BÙI GIÁNG: Bậc Trích Tiên rong chơi thong dong giữa Trần Thế
Bùi Giáng đã từ giã trần gian!
Đã có nhiều người - nhiều lắm - viết về Bùi Giáng. Viết từ trước năm 1975. Viết sau cuộc bể dâu 1975. Viết sau khi đài BBC ở Luân Đôn loan tin Bùi Giáng từ trần ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Sài Gòn. Nhất định sẽ còn rất nhiều bài viết nữa về Buì Giáng, trong nước cũng như ở khắp cùng thế giới...Trong khả năng trí óc cùng ngôn ngữ hạn chế cuả mình và cuả cuộc đời, người viết xin được góp đôi dòng tưởng niệm.
Bùi Giáng: Một Người Điên? Một Trích Tiên?
Chưa có một nhà thơ Việt Nam nào được thiên hạ đặt cho nhiều tên gọi vừa trào lộng, vừa tôn kính như Bùi Giáng: Bùi Hiền Sĩ, Bùi Chân Không, Bùi Chủ Cái Bang, Quái Vật Linh Thiêng, Bùi Giáo Chủ, Bùi Số Dách v.v...
Thiên hạ đã xem ông là bạn, là anh, là thầy, là thi hào, là triết gia, là quậy sĩ, là cuồng sĩ, là tay phù thủy cuả ngôn ngữ Việt Nam v.v... Và chính Bùi Giáng cũng tự đặt cho mình là: Thi sĩ trung niên, là Brigitte Giáng, là Giáng Bardot, là Giáng Monroe, là Đười ươi thi sĩ, là Bùi Bê Bối, là Bùi Bán Dùi, là Bùi Tồn Lưu v.v...
Cũng không ít kẻ cho ông là Người Điên.
Trong tiểu luận Ngày Tháng Ngao Du Bùi Giáng đã viết:
...Nó điên? Nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát cuả con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy...
Hoặc có lần ông đã xác nhận: Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt!
Hình như triết gia Karl Jaspers thì phải đã giải thích về những người điên đại khái như sau:
-...Con người sống ở trần gian là những kẻ bị trói cột tại một nơi và chỉ nhìn thấy mình được chiếu lên tấm màn trước mặt. Tất cả những hành động cuả mình và cuả mọi người đều được thấy qua những ảo ảnh đó. Nếu có người cổi bỏ được sự trói cột đó, lên trên tấm màn nhìn xuống sẽ thấy được hình ảnh thực cuả trần gian lố nhố và sẽ nói những điều thực, điều đúng nhung người phàm cuả chúng ta không hiểu được nên gọi kẻ ấy là NGƯỜI ĐIÊN.
Hiểu theo nghĩa đó, Bùi Giáng đúng là NGƯOI ĐIÊN như ông đã viết:
Ông vua kỳ vĩ thập thành
Vì vui quá độ nên thành ra điên
Các thi nhân ta thuở xưa hay cho mình kiếp trước là Tiên trên Trời, vì phạm tội bị Trời đày xuống trần gian gọi là những Trích Tiên. Tản Đà, trong một phút ngông, đã biên thư xin cưới con gái cuả Trời hoặc là Chức Nữ hay Hằng Nga và đã bị Trời từ chối và trách mắng nhẹ nhàng:
... Mở đường mây trao trả bức hồng tiên
Mời khách hãy ngồi yên nơi đất tục
Người đâu kiếp trước Đông Phương Sóc
Ăn trộm đào quen học thói xưa
Trần gian đày mãi không chừa...
Hiểu theo nghĩ đó, Buì Giáng đúng là một TRÍCH TIÊN. Ông đã từng tâm sự:
Hỏi rằng đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
Có điều khi bị đày xuống trần gian Bùi Giáng rong chơi, thong dong một cách say mê thích thú. Không có gia đình nên chẳng bận tâm về vợ con, không có cuả cải nên chẳng lo nghĩ đến mất còn, không màng đến điạ vi, danh lợi - ngay cả trong lãnh vực văn chương - nên chẳng cần tính toán hơn thua...Mấy ai trong cuộc sống trần tục nầy - kể cả những bậc chân tu - lại có được cuộc sống thoát tục như Bùi Giáng? Do đó ông yêu trần gian một cách tha thiết. Lúc thì ông yêu trần gian nguyên vẹn, khi thì ông sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi. Ông luôn luôn lo sợ đến ngày phải giã từ trần thế:
Nhưng em hỡi trần gian ơi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
Thủ bút của Bùi Giáng
Đọc thơ Bùi Giáng ta bắt gặp cái mênh mông cuả không gian và vô tận cuả thời gian trong đó ông lãng đãng phiêu bồng:
Xin chào nhau giữa lúc nầy
Có ngàn năm đứng ngó cây cối.
Và
Có trời mây xuống lân la
Bên hồ nước có bóng ta bên người
Để tự giới thiệu mình, Buì Giáng đã viết:
…
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.
...
Hỏi rằng người ở quê đâu?
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
...
Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận tên là chiêm bao.
...
Đất hoa khóc vĩnh biệt người
Ngàn cây cố quận đổi lời sương thâu.
Bùi Giáng qua nét phát họa của Võ Đình
Cố quận không phải dành riêng cho một điạ danh nào mà là một nẻo quê chung mênh mông vô tận, là một vùng tâm thức xa xưa thăm thẳm trong mỗi chúng ta như Huy Cận cũng đã từng viết:
Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi.
Cuối cùng - sau những năm rong chơi, gắn bó tha thiết với cuộc đời - Trích Tiên Bùi Giáng đã trở về cõi vĩnh hằng:
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Bùi Giáng: Nguồn thơ lục bát ăm ắp, bất tận
Trong thơ ca Bùi Giáng là ông Hòang cuả loại ngôn ngữ vừa sang trọng tài hoa, vừa bình dị táo bạo. Có lúc tưởng như cà rỡn, bông đuà, nghịch ngợm nhưng ẩn tàng những triết lý thâm sâu, đặt ra bao nhiêu vấn đề nghiêm túc. Đôi khi như là lời lẽ dân gian nhưng lại rất cực kỳ bác học. Có thể là những lời văng tục nhưng lại rất đổi tài hoa. Đặc biệt là ông không theo một đường mòn nào cả. Mỗi câu thơ cuả Bùi Giáng là một khám phá mới lạ nhưng luôn luôn mang bản sắc cuả riêng ông. Lời thơ cuả ông đôi khi KỲ LẠ đối với chúng ta nhưng chúng ta lại cảm thấy THÍCH THÚ với sự tập hợp chữ nghiã ấy và thấy HAY HAY. Đó là nhận xét chung cuả tất cả những người đã từng đọc thơ và yêu thơ Bùi Giáng.
Hãy nghe ông tự thú một cách rất tỉnh táo:
...Tôi làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bảo một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp lực. Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn mang trên hai đôi cánh mỏng bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu ...
Bàn về thơ lục bát Bùi Giáng đã viết:
...Chúng ta quen thói ngóng ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Viêt Nam là một cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất cuả năm châu bốn biển ba sông bảy hồ...
Chữ nghiã đối với Bùi Giáng phong phú như một người nông dân gieo hạt vung vãi trên cánh đồng nhưng là những hạt chắc không lẫn một hạt lép nào. Ông làm thật thơ dễ dàng. Ai mến mộ ông, xin thơ ông, ông sẵn sàng viết tặng ngay, viết trên bất cứ cái gì có trong tay. Dĩ nhiên là thơ Lục bát!
Đến thăm bạn mà bạn vắng nhà, ông để lại mấy câu:
Trẫm từ vô tận về đây
Tháng dài ngày ngắn năm chày chày trôi
Bỗng nhiên bất chợt rụng rời
Người đi xa vắng trẫm ngồi xích lô!
Cuả bác Bùi Giáng chứ ai vào đây nữa? Tài tình đến như vậy là cùng!
Trong một cơn tuyệt vọng bất chợt nào đó, ông đã viết:
Hãy mang tôi tới bất ngờ
Giết tôi ngẫu nhỉ trong giờ ngẫu nhiên.
Có lúc ông tự thú nhận: Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ là đạo vậy. Trong ĐẠO THƠ thì ông là người đã ĐỐN NGỘ:
…
Ông vua kỳ vĩ thập thành
Vì vui quá độ nên thành ra điên
...
Hoặc rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui.
Và
Ấy rằng cũng một là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay.
Nói đến Bùi Giáng và lục bát mà không nói đến Nguyễn Du và Truyện Kiều là không nói gì cả. Thuở xưa Chu Mạnh Trinh đã yêu Kiều hơn cả Nguyễn Du:
...Đã toan đúc sẵn nhà vàng để chờ người quốc sắc lại mượn chùm phương thảo để hú viá thuyền quyên.
Bùi Giáng còn yêu Thúy Kiều tha thiết, táo bạo hơn người xưa:
Kiều ơi! Em là Kim Novak cuả lòng anh!
Nguyễn Du và Truyện Kiều đã hoá thân vào Bùi Giáng. Xưa nay người ta thường Lẫy Kiều còn Buì Giáng xử dụng ngôn ngữ Nguyễn Du và Truyện Kiều một cách tự nhiên như thức ăn đã biến thành sự sống cuả sinh vật.
Bàng bạc trong thơ ông, ngôn ngữ Nguyễn Du và Truyện Kiều lãng đãng như gần như xa:
…
Chim bao hội thoại ngân dài
Ý trông tờ mộng nhớ ngày Việt Nam
...
Trăng Gò Vấp sương Đa Kao
Huệ lan sực nức niềm khao khát chờ
Tưỡng bây giờ là bao giờ
Sát ma niệm tưởng chép thơ tặng người
...
Dấu bèo phong vận nguy nga
Sóng phơi trường mộng đầu hoa cuối cành
Dập diù quân nhạc đại doanh
Ngàn thu rớt hột thập thành trở cơn
...
Về sau chẳng biết vân mồng
Ra sao thế nọ phiêu bồng thế kia
...
Chim xa cất cánh bay vù
Nhớ Lâm Tuyền Mộng đất phù du hoa
Hồi sinh hồng lệ trao quà
Từ bình nguyên rộng lại nhà thăm nhau.
...
Vậy đó, thơ Lục Bát cuả Bùi Giáng là một hiện tượng dị thường. Đó là một một nguồn thơ ăm ắp bất tận đã cùng ông lãng đãng phiêu bồng suốt những năm tháng dài rong chơi nơi trần thế mà - theo ông thì:
Lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất cuả năm châu bốn bể...
Bùi Giáng: Khu vườn xanh tươi duy nhất sau cuộc bể dâu.
Sau năm 1975 bà con cùng bằng hữu giúp ông được cư ngụ trong một căn lều nhỏ giữa một khu vườn đầy cây lá. Đó là một cái am cho một ẩn sĩ, một nơi lý tưởng cho một nhà thơ, một chỗ thích hợp cho một chân tu:
Sáng Thu dậy sớm ra vườn
Nghe hơi gío lạnh vấn vương khí trời
Chim chưa dậy hót được rồi
Một mình quạnh quẽ đứng ngồi ngẫn ngơ.
Vì sống thoát ra khỏi các hệ lụy cuả thế nhân nên ông không gặp những khó khăn hoặc lúng túng khi phải đối diện với cảnh đảo lộn hoàn toàn cuả thế cuộc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Và những người anh em vừa từ rừng núi trở về lúc đó không gây khó dễ gì cho ông mặc dầu họ luôn luôn xem những văn nghệ sĩ miền Nam là thành phần cực kỳ phản động .
Sau 1975 những cán bộ văn nghệ miền Bắc như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu trọng Lư...được phân công vào Nam đi diễn thuyết hoặc trưng bày thơ tình cuả mình để tô điểm rằng chế độ ta có tự do sáng tác. Sau cơn kinh hoàng thuở ban đầu, sau khi cố tìm lại những cảm tình đã đặc biệt dành cho những văn nghệ sĩ thời tiền chiến, đồng bào miền Nam đã vô cùng chán ngán và thất vọng vì bắt gặp hoàn toàn những khô cằn, sống sượng, đen đủi, nghèo nàn, hẹp hòi... Do đó khu vườn cuả Buì Giáng càng trở nên xanh tươi mát rượi. Ông đã trở thành nơi nương tưạ cho bằng hữu cũ và một sức mạnh cảm hoá những người anh em mới từ ở trên xuống hoặc ở ngoài vào. Dần dần thiên hạ - cả cũ lẫn mới - mỗi ngày một tôn vinh ông. NGƯOI CŨ đến lại với ông như một thân thương ruột thịt phải ngăn chia cách trở qua cuộc bể dâu. Còn những NGƯOI MỚI?
@ Có lần Xuân Diệu đến nói chuyện o trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, Bùi Giáng xuất hiện đi tới đi lui trước cổng trường và chưởi đổng:
Mẹ mầy Xuân Diệụ... Mẹ mầy Xuân Diệu.
Một sinh viên gác cổng vào báo cho Xuân Diệu và ban giám hiệu, nhưng họ không có phản ứng nào.
@ Huy Cận đã thân tình gởi thơ thăm Bùi Giáng:
Đôi lời thăm bạn thơ
Thăm tấm lòng tri kỹ
Bao giờ đến bây giờ
Tình thơ không hoen rĩ
@ Cô Irina Zisman, một nhà văn Nga nói và viết tiếng Việt thông thạo một thời đã chủ trương Đài Tiếng Nói Tự Do tại Mạc Tư Khoa, đã đến Sài Gòn và viếng thăm Bùi Giáng:
... Hình như cụ ở đó một mình và cả gian phòng trống không. Tôi không hiểu cụ ở đâu, nằm trên cái gì, có đồ dùng gì không... Một điều lạ là cụ nhìn tôi rất bình tĩnh, không một chút tò mò mà tôi thường thấy ở người lạ khi mới gặp nhau. Cái nhìn cuả cụ xuyên thấu vào tâm hồn tôi và tôi đã khóc. Cụ vẫn bình tĩnh trước dòng nước mắt mỗi phút một cuộn chảy kia. Phải chăng vì cụ đã từng cảm thông với những Diogene thắp đuốc đi kiếm một cái gì giữa ban ngày? Và v.v...
Có người ví ông như một dũng sĩ rút kiếm ngăn chân nhung gian ác, hận thù. Không, ông không phải như vậy. Ông đúng là người từ nhà Trời sai xuống để giúp nhân thế tránh được phần nào cái tai họa do chính họ dại dột gây ra. Bằng cái nhìn bình tỉnh, nhẹ nhàng xuyên thấu tâm hồn thế nhân. Bằng cách giữ cho đời một khoảng vườn xanh tươi mát rượi.
Lời Kết
Bùi Giáng đã trở về cõi vĩnh hằng. Đã, đang và sẽ có rất nhiều người viết về Bùi Giáng. Bằng ngôn ngữ hạn hẹp cuả trần gian, bằng khả năng giới hạn cuả thế nhân, khi viết về Bùi Giáng chúng ta là những ông thầy bói sờ voi trong câu chuyện cổ Việt Nam xa xưa. Nhưng lại là những bài viết rất cần thiết. Để bày tỏ sự ngưỡng mộ. Để diễn tả lòng biết ơn...
Thuở sinh tiền Mai Thảo đã viết về Bùi Giáng như sau:
...Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghiã. Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương... Bùi Giáng đã đem lại cho đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo điệu, không tiền khoáng hậu. Có ông thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy thi ca mới không cùng không tận... Mất Bùi Giáng thơ ca trở về với những hữu hạn đời đời cuả thơ ...
Xin cám ơn ông THẦY BÓI Mai Thảo đã nói thay cho rất nhiều người trong chúng ta. Xin mượn thơ Bùi Giáng để tưởng niệm Bùi Giáng:
Thưa rằng: Ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Nguyễn Văn Quảng Ngãi.
* * *
Xem bài khác cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Tạp văn, tùy bút: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net