Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 06, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
TRUYỆN DÂN GIAN TẠI QUẢNG NGÃI
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

TÌM HIỂU SƠ LƯỢC VỀ TRUYỆN DÂN GIAN TẠI QUẢNG NGÃI.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Năm 1402, tướng nhà Hồ là Đỗ Mãn đem quân chiếm Chiêm Động (Quảng Nam ngày nay) và Cổ Lũy Động (Quảng Ngãi ngày nay) của người Chiêm Thành chia thành 4 châu : châu Thăng, châu Hoa (Quảng Nam), châu Tư và châu Nghĩa (Quảng Ngãi) rồi đưa dân vào lập nghiệp. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau đó, vào năm 1407, nhà Minh đem quân xâm lăng nước ta, nhân cơ hội nầy người Chiêm Thành nổi lên giành lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động, dân Việt phải bỏ vùng đất mới để quay về quê xưa.

Vậy là, phải đợi đến sau khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy Động, chiếm luôn thành Đồ Bàn (Bình Định) đuổi người Chiêm Thành chạy qua bên kia Đèo Cả vào năm 1471, thành lâp Thừa tuyên thứ 13 đặt tên làø Quảng Nam, người Việt mới thực sự lũ lượt vào định cư ở vùng đất mới chiếm của người Chiêm Thành, trong đó có đất Quảng Ngãi ngày nay.

Khi dắt díu nhau vào vùng đất mới để sinh cơ lập nghiệp, ngoài những tài sản vật chất cần thiết cho cuộc sống mới như trâu bò, cày bừa, giống má - dĩ nhiên là không kể đến quần áo, hay thực phẩm sinh sống cho buổi ban đầu - họ còn mang theo cả một di sản tinh thần quý báu trong trí nhớ của từng thành viên của xã hội, đó là các câu tục ngữ ca dao, những câu chuyện dân gian (truyện cười, truyện cổ tích...).

Chắc hẳn trong những năm tháng đầu tiên trên vùng quê hương mới, họ đã phải sử dụng những vốn tinh thần sẵn có để giải khuây trong hoặc sau những giờ lao động mệt nhọc hoặc giúp vui trong những dịp hội hè, lễ lạc, tết nhất bằng những giọng hò, điệu hát, bằng những câu chuyện kể của vùng quê hương cũ từ đồng bằng Bắc Việt hay miền bắc Trung Việt. Dần dà về sau, vì nhu cầu của cuộc sống mới, vì hoàn cảnh sinh hoạt của xã hội mới chung đụng với những cư dân bản địa như người Chàm, người sắc tộc miền núi (người Hré, người Cua và người Cà Dong), họ đã sáng tạo những bài ca, bài hò pha trộn những làn điệu dân ca của quê hương xưa với những làn điệu dân ca của người bản địa để tao ra những giọng ca, điệu hò mới làm phương tiện diễn xướng và bảo lưu, và qua sàng lọc của thời gian, các thế hệ người Quảng Ngãi đã để lại nhiều câu tục ngữ, nhiều bài ca dao mang bản sắc địa phương để góp mặt trong kho tàng tục ngữ ca dao chung của dân tộc.

Ngoài những tục ngữ ca dao, các thế hệ người Quảng Ngãi cũng đã sáng tác và lưu truyền nhiều câu chuyện kể dân gian với một nội dung phong phú với nhiều sắc thái đặc biệt.
* * *
Trong kho tàng văn chương bình dân của ta, truyện cười - trong một số trường hợp còn được gọi là truyện tiếu lâm, truyện khôi hài hay truyện trào phúng - chiếm một dung lượng thật dồi dào. Ngoài số truyện gọi chung là truyện cười, còn có một loại truyện cười có tên gọi riêng tùy thuộc vào nhân vật chính của truyện, đó là truyện Trạng Lợn, truyện Trạng Quỳnh, truyện Ba Giai Tú Xuất ở miền Bắc, truyện Xiển Bột ở vùng Thanh Nghệ, truyện Thủ Thiệm ở Quảng Nam, truyện Ông Ó, truyện Ba Phi ở đồng bằng sông Cửu Long...

Tuy Quảng Ngãi không sản sinh được những nhân vật khôi hài khét tiếng như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất... như được kể ở trên, thế nhưng, cùng mang dòng máu thích khôi hài trong huyết quản như mọi người dân Việt khác, người dân Quảng Ngãi cũng đã sáng tác ra một số truyện cười khả dĩ tạo cho cuộc sống kham khổ đầy bất trắc một nét tươi vui mang đúng bản chất yêu đời và tự tin của người dân xứ Quảng.

Có thể là những truyện vô thưởng vô phạt chỉ cốt kể cho nhau nghe để quên đi những phút giây lao động mệt nhọc như truyện “ông Dưa, ông Mướp” kể về tài nói khoác của 2 nhân vật mang tên là Dưa và Mướp. Ông Dưa khoe ông đi bừa gặp ngày nước lụt, ông phải vác bừa về nhà. Trên con đường lội nước về nhà, nghe thấy cá đụng chân rồn rột, ông bèn ném cái bừa xuống dòng nước lũ, khi kéo lên, mỗi răng bừa dính một con cá gáy!

Không chịu thua, ông Mướp kể rằng, ông có một con chó săn hay lắm, nó có tài ví con mồi chạy vào lưới, mười con không con nào thoát. Một hôm, con chó đang ví con chồn hương chạy vào bụi rậm. Ông lấy gậy đập con chồn chẳng may trúng đầu con chó vỡ ra làm đôi. Ông tiếc con chó quá, bèn rút sợi giây mây niền lại cái đầu cho con chó, chó ta bèn sủa cạch cạch.

Có thể là truyện nói lên cái tài biện bác giỏi, lý luận khéo của người dân xứ Quảng như truyện “Chim chà chiện đi kiện” nói về một con chim chà chiện làm ổ cạnh một cây đa ngoài cánh đồng lên thấu thiên đình để kiện một bác nông dân nhà ở giữa làng đã làm bể trứng của nó.

Truyện kể rằng:

-“Có một bác nông dân giận con chó hay cắn càn nên lấy roi quất cho chú chó mấy cái. Chó giận bỏ chạy, thấy gà đang ăn ngoài sân liền đuổi nà. Gà sợ quýnh bỏ chạy thẳng ra cánh đồng. Chạy lâu đói bụng, thấy ổ mối, gà bèn mổ kiếm mồi. Chẳng may gặp ổ mối lớn đang xông gốc cây đa, bị gà mổ mối bay tán loạn, ụ mối đổ, cây đa đổ theo và chận ngay ổ chà chiện làm bể trứng”.

Đầu đuôi câu chuyện được tóm tắt trong một câu “nói lối”thật thú vị :
“Người đánh chó - Chó ví gà - Gà mổ mối - Mối xông đa - Đa gãy chận bể trứng chà chiện”.

Quả đây là một hình thức lý luận thật chặt chẽ, từ nguyên nhân xa đến nguyên nhân gần, từ nguyên nhân gián tiếp đến nguyên nhân trực tiếp, và nguyên cáo (chim chà chiện) đã dồn bị cáo (bác nông dân) vào chỗ không thể “chạy tội” được nữa!!

Để châm chích hạng người chỉ chực vào miếng ăn ngon, không biết tính toán thiệt hơn, có chuyện “Ăn Bữa Giỗ” kể rằng:

“Xưa có một anh chàng háu ăn. Nhà hàng xóm có giỗ, anh tin thế nào cũng được mời. Chiều hôm trước đi cày về, anh ta hỏi vợ xem có ai sang mời ăn giỗ không, vợ bảo là không có. Sáng hôm sau, anh ta bỏ buổi cày, ở nhà quyết chờ cho được mời. Đến gần trưa vẫn không thấy ai sang. Anh ta bèn lấy con dao phay leo lên cây mít cạnh nhà người hàng xóm chặt một cành. Chặt đến gãy cả con dao, cành mít mới chịu lìa và rớt xuống phía nhà hàng xóm. Anh ta ôm cành mít nhảy theo. Người nhà có giỗ thấy cành mít đổ vội vàng chạy ra xem mới hay anh hàng xóm chặt mít, bất đắc dĩ phải mời anh ta vào ăn giỗ”.

Từ đó, trong dân gian truyền tụng câu: “ăn bữa giỗ, lỗ bữa cày, gãy dao phay, hư cây mít”. (Thái Tường, Đặc San Quảng Ngãi Nam Cali Xuân Bính Tý, 1996)

Người Việt khi rời bỏ quê hương miền Bắc để vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất mới là Quảng Ngãi ngày nay, dĩ nhiên là họ đã mang theo cả đời sống tín ngưỡng của mình.

Tin vào sự hiện hữu của ma quỷ là xác nhận sự hiện hữu của những hiện tượng vô hình mà con người, trải qua nhiều thời đại, đã không giải thích được. Do đó, người dân xứ Quảng cũng đã từng tin vào “thần cây đa, ma cây đề”, cũng như họ đã từng tin vào những chuyên “ma trâu thần rắn”.

Từ những niềm tin vào những hiện tượng siêu linh vô hình đó, người dân Quảng Ngãi cũng đã vẽ nên những câu chuyện ma quỷ thật rùng rợn, thật hấp dẫn. Nhất nữa, vùng đất mà họ đang lập cư lại là vùng đất của người Chiêm Thành, thế nên trong hàng loạt truyện ma quỷ, có nhiều truyện kể về ma Hời.

Những câu chuyện về Ma Hời thường được lưu hành ở các vùng còn để lai dấu tích của người Chàm như ở vùng Châu Sa (Sơn Tịnh) nơi có thành cổ của người Chiêm Thành, vùng Thị Xã Quảng ngãi và các vùng lân cận nơi có nhiều di tích Chàm được phát hiện sau nầy, vùng Cổ Lũy, Phú Thọ và vùng Thu Xà thuộc miền đông quận Tư Nghĩa, chung quanh vùng Trường Bà ở Trà Bồng. Truyện Ma Hời phần nhiều xoay quanh chủ đề ma đi tìm vàng trong đêm, hình ảnh những con ma cụt đầu chạy theo những khối vàng sáng rực chạy trong đêm và chạy đến khi nào nó biến mất thì người ta bảo ngày xưa nơi đó là mả Hời.

Người Việt gốc Hoa và cả người Việt ở vùng Thu Xà (miền đông quận Tư Nghĩa) cũng hay thường kể cho nghe về “Những con ma trong chùa Hải Nam”, một ngôi chùa trong đó thờ 108 người Trung Hoa lập cư tại Thu Xà, vào đời vua Tự Đức, nhân dịp cuối năm họ về quê hương Trung Hoa và bị bon cướp biển giết sạch.

Người ta kể rằng cứ đêm đêm, vào lúc nửa khuya, thường nghe tiếng người nói chuyện, tiếng người đi lại, tiếng con bài “mạt chược” khua lách cách trong ngôi chùa. Có khi người ta còn nghe cả tiếng khóc than, tiếng kêu cứu vẳng ra từ ngôi chùa nghe thật rùng rợn và họ bảo đó tiếng kêu khóc của 108 oan hồn.

Ở vùng Thị xã và lân cận thường hay kể cho nhau nghe về truyện “Hai Con Yêu Ở Cửa Nam”, truyện kể về việc xây thành Quảng Ngãi vào thời vua Gia Long để bảo vệ khu hành chánh của chính quyền đương thời. Truyện kể rằng, thành Quảng Ngãi có 4 cửa xây theo kiểu Vauban (tên một kỹ sư người Pháp) rập khuôn theo kiểu thành của kinh đô Huế, gồm có 4 mặt tường thành có đào hào sâu ở bên ngoài, đoạn giữa mỗi tường thành xây một cái cổng lớn có cửa bằng gỗ.

Trong lúc đang xây cổng phía Nam thì có 2 người đàn bà đến thăm chồng là dân phu đang làm xâu ở đó. Lợi dụng lúc đêm hôm khuya khoắt, 2 người đàn bà bị tên đốc công hãm hiếp rồi giết chết để phi tang. Và cũng từ đó, hồn 2 người đàn bà biến thành 2 con quỷ thường về quấy phá đám dân phu xây thành và cổng, và hễ ban ngày cổng xây xong thì ban đêm tự nhiên cổng bị sập. Cứ như thế nhiều lần, nhiều người đã bị chết, do đó lệnh trên ban xuống không cho xây cửa Nam nữa.

Do đó, tại Thị xã, chúng ta được biết các cửa Tây, cửa Đông và cửa Bức (Bắc) nhưng không nghe nhắc đến tên cửa Nam. Không có cửa Nam là do sự tích nầy mà ra.

Ở vùng nông thôn cũng thường xuất hiện nhiều loại truyện ma thật rùng rợn. Chẳng hạn: truyện “người bị ma giấu”. Họ kể rằng, có người đi cả đêm không về, đến khi cho người đi tìm thì thấy người ấy đang ngồi chùm hum giữa một bụi tre gai rậm rạp, miệng ngậm đầy phân bò, người ta phải dùng rựa rong sạch bụi tre gai mới lôi người ấy ra được!

Loại truyện “Yêu tinh biến thanh gái đẹp” thường xuất hiện ở những vùng có ngôi miếu cổ núp bóng dưới một cây đa cổ thụ. Truyện thường kể rằng, vào những buổi trưa hè nắng gắt, người ta thấy xuất hiện dưới bóng cây đa một cô gái tuyệt đẹp, áo quần tha thướt, tóc xõa kín lưng, đang đứng thơ thẩn như dáng chờ đợi ai. Hễ có một gã đàn ông nào đi ngang, cô gái liền chận lại bắt chuyện rồi dẫn đi.

Đến một lúc nào đó người quan sát chỉ còn thấy người đàn ông, còn cô gái thì biến mất không biết từ lúc nào, sau đó, người đàn ông sẽ bị điên dại; hoặc vào những đêm trăng mờ ảo, đi ngang qua cây đa, người ta thường thấy hình ảnh một cô gái quần áo trắng muốt, tóc xõa chấm gót, đeo tòn ten trên một cành đa để trêu ghẹo khách bộ hành! Hoặc thấy cô gái đi tha thướt trên đường nhưng nằm sát đất để quan sát thì thấy đôi chân của cô gái không hề chạm đất !

Về phương diện tinh thần, họ còn mang theo cả nếp sống tôn giáo cố cựu của quê hương miền Bắc. Đó là Phật giáo. Có thể đã có rất nhiều những câu chuyện kể thật đơn sơ mang tính chất Phật giáo xuất hiện rất sớm trong dân gian, thế nhưng đến ngày nay ta không còn được biết những câu chuyện cách đây hàng ba, bốn trăm năm. Và nay ta chỉ còn nghe kể những câu chuyện mang ảnh hưởng Phật giáo cùng tồn tại với di sản vật chất tiêu biểu cho tôn giáo mang tính chất dân tộc nầy, đó là các ngôi chùa.

Ngôi chùa lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là chùa Thiên Ấn được hòa thượng Pháp Hóa cho xây cất từ năm 1694 và được chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự” từ năm 1716. Bởi vì nó được xem là ngôi chùa xuất hiện đầu tiên của tỉnh nhà, nên người ta còn gọi nó là tổ đình Thiên Ấn. Cùng tồn tại với tổ đình Thiên Ấn, còn có những câu chuyện có liên quan đến ngôi Chùa này, đó là chuyện “Giếng Phật” còn gọi là chuyện “Ông Thầy đào giếng trên non”, chuyện “Chuông Thần” .

Chuyện “Giếng Phật” kể rằng, Pháp Hóa Hòa Thượng, nhà sư khai sơn chùa Thiên Ấn, mỗi lần cần nước dùng phải đi bộ xuống lưng chừng núi mới có khe nước uống. Do đó, Hòa thượng phát tâm đào một cái giếng trước mặt ngôi thảo am ngay đỉnh núi. Hòa thượng vừa bắt đầu khởi công thì có một nhà sư trẻ không biết từ đâu đến xin được tá túc và góp công đào giếng với Hòa thượng. Hai thầy trò hì hục đào cả mấy năm ròng. Sau khi giếng có nước nhà sư trẻ cũng biến đi đâu mất, do đó trong dân gian mới truyền tụng câu:

Ông thầy đào giếng trên non
Đến khi có nước không còn tăm hơi.

Truyện “Chuông thần” kể về việc thỉnh chuông của Hòa thượng Bảo Ấn, vị tổ thứ ba của Tổ đình. Chuyện kể rằng:

-“Một hôm trong giờ thiền định, Bảo Ấn thấy một vị hộ pháp tới làm lễ và mách rằng tại làng Chú Tượng (hiện nay là ấp Chú Tượng, xã Đức Thọ, quận Mộ Đức, tỉnh quảng Ngãi) có một quả Đại hồng chung, nên đến để thỉnh về chùa. Xuất định, ông nhờ một vị tăng tên là Điền Tọa đi đến làng Chú Tượng dò hỏi.Tại đây, dân làng nói rằng họ vừa đúc xong một Đại Hồng Chung để dùng trong chùa làng, nhưng vì chuông không kêu nên ban chức việc định phá ra đúc lại. Sư Điền Tọa hỏi mua lại cho chùa Thiên Ấn.

Lễ khai chuông tổ chức tại chùa Thiên Ấn với bao nhiêu hồi hộp bởi vì ai cũng nghi ngại cho rằng chuông sẽ không kêu. Nhưng thiền sư Bảo Ấn vẫn im lặng chú nguyện. Đến khi ông cầm dùi chuông “khai chung” thì một tiếng ngân tròn và ấm vang lên vọng khắp núi đồi. Quả chuông hiện nay vẫn còn ghi tên làng Chú Tượng và được treo phía tả chính điện Thiên Ấn”. (VNPGSL, Nguyễn Lang, trang 596)

Truyện “Chùa Ông Rau” kể về một nhà tu không biết từ đâu đến núi Long Phụng (Mộ Đức) dùng một hang đá làm nơi tu hành. Nhà sư chỉ ăn rau trái để sống, nhà sư còn trồng rau trái thật nhiều để cho dân địa phương dùng mỗi khi sớ lỡ và chính nhà sư thì dùng cây cỏ để chữa bệnh cho dân chúng. Từ đó họ gọi Ông là ông Đạo Rau và ngôi chùa mang tên là Chùa Ông Rau.

Nhà sư trẻ trong truyện “Giếng Phật” mang hình ảnh của một vị Bụt, hay một vị Tiên trong truyện cổ tích truyền thống. Theo tín ngưỡng của dân gian xưa, Bụt và Tiên luôn có mặt bên cạnh con người mỗi khi con người cần một sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi gian nguy thử thách.

Truyện “Chuông Thần” nói lên kết quả thần diệu của một lời chú nguyện của một nhà sư tu hành đắc đạo.

Truyện “Chùa Ông Rau” nói lên tinh thần vị tha cao độ của một vị chân tu luôn sống và tu hành vì mọi người, lo cho mọi người và từ đó mới có thể gây niềm tin trong quần chúng để có thể dẫn dắt quần chúng đi về lẽ đạo qua những giờ giảng pháp.

Nếu tính từ khoảng thời gian các vua Hùng bắt đầu dựng nước cách đây gần 5 ngàn năm, thì sự xuất hiện của tỉnh Quảng Ngãi trên bản đồ Tổ quốc con quá non trẻ. Thế nhưng, dù có non trẻ là non trẻ về lãnh thổ chứ về con người thì cũng vẫn là những con người của xứ Bắc ngàn năm văn vật, vì cuộc sống phải lìa xa quê cha đất tổ, nhưng khi ra đi họ cũng mang theo những di sản tinh thần quí báu đó là kho tàng truyện thần thoại, và do vậy, khi vào đất mới, họ có sáng tạo ra một số truyện mới nhưng nét thần kỳ vẫn hiển hiện trong nhiều truyện như truyện “Quan Chiếu Vương”, truyện “vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà Khúc”, truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”, truyện “Bạch Hổ đại vương” ở Trường Bà, Trà Bồng, truyện “Mảnh nhung y điểm huyết” với sự tích “hiển thánh” của Trấn Bắc Tướng quân Bùi Tá Hán...

Ở quận Trà Bồng có Trường Bà, còn gọi là Điện Trường Bà tọa lạc tại làng Xuân Khương (xã Trà Khương) xây cất từ đời Lê Hy Tông (1676) thờ Ngọc Nữ Nương Nương, còn gọi là Thần Ngọc Phi Thánh Nữ Nương Nương. Ngọc Nữ Nương Nương nguyên là Nữ thần Thiên-Y-A-Na của dân tộc Chàm.

Tương truyền, khi những người Chiêm Thành cuối cùng rời bỏ đất Quảng Ngãi, dân Việt mới định cư tại đây vẫn tiếp tục được nữ thần che chở khỏi nạn cướp bóc của các nhóm dân miền cao nên Nữ thần đã được các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn sắc phong là Thượng Đẳng Thần. Dân địa phương kể rằng Trường Bà rất linh thiêng. Xưa kia, mỗi khi có nạn cướp của người sắc tộc thiểu số (người Cua, người Cà Dong), dân làng bồng bế dắt díu nhau vào trú trong Trường Bà và bọn cướp không dám làm gì. Ngoài việc thờ phượng nữ thần Ngọc Nữ Nương Nương, trước điện thờ còn có ngôi mộ của “Bạch Hổ Đại Tướng Quân”

Truyện “Bạch Hổ Đại Tướng Quân” kể sự tích một con cọp có sắc lông màu trắng (bạch hổ) đã có công cứu dân làng trong một cuộc cướp phá của người sắc tộc thiểu số và sau đó được dân chúng thờ phượng và truyền lưu cho nhau về câu chuyên Bạch Hổ cứu dân làng.

Truyện kể rằng:

-“Cứ vào độ tháng Chạp âm lịch, bọn cướp thường xuống làng cướp của, bắt người. Năm nọ, ông Bạch Hổ đến đón ở cổng làng, chờ bọn thổ phỉ đến. Ông Bạch Hổ bắt chúng bứt đầu, giết sạch bọn phỉ và treo đầu bọn ấy lên cành đa, nay dân làng vẫn gọi là “cây Đa treo đầu mọi”. Sau đó, Bà (tức Ngọc Nữ Nương Nương) ứng vào xác đồng bảo dân làng tôn ông Bạch Hổ làm “trùm cả” (trùm cả là người lớn nhất trong làng, ngày tế lễ lớn trong làng được đúng ra làm chủ bái). Các bô lão thấy sự linh ứng hiển nhiên nên đã tâu trình lên Vua, và Vua đã sắc phong là “Ngọc Nữ nương nương”. Qua các triều đại, Trường Bà đều có sắc phong và Thần Cọp Trắng được phong là Bạch Hổ Đại Tướng Quân” (theo Nguyễn Hoài Nam trong Quảng Ngãi Quê Ta - Đặc san Quảng Ngãi Xuân Ất Hợi, 1995)

Có những câu chuyện mang tính chất giáo dục đạo đức thật sâu sắc như các truyện hiếu tử Nguyễn Văn Danh giết hổ báo thù cho cha, chuyện Mả Lùm nói về sự phát tích của dòng họ Trương ở Mỹ Khê...

Chuyện “Giết cọp báo thù cho cha” nói về lòng hiếu đạo của tú tài Nguyễn Văn Danh người đất Trà Bường (phía tây quận Sơn Tịnh). Nhà ông ở gần núi. Cha ông một hôm đi dạo ruộng bị cọp vồ mang vào núi. May dân làng hay kip, đuổi cọp và lấy được xác người. Ông xem dấu chân cọp, biết đây là con cọp thọt chân sau. Ông làm bẫy bắt cọp. Ông bắt được nhiều cọp nhưng đều thả ra làm phúc vì ông bảo chúng không phải là con cọp bị thọt một chân. Đến khi bắt được con cọp thọt chân, ông giết cọp tế cha, sau được vua phong cho biển ngạch “Hiếu tử khả phong”.

Truyện “Mả Lùm” nói về đời sống và bản chất chân thực của một gia đình nông dân đào được hũ vàng chôn trong vườn mà không màng tới, cất đi để đợi chủ của nó đến nhận. Quả nhiên, một thời gian sau, có người khách từ bên Tàu sang tìm hũ vàng và được vợ chồng bác nông dân trao lại nguyên vẹn. Ông khách đòi chia nửa hũ vàng cho gia chủ nhưng 2 vợ chồng bác nông dân nhất quyết không nhận vì bảo rằng đó không phải do mồ hôi nước mắt của họ làm ra nên họ không dám nhận.

Nằn nì mãi, thấy vợ chồng người nông dân nhất quyết từ chối, người khách trở về Tàu và năm sau lại sang mang theo một nhà địa lý đại tài và đã tìm cho bác nông dân một huyệt mộ rất tốt “Tam đại công hầu, nhất đại vương” (ba đời làm quan to, một đời làm vua). Nơi đó có 3 cây lớn chụm vào nhau. Đến khi người chồng qua đời, người vợ táng chồng vào ngôi huyệt nói trên. Rồi bà tiếp tục công việc đồng áng và nuôi con ăn học. Người con đó chính là Trương Đăng Quế sau nầy. Về sau con cháu của Trương Đăng Quế có nhiều người làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn. Câu chuyện nêu lên tấm gương đạo đức chân thực và đời sống đạo đức đó đã được đền bù một cách xứng đáng.

Truyện “Quan lớn Trương dạy con gái” nói lên quan niệm giáo dục nghiêm khắc của một gia đình Nho giáo và chính cách giáo dục nghiêm khắc đó đã có thể giữ vững được đời sống gia đình theo quan niệm của Nho gia xưa. Chuyện kể rằng, Trương Quang Để, con trai của Phụ Chính Đại Thần Trương Đăng Quế, làm quan to trong triều. Ông có cô con gái cưng đã đến tuổi dậy thì. Quan lớn Trương chọn khách đông sàng là một gã học trò nghèo mồ côi nhưng nức tiếng hay chữ đang ở với người chú. Người con trai đó tên là Tạ Tương. Người ta thì “đại đăng khoa” (thi đỗ) rồi mới “tiểu đăng khoa” (cưới vợ). Tạ Tương thì ngược lại! Cô con gái một vị đại quan về làm dâu nhà nghèo thấy cảnh nhà bần bách thì có vẻ khinh thường! Sau hôm rước dâu, cô dâu nằng nặc đòi về nhà cha mẹ và mấy hôm sau nàng cắp nón về nhà thật. Vừa về đến nhà, cô gái đã bị thân phụ bắt đội một cái mâm thau trên đặt một chiếc roi mây bắt phải quay về nhà chồng tạ tội lập tức. Làm đúng theo nghiêm lệnh của thân phụ, cô gái trở thành một cô dâu hiền thục, một người vợ đảm đang và mấy năm sau Tạ Tương thi đỗ Tiên sĩ, rồi ra làm quan thăng đến Thượng Thư!

Truyện “Tranh nhau pho tượng” nói lên sự phân xử khôn ngoan, hợp tình, hợp lý của một cô gái đối với những người đã tạo nên sự sống cho cô.

Truyện kể rằng:

“Một người thợ mộc tạc một pho tượng đàn bà bằng gỗ, rồi một người thợ bạc đúc vòng xuyến đeo vào tay cho tượng; tiếp đến một người thợ may may áo quần mặc vào mình tượng. Cuối cùng nhờ một thày phù thủy “khai quang điểm nhãn”, tượng bỗng biến thành một cô gái xinh đẹp, hoạt động như người thật.

Từ đấy cả 4 người giành nhau, ai cũng kể công lao và đòi lấy cô làm vợ. Hỏi cô gái, thì cô phân xử như sau: người thợ mộc là cha, người thợ may là mẹ, người phù thủy là thầy, còn người thợ bạc mới là chồng”. (Kho Tàng..., tập I, trang 467). Quả đây là một phân xử hợp tình và hợp lý: tạo ra hình thù của nàng phải là cha của nàng tức người thợ mộc; cho nàng quần áo để mặc (cơm ăn, áo mặc) phải là mẹ của nàng tức người thợ may; cho nàng ánh sáng của đôi mắt nghĩa là tạo cho nàng sự hiểu biết dĩ nhiên phải là thầy của nàng tức người phù thủy; còn người thợ bạc tạo cho nàng những trang sức của một người phụ nữ, tức là làm đẹp cho người phụ nữ, người ấy chính là chồng của nàng vậy!

Đối với những danh nhân có công trạng to lớn vói quê hương, xứ sở, đã đem xương máu và tài trí của mình và để lại tên tuổi trong sử sách đều được dân gian nhắc lại bằng những câu chuyện kể với lòng ngưỡng mộ và sùng kính đặc biệt.

Câu chuyện “Hiển thánh” với “Chiếc nhung y điểm huyết” kể về Trấn Bắc Quận Công Bùi Tá Hán, vị tiền hiền của miền núi Ấn sông Trà, đã cho ta thấy tấm lòng của một nhà cai trị có tài một lòng vì dân, vì nước.

Chuyện kể rằng: Bùi Tá Hán nguyên người đất Hoan châu (tức Nghệ An ngày nay) được vua Lê cho vào trấn thủ Quảng Nam Thừa tuyên và Ngài đã chọn làng Thu Phổ, nay thuộc xã Tư Quang, quận Tư Nghĩa làm quê hương.

Ngài đã đem cả tài trí và tâm huyết để cai quản vùng đất biên địa của Tổ quốc. Ngài đã khuất phục được giống người Thượng, tạo cuộc sống yên ổn cho dân chúng ở miền xuôi, lại gây được tình đoàn kết Kinh Thượng. Để phòng ngự vùng biên giới phía Nam giáp Chiêm Thành, ngài thường ra vào vùng đất Phú Yên để lập đồn lũy. Đang hành hạt ở Phú Yên, Ngài nghe tin quân Trịnh đem quân vào đánh Nguyễn Hoàng đang trấn thủ đất Thuận Hóa, Ngài tức tốc cưỡi con thần mã cùng với mấy tên cận vệ quay về Quảng Nam để lấy quân tiếp cứu cho Nguyễn Hoàng.

Tại Quảng Ngãi, người Thượng Đá Vách nhân thấy vắng quan Trấn thủ lại nghe có giặc giã ở phía Bắc liền xuống đồng bằng quấy phá cuộc sống yên ổn của người Kinh. Con của Ngài là Tứ Dương Hầu Bùi Tá Thế đem hết sức lực điều binh khiển tướng chống lại với giặc Đá Vách. Vừa về đến Quảng Ngãi, biết người Đá Vách lại làm phản, Ngài tung con chiến mã vào giữa chiến trận tại một chiến địa mà nay gọi là Rừng Lăng tả xông hữu đột chém giặc như chém chuối. Đến khi trận chiến tàn, giặc Đá Vách bỏ chạy về rừng, người ta không thấy Bùi Tá Hán đâu cả mà chỉ thấy trên chiến trận một mảnh nhung y con dính máu của Ngài và dân chúng địa phương tin rằng Ngài đã “hiển thánh”.

Từ đó sắc dân Thượng Đá Vách xem Ngài như một vị Thần và mỗi lần cầu cúng họ đều nhắc đến tên của Ngài. Chúa Nguyễn sau nầy đã gia phong cho Ngài làm “Khuông Quốc Tịnh Biên Thọ Đức Thượng Đẳng Thần”.

Ngoài truyện “Chiếc nhung y điểm huyết” và sự “hiển thánh” của Trấn Quận Công Bùi Tá Hán, người dân địa phương còn lưu truyền nhiều câu chuyện có liên quan đến Ngài như truyện “Cá Ông” trên dòng sông Trà Khúc, truyện kể về một con cọp đen trên núi Thiên Ấn ngày xưa được Ngài hứa phong thần gọi là “Cọp Ông” hay câu chuyện về người cận vệ trung thành của Ngài tên là Huy Hạ Xích Y Hầu mà ngày nay vẫn còn pho tượng thờ chung với Ngài ở Lăng Bùi Tá Hán thuộc xã Tư Quang.

Ngày nay, tại quê của Ngài còn một ngọn núi gọi là núi Ông, tục truyền là nơi Ngài đã hiển thánh. Và trong lăng thờ Ngài tại xã Tư Quang còn ghi 2 câu đối nói về sư tích nầy:

Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu
(Người lẫn ngựa đi đâu chẳng biết,
Linh còn truyền điểm huyết áo nhung)

Truyện “Quan Tiễu phủ sứ ăn sỏi” kể về sự tích Sơn Phòng Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn người Thạch Trụ, quận Mộ Đức đã dùng mưu lược để khuất phục người Thượng Đá Vách.

Truyện kể rằng, quan Sơn Phòng Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn người Mộ Đức đã cùng với quân sĩ của mình nhiều lần đem quân đánh với người thượng Đá Vách . Sau mỗi trận chiến, quan Tiễu phủ sứ đều tìm hiểu cặn kẽ những nguyên do đưa đến những kết quả. Cuối cùng một phần lớn bọn tù trưởng chịu qui hàng. Tuy nhiên, đối với Nguyễn Tấn, làm cho giặc qui hàng tương đối dễ, nhưng cai trị được đám giặc qui hàng mới là điều khó.

Vì vậy, sau nhiều lần nghiên cứu, ông biết rằng phải làm thế nào cho nhóm người nầy tâm phục mình thì mới dễ sai khiến. Sau khi đặt kế hoạch đâu vào đấy, ông cho mời đám tù trưởng người Thượng đến đại bản doanh của ông để thương nghị.

Trước đó, ông đã sai quân hầu lấy đường phèn rải chung với đá cuội dọc theo hàng hiên trước mặt đại bản doanh. Khi bọn tù trưởng đã đến đông đủ, ông thét tên quân hầu ra hàng hiên lấy sỏi vào cho ông ăn uống nước trà. Tên quân hầu biết ý ra hàng hiên nhặt vào một dĩa đá cuội có trộn lẫn với đường phèn là loại đường đặc sản của Quảng Ngãi bưng vào đặt trước mặt quan Tiễu phủ sứ. Ông thản nhiên lượm từng viên đường phèn bỏ vào miệng nhai nghe rào rạo trước con mắt kinh ngạc của dám tù trưởng. Bọn chúng kháo với nhau rằng quan Tiễu phủ sứ quả là vị tướng của nhà trời và vì vậy mà họ rủ nhau lục tục ra đầu hàng quan Tiễu phủ sứ và từ đó dân chúng miền xuôi được sống yên ổn trong một thời gian khá lâu.(theo Nguyễn Đức Cung trong Lịch Sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư)

Người Việt khi vào sinh sống tại vùng đất Quảng Ngãi ngày nay, lúc đầu họ sinh sống ở những vùng đồng bằng trù phú để phát triển nông nghiệp hay những vùng ven biển để sống bằng ngư nghiệp. Dần dần về sau họ bắt đầu tìm cách liên hệ với sắc dân Chàm bản địa còn lưu cư ở các vùng hẻo lánh hay các sắc dân miền cao, đó là người Cua, người HRê và người Cà Dong, để trao đổi hoặc buôn bán những vật dụng cần thiết trong đời sống.

Chính trong những sự giao tiếp cần thiết và liên tục nầy, người Kinh đã thu thập được một số truyện dân gian của người Chàm và người Thượng làm vốn liếng cho truyện dân gian của người Kinh, chẳng hạn như truyện “Chàng Sọ Dừa” nguyên gốc của người Chàm, “ Sự tích con chim Bóp Bóp” của sắc tộc thiểu số Sơn Hà, Trà Bồng...

Truyện “Chàng Sọ Dừa” kể rằng, có một cô gái nhà nghèo một hôm đến tắm ở một mạch nước từ một tảng đá khổng lồ chảy ra và từ đó nàng mang thai, sinh ra một khối thịt tròn như cái sọ dừa, nhân đó người ta gọi tên cậu bé là Sọ Dừa. Sọ Dừa hay ăn chóng lớn. Đến năm 17, 18 tuổi Sọ Dừa xin vào làm người chăn đàn trâu hàng trăm con cho nhà Vua. Sọ Dừa cam đoan không cần người phụ giúp, nhà Vua bằng lòng.

Từ đó, hằng ngày Sọ Dừa lùa đàn trâu vào rừng cho ăn cỏ. Mỗi ngày, nhà vua đều giao cho công chúa Út mang cơm cho Sọ Dừa. Để thử tài của Sọ Dừa, nhà vua bắt chàng ngoài việc chăn trâu còn phải đốn cây và lấy dây mây để làm thêm cung điện.

Chàng chỉ lấy một ngày mà cả trăm dân phu vận chuyển mấy ngày mới hết. Một hôm, công chúa Út mang cơm vào rừng, nàng bất chợt thầy trong khu rừng hiện ra một cung điện nguy nga có kẻ hầu người hạ. Nàng hú cho Sọ Dừa ra nhận cơm thì cảnh lâu đài liền biến mất. Công chúa Út để ý đến Sọ Dừa, trong lúc đó 2 công chúa chị mắng chửi Sọ Dừa không tiếc lời. Chăn trâu cho nhà vua được một thời gian, Sọ Dừa nằng nặc đòi mẹ đi cưới một trong 3 nàng công chúa cho chàng.

Vì thương con, bà mẹ đánh liều vào cung vua xin cầu hôn cho con trai. Vua hỏi 3 nàng công chúa, công chúa Út bằng lòng. Hai cô chị nghĩ là em mình điên nên cố hỏi xem đêm động phòng của cô em út như thế nào.

Cô gái thực tình nói rằng, ban ngày chàng là một cục thịt lăn tròn như cái sọ dừa, nhưng ban đêm chàng bỏ lốt sọ dừa và biến thành một chàng trai vạm vỡ, xinh đẹp vô ngần. Hai cô chị không tin bèn rình xem thử. Quả nhiên đúng như lời cô em mô tả. Từ đó 2 cô chị đâm ra ghen với cô em nên tìm mọi cách hãm hại. Sống với vợ một thời gian, Sọ Dừa bàn với vợ để mình đóng thuyền đi buôn. Cô vợ bằng lòng. Hai cô chị xin cùng theo.

Nhân lúc Sọ Dừa mải mê lái con thuyền, 2 cô chị xô cô em xuống biển. May nhờ chiếc nhẫn thần là vật sính lễ của Sọ Dừa nên nàng không chết đuối và được thủy thần cứu sống. Hai cô chị tìm mọi cách lấy lòng Sọ Dừa nhưng chàng chỉ nhớ thương vợ mà thôi. Về sau hai vợ chồng lại đoàn tụ và Sọ Dừa được nối ngôi trị vì thiên hạ.

Truyện “Sự tích con chim bóp bóp” kể rằng, có hai chị em nhà nọ, ban ngày cha mẹ đi làm trên rẫy, hai chị em ở nhà chơi đùa với nhau. Hết tháng nầy sang năm khác, hai chị em mỗi ngày một lớn. Đến tuổi dậy thì, đôi nhũ hoa của người chị đã mẩy, người em thấy lạ bèn lấy tay bóp nhũ hoa của chị. Lần đầu, người chị rầy người em. Nhưng sự việc xảy ra nhiều lần khiến người chị rất tức giận. Thế nên, có một lần, quen tay, người em lại bóp nhũ hoa của chị. Chị giận quá bèn nhắng nhiếc em thậm tệ rồi đánh em một trận nên thân. Người em buồn tủi và xấu hổ, bỏ chạy vào rừng sâu.

Nó đi và đi mãi cho đến khi lả đi, trút hơi thở cuối cùng và biến thành con chim luôn miệng kêu “bóp bóp”. Chờ em mãi đến chiều vẫn không thấy em về, người chị hốt hoảng vùng chạy đi tìm em và cuối cùng người chị cũng lả đi và trút hơi thở cuối cùng và biến thành con chim. Cứ vào nửa khuya về sáng, hễ đầu núi có tiếng kêu “bóp bóp” (của người em) thì cuối núi lại nghe tiếng đáp lại “bóp thì bóp” (của người chị).

Loại truyện kể về nguồn gốc của loài vật hay về địa hình sông núi của mỗi đia phương đều do óc tưởng tượng của người dân mỗi vùng tạo nên.

Truyện “Sự tích con chim bóp bóp” là căn cứ từ tiếng kêu của loài chim nầy rồi tưởng tượng ra câu chuyện như được tóm tắt ở trên. Tại Quảng Ngãi còn có truyện “Sự tích con chim đa đa” cũng có kết cấu gần tương tự. Truyện kể rằng, “Một người vào năm đói đi xin con rể một ít lúa về ăn.

Lúc đến nơi, chàng rể đi vắng, chỉ có con gái mình ở nhà. Nhưng con gái từ khi giàu có, quên cả tình cha con chỉ cho cha một bị lúa lép trên có rắc một ít lúa chắc. Cha ra về dọc đường gặp chàng rể. Chàng rể tốt bụng cầm bị lúa của vợ cho cha. Biết rõ sự thật, bèn dắt cha về nhà lấy cho cha một bị thóc, và trong khi giận dữ đánh vợ một bắp cày, không may vợ chết. Vợ hóa ra chim đa đa luôn mồm kêu câu:”Cách ca ca, bốc chép (lúa lép) cho cha”. (Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng, phần khảo dị trang 196).

Như trong truyện trên đây, tưởng tượng về tiếng kêu của con chim đa đa, người Quảng Ngãi mường tượng ra câu “cách ca ca, bốc chép cho cha”, trong lúc đó, người miền Bắc lại có câu chuyện về cách đối xử tàn ác của người cha ghẻ đối với con riêng của vợ bằng cách bỏ đứa bé trong rừng với một chén cơm chỉ có lớp cơm với quả cà trên mặt, còn bên dưới toàn là cát. Đứa bé chết đi biến thành con chim đa đa luôn miệng kêu “bát cát quả cà, bát cát quả cà”.

Còn các nhà nho thì cho chim đa đa là kiếp sau của Bá Di, Thúc Tề con vua nước Cô Trúc nhà Thương của nước Trung Hoa cổ không chịu ăn lúa nhà Châu, trốn vào núi Thú Dương ăn rau vi sống qua ngày , sau đành chịu chết đói biến thành loài chim đa đa luôn miệng kêu “bất thực cốc Châu gia” (không ăn lúa nhà Châu).

Trên đây tôi đã tóm tắt một số truyện tiêu biểu trong kho tàng truyện dân gian của người Quảng Ngãi và thử đưa ra một số nhận định cho từng truyện hay từng loại truyện. Sau đây tôi nêu lên một số đặc điểm về truyện dân gian tại Quảng Ngãi:

* Có nhiều truyện có liên quan đến Cao Biền, một viên quan cai trị đời nhà Đường như truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà”, truyện “Quan Chiếu Vương”, truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”, sự tích “Hòn Nghê” ở Sơn Tịnh, sự tích “La Hà thạch trận” ở Tư Nghĩa, sự tích núi Xương Rồng ở Đức Phổ.

Trong mỗi một truyện có dính dáng đến Cao Biền đều để lộ bản chất vừa độc ác, vừa quỷ quyệt của một tên quan cai trị nói riêng và của cả một hệ thống đô hộ tàn ác của người Trung Hoa nói chung, nhằm triệt tiêu những vượng khí của đất Việt (địa linh), hòng tiêu diệt nhân tài tương lai của nòi Việt (nhân kiệt). Thế nhưng, dù Cao Biền có phá hủy long mạch của đất Long Đầu thì nhân tài Việt xuất thân từ Quảng Ngãi cũng không bao giờ hết. Bằng chứng là dân gian vẫn còn kể cho nhau nghe:

- về “chiếc nhung y điểm huyết” của Trấn Quận công Bùi Tá Hán và sự hiển thánh của Ngài,

- về danh tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu thuở còn hàn vi đã vật lộn với cọp và nhờ trận “đả hổ” nầy mà chàng trai đất Mộ Đức đã gặp được Bùi Thị Xuân, cùng nàng kết duyên hảo hiệp.Và về sau nàng đã cùng Trần Quang Diệu trở thành những danh tướng của nhà Tây Sơn,

- về “Ngôi mả lùm” nơi phát tích của dòng họ Trương đất Mỹ Khê với Trương Đăng Quế trong vai trò “Lưỡng triều cố mạng lương thần”

- về quan Tổng Trấn Gia Định Thành Lê Văn Duyệt dù có xa quê hương vẫn không bao giờ quên Quê Hương với tâm nguyện :”Đa khai Mộ Đức tâm - Hậu tích Bồ Đề chí” (Mở rộng lòng Mộ Đức - Chứa đầy chí Bồ Đề”.

- về giai thoại Nguyễn Tấn ăn đường phèn mà quy phục được sắc dân Thượng Đá Vách nổi tiếng hung hãn...

* Quay xung quanh sự tích “Long Đầu hý thủy” có đến những 3 truyện: Truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà Khúc”, truyện “Quan Chiếu Vương” và truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”.

Truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” là câu chuyện cổ tích có tính cách phổ thông trên toàn quốc, dân chúng ở nhiều địa phương đã biết và đã kể cho nhau nghe câu chuyện nầy, trong lúc đó, 2 truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà Khúc” và truyện “Quan Chiếu Vương” có tính cách địa phương, được sưu tập và in thành sách trong khoảng thời gian không xa chúng ta là bao nhiêu.

Trong 2 truyện “Vua Nam Chiếu...” và “Quan Chiếu Vương” có phần đầu của truyện rất giống nhau: cả 2 đều mang tên Chiếu; cả 2 khi lớn lên đều đi chăn trâu; cả 2 đều được bạn mục đồng xưng tụng là Vua; khi tắm ở bến Long Đầu, cả 2 đều gặp “rồng” và sau đó cả 2 đều gặp một tên tướng Tàu vừa là nhà địa lý có tài, nhà phù thủy cao tay ấn tên là Cao Biền. Cả 2 đều được Cao Biền hứa giúp đỡ theo mưu đồ riêng của ông ta. Kết cuộc, cả 2 đều bị Cao Biền dùng bùa chú để ám hại và “yểm” luôn huyệt “đế vương” của Long Đầu!

Điểm khác nhau của 2 truyện :

- Bé Chiếu trong truyện “Vua Nam Chiếu...” có mẹ là nàng Thiệu Khôi và cha là một con rái cá! trong lúc đó, Bé Chiếu trong truyện “Quan Chiếu Vương” không biết cha mẹ là ai.

- Trong truyện “Vua Nam Chiếu...”, Biền đã nhờ bé Chiếu bỏ hài cốt của cha mình vào hàm rồng nhưng đã bị bé Chiếu tráo hài cốt của cha Chiếu (rái cá) vào hàm rồng. Sau đó, Chiếu phát vương tự xưng là Nam Chiếu đem quân đánh quân đô hộ của nhà Đường. Cao Biền biết Chiếu đã đoạt ngôi huyệt quý nên đem quân sang đánh Nam Chiếu, đánh lừa nàng Thiệu Khội để nàng phá hỏng long mạch và vua Nam Chiếu bị Cao Biền giết chết!

Trong lúc đó, truyện “Quan Chiếu Vương” không có đoạn nầy. Truyện chỉ kể rằng, Cao Biền biết Chiếu là vị vua tương lai của Giao Châu nên tìm cách ám hại cùng một lượt với việc giết rồng để “yểm” long mạch đế vương! Cái tên “Quan Chiếu Vương” là do dân làng đặt cho Chiếu khi Chiếu đã chết vì tay Cao Biền.

Như đã được phân tích ở trên, tôi ngờ rằng “Quan Chiếu Vương” có thể xuất hiện trước, sau đó, có người thêm vào đoạn sau tạo nên truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà Khúc” để gọi là “ứng” với cuộc đất quý là nơi phát tích của chân mạng đế vương !

* Trong lúc, ở 2 truyện “Vua Nam Chiếu...” và “Quan Chiếu Vương”, Cao Biền đã phải nhờ một trẻ mục đồng tên là Chiếu là một người Việt bỏ gói hài cốt của thân phụ Cao Biền vào miệng của rồng thì, trong truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” , bộ hài cốt là hài cốt của thân phụ chàng rể của Cao Biền và người thi hành sứ mạng bỏ hài cốt vào miệng rồng là học trò thân tín của Cao Biền.

Ở 2 truyện “Vua nam Chiếu...” và “Quan Chiếu Vương”, Cao Biền giết rồng để phá huyệt đế vương bằng cách nhờ bàn tay của bé Chiếu hay nhờ bàn tay của mẹ vua Nam Chiếu; trong lúc đó, ở truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” thì chính tay Cao Biền dùng gươm chém đứt đầu rồng đề triệt tiêu long mạch!

Ở Quảng Ngãi còn có một dị bản của truyện được gọi là “Quan Chiếu Vương” ở trên. Truyện kể về một đứa bé mục đồng ở cánh đồng Hòa Bân cạnh núi Thiên Ấn có tài “điều binh khiển tướng” trong các cuộc đánh trận giả và được bạn mục đồng tôn xưng là vua. Lại kể về Cao Biền, sau khi cưỡi diều giấy đến sông Trà Khúc nơi núi Đầu Rồng, thấy được ngôi huyệt mộ phát đế vương bèn về Tàu đem hài cốt thân phụ táng vào ngôi huyệt quý nầy. Việc làm của Biền bị “vua” của lũ mục đồng biết được.

Một đêm “vua” nằm mơ thấy một vị tiên báo mộng bảo “vua” đem hài cốt thân phụ táng vào đó. Cậu bé mục đồng làm y lời dặn. Cao Biền về Tàu bấm độn biết huyệt mộ của thân phụ bị phá bèn tức tốc trở lại đất Long Đầu. Khi thấy ngôi huyệt quý đã bị đánh tráo bằng một chiếc hòm khác, Cao Biền dùng gươm có phù phép chém đứt đôi chiếc hòm của cha Bé. Bé chưa kịp phát vương đã chết tức tưởi và ngôi huyệt quý cũng bị phá nát ! (theo Nguyễn Hoài Nam trong Quảng Ngãi Quê Ta)

* Như tôi đã trình bày trong phần mở đầu, khi người Việt bỏ quê cha đất tổ ở miền Bắc và miền Bắc Trung Phần để vào định cư tại vùng đất mới chiếm của người Chiêm Thành mà nay ta được biết là Quảng Ngãi, họ đã mang theo nhiều di sản tinh thần quí giá, đó là những truyện cổ.

Để thỏa mãn những đòi hỏi của tinh thần, họ cần sáng tác những câu chuyên mới phù hợp với hoàn cảnh xã hội mới, với hoàn cảnh sinh tụ mới, vì vậy có một số truyện lấy địa bàn hoạt động của truyện là đất Quảng Ngãi nhưng trong đó ta sẽ thấy có nhiều chi tiết còn chịu ảnh hưởng của những câu truyện của vùng quê hương xưa.

Ở đây tôi muốn nêu lên một câu chuyện mà nhân vật thì khác mà nhiều chi tiết lại hoàn toàn giống nhau. Đó là chuyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà” (trong Non Nước Xứ Quảng của Phạm Trung Việt, bản in tại Hoa Kỳ năm 1998) và truyện “Đinh Bộ Lĩnh” trong Việt Nam Văn Học Toàn Thư (Thần thoại, Cổ Tích) của Hoàng Trọng Miên.

Sau đây tôi thử nêu lên những điểm giống nhau giữa hai truyện:

* Nàng Thiệu Khôi tắm ở sông Trà Khúc bị rái cá hiếp, sau sinh ra bé Chiếu.

- Nàng Đàm Thị tắm ở suối làng bị rái cá hiếp, sau sinh ra Đinh Bộ Lĩnh.

* Dân làng giết rái cá, Thiệu Khôi lấy xương rái cá bỏ vào mo cau treo giàn bếp.

- Dân làng ăn thịt rái cá, Đàm Thị nhặt xương đem về treo ở bếp.

* Bé Chiếu rất thích nước, bơi lội giỏi.

- Đinh Bộ Lĩnh có tài bơi lặn, có thể ở lâu dưới nước.

* Chiếu chăn trâu cho nhà phú hộ, tổ chức đánh trận giả, đánh đâu thắng đấy nên được mục đồng tôn làm vua.

- Đinh Bộ Lĩnh chăn trâu cho chú, tổ chức trẻ mục đồng lấy hoa lau làm cờ đánh trận giả rất được trẻ mục đồng ngưỡng phục.

* Theo lệnh vua Tàu, Cao Biền đến sông Trà Khúc và khám phá ra huyệt “đế vương”. Sau đó, Biền sai bé Chiếu lặn xuống lòng sông và Chiếu thấy có hàm rồng đang há miệng.

- Thầy địa lý Tàu đến con suối làng thấy có long mạch phát vương, sai Đinh Bộ Lĩnh lặn xuống và thấy có con ngựa đá.

* Ba năm sau, Biền đem hài cốt cha sang Long Đầu bảo Chiếu bỏ hài cốt nầy vào miệng rồng. Chiếu lấy hài cốt rái cá (tức cha của Chiếu) tráo vào đó.

- Thầy địa lý Tàu đem hài cốt cha mình bảo Đinh Bộ Lĩnh bỏ vào miệng ngựa đá, Lĩnh đem hài cốt rái cá (tức cha của Đinh Bộ Lĩnh) đánh tráo vào đó.

* Lớn lên, Chiếu làm vua tức vua Nam Chiếu, đem quân đuổi quân nhà Đường chạy về Tàu.

- Lớn lên, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, lên ngôi vua tức vua Đinh Tiên Hoàng.

* Để triệt hạ vua Nam Chiếu và yểm huyệt đế vương, Cao Biền đánh lừa nàng Thiệu Khôi cắm gươm trấn yểm vào đúng long mạch, vua Nam Chiếu chết thảm và giấc mộng đế vương cũng tan tành, huyệt đế vương cũng hết thiêng!

-Để hại Đinh Tiên Hoàng, thầy địa lý đánh lừa Đinh Tiên Hoàng đem gươm treo vào cổ thạch mã, nước chảy, gươm cứa đứt cổ ngựa, thế là Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết và sự nghiệp nhà Đinh tan tành!

Cứ theo như nội dung của truyện thì truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà” phải xảy ra trước truyện “Đinh Bộ Lĩnh” cả hàng trăm năm. Thế nhưng, trên thực tế lịch sử, truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà” của Quảng Ngãi lại chịu ảnh hưởng của truyện “Đinh Bộ Lĩnh” của đất Bắc, hay nói một cách khác, truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà” đã mô phỏng truyện “Đinh Bộ Lĩnh”.

Nếu không kể đến nhân danh và địa danh trong truyện, ta tưởng truyện “Vua Nam Chiếu...” là dị bản của truyện “Đinh Bộ Lĩnh”! Bởi lẽ, như trong phần đầu tôi đã trình bày, phải đợi đến khi Lê Thánh Tông chiếm đất Chiêm Thành lập nên thừa tuyên Quảng Nam thì người Việt mới lũ lượt vào định cư tại vùng đất ngày nay gọi là Quảng Ngãi, nhất là từ khi Bắc Quân Đô Đốc Bùi Tá Hán (1496 -1568) vào trấn thủ đất Quảng Nam và từ khi Đoan Quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa (năm 1558), rồi sau đó kiêm nhiệm luôn đất Quảng Nam thì vùng đất mới nầy mới được người Việt vào định cư mỗi ngày mỗi đông.

Còn dưới thời nhà Đường đất Quảng Ngãi còn thuộc lãnh thổ và sự cai trị của vua Chiêm Thành với cái tên là Cổ Lũy Động (theo sử Tàu) thuộc châu Amavarati (theo sử Chiêm Thành) và dĩ nhiên là không có bóng dáng người Việt nào ở đây cả!

Còn tên Nam Chiếu?

Theo như Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược và Phạm Văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư, thì ở về phía Tây Bắc đất Giao Châu tức là về phía Tây tỉnh Vân Nam (Trung Hoa) ngày nay là địa phận của một giống người Thái sinh sống. Người Thái ở đây gọi vua là Chiếu và chia làm 6 bộ tộc, bộ tộc Mông Xá ở phía Nam nên gọi là Nam Chiếu.

Theo 2 sử gia kể trên, quân Nam Chiếu quấy phá đất Giao Châu hằng 10 năm trời gây khổ sở cho dân ta (Giao Châu) và gây khốn đốn cho các quan cai trị nhà Đường (Trung Hoa). Mãi đến năm 866, vua nhà Đường sai tướng Cao Biền sang đánh dẹp, giặc Nam Chiếu mới không quấy nhiễu Giao Châu nữa.

Vậy thì tại sao lại có sự trùng hợp trái cựa nầy:

Một đằng Nam Chiếu là vua của người Việt, nhờ chiếm đoạt được huyệt hàm rồng phỗng tay trên của Cao Biền mà phát vương lại đánh đuổi quân nhà Đường và về sau thì vua Nam Chiếu nầy lại bị chính Cao Biền triệt hạ?

Một đàng Nam Chiếu tức Chiếu Mông Xá, người thuộc giống Thái từ phía tây bắc Giao Châu xua quân đuổi quân nhà Đường rồi quấy phá người Việt ở đất Giao Châu đến những 10 năm trời và đến năm 866 mới bị tướng nhà Đường là Cao Biền dẹp tan?

Chả lẽ, trong cùng một khoảng thời gian lại có 2 vua Nam Chiếu - một vua Nam Chiếu của Giao Châu và một vua Nam Chiếu của người Thái - cùng bị một tướng nhà Đường là Cao Biền dẹp tan ?

Tôi ngờ rằng truyện “Vua Nam Chiếu trên bờ sông Trà Khúc” là truyện xuất hiện khá muộn và là một câu chuyện được pha trộn giữa truyện “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” và truyện “Quan Chiếu Vương” của Quảng Ngãi với sự tích “Đinh Bộ Lĩnh” của đất Bắc.
* * *
Bàn về truyện dân gian của một địa phương quả là một điều khó. Bởi vì, một câu chuyện được sáng tác và được kể trong đám đông, nếu câu chuyện hay, có nhiều tình tiết hấp dẫn hoặc có nội dung xây dựng, nó sẽ được nhiều người nhớ và đem kể lại. Qua thời gian và không gian, câu chuyện trở thành của chung của cả một khu vực rộng lớn gồm 5, 7 tỉnh hay có khi rộng hơn. Và giờ đây chúng ta khó mà phân biệt câu chuyện nào có xuất xứ đầu tiên từ địa phương nào.

Chính vì tính chất nầy mà ta đã thấy có nhiều truyện về đại thể thì giống nhau, có khác nhau chăng là một vài tiểu tiết của câu truyện. Nhất là sự tích của một số loài vật mà địa phương nào cũng có như sự tích chim Bóp, sự tích chim Đa Đa. Vậy là chỉ còn những truyện mang địa danh hay nhân danh của một địa phương may ra còn mang tính chất của địa phương đó như sự tích Long đầu hý thủy (địa danh), truyện các danh nhân như Bùi Tá Hán, Trương Đăng Quế (nhân danh) là ít có sự lẫn lộn.

Hơn thế nữa, truyện dân gian tại Quảng Ngãi chưa được thu thập nhiều. Trước năm 1975, vì hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, các nhà làm văn học của chúng ta chưa có điều kiện để thu thập. Sau năm 1975, một số các cán bộ làm công tác văn hóa của chính quyền cộng sản đã thu thu thập một số truyện như 2 tác giả Thế Kỷ và Hà Thanh trong tác phẩm Quảng Ngãi Giai Thoại-Truyền Thuyết.

Dù với khoảng gần hai chục tác giả cộng tác, tác phẩm cũng không thu thập được nhiều truyện cần thiết và có lẽ phần lớn các tác giả đã đứng trên nhãn quan “duy vật biện chứng” để “kể truyện” nên nhiều truyện hầu như thêm phần sáng tác của người thu thập và phần sáng tác nầy đã không phản ảnh trung thực xã hội đương thời khi câu chuyện xảy ra.

Dù vậy, để viết bài nầy, chúng tôi cũng đã căn cứ một phần nhỏ vào tác phầm nầy và phần lớn còn lại chúng tôi đã thu thập tản mác từ những sách báo khác. Dĩ nhiên là bài viết còn khá nhiều sơ sót, người viết thành thực xin được lượng thứ và nếu được chỉ dạy thêm thì quả là một may mắn cho người viết trên bước đường học hỏi và tìm về cội nguồn của Quê Hương và Dân Tộc.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

Tài liệu tham khảo:

* Non Nước Xứ Quảng - Phạm Trung Việt
* Việt Nam Văn Học Toàn Thư - Hoàng Trong Miên
* Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập II - Nguyễn Lang.
* Lịch Sử Vùng Cao Qua Vũ Man Tạp Lục Thư - Nguyễn Đức Cung
* Quảng Ngãi Giai Thoại-Truyền Thuyết - Thế Kỷ và Hà Thanh.
* Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, 5 tập - Nguyễn Đổng Chi.
* Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim
* Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn
* Các Đặc San Xuân của các Hội Đồng Hương Quảng Ngãi tại Hoa Kỳ
* Tài liệu riêng

Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh