Năm 1956 ba tôi từ Sài Gòn mang gia đình ra Quảng Ngãi nhận nhiệm sở mới. Đây là nơi tôi đã lớn lên với bao ngày tháng xinh tươi, hoa mộng của 10 năm cắp sách đến trường. Tôi đã cùng các bạn rong chơi qua các vùng Thu Xà, Mỹ Khê, leo núi Thiên Ắn, Thiên Bút, dạo chơi bên bờ sông Trà Khúc hay len lỏi qua những cánh đồng mía bao la xanh thẳm.
Tôi bắt đầu học lớp ba taị trường Nữ Tiểu Học với cô Bích. Cách đây không lâu cô qua Mỹ chơi, chúng tôi tụ tập một số bạn bè gặp cô tại nhà của Tần. Thật là quá vui được gặp lại cô sau hơn 50 năm. Chúng tôi cùng cô chuyện trò huyên thuyên, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ. Lúc về Việt Nam cô viết thư cho chúng tôi để chúng tôi nhớ lại nét chữ của cô ngày xưa, nét chữ của cô thật đẹp và đều giống như in. Chúng tôi vẫn luôn nhớ đến hình dáng của cô với mái tóc kẹp dài. Cô Thủy dạy tôi lớp nhì và lớp nhất tôi học với cô Hòa. Khi tôi rời trường tiểu học, cô Phương, hiệu trưởng trường Nữ tiểu học đề nghị với tôi cho trường tất cả những mẩu thêu của tôi. Từ lúc tôi học lớp ba, mẹ tôi cho tôi đi học thêu. Các mẩu thêu như hoa cỏ, chim chóc, các nàng tiên bay trên mây hay là ngắm hoa đào trông khá xinh. Tôi không biết mấy tác phẩm thêu non dại của tôi có còn lưu lại trường hay đã mất mát theo thời gian.
Cô Bích cùng các học trò cũ trường Nữ Tiểu học họp mặt
tại nhà Tần ngày 1/1/2008. (Từ trái) Hàng ngồi: Ái Tuyết,
Thanh Liễu, Thu Hương, Quỳnh Liên. Hàng đứng: Khiêm, Chác,
cô Bích, Thu Lựu, Hồng Hồng (qua đời 11/2011) và Tần.
Năm 1959 tôi vào lớp Đệ Thất Trung học Trần Quốc Tuấn. Hai chị em Quế Anh và Ngọc Cầm cùng học chung lớp đệ 7/6 với tôi. Quế Anh là kịch sĩ nổi tiếng của trường và đã đoạt giải kịch xuất sắc toàn tỉnh. Khi đóng kịch Quế Anh nhập vai khóc lóc bi thương sướt mướt không khác gì các kịch sĩ chuyên nghiệp. Tiếc là chị đã không chọn con đường nghệ thuật như Hồng Vân, nếu không thì Quảng Ngãi chúng ta đã có nghệ sĩ Kim Cương thứ hai. Cuộc sống của Quế Anh sau 75 quá gian nan và đầy nước mắt. Bây giờ cuộc đời đã bù đắp cho nàng một đời sống bình an nơi chốn đất lành chim đậu Atlanta. Ngoài công việc nội trợ đảm đang nàng Quế Anh còn hăng say sát cánh cùng các bạn tham gia tổ chức thành công đại hội liên trường tại Atlanta, Georgia vào ngày 23/7/2011
Lúc tôi học lớp Đệ Lục tôi mập mạp tròn trịa lắm nên một hôm vào giờ ra chơi, thầy Tảng đi sau lưng tôi lên tiếng:
- Hương ơi! Con ăn chi mà mập rứa?
Sáng nào mẹ tôi cũng nấu cháo nếp và đậu rồi trộn thêm sữa lon ông Thọ cho các con ăn trước khi đi học, nếu tôi không mập thì mới là chuyện lạ. Thầy Tảng rất thân với ba mẹ tôi nên lúc nào thầy cũng gọi tôi là con. Sau khi lấy chồng, tôi còn biết thầy và mẹ chồng của tôi là đồng nghiệp thuở xưa. Thầy không những là thân mà còn có lúc thầy ăn cơm chung với gia đình nhà chồng của tôi trong thời gian ba mẹ chồng của tôi từ Huế vào Đà Nẵng làm việc. Đây là những ngày tháng khủng khiếp của năm đói Ất Dậu 1945. Mẹ chồng tôi kể là thầy cao lớn và đang sức trai trẻ nên trước bữa ăn thầy phải uống một tô nước thật bự dằn bụng cho đỡ đói.
Nhóm bạn đệ thất 59-60 tại Cali và Ngọc Cầm đến từ Texas.
Hình chụp tại nhà Tần (từ trái qua): Bội Tân, Phạm Yến, Tần,
Khiêm, Na, Long Châu, Thiết Giáp, Ngọc Cầm, Thanh Liễu & Thu Hương
Hè năm Đệ Ngũ, chú tôi ở Huế nghỉ học vào Quảng Ngãi thăm ba tôi, nhìn tôi chú phán ngay một câu:
- Mi mập như con cá bống mủ đó Hương!
Cá bống mủ là loại cá nhỏ thân hình căng tròn giống như bị sưng làm mủ nên mới có cái tên như rứa. Bụng căng đầy trứng, cá này kho khô rắc tiêu ớt bột vào thấy là thèm liền. Bị chú tôi chê mập, lần này tôi quyết tâm chỉnh trang lại vóc dáng không để bị trêu chọc nữa. Thế là 3 tháng hè tôi không dám ăn món ăn sáng mà mẹ tôi vẫn thường nấu, chỉ uống nước chanh và dầu olive. Hết hè, ngày đầu tiên trở lại trường các bạn nhìn tôi ngạc nhiên. Bây giờ tôi đã có vóc dáng của một thiếu nữ, không còn là bé bự nữa.
Cô Đường cùng nhóm học trò đệ thất 59-60 hội ngộ cùng
Thiên Hương (ngoài cùng, bên phải) đến từ Louisville, KY.
Năm tôi học lớp Đệ Tứ thì nữ sinh của trường Trần Quốc Tuấn được tách ra để thành lập trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi lúc bấy giờ chỉ là trường tạm ở hội trường của tỉnh đối diện với Phòng Đọc Sách trong khi chờ xây trưòng mới. Thời bấy giờ trường có hai người đẹp nổi tiếng. Nga Phước với vẻ đẹp hiền lành và Kim Trâm với nét sắc sảo. Hai người đẹp này học sau tôi vài lớp. Tôi nhớ có lần sau giờ chơi, trong lúc các lớp sắp hàng chờ vào lớp học, các chị tranh nhau nhìn Trâm, Trâm quắt mắt lên tiếng:
- Dòm gì mà dòm! Móc “mét” bây giờ!
Các chị đành le lưỡi, từ đó không ai dám dòm người đẹp nữa! Đúng là cái chanh chua của tuổi thơ! Trong thời gian học ở trường Nữ Trung Học, Tần 4/4, Kim Cúc 4/5, và tôi 4/6 bây giờ vào chung một lớp. Tần và Kim Cúc là hai bạn không những là thân mà còn là bạn ganh đua học tập của tôi. Tần nổi tiếng là luôn đứng đầu lớp từ Tiểu học cho đến Trung học. Năm cùng học chung lớp Đệ Tứ, cô Hy cá học sinh xem thử có ai qua mặt Tần không. Tôi vốn tính hơi háo thắng, thích gì là phải làm cho được, kết quả tháng ấy tôi vượt được Tần. Nhưng tháng sau thì đâu lại vào đó, tôi trả ngôi vị độc tôn cho Tần. Chúng tôi chỉ học ở đây vài tháng, hết niên học lại trở về trường Trần Quốc Tuấn.
Thi xong trung học phổ thông, Tần theo gia đình di chuyển vào Sài Gòn. Tôi và Kim Cúc sánh vai nhau lên Đệ Nhị cấp. Sau khi đâu Tú Tài bán phần ban B chúng tôi quyết định chuyển qua ban A. Cuối năm đệ nhất A 2 Kim Cúc và tôi chia nhau phần thưởng nhất nhì của lớp. Kết quả của kỳ thi Tú Tài toàn phần kỳ một năm 1966 toàn tỉnh Quảng Ngãi chỉ có mỗi mình tôi là đậu Bình Thứ vì năm ấy bộ Giáo Dục ra đề thi quá khó. Số thí sinh đậu quá ít nên bộ Giáo Dục đã cho vớt điểm đến hai lần. Thành quả học tập khả quan sau 7 năm đèn sách ở Trung học mà tôi đạt được, phần lớn là tôi đã may mắn được vào học ngôi trường lớn của tỉnh với lực lượng giáo sư đầy kinh nghiệm và tận tâm đã cho học sinh những kiến thức căn bản để vượt qua các kỳ thi cử đầy cam go. Và tôi cũng không bao giờ quên ơn các anh LN, PD, VT, và HC vì ngoài thì giờ cắp sách đến trường các anh đã chịu khó đến nhà dạy thêm toán cho tôi. Với tôi các anh mãi mãi là những người anh thân thương.
Kim Cúc hiện ở VN. Tần và tôi cùng cư ngụ tại quận Cam thuộc tiểu bang California. Chúng tôi vẫn luôn trò chuyện và thỉnh thoảng tổ chức các cuộc họp mặt thầy cô và bạn bè. Cô Đường lúc nào cũng vui vẻ, mặc dù cô phải đi xe bus từ San Diego lên quận Cam nhưng ít khi từ chối lời mời của các học sinh cũ của cô. Chúng tôi cứ hay ghẹo là cô đẹp hơn thuở xưa. Nhưng quả thật là vậy! Cô rất khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, chắc là học trò của cô không theo kịp!
Trong số các bạn chơi thân với tôi còn có Minh Châu, Thanh Liễu, Ngọc Ẩn, và Khánh Hòa. Mỗi tối ăn cơm xong là tôi đạp xe xuống nhà Minh Châu trò chuyện một chút mới về nhà học bài, không đi chơi là học bài không vô. Ông Luellon (lâu ngày quá nên tôi không biết là tôi viết tên ông đúng không) từ Mỹ qua Việt Nam dạy thiện nguyện Anh ngữ tại trường và có cảm tình rất đặc biệt với Minh Châu. Một hôm ông lên thăm Minh Châu và gặp chúng tôi tại đó. Trong lúc trò chuyện chúng tôi hỏi ông cho biết nữ sinh nào đẹp nhất trường, ông trả lời người đó là Minh Châu. Đa số người Việt Nam nghĩ rằng tiêu chuẩn của một người đẹp phải là da trắng, môi hồng, mắt to, sóng mũi cao, cứ theo tiêu chuẩn này thì hết 99% mấy cô gái Mỹ đều đạt được. Bởi vậy, cũng hợp lý khi ông ấy chọn Minh Châu với vẻ duyên dáng, e ấp, và làn da mặn mà của cô gái Việt Nam làm hoa khôi của trường. Sau khi thi đậu Tú Tài bán phần, Minh Châu vào Sài Gòn để học ban C vì Quảng Ngãi không có đệ nhất C. Minh Châu tử nạn máy bay khi máy bay vừa cất cánh. Lên lớp Đệ Nhất thì Minh Châu không còn nữa, vả lại lúc ấy tôi cũng đã lớn nên bỏ thú vui đạp xe đi chơi trước giờ học bài.
Các cô thầy và các học trò cũ họp mặt tại nhà Thu Huơng
để mừng ngày hội ngộ anh chị Nguyễn Tấn đến từ Việt Nam.
(Từ trái qua) Hàng ngồi: Cô Đường, thầy Phú, thầy Thanh,
thầy Thạc. Hàng đứng: Cô Phú, cô Thanh, Phạm Yến, Tần,
Nga Phước, Thu Hương, em chị Tấn, chị Tấn & anh Tấn (nhóm 7/6)
Thanh Liễu là con của Bác sĩ Soạn, ông đã tập kết ra Bắc. Năm 1975 ông vào Nam gặp gia đình đang ở Sài Gòn, nhưng đến Quảng Ngãi thì ông đi xe đạp bị té và qua đời. Thật là tội nghiệp cho Liễu vừa viết thư báo cho các anh chị ở Bắc là sắp gặp cha thì lại được tin cha mất. Nhà của Tần và Thanh Liễu rất gần nhau, gần đến nỗi hai người cò thể đi bộ qua lại thăm nhau hằng ngày. Bạn Ngọc Ẩn của tôi là con của bác sĩ Hoàng Bá, thuở xưa là giám đốc bệnh viện Quảng Ngãi. Lúc còn nhỏ, mỗi lần Ẩn và tôi giận nhau, bác Bá bắt hai đứa tôi phải xin lỗi và bắt tay làm hòa. Hiện giờ Ẩn ở Bỉ và là họa sĩ kiêm điêu khắc gia. Thỉnh thoảng Ẩn triển lãm những tác phẩm của mình ở Âu châu và Việt Nam. Ẩn tặng tôi những chiếc khăn quàng bằng lụa do Ẩn vẽ rất là dể thương. Sau Tết năm 2012 tôi về Việt Nam thăm gia đình, Ẩn đề nghị tôi may một chiếc áo lụa gởi qua Bỉ để Ẩn vẽ hoa sen cho tôi. Thế là tôi lại có thêm chiếc áo dài lụa do Ẩn vẽ.
Cô Đường và học trò cũ họp mặt tại nhà Tần nhân ngày hội ngộ
anh chị Sơn - Trâm (nhóm Đệ Thất 59-60, đến từ Minnesota) tại
California Xuân 2012. Hàng đứng : Võ Xuân Hương, Bùi Văn Nho,
Trương Sơn, Phạm Đức Thuận, Cô Đường, Tôn Long Châu,
Thu Hương, Khuê, Võ Văn Hoàng, Võ Thiết Giáp, Nguyễn Anh Tuấn,
Khôi (ông xã của Tần). Hàng ngồi : Thanh Liễu, Tần, Bích Trâm,
Phương Vân, bà xã Giáp, Hồng Thanh và con gái Giáp
Đối với Khánh Hòa tôi có một giai thoại khó quên. Hè năm 1964 tôi ra Huế ở nhà cô tôi để học toán. Tôi thường hay về Vĩ Dạ thăm Khánh Hòa để được cô ấy cho ăn bột bình tinh khuấy kiểu trứng cá rất ngon. Trời mùa hè nhưng ở Vĩ Dạ rất mát vì nhà nào cũng có vườn lại ở gần sông. Một hôm cô bạn tôi rủ tôi ở lại đêm ra vườn ngắm trăng. Cảnh đẹp của Vĩ Dạ dã làm mọi người xao xuyến qua những vần thơ tuyệt tác của thi sĩ Hàn Mạc Tử:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?....
Vĩ Dạ đẹp như thế thì làm sao tôi có thể từ chối lời mời của bạn tôi được. Thật là tuyệt vời được dạo chơi giữa khu vườn yên tĩnh, cỏ xanh mướt, những hàng cau cao vút, nước sông gờn gợn lấp lánh ánh trăng vàng đưa những cơn gió nhẹ thoảng vào khu vườn đẹp như tranh. Chúng tôi vừa trò chuyện vừa dạo chơi khắp thôn. Sáng hôm sau tôi về nhà và thưa với cô tôi đêm qua tôi ở lại nhà ông ngoại của tôi. Cô tôi khó tính lắm nên sẽ không bằng lòng nếu biết tôi ở lại nhà bạn. Ai dè trời không tưạ kẻ nói láo! Ngoài cổng ông ngoại tôi đang đi chiếc xe mobylette vào nhà để thăm tôi. Thế là cô tôi và các anh chị đã khiển trách tôi nặng nề. Cô tôi lại còn viết thư mời mẹ tôi từ Quảng Ngãi ra để răn dạy tôi. Mẹ tôi thì biết tôi quá rồi, tin tưởng con gái hết mình. Khánh Hòa hiện giờ cư ngụ tại Virginia.
Ngoài Minh Châu, người bạn bất hạnh, tôi còn có một người bạn bất hạnh khác. Đó là Nguyễn thị Hạnh. Hạnh là bạn học một lứa với tôi, nhỏ nhắn, hiền lành, ít nói, và là một phật tử mộ đạo, Hạnh hay làm thơ về triết lý Phật giáo, biệt hiệu của Hạnh là Ô Lâu Giang, Thầy Nguyễn Phúc Bé dạy môn triết học và cũng là thầy của Hạnh. Thầy đã tìm được niềm cảm thông qua văn thơ của cô học trò. Thầy Bé còn có thêm một biệt tài là đàn Hạ uy cầm rất hay. Hai tâm hồn tràn trề văn chương, thơ nhạc tìm đến nhau quả là tâm đầu ý hợp. Nhưng tên hai người ghép lại thì có nghĩa chỉ là một hạnh phúc bé nhỏ. Tết Mậu Thân, hai vợ chồng thầy Bé về Huế ăn Tết và đã qua đời vì bị chấn thương nội tạng do sức ép của đạn pháo kích. Thân thể hai người không có một dấu vết thương tích nào cả, lúc ấy Hạnh đang mang thai. Hạnh phúc quá bé nhỏ chỉ hiện hữu trong giây phút ngắn ngủi mong manh.
Kim Cúc và Thu Hương tại nhà K. Cúc - Sài Gòn 2/2012
Nhân lúc về thăm cha mẹ tôi vào tháng 2 năm 2012, đã mồng 9 sau Tết nhưng dư âm của ngày Tết vẫn còn đậm đà lắm, tôi đã gặp lại Kim Cúc và một số anh chị của 7/6. Trước khi đến găp Cúc, tôi dặn Cúc là phải nấu cơm cho tôi ăn chứ tôi không chịu về liền đâu. Cúc cười bảo tôi: "Tao đâu có để mi đói mà mi lo". Hôm ấy thật là vui, tôi đã gặp đủ hai vợ chồng Cúc và 2 con gái của Cúc vừa giỏi vừa ngoan hiền giống mẹ ngày xưa. Bữa cơm âm áp trò chuyện thân mật làm tôi nhớ đến những ngày còn học ở Quảng Ngãi. Thời ấy, thỉnh thoảng, sau giờ tan học buổi trưa, tôi ghé lại nhà Cúc cùng làm bài vở và ăn cơm trưa với gia đình của Cúc. Sau khi gặp Cúc thì tôi đến gặp các anh chị của 7/6 gồm có anh Hoàng Ngọc Huy, Phạm Khuê, vợ chồng chị Phan Mỹ Nhân, và chị Lê Thị Nghĩa. Anh Huy cho biết là nhóm 7/6 của chúng tôi ở VN còn nhiều lắm và hẹn là chuyến sau tôi về VN cố rủ cho được các bạn của 7/6 niên học 59-60 ở Mỹ cùng nhau về Quảng Ngãi chơi. Nếu dự định này mà thực hiện được chắc chắn sẽ vui lắm!
Nhóm Đệ 7/6 59-60 - Sài Gòn 2/2012 Lê T. Nghĩa,
Phạm Khuê Phan T. Mỹ Nhân, Hoàng Ngọc Huy và Thu Hương
Khiêm, Thu Hương, Khánh Hòa (từ Virginia)
và Na tại Little Sài Gòn, California.
Tôi rời trường Trần Quốc Tuấn năm 1966. Như vậy cũng khá lâu, nhưng những hình ảnh của thuở cắp sách đến trường vẫn còn đậm nét trong ký ức của tôi. Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ! Ngồi ôn lại những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn dưới mái trường trung học Trần Quốc Tuấn, tôi âm thầm tưởng niệm những người thầy và những người bạn đã vĩnh viễn ra đi và tôi mãi mãi trân quí những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn tôi.
Nguyễn Thu Hương
Cựu HS.TH.TQT.QN 59-66.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang LT.THQN: click vào đây
Trở về homepage www.nuiansongtra.net