BÀI TANGO QUÊ HƯƠNG
Sáng tác: Văn Đức
Ban Hợp ca CLB.AN
ĐẠI HỘI LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUẢNG-NGÃI
WASHINGTON D.C. THÁNG 3-2013
Bàn loạn của Hoàng Đức.
Tôi vừa tham dự ngày Đại hội Liên trường Trung học Quảng Ngãi về, và vội vàng viết theo kiểu mì ăn liền đôi lời bàn loạn về ngày hội ngộ này. “Vui thôi mà” (Chữ của cố thi sĩ Bùi Giáng).
1/ Thành công vượt bực:
“Thành công, thành công, đại thành công” Một đại hội “hoành tráng” trên cả mức tuyệt vời. Phải công nhận ông Tiến sĩ Tạ Cự Hải là người có tài hấp dẫn quần chúng. Tham dự viên ngày hội ngộ đạt được con số kỷ lục gần 500 người thì quả thật là vô tiền khoáng hậu, trước nay chưa hề có và sau này khi lớp tuổi già nua ra đi thì chắc chắn cũng sẽ không có được con số “kinh khủng” này. Tôi cũng đã từng được nhìn tận mắt và sờ tận tay những cánh hoa anh đào mềm mại đẹp xinh, thế mà tôi cũng hăm hở về Thủ đô Hoa Thịnh Đốn tham dự ngày hội ngộ liên trường.
2/ Thiếu bóng hoa đào:
Tiến sĩ Tạ Cự Hải, người đứng mũi chịu sào trong ngày Đại hội Liên trường, năm nay, 2013, tại Hoa Thịnh Đốn, đã nắm chắc trong tay hai yếu tố thành công: Điạ lợi và Nhân hoà. Địa lợi vì Đại hội diễn ra tại Thủ đô, một địa điểm quá sức hấp dẫn đối với người về tham dự ngày hội ngộ. Hơn nữa, hoa anh đào lại còn là một miếng mồi ngon câu dẫn bàn dân thiên hạ. Nắm được yếu tố thành công này, cộng thêm với Nhân Hoà vì dân Liên trường Trung học Quảng Ngãi ai ai cũng mến mộ ông tiến sĩ tài hoa của núi Ấn sông Trà nên phần thắng đã hoàn toàn nắm chắc trong tay “một trăm phần trăm Em ơi”.
Chuẩn bị lên “công voa”
Thế mà, Trời chẳng chiều người, tương tợ như “Trời hành cơn lụt mỗi năm” cho giòng Hương giang nước chảy tràn bờ, cho người dân xứ Huế lầm than đói khổ, thì năm nay trời hành cơn lạnh liên miên cho giòng sông Potomac âu sầu, cho hoa anh đào chậm nở, khiến du khách phải ngậm ngùi mơ tưởng cảnh hoa đào tươi thắm khắp nơi nơi. Tiến sĩ Tạ Cự Hải và “chính sách gia đình trị” (chữ của ông Tiến sĩ) đã không gặp thời, đã không nắm được yếu tố Thiên thời nên hoa không nở đúng dịp dân Liên trường Quảng Ngãi về đây tham dự ngày hội lớn. Một lần nữa, ta thấy Thi hào Nguyễn Du đã lạc quan tếu khi ngôn rằng: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Ông Tạ Cự Hải vả vài ba ông Tiến sĩ khác như Tiến sĩ Trần Văn Hải đã dày công nghiên cứu để ấn định ngày giờ Đại hội diễn ra, hầu bắt kịp cảnh muôn ngàn hoa đua nở bên bờ sông Potomac. Thế mà, đến giờ phút chót, nói như nhân vật Tạ Tốn trong Cô gái Đồ Long, “Lão Tặc Thiên” đã chơi khăm hai vị khoa bảng đầy mình này. Phải chi quý vị trong Ban tổ chức Đại hội, ngày nào cũng đồng ca “Gọi nắng” như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “hoa đã nở trên đường quê hương” chào đón du khách Liên trường rồi. Không biết quý vị có tin dị đoan rằng cây cỏ, hoa lá, nhất là các loài hoa đẹp đều có linh hồn không. Nếu quý vị tin như vậy thì ngày ngày quý vị ôm các cây hoa đào, Không phải “ôm cây chờ thỏ” mà ôm cây, ve vuốt, vỗ về thương yêu, năn nỉ ỉ ôi thì thế nào bọn chúng cũng mũi lòng mà rủ nhau cùng nở hoa, đón chào du khách xứ Quảng của chúng ta, chứ đâu đến nổi chúng ta phải thất vọng não nề và ban tổ chúc Đại hội phải chịu thất bại ê chề về cái mục ”khi xem hoa nở khi chờ trăng lên”. Phải chi, lại mơ ước lung tung, trong Ban tổ chức có người biết hô phong hoán vũ như Khổng Minh đời Hậu Hán bên Tàu, đứng ra lập đàn thay vì cầu Đông phong như Gia Cát Lượng thì ta cầu nắng, chỉ cần một ngày đẹp nắng thì tha hồ mà ngắm hoa nở rộ trên 6 ngàn cây trong khu rừng hoa của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Than ôi, chẳng qua cũng chỉ vì không nắm được yếu tố Thiên thời mà ra cớ sự không vui như thế này. Bỗng dưng mà hồn thơ lai láng, tức cảnh sinh tình, tôi lại nổi hứng mần thơ “Con Cóc”:
Không có Em, DC se sắt buồn
Hoa anh dào e ấp nụ trên cây
Tôi về đây, nghe buốt giá trong hồn
Nhớ cánh hoa yêu, hiu hắt trời mây
Sao không thấy hoa đào?
Đoạn đường chiến binh: “Thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu”. Có lẽ vài vị trong Ban tổ chức Đại hội và Tiến sĩ Tạ Cự Hải đã có một thời gian ở trong Quân đội nên méo mó nghề nghiệp. Do đó họ đã tổ chức cho tham dự viên một cuộc du hành cả lượt đi và về trên đoạn đường dài 3 miles, tương đương với 4km, 8. Tuy xem được nhiều điều mới lạ, kỳ thú, nhưng quả thật là một “Đoạn đường chiến binh” đầy gian khổ dưới cái nắng vàng tươi, tuy không gay gắt nhưng cũng đủ cho du khách cởi áo lạnh cầm tay, lê lết giang hồ như các “chiến binh” lão nhược, có người tuổi đời xấp xỉ 8 bó, nhưng còn ham vui. Nhưng, phải công nhận Tiến sỉ nhà ta có tài dụng binh. Ông xua quân đi trên đoàn “công voa” 6 chiếc vừa to, vừa dài, quyết chiếm điện Capitol, thế mà không để mất một “tên quân” nào và rút lui “an toàn trên xa lộ” về cố thủ tại Eden. Trong kỹ thuật điều binh, khiển tướng, lui quân khó hơn là tiến quân, thế mà tiến sĩ Tạ Cự Hải đã thành công trong cả tiến quân và thoái quân. Thế thì từ nay, tưởng nên gọi ông ta là Tướng quân Tạ Cự Hải, cái tên nghe cũng oai hùng như trong truyện Tàu và truyện chưởng đấy chứ!
Tiến lên!
Mệt quá!
DU LÃM NEW YORK: Đường tình muôn vạn nẻo sao anh chọn nẻo đoạn trường mà đi.
Chuẩn bị lên metro
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã thức dậy náo nức về New York thăm Nữ Thần Tự Do vì nghe đâu, Tiên nương, ngọc thể bất an, sau cơn bảo Sandy, dạo gần đây. Chúng tôi được Hồng phu nhân thân hành lái xe, làm con thoi đưa đến trạm Metro để trực chỉ Union Station, trạm xe bus Megabus. Xin chân thành cảm ơn anh Hồng, vị đoàn trưởng khả ái, thắm đượm tình đồng hương và nhất là Chị Hồng, nụ cười luôn nở trên môi, niềm nở đón tiếp chúng tôi trong tình thân mến vuông tròn. Thành thật cảm ơn anh Sơn, hoà nhã, vui tính, tràn đầy “sense of humor” và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao vút tận mây xanh hay ít nhất cũng đến tận nóc các toà nhà chọc trời của Nữu Ước. Chúng tôi đã hoàn toàn thoả mãn trong cuộc viếng thăm New York này và e rằng chẳng còn muốn đến đây một lần nữa vì đã mãn nhãn lắm rồi. Những gì thực sự muốn chiêm ngưỡng như tượng Nữ thần Tự Do, khu Ground Zero, chúng tôi đã hết thòm thèm như trước đây.
Ground Zero
Chuyện bên lề:
Anh Hồng và anh Sơn đã cho chúng tôi một phen lên ruột, sợ xanh mặt vì một số người chưa quen, hoàn toàn lạ lẫm với phưong tiện Metro. Và những tham dự viên này vẫn nghĩ là phải chi hai anh đừng tiết kiệm tiền bạc giùm cho chúng tôi mà để chúng tôi tự túc, dùng taxi, không tốn kém là bao để đi đến Union Station rồi từ đó hai anh bao luôn một chuyến xe bus về New Nork để tránh khỏi cảnh rủi ro vì ngỡ ngàng, vụng về khi xử dụng Metro và để các anh khỏi hồi hộp lo âu cho sự an toàn của chúng tôi, tai nạn rủi ro và thất lạc vv... Thay vì đường mây rộng thênh thang, hai anh lại chọn nẽo đoạn trường mà đi. Thành thật góp ý.
* * *
Sau đây là một vài gợi ý của chúng tôi, một nhóm ông thầy già ngồi tán gẫu lúc trà dư tửu hậu như thầy Thời, thầy Thanh v.v… Và họ đã “xúi con nít ăn cứt gà” tức là xúi tôi ghi lại những góp ý sau đây để cùng nghiên cứu cho những Đại hội trong tương lai được hoàn chỉnh hơn:
1/ Lá thư của ông Hà Như Hy:
Tưởng không cần thiết phải đọc lá thư này trong mỗi kỳ Đại hội, lúc khai mạc Đại hội vì xét cho cùng, ông cũng chỉ là một vị hiệu trưởng như các vị hiệu trưởng của các trường trung học khác. Việc đọc lá thư của ông có thể gây ngộ nhận ông là người đứng đầu nghành Giáo dục Quảng Ngãi và lá thư là một huấn từ gửi cho Liên trường. Và Liên trường có thể nghĩ tại sao không đọc thư của các vị hiệu trưởng khác mà nếu ta yêu cầu thì sẽ có rất nhiều vị không tiếc công viết thư “thăm hỏi” Đại hội. Mỗi năm ta yêu cầu một vị hiệu trưởng hay một vị giáo sư nào đó đứng lên phát biểu ý kiến chứ không nhất thiết phải là ông hiệu trưởng Trần Quốc Tuấn, để “thay đổi không khí” và phong phú hơn.
2/ Diễn văn:
Mục đích của Đại hội là tạo cơ hội cho chúng ta thắt chặt tình bằng hữu đồng môn và đồng nghiệp để cùng nhau ôn lại kỷ niệm vui buồn ngày xưa, cùng hàn huyên tâm sự nên chúng tôi thiết nghĩ nên hạn chế tối đa những diễn văn, diễn từ rườm rà mà ít ai muốn nghe và cũng rất khó nghe trong một không khí ồn ào náo nhiệt, người người trò chuyện râm rang, tay bắt mặt mừng, bạn bè lâu ngày gặp lại nhau.
3/ Các cuộc vui:
Trong các cuộc vui chơi nên quan tâm đến các vị cao niên vì sức khoẻ đã hư hao theo ngày tháng phôi pha, nhưng vì ham vui, muốn níu kéo tuổi xuân hay vì vị nễ lòng nhau mà họ miễn cưỡng tham dự, và rất có thể sẽ xảy ra những trở ngại rủi ro đáng tiếc như “Đoạn đường chiến bình” vừa nêu trên đây.
4/ Khách sạn:
Một điểm son cho Đại hội ở DC vừa qua, khi chọn địa điểm khách sạn gần nhà hàng có món ăn quê hương rất thuận tiên cho các tham dự viên lúc tạm xa nhà, độc thân tại chỗ.
5/ Đưa đón:
Để bớt gánh nặng cho Ban tổ chức, tưởng chỉ cần đón tham dự viên từ phi trường về khách sạn vì họ bỡ ngỡ nơi “xứ lạ quê người” và đưa họ đến hội trường. Còn vấn đề lúc về lại “cố hương” thì tham dự viên tự lo lấy phương tiện ra phi trường như trong “Đại hội Mùa hoa anh đào”. Cũng nên cảm ơn và ngợi khen Ban tổ chức Đại hội Florida và Georgia đã chu toàn vấn đề đưa đón tham dự viên trên cả tuyệt vời.
Vài ý kiến thô thiển xin nêu ra để cùng nghiên cứu cho việc tổ chức các kỳ Đại hội Liên trường Trung học Quảng Ngãi trong tương lai. Thực ra số người tham dự Đại Hội V quá đông nên những sơ xuất trên thì chỉ là những điều khó tránh được. Cám ơn BTC đã cho chúng tôi những ngày hội ngộ nhớ đời.
Thầy giáo già Hoàng Đức
* * *
Xem bài cùng tác giả viết về Kỳ 4: click vào đây
Xem bài người phối ngẫu tác giả: click vào đây
Xem thêm về ĐH 5: click vào đây và vào đây
Xem trang Liên Trường TH.QN: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net