Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 04, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Kiến thức, tài liệu
ROBOT QUÂN SỰ CỦA QUÂN ĐỘI MỸ
LÊ CHÁNH THIÊM
Các bài liên quan:
    MỸ VẠCH MẶT NHÓM THƯỢNG HẢI
    11 CÁCH SỬ DỤNG INTERNET AN TOÀN
    CUỘC ĐỔ BỘ SẮP ĐẾN (COMING SWARM) (Phần 1)
    CUỘC ĐỔ BỘ SẮP ĐẾN (COMING SWARM) (Phần 2)
    THE COMING SWARM (Part 2)
    THE COMING SWARM (Part 1)


CHIẾN TRANH CÔNG NGHỆ: ROBOT QUÂN SỰ CỦA QUÂN ĐỘI MỸ

I. Mở đầu.

Trong lịch sử chiến tranh, các nhà nghiên cứu thiên về quân sự không quên câu nói của Công tước xứ Wellington, người đã chiến thắng Napoleon trong trận chiến Waterloo lịch sử, từng phát biểu: "Nghệ thuật chiến tranh toàn diện bao gồm cả việc biết được những gì đang diễn ra ở phía bên kia của quả đồi". Muốn có các thông tin đó, cần có các phương tiện thu thập tin tức bằng bất cứ hình thức nào, kể cả hành động vô nhân đạo. Trong thời-đại hiện nay, nhân-loại đã đi những bước dài trong việc áp dụng các thành tựu về khoa-học, kỹ-thuật trong mọi ngành. Trong lĩnh-vực quân-sự, nhiều kết quả sau khi thí nghiệm thành công đã được áp-dụng để đưa vào sản xuất hầu cung cấp những nhu-cầu cho chiến-tranh, trong tấn công hay phòng thủ. Tất cả những thiết-bị công-nghệ cao, tân-kỳ về quân-sự nhằm cung ứng cho chiến trường nhằm giảm thiểu thương vong về nhân mạng, đem lại kết quả cao, khắc chế các trở ngại, ít tốn kém. Từ quan niệm đó, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc sáng chế ra các robot thay thế cho con người tại các chiến trường, một trong các phương thức áp dụng khoa học kỹ thuật trong chiến tranh mà người ta gọi là “chiến tranh công nghệ”. Các “người lính máy” (robosoldiers) mà danh từ chuyên môn gọi là “Quân nhân liên-kết với công-nghệ tương lai” (Future Intergrated Soldier Technology, FIST) sẽ là “người lính”, thi hành mọi công việc của một chiến binh trong chiến tranh quy ước. Trong bài nầy, chúng ta chỉ đề cập một phần các “người máy” nầy trong lãnh vực quân sự mà quân đội Mỹ đang xử dụng trên chiến trường nơi họ tham chiến hay hỗ trợ.

II. Sơ lược về Robot quân sự.

Ngày nay, khi nhận thấy sự diệu dụng của robot trong quân sự, nhiều nước đã và đang đầu tư vào công nghệ nầy. Với quân đội Mỹ, viễn ảnh của “người máy” đã được người Mỹ nghiên cứu và chế tạo vài thập niên trước đây. Hiện nay, quân đội Mỹ là đội quân được trang bị nhiều quân dụng được chế tạo từ các phát minh, phát kiến tân kỳ nhất về loại robot. Những “lính robot” điển hình của quân đội Mỹ trong thời gian qua là: những máy bay không người lái Predator, xe không người lái Mini-flair, robot PackBot dò mìn bẫy, robot Gladiator được trang bị súng như một tiểu chiến xa, tàu tuần tiểu không người lái Protector, v.v… đã được quân đội Mỹ xử dụng trên nhiều chiến trường, qua nhiều lần cải tiến đến độ gần như hoàn chỉnh.

Tuy là những robot nhưng lại thi hành tất cả nhiệm vụ của một chiến binh bằng xương bằng thịt tại tiền tuyến hay ở hậu phương, tại mọi địa hình địa vật, tại các loại chiến trường. Khi thay thế con người, những “người lính máy” nầy sẽ là những chiến binh tác chiến, đối đầu với địch quân tại trận địa; là chiến binh thám thính, là lính “trinh sát”; là chuyên viên truyền tin, gởi các hình ảnh địa thế nơi địch quân ẩn náu về cho trung tâm điều khiển; là chuyên viên dò chất độc sinh học hoặc hạt nhân hay thu dọn các chất nguy hiểm đó; là chuyên viên dò, đặt hay tháo gỡ chất nổ, mìn bẫy; là chuyên viên tiếp tế, tản thương, là nhân viên truy bắt tội phạm tại các đô thị v.v... Đó là chưa kể đến những “người máy” được phái đi thám thính các hành tinh xa như các thám xa NASA gởi lên Mặt trăng hay Hỏa tinh, hoặc thi hành những công tác thí nghiệm tại những nơi đầy chất phóng xạ mà con người e ngại có thể nguy hiểm đến tính mạng.

III. Những loại robot tiêu biểu.

Trên các chiến trường Bosnia, Afghanistan, Pakistan và Iraq, máy bay không người lái mang tên Predator (Dã thú) đã bay do thám, gởi về hàng núi tin tức, tài liệu quý giá hay đã từng phóng hỏa tiễn giết hại không biết bao nhiêu địch quân hung hãn theo lệnh của Trung tâm điều khiển. Lính robot có nhiều loại, xin nêu vài loại điển hình, với vài đặc tính kỹ thuật sơ lược:

1. Máy bay không người lái RQ-1 Predator:

Do hãng General Atomics Aeronautical Systems chế tạo, RQ-1 Predator dài 27 ft (8.22 m), sãi cánh 48.7 ft (14.8 m); cao 6.9 ft (2.1 m); nặng: 1,130 lbs (512 kg), trọng tải tối đa: 2,250 lbs (1,020 kg), vận tốc tối đa: 135 mph (117 knots, 217 km/h), tầm hoạt động: 675 nmi (675 mi/1,100 km), thời gian hoạt động: 24 giờ, cao độ hoạt động: 25,000 ft (7,620 m).




Phi cơ RQ-1 Predator


2. Máy bay không người lái MQ-9 Reaper:

Do hãng General Atomics Aeronautical Systems chế tạo, MQ-9 Reaper có vận tốc: 300 mph (482 km/h), tầm hoạt động: 1,150 miles (1,850 km), dài: 36 feet (11 m), sãi cánh: 66 feet (20 m), nặng: 4,901 lbs (2,223 kg)},




Phi cơ MQ-9 Reaper


3. Máy bay không người lái RQ-170 Sentinel:

Do hãng Lockheed Martin chế tạo, RQ-170 Sentinel dài: 14 ft 9 inc (4.5 m), sãi cánh: 39 ft 4 inc (12m), cao: 6 feet (2m); cao độ tối đa: 50,000 ft (15.240m).


 

Phi cơ RQ-170 Sentinel

 


4. Xe chống mìn bẫy Mini-Flare UGV (unmanned ground vehicle):

Được chế tạo trên sườn xe ủi đất John Deer Skid Steer, xe Mini-Flair UGV được sử dụng trên chiến trường Bosnia hay các chiến địa nhiều mìn bẫy, để tìm và tháo gỡ mìn bẫy, bảo toàn mạng sống cho binh sĩ.




Robot Mini-Flare UGV


5. iRobot phá mìn bẫy PackBot:

Do Viện kỹ thuật Masschussetts chế tạo, robot PackBot nặng hơn 20 kilôgram, điều khiển từ xa, sử dụng ở Afghanistan. PackBot chạy bằng xích, leo được các bậc thang, có thể hoạt động được dưới mặt nước 3 mét, chịu được áp suất gấp 400 lần trọng lực trái đất. Trên chiến địa đầy những hang động như ở Afghanistan, robot PackBot được “phái” đi dò tìm mìn bẫy, thu dọn chất nổ, dò tìm các vị trí địch quân ẩn náu hoặc tiêu diệt địch quân theo lệnh của trung tâm điều khiển.




iRobot PackBot


6. Robot phá bom Warrior 710:

Robot Warrior 710 với vận tốc tối đa của nó lên tới 8 dặm/ giờ, có thể được điều khiển từ xa 780 m, Warrior 710 thực thi rất nhiều sứ mệnh quan trọng khác nhau: dò mìn, gỡ bom, có thể leo cầu thang, thang máy, đẩy hay kéo nguyên một chiếc ô tô, vác những vật nặng 680 kg, nâng vật nặng 998 kg lên cầu thang.




Robot Warrior 710 đang kéo một chiếc xe hơi.


7. Robot siêu tốc Cheetah:

Do công ty Boston Dynamics, Massachusetts chế tạo theo dự án kéo dài 4 năm kể từ tháng 02/2011, robot siêu tốc Cheetah có thể "phi nước đại" với vận tốc 29km/ giờ - vượt kỷ lục về tốc độ của một robot có 4 chân lập trước đó là 21km/ giờ. Chuyển động của Cheetah được mô phỏng theo động vật hoang dã, những loài vật chạy nhanh. Nó được thiết kế linh hoạt, có thể uốn cong hay duỗi thẳng các chi nhằm tăng chiều dài sải chân và nâng cao tốc độ di chuyển. Robot Cheetah thi hành các nhiệm vụ ở mục tiêu cần robot có mặt mà thời gian gấp rút. Phiên bản hiện tại đang hoạt động phụ thuộc vào máy bơm thủy lực và hệ thống ống bên ngoài. Các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ thiết kế mẫu robot chạy tự động mà không cần bất kì thiết bị hỗ trợ nào, có thể chạy zíc zắc để truy đuổi, lẩn trốn hay dừng đột ngột.




Robot siêu tốc Cheetah


Công ty Boston Dynamics đã nghiên cứu chế tạo những robot theo những mô hình khác nhau dựa trên các động vật, chẳng hạn chế tạo con robot BigDog - loại robot được sử dụng tại những địa hình đồi núi hiểm trở, được thiết kế có khả năng tạo ra năng lượng cho nó từ các bước chạy, có thể sử dụng móng vuốt nhỏ của sáu chân để leo lên các chướng ngại vật như leo lên tường, leo cây, hàng rào, dùng cái đuôi để giữ thăng bằng giống như con thằn lằn.

8. Robot chuyên chở quân dụng LS3.




Robot LS 3. Ảnh: Technewsdaily


Để vận chuyển quân trang quân dụng trên chiến địa không thể dùng quân xa, quân đội Mỹ được cung cấp một loại robot có tên LS 3. “Cơ quan Nghiên cứu Cấp cao thuộc bộ Quốc phòng” (DARPA) và lực Thủy Quân Lục Chiến của Mỹ đã ký giao kèo với công ty Boston Dynamics cung cấp robot LS3 cho vùng chiến trường núi đồi hiểm trở Afghanistan. Robot LS3 có 4 chân, có thể tự động mang các thiết bị và di chuyển trên những địa hình phức tạp, có thể tự di chuyển theo những dữ liệu được cung cấp cho nó hay có nhân viên điều khiển từ một trạm chỉ huy.

IV. Robot chiến trường:

Ngoài 7 loại robot được nêu trên còn có các loại robot có nhiều tính năng đặc biệt, được xếp vào tiêu đề riêng nầy, đó là các robot chiến đấu, là loại robot hữu dụng, quan trọng, để tiêu diệt địch quân hay đảm nhiệm những công vụ quan trọng trên chiền trường. Chúng ta có thể điểm qua các loại robot tiêu biểu sau đây của quân đội Mỹ:

1. iRobot 110 FirstLook:

iRobot 110 FirstLook là loại robot nhỏ, nhẹ, có thể quăng, ném, sử dụng trong những tình huống khẩn cấp, cần quan sát để theo dõi được địch tình trong chiến trường hẹp. Đây là thiết bị trinh sát hoàn hảo cho hàng loạt những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm của bộ binh, của lực lượng đặc nhiệm, như: rà soát, truy quét các khu chung cư, công trình xây dựng, đột kích để làm nhiệm vụ tác chiến trong khu vực thành phố hoặc khu đông dân cư. iRobot 110 FirstLook giúp người lính có thể biết ngay tình huống chiến trường trước trận đánh, hữu dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt như chống bạo loạn, khủng bố, bắt cóc, có thể hoạt động trong đường hầm, mương máng, ống cống hoặc các không gian hẹp, khó quan sát.




iRobot 110 FirstLook


Tính năng đặc biệt: là thiết bị cơ động, nhỏ gọn và được sản xuất hàng loạt với khối lượng tiêu chuẩn, giá rẻ, nặng 5 pound (2,2kg) kích thước tiêu chuẩn là 10 x 9 x 4 inch, nguồn điện cho phép nó hoạt động liên tục trong 6 giờ, có thể duy trì quan sát bằng camera trong thời gian 10 giờ liên tục, có thiết bị chiếu sáng hồng ngoại để quan sát những nơi kém ánh sáng hoặc không có ánh sáng, có độ bền rất cao, có thể quăng, ném, máy vẫn hoạt động bình thường khi bị rơi từ độ cao 4,5m xuống sàn bê tông, không ngấm nước ngay cả khi ở dưới độ sâu 1m nước, có thể trèo lên bậc thang cao đến 8 inc (20cm), vượt qua lề đường và những vật cản khác, xoay vòng tròn xung quanh và tự lật ngược trở lại khi bị lật ngữa, có thể hoạt động hiệu quả trong môi trường rất phức tạp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác.

2. Robot Dragon Runner

Là loại robot được chế tạo để chiến đấu trong thành phố, nặng 9 pounds (4kg) đủ nhẹ để có thể mang theo trong ba lô của người lính. Dự án robot Dragon Runner được thiết kể bởi “Phòng thí nghiệm các Thiết bị Chiến Trường” của TQLC Mỹ (Marine Corps Warfighting Lab) kết hợp với trường đại học Carnegie Mellon và nhiệm vụ thiết kế hệ thống điện tử và lớp vỏ nhựa tổng hợp dẽo thì do công ty Automatika, Inc đảm nhiệm việc chế tạo.




Robot Dragon Runner


Kiểu robot Dragon Runner ban đầu có khối lượng 14 lbs (6,4kg) kích thước 31 x 42 x 15 cm, có 4 bánh xe, dài 15 inches (38 cm), cao 5 inches (13 cm), có độ bền rất cao, có thể ném nó qua hàng rào, có thể ném lên hoặc lăn xuống cầu thang, ném nó khi đang chạy trên trên xe cơ giới với tốc độ 45 miles (70km/h) hoặc ném nó qua cửa sổ từ tầng 3. Khi ném nó, mặt nào tiếp đất cũng được vì nó hoạt động cả hai mặt; không thể tự đi lên hay đi xuống cầu thang nhưng có thể ném nó lên cầu thang cho hoạt động. Dragon Runner được sử dụng cho chiến trường đặc biệt nguy hiểm với người lính hoặc không thể đến đó được, đặc biệt là tác chiến đô thị hoặc khu dân cư phức tạp. Phía trước Dragon Runner có gắn bộ camera để quan sát và truyền ngược dữ liệu video lại cho người điều khiển nó bằng một model không dây để người điều khiển có thể quan sát được chiến trường, giúp cho các binh sĩ có thể nhìn thấy đối phương ẩn nấp sau địa hình địa vật phức tạp hoặc các góc khuất.

Dragon Runner có thể hoạt động khi di chuyển: nó di chuyển vòng quanh, truyền hình ảnh, địa hình về cho người điều khiển; khi nó đứng yên một chỗ nhưng vẫn quan sát; nó theo dõi: bằng các microphone và các cảm biến khi xác định được những chuyển động trong khoảng không gian ấn định để thông báo về cho người điều khiển.

Phiên bản nâng cấp của Dragon Runner được lắp các thanh đẩy để robot có thể trèo lên cầu thang, bằng xích để robot có thể di chuyển nhanh và dễ dàng trên địa hình phức tạp, có thêm cánh tay để gắp bom mìn lựu đạn và các chất nổ. Tổ hợp QinetiQ North America Technology Solutions Group đã chế tạo Dragon Runer để có thể thay thế con người trên chiến trường thực hiện các nhiệm vụ: trinh sát và rà soát bên trong của các tòa nhà, công trình xây dựng, đường cống, ống thoát nước, hang động và các khoảng sân, tạo vành đai an ninh, rà soát dưới gầm xe cơ giới, kiểm soát bên trong xe bus, xe tải, máy bay, những vật cản và vượt vật cản để cứu con tin; rà soát, di chuyển hay phá hủy và làm sạch địa hình bom mìn.

3. Robot Armadillo V2:

Đây là loại robot nhỏ, có khối lượng nhẹ, chế cho một người mang theo và sử dụng, để cung cấp cho quân đội, những người thì hành luật pháp (cảnh sát, an ninh…) hoặc các đơn vị làm nhiệm vụ cứu nạn (cứu hỏa, công binh, toán tháo gỡ chất nổ của quân đội hay cảnh sát, v.v…). Robot thực hiện các nhiệm vụ: tìm kiếm, quan sát, trinh sát mục tiêu, kiểm soát khu vực trước khi con người vào thi hành nhiệm vụ.




Một robot Armadillo V2


Robot gồm có: Khung sườn bằng nilon tổng hợp, 4 camera màu ngày đêm, la bàn điện tử, microphone – cảm biến âm thanh, máy chiếu quang tuyến hồng ngoại công suất lớn, thiết bị báo động cường độ cao, nguồn điện bên ngoài 12 volt, thiết bị nạp dữ liệu, bộ pin nạp điên Li-ion, đổi nguồn 120v/220v, đầu quay video COFDM, bộ phận truyền tín hiệu kỹ thuật số, các cầu đấu kỹ thuật số, có thể tự lật lại khi bị hất ngửa, có khối lượng nhẹ (2.5 kg/ 5.5 lbs) và rất bền, có thể di chuyển và quan sát từ 200m đến 250m trong điều kiện thiếu tầm nhìn thẳng của nhiệm vụ.

 

Các thông số kỹ thuật: góc độ nhìn 360o (FOV), có 2 ống kính mầu camera ngày đêm với độ zoom đến 4 lần, 2 ống kính camera ngang sườn sử dụng ống kính mầu ngày đêm với độ phóng to Zoom là 2x, COFDM quay video với bộ phần truyền tín hiệu kỹ thuật số, truyền tín-hiệu hiệu-quả: LOS truyền theo đường thẳng: 250 m và NLOS truyền qua các vật che khuất: 150m; microphone cảm biến audio, cảm biến hồng ngoại IR LED (Nhìn thấy trong ánh sáng đèn LED), có âm thanh báo động cường độ cao, có 4 bánh xe tốc độ cao, chống trượt 4WD, độ bền cao (rơi trên sàn bê tông 2,5m hay ném xa đến 8m vẫn hoạt động bình thường); có hệ thống kiểm soát các tần số gây nhiễu và các tần số đồng bộ, pin cung cấp để hoạt động liên tục trong 1 giờ rưỡi hoặc 12 giờ nếu ở ví thế chờ standby; có thể hoạt động theo 3 cách; bò chậm, bò trung bình và tốc độ lẫn trốn nhanh, sẵn sàng chiến đấu, có thể cơ động đến mọi góc của chiến trường.

4. Robot Recon Scout XT Throwbot

Là loại robot trinh sát (quăng, ném) Recon Scout XT Throwbot được sử dụng để kiểm soát đáy xe: xe cơ giới, xe hơi, các phương tiện giao thông vận tải, để trinh sát địa hình khi đi tuần tiểu hoặc truy quét địch trong các địa hình phức tạp, nguy hiểm.




Recon Scout XT Throwbot.


Robot XT Throwbot được trang bị camera, nặng khoảng 544g, dài 18,7cm, đường kính bánh xe là 7,6cm, vỏ bánh xe làm bằng thép titan rất vững chắc, khi rơi từ độ cao 9m xuống đất không hề hấn gì, có thể ném xa đến hơn 30 m. Robot XT Throwbot được sản xuất bởi các hãng iRobot, MacroUSA, QinetiQ và ReconRobotics.

5. Robot TALON SWORD:

Đây là loại robot hữu hiệu nhất bởi có nhiều tính năng tân tiến và hỏa lực hùng hậu, do công ty Foster-Miller chế tạo, dùng trong quân lực Mỹ. Từng loại vũ khí gắn trên nó được dùng cho từng loại chiến trường riêng biệt theo từng nhu cầu.



Một robot Talon Sword lắp súng máy M249


Robot Talon Sworrd là một trong những loại robot nhanh nhất trong tất cả các loại robot được sản xuất tính đến ngày nay. Talon Sworrd có thể di chuyển trên cát, nước ngập, trên tuyết dày đến 30 cm, có thể trèo được lên các bậc cầu thang, truyền tải hình ảnh đen trắng, ảnh mầu, hình ảnh hồng ngoại bằng kính quan sát ngày và đêm cho người điều khiển trong khoảng cách lên tới 1.000m. Nó hoạt động bằng nguồn điện dự trữ là các pin Lithium Ion (loại pin nầy có thời gian giữ điện lâu hơn pin bình thường) trong 7 ngày, sau đó mới cần phải nạp điện thêm, nếu hoạt động với tốc độ trung bình (standby) pin duy trì được 8,5 giờ. Giá ban đầu của loại nầy là $60.000 USD một chiếc.

a. Robot Talon Sword:

Phiên bản đầu tiên nặng 100 lb (45 kg) hoặc 60 lb (27 kg) cho loại trinh sát. Trên thân xe được lắp các thiết bị và các cảm biến cho từng nhiệm vụ; để chiến đấu tấn công như một chiến xa xung kích, để thu hồi, vô hiệu hóa các loại bom, mìn, chất nổ v.v... Robot đặc nhiệm Talon Sotal không có tay gắp, được trang bị các camera nhìn đêm và thiết bị thông tin để truyền về người điều khiển các chi tiết nó ghi nhận.




Một robot Talon Sword lắp súng phóng lựu 66mm M202A1


Với phiên bản Sword, có nhiều loại vũ khí khác nhau được gắn trên thân: súng trường M16, súng máy 5,56 mm SAW M249, súng máy hạng nặng 7,62 mm M240, súng trường Berreta M82, súng phóng lựu cỡ 40mm có 6 nòng, súng phóng lựu 4 nòng 66 mm M202A1 FLASH.




Talon WAARS lắp súng máy hạng nặng M240


b. Robot TALON HAZMAT:

Phiên bản cùng loại Talon, sử dụng các cảm biến như hóa học, gas, nhiệt độ cao và độ phóng xạ, những thông số đó được hiện trên màn điều khiển trên tay người điều khiển. Robot Hazmat được trung tâm thử nghiệm và phát triển vũ khí Mỹ ARDEC chế tạo.


 

Robot TALON HAZMAT


c. Robot TALON MAARS:

Là phiên bản mới nhất của Sword: khắc chế hiện tượng xe quay tại chỗ, không tuân thủ sự điều khiển của trắc thủ… Ngoài ra, xe MAARS có hệ thống cảm biến sensor như hồng ngoại, camera, độ xa laser v.v… lại còn được trang bị hệ thống định vị GPS, hệ thống định-vị để biết vị-trí lực lượng bạn hay thường dân để tránh xảy ra trường hợp bắn nhầm vào họ, có hệ thống điều hành chiến trường để tránh trường hợp nhận sai mệnh lệnh; xe nhẹ hơn, có giá thành thấp hơn, các bộ giá dạng module, và có thể mang tới 45 kg tải trọng có ích, robot cơ động với tốc độ 12 km/h.

 



Robot TALON MAARS


V. Những nhận định liên hệ.

Tuy đã gặt hái nhiều thành công nhưng các nhà nghiên cứu đã và vẫn đang dốc sức cải tiến những khiếm khuyết để đạt được hiệu suất cao nhất hầu phục vụ cho con người. Các nhà nghiên cứu cho biết:

-“Quân đội Mỹ đang đối diện với nhiều thách thức tại Iraq và Afghanistan, những tình huống đó là phòng thí nghiệm lý tưởng đối với công nghệ robot mới của công nghệ Mỹ”.

Thật vậy, chiến trường là bãi thử nghiệm hữu hiệu nhất cho các phát minh, một công mà được hai việc. Ông Robin Laird, giám đốc “Chi nhánh Các Hệ thống Không Người Lái” (Unmanned Systems Branch) trực thuộc “Trung tâm Hệ thống Chiến tranh Hải quân và Không gian” (U.S. Navy's Space and Naval Warfare Systems Center, SPAWAR) của Hải quân Mỹ tại San Diego, California cho biết:

-“Tất cả ý tưởng dùng người máy là để bảo đảm an toàn cho các binh sĩ là con người. Theo quan điểm của tôi, một ngày nào đó, chúng tôi sẽ tiến hành các cuộc chiến tranh bằng robot, chứ không phải giết người. Hiện đã có lính robot song chúng chưa phức tạp như các nhân vật trong phim của Hollywood. Chúng tôi hiện tụt hậu 10-12 năm so với những lính robot đơn giản nhất trong phim Terminator 3. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiến tới đó". (The whole idea is to take the war fighter out of harm's way. In my mind, someday we'll be doing battle with robots not killing people. The military robots currently available, however, are not nearly as sophisticated as those that are sometimes portrayed by Hollywood films. We're probably 10 to 20 years behind the least sophisticated system you'd see in something like Terminator 3. But we're getting there).

Tưởng cũng cần biết thêm, ai cũng biết các phim ảnh của Hollywood chỉ là “giả tưởng” nhưng thực tế, đó là những “tiền đề” để các nhà nghiên cừu Mỹ đựa vào đó để tạo thành các sản phẩm thực như chúng ta từng thấy. Terminator có 3 phim, với những vũ khí “hủy diệt” đúng như tên gọi. Ai đã xem phim các phim American warships, American Soldiers và nhất là phim “Battle Los Angeles” chắc đã biết nhiều loại vũ khí “đặc biệt dữ dội” với độ sát thương ghê hồn. Khi nói về những cuốn phim nầy, nhiều nhà nghiên cứu quân sự cho rằng có lẽ đó sẽ là các loại vũ khí trong tương lai của quân đội Mỹ mà Hollywood đã đi trước qua phim ảnh hơn là một cuốn phim giải trí thuần túy.




Phi cơ không người lái hữu dụng MQ-9 Reaper


Ông Laird còn cho biết thêm: “Ngay cả khi các dự án này chỉ hoàn thành 80%, chúng vẫn có thể được sử dụng để cứu sống con người bằng cách đưa các hệ thống kiểm soát từ xa vào hoạt động và tránh nguy hiểm cho binh sĩ”.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang cho chế tạo lính robot dùng trong bộ binh, không quân và hải quân, mỗi loại robot có đặc-tính khác nhau và ứng dụng tùy chiến-trường. Ông Cliff Hudson, giám đốc “Chương trình Robot” của Bộ Quốc phòng Mỹ được Quốc hội giao nhiệm vụ thống nhất việc phát triển và sử dụng robot quân sự, cho biết: “Nhiều robot hiện đang làm việc tại Iraq và Afghanistan, hỗ trợ cho nhóm phá mìn”.

Đây có thể là phương tiện thuộc loại “kín”, những thông-tin chưa được phổ biến. Những chiếc xe robot nhỏ nặng chừng 25 kg đến 45kg giống như những chiếc xe tăng nhỏ được điều khiển từ xa, có nhiều hình dạng, kích cỡ, dễ dàng vận chuyển và điều khiển trên chiến trường. Chúng còn có thể mang nhiều thiết bị cần cho công tác hay những khẩu súng máy liên thanh. Cũng theo lời ông Laird:

-“Những kẻ chống đối tại Iraq đang sử dụng chiến thuật đánh du kích, đặt thuốc nổ trong các khối bê-tông, động vật chết và mọi thứ khác. Họ cho chúng nổ tung khi binh sĩ Mỹ đi ngang qua. Để đối phó, quân đội Mỹ trang bị cho binh lính những cỗ xe nhỏ, không người lái nhằm giúp họ tiến hành các cuộc do thám với hiệu quả cao từ khoảng cách lên tới 915m”.




Súng M240 đã được trang bị trên Robot sát thủ Gladiator, đạn cỡ 7.62 mm.


Các camera độ rõ nét cao với khả năng phóng to thu nhỏ (zoom) và máy chụp ảnh nhiệt giúp Robot “đánh hơi" được bom, nhận dạng người đang trốn trong bụi rậm, máy dò từ tính để phát giác vũ khí mà địch quân đặt một chỗ nhưng cho súng nổ từ xa với thiết bị điều khiển bằng pin; robot còn mang micro để dò âm thanh từ con người hay thiết bị nổ. Công việc nguy hiểm nhất đối với robot là phần lớn chúng có cánh tay để nhấc vật thể lên để xem xét nên có thể bị tiêu hủy do thuốc nổ. Mục đích là tháo dỡ thuộc nổ, thỉnh thoảng cũng mất một vài robot trị giá $50.000 USD một con hay cao hơn. Ông 0Laird nói thêm: ''Điều đó có nghĩa là một binh sĩ nào đó không mất cánh tay. Đó là lý do chúng tối sử dụng robot để điều tra. Vì vậy, tổn thất lại là thành công''.

Trong nhu cầu chiến đấu, các robot cũng được chế tạo để mang vũ khí với hoả lực mạnh. Robot dành cho bộ binh được trang bị vũ khí, cả hệ thống Gladiator của Thủy-quân Lục-chiến Mỹ đang dùng. Đó là một chiếc xe bọc thép nặng 900 kg, di chuyển trên bánh xích hoặc bánh xe. Theo dự trù của Ngũ Giác Đài, Gladiator được dùng để phục vụ chiến đấu trong khu vực đô thị. Nó di chuyển trước binh sĩ, dò thám, đánh giá nguy hiểm và phản ứng với các cuộc tấn công bằng hoả lực cực mạnh của địch. Gladiator được trang bị súng M 240, một loại súng liên thanh. Theo Ông Cliff Hudson, Giám đốc Chương trình Robot của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết về vấn-đề nầy như sau:

-“Trong tương lai, hệ thống Gladiator sẽ được kiểm soát từ xa. Binh sĩ ngày nay thích ứng với công nghệ mới nhanh không kém tốc độ phát triển của các công nghệ đó. Lính robot sẽ sử dụng các hệ thống tự động và bán tự động để làm nhiệm vụ mà không cần tới người điều khiển”.




Robot Talon SWORD gắn súng máy 5,56 mm SAW M249.


Song song với việc ứng-dụng cho các hoạt động quân-sự, robot còn được dùng trong các hoạt động bán quân-sự hay dân sự khác. Vào tháng 10-2004, robot đã giúp cho cảnh-sát tiểu bang Virginia bắt được một nghi phạm nguy hiểm từng sử dụng vũ khí gây án, sau khi y đã chống-cự với cảnh-sát nhiều giờ liền. O'Neal Kelly, 23 tuổi, một nghi-can với tội giết người đã trốn tránh pháp luật hơn 3 tháng. Kelly đã bị truy-tố trước pháp-luật vì vào ngày 4-7-2004 đã bắn chết Brian O. Johnson, 30 tuổi, cư dân của Waldorf, Maryland tại một buổi hội ở Westmoreland rồi bỏ trốn. Khi nhận được tin Kelly trốn tại một căn nhà thuộc hạt King and Queen với vũ khí, cảnh sát bao vây và kêu gọi y ra đầu thú nhưng Kelly nhất định khước từ lệnh cảnh sát. Thay vì tấn công vào trong để tìm bắt, cảnh sát thả một robot cao khoảng 2 feet vào căn nhà để tìm chỗ Kelly ẩn nấp. Với các camera, máy dò âm-thanh, máy báo tin ra ngoài... được trang-bị, robot lùng sục trong căn nhà và phát giác Kelly đang trốn trên căn gác. Khi biết được vị-trí Kelly một cách chính xác, cảnh sát tung hơi cay vào ngay vị trí và buộc y phải xuất đầu lộ diện để được đưa về “an nghỉ trong nhà đá”, chờ ngày đền tội. Cảnh sát trưởng Wilkins cho biết:

-“Đây là cách rất tuyệt để tiến hành tìm ai mà không cần làm cho một cảnh sát viên lâm vào tình thế bị nguy hiểm tính mạng”.

Ngoài robot của Bộ binh, các nhà nghiên cứu Mỹ trong tổ chức của ông Laird cũng đang chế tạo một “hệ thống tự động không người lái ở trên không” (UAV). Trên căn bản là một bãi đáp và trạm xăng di động, nơi máy bay có thể hạ cánh, tiếp nhiên liệu rồi lại cất cánh. Họ dự định đưa vào một số công nghệ tương tự như công nghệ chế tạo Robot thám hiểm Sao Hoả. Hệ thống UAV mới này có thể “tăng tầm hoạt động, tăng thời gian của các chuyến bay do thám không người lái". Khả năng mang theo nhiên liệu của các hệ thống UAV hiện nay chỉ cho phép chúng hoạt động rất ngắn.

Các khoa học gia nghiên cứu robot cho biết trong tương lai không xa, robot sẽ thành thạo những thao tác cá nhân phức tạp ở mặt trận, sau đó đến giai đoạn các robot hoạt động phối hợp với nhau, theo các lập trình được đưa vào bộ nhớ của con chip trong robot. Theo dự trù, trong thời gian tới, tại căn cứ huấn luyện lục quân Fort Benning ở tiểu bang Georgia, robot sẽ được đưa vào cùng thực tập với binh sĩ diễn tập chiến đấu trong thành phố hầu ứng dụng trong chiến trường khi cần. Không riêng quân đội, các ngành công nghiệp tư nhân của Mỹ cũng đang tập trung vào việc chế-tạo các robot nhỏ hơn để dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất, thăm-dò,... nhất là hệ-thống sản-xuất dây chuyền.




Robot Talon SWORD với súng và ống nhắm hồng ngoại tuyến


Đối với phi cơ không người lái đã hiện diện tại chiến trường trong thời gian qua và thu được nhiều kết quả như ý. Các tên chỉ huy các lực lượng khủng bố đã bị phi cơ không người lái của Mỹ và NATO bắn hạ qua sự chỉ huy của các “phi công” đang ở tại các bản doanh trên đất Mỹ hay các căn cứ quân sự. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Mỹ chưa ngừng lại nơi đó. Northrop-Grumman thậm chí đang thực hiện một hợp đồng trị giá 635 triệu USD để phát triển một oanh tạc cơ không người lái cho Hải quân Mỹ. Theo dự trù, chiếc X-47B sẽ có kích thước như một chiếc F-14, với các cánh gấp lại được, nhưng được thiết kế để có thể phóng đi từ một hàng không mẫu hạm, nghĩa là các máy nâng, máy phóng phi cơ của HKMH sẽ dùng cho nó, giống như một phi cơ có người lái.

VI. Công nghệ và đạo đức.

Trước những thành công do các robot mang lại, người ta cũng nghĩ ngay đến những thiệt hại to lớn do “lính máy” tạo ra và liên tưởng đến sự tương quan giữa “kết quả thu được và vấn đề đạo đức”. Dù khoa học tiến bộ đến mức nào đi nữa thì “máy” vẫn còn nhiều khiếm khuyết, chắc chắn rất khó có thể sửa đổi để hoàn thiện được. Một khi sai lầm, mạng sống con người bị nguy hiểm, chạm vào khía cạnh đạo đức, sẽ bị lên án. Điều nầy là thách thức to lớn dành cho các nhà thiết kế, các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa California công bố một kết quả một cuộc nghiên cứu, làm theo lời yêu cầu của “Văn phòng Nghiên cứu của Hải quân Mỹ”, theo kết quả ghi nhận thì “các vấn đề đạo đức đã không được chú ý bởi người máy không có bộ óc để nhận xét việc làm đó đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo đức”. Lý do chỉ ra rằng robot chỉ làm những gì đã được lập trình. Bản nghiên cứu phân tích công bố:

-“Một kiểu suy nghĩ như thế thật lạc hậu bởi nó xuất phát từ cái thời máy tính còn đơn giản và các chương trình chỉ do một người viết và hiểu. Ngày nay, các chương trình có hàng triệu mã do một nhóm lập trình viên viết và không cá nhân nào có thể hiểu hết toàn bộ chương trình. Do đó, không một cá nhân nào có thể dự đoán hiệu quả của một lệnh một cách chắc chắn vì từng phần của chương trình có thể tương tác lẫn nhau”.

Các chuyên gia cho rằng các software của robot do nhiều lập trình viên (programmers) thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau tạo nên và không phải ai cũng biết được đặc điểm, tính chất của lĩnh vực khác. Do vậy, khi cài tập hợp lại thành một, rất có thể sẽ có vài yếu tố không xứng hợp nhau, tạo nên những kết quả bất ngờ. Thí dụ một robot được ứng dụng để tiêu diệt đối phương, nhưng do trục trặc kỹ thuật làm cho nó không phân biệt đâu là địch, đâu là bạn và nó tấn công tất cả. Khi đó, khó có thể vô hiệu hóa nó ngay, sự can thiệp của con người là quá muộn, hậu quả khôn lường.

Trong một báo cáo, các nhà khoa học đặt ra một số nan đề mà chưa có lời giải: Làm thế nào để bảo vệ robot quân sự trước virus hay tin tặc (hackers) tấn công? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu robot bỗng ''dở chứng'' tàn sát thường dân hay quân bạn? Khi robot làm sai gây nên thương vong, ai chịu trách nhiệm: đó là lỗi của từng lập trình viên? của nhà thiết kế? nhà sản xuất robot? của người chỉ huy đơn vị robot? hay Tổng Tư Lệnh quân đội (là người trực tiếp ra lệnh tấn công trong một số trường hợp)? Điều đáng sợ nói trên đã từng xảy ra trong một cuộc tập trận ở Nam Phi năm 2007. Một khẩu cao xạ robot đã xổ ra hàng trăm viên đạn, giết chết 9 người lính và làm bị thương 14 người khác. Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều báo cáo cho thấy robot đã giết hại nhiều thường dân hay tác xạ lầm quân bạn mà người ta gọi đùa là “tác xạ thân hữu” ở các mặt trận tại Iraq, Afghanistan,… đã gây ra bao tai tiếng cũng như tạo nên làn sóng chống đối dữ dội, không chỉ của những nhóm bảo vệ nhân quyền mà còn từ các nước thù địch với Mỹ, xem đó là cái cớ để “chống Mỹ” một cách hợp pháp. Quả là những nan đề khó giải quyết thật!

VII. Kết luận.

Phần trên nói đến vài loại robot mà quân đội Mỹ đang xử dụng nhưng chỉ là một số nhỏ trong nhiều loại robot mà người Mỹ đang thủ đắc, rẻ có đắt tiền có nhưng dù đắt đến mấy khi hư hại cũng không bằng sinh mạng binh lính Mỹ khi họ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến tranh. Khi con người chưa chế được phi cơ, ước mơ bay bổng được như chim chỉ là chuyện hoang đường nhưng ngày nay đó chỉ là chuyện bình thường và chúng ta đã thấy nhiều chuyện còn hơn thế nữa. Những gì chúng ta biết về “lính robot”, về “máy bay không người lái” cho thấy con người “có thể” làm được những chuyện “không thể”. Không ai tin rằng một cuộc chiến dành được “thắng lợi” mà người lính chỉ cần ngồi trên ghế bành ở trong các phòng gắn máy lạnh tại Nevada hay trên tàu chiến, thế nhưng đó là sự thật của phương thức chiến tranh hiện tại mà Mỹ đã và đang áp dụng.

Trong cuộc chiến tranh quy ước, người lính phải chạm trán với địch quân, phải chiến đấu mới mong chiến thắng; phập phồng với mọi hiểm nguy bên mình, lo sợ mình là mục tiêu của địch quân nhưng ngày nay, họ có những chiếc máy bay không người lái hỗ trợ, với những robot do thám và thông tin, họ sẽ không còn lo sợ mọi bất trắc nữa mà trái lại chính địch quân phải e sợ những cái đó. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng không có “người lính máy” nào hơn bộ óc con người, không con chip điện tử nào có phản xạ nhanh và hữu hiệu như khối não trên đầu con người; khoa học kỹ thuật trong lãnh vực chiến tranh vẫn không hơn con người trong những phút quyết định cấp thời trong lúc xử dụng vũ khí. Hơn chăng, tiết kiệm được sinh mạng của chiến binh, đó là mục tiêu tối thượng của các nhà chuyên môn theo đuổi vậy.

Lê Chánh Thiêm
2010, có sửa đổi sau này.

Tài liệu tham khảo:

- Janes’s Magazine
- Popular Mechanics
- Ask.com
- Wikipedia.
- Technewsdaily.
- Lockheed Martin
- Popular Science
- Marine Corps Warfighting Lab
- General Atomics Aeronautical
- Tài liệu tổng hợp.


* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem bài trên trang Tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh