Khi con người biết sống quần tụ lại thành bộ lạc, có tù trưởng làm “cha”, có quyền lực thì “nịnh” đã ra đời. Rồi khi các bộ lạc quần tụ lại, ở không, hung hăng tìm cách đánh nhau, chinh phạt, giết chóc tơi bời để thành lập triều đình phong kiến. Có quân thần thì nịnh cũng đã có “em đây!”. Nghĩa là nịnh cũng xưa như trái đất!
Hồi còn nhỏ, đi xem hát bội cúng Đình, hát mấy cái tuồng xưa thiệt là xưa, hát những tích như Nhạc Phi, Tần Cối… chắc quý bạn đọc thân mến đều thấy diễn viên hát bội phân biệt từ mặt mũi, râu tóc áo quần để rõ kẻ trung nịnh, ai minh chánh, ai gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần. Trung thần như Nhạc Phi thì được tán thưởng, còn gian thần, nịnh thần như vợ chồng Tần Cối thì bị căm ghét đến nỗi mấy chú ba chế ra cái bánh làm bằng bột mì, bỏ vô vạc dầu chiên tới chiên lui cho nó phình lên và đặt tên là “dò chá quảy”, ăn mầy luôn! (với mì hay hoành thánh) cho bỏ ghét.
Còn bây giờ, thời hiện đại, “nịnh” hơi khang khác một chút nhưng nếu quý bạn thấy, nghe và để ý một chút thì “nịnh” cũng khó giấu lắm bạn ơi!
Nhưng đôi khi thấy vậy mà không phải vậy! Thấy có vẻ “nịnh” mà lại không phải là “nịnh”. Chẳng hạn như chuyện dưới đây!
Ngày Thứ Bảy, 14 tháng 11 năm 2009 khi được Hoàng đế Nhựt Bổn Akihito và Hoàng hậu Michiko đón tiếp ở Hoàng cung, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cúi rạp mình 90 độ khi bắt tay Hoàng đế Nhựt Bổn. Mấy thằng Mỹ ở không, chê: đường đường là Tổng Thống một siêu cường duy nhứt còn lại sau khi Liên Xô sập tiệm, rã bành tô, mà lễ phép quá đáng, nịnh quá coi kỳ, là mất thể diện quốc gia?!
Thằng nhỏ nầy lễ phép dữ a! (Ảnh: internet,. webmaster đua vào bài)
Theo ý người viết: chuyện nhỏ mà; chẳng qua Obama cao tới 185 cm mà Nhựt hoàng thì hơi thiếu thước tấc một chút thì khi bắt tay, ông phải cúi mình xuống, chớ đứng sổng lưng, e phải “nhấc” Nhựt Hoàng lên, hỏng giò sao mấy tía! Có vậy mà cũng chê khen, bình loạn lên, thiệt là ở không quá xá?!
Barack Obama lịch sự có thừa vậy thôi, vì khiêm tốn là bốn lần làm phách; chớ đã là trùm “Đế Quốc Mỹ” rồi thì có ngán “thằng” nào đâu mà phải giở bài nịnh nọt.
Nếu mấy tía có ở không mà rỗi hơi chê cái thói nịnh nọt thì nên chê cái ông “thần thừ” nầy. Chê thôi chứ đừng chửi chớ. Nhỏ, yếu mới phải “nịnh”! Còn lớn, mạnh thì nói chi?
Chuyện rằng một blogger trong nước đã đăng lại tấm hình một tiến sĩ, kiến trúc sư…cúi khom đến gập nửa thân người, ôm lấy bàn tay Chủ tịch nước trong buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ngày 27/5/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Ông "Tiến sĩ... nịnh" tại lễ trao giải thưởng "ưu tú"!
Đăng hình lên đã làm “quê” mặt người ta rồi; lại còn xài xể nặng lời là: “Bức ảnh thể hiện một tư thế hèn mạt của người trí thức. Sự hèn mạt không gì hèn mạt hơn!”.
Nịnh có “chút xíu” vậy mà “xài” nặng người ta chi ông bạn?!
Hèn vì nịnh, vì muốn kiếm chút cháo “bào ngư” chớ hèn mà còn bị “mạt” nữa thì ngu sao mà hèn? Phải không?
Người nịnh vì có kẻ khoái được nịnh. Vì lời nịnh như mật rót vào tai! Sao không khoái? Mật ngọt, ruồi còn chết; huống chi con người! Còn người nịnh hót thì phải có cái gì đó bỏ túi: nếu không lợi thì danh mà đôi khi còn có cả hai. Đôi khi nịnh không phải vì danh, vì lợi mà vì sợ. Sợ không nịnh nó, tới cơn, nó “dợt” tui sao?
Còn nếu anh không cần lợi và không cần danh và cũng không sợ… thì anh “nịnh” để làm gì? Chẳng hạn như trong truyện dưới đây:
Tề Tuyên Vương nghe tiếng Nhan Súc là bậc kỳ-sĩ, một hôm ngự xe đến chơi nhà, muốn vời ra, cho làm quan. Nhan Súc từ chối.
Một lần Tề Tuyên Vương đến chơi nhà Nhan Súc. Vua bảo:
-“Súc lại đây!”.
Nhan Súc cũng bảo:
-“Vua lại đây!”.
Các quan thấy vậy, nói:
-“Vua là bậc chí tôn, Súc là kẻ thần hạ, vua bảo “Súc lại đây!” thì không sao, nhưng Súc cũng bảo “Vua lại đây!” thì như thế có nghe được hay không?”
Nhan Súc nói:
-“Vua gọi Súc, mà Súc lại, thì Súc là người “xu nịnh” quyền thế. Súc gọi vua, mà vua lại, thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng xu nịnh quyền thế, thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!
Nhan Súc biện luận sắc sảo như vầy nếu có đầu thai sống lại chắc chắn sẽ làm Luật Sư nổi tiếng cũng cỡ Trịnh Hội hay Thùy Dương chứ chắc hỏng có thua đâu?!
Còn ở Việt Nam hồi xưa cũng có hai nhà thơ rất tài ba mà cũng “cóc” có chịu nịnh ai: Một là Cao Bá Quát; hai là Trần Tế Xương!
Cao Bá Quát chẳng sợ ai và cũng chẳng xu nịnh tay nào!
Còn Tú Xương không những không thèm nịnh quan quyền mà thấy mấy thằng nịnh quan quyền, ông còn làm thơ chọc quê nữa chớ:
“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông cử ngổng đầu rồng”
Tú Xương đem cái đít vịt bà đầm ra đối với đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban.
Nhà thơ đất Vị Xuyên “xì nẹt” mấy ông khoa bảng này nghe sao mà “nhục ơi là nhục!”.
Còn người viết ra nước ngoài, sống cũng khá lâu lâu, thấy Tây có gì hay hay thì mình cũng học. Nhưng Tây hổng phải cái gì nó cũng hay hết đâu nha! Cái hổng hay là: Tây cũng như ta, “nịnh” dữ lắm! “Boss is always right!” Xếp bao giờ cũng đúng!
Người viết có một ông bạn nhậu rất thân, vốn là Phó thường dân Nam Bộ, tự nhận mình là “dân ngu, khu đen” vì không có bằng Tiến Sĩ, Kiến Trúc Sư gì ráo trọi… nhưng ổng rất lấy làm tự hào về cái tánh khẳng khái của mình nên nói với bà xã rằng:
-“Anh đi làm không nịnh thằng Tây nào hết!”.
Bà xã nghe xong, phán rằng:
-“Anh làm vậy là chí phải vì nịnh hót chi cho mất công. Mình cu li, thì bét hạng rồi, còn sợ bị ai “đì” nữa? Còn ráng trèo lên được chức “cai” (supervisor), thêm vài đô một tuần, không đáng “nịnh”, để làm mất mặt “bầu cua cá cọp Vietnamese!”.
Nói vậy, không có nghĩa là ông bạn của người viết không có nịnh ai bao giờ! Có chớ! Nịnh đầm. Đầm này dứt khoát không phải là mấy con nhỏ Úc, tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ, mắt xanh làm chung sở. Mà “đầm” này là con vợ của ổng, da vàng, mũi tẹt 72 phần dầu.
Mà tại sao phải “nịnh” đầm? Vì đàn ông yêu bằng con mắt; mà đàn bà thì yêu bằng hai cái lỗ tai.
Hơn nữa trong nhà, “nó” lại có quyền lực hơn mình nhiều; dù nó chỉ lo toàn chuyện nhỏ như chuyện tiền bạc, nhà cửa, xe cộ. Còn ổng lại toàn lo chuyện lớn như chuyện Đảo Senkaku. Chừng nào Trung Nhật “hoánh” nhau chẳng hạn?
Ông bạn nói:
-“Chính vì định cư ở Úc nên vật đổi sao dời, tôn ti trật tự gia đình đảo lộn nên những tật xấu như “bợp tai, đá đít bà xã” thì ổng đã bỏ lại quê nhà rồi!”.
Hồi xưa “chồng chúa vợ tôi” còn bây giờ đem con vợ ra đằng trước, dời thằng chồng ra đằng sau nên thành “vợ chúa chồng tôi”. Mà trong hai người, người này quyền lực hơn người kia thì “nịnh” lại ra đời! Nịnh là biểu hiện của sự bất bình đẳng và sống dai hơn con đỉa đói vì công bằng là không bao giờ có thiệt ở trên cõi đời này?!
Cái mới, ổng học của Tây, là nịnh đầm, hôn tay người vợ hiền nhân ngày “hiền mẫu” chẳng hạn (ngày hiền mẫu chứ không phải ngày tình yêu, Valentine’s Day, vì ổng thường đối đãi với bà xã như đối đãi với mẹ hiền).
Chẳng hạn, đi làm về mệt gần chết, cũng ráng bắt chước Tây, hôn tay vợ một cái:
-“Chu choa sao mà bàn tay em "thơm" (chứ không phải hôi!) mùi nước mắm dữ vậy?!”.
Tay em làm anh nhớ quê mình tha thiết. Nhớ cơm tấm bì, chả. Nhớ canh chua cá lóc, nhớ cá lòng tong kho tộ! Xa nhà mà em lại mang theo được quê hương. Lại chịu cực khổ vì chồng, lo lắng cho con thì đáng được anh “nịnh” một “cái” lắm phải không?’
Do đó cứ “đàn” lên đi, thưa quý bạn đọc thân mến!
Nghe ổng khuyên người viết rằng:
-“Nịnh vợ tối đa, nịnh mọi lúc, nịnh mọi nơi, nịnh không mắc cỡ, không cần biết nịnh trúng hay nịnh trật; vì mình chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào cả mà còn yên nhà, lợi cửa!”.
Đừng “nịnh” như kiểu ông Tiến Sĩ, Kiến Trúc Sư gì gì đó… nói trên thì coi hổng có đặng đâu nha!
Đoàn Xuân Thu.
(Bài này đăng lần đầu vào lúc 09:16:08 PM, Apr 20, 2013)
* * *
Xem bài trang Phiếm luận: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com