Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Y học & đời sống
BỆNH PHONG THẤP VÀ NHỮNG CHỨNG TƯƠNG TỰ
NGUYỄN NHẠN SƠN
Các bài liên quan:
    CÁC BỆNH PHONG THẤP, Ô NHIỄM ARSENIC
    BỆNH PHONG THẤP
Nhạc Rumba hòa tấu

 

Trước khi đi vào các chứng bệnh, tôi xin kể các bạn nghe một câu chuyện đọc được trong sách. Chuyện nầy tôi đọc được đã lâu, nay không còn nhớ tên tác giả, chỉ nhớ trong một truyện ngắn tiếng Anh.

Khoảng nửa đêm một ngày thứ Bảy, một tên trộm cạy cửa chui vào một biệt thự lẻ loi trên sườn đồi. Tên trộm biết chắc vào đêm nay mọi người trong biệt thự này đều đi vắng. Họ đi nghỉ mát ở bờ biển, sáng thứ Hai mới trở về. Trừ người chủ biệt thự, luôn luôn phải ở nhà vì bị đau ốm. Giờ nầy có lẽ ông ta ở trong phòng ngủ, chỗ có ánh đèn kia. Mình chỉ cần lấy tiền hoặc nữ trang. Hai thứ nầy chắc cất trong phòng ngủ của ông chủ. Nghe nói ông ta đau yếu nhưng mình vẫn phải đề phòng. Tên trộm rút súng lục ra cầm tay, nhắm hướng có ánh đèn đi tới. Cửa phòng ngủ để mở. Xoay mình một cái, mũi súng hướng đúng vào con người đang nửa nằm nửa ngồi trên giường. Tên trộm hô:

- Giơ tay lên!

Người trên giường đưa tay trái lên.

- Giơ cả hai tay!

Người trên giường cựa quậy, ra vẻ cố gắng rất dữ, nhưng cánh tay mặt vẫn nằm im dưới lớp mền.

- Lấy tay mặt ra khỏi mền ngay! Định rút súng phải không? Đừng giở trò, tôi bấm cò ngay đấy!

Gương mặt người chủ nhăn lai sau những cố gắng vô ích. Ông ta thều thào:

- Tôi không nhúc nhích cánh tay mặt được. Anh vào đây là để ăn trộm chứ gì? Anh muốn lấy gì cứ lấy tự nhiên, tôi không ngăn trở hay hô hoán đâu.

“Nét đau đớn thế kia không thể giả được”, tên trộm thoáng nghĩ. Y hỏi, giọng bình thường, như thể đang nói chuyện với người nhà:

- Vậy tiền bạc và nữ trang để ở chỗ nào?

Người chủ nhà hạ cánh tay trái xuống, định chỉ về phía cái tủ đặt sát vách phía bên mặt, nhưng chợt kêu “ái” lên một tiếng, cánh tay rớt xuống nệm. Tên trộm lại hô:

- Giơ tay lên và ngồi im. Để tôi tự đi lấy. Chìa khóa tủ đâu?

- Ở trong túi quần tôi đây, nhưng tôi không lấy ra được. Anh lại mà lấy!

Tên trộm bước lại, móc túi ông chủ lấy xâu chìa khóa. Y đi lại phía cái tủ, mắt vẫn canh chừng người trên giường. Như mệt mỏi quá sức, người trên giường gục đầu xuống, nhắm mắt lại, bất động. Chìa khóa đã tra vào ổ khóa nhưng tên trộm không mở tủ. Y bước trở lại, ngồi xuống giường, lặng lẽ ngắm nét mặt người chủ nhà một lúc lâu, rồi hỏi rất dịu dàng:

- Hình như ông bị phong thấp?

Người chủ nhà mở mắt, đáp với giọng thật mệt mỏi:

- Phải. Bị nhiều năm rồi.

- Có thuốc men gì không?

- Uống đủ thứ, nhưng vẫn không lành.

- Có thử vật lý trị liệu chưa?

- Đã. Nhưng không có kết quả.

- Có thử châm cứu chưa?

- Cũng đã thử nhưng chẳng thấy hiệu nghiệm gì.

- Có dùng thuốc thảo mộc chưa?

- Chưa.

Tên trộm cất súng, đứng dậy. Y móc túi lấy ra một mảnh giấy nhỏ, đem đặt lên ngực ông chủ nhà, nói ân cần:

- Ông thử dùng thứ nầy xem. Tôi dùng mấy lần, thấy hiệu nghiệm.

Y kéo ngay ngắn tấm mền cho người bệnh, rồi nhìn đồng hồ trên vách:

- Bây giờ thì ông yên tâm nghỉ đi. Cũng đã khya rồi!

Y nhẹ bước đi ra, khép cánh cửa phòng lại. Cung cách giống như một người điều-dưỡng.

Chuyện trên là chuyện trong sách, nhưng cũng có thể là chuyện ngoài đời. Tâm lý của câu chuyện là “đồng bệnh tương lân” (cùng mắc một bệnh thì thương nhau). Đang nửa đêm cạy cửa vào nhà cốt là để ăn trộm, nhưng thấy chủ nhà đang bị cơn bệnh hành, mà mình cũng đã từng chịu khổ đau vì chứng ấy, tên trộm động lòng, trở ra tay không.

Về phương diện thực tế của đau ốm bệnh tật, câu chuyện cho chúng ta thấy “phong thấp” là một chứng bệnh nhiều người mắc, giàu nghèo gì cũng mắc, là một chứng bệnh khó chữa, chữa đủ cách vẫn không lành.

Theo Đông-y, “phong thấp” là chứng bệnh do cảm nhiễm “phong hàn” (sức lạnh di động) và “khí thấp” (độ ẩm tại chỗ). Hình dung giản dị, một người nằm ngủ trên đất ướt, rồi nửa đêm mở cửa ra ngoài gặp cơn gió lạnh, là đã nhiễm “phong thấp”. Thuốc đặc chế (cao đơn hoàn tán) của Đông-y dùng những vị có công năng khử thấp khu phong. Tóm lại, Đông-y quan niệm “phong thấp” là một chứng bệnh có nguyên nhân ngoại nhập.

Tây-y gọi bệnh “phong thấp” là Rheumatism. Đây là tên gọi chung những chừng bệnh gây viêm ở những mô liên-kết (connective tissues) như các khớp xương, các đầu bắp thịt, những chỗ các tạng phủ tiếp cận với nhau. Triệu chứng thông thường là sự đau nhức và tình trạng cứng đờ.

Sau đây, tôi sẽ nói kỹ về hai chứng Rheumatoid Arthritis (viêm khớp xương do phong thấp; gọi tắt là “thấp khớp”; tiếng Pháp gọi là Rhumatisme articulaire) và Gout (thống phong; tiếng Pháp gọi là Goutte), là 2 chứng nhiều người mắc, có triệu chứng hơi giống nhau, nhưng có căn nguyên khác nhau.

BỆNH THẤP KHỚP.

Triệu chứng là viêm ở những mô liên kết trong toàn thân, đặc biệt thường phát ra ở những khớp xương hai bàn tay và hai bàn chân. Viêm (inflammation) là danh-từ y-học chỉ tình-trạng một bộ phận trong cơ-thể bị sưng, nóng, đỏ lên và đau.




Khớp xương bị phong thấp


Ở mỗi khớp xương đều có một cái túi chứa chất làm trơn để cho những đầu xương dễ cử-động. Chứng “thấp khớp” tấn-công những cái túi nầy trước, tiếp đến là những đầu xương sụn. Nếu tình trạng viêm kéo dài, túi chưa chất nhờn, cũng như xương sụn sẽ không bao giờ trở lại bình thường. Chất nhờn trong túi có thể vơi hoặc khô đi, còn đầu xương sụn sẽ kết sẹo thành rỗ mặt, khiến khớp xương khó cử động, và mỗi cử động đều gây đau nhức.

Một điều đặc biệt cần ghi nhận là chứng viêm khớp xuất hiện ở đàn bà nhiều gấp 3 lần so với đàn ông và cũng xuất hiện ở tuổi tráng niên.

Về căn do gây bệnh viêm khớp, y học Tây phương đã biết yếu-tố đóng vai chính là hệ-thống miễn nhiễm trong cơ thể. Là vì phản ứng tự động miễn nhiễm chính là phản ứng chống lại các mô. Nói cách khác, “tự động kháng thể” (auto-antibody) chính là thành tố gây bệnh thấp khớp. Người ta chưa hiểu cái gì đã gây ra phản-ứng cho chất miễn nhiễm, nhưng đã có bằng chứng rõ rệt những người bị viêm khớp do phong thấp đều nhạy cảm với các tác động của môi sinh như siêu-vi-trùng, sự thay đổi đột-ngột của thời-tiết. Mỗi khi được yếu tố ngoại lai (môi sinh) kích thích, thành tố gây bệnh thấp khớp (có sẵn trong người) sẽ kết-hợp lại, để thôi-thúc tiến-trình thành những “protein” đặc biệt trong máu. Những “protein” nầy tạo ra những chỗ viêm.




So sánh bàn tay trước và sau khi bị phong thấp


Chịu tác động trước hết, như trên đã nói, là những cái túi chứa chất nhờn ở các khớp xương. Những cái túi này nóng, sưng và đỏ lên. Tiếp theo, một lớp mô nhám nổi lên mắt các xương sụn. Phía dưới lớp mô nhám nầy, xương sụn bị mòn dần và hư đi. Khớp xương sẽ trở thành cứng, khó cử động. Nếu tình-trạng kéo dài, khớp có thể bị lệch và biến dạng. Nhưng sự hư hại không chỉ riêng cho bên trong khớp xương, mà còn có thể lan ra những phần xương liên hệ, lớp da bên ngoài, bắp thịt tiếp cận. Không cử động được bình thường, những phần nầy cũng có thể bị hư theo. Lúc bấy giờ, những chỗ có đầu xương lồi ra thường nổi lên những bướu nhỏ gây đau nhức. Những bướu nầy có thể biến đi sau một thời gian nhưng cũng có khi còn mãi. Ngoài ra, còn có hiện tượng kết tụ những tế-bào bạch-huyết trong một số cơ và chùm dây thần khinh, hiện tượng nầy cũng gây cảm-giác nặng-nề và đau nhức trong từng phần của thân thể. Những bướu nhỏ vừa nói cũng có thể kết tụ ở thành các mạch-máu khiến cho những mạch máu nầy trở nên khó co-dãn.

Tiến trình của bệnh viêm khớp là cứ càng ngày càng nặng thêm. Triệu-chứng lộ ra bên ngoài là đau nhức, hoặc cứng đờ ở một hoặc nhiều khớp xương. Có khi sưng và đau nhức ở những bắp thịt. Đau nhức có khi vừa phải, có khi thật dữ-dội; có khi chỉ trong vài ngày, một tuần nhưng cũng có khi kéo dài thật lâu. Rồi dịu đi. Tình-trạng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Có người bị đỏ và sưng nhiều nhưng đau ít; có người không thấy rõ chỗ sưng nhưng lai đau nhức rất dữ. Tình trạng chung là người bệnh lúc nào cũng cảm thấy mệt-mỏi, lực của toàn thân yếu hẳn đi và xuống cân.

Thông thường, trước khi bệnh trở nên rõ ràng, người bệnh cảm thấy lạnh ở hai bàn tay và hai bàn chân, tê cứng ở một số bắp thịt và ngứa cùng mình. Có người có đủ những dấu hiệu báo trước này cùng một lúc, có người chỉ có một hoặc hai. Nhưng lạnh ở bàn chân là chủ yếu. Các chuyên gia về bệnh thấp khớp cho biết những tiền triệu vừa kể là hậu quả của áp lực nơi “hệ thống thần kinh vận mạch” (system of vasomotor nerves), những dây thần-kinh điều-khiển động tác co dãn của các mạch máu.

Để chữa chứng thấp khớp, người ta thường dùng cả thuốc men, vật lý trị liệu, và thể dục. Thuốc men có thứ có thể giảm cấp-thời những cơn đau nhức cấp-tính, nhưng lại hay có tác-dụng phụ gây hại cho sức khỏe về mặt khác. Nếu có thể được, nên tránh dùng thuốc dài hạn. Trong khi cơn bệnh phát ra và có chiều hướng tăng lên, nên nghỉ-ngơi. Cố gắng giữ thẳng tư-thế trong khi ngồi, đứng và đi để tránh sự biến dạng của các khớp xương đang ở trong tình-trạng suy yếu.

Các dụng cụ chỉnh hình cũng cần để phòng ngừa sự lệch-lạc các khớp xương và thân-thể nói chung. Chuyện nầy thường do chuyên viên của các bệnh-viện hướng-dẫn áp dụng.

Thể dục và chế độ ăn uống phải được coi là tối cần.

Nên tập thể dục thường xuyên để giữ cho các khớp xương không cứng lại vì tình trạng bất động. Khi tấp thấy đau, vẫn phải cố gắng tập. Cử động nhiều, khớp xương sẽ quen và cảm giác đau sẽ giảm cho đến khi hết. Nên kiên-nhẫn trong khi tập. Làm những động-tác nhẹ và chậm trước khi làm những động-tác mạnh và nhanh.




Bàn tay bị phong thấp


Nhân tiện, xin nói qua về chứng thấp khớp trẻ con.

Người Việt chúng ta thường có định-kiến rằng “phong thấp là bệnh của người già” nên không nghĩ trẻ em cũng có đứa là nạn-nhân của chứng nầy. Thật ra, nghĩ như vậy cũng không phải là hoàn-toàn sai. Số trẻ em mắc bệnh “thấp khớp” ít, và tuy Tây y gọi bằng một tên nhưng bệnh trạng của trẻ em và người lớn khác nhau.

Bệnh được gọi chung là Rheumatoid Arthritis in Children, nhưng các dược điển còn gọi bệnh nầy là Still’s Disease (bệnh bất động). Đứa trẻ nào mắc bệnh nầy thì xương ngưng phát-triển, hoặc phát-triển rất chậm, cột xương sống bị cứng, hoặc bị vẹo đi. Tình-trạng rất khó chữa trở lại bình thường.

Để chận đứng sự phát triển của bệnh, người ta cho đứa trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn, dùng vật-lý trị liệu và dụng-cụ chỉnh-hình. Cho tới ngày nay, thuốc chữa lành bệnh nầy vẫn chưa có.

BỆNH THỐNG PHONG (Gout).

Đây là tên Đông-y. “Thống” có nghĩa là “đau”; “phong” là “bệnh phong-thấp”. Lý ý “thống-phong” là một loại bệnh phong thấp gây đau nhức rất dữ.

Nhân tiện, xin nói qua vài từ-ngữ Hán – Việt liên-hệ đến chuyện “đau nhức”, hy vọng giúp được chút ít cho các bạn trẻ không rành những từ-ngữ gốc Hán.

Từ Hán – Việt có nhiều để chỉ sự đau đớn thể chất, nhưng thông dụng chỉ có 3: THỐNG, VIÊM ĐÔNG. Hai chữ đầu thông dụng, chữ cuối thỉnh thoảng mới được dùng nhưng thường gây hiểu lầm.

-“Thống” không được dùng một mình, luôn luôn đứng trong từ kép: “đầu thống” là đau đầu; “thiên đầu thống” là đau nửa đầu; “phúc thống” là đau bụng; thuốc “chỉ thống” là thuốc làm ngưng cơn đau, v.v…

-“Viêm” có thể dùng trong từ kép và dùng một mình như từ thuần Việt: “Phế viêm” là viêm phổi; “cốt tiết viêm” (hoặc “giới viêm”) là viêm khớp xương. Theo cấu trúc Việt, có thể nói thuận: “Ông ta bị viêm khớp xương”.

Xin nói rõ là chữ “sưng” không thể dùng thay chữ “viêm” được. Bị té, mắt-cá chân có thể bị “sưng” chứ không phải là “viêm”.

-“Đông” (chữ Hán viết bằng bộ “bệnh” và chữ “đông” là “mùa đông”) có nghĩa là “đau” về thể xác, không được dùng về mặt tinh thần như chữ “thống”. Muốn nói “đau đớn tinh thần” thì có thể dùng từ kép “thống khổ” nhưng không thể dùng “đông khổ”.

Trong Đông-y, người ta hay dùng từ kép “đông-thống” để diễn ta sự “đau nhức”. Để chỉ chứng nhức đầu, Đông-y dùng 2 từ kép “đầu thống” và “đầu đông”. Chữ sau có thể gây hiểu lầm: có người tưởng “đầu đông” là chứng nhức đầu trong mùa Đông, hễ khi trời trở lạnh thì bệnh tái phát. Đúng ra, “đầu đông” chỉ có nghĩa là “nhức đầu”, y như chữ “đầu thống”.

Lan man qua “chữ nghĩa” một chút như thế đủ rồi, bây giờ, xin trở lại với bệnh “thống phong”.

Theo Tây-y, “thống phong” là một bệnh “di truyền”, nguyên nhân gây bệnh đã có sẵn trong cơ thể của người bệnh từ khi mới sanh.

Trực tiếp gây ra bệnh thống phong là sự biến đổi sinh hóa (metabolisme) trong cơ thể con người: Từ đồ ăn thức uống biến thành sinh chất; từ sinh chất biến thành hóa chất; từ hợp chất biến thành đơn chất… Biến đổi sinh hóa là một tiến trình tất nhiên và cần thiết cho cơ-thể con người, nhưng có khi nó lại gây ra tác động phụ có hại. Xét riêng về bệnh thống phong, thì bước cuối cùng trong tiến-trình chuyển hóa của chất “purine” là chất “acide urique” (Anh ngữ: acid uric), vẫn thường được thải ra khỏi cơ thể theo đường tiểu. Nếu vì một nguyên nhân nào đó, chất “acide urique” nầy tích-tụ nhiều trong cơ thể, thì bệnh thống phong sinh ra.

Mặc dù thống phong vẫn được coi là bệnh bẩm sinh, nhưng những cơn đau khớp xương đầu tiên thường chỉ xảy ra sau tuổi trung niên. Bệnh có thể tấn công toàn thân nhưng những khớp xương của tứ chi (hai tay và hai chân) thường bị hơn hết. Đặc biệt, hai ngón chân cái rất thường bị nặng.




Ngón chân cái bị gout, sưng và đỏ


Triệu chứng là chỗ đau phát nóng, da đỏ và đau dữ dội. Những cơn đau dù không được chữa, vẫn có thể giảm và hết hẳn trong vòng một hoặc hai tuần. Những cơn đau phát ra, mất đi và tái phát thường không có dấu hiệu báo trước. Nhưng cũng có những tác nhân khiến cho bệnh phát ra nhanh và mạnh hơn. Đó là tình trạng nhiễm trùng nặng, chứng đi tiểu quá nhiều, bị chấn thương, bị bệnh khác phải chịu phẫu thuật. Một cơn xúc động tinh thần quá mạnh cũng có thể làm cho bệnh thống phong tái phát.

Trong cơ-thể một người vốn có mầm bệnh thống phong, tiến trình ủ bệnh diễn ra như sau: Lượng acide urique trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Chất nầy tích tụ ở phần xương sụn của một khớp xương nào đó, ở bàn chân, ở hai ngón chân cái chẳng hạn. Rồi như quen chỗ, chất nầy tích tụ ở chỗ ấy càng ngày càng nhiều, cho đến khi phần sụn nổi bướu và khớp xương biến dạng, không cử động bình thường được nữa. Những cố gắng cử động đều gây đau nhức dữ-dội.

Cũng có khi bệnh gây biến dạng ở phần sụn ngoài những khớp xương, như ở hai vành tai.




Khớp xương ngón chân cái bị gout


Thống phong là một trong những chứng bệnh được biết đến rất sớm trong lịch sử y học của nhân loại. Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa tìm được thứ dược liệu nào chữa cho dứt bệnh ấy. Để chận những cơn đau, các bác sĩ vẫn thường cho bệnh nhân dùng một thứ thuốc cổ điển là Colchicine, có khi kèm với một thứ thuốc trấn thống (pain reliever) nào đó. Gần đây, để hạ mức “acide urique” trong cơ thể, người ta thường dùng Allopurinol.

Tóm lại, thống phong là một bệnh quen thuộc với cả Đông-y và Tây-y nhưng khó chữa cho lành hẳn.

Thống phong (gout) thường bị hiểu lầm là một dạng của bệnh “phong thấp” (Rheumatism). Nhưng thật ra, tuy triệu chứng nhận thấy bên ngoài giống nhau, nhưng hai bệnh có căn nguyên khác nhau. Về tỷ số, trong 100 trường hợp viêm khớp, thực sự bệnh gout chỉ có 5.

Về mặt nhân số nam nữ mắc bệnh, tỷ số cũng khác nhau: Về phong thấp, bàn bà mắc bệnh gấp 3 đàn ông; nhưng về thống phong, đàn ông mắc nhiều gấp hai chục lần đàn bà.

Tuy nhiên, những điều trình bày ở trên không khỏi nặng về lý thuyết của y học. Trong thực tế, rất ít trường hợp một người chỉ mắc riêng bệnh nầy mà tuyệt nhiên không một chút gì chịu tác động của một bệnh khác. Cho nên, vừa bị phong thấp vừa bị thống phong là một điều rất có thể xảy ra. Và cũng dễ hiểu.

Tôi xin lấy trường hợp của tôi để dẫn chứng.

Sau khi trở về từ trại “cải tạo” (lúc bấy giờ tôi đã ngoài 50 tuổi), vì hoàn cảnh sinh hoạt, tôi có ngưng tập thể-dục trong thời-gian mấy tháng. Khi bắt đầu tập trở lại, tôi cảm thấy vai bên trái khó cử động. Gần như không thể giơ thẳng tay trái lên trời. Tôi đi khám, bác sĩ bảo là bị phong thấp và cho uống thuốc. Trong khi đó, tôi tập thể dục đều đặn trở lại, chú trọng cử động thật nhiều ở vai và tay trái. Nhờ đó, lần lần mỗi ngày một ít, tôi có thể giơ tay trái thẳng lên được. Những cơn đau ở vai trái khi giảm khi tăng, có đêm đau thật nhiều. Tôi đổi thầy đổi thuốc nhiều lần, nhưng bệnh vẫn không dứt, có khi còn tăng lên. Cuối cùng tôi phải đồng ý cho bác sĩ chích thẳng vào khớp xương vai bên trái, thứ thuốc có chất “corticoid”, đàn áp được cơn đau, nhưng có thể gây tổn hại về sau cho vùng xương chỗ chích. Nhưng tôi phải chích đến hai lần.


 

Rồi tôi xuất ngoại, định cư ở Canada. Vai trái thỉnh thoảng vẫn bị đau như cũ. Còn uống thuốc trị đau nhức thì còn đỡ, thôi uống thuốc lại đau trở lại. Cho đến một ngày, cơn đau lại phát ra ở bàn chân mặt. Có khi đau nhiều đến mức không thể nào bước đi được. Tôi nghĩ là chứng phong thấp di chuyển địa bàn hoạt động xuống vùng dưới. Sau khi cho nhiều thứ thuốc mà bệnh vẫn cứ dai dẳng, bác sĩ cho tôi đi thử máu và nước tiểu. Kết quả thí nghiệm cho biết là mức “acide urique” trong máu của tôi quá cao. Bác sĩ kết luận là tôi bị “gout” và phải chữa theo chiều hướng nầy: Mỗi khi đau thì uống Colchicine và Indomethacin và phải thường xuyên uống Allopurinol để hạ mức acide urique xuống. Đồng thời phải ăn uống theo chế độ thích hợp.

Tôi hiểu ra là tôi bị cả hai chứng bệnh cùng gây đau nhức: Bệnh phong thấp đã mắc từ lâu, điểm tấn công mạnh của nó là vai bên trái. Bệnh thống phong mới mắc, thường tấn công ở hai bàn chân và hai đầu gối. Nhưng có một điều khác, đối chiếu với đa số bệnh nhân cùng mắc chứng thống phong, tôi không bị đau ở hai ngón chân cái, cũng không đau bên trong những khớp xương. Sự đau nhức, có khi rất dữ dội, ở những chỗ lồi ra, khi bệnh phác tác, chạm nhẹ vào chỗ ấy cũng rất đau.

Và, cho tới lúc tôi ngồi viết bài nầy, trong người tôi vẫn còn đủ cả hai chứng bệnh nói trên. Sự cố gắng của thầy thuốc và của chính tôi chỉ làm giảm nhẹ, chứ chưa dứt được bệnh.

Và tình trạng trong những tháng gần đây như sau: Có những đêm, trong toàn thân, không có chỗ nào đau. Nhưng trong mười đêm cũng có chừng hai hoặc ba đêm, vai trái bị đau trở lại. Năm im thì đau ít nhưng mỗi lần trở mình thì đau dội lên rất khó chịu. Ngủ qua đêm ấy, cơn đau dịu đi. Tôi quy tình trạng nầy cho bệnh phong thấp.


 

Về phần hai chân, những con đau khoảng cách dài hơn. Trung bình thì cứ 15 hoặc 20 ngày thì phát đau một lần. Khi ở bàn chân trái, khi ở bàn chân mặt, khi ở một bên đầu gối. Không đau trong những khớp xương mà điểm đau nằm ở mỏm xương. Chạm nhẹ vào chỗ ấy cũng thấy rất đau.

Với những lần đầu, tôi ngại tác dụng phụ của các thứ thuốc trấn thống, không chịu uống ngay khi bệnh mới chớm, có ý chờ nó tự lui, nên đã nhiều phen phải đi bằng kiểu nhảy lò cò, chân đau co lên. Về sau, hễ chớm đau là tôi uống thuốc ngay, nên bệnh có trở lại thăm, nhưng tôi vẫn đi được bằng cả hai chân. Tôi quy tình trạng nầy cho bệnh thống phong,

Thực đơn thích hợp với bệnh phong thấp và thống phong là giảm các món thịt, tăng các món rau trái. Kiêng uống rượu và hút thuốc. Nên uống nhiều nước

Một điều cần để ý là nặng cân quá cũng là một nguyên nhân gây bệnh, nói chung. Tập thể dục đều đặn, kết hợp với việc giảm vừa phải lượng thực phẩm hàng ngày, là cách hiệu nghiệm để giảm thể trọng. Nhưng nên nhớ cái gì đột ngột cũng không tốt. Phải xuống cân từ từ và dùng lại ở mức có lợi nhất cho sức khỏe. Trong thực tế, chúng ta nên hỏi ý kiến của thầy thuốc.

Nguyễn Nhạn Sơn

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Y học & Đời sống: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  

 


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh