảnh. Phần nhiều là câu ước nguyện của người đương yêu nhau. Nơi đây tình cảm rất lãng mạn, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của xã hội theo Khổng Mạnh, nên cứ trong vòng luẩn quẩn từ dò dẫm, đến dan díu, du dương da diết rồi dở dang.

Đến tham dự, nhưng chàng như rụt rè khiêm nhượng, một cách lấy thế để được thỉnh cầu, nhất là có được lời mời của người đẹp:

-“Hò ơi... Vô đây, ới bạn vô đây,
Cơ đồ bát bửu dựng xây trên bàn.
Tội tình chi mà đứng ngõ dòm đàng,
Hột sương sa nhỏ xuống, cảm thương hàn... ai nuôi?”

Đúng là tay sành điệu, chàng vừa nhập cuộc đã mở lời gạ gẫm:

-“Hò ơi...Em không kêu thì thủng thỉnh qua vô,
Qua vô xem thử đồng hồ thể nao?
Hồi nãy qua đứng ngoài rào,
Tai nghe hát hố lao xao trong này.
Cầm chìa qua mở khóa đây,
Công anh chẳng tiếc, tiếc chi với bạn vàng.
Kề tai nghe tiếng qua than:
Hột sương sa nhỏ xuống, cảm thương hàn...cậy em!”

Chừng như ai cũng biết phép xã giao, với “tiếng chào cao hơn mâm cỗ”, nên tuồng mở đầu phải như lời một diễn viên:

-“Hò ơi... Trước tui chào bà con đông đủ,
Sau tui chào bạn cũ lai niên.
Mở lời chào gió, chào trăng,
Chào qua núi Chúa, chào quanh sông Trà.
Mở lời chào chị em ta,
Bên hữu đàn bà, bên tả đàn ông
Mở lời chào gái nữ công,
Chào trai trung hiếu giữa đám đông hội này...”

Trên đây là một chàng bặt thiệp, rất đắc nhân tâm, nên dễ thu phục được cảm tình từ bốn phía. Bước dò dẫm ban đầu bao giờ cũng khó, nếu thiếu tế nhị cũng dễ bị đá văng ra ngoài lề:

-“Hò ơi... Trèo lên cây quế bẻ bông,
Hỏi thăm cô Bốn có chồng đâu chưa?

Nàng đáp lại tỉnh bơ, nhát gừng:

-“Hò ơi... Có chồng năm ngoái năm xưa,
Năm nay chồng để, cũng như chưa có chồng”.

“Nói vậy mà không phải vậy”, nàng đã nói kháy, trong bụng lại chửi thầm: “Đằng ấy mới để (bỏ) vợ thì có, đây còn son trẻ, đừng hòng mà trèo, mà bẻ”. Nhưng giật mình vì cái huông của lời nói gở, nàng vội giải bày lý do “đồng tính bất giao hôn”, nên vẫn còn chiếc bóng:

-“Hò ơi... Tay cầm ống chỉ xe lần,
Nơi xa trùng họ, nơi gần bà con.
Dậm chân xuống đất cái bon,
Em còn ở vậy, chồng con đâu nà!”

Có trường hợp, chàng khôn khéo thăm dò, liền nhận được hồi âm thuận lợi:

Nam:
“Hò ơi... Bây giờ mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Nữ:
“Hò ơi... Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào!”

“Được lời như cởi tấc lòng”, một chàng rự khoe là lịch lãm, kiêu ngạo bước vào:

“Hò ơi... Trên trời có cây hóa kiểng,
Dười biển có con cá hóa long.
Anh đi lục tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiến đem lòng thương em...”

Nhóm trai làng đâu dễ làm “tò vò mà nuôi con nhện”, bèn lên tiếng cảnh giác, tính địa phương cục bộ thời nào chẳng có:

“Hò ơi... Đu đủ tía, dền dền cũng tía,
Khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm.
Củi tre chen lẫn củi trầm,
Em chọn sao cho khéo, kẻo lầm... bớ em!”

Và đem cả viễn tượng quạnh hiu ra đánh động lòng người con hiếu thảo:

“Hò ơi... Chồng gần không lấy, mà lấy chồng xa,
Một mai cha yếu, mẹ già,
Thang thuốc kia ai sắc, bộ kỹ trà ai lau?”

Câu hát sau đây mang tính cách thuyết phục rất cao: “Nhất cận thị, nhị cận giang” của chàng trai thôn An Thổ, nơi giồng cát vàng, trồng khoai lang, có chợ Mới buôn vải xi-ta nội hóa. Còn nàng ở thôn Hải Môn, có chợ Cây Chay lắm cá tươi từ cửa Mỹ Á vào. Hai thôn cùng nằm bên bờ sông Trà Câu, “anh ở đầu sông, em cuối sông”:

-“Hò ơi... Củ lang mỏng vỏ đỏ da,
Em muốn về An Thổ theo ta mà về.
Hải Môn với bển cùng quê,
Gần sông tắm mát, chợ kề một bên”.

Có nhiều cách ngỏ lời dụ dỗ khác nhau. Nàng nghĩ đến tuổi Xuân chóng qua, hoa tàn bướm say, nên nhận lời chàng trai, có đức hạnh lại ở gần quê mẹ:

-“Hò ơi... Tui thấy anh có nết, tui muốn kết nghĩa nhơn,
Nam Kỳ lục tỉnh hiếm chi nơi đông sàng.
Thò tay ngắt ngọn rau lang,
Mùa xuân con bướm đậu, hè tàn con bướm bay...”

“Thân con gái mười hai bến nước”, nàng còn thêm câu giãi bày để không mích lòng kẻ thua cuộc - ít ra trong sự bắt cặp hát đôi đêm nay:

-“Hò ơi... Thân em thất thể đồng tiền,
Lớn thì “ăn sáu” nhỏ nguyền “ăn ba”.
Tiền vua Minh Mệnh đúc ra,
Ăn sáu cũng đặng, ăn ba cũng vừa.
Mặc tình thiếp muốn, chàng ưa,
Bỏ vô chén ngọc cho vừa lòng châu.”

Chúng ta vừa nghe tiếng “qua” và “tui” đều là tiếng chỉ ngôi thứ nhất số ít. “Qua” là tiếng tự xưng trìu mến của người lớn tuổi hơn, “tui” - do tiếng “tôi” hạ giọng - là tiếng tự xưng khiêm cung của người nhỏ tuổi. Không có gì lạ tai khi ta nghe mẫu đối thoại bình thường của đôi trai gái, tưởng như nói ngọng:

- Bữa hổm tui trông anh hoài. (chữ Hán: Hoài là nhớ trông)

- Hôm qua qua nói qua qua mà qua khổng qua, bữa nay qua không nói qua qua, mà qua qua, thì huề!

Sau khi đã “bắt cặp”, tiếp theo thường là câu hát trữ tình rất du dương, đường mật. Nàng đã phải vượt qua nghịch cảnh nào? Chàng phải đáp ứng ra sao với tình cảm thắm thiết đó? Câu hát đối đáp như sau:

Nữ:
-“Hò ơi... Em đang so đũa dọn cơm,
Tai nghe hát hố đầu hôm trên này.
Ra đi cha đánh mẹ rầy,
Không đi bạn ở trên này bạn trông.
Ra đi lội suối băng sông,
Tới đây mến bạn lòng không muốn về.
Lựu trông đào, đào lại trông lê,
Trầm kia nhớ quế tìm về rừng xanh.
Đôi ta như lá với cành,
Như con một mẹ...bỏ sao đành, trời ơi!”

Nam đáp:

-“Hò ơi... Con chim chích chòe nó đậu bìa hè bà chủ,
Con chim đội mũ nó đứng đám củ ông Hương.
Đôi ta mới ngộ tình thương,
Dù ai đem nhiễu đổi lương cũng đừng.
Trăm năm lòng gắn dạ ghi,
Dù ai đem bạc đổi chì cũng không.”

Chuyện lứa đôi là duyên nợ trầu cau như huyền thoại lưu truyền. Giây trầu quấn quýt vào thân cau, được chàng và nàng vun trồng cho xanh tươi, mới có được kết quả đỏ thắm. Hai khúc hát của nàng nồng nàn da diết đã xác quyết mối tình gắn bó, bất khà phân ly đó:

Khúc 1:

-“Hò ơi... Anh về đào lỗ trồng cau,
Cho em giâm ké giây trầu một bên.
Mai sau cau nọ lớn lên,
Trầu kia ra lá, đền ơn cho chàng.
Cau lên chín lỗ, trầu mọc chín hàng,
Cau bao nhiêu lóng, dạ thương chàng bấy nhiêu...”

Khúc 2:

-“Hò ơi... Em thương anh trầu hết lá lương,
Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay.
Dẫu mà cha mẹ có hay,
Nhứt đánh, nhì đày hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó anh ơi,
Thác thà chịu thác, lìa đôi không lìa!”

Đính ước chuyện trăm năm trong phút giây hội ngộ. Mà đám hội nào chẳng rã, đêm vui nào chẳng tàn? Chia tay nhau, giữ lại vật kỷ niệm là chiếc khăn tay, nếu ai bội ước, khăn tay sẽ đẫm “nước mắt giải oan lời thề”:

-“Hò ơi... Ra về nắm áo kéo day,
Bao nhiêu nhơn ngãi trả đây rồi về.
Anh về sao đặng mà về?
Non nước lời thề bỏ lại cho ai?
Anh về há dễ về luôn?
Bỏ khăn xéo lại lệ tuôn em chùi!...”

Phía nam thường ít lời, mỗi lời như một mệnh lệnh. Có chàng tuyên bố một định kỳ, có chàng tuyên bố quyền sở hữu vĩnh viễn.

Chàng này thì:

-“Hò ơi... Ai về ai ở mặc ai,
Áo xanh ở lại đến mai hãy về.”

Chàng kia thì:

-“Hò ơi... Đến đây thì ở lại đây,
Chừng nào bén rễ, xanh cây mới về.”

Miền Trung chưa phải là “Đồng Nai dễ ở, khó về - Trai đi có vợ, gái về có con”. Từ trước đến nay, nhiều thuyền buồm lớn từ các hải khẩu ở Quảng Ngãi vào miệt Cửu Long để giao thương, các chú lái ghe bạc tiền rủng rỉnh. Chú lái, sau chuyến hải hành qua nhiều đêm mắt trông sao định hướng, tay ôm bánh lái, tay giữ giây lèo, khi bước lên bờ chẳng khác gì Việt kiều về nước hôm nay. Chú lái dẫn theo anh phụ, đến tìm vui ở đám hát hố, được các cô săn đón và ngỏ lời:

-“Hò ơi... Đồng Nai gạo trắng như cò,
Bỏ cha, bỏ mẹ xuống đò theo ghe.
Dầu mà chú lái có chê,
Em theo anh phụ, em về Đồng Nai.
Theo anh em cũng muốn theo,
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi...”

Sự phiêu lưu tình ái này cũng dễ tan như bọt sóng (như trích đoạn đã dẫn về nhịp chày). Nếu sáo ngữ “Đời chỉ đẹp khi tình còn dang dở” đúng được 70%, thì hát hò giã gạo đẹp nhất trên đời, bởi dở dang chiếm tới 90%. Lời tả oán theo thể tỉ dưới đây, rã rời vì dang dở cũng khá đẹp:

-“Hò ơi... Huệ xa lan, lan sầu huệ héo,
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng.
Vang cầm tren tay rớt xuống không phiền,
Phiền vì một nỗi nợ với duyên không thành...”

Dù có thành mà lâm vào nghịch cảnh, rồi “anh đi đàng anh, tôi đi đàng tôi” vì nàng đã “chém cha cái số lấy chồng chung”. Gặp lại nhau nơi đám hát hò này, nàng “giận thì giận, mà thương thì thương” nên buông lời trách móc:

“Hò ơi... Trồng trầu thì phải khai mương,
Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Cá lia thia quen chậu, vợ với chồng quen hơi.
Hồi nào một bước không rời,
Bây giờ mặt biển, chân trời anh bỏ em!...”

Những câu hát hò giao duyên như trên không giấy bút nào kể hết. Thật lãng mạn đấy, nhưng không bao giờ là “mèo mả, gà đồng”, không “tiền dâm hậu thú” vì xã hội ta rất nghiêm khắc với các tội phạm ấy. Câu hát chỉ là cách giao cảm, muốn tiến tới hôn nhơn phải theo đường lễ giáo:

-“Hò ơi... Ba với ba là sáu, sáu với bảy mười ba,
Anh thương em phải bước tới nhà,
Để cha mẹ em biết thiệt là rể con”

Bổn phận và đạo lý, trung hiếu và tiết liệt được tuyên dương. Như chuyện Đổng mẫu dám cự tuyệt cả nhà họ Tạ soán đoạt ngôi vua, bắt bà phải gọi con đang phò ấu chúa xuất bôn quay về quy phục. Đổng mẫu đã tuẫn tiết, để cho con không vì hiếu, nên một dạ tận trung. Câu hát rằng:

-“Hò ơi... Chém Tạ Ôn Đình một đứa qui thiên,
Phó cho hoàng tử cầm quyền trị dân.
Lớn lên kêu bớ Đổng Kim Lân,
Gắng công phò hoàng tử, việc mẫu thân con đừng buồn!”

Đó là tấm gương về lịch sử, câu hát hò cũng in đậm dấu ấn của thời gian. Tỉ như câu dưới đây. Nguyên vào năm 1944, không lực Mỹ đánh chìm cả tàu chở dầu và hộ tống hạm của Nhật ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Dầu diesel nổi lênh láng trên mặt biển, dân chúng bơi thuyền ra hớt lớp dầu về thắp:

-“Hò ơi... Chèo ghe ra biển vớt dầu,
Hỏi thăm chú lái nhức đầu khá chưa?
Chưa khá, em hái lá cho chú xông,
Đổ mồ hôi em quạt, ngọn gió lồng em che.”

Thôn quê nước ta ngày xưa, có nơi còn tục tảo hôn, hoặc ham giàu ép duyên, đòi môn đăng hộ đối, được trai gái làng bài trừ bằng câu hát mỉa mai nơi hát hò giã gạo. Thuở ấy đã có cô gái xuân thì phơi phới, bị cưới về cho cậu chồng bé tí tì ti mà giàu sụ, để cô “gánh vác giang sơn nhà chồng” nên mới có câu đồng dao: “Bồng bồng cõng chồng đi chơi - Cõng qua chỗ nước đánh rơi mất chồng” v.v...làm ta nực cười trong nỗi bất bình. Trường hợp ngược lại, chúng ta thấy tội nghiệp cho cô bé sớm thành thiếu phụ, mòn chân bên cối gạo với người chồng thư sinh, dù đã an phận, lời hát cũng vẫn ngậm ngùi:

-“Hò ơi... Quả cau nho nhỏ,
Cái vỏ vân vân,
Nay anh học gần,
Mai anh học xa.
Anh cưới em từ thuở mười ba,
Đến năm mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng”.

Lứa đôi không tương xứng cũng bị đàm tiếu, như chuyện “đôi đũa lệch” của quê tôi: Ông G. ở thôn Tân Mỹ (Đức Phổ) là tay hát hố cừ khôi, chính nhờ vào nghiệp dư ấy mà ông cuỗm được bà vợ “phì nhiêu” dềnh dàng quá cỡ so với tầm vóc thấp bé của ông. Thường đêm qua bến Vạn hát hố là lúc nước thủy triều theo trăng đã lên cao trên sông Rớ, bà G. bèn địu chồng qua sông. Đến nơi đồng bạn đã hát khịa:

-“Hò ơi... Than rằng chồng thấp vợ cao,
Qua sông nước lớn, cõng tao với này...”

Như gãi nhằm chỗ ngứa, ông G, phản ứng:

-“Hò ơi... Con voi phải có thằng nài,
Ngựa khỏe đường dài, tiêu sọ nồng lâu.
Có thuyền chẳng quản sông sâu,
Con thằn lằn bao lớn, suốt canh thâu ôm cột đình?”

Tôi rất chịu ông anh bé hạt tiêu qua bốn câu tự trào hài hước và lỳ lợm để chống chế thụ động. Sau bước đầu “con nghé đọ sừng, người dưng đọ chạng”, các nàng còn tìm biết: bồ “kinh luân” của đối tượng qua sách vở như Hán Thư, truyện Kiều, Tam Quốc... và đặt giải: “Trai nam nhơn anh đáp đặng, gái nữ lành em kết duyên”. Trở lại cối gạo sau khắc giải lao - chắc là gà nhà đã được quý cụ đang uống trà mách nước - chàng hát họa lại, đúng phong phóc:

-“Hò ơi... Châu Mãi Thần đốn củi ngâm thơ,
Canh chầy đọc sách, học nhờ theo trăng.
Từ Hải chết đứng giữa sân,
Nàng Kiều than thở mấy lần mà xiêu.
Hạ Hầu Đôn ăn bữa trăm niêu,
Tự ân, tự ái chín chiều thác oan.
. . . . .
Cáp Tô Văn xuống biển hóa thân bỏ mình.
Thác rồi lại hóa con rồng xanh,
Trai anh đà đối đặng, gái đẹp lành em chớ sai.”

Tình quê hương bàng bạc trong câu hò giã gạo, có những khúc đặc thù về Quảng Ngãi, gợi lên những địa danh trìu mến cho kẻ hát đôi, càng thu hút đối với người ly quốc hôm nay. Dưới đây là 2 đoạn tả chân ở thể phú:

-“Hò ơi... Kéo quân qua cửa Hùng quan,
Chim muôn tiếng hát, hoa ngàn hương đưa.
Kể từ sông Vệ, chợ Gò,
Ngó vô Thi Phổ thấy đò Dắt Giây.
Chợ Đồng Cát buôn bán sum vầy,
Ngó lên Lò Thổi thấy cây xùm xòa.
Tú Sơn một đỗi xa xa,
Ngó vô Quán Sạn bạn hàng đà nghỉ ngơi.
Chợ Huyện là chỗ ăn chơi,
Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình.
Trà Câu sao vắng bạn mình,
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng v.v…”

Sông Trà Khúc và sông Vệ cùng chảy ra cửa Cổ Lũy (tức cửa Đại), một nơi cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, có bàn tay điểm xuyết của con người:

-“Hò ơi... Tư Nghĩa, cửa Đại là đây,
Gành Hàu, núi Quế đá xây nên chùa.
Dười thời bông súng nở đua,
Ngó lên trên chùa đá dựng, kiểng giăng.
Ngó qua bên xóm Tràng An,
Ngó xuống hòn Sụp cát vàng dương soi v.v...”

Xét về mặt ngữ văn, câu hò giã gạo thường bình dị như ngô khoai, tươi mát như nước giếng tuôn chảy dễ dàng từ những tâm hồn mộc mạc mà bén nhạy, dung dị mà ứng đối mẫn tiệp. Tuy vậy cũng có những xảo ngữ được sử dụng nhuần nhuyễn, chỉ xin đơn cử vài câu dưới đây:

-“Hò ơi... Ngõ anh vàng luống bo bo,
Xanh hàng đu đủ, chuồng bò mái tây.
Giữa vườn cây anh trồng củ,
Trước bo bo, sau đu đủ,
Đu đủ rồi lại chớ bo bo.”

Biết sử dụng hai tên cây có điệp âm, nàng đã tế nhị dẫn tới lời khuyên sâu sắc về xử thế tiếp vật phải biết thức thời. Một câu khác theo thể hứng, lại sử dụng những đồng âm:

-“Hò ơi... Con chim tra trả, ai vay mà trả?
Cái bụi gai sưng, ai vả mà sưng?
Đây người dưng, đó cũng người dưng,
Cớ sao nước mắt rưng rưng nhỏ hoài?
Hai tay nâng vạt áo dài,
Chặm lên con mắt, chặm hoài không khô.”

Cách nói lái, một thuật ngữ độc đáo của tiếng Việt nhờ ở tiếng nói đơn âm và nhiều dấu giọng, được người dân quê ta quen dùng rất tài tình lý thú. Nàng đã thức bao đêm để mong đợi ý trung nhân còn mải mê theo sự nghiệp ở phương xa, bây giờ được gặp lại nhau ở đám hát hò này, nàng trần tình rằng:

-“Hò ơi... Người Thủ Đức năm canh thức đủ,
Khách cơ thần ở mãi Cần Thơ.
Em chờ anh đã mãn sức chờ,
Chờ cho muống mọc lên bờ trổ bông.
Chị em ai nấy có chồng,
Mình em vò võ thu đông chờ chàng.
***

Trên đây, tôi đã sơ lược về hình thức và nội dung của hát hò giã gạo quê ta, nhằm ghi lại một sinh hoạt nghệ thuật văn hóa của Tổ Quốc.

Một câu hát giã gạo trong đêm nay, ngày mai đã được bà con nghêu ngao trên võng ru con, nghe vang vọng khắp cánh đồng mùa gặt, và tiếp tục truyền miệng đi xa. Câu hát giã gạo đã trở thành ca dao, và cùng tô điểm cho hương hoa đất nước.

Đến nay, phần nhiều câu hát giã gạo không thể tách biệt với ca dao, có chăng chỉ còn khác nhau ở phương cách trình diễn mà thôi.

Trước khi dừng bút, tôi xin tạ lòng quý bằng hữu đã cùng tôi san sẻ mối tình cố hương, nên cũng vui lòng đọc đến dòng cuối những lời lẽ thô thiển, chắp nhặt của tôi trong bài này.

TRƯƠNG QUANG



Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh