HỘI NGỘ LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUẢNG-NGÃI, KỲ 5 TẠI THỦ ĐÔ HOA KỲ.
Trương Quang tường thuật
Hội ngộ liên trường trung học Quảng-ngãi đi qua, còn để lại dư âm và hình ảnh trên làn sóng của Đài truyền hình VN.HTĐ do xướng ngôn viên Bạch Mai. Ghi đậm nét sinh hoạt Hội ngộ là 590 tấm hình được chuyển tải trên các mạng điện tử do 2 phó nhòm chuyên nghiệp Trần Bửu Khánh (phóng viên quân đội) và Nhất Hùng (Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ảnh HTĐ) thực hiện. Bấy nhiêu hình ảnh đã vẽ lại kích thước lớn rộng của mấy ngày hội ngộ, nhưng không thể nói hết nhiệt tâm của Ban tổ chức dốc sức vào các buổi tụ họp, nơi thầy xưa bạn cũ biểu hiện tình nghĩa sâu đậm từ dưới mái trường ngày ấy. Bổ sung cho hình ảnh phóng sự, tôi viết rõ diễn tiến của 3 ngày hội ngộ, nhưng tự ý rút bỏ nhiều hình minh họa để khỏi trùng lặp với 590 tấm hình nêu trên, trang viết cũng ngắn gọn hơn.
Hội ngộ LTTH/QN kỳ 5 hoàn mãn tuyệt vời hơn cả mong ước là nhờ vào mấy thuận lợi căn bản: Thư mời và liên lạc về hội ngộ phổ biến rộng rãi trên Internet, phương tiện truyền thông thời nay giúp cho số người phó hội rất đông để ngắm hoa anh đào (sự thật là nụ hoa) đầu Xuân, may mắn nhằm một ngày đẹp trời, đó là “thiên thời”; được đặt chân đến Thủ đô Hoa-thịnh-đốn của nước hùng cường nhất thế giới, đó là “địa lợi”; có được Ban tổ chức mẫn cán của đại gia đình Ts Tạ Cự Hải đầy năng lực điều hành, đó là “nhân hòa”. Qua 4 kỳ hội ngô LTTH /QN ở Los Angeles, San Jose, Florida, Atlanta chưa đạt mức thành công như kỳ nầy, chưa dễ những kỳ sau đạt đến kỷ lục đó.
* 29-3-2013: Buổi tiếp kiến Tiền hội ngộ:
Chúng tôi đến khách sạn Best Western của thành phố Falls church, VA, số 6633 Arlington Blvd., nơi đang tiếp diễn buổi Tiền hội ngộ tại phòng khánh tiết từ lúc 6 giờ chiều (lúc ấy gia đình con gái tôi là Cựu học sinh (Chs) Trương thị Lan Phương chưa đến). Trước cửa phòng hội, BTC mời gắn bảng tên lên áo của mỗi người để dễ nhận ra nhau nơi đám đông. Tôi vừa bước vào, mấy Chs đứng lên nhường ghế - là phép tắc của người học trò - mấy bạn đồng nghiệp hay đồng lao tù ôm lấy tôi, nhìn nhau mừng rỡ, vì ai cũng nghĩ tuổi trời bonus, còn được mấy khi tái ngộ - tình người còn mãi với đời là đây!
Có khoảng chừng 300 thầy trò nam nữ ngồi kín trên mươi hàng ghế dựa, chăm chú lắng nghe Chs Tạ Cự Hải, trưởng ban tổ chức, trình bày kế hoạch cho ngày mai du ngoạn thủ đô Washington và tối mốt là dạ tiệc hội ngộ. Các tốp đồng ca và các bản đơn ca mua vui được tiếp nối, là lúc bạn học tìm đến nhau, vẻ hân hoan hiện lên ánh mắt, nói cười rôm rả phát ra môi, họ thân mến quàng vai nhau (có Chs Trương Quang Vinh, con tôi).
Cuối hội trường, trên dãy bản dài, nhiều khay thức ăn đã đặt sẵn. Mọi người theo hai hàng dọc tự lấy đũa muỗng napkin, tuần tự lấy thực phẩm mình ưa chuộng theo kiểu Buffet, đem về chỗ ngồi nhâm nhi với chè và trái cây. Đương khi lấy thức ăn, tôi đối diện với một Chs Nữ trung học vào tuổi sồn sồn (xin giấu tên bà ngoại) tán dóc với đồng bạn việc làm món nhậu cho chồng, cô phun ra câu thơ lém lỉnh:
- Làm vợ Lưu Linh dzui dzẻ lắm,
Ngủ với ăn thôi, chả biết gì!
Nghe câu nầy, tôi tưởng chừng trẻ lại như lúc diễn vở kịch thơ vào đêm cuối năm trường Sư phạm, tôi đóng vai Tướng quân Trần Bình Trọng khước từ lời dâng hiến nhan sắc, mưu dùng mỹ nhân kế dụ hàng của Thoát Hoan, đã diễn ngâm nguyên văn:
Đời ta chiến sĩ khô khan lắm,
Tim rắn nguồn yêu cạn hết rồi!
Xong vở kịch, hai nữ giáo sinh gốc Huế TM & LT đến bên tôi, một cô ứng khẩu chọc quê:
- Trần Bình Trọng ngày mai dạy học,
Đời cạn khô như rứa sao cam?
Tôi liền đáp lại, cũng là hai câu nhại theo nguyên tác:
Đời ta giáo giới khô khan lắm,
Chỉ biết chơi thôi chả biết gì!
Hai cô giáo sinh đỏ mặt cự nự, xổ tiếng Tây:
-”Boycotter toi”! (tẩy chay anh).
Có phải là oan Thị Kính không? Chỉ vì nội hàm 2 chữ “Ng. và Ch.” ở văn cách trên đây bị hiểu méo mó trở nên ngổ ngáo dung tục. Tôi đã chừa tội nhại thơ từ khi đứng trước lớp học, sao bà học trò không tởn?
Được biết, trong khi chúng ta vui vầy tiền hội ngộ thì các anh trong BTC đã và sẽ đến phi trường suốt đêm nay tới ngày mai để đón rước tham dự viên về khách sạn đã giữ chỗ trước. Từ đêm tiền hội ngộ đến bàn cà-phê buổi sáng, tôi bất ngờ gặp lại bạn bè mong đợi đã 40 năm như quí anh chị Nguyễn Cho, Phạm Trợ, Lê Lai, Phạm Việt Điểu…được hàn huyên với những bạn “tuy xa mà gần” như Dược sĩ (Ds) Phạm Châu Nam, Ds Hoa Vương, Ông Hoài Thanh, Th/tá Trần Công Đài (cựu Quận trưởng Đức-phổ)… Hàng chục Chs trung niên đến chào mừng ông giáo già, rất cảm kích là vợ chồng Chs Nguyễn Thị Kim Tuyến, Chs Ngọc Khánh từ VN sang. Tôi đón nhận Hạnh phúc chứa chan từ bạn hữu và Chs như phần thưởng tâm tình của Hội ngộ kỳ 5.
* 30-3-2013: Du ngoạn Washington DC mùa hoa anh đào.
9 giờ sáng, tất cả cựu Gs, Chs và người phối ngẫu sang trọng hơn trong bộ cánh ngự hàn, đã tề tựu nơi tiền sảnh của khách sạn (Ks) Best Western, rồi tuần tự lên đầy 6 chiếc xe bus và 2 xe van. Mỗi chiếc xe bus chở 56 người. Hướng dẫn viên (HDV) xe tôi là Chs Trần Hoàng Lộc. Bánh mì kẹp thịt và chai nước lọc được trao tận tay từng người là khẩu phần cho bữa ăn trưa. Đến 10 giờ, đoàn xe chuyển bánh trên đường Arlington theo hướng Đông-Bắc, vượt qua cầu sông Potomac là vào địa phận Washington D.C., đổ khách xuống công viên Martin Luther King, Jr. National Park. Từ đây mỗi đoàn theo HDV đi về một hướng, Chs Tạ Cự Hải điều hành chung, đôn đáo gom thầy trò lại vì sợ đi lạc giữa biển người du Xuân đông đúc nhằm vào các ngày nghỉ Good Friday + Saturday + Easter Sunday và April Fools’ day.
Ai ai, kể cả những người đăm chiêu khó tính nhất, đều mở lòng phơi phới đón chào thủ đô nước Hoa-Kỳ tiên tiến, thiết kế khoáng đãng theo nghệ thuật tạo hình; họ ngắm nhìn từ mỗi thước vuông là một kiến trúc thẩm mỹ bên hồ nước trong sạch lung linh. Rất nhiều bạn của Liên trường dừng lại chụp hình cảnh trí, không ít bạn nấn ná đọc các danh văn khắc nơi tượng đồng bia đá. Cho nên chẳng bao lâu số lượng gần 400 người của Liên trường phân thành nhiều tốp nhỏ, đi chiêm ngưỡng theo mỗi hướng khác nhau, trộn lẫn vào đám đông đủ màu da; dù nổ lực đến mấy Ban Tổ Chức (BTC) cũng không thể nào quán xuyến hết.
Nhóm của vợ chồng già và các con các cháu trẻ của tôi đến Wallenberg place là khu vực của nhiều bức tường đá xanh, nhiều thác nước nhân tạo, nơi phối cảnh điêu khắc trên đá, có Bureau of Engraving & Printing và Holocaust Memorial Museum. Tiếp đến chúng tôi tham quan các đài tưởng niệm Tổng thống Hoa-Kỳ: Frankhin Memorial, Jefferson Memorial, Theodor Roosevelt Memorial, mỗi nơi một vẻ trang trọng sùng kính. Không đủ thì giờ thăm khắp các đài tưởng niệm Tổng thống và các cuộc Chiến hải ngoại, chúng tôi quay sang cuốc bộ quanh bờ hồ Tidal Basin nhìn từng hàng cây anh đào Nhật-Bản đơm nụ hoa phong nhụy soi cành trên mặt nước phẳng lặng, có đàn vịt trời bơi lội nhởn nhơ đón chào du khách. Hôm nay là ngày Hội ngộ hoa anh đào mà hoa còn hàm tiếu, nên nhiều bạn cảm thấy hụt hẫng, buông lời trách móc. Trách Ông trời bất thường kéo dài ngày lạnh khiến hoa anh đào chậm nở, nên họ chưa được thấy rừng hoa màu hồng nhạt thanh cao! Bù lại, hôm nay Ông trời dành cho thầy trò liên trường 24 giờ sáng đẹp ấm áp để thăm Hoa-Thịnh-Đốn, chẳng là “hên” lắm sao? Thật ra, nếu đi dọc bờ sông Potomac nhìn những cây cầu đẹp, đến Ngũ giác đài Pentagon và Nghĩa trang Arlington National Cemetry bên kia sông, ta có thể tìm thấy đó đây những cội anh đào (cherry blossom gồm mấy loại) đương nở đầy hoa màu hồng phơi phới dưới nắng ươm vàng.
Theo bản đồ BTC phân phối, chúng tôi phải trở lại điểm xuất phát là công viên Martin Luther King để HDV dẫn đến điểm hẹn nằm phía sau tòa Quốc hội lúc 3:00 PM, có xe bus đưa về. Cả đoàn người còn mê mãi đứng trước Lincoln Memorial đồ sộ, ngắm hồ Reflecting Pool thẳng băng qua Constitution Garden, nơi soi bóng của Washington Monument cao vút đến lưng trời. Đài tháp bút tôn vinh vị Tổng thống khai quốc, uy nghi như cây bút chì dựng đứng, không một kiến trúc nào tại đây được phép cao hơn. Chúng tôi đến viếng Vietnam Veterans Memorial là bức trường thành đá đen khắc tên 58,000 tử sĩ Hoa-kỳ tham dự chiến tranh chống Cọng sạn Bắc-Việt, 40 năm trước. Tại đây, bà xã tôi ngạc nhiên trước ông Mỹ trắng nói tiếng Việt “Bà đẹp lắm”. Ông tên Daniel R. Ariant, nhà ở Annapolis, MD. Ông đứng đây trước danh tánh các chiến hữu của ông đã hy sinh tại VN, chụp hình du khách nào quan tâm đến số chiến sĩ trên bức tường đen đã bỏ mình vì VN Tự do. Ông từng tham chiến ở khắp vùng 1/ chiến thuật, càng lưu luyến hơn khi biết tôi cũng là lính ở vùng hỏa tuyến. Ông Ariant hiểu biết chính xác về cuộc chiến VN, ông muốn có liên lạc với người Việt nên trao cho tôi danh thiếp ghi địa chỉ nhà và Email.
Tôi mải miết hòa vào dòng người, quay hình vô số cánh diều cỡi gió và sân sinh hoạt vui Xuân tại các quảng trường cỏ xanh non Monument ground & The Ellipse, nên lạc mất đoàn toán và gia đình. Anh Đức (em rễ Tạ Cự Hải) phải vất vả chạy tìm tôi - mà không gặp - để lên xe van như vài người đi xe lăn và những vị cao niên chồn chân vì đã đi lẽo đẽo trên 3 cây số. Giá như HDV có cái dù giương cao lên, thì bạn liên trường thấy mà bước theo, khỏi lạc (rút kinh nghiệm từ HDV du lịch cần có cây cờ đưa cao cho đoàn viên đi theo). Một mình tôi theo bản đồ đến điểm hẹn, rảo bước trên đường Madison Dr. trước các công thự nghệ thuật National Gallery of Art, bảo tàng viện lịch sử Museum of American History. Nhìn sau Quốc hội không thấy xe bus, nên tôi tìm đến dãy xe bus đậu trên đường Independence Ave. Không phải xe của Liên trường, nhưng tôi có dịp nhìn qua vài doanh sở nghiệp vụ của Hoa-kỳ như Dept. of Energy, Fed. Aviation Admin., Nat’l Air & Space Museum, Dept. of Education và Dept. of Heath Human Services. Cho đến 4 giờ chiêu, tôi và số người lạc đàn cùng lên 1 trong 6 xe bus mới đến sau điện Capitol, trụ sở Quốc hội, đậu lẫn khuất sau dãy tượng hoạt hình Great Statue và hồ Capitol Reflecting Pool.
Xe bus thả khách xuống thương xá Eden ở Falls Church, VA, là nơi tập trung nhiều cửa hàng người Việt, các đường trong thương xá mang tên anh hùng nước Việt, nơi lá quốc kỳ VN nền vàng 3 gạch đỏ ngạo nghễ tung bay trên cột cao với lá cờ nước Hoa-Kỳ, stars & stripes. Gia đình chúng tôi và anh chị Nguyễn Tấn Thanh (cựu Hiệu trưởng Trung học Công lập Nghĩa-Hành, từ Canada sang dự Hội ngộ) luôn đến Eden dùng bữa khá ngon miệng tại các restaurant Nha-trang, Hương-quê, Rice-Paper… và không quên mua chả nem, bánh mứt mang về.
Một ngày thăm Washington DC vào mùa hoa anh đào nhộn nhịp “ngựa xe như nước, áo quần như nem” được anh chị trong Gia đình Tạ Cự Hải hướng dẫn đi đến nơi về đến chốn, không bỏ rơi một ai. Cám ơn BTC có kế hoạch phục vụ tốt cho thầy trò hưởng trọn ngày vui.
* 31-3-2013 Đêm hội ngộ đông vui, đậm đà tình nghĩa:
Ngày Chúa Nhật 31-3 là ngày sinh hoạt tùy thích của tham dự viên, dành thì giờ cho BTC trang trí hội trường đêm Hội ngộ. Ngoài trời se lạnh có mưa bay, không tiện chạy trên đường nhìn hàng trăm dinh thự Ngoại giao và Hành chánh thuộc Tòa Bạch-ốc kiểu “cỡi ngựa xem hoa”. Gia đình tôi vào khảo sát Botanic Garden ở gần điện Capitol. Hệ thực vật trong nhà kính khổng lồ tốt đẹp và đa dạng, từ những cây suông thẳng hay lá kiểng xòe của rừng Nam-Mỹ, đến các loại lưu niên xương rồng gai góc vùng sa mạc, có đủ cây hương liệu & dược thảo như quế, tiêu, sả, lá lốt…của vùng Đông-Nam Á. Nhiều loại hoa đẹp quí hiếm tôi mới thấy lần đầu, kể cả thảm hoa ký sinh dạng phong lan được nuôi dưỡng như ở môi trường thiên nhiên; quả là vườn Địa đàng.
6:00 PM Nhà hàng Harvest Moon tại phố Falls Church, VA mở cửa đón chào “Hội ngộ liên trường trung học Quảng-ngãi kỳ V, mùa hoa anh đào WDC 2013” bằng 2 biểu ngữ như thế ở cổng và ở khán đài. Tất cả tham dự viên được sắp xếp vào bàn theo tiểu bang mình. Tưởng cũng nên biết nhà hàng nầy không lớn, đã dung nạp 495 người là quá tải, nên BTC từ chối nhận thêm người “Walk in” (ngoại trừ vợ chồng Chs Trương Quang Song, con tôi, vừa đóng tiền cho Thủ quĩ Thảo Phan, nên anh Đức sắp thêm 2 ghế ở cửa ra vào). Mấy bàn cựu Giáo sư và phu nhân ở gần khán đài, được BTC giới thiệu có: Gs Ht Nguyễn Khoa Phước + Gs Trần Thị Kim Đính, Gs Ht Lê Thị Đường, Gs Ht Nguyễn Tấn Thanh, Gs Ht Nguyễn Hữu Thời, Gs Hoàng Đức Thạc, Gs Trần Hà Thanh, Gs Bùi Phổ, Gs Nguyễn Văn Thinh + Gs Tôn nữ Ngọc-Hoa, Gs Trương Trọng, Gs Nguyễn Cao Can, Gs Nguyễn Văn Phú, Gs Lê Nhuận, Gs Đỗ Tấn Thông… Ít lâu sau, các cựu nữ sinh trong BTC đến kính biếu quà lưu niệm cho Gs, là áo T shirt trắng có in hàng chữ lớn “Virginia is for lovers” với quả tim đỏ.
MC của đêm hội ngộ là 2 Chs hoạt bát, Tiến sĩ Trần văn Hải và Tiến sĩ Tạ Cự Hải. Lễ chào cờ Việt Mỹ được cả thầy trò hát lên: “Nầy công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi…” có khí thế như lễ chào cờ đầu tuần nơi ngôi trường cũ. Quan khách tai địa phương đến chia vui được giới thiệu là 5 sĩ quan cấp tá có thành tích, đáng lưu ý là lời phát biểu của ông Đoàn Hữu Định, chủ tịch Cồng đồng VN/HTĐ+MD+VA và Chuẩn tướng Phạm Duy Tất, Tư lệnh Biệt động quân/ Qk2.
MC Trần Văn Hải đọc tên 33 trường trung học công, tư, bán công, tỉnh hạt của tỉnh Quảng-Ngãi. Ba trường có học sinh hiện diện đông nhất là trung học công lập Trần Quốc Tuấn, Nữ trung học công lập Quảng-Ngãi và trung học tư thục Bồ đề; họ đứng lên giữa tiếng vỗ tay vang dội. Tiếp theo là giới thiệu tham dự viên theo tiểu bang, nhiều cánh tay đưa cao, pháo tay reo vui nổ dòn. MC Trần Văn Hải trần thuyết hơi dài về lớp học ngoại khóa IVS của ông David H. Juracek, thường gọi là trường ông Dave, không có tên trong danh sách trường chính qui. Lớp IVS dạy Anh ngữ thực dụng có kết quả nhờ vào sư chỉ dẫn trực tiếp của ông Dave, kế tục có Gs Đặng Qùi và các Hs TQT vừa học vừa dạy như Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Kông, Vũ Thạch Sùng…
Chs Võ Thị Phương Thư (không muốn xưng Bác-sĩ không đúng chỗ) thay mặt cho học sinh liên trường bày tỏ lòng tri ân với thầy xưa trường cũ, cảm tình sâu đậm với bạn học và quê hương. Phương Thư có văn nói lôi cuốn cả thầy trò và chính cô mở đầu phần Văn nghệ giúp vui bằng giọng hát truyền cảm. Vợ chồng tôi rất vui mừng gặp lại cụ bà Tạ Thị Phương (cựu Hiệu trưởng Nữ Tiểu học QN sau là Thanh tra tiểu học, phu nhân của thầy Võ Bảo dạy tôi ở trung học Lê Khiết) chúng tôi ghi vài tấm hình với cụ bà Tạ Thị Phương và ái nữ Phương-Thư, có cả quí nam và cô dâu của bà là người đẹp phục sức thời trang vừa mới hát bài “Buồn tàn thu” rất đạt.
Chs Đinh Anh Mãng tỏ bày tình hoài hương và mong ước đem hiểu biết của người học trò lưu xứ về xây dựng quê hương núi Ấn sông Trà, bằng lời kết luận súc tích: “Con người có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi để quay về”. Gs Nguyễn Cao Can lên khán đài đọc lá thư của thầy Hà Như Hy, cựu Hiệu trưởng TH Trần Quốc Tuấn, từ Sài-gòn gởi sang lời nhắn nhủ và chúc mừng mỗi kỳ Hội ngộ. Cá nhân tôi hằng kính mến thầy Hy, tiếc thương vợ thầy mới qua đời, nhưng không thể xem lá thư thầy gởi như huấn từ của ông lãnh đạo giáo dục phải được tuyên đọc mỗi kỳ hội ngộ, trước nhiều cựu Hiệu trưởng và Giáo sư là tinh hoa của ngành Giáo dục VN hiện ở Hoa-kỳ.
Sau đó khá lâu, BTC mời cựu Gs Hiệu trưởng TH Tổng hợp Trần Quốc Tuấn (về sau là Thượng Nghị sĩ VNCH) Nguyễn Khoa Phước lên máy vi âm. Thầy Phước nói mạch lạc, rành rẽ về đức tính hiếu học của con em Quảng-Ngãi, ngay cả khi VC khủng bố tàn khốc mà thầy phải cố giữ cho việc học tập không bị gián đoạn. Thầy Phước nhắc đến thầy Lê Trọng Bút bị ám sát vì mìn gài trong hộc bàn Gs ở trường TH.CL Bình-sơn; thầy Trần Thiết ôm giữ quả lựu đạn ném vào Văn phòng trường TH.TT Hàn Thuyên, một mình chịu chết để cứu nhiều học sinh; Gs Ht Nguyễn Trung Hậu trường TrhCl Thu-xà phải dời trường, không nghỉ dạy giờ nào bất chấp VC đe dọa nặng nề. Tôi quí mến phong thái điềm tĩnh, thân thiện của thầy Nguyễn Khoa Phước, giống như tướng Nguyễn Khoa Nam là người anh em đã tuẫn tiết. Nghĩ về Giáo dục tỉnh nhà: thầy Hà Như Hy là người gieo hạt trồng cây, thầy Nguyễn Khoa Phước suốt 8 năm bảo vệ cho cây trưởng thành và phát triển hoa quả.
Bản hợp ca “Đáp lời sông núi” của Trúc Hồ do 12 Chs của sân nhà Hoa-Thịnh-Đốn hợp xướng, mang đến khí thế phấn khởi hào hùng. Nhóm đồng ca của San Jose và Florida lần lượt trình diễn 2 nhạc khúc, có Chs Nguyễn Thượng Cường, vợ chồng Chs Nguyễn Dzõi, cô Nguyệt bận treillis là chủ âm cho 14 Chs, giúp cho hội trường thêm sinh động. Nhiều bản đơn ca và một bài trường thi được diễn ngâm, đều xoay quanh chủ đề nhà trường, làng quê và vui xuân, như các nhạc bản Xuân họp mặt, Trường làng tôi, Lối về xóm nhỏ, Đường lên sơn cước, Ngày xưa Hoàng thị v.v… do các cựu nữ sinh duyên dáng trình bày điêu luyện không kém ca sĩ chuyên nghiệp .
Chúng tôi ghi nhận vài điều đáng nhớ trong chương trình văn nghệ như:
- Chs Nhạc sĩ Hồ Bảng hiện diện trước khán đài để cùng mọi người thưởng thức các nhạc phẩm “Khép kín” và “Thà như” do mình cảm tác qua tiếng hát trầm ấm của ca sĩ Hiếu Thuận.
- Thể theo yêu cầu của bạn đồng môn, Chs Ds Phạm Châu Nam lên hát nhạc phẩm “Mộng dưới hoa” và một bản về Quảng-ngãi nhớ thương, với làn hơi nồng ấm làm xao xuyến lòng người.
Theo giới thiệu của MC Tạ Cự Hải, vài ba người trong BTC lên khán đài trình diện, đó là Chs Tạ Cự Nguyên (em TC Hải, thực hiện Video clip), Ds Phan Lục và vợ là Thảo Phan (sắp xếp và giữ túi tiền cho Hội ngộ).
Nhiều thành viên khác của BTC bận việc ở bàn điều hành và bàn tiệc là chị Trương thị Thủy (vợ TC Hảỉ), các em gái của TC Hải như Tạ Thị Liên và (không nhớ tên)…, em rể như Chs Trần Hoàng Tuấn, Anh Đức…Người hầu bàn của nhà hàng lần lượt mang đến bàn tiệc 7 món ăn, vì thực phẩm khá dồi dào nên không mấy bàn “tiêu thụ” hết, hay vì không ngon miệng là tùy mỗi thực khách.
Trên 3 vách của Hội trường đã căng 4 màn hình rộng để chiếu Video clip kèm lời thuyết minh trực tiếp của MC Tạ Cự Hải. Chân dung quí Gs quá cố được hiển thị trên màn hình là cố Gs Nguyễn Biên và cố Gs Võ Bảo trường Chấn Hưng. Chân dung cố Gs Nguyễn Biên trường Bồ-Đề có cả hình ảnh trưởng nam của thầy là phi công Chs Nguyễn Thanh Bình đứng bên phi cơ sắp bay ra trận (đôi bạn đời Thanh Bình + Sỹ Thụy hiện diện tại bàn Connecticut trong Hội ngộ nầy). Trên màn hình in rõ chân dung Chs Trần Quốc Tuấn, cố Trung tá Võ Vàng khi xông pha chiến trường. Tr/tá Võ Vàng có khẩu khí bất khuất nên bị cán bộ VC gờm, tạo dịp bắn từ sau lưng anh tại trại tù binh Kỳ-Sơn, để lại vợ là Gs Lê Thị Đường và 5 con. Nhìn hình anh, tôi phải lau nước mắt vì nhớ lần gặp Chs Võ Vàng, Trung đoàn trưởng TĐ 5 SĐ 2 BB là mũi xung kích tái chiếm Sa-Huỳnh đầu Xuân 1973.
Khán đài dành 15 phút cho lễ trao cờ luân lưu từ tay BTC Hội ngộ kỳ 5 là Chs Ts Tạ Cự Hải cho BTC Hội ngộ kỳ 6 tại Houston, Texas gồm nhiều người, trong đó có Chs Võ sư Trương Nguyên Thuận. Cờ luân lưu đã vào tay Houston dưới sự chứng kiến của cựu Gs sáng lập Lê Thị Đường và các Trưởng ban tổ chức của 5 kỳ hội ngộ trước. Kỳ Hội ngộ 6 vào năm nào chưa được quyết định.
Sau đó là dạ vũ và ca nhạc sống cho đến 11:30 PM.
Đêm hội ngộ LTTH/QN 31-3-2013 đạt kết quả viên mãn trên cả dự tính là do sự góp mặt của gần 500 thầy trò vẫn tha thiết tình nghĩa trường lớp, đồng hội đồng thuyền, được BTC “gia đình trị” (chữ trào lộng của anh Tạ Cự Hải) lo liệu chu đáo từ A đến Z.
* Tin thêm: Sáng thứ hai 01-4-2013 cựu Gs Trần Hồng hướng dẫn 56 thầy trò đã ghi tên đi du ngoạn New York city. Đến thứ năm 04-4-2013 một số thầy trò thăm National Harbor và đáp du thuyền chạy trên sông Potomac ngắm phong cảnh thủ đô Washington DC và hoa anh đào.
* Đặc san Liên trường Trung học Quảng-Ngãi đã phát hành trong dạ hội 31-3-2013 tại nhà hàng Harvest Moon, mùa hoa anh đào ở Washington DC. Chúng tôi mến phục Chs Phạm Khánh Hoài, nguyên là tay súng Thiết giáp bỗng trở thành tay lay-out Đặc san, rồi in ấn từ California chuyên chở về Viginia; kịp thời thế chân Chs Phạm Doanh Châu ngã bệnh. Đặc san tô điểm cho kỳ Hội ngộ 5, là tác phẩm chung của thầy trò, là tập kỷ yếu mến chuộng của mọi tham dự viên.
Đặc san LTTH/QN có hình thức bình dị, dày 360 trang, khổ 5 x 8 hợp với tủ sách; nội dung phong phú, hữu ích, nhiều bài giá trị viết đúng mục đích của Đs, xin tạm phân loại:
- Về mục Hội ngộ: Gặp thầy cũ, Hội hoa anh đào mùa Xuân tại HTĐ, Tường trình 4 kỳ Họp mặt LTTH/ QN tại Hoa-kỳ, Dư âm ngày Hội ngộ lần2, Đại hội LTTH/QN Atlanta, Thơ: Niềm vui Hội ngộ, Có lẽ…
- Về mục Kỷ yếu trường cũ: Trường Trung học công lập Bình-Sơn, Trường Hàn Thuyên một thời để nhớ, Trường ông Dave, Đâu rồi trường xưa, Một thời với trường Trh Lê Trung Đình.
- Về mục Nhớ Thầy Cô, Bạn học: Hoài niệm Cố Giáo sư Trh Trần Quốc Tuấn, Nén hương tưởng niệm, Viết về Cô tôi, Thời gian trôi nhanh, Ngày của giòng sông, Bơi trong sông đêm.
- Về mục Quê hương: Những ngày tháng ở Quảng-ngãi, Quê hương xứ Quảng năm 2011, Làng tôi, Hương don quê nhà (truyện ngắn), Thơ: Quảng-ngãi quê hương ơi, Quảng-ngãi quê tôi đó, Mơ về quê cũ, Em có về Quảng-ngãi với anh không? Tiếng Quảng RẸT (khá đặc biệt!)
- Về mục Biên khảo: Quảng Ngãi đôi nét lịch sử, non nước và con người, Niên lịch, lịch ta lịch tây, Bút ký: Ký ức, Sưu tầm: Hình ảnh đáng nhớ, Kỷ niệm khó quên…
Đặc san LTTH/QN được hoàn thành do trí tuệ và tâm tình của nhiều tác giả, được thực hiện nhờ vào tài chánh ủng hộ khá hào phóng của thầy và trò. Số tiền ủng hộ đến $3,555 USD, chi phí in 300 tập chỉ hơn phân nửa số tiền, còn dư $1,686 USD sẽ gởi trợ giúp cho gia đình Cựu Gs hoặc Cựu Hs hiện gặp khó khăn ở quê nhà. Trường xưa đã nối kết nghĩa thầy tình bạn đáng quí trọng, chắc chắn còn duy trì mãi mãi trong những kỳ Hội ngộ mai sau.
CT, ngày 12 tháng 4 năm 2013
TRƯƠNG QUANG.
* * *
Bài liên hệ:
- BÀI THƠ HỘI NGỘ (Đồng Sa Băng)
-HỘI NGỘ LIÊN TRƯỜNG T.H. QUẢNG NGÃI (Tuyết Mai)
- HOA ĐÀO CHƯA NỞ VỘI (Thủy Tọa)
- ĐẠI HỘI LIÊN TRƯỜNG TRUNG HỌC QUẢNG-NGÃI...(Hoàng Đức)
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ KỲ 5 (Sưu tầm từ Internet)
- Trang Liên Trường: click vào đây
- Về trang chính: www.nuiansongtra.net