Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
NGÀY XUÂN VỚI BÀI THƠ “ÔNG ĐỒ”.
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    GIAI THOẠI VỀ VÀI CÂU ĐỐI LIÊN QUAN ĐẾN XUÂN DIỆU
    TÀI NGHỀ XUÂN TÓC QUĂN (XUÂN DIỆU) (Sơn Trung)

 

 

Hình ảnh những ông đồ ngày xưa

 

1. Lời mở.

 

Người Việt Nam yêu văn thơ không ai lại không biết bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên. Bài thơ này đã được các sách báo xưa nay - từ trong nước đến hải ngoại - đăng lại nhiều lần, nhất là mỗi độ Xuân về. Văn điệu, âm vận, ý thơ, thể loại và từ ngữ của bài thơ có một giá-trị cao nên từ trước đến nay được nhiều giới, nhiều người tán thưởng. Nó xuất hiện trong nhiều thư phẩm, lưu-truyền trong dân gian một cách phổ-quát, ngay cả nhiều người chưa từng được đến trường một ngày nào cũng thuộc.

 

Bài thơ Ông Đồ “đầu tiên” (chúng ta gọi là đầu tiên vì còn nhiều bài khác họ Vũ sáng tác sau nầy nữa, sẽ đề cập đến đoạn sau) của Vũ Đình Liên như sau:

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

 

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

 

Nhưng mỗi năm một vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

 

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

 

Bài thơ được nhiều ngươi thuộc lòng nhưng không nhiều người rõ về thân-thế tác-giả cùng hoàn-cảnh bài thơ được sáng tác. Trong phạm-vi bài nầy, người viết chỉ sơ-lược qua hai điểm trên và mục đích chính là nói đến đến những bài thơ “Ông đồ” do Vũ Đình Liên sáng-tác sau nầy, những bài thơ mà họ Vũ gọi là “ông đồ mới” để chúng ta biết rõ hơn về “con người” của tác-giả, hạng bồi bút đã tự làm hại giá trị của sáng tác được “nổi tiếng” trước đó. Ngoài ra, nhân đây cũng nêu lên vài điểm liên-quan đến chiến dịch “Trăm hoa đua nở” trên đất Bắc, còn được gọi là vụ “Nhân Văn - Giai-phẩm” như một giai-thoại liên quan đến văn-chương và chính-trị vì có liên-quan đến các nhà văn miền Bắc thời bấy giờ.

 

2. Sơ lược thân-thế Vũ Đình Liên

 

Vũ Đình Liên sinh ngày 12-11-1913 tại phố Hàng Bạc, Hà-Nội. Hoc xong bậc Tiểu-học tại trường phố Hàng Vôi, sau khi đậu Tú-Tài ở Collège du Protectorat (trường Trung-học Bảo-hộ, ở Thụy-Khê, tục danh là làng Bưởi nên còn gọi là trường Bưởi, sau này đổi thành Chu-Văn-An), ông ghi danh học trường Luật ở Hà-Nội một thời-gian nhưng rồi bỏ ngang để đi dạy tư và tham-gia vào làng báo.

 

Bài thơ “Ông đồ” được đăng lần đầu tiên trên báo Tinh-Hoa xuất-bản ở Hà-Nội số Xuân Đinh Sửu 1937. Tuần báo Tinh Hoa xuất-bản vào ngày Thứ Bảy, do ông Đoàn Phú Tứ làm Chủ-nhiệm và Vũ Đình Liên là chủ bút kiêm quản-lý. Ông Đoàn Phú Tứ sinh ngày 10/9/1910 tại Hà-Nội, đậu Tú-Tài Pháp, là nhà thơ và nhà soạn kịch; ông lập đoàn kịch Tinh-Hoa. Ông mất năm 1989. Tinh Hoa phát-hành số đầu vào ngày 13-3-1937, ra được 13 số thì đình bản vào tháng 7-1937.

 

Sau khi Tinh Hoa đình bản, Vũ Đình Liên chủ-trương tuần báo chuyên về giáo-dục Revue Pédagorique nhưng không được mấy số cũng đình bản. Đến năm 1940, ông làm Tham-tá sở Thương-Chính Bắc-Kỳ. Sau tháng 8-1945, ông bỏ ngành và về dạy học. Năm 1946, họ Vũ tham-gia “kháng-chiến”, có chân trong Hội Văn-nghệ Cứu quốc Liên-khu 3, gia-nhập Đảng Cộng-Sản Việt Nam vào năm 1951, sau đó dạy học và biên soạn sách giáo dục cho chế-độ Hà-Nội.

 

 

Chân dung Vũ Đình Liên

 

3. Xuất xứ bài thơ và sự nghiệp thơ của tác-giả.

 

Bài thơ ra đời trong những ngày áp Tết Đinh-Sửu (tháng 2-1937). Một hôm họ Vũ dạo chợ Tết, đi ngang qua đền Ngọc-Sơn, thấy mấy ông đồ trải chiếu bên vệ đường để “bán chữ thánh-hiền” mong được “chút dư lộc”, kiếm tí tiền tiêu Tết, vào lúc mà xã-hội đã “vứt bút lông đi, giắt bút chì” (bỏ Hán học để theo Tây học). Nơi đây, ông Vũ chứng kiến cái cảnh “khách” không còn tha-thiết đến chuyện trang hoàng nhà cửa với những câu đối, bức hoành, bức phi như những ngày Nho học còn thịnh-hành nữa cho nên không-khí vắng-vẻ bao trùm quanh các ông đồ. Đêm về, Vũ sáng tác bài thơ này nhưng không đăng lên báo, thời-gian sau mới đăng trên báo Tinh-Hoa.

 

Ngoài mấy bài thơ đăng trên Tinh-Hoa, Vũ Đình Liên còn có ít bài đăng trên các báo: tờ Phong-Hóa; tuần báo Phụ-nữ Thời đàm (Journal pour les Femmes et les Jeunnes Filles, do Nguyễn Thị Đa làm chủ-nhiệm, số ra mắt ngày 17-9-1933, được 26 số thì đình bản vào 5-6-1934) và tuần báo trào-phúng Loa (ra ngày thứ Năm hàng tuần, xuất-bản tại Hà-Nội, do Phan Trần Chúc làm quản-lý, số đầu tiên phát-hành vào 8-2-1934; được 103 số thì đóng cửa vào tháng 2-1936). Số lượng thơ của Vũ Đình Liên sáng-tác không quá 25 bài. Ngoài ra ông còn dịch thơ cổ-điển và cận-đại của Pháp ra Việt ngữ, soạn vở kịch “Nàng Mỵ-Ê” nhưng không được mấy người biết đến vì không hay. Khi ông Vũ Trọng Phụng, một bạn học của ông qua đời, họ Vũ điếu bạn mình bằng mấy câu thơ:

 

Thiên cổ văn hào anh Phụng ơi!

Ai hơn anh tha thiết tình người

Một thân mang cả muôn vàn nghiệp

Một phận đội chung vạn ức đời”.

 

Bài thơ đầu tiên của Vũ Đình Liên là bài “Đứa trẻ ăn mày” được đăng trên tuần báo Phụ-Nữ Thời-Đàm, bài thơ không có gì xuất-sắc nên không được nhắc đến. Riêng bài “Ông Đồ” có được một chỗ đứng trên vàn đàn Việt-Nam thời bấy giờ. Trong cuốn Thi Nhân Việt-Nam xuất-bản tại Huế vào năm 1941, hai ông Hoài-Thanh (Nguyễn Đức Nguyên) và Hoài-Chân (Nguyễn Đức Phiên) nhận xét:

 

-“Vũ-Đình Liên đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông Đồ. Ông đồ mỗi năm đến mùa hoa đào lại ngồi thuê viết bên đường phố. Ông chính là cái di-tích tiều-tụy đáng thương của một thời tàn. Ít khi có một bài thơ bình-dị mà cảm-động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám-hối của cả bọn thanh-niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế-diễu họ quê mùa, mạt-sát họ hủ-lậu. Cái cảnh thương-tâm của nền Nho học lúc mạt vận chúng ta vô tình không lưu ý. Trong  bọn chúng ta vẫn có một hai người ca-tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế-diễu mạt-sát không nên mà ca-tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương. Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”.

 

Ông Hoài Thanh còn cho biết hai nguồn thi cảm chính để Vũ Đình Liên sáng tác bài thơ nầy là “lòng thương người và lòng hoài cổ”. Khi nêu ra nhận xét nầy, khi đó, cả Hoài-Thanh, Hoài Chân lẫn Vũ-Đình-Liên còn là những văn nhân tâm-hồn chưa bị nhuộm đỏ bởi chủ-nghĩa Cộng-sản. Người làm thơ, tư-tưởng còn trong trắng nên hồn thơ có tình người; người phê-bình, tâm-hồn còn vô tư, còn nhận được cái hay cái dở nên những lời bình phẩm còn công chính, còn giá-trị {Sau nầy, tên tuổi họ bị cái bóng mây Cộng sản bao phủ, che mờ nên trở thành đen tối}.

 

Bài thơ Ông Đồ được ông Fourniau dịch sang Pháp Văn và được Lý-Việt-Dũng dịch sang Hán văn với tựa “Lão Tú Tài”, phiên âm như sau:

 

“Mỗi niên đào hoa khai,

Tổng kiến lão Tú tài

Truy nghiễn hồng tiên bãi

Thông cù nhân vãng lai.

 

Đa thiểu thị tự dã

Trách trách tiễn chu kỳ

Xảo bút nhất huy tựu

Như phụng vũ long phi.

 

Lãnh lạc niên phục niên

Cô khách hà mang nhiên?

Hồng tiên bi sắc thâm

Truy nghiễn sầu mặc kiên.

 

Tú tại do tại ty

Quá lộ hữu thùy tri

Tiên thượng hoàng diệp lạc

Thiên biến tế vũ phi.

 

Kim niên đào hựu tân

Bất kiến cựu thời thân

Trù tướng không hàng vọng,

Cổ hồn hà quy vân?

 

4. Những bài “Ông đồ mới” của Vũ-Đình-Liên

 

Sau khi gia-nhập vào Đảng Cộng-sản Việt-Nam năm 1951, Vũ Đình Liên biến thành một con người khác: một bồi bút hèn hạ, một nô bộc trung thành của Đảng Cộng sản vì chút đỉnh chung. Ông đã đem thân phục-vụ cho chính quyền Việt Cộng nên tình-cảm cũng thay đổi, trái tim ông không còn biết rung-động, không còn tấm lòng thương người như thuở nào ông đã “cảm” cái mạt vận của Nho học qua hình-ảnh những ông đồ nữa. Được hưởng “ơn mưa móc” của chế-độ, những năm sau này, trong vài dịp Xuân về, Vũ Đình Liên sáng tác vài bài thơ với dạng điệu bài thơ Ông Đồ của thuở nào nhưng nội dung khác hẳn, được ông gọi là “ông đồ hiện-đại”, “ông đồ mới”.

 

Những bài thơ sau này kém hẳn so với bài đầu, ý tứ nghèo-nàn, lời lẽ kém tao-nhã, âm-điệu không có hồn, thiếu chất thơ, đã làm cho người đọc không còn dành cho ông sự cảm mến như thuở nào nữa nếu không nói là đáng chê trách, khinh thường tư cách của ông, điều đáng nói là chính nó đã làm lu mờ đi cái hay của bài thơ đầu tiên. Chúng ta có thể kể:

 

a. Bài thơ “Thủy Chung”.    

 

Trong dịp Xuân Giáp-Dần (1974), Vũ Đình Liên sáng tác bài “Thủy chung” như sau:

 

Năm nay đào lại nở

Chật đường chợ hàng hoa

Từ đáy sâu quá khứ

Ông đồ lại hiện ra.

 

Sáng nay trời sớm tạnh

Nắng nằm trên giấy hồng

Một đám người ngồi cạnh

Có nhà thơ ngồi cùng.

 

Tôi xin đôi câu đối

Cụ rọc tờ giấy điều

Bàn tay xưa viết nổi

Những nét chữ thân yêu.

 

Bài thơ “ông đồ” mới

Dưới bút cụ nổ ra

Tôi chân thành chép lại

Đánh dấu một mùa hoa...

 

Chỉ thêm lời ghi chú

Vần thơ xưa, thơ nay

Thủy chung một lòng cũ

Dù vui buồn đổi thay.

 

Với 23 tuổi đảng, Vũ Đình Liên đã ca tụng cái “đảng” của mình bằng những lời lẽ nịnh bợ, tâng bốc rẻ tiền để nói lên lòng thủy-chung, một dạ một lòng của mình với đảng. Trong lúc một nửa đất nước (miền Bắc) rơi vào cảnh nghèo-khổ đói rách, chính-quyền đã bòn vét tất cả của-cải dân-chúng để cung-ứng cho chiến-trường miền Nam mà chính bọn chúng xua quân vào hòng chiếm nốt; trong lúc phần kia của quê-hương đang chìm đắm trong tang-tóc vì chiến-tranh do chính chế-độ mà ông phục-vụ gây ra nhưng ông nói hoa đào lại nở “chật đường”, phải chăng là những lời dối trá trơ-trẽn? Họ Vũ chép lại để đánh dấu một mùa hoa, phải chăng là “mùa hoa địa-ngục?”. 

 

b. Bài thơ “Hạnh phúc”.      

 

Tiếp đến, sau khi thôn-tính toàn miền Nam, chính-quyền Hà-Nội đã áp-dụng không biết bao nhiêu chính-sách thô bạo, tàn độc, dã-man trên vùng đất họ vừa cưỡng chiếm. Những chính-sách này đã đưa mấy trăm ngàn người vào các “đia-ngục trần-gian” (trại tù), đã đuổi hàng chục ngàn gia đình lên rừng sâu nước độc (kinh-tế mới), chiếm đoạt tài-sản của nhân-dân (đánh tư-sản mại-bản), bóc-lột sức lực thế-hệ thanh-niên (thanh-niên xung-phong), xua thanh-niên vào cõi chết trên đất Campuchia để thực-hiện ý đồ ngông-cuồng mà họ mệnh danh là “nghĩa-vụ quốc-tế”. Kết quả như chúng ta đã thấy, một miền Nam nói riêng và một nước Việt-Nam nói chung đã gánh chịu cảnh tiêu-điều, tang-thương, đau khổ, lạc-hậu, nghèo đói, dốt nát, bước những bước thụt lùi thật dài. Vũ Đình Liên, kẻ đã biến thành một văn nô, đã coi những thảm cảnh đó của dân-tộc là “nguồn hạnh-phúc mới”, đã ca-ngợi “như cả ngàn mùa Xuân” trong bài thơ mang tên “Hạnh-phúc” được ông sáng-tác vào Tết Đinh-Tỵ 1977:

 

Năm nay đào nở rộ

Mừng Hội Đảng, Hội Dân

Bút ông đồ lại hoa

Những nét chữ đẹp, thân.

 

Cờ biển ngập phố phường

Cành đào bay thắm đỏ

Như cả ngàn mùa Xuân

Nở hoa trên mỗi chữ.

 

Thấy trong lòng say sưa

Dừng chân không muốn bước

Nghe đọc những vần thơ

Ngợi khen những nét bút.

 

Xuân Cộng hòa Xã hội

Mai, đào tươi thắm hoa

Một nguồn hạnh phúc mới

Trào ngọn bút dòng thơ.

 

Nguồn hạnh-phúc mà Vũ Đình Liên ca tụng được trưng bày bằng những “cờ biển ngập phố phường”, chỉ là những lá cờ máu Cộng-sản, như Trần Dần diễn tả trong bài thơ “Nhất định thắng”, có đoạn:

 

“Tôi bước đi

                 không thấy phố

                                        không thấy nhà

Chỉ thấy mưa sa

                        trên màu cờ đỏ”.

 

Vũ Đình Liên ca tụng cờ đỏ thì được chế-độ Cộng sản Bắc Việt để yên, Trần Dần nói lên “màu cờ đỏ” thì bị bắt giam, bị khủng-bố đến nỗi ông đã phải cứa cổ tự tử trong nhà tù Cộng Sản, điều nầy cho chúng ta thấy hai kết cuộc khác nhau trong khi cùng một việc diễn tả màu cờ của chế-độ: màu cờ máu, màu tang tóc, màu đau thương.

 

c. Bài thơ “Nhân Nghĩa”.     

 

Đến mùa Xuân Nhâm-Tuất 1982, Vũ Đình Liên lại tâng bốc chế-độ đã làm đất nước Việt-Nam điêu tàn, nghèo khổ sau sau 7 năm chúng rêu-rao “chiến thắng, thống-nhất, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội” với những lời thơ trong bài thơ mang tên “Nhân nghĩa”.

 

Mỗi năm hoa đào nở,

Lại thấy bóng ông đồ,

Bày mực tàu giấy đỏ

Ngồi đúng chỗ ngồi xưa

 

Trải trăm ngàn dâu bể

Giấy mực màu không phai

Chữ nhân và chữ nghĩa

Vẫn những nét thẳng ngay

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Khăn áo bạc màu dưa

Nhắc cho người qua thấy

Lẽ nhân đạo thiên cơ.

 

Cách mạng là nhân nghĩa

Ông đồ là thi thư

Chữ tuôn dòng thiện mỹ

Từ ngòi bút ông đồ.

 

Cuộc “cách-mạng nhân-nghĩa” của họ Vũ đã làm biết bao nhiêu gia-đình tan nát, đã đưa đất-nước vào cảnh suy đồi trên tất cả mọi mặt, đã đưa biết bao nhiêu người phải bỏ nước ra đi bất chấp hiểm nguy nơi biển cả, phó mặc cho sóng gió, cho hải tặc, đem thân làm kẻ kẻ lưu-vong. Chung quanh Vũ, bao nhiêu người dân đói rét, lầm-than, đói khổ trong một xã-hội được xem là một “nhà tù lớn” ngoài không biết bao nhiêu “trại tù nhỏ” chạy dài từ Bắc chí Nam đang giam giữ những quân cán chính miền Nam Việt-Nam và những người bất đồng chính-kiến, Vũ Đình Liên không biết hay sao? “Nhân-nghĩa” hay “phi nhân-nghĩa”, chắc mọi người dân Việt-Nam đều rõ, ngoài Vũ Đình Liên và tập-đoàn cai-trị. Từ 1975 đến 1985 là thời gian đen tối nhất của Việt Nam dưới sự bạo trị của chế độ Cộng Sản ở Hà Nội nhưng được họ Vũ ca tụng là “cách mạng nhân nghĩa”.

 

d. Bài thơ “Mùa Xuân Cộng sản”.  

 

Vài năm sau, tài liệu ghi ghi năm tháng sáng tác, cũng trong một dịp Tết, đầu óc bệnh hoạn của Vũ Đình Liên lại “đẻ” ra một quái thai mới với những lời tâng-bốc trơ-trẻn, lố-bịch, cùng lối nịnh hót rẻ tiền trong bài thơ mang tên: “Mùa Xuân Cộng-sản”.

 

Một cây đào muôn thuở

Năm bốn mùa nở hoa

Một ông đồ bất tử

Tay với bút không già.

 

Hoa tươi màu sông núi

Chữ thắm tình quê hương

Cành đào và câu đối

Ngàn đời Tết Việt Nam.

 

Nghiên bút xưa vẫn đợi

Tự ngàn năm bài thơ

Từ ngàn năm câu đối

Đảng sáng tác bây giờ.

 

Nghệ sĩ với ông đồ

Tình nước non vô tận

Như Đảng với bác Hồ

Hương đất trời Cộng sản.

 

Năm năm đào lại nở

Vui người mới, hồn xưa

Một mùa Xuân bất tử

Tươi nét lụa, lời ca.

 

Vũ Đình Liên chúc tụng chế độ bạo tàn nhất lịch sử đất Việt được “muôn thuở”, “bất tử”, “ngàn đời”, “vô tận”; Vũ mong ước “hoa” nở bốn mùa trên đất nước mà dân chúng đang rên xiết dưới ách cai-trị phi nhân của chế-độ mà Vũ thờ phụng. Một nhà văn, một nhà giáo, một người có học, có nhận thức, có mắt thấy tai nghe, có suy-nghĩ nhưng lại dùng ngòi bút của mình để đề cao cho chế-độ xấu-xa, tàn-bạo nhất với những lời lẽ trơ trẻn, vô liêm sỉ như họ Vũ là không thể chấp nhận được. Và với “tài nghệ bồi bút”, ông được chính-quyền Hà Nội tặng danh-hiệu “Nhà giáo nhân-dân” vào năm 1990, và cũng chính điều nầy cho thấy cái khôi hài của cái danh hiệu nầy mà chỉ tồn tại trong các chế độ Cộng sản.

 

e. Bài thơ “Bóng Ông Đồ”.

 

Vào tháng 1-1982, nhân Xuân Nhâm Tuất, họ Vũ có “khai bút”, thân gửi cho anh chị và cháu Thanh Yên [(?) do chữ trên phóng ảnh đọc không rõ], có tựa là “Bóng Ông Đồ”:

 

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy bóng ông đồ

Bút nghiên và giấy đỏ

Ngồi đúng chỗ ngồi xưa

 

Ôi! cái nghiệp nghiên bút

Tô điểm cho cuộc đời

Người chết nghiệp không dứt

Nợ tiền kiếp luân hồi.

 

Trải trăm ngàn dâu bể

Giấy mực màu không thay

Chữ nhân và chữ nghĩa

Vẫn những nét thẳng ngay

 

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Khăn áo bạc màu xưa

Nhắc cho người qua thấy

Lẽ nhân đạo, Thiên cơ

 

Cách mạng là nhân nghĩa

Ông đồ là thi thư

Chữ tuôn dòng thiện mỹ

Từ ngón tay ông đồ.

 

Cũng vẫn giọng điệu tâng bốc, thần thánh hóa chế độ Cộng sản một cách trơ trẽn, vẫn ca tụng “Cách mạng là nhân nghĩa” và “Vẫn những nét thẳng ngay” hay “Lẽ nhân đạo, Thiên cơ” (sic) như những con vẹt được dạy tiếng người cho dù ông biết “Nợ tiền kiếp luân hồi” nhưng vẫn chưa biết sám hối. Quả là con người không còn biết nhận xét.  

 

 

Thủ bút của Vũ Đình Liên

 

Tóm lại, từ khi là một đảng viên Cộng-sản, họ Vũ đã tự mình đánh mất giá-trị của bài thơ “Ông Đồ 1937”, đánh mất niềm thương mến của những người yêu bài thơ đó, đánh mất luôn bạn bè đã từng yêu mến ông. Đó là hình phạt xứng đáng nhất dành cho ông và cũng là bài học cho bọn đón gió trở cờ, bọn mưu cầu lợi-ích cá-nhân mà quên đi lẽ thật, không thấy mọi người đang rên xiết dưới sự bạo trị của chính quyền cai trị. 

 

5. Những bài “Ông đồ thời…xã nghĩa”.

 

Nhân đây, xin đề cập thêm vài bài thơ “độ” liên quan đến đề tài bài viết. Sau khi cưỡng chiếm miền Nam rồi đến khoảng thời gian mà người Việt gọi là “thời kỳ bao cấp”, đất nước Việt Nam đói khổ, điêu tàn, tang hoang… dưới ách cai trị ngu đần của tập đoàn CS Hà Nội. Trong thời gian đó, người dân chỉ lo sợ “đói” nên việc lo cho cái bao tử là cần nhất. Rồi thời gian trôi đi, sau đó, với nguồn ngoại viện là hàng mấy chục tỉ Đô la hàng năm do người Việt hải ngoại gởi về, người dân đỡ khổ hơn một chút. Những năm gần đây, tại Hà Nội, nơi mà ngày xưa những cụ đồ “bán chữ thánh hiền” kiếm chút tiền tiêu Tết người ta thấy những “ông đồ mới” xuất hiện, làm công việc của các cụ đồ thuở nào, cũng “bày mực tàu giấy đỏ” để viết những chữ Tàu, chữ Việt để khách mua về treo trong nhà trong dịp Tết.

 

Cái khác của “ông đồ… xã nghĩa” ngày nay là ngoài các cụ già còn có các cô gái, trang phục cũng khác thường, ngoài áo dài khăn mõ quạ còn có lắm “cô đồ” do nghèo nên ăn mặc thiếu…vải, làm ngứa mắt nhiều đấng mày râu. Về phần khách, ngoài người Việt còn có các anh “Tây…ba lô” ngồi xem do hiếu kỳ hơn là mua về. Về nội dung trong các chữ viết, thôi thì khỏi nói, như một cái nồi…tạp nhạp: chữ Tàu, chữ Việt, chữ viết đủ kiểu, được “độ” theo kiểu “Made in…Xã nghĩa”, Thư pháp. Còn nội dung, việc đúng sai chỉ có… Trời biết! Ngoài ra, dân chúng đã thấy rõ bộ mặt bán nước của Đảng Cộng sản cùng bọn tư bản đỏ cầm quyền hung ác đã đem giang san bán cho Tàu cộng để được vinh thân phì gia, củng cố quyền lực của đảng để bòn rút tài sản đất nước, làm cho dân đói khổ, được họ diễn tả trong những câu thơ tuy không "chuyên nghiệp", họ không dám ghi tên vì còn đang sinh sống tại Việt Nam, sợ bọn tay sai của chính quyền bắt giam hay hành hạ. Vì thế, có những bài thơ “Ông Đồ…độ” như sau:    

 

a. ÔNG ĐỒ TÂN THỜI

 

Mỗi năm hoa đào nở

Hàng tá ông Đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Bán chữ cho người ta.

 

Bao nhiêu người thuê viết

Cứ tấm tắc khen tài

Vì người ta đâu biết

Chữ viết đúng hay sai?

 

Nên năm nay đổi mới

Thi sát hạch ông đồ

Ông nào không đạt chuẩn

Văn Miếu không cho vô.

 

Trong số “ông Đồ” ấy

Bảy phần mười viết sai

Nhiều ông không biết chữ

Chuyện thật mà như hài.

 

Năm nay đào vẫn nở

Chỉ tội “ông Đồ” xưa

Sau khi bị thi rớt

Hành nghề đâu bây giờ?

(Khuyết danh)

 

b. ÔNG ĐỒ VÀ CÔNG AN

 

Năm nay hoa đào nở

Hem thấy ông đồ già

Vỉa hè thôi, trơ khấc

Chỉ còn mỗi quán trà.

 

Bao nhiêu người không biết

Ông đồ già nay đâu?

Giấy đỏ, buồn chẳng thắm

Mực đọng trong nghiêng sầu.

 

Năm nay, ông đồ khổ

Công an phường cấm ngồi

Vẽ được dăm ba phút

Đuổi, chạy cong đuôi rồi!

 

Ông đồ không còn đấy

Trật tự phường: xoa tay

Thôi biến đi, ông nhé

Vẽ tờ nào - xé ngay!

 

Hoa đào nở vẫn nở

Nở rồi sẽ lại tàn

Tàn năm sau nở tiếp

Chả thấy ông đồ gàn!  

(Khuyết danh)

 

c. CÁI CHẾT CỦA ÔNG ĐỒ

 

Ngày đảng vào thành phố

Ông đồ xếp bút nghiên

Chữ thánh hiền cân ký

Nhẹ hơn cả khoai mì.

 

Tội ông đồ ăn bám

Tìm việc nhẹ lánh nặng

Múa hoa tay năm ngón

Ngồi mát ăn bát vàng.

 

Ông đồ đi cải tạo

Bút nghiên bị tịch thu

Bà đồ đi mót củi

Để có tiền thăm nuôi.

 

Sau bao năm cải tạo

Ông đồ quy cố hương

Vợ con thời lưu lạc

Ôi sao lắm đoạn trường.

 

Cửa nhà đảng cướp sạch

Ông đồ thân bơ vơ

Làm dân oan vất vưởng

Trên hè phố ngày xưa.

 

Tình cờ đi qua phố

Chỗ ông ngồi viết thuê

Bây giờ là chốt chận

Của công an côn đồ.

 

Năm nay đào nở muộn

Trời trở rét căm căm

Trên vỉa hè cuốn chiếu

Thì ra xác Ông Đồ.

(Khuyết danh)

 

d. ÔNG ĐỒ TRẺ

 

Năm xưa hoa đào nở

“Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”. (*)

 

Bây chừ hoa đào hé

Có chàng thư pháp trẻ

Nét dăm chiêu ngồi vẽ

Cảnh đất nước sơn hà.

 

Phố cũng đông người qua

Xem bức tranh nước nhà

Lòng quặn đau chua xót

Không thấy Hoàng Trường sa.

 

Trong đám người đông đó

Có công an văn hóa

Đưa tập màu giấy đỏ

Vẽ mừng đảng mừng Xuân.

 

Mắt chàng nhìn mông lung

Nên nét chữ run run

Không rồng bay phượng múa

Dòng thư pháp ngại ngùng.

 

Mưa Xuân rơi lất phất

Tô cảnh đời tất bật

Anh thư pháp đăm chiêu

Bức tranh Xuân tiêu điều!

(Khuyết danh).

 

(*) 3 câu thơ của Vũ Đình Liên

 

e. BĂNG RÔN LẠI NỞ

 

Khi xưa hoa đào nở

"Lại thấy ông đồ già

Bày mức tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua" (*)

 

Nay mai đào chưa nở

Khối khẩu hiệu bày ra

Rất nhiều băng rôn đỏ

Hành con mắt người ta.

 

Từ ngày đảng xuất hiện

Chúng bày ra nhiều “chiện”

Băng rôn giăng tứ tung

Khiến dân thêm lùng bùng.

 

Chúng bảo “đảng anh hùng”

Mừng Xuân bày tiệc tùng

Phải phong bì màu đỏ

Làm doanh nghiệp phát khùng.

 

Đảng ta thật sừng sỏ

Yêu sao vàng băng đỏ

Khi thằng Tàu đánh rắm

Liền xúm nhau xin xỏ.

 

Chúng quỳ gối qui Tàu

Hiến thiên triều một sao

Bu bên ngôi sao lớn

Chung quanh có năm sao.

 

Đảng tôn thờ thằng Chệt

Nhìn thấy là phát mệt

Ơi những tên Thái thú

Tư duy thật rừng rú.

 

Xuân nầy nhớ Xuân qua

Giặc chiếm Hoàng Trường Sa

Chỉ vài Xuân sau nữa

Chệt lấy luôn sơn hà.

 

Đất nước thêm nục nát

Ở đâu cũng thấy rác

Tràn ngập loài sâu đỉa

Bầy cháu ngoan của Bác.

 

Xuân nầy nhớ Xuân xưa

Đâu pháo đỏ hạt dưa

Thương cho dân tộc Việt

Bảy mươi năm bị lừa.

 

Bao nhiêu năm bị lừa

Mà tật vẫn chưa chừa

Vẫn còn tin ở đảng

Những bản mặt tửa lưa.

 

Nhớ nhé những Xuân sau

Lời đầu năm chúc nhau

Đảng ma(fia) mau chết tiệt

Mai đào thắm Xuân tao.

(Khuyết danh).

 

(*) 3 câu thơ của Vũ Đình Liên

 

f. ÔNG ĐỒ THỜI SẢN

 

Năm xưa hoa đào nở

“Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”. (*)

 

Bây chừ đào chưa nở

Nhưng cả khối ông đỏ

Vẽ bao nhiêu dự án

Càng vẽ, tiền càng vô.

 

Một thể chế tham ô

Sinh ra những ông đồ

Mà nay trong thời sản

Dân gọi là “ma cô”.

 

Ma có ở trung ương

Ma có huyện tỉnh phường

Ma có trên quốc lộ

Ma có cả quê hương.

 

Các ma cô ngồi vẽ

Nhiều dự án đắt tiền

Chúng ăn trên xương máu

Có cuộc sống như tiên.

 

Đất nước đầy nhiễu nhương

Nhìn dân thấy mà thương

Những ông đỏ đầy khắp

Làng xã đến trung ương.

 

Những ông đỏ thời sản

Khốn nạn cùng hung hãn

Cùng mưu đồ bán nước

Khiến muôn dân ta thán!

 

Những ông đỏ hiếp dân

Da bọc xương gầy thân

Nhởn nhơ bầy vô cảm

Lương tâm ông đíu cần.

 

Những ông đồ thời đại

Dân nhìn quá sợ hãi

Hỡi ông đồ nhân ái

Hồn ở đâu bây giờ?!

(Khuyết danh).

 

(*) 3 câu thơ của Vũ Đình Liên

 

g. ÔNG TỔNG CHẦU TÀU

(Nội tình chuyến chầu Bắc triều 4 ngày của bầu đoàn chóp bu Hà Nội, các "ông Đồ thời sản")

 

Mai đào vừa tàn nụ

Bắc Kinh tiễn xuân qua

Triệu ông Tổng Phú Lú

Triều đất tổ Trung Hoa.

 

Áo thụng ông quì vái

Vừa lạy vừa nín đái

Hủ mực Tàu giấy đỏ

Ông vẽ thật thoải mái.

 

Ông vẽ chữ 4 Tốt

Cùng 16 chữ vàng

Xong ông phì mặt độn

Sáu câu... điệu xề xang.

 

Muôn tâu Tập Cận Bình

Thiên tử thật nghĩa tình

Đã cưu mang đảng cộng

Thắng Mỹ rất quang vinh

 

Xưa đánh giặc cho Tàu

Nay Biển Đông làm ao

Sau nhà của quí quốc

Mất Biển Đông chả sao

 

Nhớ xưa lời Bác dạy

Với địch, ta nên bậy

Với đàn anh thắm thiết

Cọ quậy là chết ngay.

 

Lời Bác thật thắm thía...

Sá chi bãi chim ỉa (*)

Đàn anh cần cứ lấy

Hầu đáp trả tình nghĩa

 

Với thước ngọc khuôn vàng

Cho đảng được vạn an

Nắm dân mà cai trị

Chúng nó đéo dám than.

 

Thiên Tử cứ tiến tới

Hoàng Trường... cứ đào bới

Xây Trường Thành Vạn Lý

Thủ lãnh thế giới mới.

 

Yên tâm đừng sợ Mỹ

Tụi tư bản sàm đĩ

Chỉ to mồm hò hét

Tụi mày nên yên chí.

 

Lạy Thiên Tử kính yêu

Khanh chỉ có bấy nhiêu

Thỏa hiệp đều ký tất

"Tê rêm mé đìu hiu".

 

Đồ Trọng quay trở về

Lòng sung sướng hả hê

Từ nay có mẫu quốc

Lo mọi việc yên bề.  (Khuyết danh).

 

Ghi chú:

(*) Lời Hồ Chí Minh. Một nguồn tin trên mạng http://www.x-cafevn.org/forum/showthr...viết như sau: "Theo hồi ký của Hoàng Văn Hoan... bác Hồ có nói, "Mấy cái đảo hoang ở ngoài khơi đó là của ai thì tôi cũng không rõ lắm, nhưng đó cũng chỉ là là mấy cồn đá hoang toàn phân chim. Nếu các đồng chí Trung Quốc muốn thì cứ cho họ đi" Buổi gặp mặt đó ngoài Hoàng Văn Hoan ra còn có Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyến Duy Trinh và Lê Duẩn."

 

6. Văn nghệ sĩ miền Bắc và chiến dịch “Trăm hoa đua nở”.

 

Ngoài Vũ Đình Liên, chúng ta thấy còn có nhiều văn nghệ sĩ khác cũng đem thân khuyển mã phục vụ cho chế-độ Cộng-sản hà-khắc, tàn bạo, chế-độ đã đưa dân-tộc Việt-Nam vào chỗ nghèo đói, lạc-hậu. Ngoài một Tố-Hữu, một “vua của hạng bồi bút”, một “vua của muôn vua”, một “văn nô” của chế-độ với những lời thơ sắt máu mà ai ai cũng biết, còn có nhiều tên bồi bút tên tuổi khác như Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân (1), Nguyên Hồng, Xuân-Diệu, Huy-Cận, Chế Lan Viên (2). Điển hình, ta hãy nghe những lời Xuân Diệu (tên thật là Ngô Xuân Diệu), người được liệt vào ngang hàng với Tố Hữu, hạng “vua bồi bút”.

 

Với “lãnh tụ”, ông ta nịnh hót một cách trơ-trẽn:

 

Mỗi lần tranh đấu gay go

Chúng con lại được Bác Hồ tới thăm

Nghe lời Bác dạy khuyên răn

Chúng con ước muốn theo chân của người.

 

Khi ông Hồ “đi tàu suốt” để gặp Lenin, nhà thơ đậu Tú Tài Tây nầy khóc than:

 

Bây giờ mới khóc, Bác ơi!

Giật mình, hăm bốn hôm rồi đó sao?

Nhớ thương nào có nguôi nào,

Tháng ngày càng khắc Bác vào tim con.

Vẳng nghe giọng nói Bác luôn,

Bác đang cười chuyện, Bác còn vẫy tay…

Bây giờ là mới khóc đây,

Bác ơi không phải lệ đầy bên trên,

Mà sâu giọt lệ dưới nền,

Cuộn từ gan ruột đưa lên tâm hồn.

Mến yêu, thương Bác không cùng

Thương câu Bác dặn, thương lòng Bác thương,

Bác trong sáng quá, là gương;

Bác kiên cường, chính kim cương trong đời.

. . . . . .

Bác ơi cháu một đời người

Nhớ yêu bác mãi đất trời ngàn năm”. (27-9-1969).

 

Với nhân-dân, ông lớn tiếng hò hét:

 

Thắp đuốc cho sáng khắp đường,

Thắp đuốc cho sáng đình làng đêm nay.

Lôi cổ bọn nó ra đây,

Bắt quỳ gục xuống, đọa-đày chết thôi.

 

Với đảng CS, giọng ông nỉ-non thề thốt:

 

Chúng con thề nguyện một lời,

Quyết tâm thành khẩn... lột người từ đây

 

và:      

 

“Mẹ xưa chăm cháo, chăm cơm,

Đảng nay nuôi nấng còn hơn mẹ hiền.

Bệnh từ đời cũ liên miên,

Đảng trong thức ngủ chăm liền sớm hôm”.

(Trước đây bốn tháng, 1953)

 

hay tuyệt đối tôn sùng:

 

 “Ba mươi năm và sau trước: muôn đời

Người gánh gánh của chúng tôi: là đảng

Người gánh gánh với chúng ta: là đảng

Người gánh ta, ta gánh Người: là đảng

Người gánh đất, Người gánh trời: là đảng

Ôi ngời ngời Đảng Cộng Sản Đông Dương

Đảng Lao Động Việt Nam, là một đó »

(Gánh, tháng 11-1959)

 

Nhân đây xin nêu lên một “giai thoại văn chương” liên quan đến tên bồi bút Xuân Diệu.

 

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, tại miền Bắc, một câu đối, câu tụng tựa là “Cụ Tú Tài Thính Tai” được phổ biến “kín” (không công khai) nhưng được truyền ra rộng rãi và đã đón nhận nhiều vế đáp. Vế đối xuất như sau: “Người tính thú, làm thơ càng thú tính, tài càng tú, tai càng thính”. Câu đối ra đời với giai thoại như sau:

 

Phong trào “Nhân văn - Giai phẩm” của CS Hà Nội chủ trương nhằm tiêu diệt những văn nghệ sĩ miền Bắc chống đối chế độ Cộng sản, khi thi hành, đã bỏ tù nhiều thi văn nghệ sĩ Bắc Hà trong thập niên 60 của thế kỷ trước, đã làm nhiều người nổi giận, trong đó có cụ Cử Hàn (ông Hàn đậu Cử nhân Hán học).

 

Ngoài nha trảo của nhà cầm quyền ra, còn có nhóm bồi bút đắc lực như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu… được giới sĩ phu Bắc Hà gọi là “những con cún giữ nhà cho Đảng” cổ xúy và thi hành, chỉ điểm. Cũng vì thế, năm Xuân Diệu mừng 63 tuổi, cụ Cử Hàn cho trẻ con ở ngõ Hàng Hành (thành phố Hà Nội) ăn kẹo bột và dạy cho chúng câu tụng “Cụ Tú Tài Thính Tai” (ám chỉ Xuân Diệu, ông ta đậu Tú Tài) để chúng truyền ra rộng rãi cho nhiều người biết, vế đối xuất như như đã nêu ở đoạn đầu. Nhiều vế đối được truyền nhau rồi phổ biến rộng rãi. Năm 1997, ông Vũ Quang Nhật ở North Carolina, Hoa Kỳ có về đối đặc sắc như sau:

 

Cô Hồng Đào, bán hai trái đào hồng, trái một hào, trái một đồng”.

 

Nên biết thêm, “cô Hồng” ở phố Hàng Đào (Hà Nội) là “nàng thơ” của Xuân Diệu, tên bồi bút vào hạng “thượng thừa” của Cộng sản Bắc Việt. Tuy có “nàng thơ” nhưng nhiều tài liệu cho rằng Xuân Diệu (và Huy Cận) là những người đồng tính.

 

Tưởng cũng cần biết thêm những tình tiết, giai thoại về tên bồi bút Xuân Diệu. Trước đó, Xuân Diệu làm ở Sở Quan Thuế (gọi là “nhà đoan” - do từ chữ Pháp “douane” đọc thành “đoan”) cho Pháp. Một trong các việc làm chính của “nhà đoan” là chuyên môn đi bắt “rượu lậu”. Thế nhưng Xuân Diệu lại thích nhậu (uống rượu). Nhà viết kịch cùng thời Đoàn Phú Tứ bèn "trêu độc" Xuân Diệu bằng vế xuất như sau:

 

-“Xuân Diệu làm "đoan’" Xuân diệu lậu”.

 

Chữ “diệu” ở gần cuối câu đối là viết trại cách đọc của người Bắc chữ “rượu” thành âm “riệu” hay "diệu", rồi lấy tên “Diệu” của ông ta để bỡn thành “diệu”. Cách "chơi chữ" độc và tài tình thật!

 

Rồi khi Xuân Diệu chết, được chôn ở nghĩa trang Mai Dịch, có kẻ đã viết lên tấm bia mộ của XD câu đối:

 

Xuân Diệu xuân tình, Xuân Diệu lậu,

Trái tim gào thét, trái tim la”.

 

- Câu đầu dựa vào câu của ông Đoàn Phú Tứ đã nói đoạn trên.

 

- Câu thứ hai đề cập tới tên một tác phẩm của Xuân Diệu và một loại bệnh phong tình.

 

Nghĩa đen & nghĩa bóng:

 

Xuân tình của Xuân Diệu thì hủ lậu (mục nát) {bởi ông ta là đồng tính luyến ái}, cho dù “Trái tim gào thét” (tên một tác phẩm của Xuân Diệu) thì trái tim đó cũng chỉ là trái “tim la” (la cũng là gào thét; mà “tim la” cũng là một loại bịnh phong tình [tim (hay chiêm) la, bệnh lậu, bệnh giang mai]. Thâm thúy thật.

 

Trở lại đề tài, riêng Cù Huy Cận, ta hãy nghe những lời nịnh bợ, suy tôn “lãnh tụ” để kiếm một chỗ ngồi trong xã-hội:

 

Hồn lạc chưa thờ riêng một chúa

 Yêu một người ta dâng trọn tình thương”.

 

Trong đám tay sai, bồi bút này, có kẻ nhiệt tình, cam tâm đem thân “khuyển mã” làm tay sai, có người vì sợ chết do hèn nhát; có người muốn bám vào chế-độ để được vinh thân phì gia, muốn có miếng ăn,chút quyền lực. Chính số văn-nghệ sĩ nầy đã là nanh vuốt, là tay sai cho Cộng-sản để tiêu diệt thành-phần đối kháng, những người chuộng tự-do, yêu hòa-bình, trọng lẽ phải, quyết bảo vệ quyền sống con người mà đại-diện là giới văn-nghệ-sĩ trong phong-trào Nhân văn - Giai-phẩm vào thập niên 1960 tại đất Bắc.

 

Và sau khi Cộng-sản thôn tính miền Nam, một số văn nghệ-sĩ tên tuổi miền Nam cũng học sách đón gió trở cờ, cũng dùng ngòi bút của mình “bợ đỡ” chế-độ mới để mong có chút bổng lộc, không chịu thua bọn bồi bút miền Bắc. Bọn này đã quên đi vùng đất đã cưu mang họ, quên đi những người đã một thời yêu mến những gì chúng đã sáng-tác, quay mặt với những người bạn cùng giới với chúng đã bị chế-độ mới đưa vào các trại tù khổ sai. Hình phạt mà xã-hội dành cho bọn chúng là bị người đời khinh khi, mạ-lỵ, bị mọi người ngoảnh mặt làm ngơ khi gặp mặt và họ đã dùng ngòi bút để đánh lại chúng.

 

Một câu chuyện “tiếu lâm chính-trị thời đại”, một giai-thoại về “sự đời” được truyền-tụng để “dạy” cho Sơn Nam một bài học khi Sơn Nam trở cờ, nịnh bợ, ton hót, chỉ điểm cho chế-độ mới sau 30-4-1975 và nhất là sau khi ông ta viết bài “Thằng Thiệu nó tồi”. Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài, quê ở Rạch-Giá, Kiên-Giang, đã "hui nhị tỳ" ngày 13-8-2008 tại Sài Gòn. Qua hồi ký của Tạ Tỵ (xuất bản trước năm 1975 tại Sài Gòn, có hình Tạ Tỵ vẽ Sơn Nam, cùng với thủ bút của Sơn Nam) thì: “Sơn Nam có nét mặt rất xấu trai, mắt lé, mũi to, răng hô, môi vều với chiếc cằm nhọn hoắt; các cụ gọi “mặt chuột kẹp!” (nguyên văn, chương 4 trang 287)…, và “sau 30-4-1975, Sơn Nam xuất đầu lộ diện là VC nằm vùng. Trong đợt bắt các văn nghệ sĩ miền Nam, chính Sơn Nam và Vũ Hạnh đã cung cấp danh sách và nơi ở cho Công an CS đến nhà bắt từng người đem đi cải tạo…” (nguyên văn, trang 288, tái bản). Bài học dạy cho Sơn Nam có nội dung như sau:

 

“Có một anh chàng nọ bỏ vùng “kinh-tế-mới” về thành Hồ kiếm việc làm để sống. Sau một thời-gian tìm việc nhưng chưa có, anh ta bèn nhờ người quen giới thiệu đến Sở Thú thành Hồ xin việc, gặp một “thủ trưởng” cho biết: “hiện chúng tôi đang cần người để làm việc, chẳng cần chuyên-môn nhưng phải nhanh-nhẹn một chút”. Thanh-niên nọ hỏi việc gì, được tên nầy cho biết:

 

-“Có một con khỉ đột mới chết. Trong lúc nầy nhà nước ta còn khó khăn nên không mua được con khác để thay thế, nếu để chuồng trống, bọn Mỹ Ngụy, bọn phản-động, bọn đế-quốc sẽ tuyên-truyền là cách-mạng để thú chết đói; chúng tôi đã có một bộ da khỉ đột rồi, anh chỉ việc giả làm khỉ. Ngoài việc đi tới đi lui, cũng cần phải biết leo cây hay nhào lộn, phải làm trò khỉ nữa mới được”.

 

Thanh-niên nọ nhận lời. Mấy hôm đầu thì mọi chuyện êm xuôi. Đến một sáng Chúa-nhật nọ có đông khách xem, “con khỉ giả” làm trò hơi nhiều mà bụng thì trống không nên trong lúc nhào lộn trên cây, anh ta hụt tay rơi sang chuồng sư-tử bên cạnh. Thấy con sư-tử gầm gừ bước tới, con “khỉ giả” điếng hồn, co rúm chờ chết. Lạ thay, khi con sư-tử tới gần, nó phát ra tiếng người:

 

-“Đừng sợ. Tao cũng như chú mầy thôi, đây là “sở người” chứ không phải sở thú đâu”.

 

Câu chuyện ám chỉ con sư-tử già đó chính là tên trở cờ họ Phạm. Từ đó về sau, Sơn-Nam không còn dám công khai ra mặt nịnh hót với bọn cán-bộ trước mặt mọi người như trước nữa. Mọi người quen thân không ai dám gần, kẻ biết không ai tiếp chuyện. Hình phạt dành cho ông ta như thế cũng xứng đáng.

 

Những bọn bồi bút, bọn đón gió trở cờ, bọn thời cơ, bọn theo đóm ăn tàn bị bạn-bè xa lánh, những người biết chuyện khinh-bỉ, dân chúng căm-hờn và nhất là có ngày nào đó họ cũng sẽ “bị rơi vào chuồng sư-tử thiệt”, chừng đó ăn-năn thì đã muộn.

 

Điều đáng nói hơn nữa là nơi hải ngoại, một số văn-nghệ-sĩ rời bỏ Việt-Nam với danh-nghĩa “người tỵ-nạn Cộng-sản” cũng đã cam-tâm nối giáo cho giặc Cộng bằng ngòi bút của mình trên đất tự-do. Một trong số nầy là Nhật Tiến, người đã viết “Thềm Hoang”, cuốn sách đã đoạt giải thưởng văn-học toàn quốc 1962 do chính-phủ VNCH trao tặng. Nhật Tiến được đồng hóa với cấp bậc binh nhì, làm việc ở Cục Chính Huấn thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị chứ chưa qua một ngày nào tại một trường huấn luyện quân sự nào. Tại quê nhà, muốn nói lên sự thật, người viết không dám nói lên sự thật vì sợ bị tù đày, cấm cản, như lời Nguyễn Minh Châu: "Cái sợ làm cho người ta hèn... Nhà văn phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên che rồi mới dám viết!" thì tại hải ngoại, hạng người như Nhật Tiến lại cam tâm làm tay-sai cho Cộng-sản để thành văn nô, bồi bút thì thật đáng khinh-bỉ, đáng nguyền rủa.

 

Chúng ta không quên, trong Quân Lực VNCH, mỗi khi đề-cập đến hạng người nịnh bợ thượng cấp, người ta thường dùng từ-ngữ “nâng bi” để ghép cho họ. Danh từ tượng thanh, tượng hình “nâng bi” thật đặc-sắc, mang ý nghĩa chê-bai nhưng lại không nguy hại như hạng “trở cờ” nêu trên vì ngoài việc nịnh bợ chính-quyền, lãnh tụ, cán-bộ,… họ còn hại người khác, có khi làm hại đến đời sống, lắm lúc lâm nguy cả tính-mạng cho người bị hại.

 

 

Thủ bút của Sơn Nam và chân dung tên bồi bút "răng hô,

môi vểu, cằm nhọn" (những lời nầy Tạ Tỵ viết trước 1975 khi

Sơn Nam còn sống) qua nét vẽ của cố họa sĩ Tạ Tỵ.

 

Trở lại với thành-phần văn-nghệ sĩ trong nước tại miền Bắc, ngoài một số trí thức ôm chân chế-độ bạo tàn, con số những trí thức miền Bắc nổi dậy chống chế-độ Cộng-sản cũng không ít. Vụ án “Nhân văn - Giai-phẩm” (còn gọi là chiến-dịch “Trăm hoa đua nở”) một thời đã làm cho Cộng-sản phải dùng mọi thủ-đoạn đê-hèn để bảo-tồn chế-độ toàn trị. Những nhà văn phản-kháng trong vụ này, ngoài nhà văn lão thành Phan Khôi còn có Trần Dần, Phùng Quán (3), Tạ Hữu Thiện, Bùi Quang Đoài, Phùng Cung, Trần Lê Văn, Hoàng Tích Linh, Trần Duy, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo,... Những người nầy đã dùng ngòi bút của mình nói lên những điều bất công, những tàn-bạo, vạch rõ những cái ngu dốt của Cộng-sản nên đã bị đàn áp bằng nhiều thủ-đoạn, ngay cả cái chết. Ngoài ra, một số khác đã “gác bút” đến cuối đời khi họ bị chế-độ Cộng-sản khủng-bố, kiềm kẹp hay thấy người khác bị bách hại; ta có thể kể như Thế Lữ (4), Tô Hoài (5)...Như vậy, điều an ủi cho giới văn nghệ sĩ “chân chính” của miền Bắc là số bồi bút không nhiều hơn họ.

 

“Trăm hoa đua nở” dịch từ câu chữ Hán “Bách hoa tề phóng, bách hoa tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng) do một học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn-học toàn thịnh của Tàu thời Đông Châu, từ thế-kỷ thứ 6 đến thế-kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, chấm dứt vào năm 213 trước Công Nguyên khi Tần Thủy Hoàng nghe theo lời Thượng-thư Lý Tư đốt hết sách vở và chôn sống 460 nhà đối lập, học trò. Các văn học sĩ phản kháng nầy đã dùng các báo: Văn, Nhân Văn, Giai phẩm, Đất Mới,... như những “mặt trận” để chống lại Đảng Cộng Sản; có lúc lan dần sang các báo của Đảng như Thời Mới, Cứu Quốc, Học Tập, Nhân Dân. Vụ án Nhân văn - Giai phẩm kết thúc, hiển-nhiên phần thắng về phía chế độ Cộng-Sản tàn bạo, độc tài. Chúng đã dùng mọi thủ-đoạn đê-hèn nhất để đàn-áp và cũng chính hành-động bỉ-ổi nầy cho chúng ta thấy cái xấu xa của Cộng Sản tàn-bạo nên đã bị chống đối đến cùng, bằng mọi giá, ngay cả việc dùng ngòi bút. Họ sống nếu không ở trong các trại tù thì sống trong đe dọa, bị theo-dõi thường xuyên, thường bị chính-quyền kết án phản động. Ta hãy nghe cụ Phan Khôi, với những lời than-vãn:

 

-“Thật là cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá!”

 

-“Nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết“

 

-“Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu ơi! Ở thời cụ, cụ đã kêu: “Ở đây nào phải trường thi,/ Ra đề hạn vận một khi buộc ràng!”, thế mà ngày nay, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn làm ăn gì được nữa cụ ơi! Tôi đâu còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!!“

 

Những văn nghệ sĩ phản kháng nầy đã dùng ngòi bút để nói lên nỗi lòng bất-mãn, chống-đối chế-độ Cộng-sản. Ta hãy nghe cụ Phan Khôi (6) mỉa-mai một giống cỏ tại miền Bắc, được ông gọi là “cỏ cụ Hồ”, hay là “cây Cộng-sản” như sau:

 

-“Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào không có.”

 

Theo ông, có nơi gọi loại cỏ trên là “cỏ bù xít” hoặc “cây cức lợn” hoặc “cây chó đẻ”. Ông nói rằng những tên đó “đều không nhã tí nào, người có học không gọi như vậy mà gọi là cây cộng sản”.

 

-“Không mấy lâu rồi nó mọc đầy cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền”. “Cỏ ấy bắt đầu có từ những năm 1930-1931, đồng thời với Đông Dương Cộng sản đảng hoạt động. Phong trào CS cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy”; và ông nói thêm:

 

-“Cho nên “bọn Tây đồn điền” đặt tên là “herbe Communiste” đáng lẽ dịch là “cỏ Cộng sản”. Nó còn một tên rất lạ; hỏi ông già Thổ, tên nó là cây gì? ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”. Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây “lãnh đạo cách mạng”, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi nương, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với “cụ Hồ” về thì gọi nó là như vậy”.

 

Đó, văn-chương phản-kháng là như vậy đó! Những con người yêu tự-do, chuộng hòa-bình đã hình-tượng hóa, nhân-cách hóa; so-sánh giữa một loài có hại cho con người với chủ nghĩa Cộng-sản như thế đó. Không phải vô cớ họ nghĩ ra những điều châm-biếm sâu-sắc như vậy nếu chế-độ ấy không tước đoạt quyền sống của họ, đày ải họ, buộc họ phải thốt lên tiếng nói tự đáy lòng mình.

 

Một trong các tội ác tày trời của Cộng-sản Hà-Nội là giết chết, bỏ tù, đọa-đày, khống-chế, hăm-dọa, ngăn cấm, giới hạn mọi hoạt-động của giới văn-nghệ-sĩ, những người dùng ngòi bút của mình để làm nên những tuyệt-tác văn-chương cho đất Việt, một đất nước sinh ra những văn nhân tài-hoa, làm giàu thêm cho kho tàng ngôn-ngữ của dân-tộc vốn được tiền nhân vun bồi và để lại cho hậu thế. Dưới chế-độ bạo tàn Cộng-sản, văn chương, văn-nghệ, nghệ-thuật, âm nhạc v.v… không còn mang nghĩa thực-sự của nó mà chỉ là những công-cụ phục-vụ cho chế-độ để chế độ đó tồn tại rồi đàn-áp nhân dân.

 

7. Lời Kết.

 

Mỗi lần Xuân về là dịp ta nhớ lại bài Ông Đồ của Vũ Đình Liên. “Ông đồ của năm 1937” như một nốt ruồi duyên điểm trên gương mặt thơ ngây đáng yêu của cô gái dậy thì. Bất hạnh thay, cô gái nọ theo đòi điểm trang sau khi đã sa chân vào chốn hồng lâu, cam tâm làm nha trảo cho mụ Tú Bà nên đã tô lên mặt những lớp son phấn kệch-cỡm, không những làm cho gương mặt mình xấu đi mà còn làm cho nốt ruồi duyên mất vẻ đáng yêu thuở nào. Đau đớn hơn, cô ta đem thân làm nô-dịch cho mụ tú-bà, quên đi những việc làm điếm nhục gia phong, không sợ người đời khinh rẻ. Bài thơ “Ông đồ 1937” sống mãi trong văn-học Việt-Nam nhưng đã bị những “ông đồ mới” khai tử nó bởi người khai sinh ra nó. Đối với những người yêu tự-do, chuộng công-lý coi như người sáng-tác ra nó đã chết từ thập niên 1950 khi ông khoác vào người chiếc áo đảng, đã bị đảng “thay máu” mà cha mẹ ông đã sinh ra ông vậy.

 

Điều đáng nguyền rủa nhất là họ Vũ đã tiếp tay cho chế-độ tàn-bạo đã xua đuổi hơn hai triệu người Việt phải bỏ quê-hương thân yêu, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, ra đi không quản ngại chết chóc, hiểm nguy, tản-mác đến những vùng đất xa lạ mà họ chưa từng nghĩ đến để phải làm người vong quốc, làm thân lữ thứ, mang tâm-trạng như lời Georghiu, một nhà văn Nga-sô: "Không có gì bất hạnh hơn niềm bất hạnh của một con người không còn quê hương".

 

Thay lời kết, người viết mượn lời thơ của Hải Nam để gởi đến tác-giả của “ông đồ mới”, gởi đến đám người đón gió trở cờ, bọn cơ-hội, bọn mãi quốc cầu vinh, bọn văn nô bồi bút của chế độ Cộng sản lời nhắn:

 

“Ai muốn chép công ta chép oán,

Công riêng ai đó oán ta chung”. (7)

 

Lê Chánh Thiêm

San Jose, 11-1995 (có sửa đổi)

 

Chú-Thích:

 

(1). Chính Nguyễn Tuân tự thú rằng, sở dĩ những người như ông ta sống được đến ngày hôm nay (sau 30-4-1975) là vì ông ta biết “sợ”. Ông ta sợ bạo-lực, thủ-đoạn của Cộng-sản, ông còn biết mình “hèn” nhưng vì muốn sống; sau đó vì miếng đỉnh chung nên tiếp tục cam-tâm làm tay sai cho Cộng-sản. Con người ông thay đổi sau lần bài viết của ông bị ban kiểm-duyệt báo chí của Hà-Nội sửa đổi và bị gán cho lời phê: “Có vấn đề”

 

(2). Chế Lan Viên: Theo lời ông ta, sau hôm Hồ Chí Minh chết, “Chế Lan Viên ở trên gác một tuần liền, không ăn không ngủ, khóc sưng cả mắt vì thương nhớ bác Hồ”.

 

(3). Phùng Quán: Là người có những lời thơ chống Cộng mạnh mẽ nhất trong phong-trào “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”. Những bài thơ của ông được coi như là “những quả bom” bắn vào chế độ Hà Nội, đặc biệt là hai bài thơ “Chống tham ô lãng phí” và “Lời mẹ dặn”, có những câu như “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”... Ông bị bắt làm bản thú tội, bị đày đi chính huấn. Phùng Quán quê ở Phú Vang, Thừa Thiên, gọi Tố Hữu bằng cậu. Chuyện kể khi Tố Hữu làm phó Thủ- tướng, nhà thường đông khách, xe hơi đậu từng dãy dài trước nhà, nhất là vào các dịp lễ, ngày Tết. Sau khi Tố Hữu bị hất rơi đài, nhà vắng vẻ; lúc nầy Phùng Quán mới chịu đến thăm cậu. Khi tiễn Phùng Quán ra về, Tố Hữu nói: “Cậu nghĩ cháu dại. Nhưng suy cho cùng thì cậu cũng dại”.

 

Người đời không cho Phùng Quán dại mà chính Tố Hữu là người đại ngu. Hai cậu cháu đều để tiếng đời: Phùng Quán thì được tiếng thơm, Tố Hữu chịu tiếng ngu dại, bì nguyền rủa muôn đời, khó gột rửa.  

 

(4). Không có tự do trong sáng tác, người nghệ sĩ sẽ chết mòn...do đó sẽ không còn tác phẩm có giá trị! Chẳng hạn trường-hợp của Thế Lữ (còn có bút hiệu Lê Ta). Tuyên ngôn về tự do, được hình tượng hoá bằng ngôn ngữ của con hổ trong bài Nhớ Rừng. Phải chăng bài thơ này là sáng tác cuối của ông bởi vì sau khi trở về tiếp quản Hà Nội (1954) cho tới lúc qua đời, Thế Lữ hầu như ngừng sáng tác. Đối với giới văn-nghệ sĩ bị buộc phải ngưng sáng tác như người chết vì bị “cứa” cổ: chết vì bị cắt cổ thì chết ngay, ít bị đau đớn; chết bị cứa, cái chết đến từ từ, cái đau kéo dài, trong đau khổ tột cùng chầm chậm.

 

(5).Tô Hoài không viết nữa vì theo ông, viết làm gì khi “ở vào thời đại nhà văn phải gian dối, phải suy tôn lãnh-tụ”.

 

(6). Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, cụ Phan Khôi tuy không giống như những văn nghệ sĩ, trí thức khác (phải vào tù, đi lao động khổ sai, quản thúc,...) nhưng cuộc đời của ông là những ngày còn lại cô đơn, chán nản, buồn thảm cho riêng mình và những người bị chế-độ ruồng-bố. Ông có những vần thơ cù-nhầy như sau:

 

“Làm sao cũng chẳng làm sao

 Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao

Làm chi cũng chẳng làm chi

Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao”

 

Rồi ông đã ví mình như một con heo, sống dưới chế độ Cộng sản miền Bắc:  

 

“Đánh đùng một cái    

Kêu éc éc ngay

Bịt mồm, bịt miệng

Trói chân, trói tay ...

Từ dây đến cái đao

Chẳng còn bao xa“

 

và những câu trong bài thơ chúc thọ:

 

“Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi!

Thọ ta, ta chúc nọ phiền ai“

 

Bài thơ đến tai Nguyễn Công Hoan, một bồi bút đắc lực hòng kiếm miếng đỉnh chung. Hoan họa lại bài thơ bằng lời lẽ vô lễ, khiếm nhã với nhà thơ bậc đàn anh của mình:

 

“Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!

Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai

Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc!

 Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài

 Lô-dích, trước cam làm kiếp chó

 Nhân văn nay lại hít gì voi

 Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục,

 Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai“

 

Chế-độ Cộng-sản sinh sản, đào-tạo ra hạng người nịnh-nọt, bợ đỡ, hỗn-xược... hết chỗ nói, không bút mực nào tả xiết. Đó là đặc-điểm của chế-độ mà bọn họ đã đem thân phục-vụ. Câu ví người xưa để lại “Cha nào con nấy”, thật không sai vậy!

 

(7) Trong một tài liệu khác, hai câu đó trong một bài thơ ký tên là Hải Nam. Tuy nhiên, trong Nam Phong tạp chí số 8, tháng 2-1918, ở mục “Vịnh sử” có bài thơ ký tên là Vô danh thị, như sau:

 

Trèo non vượt bể biết bao công,

Một trận hồ Tây chút vẫy vùng.

Quắc thước khoe chi mình tóc trắng,

Cân thoa đọ với gái quần hồng.

Gièm chê đã chán đầy mâm ngọc,

Công cán ra chi mấy cột đồng.

Ai muốn chép công ta chép oán,

Công riêng ai đó oán ta chung.

 

(Bài đã đăng lần đầu vào lúc: 01:15:53 PM, May 29, 2006)

 

*   *   *



Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh