Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 09, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
HOÀNG-ĐẾ CỦA MỸ QUỐC.
LÊ CHÁNH THIÊM

JOSHUA A. NORTON, "HOÀNG ĐẾ KHÔNG NGAI" CỦA MỸ QUỐC
Lê Chánh Thiêm.

Ai cũng biết Hoa-Kỳ là quốc-gia theo Tổng-Thống chế nhưng trước đây lại có một hoàng-đế. Điều nầy có đáng tin không? Người Mỹ có câu: “Tất cả mọi người đều biết Mickey Mouse, một số ít người biết Hermann Hesse, không nhiều người biết Einstein và rất ít người biết đến hoàng-đế Norton” để nói về “điều lạ-lùng” này. Người dân Hoa-Kỳ, kể cả một số không nhỏ cư dân lâu đời tại San Francisco là nơi "hoàng đế trị vì" không để ý đến việc nầy, cũng vì một phần do bản tính của người Mỹ không muốn biết chuyện "người ta".

Ông Joshua Abraham Norton tự xưng là “Hoàng-đế Norton Đệ Nhất của Mỹ quốc”, đã “đóng đô” tại thành-phố San Francisco và “trị-vì trên ngai vàng” trên hai thập niên, từ năm 1859 mãi đến khi ông chết, vào tháng 1 năm 1880.

Joshua A. Norton sinh trưởng tại Luân-đôn, Anh quốc vào năm 1818. Khi lên hai, Norton cùng với cha mẹ làm cuộc tha phương cầu thực tại Châu Phi, một vùng đất lúc đó bị Anh quốc cai trị. Đầu tiên, họ đến Algoa Bay, một địa phương thuộc Cape of Good Hope (Mũi Hảo Vọng). Sau đó, gia đình của Norton đến Nam Phi. Nhờ có nhiều kinh-nghiệm, cha của Norton được nhận làm quản-gia cho ông Grahamstone, một điền chủ giàu-có gốc người Anh tại Nam Phi. Nhờ vậy, gia-đình Norton có cuộc sống ổn-định và Joshua A. Norton cùng các em mình lớn lên trong trong hoàn-cảnh thuận lợi.

Khi cha vừa mãn phần vào năm 1848, Norton đã được 28 tuổi, cai quản cơ-ngơi của phụ thân để lại. Năm sau, Norton gặp thất-bại trong kinh-doanh tại Nam Phi. Đến khi có phong-trào đi lập nghiệp tại Tân thế-giới, cậu ta phát-mãi tất cả mọi thứ do cha lưu lại để làm một chuyến phiêu-lưu nữa sang tận Ba-Tây, vùng đất mới lạ.

Cùng thời-gian này, tại Mỹ đã có phong-trào đổ-xô về miền viễn Tây để tìm vàng, gọi là gold rush. Đánh hơi được biến-cố nầy, các tay săn vàng cùng các người đi tìm vận may tại Mỹ, là cư dân Mỹ cũng như ngoại-quốc tập-trung về vùng Bắc California như Sacramento, San Francisco, Monterey... để mong làm giàu nhanh chóng trong lãnh-vực tìm vàng cũng như cung-cấp các dịch-vụ cho dân tìm vàng. Thế là "cánh chim giang-hồ" Joshua A. Norton lại một lần nữa tung bay về vùng nắng ấm California. Tháng 11 năm 1849, Norton đã có mặt tại San Francisco cùng số vốn là ,000; một số tiền tương đối lớn vào thời đó.

Với máu kinh-doanh và óc phiêu-lưu, mạo-hiểm sẵn có cùng những hiểu biết ít nhiều về buôn bán, Norton đã áp-dụng nguyên-tắc “lấy tiền đẻ ra tiền” để mong làm giàu nhanh thay vì chú tâm vào các việc làm ăn bình thường hay các công-việc kinh-doanh căn-bản. Norton đã khôn ngoan đem tất cả số tiền sẵn có đứng ra khai-thác một tiệm bách-hóa và đầu-tư vào dịch-vụ địa-ốc. Không đầy hai năm sau, Joshua Norton đã kiếm được 0,000, một số tiền không nhỏ lúc bấy giờ.

Vào thời-gian đó, California vẫn là nơi hấp-dẫn của di-dân đến từ Á-châu như Trung-hoa, Nhật-bản v.v... vì khí-hậu nơi đây ấm-áp và điều-kiện sinh sống dễ-dàng. Thực-phẩm chính cung-ứng cho dân gốc châu Á là lúa gạo mà lúa gạo thì phải nhập-cảng từ nước ngoài nhưng lại thiếu hụt luôn mà Mỹ thì chưa có trồng lúa. Nắm vững tình-hình và định-luật cung-cầu, Norton bèn đi đến quyết-đinh táo-bạo là áp-dụng chính-sách “chợ đen” trong kinh-doanh. Do đó, nếu có chuyến tàu chở gạo nào bất cứ từ đâu cập bến là Norton tìm mua cho đến bao gạo cuối cùng và đồng xu cuối cùng mà ông có.

Ông ta đã không tính lầm. Chỉ trong một thời-gian ngắn, giá gạo tại California tăng từ 4 xu/ 1 pound lên đến 32 xu/ 1 pound. Nhưng với lòng tham không đáy, Norton vẫn chưa chịu bán số gạo ông đã dự-trữ ra thị-trường vì ông nghĩ giá gạo còn tăng thêm nữa, bán ra ngay sẽ lời ít.

Thế rồi vào năm 1853, một đoàn tàu khổng-lồ từ Nam Mỹ chở đầy gạo đến để ổn-định thị-trường gạo tại miền viễn Tây Hoa-kỳ. Cũng từ đó, gạo được chở đến San Francisco đều-đặn hơn để bán ra trên thị-trường. Giá gạo xuống thấp, chỉ còn 2 xu/ 1 pound, làm cho Norton thua lỗ nặng. Thế nhưng ông ta vẫn không bán ra hết số gạo dự trữ. Sau hai năm lây-lất cầm hơi, thế rồi Norton chịu cảnh khánh-tận, phải khai phá sản, không còn một đồng xu dính túi.

Từ đấy, cuộc đời Norton bắt đầu đi vào khúc quanh đặc-biệt khác. Người ta không hiểu do động lực nào mà Joshua A. Norton đã làm một việc lạ đời. Vào ngày 17 tháng 9 năm 1858, ông ta bèn "đi một đường" lạ đời: tự “xưng vương”, với đế hiệu “Norton đệ Nhất của Mỹ quốc”, trong bộ quân-phục màu xanh dương, chạy kim-tuyến vàng rực-rỡ với quân-hàm Đại-Tá. Nguyên văn lời xưng đế của ông như sau:

-“At the peremptory request and desire of a large majority of the citizens of the United States, I, Joshua Norton, declare and proclaim myself Emperor of the United States”.

Thấy chuyện lạ kỳ và sẵn có máu tiếu-lâm cũng như muốn đăng một tin giật gân để câu khách, ông Samuel Clemens, chủ bút tờ “San Francisco Bullertin” đương thời cho trích đăng ngay “tuyên-ngôn xưng đế” của Joshua Abraham Norton. Khi đọc tuyên-ngôn xưng đế trên tờ báo, toàn thể dân chúng thành-phố San Francisco thích-thú và vui-vẻ chấp-nhận ngay “nhà vua không ngai” của Mỹ quốc này.

Thấy được mọi người hưởng-ứng như thế, một tuần lễ sau đó, Hoàng-đế Norton “hạ chiếu-chỉ” ra lệnh “giải-tán quốc-hội và lập nền quân chủ tại Hoa-kỳ”. Không thấy phản-ứng gì từ phía chính-quyền Mỹ tại Hoa-Thịnh-Đốn hay tại địa-phương, hoàng-đế nhà ta lại ban “chiếu chỉ” thứ hai, ra lệnh cho Tổng Tư-lệnh Tối-cao của Quân-lực Hoa-Kỳ phải “áp-dụng mọi biện-pháp cần-thiết và thích-nghi, kể cả vũ lực, để giải-tán quốc-hội”.

Chiếu chỉ này còn nhắc-nhỡ các tiểu-bang phải gởi đại-biểu về triều-đình tại San Francisco Opera House để phục mênh hoàng-đế (Majesty’s Royal Order).

Chiếu chỉ ban ra nhưng không một ai tuân mệnh, “hoàng-đế” cũng không lấy làm buồn phiền gì và nhà vua vẫn hăng say phục-vụ. Ngoài ra, hoàng-đế Norton cũng có lòng bao-dung, quảng-đại nên đã đứng ra kiêm nhiệm luôn chức vụ giám-hộ (Protector) cho nước láng-giềng Mexico, một quốc-gia đã và đang có một nền kinh-tế èo-uột, dân chúng nghèo khổ, với một nền chính-trị bất ổn từ bấy lâu nay.

Điều đáng nói là chính-quyền và dân chúng San Francisco lại tỏ ra rất “chịu chơi” với vị hoàng-đế của họ. Hội-đồng thành-phố San Francisco cung-cấp cho “triều-đình” một nơi được tạm xem như một “cung điện” với nhiều phòng ốc để hoàng-đế Norton có nơi ăn chốn ở, làm nơi “tiếp kiến thần dân” của mình và là nơi giải-quyết các việc triều chính.

Riêng về vấn-đề ẩm thực, tất cả các cao lâu, tửu quán, trà đình, tiệm ăn... trong thành phố San Francisco đều cho hoàng-đế “ngự” hoàn-toàn miễn phí mọi khoản. Ngay cả việc đi đây đi đó, các công-ty vận-chuyển công hay tư đều “dành mọi sự dễ-dàng” cho “nhà vua”. Hoàng-đế Norton chỉ có việc “ngày ngày lang-thang đây đó” với hai chú chó, như là nhiệm-vụ “thăm dân cho biết sự tình”, lúc nào cũng với bộ quân-phục chỉnh-tề, tay cầm cây gậy. Nếu nhà vua cảm thấy đói, nơi đâu cũng có chỗ cho ăn, khát có chỗ uống; nếu buồn có thể vào bất cứ nơi giải-trí nào tại San Francisco để giải khuây mà không phải trả tiền.

Toàn thể cư dân thành-phố San Francisco, mỗi khi gặp hoàng-đế đều “gập người cúi chào một cách kính mến”. Các rạp hát luôn luôn để dành một ghế danh-dự cho hoàng-đế. Mỗi khi hoàng-đế “giá lâm” là toàn thể mọi người im lặng đứng dậy để tỏ lòng kính-cẩn.

Thế rồi có một xung-đột xảy ra giữa hoàng-đế và nhân-viên công-lực của chính-quyền tại San Francisco. Một hôm, một viên cảnh-sát mới được thuyên-chuyển từ đâu tới phục-vụ tại thành-phố, không biết "hoàng-đế" nên bắt "Ngài", với tội danh ”du-thủ du-thực và để chó phóng-uế bừa-bãi làm mất vệ-sinh thành-phố”.

Toàn thể cư dân của thành-phố San Francisco nỗi giận về sự cố này nên họ đã tổ-chức biểu-tình, đòi “làm cỏ” bót cảnh-sát San Francisco. Nhận thấy tình-hình quá căng-thẳng và bất lợi cho đơn vị mình, vị Cảnh-sát trưởng thành-phố San Francisco đích-thân trả tự-do cho ngài và xin lỗi hoàng-đế cùng thần dân của Ngài. Nhờ vậy, nội vụ sau đó mới tạm yên.

Hoàng-đế Norton cũng quan-tâm đến việc đại-sự quốc-gia. Khi nội chiến Nam Bắc Hoa-Kỳ sắp bùng-nổ, vào năm 1861, hoàng-đế Norton đã ra chiếu chỉ “triệu-hồi” cả hai vị lãnh-đạo Nam và Bắc quân: Jefferson Davis và Abraham Lincoln, khẩn về triều-đình San Francisco để “phục mênh”. Lệnh có ban mà không có một ai tuân-hành cả. Nội chiến Mỹ vẫn xảy ra và lan rộng, làm cho nhiều người chết và hoàng-đế nhà ta đau lòng không ít.

Thời gian dần trôi qua, tuy không lo về việc ăn uống, giải-trí cùng nơi cư-trú nhưng tình-hình tài-chánh của “triều-đình” thật là eo-hẹp. Bộ quân phục nhà vua đã cũ nhưng chưa có tiền để thay bộ mới, nhiều vấn-đề cần tiền để chi tiêu. Để giải-quyết các nan đề này, hoàng-đế ban-hành một sắc thuế đặc-biệt: “hằng tuần, các cao lâu, tửu quán, trà đình, tiệm ăn,... phải đóng 25 xu, đặc-biệt các rạp hát và ngân-hàng phải đóng 3 đô-la” cho triều-đình. Cả thành-phố San Francisco đều cười ngất nhưng ai ai cũng vui vẻ đóng góp cho hoàng-đế không một thắc-mắc nào. Nhờ thế, hoàng-đế mới có tiền chi tiêu cho nhu-cầu của triều-đình.

Qua những sự-kiện xảy ra trong suốt thời-gian nhà vua “trị vì” đã chứng tỏ “hoàng-đế” Norton rất được lòng “thần dân” của ngài. Khi hoàng-đế “thăng hà” vào ngày 8 tháng 1 năm 1880, một đoàn đông đến 30 ngàn người đã đến viếng và đưa linh-cửu ngài đến nghĩa-trang Woodland, tại Colma, thuộc thành-phố San Francisco để an táng tại đó. Trên mộ bia có ghi dòng chữ:

-“Nơi đây an nghỉ Norton Đệ I, hoàng đế của Hiệp Chủng Quốc Hoa-Kỳ và giám-hộ tối-cao của Mễ Tây Cơ, Joshua Abraham Norton, 1819-1880”.

Hiện tượng Joshua A. Norton là sự kiên duy-nhất xảy ra trên thế-giới từ trước đến nay. Sự “thu-hút kỳ lạ” của Joshua Abraham Norton đối với dân chúng và chính-quyền địa-phương, theo như tờ San Francisco Bullertin đã viết là do: “Hoàng-đế Norton Đệ I không giết hại ai, không bỏ tù ai, không cướp bóc của ai, trái lại rất được lòng tất cả mọi người”.

Một số sách, tài-liệu có ghi lại sự-kiện nầy được lưu-hành trong hệ-thống thư-viện công-cọng tại Hoa-Kỳ, chúng ta có thể tìm hiểu thêm, nếu cần.

San Jose, 1998
Lê Chánh Thiêm

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh