Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
QUẢY GÁNH SẦU
NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI


Ngày...tháng...năm 1989
Con yêu cuả Mẹ

Vùng Đồi Dan ở quê mình đã bị nhà nước quy hoạch nên tháng vừa qua chị và em con đã về lo cải táng phần mộ cuả Cha và Bà Nội đến gần chỗ nằm cuả Ông Nội ở chân núi Xương Rồng. Mẹ đau khổ vô cùng vì dạo nầy quá yếu nên không thể về lo tròn bổn phận đối với Cha con được. Gần năm mươi năm rồi kể từ ngày Người bỏ mẹ con mình ra đi, biết bao là gian nan khổ cực, biết bao là thế cuộc đổi thay nhưng Mẹ đã cố gắng làm tròn bổn phận đối với Người: Giữ gìn gia sản tổ tiên, nuôi nấng các con nên người và thờ cúng Người cùng Ông Bà. Mẹ không ngờ, vào những ngày chót cuả cuộc đời, Mẹ lại gặp bất hạnh như vậy. Mẹ không được gặp lại Người sau gần năm mươi năm âm dương cách biệt. Mẹ không được chính tay mình lấy hài cốt Người sắp lại trong chiếc hòm mới, chôn lại Người lần nữa và sửa sang phần mộ mới cho Người. Mẹ bất hạnh biết dường nào! Theo chị và em con thì phần mộ của Người rất kết. Chị và em con đã lén mời ông Thầy Địa ở xóm Chỉ Tượng lên để lo cúng kiến và cải táng rất tươm tất. Thầy Địa bảo ông ta chưa gặp ngôi mộ nào mà đất và rễ cây xung quanh kết tụ chặt chẽ, vừa mịn, vừa dẽo đến như vậy! Thế mà bây giờ Người lại phải đổi chỗ nằm. Tội nghiệp biết là bao nhiêu!

Công việc cải táng là bổn phận cuả Mẹ và cuả con, trưởng nam cuả gia đình, nhưng Mẹ thì già yếu không đi nổi, còn con thì đang ở ngàn trùng cách biệt. Đêm đêm Mẹ thắp hương lên bàn thờ Người, cầu nguyện cho linh hồn Người được bình an nơi mộ phần mới và cầu xin Người tha thứ cho Mẹ, cho con.

Con yêu cuả Mẹ,

Năm nay Mẹ thấy trong người yếu đi nhiều lắm, không biết có phải sắp đến lúc Mẹ theo Cha con về cõi bên kia chăng? Đau đớn biết bao nhiêu nếu ngày Mẹ ra đi mà không thấy được mặt con, không được nắm tay con. Mẹ nhớ con đến xót xa, đến như đứt ruột. Tội nghiệp cho con tôi: Nơi xa xăm đó biết lấy ai săn sóc cho con? Nỗi nhớ thương làm Mẹ mỗi ngày một mõi mòn, một già yếu. Bà con ai cũng khuyên nhủ Mẹ, các chị và em con săn sóc Mẹ rất chu đáo. Nhưng không có ai hiểu được lòng Mẹ, không ai biết được lòng thương cuả Mẹ đối với các con, đối với riêng con. Chín năm con ở trong tù Mẹ đã lặn lội hết núi nọ, đồi kia để thăm con, đêm nào Mẹ cũng cầu nguyện Trời Phật phò hộ cho con được bình yên qua muôn ngàn khổ cực để trở về với Mẹ. Và Mẹ đã toại nguyện. Còn bây giờ thì Mẹ con mình đang ở vạn dặm cách xa ...

Nguyện cầu Ơn Trên gia hộ cho con tôi được mạnh khỏe, bình yên nơi xứ lạ, quê người.

Mẹ của con.

Tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần lá thư Mẹ tôi gởi qua hai tháng trước đây. Màu giấy sẩm nhầu nát, nét chữ xiêu vẹo run run, tôi đã thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phết, chỗ sang hàng. Vậy mà tôi vẫn đọc lại để nghe nỗi đau nghẹn từ tim chạy lên, để nếm vị mặn chảy dài từ khóe mắt đến môi. Đêm đêm, chợt thức giấc, tôi nhẩm đọc lại và nỗi đau nghẹn lại dâng lên, nước mắt lại trào ra và hình như tôi nghe tôi gọi Mẹ ơi!, tiếng gọi nhỏ, đứt đoạn, phát xuất từ cõi âm u xa xôi vọng về chứ không phải từ cõi thực, từ lý trí.

Lần nào biên thư cho tôi Mẹ cũng biên dài như vậy. Sức yếu, tay run, mắt mờ mà giấy lại sẫm, xù xì, bút không ra mực đều đặn thì biên một lá thư như vậy không phải là chuyện dễ dàng, bình thường. Lòng Mẹ tôi thương tôi bao la ở từng chi tiết như vậy đó!

- Có lòng bà Mẹ Việt Nam lại chẳng bao la đối với con mình đâu?

- Không, lòng Mẹ tôi thương anh chị em chúng tôi, thương riêng tôi bao la hơn những cái bao la, mênh mông hơn những cái mênh mông.

Và những dòng chữ sau đây riêng dành cho Mẹ, riêng gởi về Mẹ ở tận quê nhà, bên kia bờ đại dương xa tắp.

* * *

Tôi sinh ra trong một gia đình hào phú ở một làng quê nhỏ, hẻo lánh tại miền Trung. Cha tôi là một nhà nho không hiển đạt, suốt ngày tiêu khiển bằng thú đọc sách hoặc bẫy chim, kéo cá. Những bộ đồ bà ba bằng vải quyến trắng cuả Cha đều do Mẹ tôi may, giặt rất kỹ, nhuộm phớt một lớp dương xanh và xếp cẩn thận. Những đôi guốc cuả Cha đều do bác thợ mộc trong xóm đẽo. Buổi chiều Cha thong dong đi dạo khắp thôn xóm, ghé thăm gia đình nọ, đến viếng cụ già kia, ngồi chuyện trò cùng các bác, các chú. Thật khó khăn cho tôi khi phải đi mời Cha về dùng cơm tối. Tìm cho được nhà, thấy đông khách phải đứng lấp ló bên ngoài năm lần bảy lượt mới dám vào, rồi đứng thẳng khoanh tay ấp úng lặp lại đúng câu nói Mẹ đã dặn, rồi cúi đầu thưa hết các ông, các bác, các chú mới được ra về. Cha đi chầm chậm, tôi lặng lẽ theo sau, nhiều khi Cha dắt tay hoặc xoa đầu, âu yếm tôi trên đường về.

Mọi chuyện trong gia đình đều do một tay Mẹ tôi quán xuyến. Từ công cấy, công cày, đến việc định ngày thu hoạch các vụ mùa, sắp đặt các kho để chứa thóc, đậu, ngô, đến việc chi tiêu trong gia đình, chuyện phải không, chuyện cúng giỗ Ông Bà, chuyện lễ Tết v.v...

Còn biết bao nhiêu là chuyện lặt vặt nữa trong một gia đình phú hộ ở làng quê thời phong kiến!

Nào phải nhờ cho được chú Ba ở xóm dưới lên dọn vườn Mẹ mới vừa ý (trừ hàng rào bông bụp và những cây kiểng uốn hình thú vật là do Cha chăm sóc).

Nào phải có dượng Thập đến bắt bọ cho các cây dừa Mẹ mới an tâm.

Rồi còn phải săn sóc bà Nội, bà Đại Hào (bác dâu của Cha) nữa.

Công việc nhiều đến như vậy mà Mẹ tôi đã chu toàn một cách nhẹ nhàng với sự phụ tay cuả chị giúp việc và gia đình đã sống hòa thuận, êm ấm, hầu như không có một tiếng nói lớn trong nhà.

Thỉnh thoảng Cha Mẹ về thăm Ngọai và thường dắt tôi theo. Đường về nhà Ngoại qua những ngọn đồi, những cánh đồng, vài con lạch và một con sông lớn nên nhiều đoạn cha phải cõng tôi trên lưng. Đó là những chuyến đi đẹp đẻ, lý thú nhất cuả tuổi ấu thơ đã in đậm trong trí tôi. Thăm Ngoại vài hôm là Mẹ phải về trước để lo công việc, Cha ở lại nói chuyện với các Cậu có khi cả tuần (các cậu tôi theo Tây học và có người đã đậu Tú tài, Kỹ sư. Sau nầy Mẹ kể lại là, lúc tôi mới sinh ra, Cha và hai cậu bị mật thám bắt nhốt ở nhà lao tỉnh thời gian rồi cho về quản thúc tại nhà).

Gia đình đang sống vô cùng hạnh phúc, Cha Mẹ tôi thương yêu nhau vô cùng đậm đà, nhất là khi Mẹ tôi sinh thêm em trai tôi (Cha tôi thường bảo sinh hai trai, hai gái là qúy nhất), thì Cha tôi ngã bịnh và qua đời một cách đột ngột khi vị Bác sĩ được mời từ tỉnh lỵ về chưa kịp đến nơi (trước 1945 cả tỉnh tôi chỉ có một vị Bác sĩ Đông Dương duy nhất).

Đau đớn đến bất ngờ quá! Tai ác kinh hoàng quá! Suốt đời tôi nhớ mài phút cuối cùng khi tôi được gọi đến nhìn Cha lần cuối: Người nắm chặt tay tôi, mắt mở lớn, môi mấp máy rồi thở nhẹ, nhắm mắt lặng lẽ ra đi...

Cuộc sống cả nhà như ngừng lại, rồi những tiếng khóc đồng loạt vang lên! Suốt đời tôi nhớ mãi hình ảnh Mẹ tôi lăn lộn, vật vã khắp nhà, tóc buông rũ rượi, khóc than thảm thiết.

Và có cảnh nào thê lương hơn buổi tiển đưa Cha về cõi bên kia: Bà Đại Hào, bà Nội, Mẹ tôi, ba chị em tôi (em tôi còn nhỏ nên chú tôi bồng), bà con hai bên nội ngoại (các chú, các cô, các cậu, các dì...) và rất đông hàng xóm, láng giềng chầm chậm bước theo quan tài Cha. Mẹ tôi ngất xỉu nhiều lần nên cô Út và chị giúp việc phải vịn hai bên.

Ảo não quá chiều cuối cùng vĩnh biệt

Từ đó cứ mỗi lần cúng giổ Cha, bà Nội thường nhắc là ngày xưa Cha xử thế không mích lòng một đứa trẻ nhỏ và dặn dò khuyên bảo chúng tôi phải cố gắng noi gương Cha.

Còn Mẹ tôi? Làm sao chúng tôi hiểu hết được nỗi đớn đau tột cùng cuả Mẹ? Chỉ biết đêm nào tôi cũng thấy Mẹ khóc khi đốt hương trên bàn thờ Cha và câu hát Mẹ thường ru em tôi ngũ là:

...Con cuốc lẽ đôi còn ngồi than khóc, huống chi vợ chồng mình chia tóc, rẽ tơ: kẻ đi âm phủ, người chờ dương gian. Phải chi âm phủ có đàng, em bồng con thơ xuống ở với chàng đôi năm...

Cha tôi qua đời được một năm thì bà Đại Hào cũng quy tiên và Mẹ tôi phải lo đám tang vì Ông Bà không có con.

Ít lâu sau trong họ tộc có lời ong, tiếng ve rất nhẹ nhàng về Mẹ tôi. Qúi Cụ - các Ông Bà, các Bác, Chú, Cô xa gần - nghĩ rằng Mẹ tôi còn quá trẻ (Mẹ mới vừa hai mươi chín tuổi), lại có nhan sắc nên thế nào cũng bước thêm bước nữa. Do đó qúi Cụ sợ Mẹ tôi xài phí hết gia tài (Cha tôi được hưởng ba gia tài) trước khi tái giá. Qúi Cụ sợ chúng tôi bị bơ vơ. Qúi Cụ sợ gia sản tổ tiên bị tẩu tán. Qúi Cụ có cái lý cuả qúi Cụ. Mẹ tôi thì vẫn lặng im chịu đựng, lặng im chu toàn mọi công việc trong gia đình, lặng im chăm sóc bà Nội, và lặng im chít chiu bốn đứa con còn nhỏ dại. Đêm đêm khi cả nhà ngủ hết, Mẹ vẫn đốt hương trên bàn thờ Cha và vẫn xót xa ru em tôi bằng bài ca như nát gan, xé ruột...

Sau khi bà Đại Hào qua đời thì bà Nội là người tuổi tác và ngôi thứ cao nhất trong họ tộc nên ý kiến cuả Nội nhất nhất đều được mọi người tuân theo. Nội đã giải thích và yêu cầu qúi Cụ phải để Mẹ tôi yên, phải an ủi Mẹ tôi để Mẹ tôi chăm sóc, dạy dỗ bốn cháu nội còn quá nhỏ dại cuả bà. Thêm vào đó, trước sự đoan chính cuả Mẹ, với cái uy tín Mẹ đã tạo được do sự đảm đang kể từ ngày về làm dâu trưởng trong gia đình, trong họ tộc nên những lời ong, tiếng ve chỉ là những cơn gío thoảng bên ngoài. Từ đó trong gia đình, trong họ tộc lại đầm ấm tình thương yêu, bảo bọc như thuở Cha tôi còn sống. Nhừng ngày giỗ, ngày Tết và nhất là ngày Chạp Họ hàng năm bà con về rất đông đủ để cùng tưởng vọng tổ tiên. Tuy tôi còn nhỏ tuổi nhưng là trưởng trong gia đình và trưởng phái cao nhất trong họ tộc nên bà Nội may khăn xếp, áo dài lương cho tôi mặc để bái tổ tiên trước nhất.

Ít lâu sau Nội lại lên đường theo tổ tiên nên, một lần nữa, gia đình lại có đại tang, họ tộc lại đau cảnh vĩnh biệt. Mới hơn bốn năm mà gia đình phải chịu ba đại tang, mà nước mắt Mẹ đã đổ quá nhiều. Chúng tôi thì còn ở tuổi rong chơi nào có biết hết được những đau đớn tột cùng liên tiếp đến với Mẹ!, nào có hiểu hết được những gánh nặng khó khăn dồn dập trút lên vai Mẹ!

Gia đình trở nên hiu quạnh vô cùng. Mẹ quyết định đóng cửa căn nhà Ông Bà Đại Hào để lại, chỉ những ngày Giổ, Tết mới quét dọn, sửa sang. Mẹ, bốn anh chị em chúng tôi và chị giúp việc chỉ ở vỏn vẹn trong căn giữa của ngôi nhà Ông Bà Nội.

Chiều chiều cả gia đình ngồi trước hiên nhìn những ngọn đồi, những khóm rừng rậm rạp, um tùm trước mặt và tôi thường thấy nước mắt lăn từ từ trên má Mẹ.

Những khóm rừng là gia sản cuả Ông Bà và ngày trước tôi đã từng theo Cha đi bẫy chim, đã từng vui chơi thoả thích dưới bóng mát cuả những tàng cây cổ thụ vậy mà giờ đây lại mang đầy bí hiểm như đang hăm dọa chúng tôi.

Bà con hai bên Nội Ngoại và các chú tá điền, chòm xóm vẫn thường xuyên đến thăm viếng, an ủi chúng tôi, thường xuyên giúp đở Mẹ những lúc cần thiết: che lại một góc nhà kho bị dột, sửa lại một đoạn hàng rào bị đứt lạt, dựng lại một chuồng chim bồ câu bị xiên...

Cuộc sống của gia đình cứ như thế bình yên, lặng lẽ, hiền hòa, quạnh hiu theo năm tháng thì bỗng một hôm Việt Minh nổi lên cướp chính quyền.

Ra đường tôi thấy nhiều người với gậy tầm vông, giáo mác nghe nói là từ Lò Du Kích Ba Tơ về. Mọi người khi gặp nhau đều phải nắm cặt bàn tay phải để ngang tai và hô to: Hy Sinh Vì Tổ Quốc.

Không ai được đi ra ngoài xã. Lệnh trên ban xuống như vậy. Các chú lý hương trong làng đã trốn và đang bị truy nã.

- Chết nhiều lắm. Tin rỉ tai truyền đi khắp nơi.

Một đêm, sau khi bốn bề đã vắng lặng, Mẹ nói nhỏ với chúng tôi:

- Cậu Tú đã bị chém ở Đồng Trãng.

Rồi Mẹ nghẹn ngào tức tưởi âm thầm khóc. Tôi thấy tôi cũng khóc vì cậu Tú và tôi có nhiều kỷ-niệm. Tuy cậu đã tốt nghiệp Cao Đẵng Công Chánh nhưng trong họ tộc và làng xã vẫn gọi cậu là Ông Tú có lẽ vì mảnh bằng Tú Tài Tây cậu mang về trước năm 1940 đã làm rạng rỡ dòng họ và quê hương. Những lần theo Cha về thăm Ngoại tôi đã ngồi hàng giờ để lắng tai nghe Cậu và Cha nói chuyện dù chẳng hiểu nội dung. Cậu rất thương Mẹ nên sau khi Cha qua đời Cậu thường đếm thăm viếng, an ủi Mẹ và săn sóc, dạy bảo chúng tôi. Bây giờ cậu đã bị chém: Mẹ khóc và chúng tôi khóc.

Rồi toàn quốc kháng chiến. Rồi những chính sách nuôi quân, động viên nhân vật tài lực, thuế nông nghiệp, phát động quần chúng đấu tranh tố khổ... lần lượt được thi hành rất quyết liệt tại Liên Khu 5 (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên). Bên cạnh những đau khổ vì chiến tranh mỗi ngày một khốc liệt, là gia đình điạ chủ, Mẹ và chúng tôi còn phải gánh thêm biết bao nhiêu là đắng cay, khổ nhục! Mẹ phải lao động thực sự trong tổ vần công. Chúng tôi phải gánh vác nhiều nhiều công việc trong gia đình và ngoài ruộng đồng. Lắm khi gặp vụ mùa chúng tôi phải nghỉ học cả tuần.

Nào có phải chỉ riêng gia đình chúng tôi khổ cực đâu? Các chú tá điền cũ và bà con thuộc thành bần cố nông nòng cốt, trừ những đêm họp thôn được ngồi trên ghế (Mẹ tôi và qúi Bác, qúi Chú thuộc thành phần địa chủ, cường hào phải ngồi dưới đất), còn cuộc sống cũng mỗi ngày một khó khăn đói rách.

Năm 1949 máy bay Pháp đến ném bom làm cháy căn nhà Ông Bà Đại Hào và chị giúp việc cho gia đình bị tử thương. Cả nhà vô cùng đau khổ vì Mẹ và chúng tôi xem chị như người ruột thịt. Mẹ khóc thật nhiều bởi vì chị và Mẹ đã san sẻ mọi nỗi vui buồn từ khi Mẹ về nhà chồng. Hình như chưa bao giờ Mẹ rầy la chị và cũng chưa lần nào chị buồn phiền vì Mẹ. Chị ra đi làm cho gia đình hắt hiu thêm và Mẹ buồn khổ nhiều thêm.

Năm 1952 một khó khăn đặc biệt đến với Mẹ và có ảnh hưởng tới hoàn cảnh chung của gia đình là việc gả chị Ba tôi lấy chồng. Trong số những người đến cầu hôn có hai anh mà Mẹ tôi phải đắn đo lựa chọn làm rể lớn trong gia đình. Anh N. thuộc thành phần điạ chủ, cường hào. Đó là gia đình không tiến bộ và đang là đối tượng chính mà công cuộc đấu tranh giai cấp phải triệt hạ. Hoàn cảnh khó khăn của hai gia đình chúng tôi rất giống nhau và anh N. đang đi dân công (gánh gạo, tải đạn) lên tận chiến trường An Khê, Kontum.

Người thứ hai là anh T. đang là Tiểu đoàn trưởng Vệ quốc đoàn đóng quân ở làng bên. Là sinh viên trường thuốc tại Hà Nội, anh T. đã nhập ngũ theo tiếng gọi cuả phong trào toàn quốc kháng chiến năm 1946. Chiều chiều anh thường đến nhà hầu chuyện với Mẹ và cùng tôi đàn, hát những bản nhạc tiền chiến. Anh rất thích bài Nụ Cười Sơn Cước và thường ôm đàn một mình tha thiết hát:

... Ai về qua bến nước Ba Liên (tên một con sông ở làng tôi) nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trong, một chiến vòng sáng long lanh với nụ cười nàng quá xinh...

Tôi thấy mắt anh mơ màng và buồn xa xăm. Sự khôn ngoan, lễ phép và lịch thiệp cuả anh đã chiếm được cảm tình tất cả mọi người trong gia đình đến bà con hàng xóm. Nhưng Mẹ quyết định không gả chị Ba cho anh T. dù tôi biết Mẹ rất mến anh.

- Không biết nguồn gốc gia đình và cả nhà không thể sống xa chị tôi dù chị có chồng.

Đó là lý do Mẹ đưa ra để từ chối lời cầu hôn cuả anh T. Mẹ luôn luôn có cái lý chính đáng riêng cuả Mẹ.

Khi đơn vị đổi đi, anh T. có đến thăm giả từ Mẹ cùng gia đình và có ghi cho tôi mấy dòng lưu niệm:

...Khi nào nhớ đến anh em hãy tưởng tượng ra một chàng vệ quốc quân trẻ tuổi với đôi kính trắng, bệ vệ như một nhà tu hành cơ đốc giáo...

(Sau nầy nhiều dịp trong cuộc sống tôi có nghĩ đến anh T. và tin chắc rằng với tâm hồn đó, với phong cách đó, không thể nào anh là tín đồ cuả đạo Karl-Marx được).

Việc chọn anh N. làm rễ đã mang đến cho Mẹ nhiều khó khăn và gia đình ngày càng bị cô lập thêm. Đầu năm 1953 số lượng luá thu hoạch cả năm cuả gia đình không đủ để đóng thuế nông nghiệp theo khẩu hiệu nạp nhanh, luá khô, luá sạch nên Mẹ phải đi học tập ở xã rồi lên huyện. Lúc bấy giờ tôi đã học xong cấp 2 (trung học đệ nhất cấp) và không được lên cấp 3 (đệ nhị cấp) vì gia đình địa chủ nên ở nhà cùng lo việc gia đình với Mẹ.

- Người ta đang bắt Mẹ phải làm gì trên huyện?

- Sao Mẹ tôi lại phải gánh chịu nhiều đắng cay đến như vậy?

Một buổi chiều, chúng tôi đang lo lắng hồi họp chờ tin, Mẹ trở về u sầu cho biết:

- Ban thuế của huyện yêu cầu mình bán căn nhà nầy cho chính phủ làm kho chứa gạo để trừ thuế nông nghiệp năm nay.

- Rồi mẹ con mình ở đâu? Chúng tôi cùng la to lên.

- Lấy chỗ nào thờ phụng Ông, Bà và Cha?

Mẹ tôi chỉ nói được bấy nhiêu rồi đau khổ khóc rống lên. Có lẽ là do những uất nghẹn dồn nén vì những ngày học tập ở xã và huyện Mẹ đâu dám khóc! Lát sau Mẹ lau nước mắt và nói tiếp:

- Huyện cho mình được tiếp tục ở lại căn nhà bếp.

Chúng tôi ứa nước mắt lặng lẽ nhìn nhau...

Mọi thủ tục giấy tờ sắp hoàn tất nghĩa là chúng tôi sắp bắt đầu cuộc sống ở đậu trên chính căn nhà cuả mình thì tin đình chiến ký kết tại Genève truyền đi khắp nơi. Thời đó, ở vùng Việt Minh kiểm soát, không có báo chí, không có radio nên người dân sống như trong hang động chẳng hay biết những gì đang xãy ra ở trên thế giới.

Tháng 7 năm 1955, chính quyền Quốc Gia tiếp thu hoàn toàn các tỉnh thuộc Liên Khu 5. Khắp nơi nhân dân nô nức vui mừng vì thanh bình và no ấm đến bất ngờ quá!

Sau mấy năm lo khôi phục lại kinh tế gia đình, chúng tôi -hai anh rễ và tôi- đi học lại. Rồi lần lượt kẻ trước người sau chúng tôi, hoặc động viên nhập ngũ, hoặc sinh hoạt trong các lãnh vực khác nhau. Mẹ vẫn ở tại ngôi từ đường đã được tu sửa khang trang, ấm cúng để lo hương khói Ông, Bà, Cha.

Những ngày Giỗ, Tết con cháu các nơi về đông đảo, gia đình rộn vang tiếng cười. Tôi thấy mắt mẹ cười! Đã nhiều năm dài mắt Mẹ phủ đầy những lớp mây u buồn, đong đầy nước mắt khi ràn rụa, lúc âm thầm. Niềm vui duy nhất cuả Mẹ là trông thấy các con nên người và thờ phụng chu đáo tổ tiên.

Khắp xóm thôn, nhân dân vui hưởng thái bình, đất nước đang trên đường tái-thiết, xây dựng, tình người được phát triển, đạo lý được phục hồi sau 9 năm bị tàn phá khánh tận bởi chiến tranh và những người Cộng sản.

Nhưng rồi loạn lạc lại nỗi lên. Núp dưới nhãn hiệu giải phóng, Hà Nội đã xua hàng vạn tuổi trẻ vào gây chiến tại miền Nam. Xóm làng lại bắt đầu tiêu điều xơ xác. Và tỉnh tôi -Quảng Ngãi- vẫn là nơi gánh chịu nhiều tàn phá nhất. Cuối năm 1965 làng tôi hoàn toàn bị chiếm nên Mẹ mới chịu rời bỏ vùng quê nhỏ thân yêu để tản cư lên tỉnh lỵ. Tôi biết Mẹ đau khổ vô cùng bởi vì sau khi Cha qua đời thì ngôi từ đường, khu vườn, thửa ruộng, xóm làng và con cháu là cả cuộc đời cuả Mẹ. Bây giờ Mẹ chỉ còn có con cháu nên Mẹ mới chịu ra đi. Mẹ bỏ lại tất cả, chỉ mang theo bộ lư đồng thờ tổ tiên từ thời ông Cố và một xách tay nhỏ gồm những trích lục, văn khế liên quan đến gia sản, bốn lá số tử vi cuả chúng tôi do Cha để lại và tờ sính lễ màu đỏ kỷ niệm cuộc hôn nhân cuả Cha Mẹ.

May mắn là tất cả anh chị em chúng tôi đều cùng cư ngụ chung trong thành phố nên Mẹ thường xuyên được sum họp với đầy đủ các con cháu. May mắn nữa là các bác sui với Mẹ cũng tản cư lên thành phố nên qúi Cụ có dịp san sẻ vui buồn. Là những goá phụ thờ chồng, nuôi con, cùng thế hệ cùng hoàn cảnh, cùng tâm trạng và kết nghĩa sui gia từ lâu nên qúi Cụ xem nhau như chị em ruột. Nhiều hôm đi làm về tôi thấy qúi Cụ cùng ngồi bên khay trầu nhỏ to tâm sự. Ngoài chuyện các con, các cháu thì tâm tình cuả qúi Cụ vẫn là chuyện quê hương: chiếc cầu qua con suối nhỏ, bờ tre ven sông, cây đa đầu làng, ngôi miếu thờ thần...và chuyện ruộng vườn, chuyện mồ mả tổ tiên.

Chiến tranh mỗi ngày một gia tăng khốc liệt. Khắp nơi lớp thanh niên lứa tuổi 17 - 20 bị còng chân vào xe tăng, đại bác hoặc bị chích thuốc kích thích để làm những con thiêu thân trong các trận biển người và chiến trường Việt Nam là nơi thí nghiệm cho đủ mọi thứ vũ khí tân kỳ. Mắt Mẹ lại mỗi ngày một buồn thêm vì hôm nay vừa biết một đứa cháu bên ngoại tử trận thì ngày mai lại nghe tin một đứa cháu bên nội bị thương phải vào bệnh viện.

Mãi đến đêm 24 rạng ngày 25 tháng 3 năm 1975 thì tỉnh tôi hoàn toàn bị cưỡng chiếm trong đợt đầu cuả cơn hồng thủy đưa cả nước vào những ngày đen tối bi thương một tháng sau đó.

... Ôi! xương tan máu rơi, lòng hận thù ngút trời...

Sao mà câu hát nầy trong bài gọi là Quốc ca của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời diễn tả đúng vô cùng hoàn cảnh miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tiền nhân cũng phải đau đớn khóc thầm!

Trời cao cũng phải u sầu nhỏ lệ!

Bốn anh em chúng tôi bị giam cầm ở bốn trại tù khác nhau khắp núi rừng. Và Mẹ tôi lại phải gánh chịu những buồn đau tột cùng! Làm sao kể hết được những đắng cay, tủi nhục cuả những bà Mẹ, những người vợ có con, có chồng đi ở tù cải tạo sau 1975?

Chỉ riêng việc đi thăm nuôi thì những gian truân, chua xót cuả các các nàng chinh phụ ngày trước đã đi vào văn học sử:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non

hoặc:

Ai lên xứ Lạng cùng anh
Má hồng đổi lấy mặt xanh đem về

v.v... cũng không thể nào sánh kịp.

Tằn tiện, vay mượn để mua quà rồi vượt hàng vạn dặm qua biết bao nhiêu núi, đèo, sông, suối để được thăm 5 mười phút, được thấy con, chồng mình gầy yếu thảm thương rồi gạt nước mắt quay về đường xa thăm thẳm, núi rừng mêng mông...

Đứng trong hàng rào kẻm gai nhìn người thân quãy gánh lặng lẽ u sầu trở về khuất dần trong truôn vắng khi bóng chiều đang phủ khắp núi đồi mấy ai không nghẹn ngào?

Đó là chưa kể có kẻ vừa tìm đến nơi thì người thân đã bị đổi đi trại khác. Đó là chưa kể đến những hạch sách, hách dịch đủ điều một cách vô lý, khôi hài đến tàn nhẫn cuả các chú bảo vệ hoặc công an trại.

Mẹ già sớm ngóng, chiều trông
Thương con: tóc bạc, lưng còng, gieo neo
Lội sông, vượt suối, treò đèo
Thăm con rồi quãy sầu theo đường về

Mẹ đã thăm anh em chúng tôi trong cái tâm trạng như vậy đó. Mẹ đã thăm tôi hết trại nầy đến trại khác khắp các vùng núi đồi xa xôi heo hút suốt 9 năm trong hoàn cảnh khó khăn tột độ cuả gia đình sau cuộc đổi đời. Lần nào cũng vậy, liên tiếp nhiều đêm sau ngày Mẹ đến thăm, tôi không thể nào chợp mắt được khi nghĩ đến hình ảnh Mẹ tiều tụy, lưng còng, da nhăn, tóc bạc và quần áo bết đầy bùn đen, bụi đỏ.

Ngày ra tù, mặc dầu lệnh tha buộc tôi phải về nơi sinh quán và chịu quản chế hai năm nhưng tôi đã bất tuân và về thẳng Sài Gòn, nơi Mẹ tôi đang cư ngụ. Một là tôi đã biết quá rõ sự gian manh, tàn ác cuả chính quyền địa phương dưới chế độ Cộng sản tại Liên khu 5 từ sau ngày cách mạng mùa Thu 1945 nhưng nhất là tôi tha thiết muốn được gặp Mẹ. Ôi! đôi mắt Mẹ sau hơn 3 ngàn ngày mới được tự do nắm tay con: cười long lên, sâu thăm thẳm rồi mếu máo ràn ruạ vuốt ve tôi như như thuở mới lên năm.

Đôi mắt nhân hậu đó là dòng suối ngọt ngào, là bóng mát dịu dàng, là tình thương yêu mênh mông đã nuôi nấng, bao bọc chúng tôi hơn năm mươi năm qua. Đôi mắt phúc đức đó (phúc đức tại mẫu) đã che chở cho chúng tôi qua khỏi những tai họa cuả chiến tranh, loạn lạc theo dòng lịch sử cận đại cuả đất nước.

Niềm vui đoàn tụ chỉ được mấy ngày là tôi phải lo đến hoàn cảnh cuả mình. Làm gì để sinh sống, làm sao có hộ khẩu và nhất là tôi có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào vì không tuân theo lệnh cuả giấy phóng thích. Tôi thực sự cần được bình yên để tỉnh dưỡng sau những năm tháng khổ sai đằng đẵng. Tôi tha thiết muốn được gần Mẹ và gia đình cho tâm hồn dịu bớt những đắng cay. Giấc mơ vô cùng đơn giản: Một mái nhà dù rách nát, xiêu vẹo để trú thân, một công việc dù khó khăn, nặng nhọc để độ nhật nhưng nào tôi có được đâu? Do đó tôi đành phải sống chui, lẫn trốn khắp nơi: Bình Long, Long Khánh, Long Thành, Bà Rịa, Bình Giã, Bình Ba, Hắt Dịch... chỗ nầy một tuần, chồ kia mười hôm. Thỉnh thoảng về lại Sài Gòn để chua xót chua xót nhìn mắt Mẹ lo lắng, quầng sâu. Rồi cuối cùng tôi đã trốn ra đi. Chuyến đi của một kẻ thua cuộc đầu hàng. Chuyến đi với rất nhiều gian truân nguy hiểm: có thể bị bắt lại vào tù, có thể bị công an bắn chết, có thể bỏ mình trên biển cả... Và chuyến đi đau đớn tột cùng cho tôi: xa Mẹ tôi và xa tổ quốc Việt Nam!

Bên nầy cứ mỗi lần nhận thư Mẹ là nhiều đêm liên tiếp tôi xót xa không ngủ được như những lần Mẹ đến thăm trong các trại tù thuở xưa. Những cánh thư mỗi ngày một thưa dần vì sức Mẹ mỗi ngày một yếu, mắt Mẹ mồi ngày một mờ. Lần nầy thì thư của Mẹ đã thực sự mang đến cho tôi nhiều xúc động và khổ đau. Họ định làm gì với vùng đồi hoang vắng mà Bà Nội đã rước Thầy Địa chọn làm nơi yên nghỉ cho Cha tôi năm mươi năm qua? Tôi đã nghe quá nhiều lần những từ ngữ “quy hoạch, hạch toán, giá thành...” mà các chú vẹt bé con lải nhải trong những phút lên mặt với chúng tôi tại các trại tù. Bây giờ họ đang quy hoạch vùng đồi đó nên phần mộ cuả Cha tôi đã phải cải táng. Đó là một vùng đồi đầy đá tảng và Cha tôi nằm yên nghỉ tại một khoảng bằng nhỏ nhìn xuống chân đồi. Xa xa, qua vùng sỏi đá, bên trái là cánh đồng lộng gío, bên phải là dòng sông Trà Câu hiền hoà chảy theo năm tháng. Vậy mà bây giờ Cha tôi phải đổi chỗ nằm. Và hàng ngàn, hàng vạn mồ mả tại miền Nam đã bị quật phá. Đó không phải là chuyện đơn giản bình thường. Đó là chủ trương cực kỳ tàn ác, sâu độc cuả bạo đảng và bạo quyền Hà Nội. Sau khi cưỡng chiếm xong miền Nam, họ ra lệnh san bằng tất cả các nghĩa địa ở thành phố và quy hoạch các vùng có nhiều mồ mả tại thôn quê để triệt hạ tận gốc những thành phần phản động. Nào có khác gì thuở xưa giặc Tàu đã cho yểm các long huyệt vì sợ Việt Nam có minh quân, dũng tướng? Nào có khác gì thực dân Pháp đã quật mồ các chiến sĩ Cách mạng đốt lấy tro trộn thuốc súng bắn ra biển. Trong khi đó họ đã cho xây những nghĩa trang mới để chôn các anh hùng liệt sĩ, và tại thành phố, những con đường chính được mang tên những kẻ cha căng, chú kiết như Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm..., còn những anh hùng dân tộc tên tuổi rỡ ràng trong lịch sử như Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Thái Học... thì dành cho những con đường bùn lầy nước đọng, tối tăm ở ven thị.

Và lăng Hồ Chí Minh, người đã mang đại họa đến cho dân tộc, đang cao lớn sừng sững giữa lòng Hà Nội với biết bao là tốn kém trong lúc Việt Nam là một trong những nước nghèo đói nhất thế giới, trong lúc đền thờ Quốc tổ Hùng Vương cùng các anh hùng dân tộc đều bị cửa đóng then cài, hương tàn khói lạnh.

Lịch sử nước nhà sẽ có những trang ghi đậm các hành động tội lỗi nầy!

Phần mộ cuả Cha tôi đã bị cải táng. Tôi biết Mẹ tôi đau khổ đến dường nào! Vì tôi biết tôi chua xót ra sao!

Hôm nay, ở một thành phố nhỏ bé xa xôi cuả miền Trung Hoa Kỳ, tóc đã bạc cằn vì năm tháng và cay đắng, khổ đau cuả cuộc đời, ngồi viết những dòng nầy cho Mẹ giữa muà Vu Lan báo hiếu, tôi nghe lòng trĩu nặng nhớ thương.

Đã có biết bao tác phẩm viết về Mẹ, đoạn văn nào cũng hay, câu thơ nào cũng đẹp, bài ca nào cũng thấm thiết, họa phẩm nào cũng thâm trầm ... nhưng vẫng không thể nào diển tả trọn vẹn.

Mẫu tự M khi phát âm nghe nhẹ nhàng, thân thiết nên ngôn ngữ nhiều nước đã dùng làm mẫu tự đầu để gọi Mẹ. Việt Nam: Mẹ, Má; Anh: Mother, Mom; Pháp: Mère, Maman; Mễ: Madre, Mamá; Lào: Me; Cam Bốt: Ma; Thái Lan: Me... Nhưng Vũ Hoàng Chương đã viết:

Ngôn ngữ trần gian túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!

Không biết văn học Việt Nam đồng hoá hình ảnh lớn lao thân thiết cuả quê hương với hình ảnh cao cả bao la cuả Mẹ hiền từ lúc nào? Người tha hương nhớ về quê cũ là nhớ về quê Mẹ:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều

Ôi! Những bà Mẹ Việt Nam tuyệt vời đã hy sinh tất cả cho chồng, cho con, cho sự vươn lớn của Tổ quốc!
Và Mẹ tôi suốt đời quãy nặng gánh sầu!

Mùa Vu Lan 1989

Tám mươi bảy tuổi về Trời
Mẹ theo Cha bỏ lại đời héo hon
Niềm đau nầy viết sao tròn?
Trần gian ơi! có nỗi buồn nào hơn?

Tháng 10, 2001.
Nguyễn Văn Quảng-Ngãi.

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tâp văn, Tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh