Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
CHIM MỚI
XUÂN THỚI


Xem chúng là loài chim mới cũng đúng thôi, bởi lẽ từ khi nó xuất hiện đến giờ chưa có ai gọi nó bằng cái tên chính thức thông thường nào như các loài chim khác cả, chẳng hạn Se Sẻ, Đội Mũ, Bồ Câu v.v... hoặc tên khoa học hay tên tiếng nước ngoài nào đó. Nhưng thật sự, ở quê tôi nó đã có đến nay hơn nửa thế kỷ, kể từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Rồi từ đó đến bây giờ, mỗi khi nó xuất hiện, người ta chỉ gọi tên nó bằng cách nhại tiếng nó kêu theo ý của mỗi người.

Chim chỉ về trong mùa Xuân và đầu mùa Hạ, đậu trên những cây cao trong vườn hoặc ngọn những bui tre rậm, có lẽ chim chỉ thích hợp thời tiết ấm mát. Nó bắt đầu hót khi gà trong xóm cất tiếng gáy đầu gọi bình minh. Đến khoảng chín giờ nắng nóng, chim ngừng hót, có khi bay đi, có khi đậu trong những chỗ kín chờ sáng hôm sau.

Tiếng hót của chim rất lớn và rõ, nhờ đậu cao nên càng vang đi xa. Ai chưa thấy lần nào, nghe giọng ấy sẽ tưởng tượng chim phải to mới tương xứng. Nhưng ngược lại, sau nhiều lần theo dõi thấy được, thì ra chim chỉ lớn gần bằng chim sáo mà thôi. Màu lông cũng không có gì đặc biệt. Xanh đen, từ vai trở lên có hơi pha xám lợt. Đầu lớn, miệng rộng.

Nhớ lại những năm sau năm 1945, người ta gọi tên nó là con chim “hết Tây tới Nhựt”. Lúc đó, tôi nhỏ, còn là thiếu niên - nhi đồng chưa biết gì. Lớn lên mới biết dân làng gọi như thế vì trong xã hội lúc bấy giờ còn âm vang cái sôi động của ngày 9/3/1945. Ngày quân đội quân phiệt Nhựt lật đổ sự đô hộ của người Pháp trên đất nước nầy.

Đến khi chủ trương toàn quốc kháng chiến, thanh niên địa phương cùng với các nơi khác được đưa đến đây lập thành đoàn, đội tập quân sự, đánh giặc giả với cây, gậy giả súng, gạch đá giả lựu đạn. Tiếp theo, lần lượt các công binh xưởng ở đâu đó cũng chuyển về nơi nầy sản xuất khí cụ thô sơ chuẩn bị cho chiến tranh. Vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh trở thành đông đúc, nhộn nhịp.

Đến khi phát động chiến trường cao nguyên từ Cam Rẫy, Cam B’lon lên Kontum đánh quân đội Pháp trú đóng trở lại sau khi quân Nhật đầu hàng đồng minh. Với khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, mọi người đều phải tham gia kể cả đất đai.
Lúc bấy giờ, thanh niên chưa lập gia đình trong địa phương và vùng phụ cận, nam gia nhập bộ đội trực tiếp chiến đấu hoặc dân công hạng A sát chiến trường, ghánh đạn, tải thương. Nữ cùng với người đã có gia đình phục vụ công việc dân công tiếp vận tuyến sau chuyển lương thực, đạn dược lên vùng rừng núi gần mục tiêu.

Đất đai cũng oằn mình với kế hoạch tăng gia sản xuất của con người. Nơi nào trồng được một, hai bụi khoai đất cũng phải sẵn sàng, một hai bụi chuối đất cũng phải nuôi dưỡng. Núi rừng thấp, cây cối cũng thưa thớt dần nhường chỗ cho những rẫy hoa màu phụ khoai, sắn.

Nông thôn thì ruộng nương tăng vụ. Trước, mỗi năm hai vụ lúa, nay chen lẫn vào một vụ màu thành ba. Còn nông dân, ban đầu được giảm tô, giảm tức để người lãnh canh chịu thêm thuế. Ruộng trực canh phải chịu thuế nông nghiệp theo luỹ tiến bình quân sản lượng thu hoạch cho mỗi nhân khẩu trong gia đình. Ngoài mức thuế thu theo luỹ tiến, thuế hoa màu phụ cũng thu bằng lúa theo cách tính quy đổi. Vì vậy, thường nộp thuế xong, nông dân không còn đủ gạo ăn đến giáp hạt. Phải khoai độn gạo.

Đã vậy, hằng ngày máy bay của Pháp liệng trên bầu trời dò tìm căn cứ. Đôi ba tháng mang “bom” đến dội những điểm nghi ngờ là cơ quan hay kho tàng, cơ xưởng. Cũng có khi từ trên cao xả súng vào làng hay chỗ đông người nghi ngờ tụ tập chuẩn bị chiến tranh.

Cuộc sống người dân vất vã và luôn bị rủi ro rình rập như thế, họ cũng đổi tên con chim theo để gọi thành chim “nước Nam khổ cực”.

Cùng với người đứng tuổi gọi tên chim theo diễn biến xã hội hoặc cảm nhận cuộc sống. Đám thanh niên mỗi khi thấy mấy cô gái cùng trang lứa chọc ghẹo gọi thành chim “Ba cô chín chục”. Và nhiều cách gọi khác nữa, thanh có, tục có.

Chim về hót như vậy suốt thời gian kháng chiến lần trước. Đến khi lớn lên, rồi xã hội thay đổi, tôi phải đi việc nầy việc khác, có gia đình, gắn bó với thành phố, thỉnh thoảng mới về lại quê nhưng thường nhằm vào dịp cuối mùa Hè nên cũng không còn nghe tiếng chim xưa.

Cuối mùa Xuân vừa rồi, nhân chuyến về lại quê dài ngày để cùng bà con lo tu bổ định kỳ nghĩa trang dòng họ. Nghĩa trang mới lập, do bị buộc di dời hài cốt ông bà vào đây từ năm 1985, nhường chỗ cũ cho chính quyền làm nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Những buổi sáng nông thôn yên tỉnh và mát, tôi nghe lại tiếng chim hót, khiến nhớ da diết thời ấu thơ của mình nơi đây.

Rồi một hôm, trong buổi sáng có đông người vừa bà con vừa láng giềng ngồi uống trà, chờ dự lễ cúng ông bà - giỗ họ - nơi nhà người trưởng tộc. Trong khi mọi người đang vui vẻ trao đổi với nhau đủ thứ chuyện, một con chim bay về đậu trên ngọn cây tre ngay trước sân nhà hót vang. Các câu chuyện không ai bảo ai bỗng dưng dừng lại, tất cả cùng chuyển đề tài qua con chim và giọng hót. Cũng sôi nổi không kém, còn có thêm những đặt để vui khác mà đến nay tôi mới nghe biết.

Trong những lễ cúng thế nầy, ngoài tôi còn một ông anh bà con gần nữa, cũng là người ở thành phố cùng nhau về. Hồi xưa chúng tôi đi học rồi đi làm sau định cư luôn.

Lâu ngày về quê, thường mọi người đều ân cần với chúng tôi. Tuy chúng tôi cũng chả biết gì nhiều nhưng bà con vẫn theo hỏi việc nầy việc khác. Lần nầy họ hỏi đến tên loài chim ấy. Chúng tôi đều trả lời vẫn mù tịt như hồi còn ở đây.

Hồi lâu, một ông già, nghe đâu đã gần chín mươi tuổi, thể lực còn khoẻ mạnh, tinh thần minh mẫn. Từ sớm chỉ ngồi uống trà, nghe người khác nói, miệng cười cười. Bây giờ lên tiếng xin nói một câu khiến mọi người dồn mắt về phiá ông, tỏ vẻ lắng nghe và chờ đợi.

Ông từ từ đứng lên, một tay cầm chén nước. Dõng dạc: “Thì vài ba chục năm nay tui đã nói nó kêu giống y là “nói sao cũng được” rồi, cứ vậy mà kêu mà gọi như lâu nay chớ còn phải hỏi gì nữa. Có ai biết được đâu để trả lời”.

Mọi người lại cười phá lên, ra chiều khoái trá. Ông già chậm rãi ngồi xuống, im lặng, mắt nhìn xa xăm. Thì ra cho đến giờ con chim vẫn chưa có tên. Gọi chim mới là như thế.

Xuân Thới.
01/01/13

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn Tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh