NHỮNG LOẠI NGÔN NGỮ BẢN NĂNG KHÔNG CẦN DIỄN DỊCH
Phạm Đông Văn
Ngoài khoảng 6.000 ngôn-ngữ nói khác nhau được 6 tỷ người sử dụng trên thế-giới ngày nay là những ngôn-ngữ riêng của từng cộng-đồng sắc-tộc vẫn phát-triển không ngừng qua hàng trăm thế-hệ để thêm phần phong-phú hoặc ngược lại chịu số-phận mai-một do ảnh-hưởng của giao-lưu văn-hóa, tất cả loài người còn có chung một số ngôn-ngữ bản-năng bẩm-sinh giống nhau đã sở-hữu ngay từ thời sơ-khai, rất lâu trước bất cứ một ngôn-ngữ quy-ước nào thật-sự thành hình. Những loại ngôn-ngữ bản-năng này không thay đổi, đã như thế và sẽ như thế và mãi mãi tồn-tại cùng với con người.
Ngôn-ngữ bản-năng có loại được gọi là ngôn-ngữ thân-thể (body language), một thuật-ngữ ám-chỉ các phản-xạ hoặc động-tác (không có âm) của những cơ-phận bên ngoài thân-thể, được thấy cả ở trẻ mới sinh như mỉm cười hoặc mếu miệng vô thức... dân-gian cho là do mụ dạy và càng linh-hoạt hơn theo tuổi đời với sự dự phần của ý-thức (ngày nay, thủ-hiệu -sign language- là cách ra dấu được ứng-chế để giúp người câm điếc dễ giao-tiếp với xã-hội).
Thật vậy, hầu như cả thân-thể đều biết nói, nhất là các cơ-phận như mắt, tai, môi, miệng, răng, lưỡi, má, trán, da... qua các biểu-hiện hoặc động-tác cười, khóc, trợn, liếc, nhăn, há miệng, mỉm môi, bĩu môi, nghiến răng, chu mỏ, thè lưỡi, tía tai, đỏ mặt, tái mặt, gật đầu, lắc đầu... ở tay chân và cả thân-thể là các động tác vẫy, vỗ, xua, dậm, nhún vai, run-rẫy, giẫy nẩy...
Cũng phát-sinh từ trạng-thái tinh-thần hoặc xúc cảm nội-tâm do một nhận-thức bất-ngờ của lý-trí hay các biến-cố ngoại-tại gây khích-động, con người còn có loại ngôn-ngữ bản-năng có âm. Tùy theo từng cảm-xúc lại có từng âm thích-ứng với ý-nghĩa riêng và gọi là bản-năng vì đó là ngôn-ngữ tự có mà không do bắt chước người khác.
Cả hai loại ngôn-ngữ thân-thể và ngôn-ngữ cảm-xúc đều có tính-chất bẩm sinh và được xác-định như vậy vì ngay cả những người câm (do tai bị điếc nên không thể nghe và bắt chước mọi người để sử dụng loại ngôn-ngữ quy-ước) vẫn có những phản-ứng thân-thể và vẫn có thể phát được những nguyên-âm a, e, i, o, u (dân gian đồng-ý là người câm có thể nói ú ớ...). Thật vậy, ngôn-ngữ cảm-xúc của mọi người, dù có khả-năng nói bình thường cũng luôn luôn bắt đầu bằng một trong các âm a, e, i, o, u. Ngôn-ngữ bản-năng có âm nầy hầu hết được xếp vào loại thán-từ (cảm-thán hoặc tán-thán: interjection).
Trong các loại văn tự ký âm thuộc hệ La-tinh, sau các thán-từ luôn được ghi kèm một hoặc nhiều dấu chấm than (!) sau các thán-từ biến-thể thành nghi-vấn có dấu chấm than thêm dấu chấm hỏi (!?).
Trong tiếng Việt, ngôn-ngữ xúc-cảm cũng bắt đầu với một nguyên-âm như A! hoặc một nguyên phụ âm (nguyên âm có thêm dấu mũ hoặc dấu móc) như Ô! hoặc một nguyên âm chính hay phụ có thêm dấu thanh điệu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã) như Í! hoặc Ự! hoặc một nguyên âm kép có thêm dấu âm và điệu như Ôi! hoặc Oái!.
Trong các văn-tự hệ La-tinh, nhiều chữ sau nguyên-âm đầu có kèm theo một vài phụ âm như Eh! hoặc Oops! Đặc-biệt chữ Việt và các chữ cùng hệ La-tinh cũng có những thán-từ bắt đầu giống nhau với phụ-âm H (âm hờ) như Hừ và Hả, Hi và Heh. Trong nhiều trường-hợp, các thán-từ qua chữ viết dù có hoặc không có âm H đi trước vẫn có cùng nghĩa như A vá HA hoặc EH và HEH ...
Ngôn-ngữ cảm xúc là hệ-quả tức-khắc của tâm-lý (vui, buồn, lo, sợ, ngạc-nhiên, nghi-ngờ...) hoặc sinh-lý (đau-đớn...) biểu-hiện qua tiếng cười, reo vui, réo gọi, than-thở, rên-rỉ, kêu khóc, gào-thét... thường được diễn âm bằng chữ quốc-ngữ như sau:
-a, à, á, ạ; ha, hà, a ha, à há, hà hà, hả, ...
-è, é, ê, ề; hê, ê hê, hê hê, hề hề, hễ ...
-í, hi hi, hì hì hí hí, hị, hị, hỉ, ...
-ô, ồ, ố, ối, ơi, ới, oái,; hô hô, hôÁ hố, hở,...
-u, ừ, ứ, ử, ự, ui, ùi, úi; hù, hừ,hứ, hự, hụ, hú, hử, ...
Các thán từ được viết qua vài ngôn-ngữ thuộc hệ văn-tự La-tinh thường thấy:
-a, allô, alo, aloha, hallo, hah, ha ha, hail, haw, hawk, ...
-eh, hé, heh, heigh, hello, hey,...
-hi,, hillo, hilloa, hip, hiss, hist...
-oh, ohé, oops, ow, owl, ho, hola, holla, hollo, howl, hoy,...
-uh, hue, huh, hum, hullo, hurrah, hush...
Dù được diễn âm giống nhau nhiều hay ít như trên vì cùng dùng chung một hệ chữ viết hoặc diễn bằng các loại văn-tự khác, tất cả các âm thuộc loại cảm-thán nầy ở ngôn-ngữ nào cũng rất dễ cảm nhận. Ai cũng hiểu hí hí hay hố hố đều là tiếng cười hoặc tùy thổ âm từng vùng như hả, hể, hỉ, hở, hử vẫn chung một nghĩa. Riêng văn-tự Việt, nhờ các dấu thanh âm và thanh điệu nên mỗi chữ diễn-tả cụ-thể từng cảm-xúc riêng-biệt, như: hự (phát ra khi có một vật gì đụng mạnh vào người) khác với hứ (không bằng lòng) khác với hử (thắc-mắc).
Còn tiếng Anh, chữ huh dùng chung cho cả 3 trường-hợp trên. Các văn-tự khác thuộc hệ La-tinh không có các dấu âm và điệu hoặc chỉ có rất ít dấu âm nên không diễn rõ các âm cảm thán và cũng không rõ nghĩa, như Ho tuy âm điệu khác nhau, khi thì được hiểu ý, mừng rỡ và ngược lại là tiếng khóc hu hu, chữ Hip cũng có 2 nghĩa tương-phản: vừa là âm nức-nở và cũng là tiếng reo tán-thưởng.
Nhưng bất-chấp tất cả những dị-biệt về văn-tự và ngôn-ngữ quy-ước riêng, con người thuộc dân-tộc nào, màu da nào và sống ở lục-địa nào trên thế-giới đều dễ-dàng cảm-nhận ngay lập-tức một tiếng reo mừng hạnh-phúc hoặc một tiếng rên đau từ đồng-loại của mình.
Thật vậy, ngôn-ngữ cảm-thán chính là một bản-năng thiên-bẩm giúp con người hiểu và chia-xẻ với nhau trọn-vẹn nỗi sướng khổ kiếp người.
Tiếng Gọi Ba Má Của Trẻ Phải Chăng Cũng Thuộc Loại Ngôn-Ngữ Bản-Năng?
Tuy nhiên, hai loại ngôn-ngữ bản-năng nói trên chỉ biểu-lộ phong-phú và linh-hoạt ở con người có thể-chất và tinh-thần bình-thường, trong lứa tuổi mà nhận thức đã phát-triển và có khả-năng nói sõi. Điều kỳ-diệu là trước khi trẻ con nói sõi, ngay từ những tháng đầu đời, chúng đã phát âm khá rõ âm Mờ (M) trước tiên và sau đó (luôn luôn sau) là âm Pờ (P).
Khả-năng bẩm-sinh phát-âm Mờ và Pờ rất sớm của mọi trẻ sơ sinh này chính là một trong những sở-đắc huyền-nhiệm nhất của loài người, riêng trong lãnh-vực ngôn-ngữ. Âm Mờ kèm với âm A tiếp theo tạo nên tiếng Ma, âm Pờ kèm âm A tạo nên tiếng Pa. Ma và Pa đã được loài người nói chung, ngay từ thời sơ-khai đến giờ, mặc-nhiên công-nhận là 2 tiếng gọi mà trẻ sơ-sinh gọi người đàn-bà và người đàn-ông đã sinh ra chúng.
Do giọng trẻ bập-bẹ nên Ma thành âm đôi là Mama và Pa thành Papa. Bắt nguồn từ 2 tiếng Mama và Papa đồng-nhất và phổ-biến (common) này chuyển qua ngôn-ngữ chính-thức (official) của các dân-tộc với màu da, có văn-minh, văn-hóa và sinh sống tại các châu lục khác nhau được viết như sau, trong các văn-tự thuộc hệ La-Tinh:
Pháp: Mère, Père
Tây Ban-Nha và Ý: Madre, Padre.
Cathalan (ở Tây Nam Âu): Mare, Pare.
Bồ-Đào Nha: Mãe, Pai
Đức: Mutter, Vater (1)
Thụy-sĩ: Moder, Fader (1)
Anh: Mother, Father.
La-Tinh: Mater, Pater.
Trong các ngôn-ngữ của một số dân-tộc khác có hệ văn-tự riêng và không dùng bảng chữ cái A B C, hai từ Má và Ba xin tạm diễn âm như sau:
Ai-Cập (Bắc-Phi): Amê, abê (2)
Swahili (Trung Đông Phi): Mama, Baba.
Iran (Trung Cận Đông): Mađa, Pêđa
Ả-Rập: Umi, epi (2)
Miên: Mơdại, ôpút (2)
Thái-Lan: Manđa, Piđa.
Lào: Me, Pô
Miến-Điện: Êmê, ơpê (2)
Nam-Dương, Mã-Lai: Mê, Pê
Đại-Hàn: Amoni, aPơchi (2)
Trung-Hoa: Mù hoặc Mú, Phú hoặc Phù, diễn âm Hán-Việt là mẫu, Phụ (1).
Tất cả những từ chỉ người Mẹ và Cha trong nhiều ngôn-ngữ khác nhau kể trên do cùng dựa theo âm gọi Ma và Pa của trẻ thơ nên thuộc loại từ-ngữ tượng âm. Âm của các từ ấy và cách viết, ngay cả trong nhóm văn-tự cùng dùng chữ cái La-Tinh, có phần khác nhau nhưng khá dễ hiểu vì chính tiếng Việt ngoài các từ Mẹ Cha, tùy từng miền Nam Trung Bắc cũng được gọi là Má, Mạ hoặc Me và Ba hoặc Bố (3); đã gọi như thế từ hàng ngàn năm, trước cả thời-kỳ các ký-hiệu chữ viết được sáng-tạo để diễn âm tiếng nói.
Thực vậy, hai chữ Phụ Mẫu (văn-tự Hán, diễn-chế từ đời nhà Hán trước Công nguyên) và Mẹ Cha (văn tự Nôm, sáng-tạo vào thế-kỷ 10 khi Việt-Nam tách khỏi thống-trị Trung-Hoa) được cấu-tạo như sau: chữ Phụ có bộ phụ ở trên và chữ Ba (nghĩa là sóng) ở dưới, chữ Tế (cũng đọc là tía) có chữ phụ ở trên và chữ Ba ở dưới, chữ Cha Nôm (ứng-chế từ văn-tự Hán theo phép hình thanh) có chữ phụ (để lấy ý) bên trái và chữ Ba (để gợi âm) bên phải. Cả hai chữ Phụ, Tế (Hán) và Cha (Nôm) cùng có chữ ba gợi âm ghép vào, như vậy chính âm ba này đủ để xác-định rằng cả người Hoa và Việt từ xưa cũng đã dùng tiếng Ba để gọi người cha.
Riêng chữ mẹ (Nôm) là 2 chữ Hán viết ghép: mẫu bên trái và nữ bên phải. Hai chữ mẹ cha được thấy đã viết trong 2 tác-phẩm Nôm xưa nhất từ đời nhà Trần vẫn còn lưu lại (4).
Các nhà ngôn-ngữ-học thế-giới từng ngạc-nhiên về sự đồng-nhất của 2 tiếng Ma và Pa trong ngôn-ngữ thế-giới nhưng chỉ giải-thích được rằng 2 âm trên là các âm giản-dị và tự-nhiên nhất mà thanh-quản với 2 giây thanh-đới của trẻ con có thể phát ra vì âm Ma có trước nên dành cho người mẹ gần-gũi nhất và kế tiếp âm Pa được dành cho người cha.
Những người theo chủ-trương duy-vật không đưa ra được những luận-chứng đủ sức thuyết-phục nào về hiện-tượng nầy để bảo-vệ quan-điểm của họ nhưng tất cả những người khác trong đó có các nhà khoa-học đều trang-trọng xếp vào loại ngôn-ngữ thiên-hướng (instinet language).
Thật vậy, ngay cả khi nghiên-cứu về ngôn-ngữ động-vật, các nhà chuyên-môn cũng đã xác-nhận đúng những kinh-nghiệm dân-gian đã có từ xưa rằng trong các âm thô-sơ của loài thú (chó, chim, trâu bò ...), tiếng con vật sơ-sinh gọi tìm mẹ không giống như các âm chúng thường phát ra trong mọi giao-tiếp khác với đồng loại.
Tuy nhiên, tiếng gọi nầy, cùng với một bản-năng đặc-biệt khác giúp mẹ con có thể nhận ra nhau không nhầm lẫn trong bầy đông-đảo của loài vật sẽ dần mất đi khi con thú trưởng-thành, không cần sự bảo-vệ và nuôi dưỡng của mẹ nữa. Điều nầy xác-định loài vật chỉ có bản-năng sinh-tồn hạn hẹp trong sinh-hoạt duy-trì nòi giống mà con vật cha thường chỉ đóng vai-trò cộng-tác sinh-dục.
Riêng loài người, 2 tiếng Má, Ba luôn được coi là 2 tiếng đầu đời trên miệng trẻ thơ, vốn đã được gọi như thế từ thuở sơ-khai như là tiếng gọi thiên-bẩm. Đồng-thời tiếng gọi Ba Má gắn liền lại là lời chứng khẳng-định liên-hệ gia-đình nhân-bản gồm 2 đấng mẹ cha, một đôi vợ chồng khác hẳn với muôn loài.
Với những cố-gắng không ngừng để tiện giao-tiếp với đồng-loại, các ngôn-ngữ qui-ước đã được con-người sáng-tạo nhưng chưa kể đến những trở-ngại do sự bất-đồng của hàng ngàn ngôn-ngữ khác nhau, ngay cả có cùng tiếng nói, loài người thật-sự vẫn không hiểu trọn-ven.
May thay, loại ngôn-ngữ thân-thể và ngôn-ngữ cảm-xúc bẩm-sinh đã được bù vào điểm bất-toàn đó như là những tín-hiệu chiều ngang truyền-đạt sự cảm-thông tận cùng giữa người và người cùng hiện-hữu. Và tiếng gọi Ba Má chính là ngữ-hiệu nhân-bản chiều dọc như là một mắt xích âm dương bền vững nối một chuỗi vô-tận các thế-hệ con người.
Thiếu các tín-hiệu và ngữ-hiệu kỳ-diệu ấy, với ý-nghĩa và gia-trị bất-biến của chúng, loài người chẳng khác gì bộ máy tinh-xảo nhưng vô hồn hoặc tầm-thường như muôn loài khác và hẳn đã không đạt được địa-vị cao quí là một sinh-vật thượng-đẳng mà tạo-hóa đã dày công sáng-tạo.
Phạm Đông Văn
Chú-thích:
(1) Các phụ âm P-B, V, F và Ph tuy viết khác nhau nhưng được phát âm gần giống nhau tùy động-tác chúm môi nhiều hay ít.
(2) Các âm a, e, ê, ô, ơ, và u đi trước chữ M (mờ) và P (pờ) chỉ là các âm đệm, luôn được phát ra rất nhẹ (như cách người Hoa gọi Má là aMa, Ba là aBa).
(3) Tiếng Bố, Cái đã được dùng từ xưa ở miền Bắc. Sử Việt có ghi việc nhân-dân tôn Phùng-Hưng là Bố Cái Đại-vương, ngụ ý mang ơn ông, xem như cha mẹ sau khi ông cầm quân đánh đuổi Cao-Chính-Bình, một quan lại Trung-hoa trong chức Đô-hộ sứ Giao-Châu năm 791.