Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 08, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
THIỀN SƯ KHÁNH ANH (1895-1961)
ĐÀO ĐỨC NHUẬN


Thiền sư Khánh Anh là một danh tăng của Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực cho công cuộc chấn hưng, phát triển và thống nhất Phật giáo Việt Nam trong 3 thập niên 30, 40 và 50 của thế kỷ XX.

NHỮNG THÁNG NGÀY TRÊN QUÊ HƯƠNG

Qua những tài liệu chúng tôi sưu tập được không thấy tài liệu nào nói rõ về quãng đời thơ ấu của thiền sư Khánh Anh, thậm chí đến tên tuổi song thân của Ngài cũng không được ghi lại. Chúng ta chỉ biết một cách sơ lược về quãng đời thơ ấu của Ngài có liên quan đến việc học chữ nho tại quê nhà, đó là tin tức cho biết thuở nhỏ Ngài học chữ nho với thầy Phan Đình Đạm và được thầy đặt tên tự là Duy Dương và một số thông tin khác có liên quan đến việc tu tập của thiền sư tại quê nhà mà thôi.

Thiền sư Khánh Anh tên là Võ Hóa, còn có tên là Võ Bổng. Ngài sinh năm 1895 (Ất Mùi) tại xóm Lâm Môn, ấp Lương Nông, xã Thi Phổ Nhì, tổng Lại Đức, nay là xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngài nổi tiếng thông minh và có trí nhớ tốt. Như ở trên đã nói, Ngài học chữ nho với thầy Phan Đình Đạm và có lẽ Ngài cũng đã được đọc nhiều sách cần thiết của nhà nho vì có tài liệu nói Ngài có "thế học" cao (thế học tức cái học ngoài đời dùng để thi cử). Vậy mà khoa thi Hương năm Nhâm Tí (1912) lúc này Ngài đã 17 tuổi và các khoa kế tiếp (Ất Mão, 1915 và Mậu Ngọ, 1918) được tổ chức tại trường thi Bình Định đều không thấy nhắc đến việc Ngài có tham dự các khoa thi này hay không. Có thể vì Ngài đã có cái nhìn sâu sắc về lẽ vô thường của đời sống thế tục nên Ngài đã không màng đến thi cử công danh mà chỉ học cho có một số vốn cần thiết để tìm hiểu về giáo lý của nhà Phật mà thôi.

Ngày 09-5-1916 (8/4 Bính Thìn) Ngài quy y Tam bảo tại chùa Cảnh Tiên, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Thiền sư trụ trì chùa Cảnh Tiên là giáo thọ của Phật giáo Quảng Ngãi, Hòa thượng Ân Tịnh-Tổ Liên-Hoằng Thanh, ban cho pháp danh là Chân Húy. Một năm sau, ngày 28-5-1917 (8/4 Đinh Tị) Ngài xuất gia tại chùa Quang Lộc của thiền sư Ấn Tham-Tổ Văn- Hoằng Phúc, được Hòa thượng bổn sư Hoằng Phúc ban pháp tự là Đạo Trân.

Ngày 02-5-1920 (14/3 Canh Thân) Ngài thọ Đại giới đàn tại chùa Phước Quang thuộc phố nhỏ Thu Xà, huyện Tư Nghĩa do Hòa thượng Tăng cang Ấn Kim-Tổ Tuân-Hoằng Tịnh làm đàn đầu. Trong kỳ thọ Đại giới đàn này Ngài đã tỏ ra là một tăng sinh xuất sắc trúng tuyển thủ sa di và đã được Hòa thượng Tăng cang Hoằng Tịnh ban lời khen ngợi.

Ngày 15-5-1921 (8/4 Tân Dậu) Ngài thọ cụ túc giới tại chùa Khánh Long nằm cạnh dòng sông Vệ về phía biển và được ban pháp hiệu Khánh Anh nối pháp đời thứ 40 dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh.

Sau khi xuất gia vào năm 1917, Ngài được 2 người cậu là thiền sư Diệu Ngộ (Nguyễn Tờn) làm giám tự chùa Quang Lộc dạy cho Tì ni nhật dụng thiết yếu tập, Sa di chú giải, Cảnh sách chú giải và thiền sư Huệ Pháp (Nguyễn Lộ) dạy về Quy nguyên trực chỉ tại các chùa Hưng Thịnh và Phổ Quang.

HOẰNG DƯƠNG PHẬT PHÁP TRÊN ĐẤT NAM KỲ

* Từ vai trò của một giảng sư Phật học:

Với tư chất thông minh và nhờ có căn bản về Hán học, lại được sự rèn cặp tận tình về Phật pháp của 2 người cậu là thiền sư Diệu Ngộ (Nguyễn Tờn) và thiền sư Huệ Pháp (Nguyễn Lộ), Ngài đã nghiên cứu và tiếp thu giáo lý nhà Phật một cách nhanh chóng và sâu sắc, và cũng nhờ vậy nên từ năm 30 tuổi Ngài đã nổi danh là một giảng sư Phật học tài ba.

Mộ danh Ngài, năm 1927, Ngài đã được chùa Giác Hoa tại Cái Dầy, tỉnh Bạc Liêu thỉnh về giữ vai trò Chánh thư ký và pháp sư giảng dạy Phật pháp do nhà chùa tổ chức. Vậy là Ngài đã từ giã quê hương Quảng Ngãi năm 32 tuổi để bắt đầu bước đường hoằng hóa Phật pháp tại miền đất phương Nam.

Năm sau, 1928, Ngài được mời dạy Phật pháp tại chùa Hiền Long, tỉnh Vĩnh Long.

Lúc nầy tên tuổi của Ngài đã được giới tu sĩ và cư sĩ tên tuổi đất Nam Kỳ để ý đến. Năm 1933, Ngài cùng thiền sư Khánh Hòa, thiền sư Huệ Quang, thiền sư Pháp Hải thành lập Liên đoàn Học xã, tổ chức giáo dục Phật pháp dưới hình thức lưu động, mỗi nơi chỉ dừng 3 tháng bắt đầu từ chùa Long Hòa của thiền sư Huệ Quang ở Tiểu Cần, Trà Vinh qua chùa Thiên Phước của thiền sư Chính Tâm ở Trà Ôn, Vĩnh Long, đến chùa Viên Giác của các thiền sư Tâm Quang, Thiện Niệm ở Bến Tre. Rất tiếc chương trình này chỉ thực hiện được ở 3 nơi nói trên rồi chấm dứt vì không còn nơi nào có thể cáng đáng nổi vấn đề tài chánh để nuôi dưỡng số học tăng tham dự mỗi ngày mỗi đông.

Cuối năm 1934, Ngài và các thiền sư nói trên cùng một số cư sĩ Trà Vinh thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Long Phước, Trà Vinh với mục đích chủ xướng phong trào chấn hưng Phật giáo, hoằng dương Phật pháp, đào tạo tăng tài, đoàn kết nội bộ Phật giáo để đi đến thống nhất Giáo hội. Các Ngài đã vận động quý Phật tử có hằng tâm hằng sản ủng hộ tài chánh để mở các trường Phật học.

Các nhân vật chủ chốt lãnh đạo hội Lưỡng Xuyên Phật Học, gồm có:

Chánh hội trưởng: Thiền sư Thích An Lạc (chùa Vĩnh Trường, Mỹ Tho)
Chánh tổng lý: Thiền sư Huệ Quang (chùa Long Hòa, Trà Vinh)
Pháp sư: Thiền sư Khánh Anh, thiền sư Pháp Hải.

Năm 1935, các Ngài lại thành lập Phật học đường Lưỡng Xuyên, Ngài và các thiền sư Khánh Hòa, Pháp Hải, Liên Trì, Mật Thể (từ Huế vào)... đều ở trong Ban Giảng Huấn. Tại Phật học đường này, Ngài là vị giảng sư nhận dạy nhiều giờ nhất và đảm trách nhiều môn học nhất.

Sau nhiều năm đào tạo, Phật học đường Lưỡng Xuyên đã là nơi xuất thân của các danh tăng trong hàng giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo Việt Nam về sau này, như:

- Thiền sư Thích Hành Trụ (1904-1984) nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

- Thiền sư Thích Thiện Hòa (1907-1978), năm 1969 được tấn phong Phó Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1969-1978)

- Thiền sư Thích Thiện Hoa (1918-1973) Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Viêt Nam Thống Nhất (1966-1973).

- Thiền sư Thích Huyền Quang (1920-2008) Đệ tứ Tăng thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (1992-2008)

- Thiền sư Thích Quảng Liên (1926-2009) nguyên Tổng vụ trưởng Tổng vụ Pháp sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất....

Ngoài việc dạy học, Ngài còn thường xuyên cộng tác với tạp chí Duy Tâm, cơ quan hoằng pháp của hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời vào năm 1935 do thiền sư Huệ Quang làm chủ bút nhằm cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam sao cho tiến triển như tại Trung Hoa với công cuộc cải cách và chấn hưng Phật giáo của Thái Hư đại sư (1889-1947) và công cuộc cải cách Phật giáo tại Nhật Bản đương thời.

Năm 1940 làm Pháp sư dạy Phật pháp tại trường hạ chùa Thiên Phước, tỉnh Tân An.

Năm 1941 được mời làm giáo sư Phật học trong 3 tháng tại Đại giới đàn chùa Linh Phong, ở Tân Hiệp (nay thuộc huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Đầu năm 1945, Ngài được thiền sư Huệ Quang mời dạy các lớp Phật pháp tại chùa Long Hòa, thuộc huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.

Gần cuối năm 1945, Ngài nhập thất tại chùa Phước Hậu để nghiên cứu Tam Tạng kinh điển. Trong 10 năm tiếp theo, Ngài đã phiên dịch, biên soạn và ấn tống nhiều tác phẩm có giá trị về mặt đạo pháp cũng như về mặt văn hóa.

* Từng bước trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam:

Năm 1928, sau khi hoàn mãn công việc giảng dạy Phật pháp tại chùa Hiền Long, Vĩnh Long, Ngài được thỉnh về trụ trì chùa Đông Phước thuộc xã Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Năm đó Ngài mới 33 tuổi.

Năm 36 tuổi (1931) Ngài được thỉnh về trụ trì chùa Long An, Trà Ôn, Cần Thơ. Đây là một ngôi cổ tự tọa lạc tại ấp Mỹ Trung, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Từ một ngôi thảo am đơn sơ cất lên từ thập niên 1860, đến cuối thế kỷ thứ 19, chùa đã được xây cất khang trang. Khi về trụ trì ngôi chùa này Ngài đã tích cực mở các lớp đào tạo tăng tài và đã thu hút nhiều tăng sinh và cư sĩ Phật tử tham gia.

Năm 1940, thiền sư Hoằng Chỉnh (1862-1940), trụ trì chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long viên tịch, Ngài được chính thức trụ trì chùa Phước Hậu vào tháng 12 năm 1941. Từ đây, với tài tổ chức và lòng nhiệt thành hiếm có, Ngài đã biến chùa Phước Hậu dần dần trở thành một Tổ đình hưng thịnh.

Khởi nguyên, Phước Hậu chỉ là một thảo am sơ sài. Đến năm 1894, ông hương cả làng Đông Hậu, nay thuộc xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long tên là Lê Ngọc Đán (có nơi ghi là Lê văn Gồng) cho trùng tu ngôi thảo am thành một ngôi chùa sườn gỗ, vách ván, nền gạch, lợp ngói âm dương lấy tên làng làm tên chùa: chùa Đông Hậu. Đến năm 1910 chùa Đông Hậu được con gái của ông hương cả là bà Lê Thị Huỳnh cho trùng tu khang trang hơn và thỉnh thiền sư Ấn Chi - Tổ Chấp-Hoằng Chỉnh đang trú xứ tại chùa Thiên Ấn tỉnh Quảng Ngãi về đây trụ trì. Thiền sư Hoằng Chỉnh đổi tên chùa Đông Hậu thành chùa Phước Hậu.

Một điều thật thú vị: một thiền sư người Thi Phổ Nhì, Mộ Đức, Quảng Ngãi là thiền sư Khánh Anh kế tục trụ trì chùa Phước Hậu từ một thiền sư người Tú Sơn, Mộ Đức, Quảng Ngãi là thiền sư Hoằng Chỉnh trên đất Vĩnh Long của Lục Tỉnh Nam Kỳ!

Năm 1950, tại Sài gòn, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền cùng một số cư sĩ tên tuổi lúc bấy giờ đã đứng ra vận động và thành lập Hội Phật Học Nam Việt và Chánh Trí Mai Thọ Truyền được bầu làm Tổng Thư Ký của Hội. Năm 1955, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền được bầu làm Hội trưởng và thiền sư Khánh Anh đã được cung thỉnh vào Ban Chứng minh Đạo sư của Hội.

Trước năm 1954, trong nước có 3 tổ chức Tăng già khác nhau: tại miền Bắc có hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt, tại miền Trung có Giáo hội Tăng già Trung Việt và tại miền Nam có Giáo hội Tăng già Nam Việt. Ba tổ chức này cùng nằm trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ ngày 6-5-1951 và cùng nằm trong Giáo hội Tăng già Toàn quốc được thành lập ngày 7-9-1952 nhưng về hoạt động vẫn giữ tính cách độc lập.

Giáo hội Tăng già Nam Việt được thành lập từ năm 1951 với vị Pháp chủ đầu tiên là thiền sư Đạt Thanh.

Trong Đại hội kỳ 2 được tổ chức vào ngày 8-3-1952, thiền sư Huệ Quang được cung thỉnh vào ngôi vị Pháp chủ.

Ngày 11-11-1956, thiền sư Huệ Quang lãnh đạo phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội lần 4 của hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Katmandu thủ phủ của xứ Nepal khai mạc vào ngày 15-11-1956. Đến ngày 21-11-1956, Đại hội bế mạc, phái đoàn bay về New Delhi, Ấn Độ để dự lễ Buddha Jayanti do chính phủ Ấn Độ tổ chức. Lễ bế mạc vào chiều 30-11 thì ngày 02-12-1956, thiền sư Huệ Quang bị đứt một mạch máu não và đã viên tịch tại bệnh viện Willingdom, New Delhi.

Ngày 31-3-1957, Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt kỳ 3 tổ chức tại chùa Ấn Quang, đã suy tôn thiền sư Khánh Anh lên ngôi Pháp chủ để lãnh đạo Phật giáo thay thế ngôi vị này của thiền sư Huệ Quang.

Trong thời gian Ngài giữ ngôi vị Pháp chủ, Giáo hội Tăng già Nam Việt đã thực hiện nhiều công tác quan trọng, đáng kể nhất là việc ấn hành tài liệu "Phật học phổ thông" để làm giảng khóa cho các giảng sư đoàn và các vị sứ giả Như Lai đồng thời khai giảng các lớp Phật học lần đầu tiên được tổ chức cho giới cư sĩ tại trụ sở của Hội tức chùa Ấn Quang và hầu hết các tỉnh Nam Việt.

Ngày 5-8-1956, hội Phật học Nam Việt cho đặt viên đá đầu tiên để xây một ngôi chùa bề thế tại Sài Gòn. Ngôi chùa sẽ là nơi thờ phượng Xá lợi của Đức Phật Tổ Như Lai do Phật giáo Tích Lan hiến tặng. Do vậy, đến ngày 2-5-1958, ngôi chùa được khánh thành và thiền sư Khánh Anh, với ngôi vị là Pháp chủ của Giáo hội Tăng già Nam Việt đã đặt tên cho ngôi chùa là chùa Xá Lợi.

Khánh thành chùa xong, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền xin Ngài một câu châm ngôn để treo ở chùa, Thiền sư đã cho câu: "Tu mà không học là tu mù - Học mà không tu là đãy sách" và đây cũng là châm ngôn mà Ngài đã theo đuổi từ thuở mới quy y cho đến ngày xả bỏ báo thân.

Ngày 19-9-1959, Đại hội Giáo hội Tăng già Toàn quốc kỳ 2 họp tại Ấn Quang đã long trọng cung thỉnh Ngài lên ngôi vị Thượng thủ.

Trong khoảng thời gian giữ các ngôi vị trọng yếu của Giáo hội, Ngài thường xuyên có mặt tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn để lãnh đạo mọi hoạt động của Giáo hội, viết bài và dịch kinh sách.

Năm 1961, Ngài về thăm lại chùa Phước Hậu, rồi sau đó trở về lại chùa Long An, nơi Ngài đã trụ trì từ năm 1931. Ngài đã an nhiên thị tịch tại ngôi chùa này lúc 16 giờ 30 ngày 16-4-1961, trụ thế 66 năm với 44 năm hạ lạp.

Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc rước kim quan Ngài về chùa Ấn Quang cử hành trọng thể lễ tang và sau đó mai táng tại An Dưỡng Địa Bình Chánh của Giáo hội.

Đến ngày 25-3-1967 (15-2 Đinh Mùi) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất long trọng cử hành lễ trà tỳ, rồi rước linh cốt Ngài về chùa Ấn Quang và chia thờ các nơi sau đây:

- Chùa Ấn Quang, trụ sở Giáo hội Tăng già Toàn quốc, Sài Gòn.
- Chùa Long Phước (Trà Vinh), trụ sở hội Lưỡng Xuyên Phật Học.
- Tháp Đa Bảo ở chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Cần Thơ.
- Chùa Từ Nghiêm, trụ sở Ni bộ Bắc tông, Sài Gòn.
- Chùa Long Phước, trụ sở Giáo Hội tỉnh Vĩnh Long.

* Nhà văn hóa Phật giáo:

Trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang tức thiền sư Nhất Hạnh đã kết luận: "Thiền sư Khánh Anh là một cao tăng bác học. Sự nghiệp đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học Việt Nam."

Quả đúng như vậy. Ngoài vai trò của một pháp sư, một nhà lãnh đạo Phật giáo, Ngài còn là một tác giả Phật học đã để lại nhiều tác phẩm quan trọng về dịch thuật cũng như biên khảo và sáng tác, dùng làm kim chỉ nam cho những người tu hành theo con đường của đức Phật tổ Như Lai. Chúng ta có thể kể một số tác phẩm chính sau đây:

- Hoa Nghiêm nguyên nhân luận là tác phẩm của Khuê Phong Tông Mật (780-841) người đời nhà Đường, Trung Hoa, căn cứ theo kinh Hoa Nghiêm lý luận về nguyên thủy của loài người.

- Nhị khóa hiệp giải.

Nguyên xưa ngài Quán Nguyệt pháp sư đem hai thời kinh khóa tụng: kinh tụng ban mai và kinh tụng ban chiều nhập chung lại làm một đại thể thành một tập lớn. Nội dung phân ra từ mục: Từ quyển thứ nhứt đến quyển thứ bảy để giải nghĩa, nên gọi là "Nhị khóa hiệp giải". Như là: đem các bổn kinh mai và chiều họp chung lại làm một thể mà sắp làm 5 quyển ; còn các bài phát nguyện, hồi hướng, tam tự quy y của mai và chiều thì nhập chung lại làm một quyển (quyển thứ 6), và các nghi thức thù ân chúc tán làm một quyển.

"Nay tôi dịch bộ kinh này, xin chia làm hai tập thượng và hạ: Tập thượng nói riêng trọn về thời kinh mai, tập hạ nói nguyên vẹn cả thời kinh chiều, và xin để phiên dịch ra như thế này là y theo lối quy định của các Tổ đức xưa đã sắp đặt, mà các chùa bấy nay cũng thường tụng đã quen. Như vậy là để cho các học giả vẫn được dễ dàng xem hiểu thuận tiện, vì với "Nhựt tụng" đã riêng phần, xem đâu được sẵn liên tiếp đó. Như thế đã khỏi thất công tìm kiếm và gọi là "Nhị khóa hiệp giải" mới nhằm với bản dịch ngày nay vì đã phân riêng ra làm hai tập: thượng và hạ." (Hưng Từ Quán Nguyệt viết lời tựa năm 1921)

- 25 bài thuyết pháp của Thái Hư đại sư

Thái Hư Đại sư (1889-1947) là bậc cao tăng của Phật giáo Trung Hoa, người có công lớn trong việc thống nhất Phật giáo Trung Hoa và hoằng dương Phật pháp tại các nước Âu Mỹ. Đối với bản thân, Ngài theo nguyên tắc: "Chí hướng thì chỉnh lý tăng già Hành động thì đại giới Du già" và chủ trương cải cách Phật giáo về 3 phương diện: "Chỉnh trang giáo lý - Chỉnh trang giáo chế - Chỉnh trang giáo phẩm".
 

(Có thể những nguyên tắc và chủ trương của Thái Hư đại sư đã có một phần ảnh hưởng đến các nhà hoạt động Phật giáo Việt Nam trong những thập kỷ giữa thế kỷ XX)

- Quy nguyên trực chỉ là một tác phẩm văn học Phật giáo giá trị. Tác giả là Nhất Nguyên Tông Bổn đại sư người đời Nam Tống (1127-1279) Trung Hoa và thiền sư Luật Truyền người thời chúa Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cai trị xứ Đàng Trong soạn phần âm nghĩa. Mục đích chính của tác phẩm này là khuyên mọi người tu tập, làm lành lánh dữ, niệm Phật vãng sanh.

- Quy Sơn Cảnh Sách là một bài văn cảnh sách của Linh Hựu Đại Viên thiền sư (771-853). Vì Ngài tu trên núi Quy Sơn, nên người đương thời để tỏ lòng kính trọng không gọi bằng tên thật mà chỉ gọi Ngài là Quy Sơn. Tuy là một bài văn cảnh sách nhưng trong giới xuất gia đều phải học thuộc lòng từ khi vào chùa.

Trong bản dịch, thiền sư Khánh Anh đã viết:

"Hai chữ Cảnh Sách, chính là cái tông chỉ của một bộ luật này. Cảnh, là cảnh tỉnh kẻ chưa giác ngộ. Sách, là sách tấn người hậu học. Nhân vì, đương thời (mạt pháp, đời Đường), Tổ Quy Sơn đại sư, Ngài thấy người chân tu lần mỏn, hiu quạnh, sự tình tệ ngày càng bành trướng, bởi hành vi của chư Tăng phần nhiều đồng thói hèn tục, vì đã tham của, lại tham ăn mà trễ nải, lười biếng, không có cái chí cương quyết lướt tới. Thành thử Tổ, Ngài chép văn Cảnh Sách đây, để hiểu dụ, giác ngộ, khuyên miễn cho học giả lo tiến bộ".

- Duy thức triết học là một tác phẩm bàn về duy thức học trong Phật giáo đã được tác giả giới thiệu "tập sách này ra đời bằng chữ Quốc ngữ, xin để kỷ niệm ngày vía của đức Phật A-di-đà là ngày 17 tháng 11 âm lịch năm Tân mão, Phật lịch 2514, dương lịch 1951". Ngay phần đầu thay cho lời tựa, Ngài đã mượn lời Ấn Quang pháp sư để khuyên những người học Phật "Tất cả kinh Phật và các sách vở xiển dương pháp Phật, đâu chẳng để khiến người đến hiền lánh dữ, đổi lỗi theo lành, rõ nhân quả ba đời, biết Phật tánh sẵn đủ, ra khỏi bể khổ sanh tử, sanh về nước Sen Cực Lạc.

Đối với kinh Phật độc giả ắt phải sanh lòng cảm ơn, dấy tưởng khó gặp, tay sạch, bàn sạch, chăm lòng kính thành như đối trước Phật trời, dường đến gần Thầy Tổ, thì chính mình sẽ đặng vô biên lợi ích. Nếu lòng không kiêng sợ, mặc ý khi dễ, và chấp cứng theo thành kiến hẹp hòi, quấy bậy chê phá thì tội lỗi đầy trời, quả báo không hết! Ngõ được xét lòng thành thật này thì tôi lấy làm may mắn lắm!"

Ngài còn dịch và chú giải một số Kinh, Luật, Luận khác nữa, như:

- Tại gia cư sĩ luật
- Tỳ ni chú giải.
- Sa di chú giải.
- Cảnh sách chú giải.
- Di Lặc há sinh.
- Long Hoa tam hội nguyện tương phùng.

Ngoài các tác phẩm kể trên, Ngài còn để lại bộ Khánh Anh Văn Sao gồm 3 tập. Trong Khánh Anh Văn Sao, ngoài những bài viết về giáo lý, những bài sớ giảng, còn có:

* Bản dịch tác phẩm Phật Tổ đích truyền nhất thống của thiền sư Pháp Chuyên-Luật Truyền-Diệu Nghiêm (1726-1798), Tổ khai sơn tổ đình Từ Quang, Phú Yên, một trung tâm đào tạo tăng tài cho Phật giáo Việt Nam hơn 2 thế kỷ. Trong tác phầm nầy có ghi chép về các thiền sư kế thế thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728), Tổ khai sơn chùa Thập Tháp Di Đà tại Bình Định và Ngài được xem là người đầu tiên du nhập dòng thiền Lâm Tế Chánh Tôn vào xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn và ngày nay được gọi là dòng thiền Lâm Tế Nguyên Thiều.

* Một số kinh sách của các tác giả người Ấn Độ qua Trung Hoa để hoằng dương Phật pháp và họ đã dịch những bản kinh từ chữ Pali hay Sancrit sang Hán văn và Ngài đã chuyển dịch những bản kinh này ra quốc ngữ, như:

- Phật nói kinh Giới Tiêu Tai (Ác Quỷ Sợ Giới) của cư sĩ Chi Khiêm, thụ giới ưu-bà-tắc, người nước Nguyệt Chi (Tây Á), sang Trung Hoa thời Tam Quốc (220-280).

- Phật nói kinh Quán Đảnh Tam Quy, Ngũ Giới, Đối Hộ Thần Chú (Thiên Thần Hộ Giới) của Tam Tạng pháp sư, hiệu Bạch Thi Lê Mật Đa La đến Trung Hoa vào thời Đông Hán (317-419).

- Phật nói kinh Con Trời tên Ta Phiệt Nẵng Chịu Phép Quy Y Khỏi Đọa Ác Đạo (Trời Quy Y) của Tam Tạng truyền giáo Đại sư hiệu Pháp Thiên người miền Trung nước Ấn Độ sang Trung Hoa vào thời nhà Tống (960-1279) và được vua Tống sai dịch ra chữ Hán.

* Phần sáng tác thơ văn gồm 1 lá thư gởi cho thân phụ viết bằng thể thơ lục bát, khoảng 30 bài "phục nguyện" đọc trong các dịp lễ đặc biệt của Phật giáo, 45 bài thơ làm theo thể bát cú Đường luật, 206 câu đối phần lớn để tặng cho các chùa, trong số đó Ngài đã viết 118 câu cho chùa Phước Hậu và hiện nay chùa còn treo 10 câu đều nằm trong tập 3 của Khánh Anh Văn Sao.

Châm ngôn trong cuộc đời hành đạo của Thiền sư Khánh Anh là: "Tu mà không học là tu mù - Học mà không tu là đãy sách". Tu và Học phải đi đôi với nhau, không thể thiếu một trong hai. Nhưng điều quan trọng hơn cả vẫn phải là "thật học chân tu" chứ không phải chỉ học và tu chiếu lệ. Ngài đã từng khuyên nhủ những môn đồ của mình : "Sách nói 'hữu chí cánh thành', người mà có chí cố gắng thì rốt cuộc sự gì cũng được. Vậy chúng ta cố gắng thật học chân tu, thì cũng có ngày tiến đến bực Phật. Điều đáng lo hơn hết là chỉ e mình không thật học chân tu, chứ đừng lo không tiến đến bực Phật" (Gan anh hùng - Khánh Anh Văn Sao).

Ngài đã đem cái thực học của mình qua kinh sách để áp dụng vào đời sống tu hành.

Là trưởng tử của Đức Phật Tổ Như Lai, Ngài luôn cầu nguyện cho mọi người được thấm nhuần Phật pháp và muôn loài chúng sinh đều thành Phật đạo. Nỗi ước vọng cháy bỏng đó của một nhà chân tu luôn thể hiện qua những lời "phổ nguyện" đọc trong những dịp lễ đặc biệt của Phật giáo:

* Phổ nguyện:

Tăng già thường truyền bá
Cư sĩ vẫn hộ trì
Trăm họ đều quy y
Muôn loài thành Phật đạo...

* Phổ nguyện:

Điều lành thì đem tới
Điều dữ thì tống ra
Ba phần trăm họ lạc âu ca
Chín loại bốn sanh thành Phật đạo...

Qua bất kỳ lời phục nguyện nào, chúng ta cũng có thể nhận thấy được tấm lòng từ bi quảng đại của một bậc chân tu một lòng vì đạo pháp, một lòng vì chúng sinh. Ngài luôn luôn chân thành và tha thiết cầu nguyện chẳng những cho nhân dân trong nước được hưởng cảnh "nước nhà giàu mạnh đạo đồng tu" mà còn cho cả loài người khắp năm châu bốn biển được hưởng cảnh "quốc tế hòa bình người đồng hóa":

Đất rêm sáu chủng
Trời tắm chín rồng
Mây từ mưa pháp khắp Tây-Đông
Quả phúc căn lành nhờ Phật Tổ
Cả thiên hạ, Bắc-Nam ba bộ, nước nhà giàu mạnh đạo đồng tu
Toàn địa luân thế giới năm châu, quốc tế hòa bình người đồng hóa.

Cuối năm 1945, Ngài nhập thất tại chùa Phước Hậu để nghiên cứu sâu về kinh điển thì không lâu sau đó, cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ kéo dài 9 năm (1946-1954). Cuộc chiến tranh tàn khốc đã lấy đi không biết bao nhiêu là sinh mạng, đã phá hủy không biết bao nhiêu là làng xóm...Đứng trước bao nỗi đau hương của cuộc chiến tương tàn, là một nhà tu hành chân chính, Ngài đã dốc hết tâm thành cầu nguyện cho muôn dân được tai qua nạn khỏi và mọi người đều được hưởng ơn lành:

Cầu xin chư Phật chứng minh, xin chúng Tăng hộ niệm
Cầu cho bá tánh khỏi điều nguy hiểm, trẻ già nhà cửa vẫn bình yên
Cầu cho tứ dân không sự truân chuyên, tôi tớ chợ vườn đều thuận lợi...

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã gây nên bao nhiêu cái chết oan uổng: cái chết của binh lính hai bên Việt và Pháp, cái chết của bao nhiêu thường dân vô tội, những cái chết oan khiên không người chôn cất đã bị vùi dập đâu đó...nhiều, nhiều lắm những oan hồn uổng tử vưởng vất không nơi nương tựa đang chờ bàn tay cứu độ để siêu thoát. Ngài, một nhà tu hành đầy lòng từ bi, với tâm không phân biệt sáng ngời, đã viết nên những lời phục nguyện đầy tính nhân bản, cầu mong cho tất cả đều được siêu sinh về cõi tịnh độ:

Cuộc lễ tắm Phật, tượng sắc thân rửa sạch bụi vô minh;
Ngày vía Giáng sanh, ơn giáo chủ đượm nhuần đời hữu lậu.
Hoặc hy sinh đôi bên chiến đấu: người Việt, người Tây, từ Nam chí Bắc, đã biết bao dũng tướng hùng binh;

Hoặc uổng tử những lúc thình lình: chú Tàu, chú Thổ, từ trẻ chí già, lại xiết mấy thương dân phu phụ.

Chà Và, Khách trú, Ma Rốc, Lê dương
Chết nhà, chết đường, chết oan, chết dịch.
Đã bao thuở tối tăm mù mịt, nào ai cho đèn lửa, khói hương?
Phải bây giờ sáng suốt lo lường, nhờ Phật chiếu hào quang, gương tuệ.
Âm binh ơi! Cô hồn!

Hễ:

Dẫu phảng phất hồn ma, phách quế,
Nhưng sẵn sàng tâm pháp, tánh trời.
Về đây nghe kinh kệ hôm mai,
Cùng nhau chứng thánh hiền Phật đạo.

Nhiều câu đối còn treo ở chùa Phước Hậu đã nói lên tấm lòng thành tín của vị chân tu đối với Đạo, với Đời. Đối với Đạo, Ngài chủ trương phải luôn luôn tìm cách hoằng dương Phật pháp. Đối với Đời, thấm nhuần tư tưởng Phật giáo Việt Nam từ thời Trần Nhân Tông (1258-1308), Ngài luôn luôn đặt nặng trách nhiệm của một nhà tu hành đối với dân tộc: giáo dục quần chúng, nâng cao đức dục và trí dục, và quan trọng hơn cả đó là tranh đấu cho quyền bình đẳng của mọi công dân:

Phước đức hữu nhân duyên, phàm kiến Phật tánh, niệm Phật danh, lập Phật hội, hoằng Phật kinh, cộng thành Phật đạo.

Hậu cao vô phân biệt, hoặc tu dân tâm, giáo dân học, vi dân quan, hành dân chính, bình đẳng dân quyền.

Đạo Phật là đạo Giác Ngộ. Do đó, lúc nào Ngài cũng ước mong cho mọi người con Phật đều được giác ngộ trên bước đường hành đạo của mình. Cũng giống như cây "ổ rồng" nương nhờ vào cây đa mà sống, người con Phật phải biết nương nhờ vào cửa Phật, tức vào cửa chùa, nơi đó họ sẽ được các bậc thầy hướng dẫn, dìu dắt để sớm giác ngộ được Phật tánh và từ đó mà vun bồi Phật tánh của mình để đạt được quả vị cứu mình, giúp đời. Với bài thơ "Vịnh Ổ Rồng", ta thấy được lời khuyên và ước nguyện chân thành của Ngài đối với hàng Phật tử:

Cỏ chi mọc ở lưng chừng?
Kẻ hô Ướp quả người xưng Ổ Rồng
Thật là cây sống giữa đồng
Khác hơn những cỏ trong vồng ngoài nương
Lá như thay chỉ bốn phương
Xòe lên như đỡ, dưới nâng như dìu
Nương đây bóng mát sớm chiều
Gốc da giác ngộ ít nhiều hay chăng?!

Về mặt văn chương, "Khánh Anh có một lối hành văn rất tự nhiên và dí dỏm" (Nguyễn Lang), đôi khi ông dùng những thành ngữ, tục ngữ của văn chương bình dân một cách thật tài tình như trong một câu đối viết cho chùa Phước Hậu:

"Phước" từ trước như bể cả sông sâu: Thỏ lội ngập đầu, Voi đi ướt đít;
"Hậu" về sau tợ đường dài đất rộng: Cò bay thẳng cánh, Chó chạy ngay đuôi.

Ông có một giọng văn kể chuyện thật tài hoa, dí dỏm. Trong Khánh Anh Văn Sao có tập truyện "Niêm Phật hiệu nghiệm" kể về những người nhờ niệm Phật chí thành mà được vãng sanh tịnh độ. Ta thử đọc chuyện NGƯỜI HÈN NIỆM PHẬT trong tập truyện này để thấy lối hành văn gãy gọn, trong sáng và rất mới của một tác giả đã ra đời từ cuối thế kỷ thứ XIX cách nay hơn một thế kỷ!

"Người hèn là Bà Thôi ở Trí Châu, đời Tống, vì ở vú cho người ta, nên gọi là người hèn. Dù là ở đợ nhưng bà vẫn một lòng ăn tương rau.

Bản tính rất tốt, rất thiệt thà, chẳng thể cái lẽ gì hơn với đồng bạn! Nên chuyện nói năng đều chịu phần thua thiệt mà thôi!

Chủ mẫu là bà Triều phu nhân chăm lo thiền học, nghĩa là tập học pháp tham thiền; bà Thôi thường hầu ở bên, có biết niệm Nam mô A-di-đà Phật, lòng thành chẳng ngớt, vì tưởng niệm mãi nhưng không thể lần chuỗi được, vì tay mắc bận việc bổn phận nên chỉ niệm lầm thầm hoài như thế, chả biết đã mấy nghìn muôn biến!

Năm lên 72 tuổi, đau bịnh bại phong, không xuống khỏi giường huống là đi đứng được! Nhưng lại càng niệm Phật chuyên cần hơn trước.

Tự nhiên cứ ngâm bài kệ rằng:
Tây phương nhứt lộ hảo tu hành
Thượng vô điều lãnh hạ vô khanh,
Khứ thời bất dụng chước hài miệt,
Cước đạp liên hoa bộ bộ sanh".

(Niệm Phật như đường rất phẳng bằng;
Không đèo hiểm trở chẳng hầm ngăn;
Khi đi chả nhọc mang giầy vớ;
Mỗi bước đạp trên mỗi đóa sen!)

Ngoài câu niệm Phật, miệng bà không ngớt ngâm bài kệ trên; người ta hỏi bài thơ đó của ai? Thì bà đáp rằng: của tôi làm. Người ta hỏi: chừng nào bà đi trên con đường ấy. Bà đáp: giờ thân bữa nay khởi hành.

Quả nhiên, bỗng hết bịnh tê bại, bà đi đứng lại như trước, đúng giờ thân, ngồi, tắt thở! Chủ mẫu rất thương kính! Rước thầy, đúng theo tăng pháp: thiêu mà chỉ còn cuống lưỡi không cháy, vẫn tươi như cánh sen đỏ!"

Đó là chưa kể tài dịch thơ chữ Hán của ông. Đọc 2 câu: "Khứ thời bất dụng chước hài miệt - Cước đạp liên hoa bộ bộ sanh" mà ông dịch là "Khi đi chả nhọc mang giày vớ - Mỗi bước đạp trên mỗi đóa sen!" thì ta không nghĩ đây là câu thơ dịch mà xét về ý giữa câu thơ chữ Hán và câu thơ chữ Việt thì hoàn toàn mang cùng một ý nghĩa! Dịch thơ đến như thế là tuyệt!

* * *

Tóm lại, trong ngôi vị của một pháp sư, thiền sư Khánh Anh đã nổi danh là một giảng sư Phật học danh tiếng ngay từ năm 30 tuổi và Ngài đã thực hiện vai trò hoằng dương Phật pháp từ năm 1927 cho đến khi Ngài nguyện nhập thất để thực hiện một ngôi vị khác trong công việc hoằng dương Phật pháp: viết và dịch kinh sách Phật giáo từ năm 1946 về sau.

Trong vai trò chấn hưng và xiển dương đạo pháp, Ngài được vinh danh là một trong 3 cột trụ có công trong công cuộc hoằng dương và thống nhất Phật giáo Việt Nam. Đó là thiền sư Khánh Hòa (1877-1947), thiền sư Huệ Quang (1888-1956) và thiền sư Khánh Anh (1895-1961).

Chùa Phước Hậu, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long là nơi thiền sư Thích Khánh Anh đã trụ trì từ năm 1942 đến năm 1961. Vì vậy sau khi thiền sư viên tịch, một phần linh cốt của Ngài đã đưa về đặt tại tháp Đa Bảo chùa Phước Hậu để thờ. Và hàng năm, cứ đến ngày 29 và 30 tháng Giêng âm lịch đông đảo các tăng ni, Phật tử trong tỉnh lại mở hội lớn để tưởng niệm công đức của thiền sư đối với chùa Phước Hậu nói riêng và đối với Phật giáo Việt Nam nói chung.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN

(Trích đặc san QUẢNG NGÃI Xuân Quý Tỵ, 2013 của hội Đồng hương & Thân hữu Quảng Ngãi Nam California).

* * *

Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Đất nước, Con người: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh