Cuốn sách “Sắc thái văn hoá địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước” (*) thực ra là bảng “tóm tắt tổng kết” đề tài KX. 06-05 (nằm trong chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KX-06) với một “hệ thống đề tài” gồm cả thảy 23 đề tài, được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu đầy uy tín từ những cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở nước ta.
Chúng tôi không có tham vọng đưa ra nhận xét toàn diện về một cuốn sách ắt hẳn là rất có giá trị vì được đảm bảo bằng tên tuổi nhiều bậc tiền bối khả kính. Tuy vậy, trên tinh thần khoa học và ý hướng cầu tiến, xin được mạnh dạn nêu ra một số điểm về vùng văn hoá duyên hải Trung và Nam Trung bộ được trình bày từ các trang 54 đến 59 của cuốn sách nói trên, mà chúng tôi cho là chưa thật thoả đáng, như sau:
1. Các tác giả cho rằng vùng văn hoá duyên hải Trung và Nam Trung bộ bao gồm phần đất nay thuộc địa phận các tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thuận Hải (đúng ra là Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận – LHK), là nơi “Do địa hình chắn gió, nhất là Nam Trung bộ, lượng mưa thấp, khí hậu khô nóng, nên muốn canh tác nông nghiệp, con người phải đắp đập, đào hồ trữ nước, xỷ [lý] kênh mương dẫn nước vào ruộng”.
Nhận xét này chưa hoàn toàn chính xác, vì thực ra vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên (Nam – Ngãi – Bình – Phú) là nơi có lượng mưa trung bình hàng năm khá lớn (xấp xỉ 2000 hoặc hơn 2000 mm/năm). Nhưng sở dĩ phải “đắp đập, đào hồ trữ nước” để canh tác nông nghiệp, vì lượng mưa hàng năm tập trung chủ yếu vào 3 tháng mùa mưa: tháng 9, 10, và 11, gây mất cân đối nguồn cấp nước tự nhiên.
2. Theo các tác giả, “Vùng văn hoá duyên hải Trung và Nam Trung bộ” lại được chia thành 3 tiểu vùng: Tiểu vùng xứ Quảng, tiểu vùng Bình Định – Quy Nhơn và tiểu vùng Khánh Hoà - Thuận Hải; trong đó:
- Tiểu vùng xứ Quảng: “bao gồm vùng đồng bằng và duyên hải tỉnh Quảng Nam và phần phía bắc tỉnh Quảng Ngãi”.
- Tiểu vùng Bình Định – Quy Nhơn: “Ranh giới phía bắc của nó tới Bồng Sơn, Tam Quan, còn phía Nam vào đến Tuy Hoà”.
- Tiểu vùng Khánh Hoà - Thuận Hải: “Là địa bàn mà hiện tại người Việt đang chung sống với người Chăm”.
Cách chia như vậy thì từ “Nam Quảng Ngãi” đến đèo Cù Mông (giáp tiểu vùng Bình Định – Quy Nhơn) và từ nam Tuy Hoà đến giáp Khánh Hoà thuộc tiểu vùng văn hoá nào? Tại sao “tiểu vùng xứ Quảng” lại chỉ có Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi? Nam Quảng Ngãi là vùng nào, trong khi duyên hải Quảng Ngãi là vùng đất khá liền mạch về địa lý, văn hoá, lịch sử?
Tiểu vùng Bình Định – Quy Nhơn như được xác định ở trên (dù là tương đối) sao lại có Đèo Eo Gió và “Núi Long Đầu soi bóng xuống dòng Sông Trà”? Núi Long Đầu, sông Trà Khúc ở phía bắc còn đèo Eo gió ở tận miền núi phía tây Quảng Ngãi kia mà.
Thêm nữa, các loại đặc sản địa phương mà các tác giả cho là của tiểu vùng Bình Định – Quy Nhơn, như “mứt gừng Đức Phổ, bánh nổ Ngũ Hành” (đúng là Nghĩa Hành - LHK), “đậu xanh Sơn Tịnh”, “củ lang Đồng Ngổ, bánh nổ Đồng Huân”, “thuốc ngon chợ huyện, giấy quyền (Đúng ra là giấy quyến – LHK) Sa Huỳnh”, “mạch nha Thi Phổ, bánh nổ Thu Xà, muốn ăn chà là lên núi Định Cương”, thực ra là các thứ đặc sản Quảng Ngãi chính hiệu. Cũng vậy, “Quế Trà My” là sản phẩm của vùng Trường Sơn – Tây Nguyên (theo các chia của các tác giả) chứ đâu phải là của “tiểu vùng xứ Quảng” thuộc vùng duyên hải Trung và Nam Trung bộ!
Ở cuối chương “Các sắc thái văn hoá địa phương và tộc người” đã có những lời khép lại rất ư thận trọng: “Trên đây là phác thảo về phân vùng văn hoá ở nước ta, coi như là một giả thiết để định hướng trong quá trình nghiên cứu” (trang 67). Song, khi một các giả thiết tựa vào những phác thảo còn nhiều đường nét chưa chính xác như thế e không khỏi ảnh hưởng ít nhiều đến việc “định hướng trong quá trình nghiên cứu”.
Cũng còn tìm thấy ở cuốn sách một số điểm mà chúng tôi nghĩ là thiếu sót trong cách phân chia cũng như xác định sắc thái, đặc điểm các vùng và tiểu vùng văn hoá.
Dân tộc Cor với trên 2 vạn người, có địa bàn cư trú liên tục từ Trà My (tây Quảng Nam) đến Trà Bồng (tây Quảng Ngãi) và có sự thống nhất rất cao về văn hoá (nếu không muốn nói là đồng nhất, sao lại bị cắt đặt vào 2 tiểu vùng văn hoá khác nhau. Dân tộc H’re, có dân số đứng vào hàng thứ 19/54, vốn là một tộc người chủ yếu canh tác lúa nước, cư trú dưới chân những ngọn đồi thấp dọc những con sông nhỏ, từ Trà Bồng vắt qua miền Tây Quảng Ngãi, kéo dài đến An Lão (Bình Định), ngược lên đến Komplông (Kon Tum), có những nét riêng trong sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, tập tục so với những gì mà các tác giả đã khái quát về tiểu vùng văn hoá bắc Tây Nguyên mà mặc nhiên các tác giả đã đặt tộc người này vào đó.
Văn hoá Sa Huỳnh ở duyên hải miền Trung nào chỉ là “nền văn hoá đồng thay rực rỡ” (điểm này đúng với văn hóa Đông Sơn hơn – LHK) mà còn, và quan trọng hơn, là sự rực rỡ của Sa Huỳnh sắt sớm có sự phát triển khá sôi động và sức lan toả mạnh mẽ với các loại công cụ bằng đá được thay thế bằng sắt (liềm, rìu, cuốc) và các loại vũ khí cũng chuyển từ đồng sang sắt...
Thế nhưng, một người biết mình không mấy am tường vấn đề như chúng tôi chỉ dám mạo muội bàn quấy quá đôi điều để gọi là góp ý cho một công trình khoa học rất đáng trân trọng.
Quảng Ngãi, tháng 5/1999.
Lê Hồng Khánh
(Bài đã in trên tạp chí Cẩm Thành - Sở VHTT Quảng Ngãi, năm 1999 và tạp chí Xưa Nay – Hội Khoa học Lịch sử VN, cùng thời gian).
(*) Nhiều tác giả (GS Nguyễn Văn Huy, PGS-PTS Ngô Đức Thịnh, GS Phan Hữu Dật, PTS Lê Ngọc Thắng, …); Sắc thái văn hóa địa phương và tộc người trong chiến lược phát triển đất nước (Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học KX.06.05). NXB KHXH; HN-1998.
* * *
Xem thêm bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Đất nước/ Con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net