Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 02, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Tạp văn, tùy bút
LỊCH SỬ VÙNG CAO QUA VŨ MAN TẠP LỤC THƯ
NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI

 

LỊCH SỬ VÙNG CAO QUA VŨ MAN TẠP LỤC THƯ CỦA NGUYỄN ĐỨC CUNG

SƠ LƯỢC VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM:

Dày 428 trang, trình bày trang trọng, tác phẩm do Nhật Lệ xuất bản tại Philadelphia, Pennsylvania cuối năm 1998. Đây là một công trình nghiên cứu lịch sử rất khoa học mà tác giả, trước 1975, bên cạnh các hoạt động cách mạng, chính trị (Cựu Dân Biểu Quốc Hội), vốn là một nhà giáo (Cựu Sinh Viên Viện Hán Học, tốt nghiệp Đại Học Huế, Cao Học Sử Học) đã dày công sưu tầm tài liệu, khảo dịch, bổ chú từ những năm 1973 đến 1975 trong hoàn cảnh biến động đặc biệt cuả tình hình chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam. Chưa kịp cho tác phẩm chào đời thì biến cố 1975 đã đưa tác giả vào tù suốt 13 năm mang theo mình nỗi ưu tư là công trình tim óc đó chắc đã tan thành mây khói.

May mắn thay (cho tác giả và cũng cho lịch sử nước nhà) là tác phẩm đã sống sót được qua các đợt truy quét “văn hoá phẩm phản động” cuả chính quyền Cộng sản và được di chuyển qua Pháp năm 1989 để rồi năm 1991 từ Pháp sang Hoa Kỳ tái ngộ cùng tác giả khi mới định cư theo tiêu chuẩn cựu tù nhân. Do đó tác phẩm được nhuận sắc lại và ra mắt bạn đọc góp phần làm phong phú kho sử liệu của dân tộc.

Tác phẩm là một tập tài liệu đầy đủ, tỉ mỉ về lịch sử người Thượng nói chung, về người Thượng vùng Quảng Ngãi nói riêng và về việc bình định người Thượng của triều Nguyễn kèm theo bản dịch trực tiếp từ Hán văn tác phẩm Vũ Man Tạp Lục Thư của cụ Nguyễn Tấn xuất bản năm 1898 .

Trong lời giới thiệu, Linh mục Nguyễn Phương, nguyên Giáo sư Sử học Đại học Huế từ 1957 đến 1975, đã viết:

-“...Trong thời gian gần đây, các tác phẩm về lịch sử không phải là không có. Nhưng thứ thì nhai lại một cách khôn khéo không ít thì nhiều, thứ thì phỏng theo các tác phẩm ngoại ngữ chỉ thêm vào hay bớt đi cho có vẻ mình là tác giả... Lịch Sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư là một công trình...đáng qúi vì là một tài liệu hiếm có... đáng trọng vì là một việc làm công phu... Một người nghiên cứu sử không thể không qúi trọng một tác phẩm có giá trị cao về phương diện tài liệu sử học. Vì vậy, chúng tôi không ngần ngại giới thiệu với bất cứ ai còn nặng lòng yêu mến quê hương và ưu ái với lịch sử...”

Tác phẩm gồm ba phần:

A. Phần I:
- Tìm hiểu về người Thượng ở Quảng Ngãi .
- Lược phê các công trình nghiên cứu về người Thượng ở Quảng Ngãi.
- Lược sử về công cuộc bình định vùng thượng du Quảng Ngãi.

B. Phần II:
Phiên dịch và chú thích Vũ Man Tạp Lục Thư gồm:
* Bốn bài tựa của:
- Tác giả: Nguyễn Tấn (Ôn Khê Nguyễn Tử Vân)
- Hoàng Cao Khải.
- Trương Quang Đản.
- Cao Xuân Dục.

* Ba quyển:
- Quyển I: Núi non hiểm dị.
- Quyển II: Tính chất đất đai.
- Quyển III: Công cuộc xây dựng hoặc đổi mới qua các triều đại.

C. Phần III:
Các tư liệu phụ lục kể cả nguyên tác Hán văn của Vũ Man Tạp Lục Thư.


Tôi nhận được Lịch Sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư do tác giả - qua một hậu duệ của cụ Nguyễn Tấn đang cư ngụ tại thành phố Dallas - gởi tặng và đã đọc say sưa, đọc đi, đọc lại với nhiều lý thú, lắm ngạc nhiên. Một phần vì tác phẩm viết về quê hương mình, nơi mình đã sinh ra, lớn lên, đã sống suốt một đoạn dài theo dòng lịch sử: vui tươi cũng lắm, khổ đau, nước mắt, mồ hôi cũng rất nhiều và ngày nay, sau hơn mười năm lưu lạc, lúc nào lòng cũng mang nặng niềm đau: Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.

Phần khác vì bị thu hút bởi phương pháp khảo dịch khoa học, phê bình chú giải, so sánh tỉ mỉ của tác giả cùng với những tài liệu qúi báu đã làm cho tác phẩm cuả tiền nhân 100 năm trước trở nên mạch lạc, rõ ràng và trong sáng.

Đọc xong tác phẩm, liên hệ đến những điều mình còn nhớ về quê Mẹ Quảng Ngãi, tôi thấy có bổn phận phải viết lại đây một ít ghi nhận để giới thiệu đến độc giả bốn phương như một tỏ lòng thành kính biết ơn tiền nhân trong sự nghiệp mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước và như một đáp tình chân thành qúi mến đến tác giả Nguyễn Đức Cung đã cống hiến cho chúng ta một thiên sử liệu qúi giá .

SƠ LƯỢC VỀ NGƯỜI THƯỢNG Ở QUẢNG NGÃI:

Mở đầu chương Tìm hiểu người Thượng Quảng Ngãi tác giả đã viết:

-“Sau chiến thắng năm Canh Dần (1470) cuả vua Lê Thánh Tông đối với Chiêm Thành, lãnh thổ Đại Việt lại một lần nữa rộng dần về phương Nam. Trước đó hàng thế kỷ người Chiêm đã phải lùi bước để lại các phế tích cung điện vốn một thời lừng lẫy văn minh dưới sức tiến dũng mãnh của tiền nhân chúng ta.

...Tuy nhiên nếu chiến thắng Canh Dần đã khiến cho vương quốc Chiêm Thành thu hẹp lại để rồi biến mất về sau trên bản đồ nước Việt thì ở phía Tây dọc theo rặng Trường sơn hiểm trở ngút ngàn từ lâu vẫn hiện diện các sắc dân mà trình độ văn minh hãy còn thấp kém, phong hoá còn thô sơ, thói tục còn dị biệt so với người miền xuôi va sử sách ta thỉnh thoảng có đề cập tới bằng danh từ Man hay Mọi. Các sắc dân nầy sống rải rác trên các vùng cao từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, vào cho đến vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú lên tới các miền cao nguyên nam Trung Việt, trong đó kiệt liệt nhất có lẻ phải kể đến các sắc dân thiểu số tại Quảng Ngãi...”

Đoạn trích dẫn trên đây cho chúng ta cái nhìn tổng quát về người Thượng ở vùng Trường sơn Việt Nam nói chung và ở Quảng Ngãi nói riêng. Về phương diện hành chánh tỉnh Quảng Ngãi chia làm 10 quận:

* Sáu quận Trung Châu: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ.

* Bốn quận Thượng: Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ.

Vùng Thượng du chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh với rừng rậm bao la, núi cao hiểm trở là nơi sinh sống cuả hai sắc dân mà - do một cơ duyên đặc biệt nào đó - đã là đề tài cho Nguyễn Cư Trinh viết Truyện “Sãi Vãi” năm 1750, cho Nguyễn Tấn viết Vũ Man Tạp Lục Thư năm 1871 và về sau nầy rất nhiều tác giả Việt cũng như Pháp nhiều lần bàn đến. Nói như tác giả Nguyễn Đức Cung: Có một cái gì đó mang tính chất ngẫu nhiên chăng khi trên đất nước Việt Nam hiện diện mấy chục sắc dân thiểu số mà chỉ có người Thượng Quảng Ngãi là được đề cập đến một cách rõ ràng hơn cả ?

Người Thượng Quảng Ngãi từ đâu đến, ở đó từ bao giờ, thuộc chủng tộc nào, nếp sinh hoạt cùng ngôn ngữ và cá tính ra sao... là những câu hỏi mà cho tới ngày nay, nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, vẫn chưa có được những câu trả lời thống nhất và chính xác.

Người Thượng ở Quảng Ngãi có thể chia ra làm hai nhóm sắc tộc chính:

* Người Thượng Trà Bồng: Nhóm sắc tộc nầy có tên là Cà Dong hay là Cua ở quận Trà Bồng giáp giới vùng Hậu Đức tỉnh Quảng Tín và Dakley tỉnh Kontum. Họ còn có tên gọi là Mọi trầu (vì họ trồng nhiều trầu) hay là Mọi thuộc (vì họ chịu khuất phục và nạp thuế). Sắc dân nầy thuần thục, ứng đối lễ phép, ít người hung bạo nhưng không nhu nhuợc .

* Người Thượng Đá Vách: Nhóm sắc tộc nầy có tên gọi là Hré hay Rê ở rải rác tại các quận Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ (Rê là tên một con sông ở quận Ba Tơ, thượng lưu cuả sông Trà Khúc). Họ còn có những tên gọi khác là Mọi chòm hay Mọi đồng (vì họ sống dưới đồng bằng và họp thành chòm, thành xóm) hoặc Mọi hoang (vì họ không chịu khuất phục và không chịu nạp thuế) hoặc Thạch Bích Man hay Mọi Đá Vách. Nguyễn Tấn chú tâm vào sắc dân nầy và gọi tên chung là Thanh Cù. Sắc dân nầy da đen, lanh lẹ, tinh khôn và bạo hơn sắc tộc Cua ở Trà Bồng.

Trong hai sắc dân nầy, người Thượng Đá Vách khước từ sự xâm nhập vào buôn làng cuả họ và luôn luôn là đối tượng chinh phạt cuả chính quyền từ các triều đại phong kiến cho mãi đến ngày nay.

Xin ghi lại đây một vài sự kiện điển hình:

* Dưới thời phong kiến, người Thượng Đá Vách thường hay nổi lên chống đối, phá phách, tràn xuống miền xuôi cướp phá, kiếm lương thực, bắt người lên núi làm lao nô...khiến triều đình đã phải phái nhiều danh tướng đến tiểu trừ. Do đó tại các làng tiếp giáp với miền Thượng, người Kinh đã có những hàng rào quanh làng (thường là những lũy tre) với cổng ra vào kiên cố và có chòi canh để báo động cho dân chúng biết mỗi khi có người Thượng tràn xuống cướp phá. Năm 1815, sau khi bình định xong, Lê văn Duyệt đã cho đắp một Trường lũy dài 90 km chạy dọc suốt tỉnh Quảng Ngãi từ Hà Đông tỉnh Quảng Tín đến Bồng Sơn tỉnh Bình Định để ngăn không cho người Thượng tràn xuống phá phách.

* Từ năm 1945 đến năm 1954, Quảng Ngãi nằm trong vùng kiểm soát cuả Việt Minh và người Thượng Đá Vách đã nổi lên chống chính quyền Việt Cộng năm 1951 với những tên tuổi đã di vào lịch sử địa phương như Già Kiêu, Đinh Ngô, Chánh Ên, Chánh Rí v.v… mà qúi vị cao niên tại Quảng Ngãi không thể nào quên. Biến cố nầy nghiêm trọng đến nỗi chính quyền Cộng Sản Liên khu 5 lúc bấy giờ đã phải điều động trung đoàn chính qui 108 đến để đàn áp.

* Năm 1979 tại trại giam Kim Sơn tỉnh Nghiã Bình, một toán 6 tù nhân người Thượng Đá Vách đã trốn trại. Tôi có ở chung, quen biết với nhũng chiến hữu nầy và được họ xa gần tâm sự cũng như thấy được sự chuẩn bị cẩn thận, chu đáo cuả họ... Cuối năm ngoái, bất ngờ đọc báo thấy một trong số những người nầy - chiến sĩ Biệt Động Quân Đinh Văn Em - đã bị công an biên phòng bắt ngày 23 tháng 10 năm 1998 sau 19 năm sống trong rừng Gò Lâu vùng Đá Vách. Tôi bàng hoàng chua xót khi nghĩ đến những cực hình mà anh sẽ phải gánh chịu bởi các loại tra tấn cuả bạo quyền.

19 năm sống trong rừng sâu! Nhân loại ơi: Xin hãy cúi đầu khâm phục!

Một vài chi tiết bên lề tưởng cũng cần nêu ra đây khi nói đến người Thượng:

* Người Thượng không có họ nên hầu hết đều mang họ ĐINH. Tại Quảng Ngãi chính quyền cộng sản đã bắt người Thượng hoặc mang họ Hồ (của Hồ Chí Minh) hoặc họ Phạm (của Phạm văn Đồng).

* Dưới chính thể Việt Nam Cộng Hoà, chúng ta gọi họ là người THƯỢNG (tức là những người sống ở vùng cao) hoặc người THIỂU SỐ (sắc dân ít người) rất hợp lý và chính xác. Còn những người Cộng sản Việt Nam ban đầu (sau 1945) gọi họ là NGƯỜI VIỆT NAM MỚI và bây giờ gọi họ là DÂN TỘC ÍT NGƯỜI (ví dụ: dân tộc Cua, dân tộc Rê v.v… Chỉ có một Dân tộc Việt Nam thôi mà!). Kỳ quái đến như vậy là cùng!

* Trước 1975 các Đại học ở miền Nam không có phân khoa Nhân Chủng Học (môn khoa học chuyên nghiên cứu về con người: Nguồn gốc, phân loại, sự liên hệ chủng tộc, thể chất, cách cư xử, cuộc sống, sinh hoạt xã hội, văn hoá v.v…). Tôi còn nhớ trong thời chiến tranh (ngay cả khi ác liệt nhất, phương tiện di chuyển duy nhất từ thị xã Quảng Ngãi đế 4 quận miền Thượng là máy bay trực thăng) có một ít người Mỹ lên các vùng Thượng nầy tiếp xúc với người Thượng, học và nói được tiếng Thượng và lúc về mang theo những tài liệu có cách viết tiếng Thượng. Một anh bạn trong những người nầy cho tôi biết anh là sinh viên chuẩn bị trình luận án Tiến Sĩ về Nhân Chủng Học. Như vậy biết đâu tại thư viện cuả một Đại học nào đó ở Hoa Kỳ đang có đầy đủ tài liệu về hai sắc dân Thiểu số ở Quảng Ngãi? (cũng như về các sắc tộc Thượng khác tại Việt Nam?)

SƠ LƯỢC VỀ CU NGUYỄN TẤN:

Tác giả Nguyễn Đức Cung đã tra lục rất kỹ về nguồn gốc dòng tộc và tiểu sử cùng sự nghiệp cuả cụ Nguyễn Tấn. Sơ lược như sau:

Nguyễn Tấn (hay Nguyễn Công Tấn) thuộc dòng Nguyễn Công có hương quán là thôn Thạch Trụ, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Sở dĩ có danh xưng Thạch Trụ vì ở đó có vài trụ đá nhô lên cao. Về phương diện điạ chất thì ở thôn nầy có một vũng nước sôi cho tới ngày nay nước vẫn còn sôi có thể trụng gà, vịt để nhổ lông được. Nguyễn Tấn sinh năm 1822 tại phủ Kiến Xương (Bắc Việt) khi ông nội làm Tri phủ tại đây. Ông có tên tự là Tử Vân (còn gọi là Hạ Vân), hiệu là Ôn Khê, thụy là Trang Khải. Sau khi đổ Cử nhân năm 1843 ông được bổ làm Huấn đạo, sau vì trẻ tuổi nên triều đình rút về tòng sự tại Quốc Tử Giám. Sau đó ông lần lượt được cử nhừng chức vụ: Hành Tẩu Cơ Mật Viên, Hậu bổ tỉnh Hưng Yên, Huyện doãn huyện Diên Hà, tòng sự tại Hàn Lâm Viện, Án sát Hưng Yên.

Năm 1863 ông đang làm Án sát Thái Nguyên, nghe tin người Thượng ở Quảng Ngãi, nhất là vùng Đá Vách, nổi loạn, cướp phá các vùng đồng bằng. Dân chúng mấy hạt ở Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh v.v... phải bỏ nhà cửa, ruộng đất chạy trốn xuống vùng biển. Hãy nghe Nguyễn Cư Trinh tả về sự tàn bạo cuả sắc dân nầy trong Truyện Sãi Vãi:

“... Tây phương không đường tới, Bắc lộ khó nẻo qua.
Đường Nam phương thấy đó chẳng xa, thì những sợ nhiều quân Đá Vách.
Tưởng thôi lạc phách, nhớ đến kinh hồn.
Nọ giết người như dế như trùn, nọ hại người như rít như rắn.
Đến đâu là tảo tận, bắt đặng ắt giết tươi.
Đã vào làng cướp cuả hại người, lại xuống nội đuổi trâu bắt ngưạ...”

Trong bài tựa Vũ Man Tạp Lục Thư Nguyễn Tấn cũng đã viết:

-“...Nhóm man nầy không biết đến quân trướng, không có tôn ti, ở nơi hiểm trở, thói quen cướp bóc, lấy hung hản làm so trường, lấy cướp bóc làm nghề nghiệp... thực là người không ra người, qủi không ra qủi...”

Nghĩ rằng Quảng Ngãi là quê hương của tổ tiên mình nên ông dâng sớ về triều xin cho về đảm nhận công cuộc bình định với kỳ hạn là ba năm sẽ hoàn tất công cuộc tiễu phủ. Vua Tự Đức đã biết giặc Đá Vách vốn dữ tợn, xưa nay hay cướp phá dân lành khiến triều đình bao phen vất vả chinh phạt nên đã ban khen và chấp thuận cấp cho 3.000 binh lính, ban cho Nguyễn Tấn chức Tán tương rồi sau cho chức Tĩnh Man Tiễu Phủ Sứ, ngạch Tam phẩm, và gia hạn cho 6 năm để ông dễ dàng hoàn tất công vụ.

Những chi tiết sau đây chứng tỏ cụ Nguyễn Tấn chẳng những là một võ tướng mà còn là một nhà chính trị, một nhà hành chánh, một chiến lược gia đã biết phối hợp các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, tâm lý để hoàn tất công cuộc bình định:

* Sau khi được chấp thuận của triều đình, ông đã về quê nhà soạn thảo kế hoạch, tham khảo ý kiến các vị bô lão trong vùng, đi khắp nơi quan sát địa thế núi sông, đèo ải, trường lũy để định liệu công việc.

* Để thu phục nhân tâm, ông đã dâng sớ về triều xin tha thuế cho dân sơn cước trong vòng một năm và tâu xin bãi bỏ các giao dịch trường (chỗ buôn bán) vì đó là những nơi tiếp tế các nhu yếu như gạo, muối, nồi niêu, khí giới v.v... lên miền Thượng.

* Chỉnh đốn bản doanh cuả Tiểu phủ sứ: Đóng tại ấp Vạn Lý thuộc huyện Mộ Đức (nay thuộc về Đức Phổ) được đắp năm Tự Đức thứ 10 (1864) lấy tên là Tả Bảo có bốn phía, mỗi phía dài 50 trượng do các đội chiến sĩ Nghĩa Hùng và Dịch man trú giữ.

* Chọn lính tráng mạnh khỏe, tập thao diễn trận pháp, lập đồ hình trận thế dựa vào các dữ kiện quân sự và tình báo thu được, lựa ngày lành tháng tốt lập đài tế cáo Trời Đất rồi xuất quân như sấm sét ... (chính ông đã thân chinh xuất trận 17 lần).

Hãy nghe ông trình bày:

-“...Phàm làm tướng phải quan sát tình thế núi sông, biết rõ tính tình người man giống nào thuần thục, loại nào hiếu động, tất không cần tập chiến trận mà cũng thắng được...”

Với những kế hoạch trên lại có một số cộng sự viên đắc lực nên dần dần ông đã chinh phục được hầu hết các bộ lạc hung tợn nhất. Người Thượng lần lượt ra đầu thú, xin nạp thuế hoặc nhờ che chở chống lại sự uy hiếp cuả một vài bộ lạc khác. Đến năm 1869 cả vùng sơn cước Quảng Ngãi đã trở nên yên tĩnh, dân chúng lần lượt trở về sửa sang lại nhà cửa, cày cấy lại ruộng đất để sinh cư. Song song với các hoạt động có tính cách quân sự thuần túy, Nguyễn Tấn đã:

* Tổ chức lại guồng máy cai trị vùng sơn cước mà trước đây đã bị phế bỏ vì tình hình bất ổn. Lập thêm nhiều đồn lũy để trấn đóng các trục giao thông và những nơi hiểm yếu mà người Thượng đã thường hay tràn xuống cướp phá. Cải tổ lại cơ cấu quân sự, đặt thêm các đội Dịch man gồm những người nói thạo tiếng Thượng để dễ bề giao dịch và nắm vững tình hình. Thiết lập thêm các so thu thuế, mo lại các nơi buôn bán khắp nơi.

* Tâu xin và được vua Tự Đức chấp thuận cho lính tráng trong thời gia rãnh rỗi được khẩn hoang làm ruộng rẫy, lập đồn điền trồng hoa màu để có phương tiện chi dụng trong quân ngũ và thêm mối lợi cho triều đình ...

Nguyễn Tấn mất năm 1871 thọ 50 tuổi. Tướng sĩ và dân chúng trong vùng rất thương tiếc lập miếu dựng bia để thờ và ghi lại công đức cuả ông. Người Thượng vốn rất mến phục ông nên đã kéo nhau đến khóc than bi ai và dự đám tang rất đông. Ông được truy thăng Binh bộ Hữu Tham Tri và về sau (năm 1898) được tặng Lễ Bộ Thượng Thư.

Một vài chi tiết đặc biệt bên lề về cụ Nguyễn Tấn và gia đình tưởng cần nêu ra đây như một gương sáng cho hậu thế:

* Dù làm Tiễu Phủ Sứ rất lâu (1863-1871), quyền uy rất lớn nhưng ông là một người rất mực thanh liêm, việc ăn tiêu trong gia đình hết sức cần kiệm, cuộc sống rất thanh bần. Do đó khi thất lộc trong trắp chỉ còn ba nén bạc nhưng nhờ được ba quân yêu mến nên mọi táng phí đều được họ lo lắng tất cả. Danh tiếng thanh liêm và trung trực cuả ông lan khắp nước nên vua Tự Đức xét thương hoàn cảnh nghèo túng đó đã sắc ban nguyệt bổng cho mẹ ông. Đây là một sự kiện hy hữu.

* Trong các chuyến đi sưu khảo, tham cứu để tìm tài liệu viết về người Thượng Quảng Ngãi cũng như về gia phả cuả dòng họ Nguyễn Công, tác giả Nguyễn Đức Cung đã may mắn được sự giúp đỡ chí tình cuả các hậu duệ cụ Nguyễn Tấn và đã lý thú khám phá được rằng con cháu nhiều đời sau cuả cụ đã dùng các chữ Đường Phèn, Đường Phổi, Đường Cát v.v… để đặt làm tên cúng cơm cho con cháu trong gia đình vì Quảng Ngãi là xứ sản xuất nhiều loại đường. Yêu quê hương đến như vậy là cùng!

SƠ LƯỢC VỀ VŨ MAN TẠP LỤC THƯ:

Bên cạnh các sự nghiệp về quân sự, hành chánh... như vừa được lược kể trên đây, Nguyễn Tấn được nhắc nhỡ đến nhiều nhất là ở công trình biên soạn tác phẩm Vũ Man Tạp Lục Thư.

Trong thời gian đảm nhận chức vụ Tiễu Phủ Sứ tại Quảng Ngãi (1863-1871), Nguyễn Tấn đã có công ghi chép rất cẩn thận và chi tiết tất cả những điều tai nghe, mắt thấy tại chỗ về điạ dư, lịch sử, cá tính, phong tục, ngôn ngữ v.v… cuả các bộ lạc thiểu số tại Quảng Ngãi để làm nên tác phẩm sử học qúi giá nầy truyền lại cho hậu thế.

Sách được trước tác năm 1871 bằng chữ Hán và trong bài tựa tác giả đã viết:

“...Đây chỉ là một mớ khiến thức thô thiển cuả mình nên chỉ dành làm cuả riêng một nhà thôi, đành cất dấu đâu dám công khai đem cho người ngoài biế . Thảng hoặc có ai xem tới thì xin đừng cười những điều nghe thấy nông cạn nầy...”

Mãi đến năm 1898 sách được in và phát hành do các con cuả cụ là Nguyễn Thân hiệu đính lại và Nguyễn Công Văn, Nguyễn Công Kế kiểm soát bản in.

Sách gồm có 4 bài tựa: Một bài cuả chính tác giả viết năm 1871 và ba bài nữa của Hoàng Cao Khải, Trương Quang Đản, Cao Xuân Dục đều viết năm 1898.

Sau bốn bài tựa là ba quyển:

* Quyển I: Nói về núi sông, cương vực, đường sá, phong tục (ngôn ngữ, nhà cửa, y phục, đồ dùng, tên làng, lễ tiết, nhạc khí, tế tự, lệ phạt vạ, kỵ húy).

* Quyển II: Chép về đất đai, tô thuế, kế hoạch đánh dẹp, phương pháp phòng ngự.

* Quyển III: Đề cập đến công cuộc xây dựng và cải tổ dần dần qua các triều đại cùng sự tích đánh dẹp cuả các vị danh tướng.

Tôi đã đọc Vũ Man Tạp Lục Thư nhiều lần (qua phần dịch ra Việt văn cuả Nguyễn Đức Cung) và ngạc nhiên đến vô cùng vì tác giả đã ghi chép quá đầy đủ về cả ba phương diện: Điạ lý, Nhân văn và Lịch sử cuả vùng miệt nguồn tại Quảng Ngãi. Đầy đủ đến độ khi đọc từng trang, từng chương chúng ta sẽ bắt gặp từ ngạc nhiên nầy đến thú vị nọ chứ không thể có nhận xét gì để diễn tả cho trọn vẹn được.

Hãy nghe tác giả Nguyễn Đức Cung nhận xét:

“Nếu ông cũng như ai, xoa tay bình thản toạ hưởng kỳ thành sau khi dẹp xong những cuộc nổi dậy cuả người Thượng ở Quảng Ngãi, không cần phải hao tâm tổn trí cho mệt xác trong việc ghi chép lại quá trình đánh dẹp, điạ bàn hành quân, những điều tai nghe mắt thấy thì biết đâu vùng núi non phiá tây Quảng Ngãi, một phần đất cuả quê hương ta, đến nay vẫn còn khoác tấm màn bí mật cuả chốn thâm sơn cùng cốc? Trong lịch sử dân tộc đã diễn ra biết bao cuộc chiến tranh với nhiều kẻ nhận trọng trách điều binh khiển
tướng nhưng mấy ai đã để lại được công trình nghiên cứu như ông?...

... Thử đặt mình vào khung cảnh thời gian hơn một thế kỷ trước đây khi những phương tiện ghi chép hãy còn thô sơ, thiếu thốn để thấy tiền nhân chúng ta đã cố gắng như thế nào trong việc ghi chép lại các biến cố lịch sử, các trước tác văn học hay các hình thức nghệ thuật...”

Tác giả Nguyễn Đức Cung đã có may mắn được sự giúp đỡ đặc biệt chí tình của các con cháu nhiều đời của cụ Ôn Khê nên đã được đọc nguyên bản chữ Hán Vũ Man Tạp Lục Thư (ấn bản riêng cuả dòng họ Nguyễn Công) cùng bộ gia phả của dòng họ Nguyễn Công mang tên Thạch Trụ Nguyễn Công Thị Gia Phả do chính Nguyễn Tấn khởi công biên soạn rồi về sau được con cháu kế tục viết, được nhìn thấy những tờ sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng cùng một số hình ảnh của các nhân vật trọng yếu trong cung đình.

Ấn bản chữ Hán nầy đã được hậu duệ cuả cụ Nguyễn Tấn có công gìn giữ qua biết bao cơn binh lửa nên ngày nay tác phẩm nầy không còn là gia bảo riêng cuả dòng họ Nguyễn Công làng Thạch Trụ, Mộ Đức, Quảng Ngãi mà đã trở thành bảo vật chung cuả kho sử liệu quốc gia.

LỜI KẾT:

Rừng núi tại Việt Nam nói chung và dãy Trường sơn nói riêng từ ngàn xưa vốn mang nhiều bí hiểm. Các sắc tộc Thượng tại Việt Nam nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng - như tác giả Nguyễn Đức Cung đã viết - đã sống sót qua biết bao nhiêu vùi dập cuả thiên tai, chiến tranh, mỏi mòn khổ đau vì bệnh tật, thiếu thốn mọi tiện nghi trong núi thẳm rừng sâu xa cách ánh sáng văn minh và đã từng gây những ba động lịch sử ở Việt Nam từ thời phong kiến và còn kéo dài mãi cho đến ngày nay và từ lâu vốn chịu sự miệt thị bất công qua các tên gọi Mọi - Thổ - Man.

Nếu Vũ Man Tạp Lục Thư cuả Nguyễn Tấn là tài liệu then chốt giúp các nhà nghiên cứu sử học hoặc các nhà nhân chủng học có cái nhìn chính xác và khá đầy đủ về các sắc dân Thượng tại Quảng Ngãi thì Lịch Sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư cuả Nguyễn Đức Cung, ngoài việc hiệu đính một số sai lầm cuả một vài tác giả Việt và Pháp trước đây liên quan đến đề tài nầy, đã trực tiếp đưa ra ánh sáng bằng tiếng mẹ đẻ tác phẩm được thai nghén cuả 127 năm về trước. Như tôi đã nói ở phần đầu: Nhờ thông thạo Hán học, lại có phương pháp khảo dịch khoa học, phê bình, chú giải, so sánh tỉ mỉ cùng những tư liệu phụ lục qúi báu, tác giả Nguyễn Đức Cung đã cống hiến cho chúng ta một tác phẩm sử học mạch lạc, rõ ràng và trong sáng. Công trình huyết hãn cuả tiền nhân và công trình tim óc cuả hậu thế rất xứng đáng được nâng niu trong kho tàng sử liệu cuả dân tộc.

Xin cám ơn Nguyễn quân và muốn được cùng tác giả nhắn gởi đến những ai còn nặng lòng với quê hương và dân tộc hãy cùng nhau lật lại những trang sử cũ để thấy được tấm lòng tiền nhân và nghĩ đến trách nhiệm cuả mình...

NGUYỄN VĂN QUẢNG NGÃI.

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tâp văn, Tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh