Mở speakers ON, click vào mũi tên màu trắng để nghe âm-thanh.
Muốn OFF, click vào ô vuông (góc trái dưới cùng, cạnh hình tam giác).
HÁT CHO LINH HỒN ANH
Sáng tác: Thương Ngân
Ca sĩ: Giao Linh
* * *
Lời giới thiệu:
Nhân mùa “Quốc hận, Tháng Tư đen” lại về, xin gởi đến độc giả cùng các quân cán chính VNCH một bài viết hồi tưởng về một sĩ quan thuộc QL.VNCH đã ngã gục trong trại tù Việt Cộng sau ngày oan nghiệt 30-4-1975. Ông là một người con anh hùng của đất Quảng Ngãi, một chiến sĩ can trường của Quân Lực VNCH ngay cả lúc đã sa vào tay giặc, một quân nhân trong suốt thời binh nghiệp luôn tuân thủ tâm niệm “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm” làm kim chỉ nam, lấy chiến trường làm nơi thi thố tài trai, đem máu xương mình góp phần bảo vệ quê hương trước làn sóng xâm lăng của loài quỷ đỏ.
Xin giới thiệu cùng quý độc giả.
Ban Điều Hành.
* * *
TRUNG TÁ VÕ VÀNG, XIN MỘT LẦN ĐƯỢC NHẮC TÊN ANH
Trương Đức Thủy
Thời gian vẫn vô tình trôi qua, như nước chảy dưới cầu, như vó câu qua cửa sổ. Và lòng ngươì thì bị cuốn hút vào trong cơn lốc xoáy nghiệt ngã của thời cuộc. Tháng Tư uất hận một lần nữa lại về.
Đã bao lần tôi muốn viết vài giòng trân trọng, để tưởng nhớ anh, nhưng tiếc thay tôi biết quá ít về đời tư của anh, dù đã có thời gian anh đối xử và thương mến tôi như thằng em nhỏ dại. Sau khi cải taọ về, tôi đã cố tìm gặp những người có mặt bên anh trong những giây phút cuối, để lấy thêm dữ kiện sống, nhưng cũng không thỏa mãn được những điều tôi muốn biết. Ngay khi mới đinh cư tại Hoa Kỳ, tôi đã tìm tòi qua báo chí, nhất là những thiên hồi ký trong tù của nhiều người, nhưng cũng chỉ thoáng qua tên anh. Tháng Tư năm 1975, tháng Tư 2004: 29 năm, một phần ba đời người sống thọ. Thời gian thật dài. Sợ chờ đợi mãi, có khi trí óc bị bào mòn và thời gian sẽ đưa tất cả vào quên lãng. Thà thắp lên tia lửa nhỏ, còn hơn ngôì nguyền rủa bóng đêm. Tôi quyết định, mạo muội viết những kỷ niệm về anh, goị là thắp nén hương tưởng niệm người anh hùng, tôi hằng kính yêu nhân ngày giỗ thứ 28 sắp tới của anh. Tháng 4-1976 … tháng 4-2004.
QUEN ANH NHƯ LÀ MỘT ĐỊNH MỆNH:
Người ta ở đời có hai trường hợp.
Thứ nhất: Mới thoáng gặp nhau là đã có cảm tình, muốn trò chuyện, muốn kết thân, hay trai gái mơí gặp nhau đầu mày, cuối mắt đã phãi lòng nhau, muốn trao nhau trái tim yêu nóng hổi, sách tướng số, bói toán goị là hạp căn, hạp tuổi, hạp mạng v.v… Thứ hai: Mới gặp nhau dù chưa từng quen biết, mới thoáng qua là đã muốn dóa, muốn đục, muốn đuổi đi cho khuất mắt, sách tướng số gọi là xung khắc, không hạp căn, không hạp mạng, gần nhau là như chó với mèo… Tôi hân hạnh quen anh nằm trong hai trường hợp trên.
Sau chuyến công tác, trở về Đà Nẵng, buổi chiều hôm đó tôi dẫn cô bé Lệ H… đi ăn ở nhà hàng nổi, trước khách sạn Bạch Đằng, đây là lần đầu tiên tôi đưa cô bé đi ăn ở nhà hàng. Thường thường chúng tôi đi ăn kem Diệp hãi Dung, cơm gà Hải Nam, hay bánh hỏi thịt nướng, chè Ngã Năm…đi vào chỗ nào, cô bé cũng rụt rè, e-lệ, tôi muốn đưa vào nhà hàng để cô bé làm quen với không khí mới lạ. ước chân vào trong, cô bé đã tỏ ra mất bình tĩnh trước không khí nhiểm đầy khói thuốc và sắc aó rằn ri. Tôi trấn tỉnh em và đưa vào một góc cuối, hai đứa đang cúi xuống trên tấm thực đơn, chọn thức ăn, thì có một bóng người đến đứng trước bàn tôi, tôi ngẩng đầu lên, bắt gặp khuôn mặt đỏ ké. Trong bộ quân phục rằn ri Biệt động, trên cổ aó một bông mai đen, tôi tưởng bạn nhìn lầm người, nên định đứng lên chào, nhưng không, anh chàng đưa mắt nhìn Lệ H. và gằn giọng nói với tôi: “Ai cho phép mầy nghinh bọn tao?”. Tôi biết mình đang bị kiếm cớ gây sự. Tôi thầm kêu khổ trong bụng, không phải tôi sợ, tôi là thằng lì có tiếng, ngàn lần tôi không sợ nhưng làm sao tránh cho cô bé khỏi bị tổn thương.
Tôi xin vắn tắt vài giong, xem tôi đã làm gì mà các bạn Biệt Động ngứa mắt. Tôi vưà ra trường trên một năm, xông pha trận mạc vài lần, nhưng nhỏ con, chưa qua khỏi tuổi 21, nên còn rất thư sinh, nếu cởi bỏ binh phục thay vào aó trắng quần xanh, tôi cũng chỉ là cậu hoc trò trung học. Thế mà dám dẫn đào vào đây rước đèn, áo quần cũng rằn ri nhưng khác màu cuả Biệt động, binh chủng chúng tôi có cái thói quen lập dị là không bao giờ mang cấp bậc, nếu có mang cũng rất kín đáo, như muốn không cho ai thấy, gắn ở chuôi dao găm, sau nắp túi aó… Rừng nào thì cọp nấy, thành phố Đà Nẵng là rừng của anh em Liên đoàn I BĐQ. Tôi biết tôi đã làm cho các anh gai con mắt, và muốn đục tôi, dằn mặt. Anh Thiếu uý chưa thấy tôi trả lời, đã cao giọng ra lệnh: “Mầy hãy đến bàn kia xin lỗi mấy anh đi, thì tau tha cho!”. Tôi biết tình hình quả gay go. Thực khách lần lượt ra khỏi nhà hàng. Xin lổi ư? Không bao giờ, vì tôi có lỗi gì đâu. Vì tự-aí, vì màu aó tôi đang mặc, tôi biết chắc là có đổ máu, đổ máu một cách vô ích, vì trong túi quần trận tôi luôn luôn có khẩu Breta nhỏ. Lệ H. tái mét mặt mày. Tôi bảo nhỏ: “Em qua ghế đá ngồi đợi anh”. Tôi bỏ tay vào tuí quần, chạm cục thép lạnh, tôi nghĩ nếu anh bạn xáng tôi bạt tai thì máu sẽ đổ. Trong giây phút quả bong bóng căng sắp nổ, thì có tiếng tằng hắng nghe rõ mồn một ở gần quầy, anh chàng Thiếu úy nhìn lên, lẵng lặng về bàn và cả bộ ba keó nhau rời nhà hàng. Lệ H. như chết khiếp.
Tôi phải trấn an nàng, nên chưa để ý xem ai vưà tằng hắng, mà mấy ông thần gây sự bỏ đi, thì một người cao to, bước đến trước mặt, tôi nhìn thấy cặp ga lông Thiếu tá trên cổ aó rằn ri, bảng tên trên túi: VANG. Tôi đứng thẳng người chào, nhưng Thiếu Tá vỗ vỗ vào vai tôi và nói:
“Em hãy ngồi xuống và tự nhiên cùng bạn gái em ăn uống, xem như không có gì xảy ra”.
Ông hỏi tôi về đơn vị, tôi trinh bày đơn vị, cấp bậc và nói:
-“Em vừa về sau chuyến nhảy dài nên chưa cắt tóc, các anh kia thấy gai mắt mà sinh chuyên, xin Thiếu tá tha lỗi”.
Ông dịu dàng:
-“Em không có lỗi gì cả. Thôi quên đi mà vui vẻ với bạn gái”.
Chúng tôi chưa ăn gì cả, và thức ăn cũng chưa mang ra. Lệ H. một mực đòi về, tôi đành chìu nàng. Tôi đứng lên:
-“Thưa Thiếu tá, cho em đưa bạn gái về”.
Không ngờ ông sốt sắng lấy xe Jeep đưa chúng tôi về, dù tôi quyết liệt từ chối, sợ làm phiền ông. Sau khi trả Lệ H. về nhà nàng, tôi lại đi chơi và tâm sự với ông gần sáng đêm. Đó là Thiếu tá VÕ VÀNG, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21 BĐQ, lừng danh trên chiến trường Miền Trung.
Từ lúc còn mài đủng quần trên ghế Trường Trung học Phan Chu Trinh Đà Nẵng, tôi đã nghe danh và ngưỡng mộ người anh hùng nầy, không ngờ tình cờ như một định mênh xui khiến, tôi được quen Ổng và được ổng thương mến như em út. Ông bắt tôi gọi bằng anh và goi tôi bằng mày (tiếng mày từ miệng ông sao mà thân mật quá, không như tiếng mày của anh bạn Thiếu uý BĐ gọi tôi trong nhà hàng, nghe qua đã lộn máu nóng lên đầu) Tôi thưa:
-“Trước mặt lính tráng cuả Thiếu tá, mà em goị như vậy e bất tiện qúa!”.
Ổng nghiêm giọng:
-“Có sao đâu, mầy là em tau, là em tau thì phải gọi tau bằng Anh”.
NHỮNG NĂM THÁNG CÓ ANH TRONG ĐỜI:
Từ đó sau, những lần về ĐN tôi thường ra căn cứ Liên đoàn 1 BĐQ ở Phú Lộc (trên đường ra Hoà Khánh, quẹo tay mặt) để thăm anh, nhờ đó mà tôi quen gần hết các bạn trong Tiểu đoàn 21/ BĐQ, kể cả anh Thiếu uý T. người đòi đục tôi trong nhà hàng.
Thời gian những năm 66, 67, chiến trường miền Trung vô cùng sôi động. Đồng minh ào ạt đổ quân vào. Tiểu đoàn 21 BĐQ của Thiếu tá Võ Vàng đã tạo những chiến công vang dội, báo chi trong và ngoài nước nức lòng ngợi khen, các cấp chỉ huy Quân Đồng minh nể mặt. Những lần gặp lại anh, tôi được anh thương mến đặc biệt, thường dặn dò và bày vẽ những kinh nghiệm chiến trường, vì duới mắt anh, tôi chỉ là con dê non ưa húc càn. Anh luôn nói về đời lính và yêu đời quân ngũ trên hết mọi chuyện, ở anh chỉ có chiến công và mong sớm có thanh bình cho Quê hương.
Tết Mậu Thân, hai anh em cùng hành quân trên một địa bàn, Nam sông Hương. Khi tạm yên tiếng súng, anh goị tôi sớm mai đến Bộ chỉ huy (BCH) cuả anh để uống bia, nhưng đêm đó, tôi nhận lệnh bàn giao khu vực trách nhiệm cho đơn vị bạn, để đến vùng hành quân khác, thất hẹn với anh. Sau Mậu Thân, anh được vinh thăng Trung tá và giữ chức vụ Liên đoàn phó LĐI /BĐQ. Sau đó anh được thuyên chuyển về Trường Võ Bị Quốc Gia Đà-Lạt, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Quân vụ. Đây là thời gian dài, chúng tôi không gặp nhau.
Trương Võ bị Đà-Lạt là chỗ dung thân tốt nhất cho những ai muốn tìm chữ THỌ, nhưng trong những bức thư anh gởi cho tôi, anh luôn luôn than buồn chán và nhớ chiến trường. Hơn ai hết, tôi biết con hổ bất đắc dĩ phải xa nuí rừng thì rất nhớ rừng xanh núi thẳm. Anh mong được trở lại thời ngang dọc cũ. Và anh được toai nguyện, anh trở ra cầm quân trong chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 SĐ2 Bộ Binh. Tôi cứ đinh ninh với tài thao lược và kinh nghiệm của anh, đường tiến thân của anh sẽ thênh thang, rộng mở. Những ngaỳ trước khi Hiệp dịnh Paris được bốn bên ký kết, VC cố đánh chiếm Sa Huỳnh để làm cửa khẩu và cắt đứt con đường huyết mạch Nam Bắc của VNCH. Đây là đất anh dụng võ, anh muốn đánh trận đánh để đời, nhưng đột nhiên tôi nghe anh bị cất chức Trung Đoàn trưởng. Nguời cách chức anh là Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh SĐ2 BB. Tôi xin dành ít giòng để điểm qua báo chí về vị tướng nầy:
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Ch/ Tướng Nhựt thì canh bạc xì phé ông ăn đậm nhất là khi mặt trận Bình Long nổ ra. Ông đã về nhiệm sở kịp thời để xí phần vì trên cương vị Tỉnh trưởng và Tiểu khu trưởng Bình Long, ông không góp tí công lao nào cả, mà moị chuyện đã có Ch/Tướng Lê VĂN HƯNG, Tư lệnh SĐ5/ BB, Đại Tá Lê Quang LƯỠNG Lữ Đoàn Dù, Đ/Tá HUẤN, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù lo trọn gói. Khi An Lộc được quân dân anh hùng tái chiếm, Bà vợ Ch/Tướng Nhựt đã chạy cửa hậu với chi Sáu Thẹo, kiếm cho cái chức Tư lệnh SĐ 2 BB và một ông sao (ông này có số núp bóng quần hồng).
Trong trận tái chiếm Sa Huỳnh, SĐ 2 BB dưới tài cầm quân của Ch/T Nhựt thì ra sao (?) xin mời qúy vị hãy nghe nhân chứng sống, Tr/ Úy Trần Thy Vân, người trực tiếp dự trận đánh với chức vụ Đai đội trưởng ĐĐ1/ Tiểu đoàn 21 BĐQ kể sau đây trong tập bút ký chiến trường ANH HÙNG BẠT MẠNG của Ông:
“Theo lời Thiếu Tá Quách Thưởng kể, trước khi T/T Nguyễn Văn Thiệu đến BCH Trung đoàn 6 xem thành quả tái chiếm Sa Huỳnh, các khối vũ khí được trình bày riêng rẽ, với tấm bảng đề tên đơn vị tịch thu. Dĩ nhiên chiến lợi phẩm của LĐI /BĐQ cũng được ghi rõ. Đặc biệt thêm một tấm tương tự treo trên nòng súng phòng không 12 ly 8. Nhưng khi phái đoàn Tổng Thống đáp trực thăng xuống và các Sĩ quan Mũ nâu ra sân đón rước, thì Ch/T TRẦN VĂN NHỰT LIỀN CHO BỘ HẠ NƠI PHÒNG TRIỂN LÃM ĐÁNH TRÁO HẾT CÁC TẤM BẢNG GHI CHIẾN LỢI PHẪM, NGHĨA LÀ MỘT DÃY 300 CÂY SÚNG ĐỦ LOẠI DO BĐQ TICH THU, BỖNG TRỞ THÀNH CHIẾN LỢI PHẨM CỦA SĐ2 BB. Ông còn trắng trợn, bỉ ổi không thể tả được là độc nhất có cây phòng không 12 ly 8 của Đ/Đ tôi cũng bị đánh tráo luôn, không chút ngượng taỵ Rõ ràng hành đông của Ch/T NHỰT như anh hàng thịt, treo đầu heo bán thịt chó. Tội nghiệp đám tướng sĩ tượng, cả xe pháo mã đứng xem chỉ biết tâm tắc khen tài, chứ đâu có ngờ ông bình vôi, nửa người nửa ngợm, vừa làm trò ảo thuật cướp công xương máu BĐQ…) (ngưng trích).
Tháng Tư năm 1975, Ch/T NHỰT (hay là GIỰT chạy) kéo được ít quân tháo chạy về Tuy Hoà, được Tr/Tướng Vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3 giao cho làm phụ tá hành quân tái phối trí lực lượng. Giữa lúc dầu sôi lửa đỏ, Ch/T Nhựt lên trực thăng xin đi thị sát mặt trận, nhưng vù thẳng ra Hạm đội 7, đào ngũ. Theo kỷ luật Quân đội: khi đối diện với đich mà đào ngũ thì ra toà án binh, bị tước đoạt binh quyền và có thể bị Tử hình. Nhưng khi qua đến Mỹ, Ch/T Nhựt đã không bị lột lon, mà còn tự phong là Thiếu tướng, ba hoa chích choè... Khi bị báo chí vạch lưng, thì đánh lận con đen, xưng là Tướng (General) để người ta có thể tưởng là Major General, hay Lieutenant General, hay hơn nữa... mà thực chất là phường biển lận, tên hèn nhát, kẻ vô liêm sĩ, bất tài. Đất nước chúng ta để cho những tên như vậy, giữ trọng trách trấn nhậm những vùng hiểm yếu, mà mãi đến 1975 mới rơi vào tay Việt Cộng, âu cũng là một phép lạ, hy vọng sử sách sẽ dành cho những tên tướng “Quảng-lạc” nầy vài chương, để hậu thế tránh vết xe cũ.
Hiệp định Paris được ký kết, trong đó có kèm theo 2 Nghị định Thư, tổ chức hai cơ quan thi hành, đó là ICCS (International Commission Control, Surpervision) goi là Uỷ ban kiểm soát và giám sát quốc tế gồm hai nước CS là Ba Lan và Hungary, hai nước tự do là Indonesia và Canada. Nhưng sau Canada thấy không đi đến đâu nên rút lui và Iran vào thay thế (thời gian nầy Iran còn có Vua Palavi, thân Mỹ) và cơ quan kia là Ban liên hợp quân sự bốn bên và sau còn lại hai bên (VNCH và Thằng Giải Phóng đội lốt). Trung tá VÕ VÀNG bị đưa về Phú Bài/ Huế giữ chức vụ Trưởng toán BLH/ Quân Sự VNCH Phú Bài, một chức vụ ngồi chơi xơi nước vối. Anh như con cọp bị chặt hết nanh vuốt, buồn rầu, chán nản. Tôi đến thăm anh, tìm cách an ủi anh, cũng như tìm hiểu nguyên nhân tại sao cờ đến tay anh đang phất mà bị người ta giựt mất. Anh chỉ buồn rầu nói:
-“Chỉ vì anh biết quá nhiều, người ta sợ anh nổi lên thì ngươì ta sẽ mờ đi. Nó nhiều tham vọng nhưng tài hèn và nhiều thủ đoạn”.
Tôi sợ anh buồn chán, nên đem đến cho anh đủ dụng cụ thể dục và khuyên anh tập đều đặn, để giữ sức khoẻ, ngươì ta sẽ cần đến anh. Trong thời gian ở Phú Bài, công việc của anh có phần nghi lễ, nghĩa là đón tiếp các phài đoàn từ Sài gòn ra tại sân bay Phú Bài.
Một hôm anh ra đón một Đại tá người Hungary, Tr/Ta' Võ Vàng trong cái bắt tay xả giao, đã bóp nát tay tên Đ/Tá CS, tên Đại tá nầy sau đó làm lớn chuyện, gởi văn thư phản kháng đến Trung ương. Anh rất căm thù CS dù dưới màu da nào.
Hiệp định Paris chưa ráo mực, CSVN đã vi phạm khắp nơi, Tướng Ngô Quang Trưởng sáng suốt, thấy được viên dõng sĩ đang ngồi chơi xơi nước vối, nên vội gọi vào trình diện và giao cho Liên đội ĐPQ Quảng Nam, hình thức tổ chức của Liên đội ĐPQ, cấp số cũng tương đương với Lữ đoàn hay Trung đoàn. Khi đi nhận nhiệm vụ, anh có hỏi tôi: “Muốn làm việc cạnh anh không?”. Tôi biết anh thương tôi, muốn nâng đỡ tôi. Tôi quá quyến luyến màu áo đang mặc, nên xin cho thời gian nữa. Nhưng không có thời gian nào cho chúng tôi nữa cả.
Tháng 3/75, Đà Nẵng tan tác, Đà Nẵng uất nghẹn đau thương, tan đàn rẻ nghé. Ngày 5 tháng 4 năm 1975, một buổi sáng tôi ra giếng nước trong Quận Điện Bàn, Quảng Nam (nơi đám tù tàn binh tập trung) để lấy nước, bất ngờ gặp anh, tôi như chết lặng. Tay trái anh được treo lên: Anh cho biết ngày 29/3 mới về đến Đà Nẵng, đang đi trên đường Thống Nhất gần cầu Vòng thì bị một chiếc xe dân sự tông anh, may mà anh văng lên lề, chỉ bị thương. Tôi thật sự lo lắng cho anh, vì anh nổi tiếng quá. Ngay đây, nơi tập trung tù binh, cũng không có ai dám gần anh để giúp anh trong khi anh đang bị thương. Tôi chỉ nói với anh, ngay bây giờ anh phải tìm cách thoát, lợi dụng lúc nầy để thoát, nguy hiểm quá. Tuần lễ sau, tôi bị đưa đi chỗ khác với thầy Hoàng Thế Diệm, không còn qua lại thăm anh.
NGƯỜI ANH HÙNG BỊ THỦ TIÊU:
Sau thời gian tập trung tại Quận đường Điện Bàn QN, tất cả tù tàn binh trình diện hay bị bắt tại ĐaNang, được đưa lên Trại Kỳ Sơn. Trại Cải tạo Kỳ Sơn gồm 1 tổng trại và 4 phân trại. Sĩ quan cấp tá ở traị I gần mỏ vàng Bồng Miêu. Trại 2 nằm sâu về hướng Tây, dành cho Sĩ quan cấp Đại uý. Trại 3 và 4 dành cho cấp Trung uý trở xuống, gần trại 1 và Tổng trại. Anh Võ Vàng nằm trong trại 1. Sau thời gian đầu lo xây dựng doanh trại, phát rẫy canh tác, ổn định nơi ăn chốn ở.
Từ cuối 1975 đến đầu năm 1976, các đợt hoc tập chính trị được mở ra trên quy mô rộng lớn. Tất cả đều nghỉ lao động và tham dự 100%. Những buổi học, tất cả tập trung tại hội trường để nghe cán bộ chính trị lên lớp và sau đó về tổ thảo luận những bài: “Đế quốc Mỹ, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù số I cuả nhân dân ta và loai` ngươì tiến bộ trên trai' đất. Hệ thông' Xã hôị chủ nghĩa”… Nhưng hóc búa và điên đầu nhất là bài “Nguỵ quân và Nguỵ quyền, tập đoàn tay sai bán nước”. Sau khi ngồi nghe chửi rủa trên hội trường, trở về tổ phải liên hệ bản thân, tự giác khai ra những việc đã làm trong thời gian phục vụ trong quân đội VNCH. Đây là bản án, tự mình viết cho mình, ai cũng phải tìm cho mình một cái tội.
Sau đợt hoc tập chính trị, có ngươì như bị kiệt sức vì bị những đòn tra tấn cân não. Nhiều lúc giữa đêm khuya bị goi lên khung (bộ chỉ huy) “làm việc”, cứ tra đi hỏi laị nhũng họat động đã qua. Tr/ Tá Võ Vàng là mục tiêu chính, bọn cai tù nhắm đến, luôn luôn chúng đặt câu hỏi: “Trong quá trình chỉ huy BĐQ, Trung đoàn trưởng, Liên đội trưởng, anh đã giết bao nhiêu Cán bộ CS và dân lành?”. Mấy ngày đầu anh trả lời:
- Trên cương vị chỉ huy, tôi chưa bao giờ trực tiếp bắn còn lính dưới quyền, lúc xung trận, ai bắn chậm thì chết, tôi không biết”
Bọn chúng đâu có chịu. Bọn chúng quay anh từ sáng tới tối, ngày nọ sang ngày, nhưng anh vẫn kiên gan giữ vững lơì khai. Đến lúc đó, bọn chúng mới đem những tờ báo cũ có ghi kết quả các trận đánh ra và tổng kết tổn thất địch (VC) trong khoảng thời gian anh Vàng chỉ huy, không dưới 20 ngàn VC phơi thây. Bản án Tử hình cho anh đã manh nha thành hình. Trong số các vệ binh coi tù, có nhiều tên mới theo VC sau 30/3/75, gồm nhiều thành phần, có tên rất khát máu, thù hận vì có thân nhân bà con chết trong cuộc chiến, nhưng cũng có tên nguyên trước 30 tháng 3 là hoc trò của vợ tù, nên cũng dễ dãi và dễ bị mua chuộc để lấy tin tức.
Sau đợt học tập chính tri quy mô kéo dài trên một tháng, tất cả tù được lệnh đi lao động trở lại. Một đêm đầu tháng 4 năm 1976, bộ chi huy trại 1 có cuộc họp chi bộ đảng, bản án tử hình dành cho Tr/Tá VÕ VÀNG đã được tổng trai Kỳ Sơn ký từ trước. Buổi họp nầy có mục đích tìm ngươì tình nguyện thi hành bản án. Tên Nguyễn Bốn, tên vê binh loắt choắt, nhỏ con nhưng khét tiếng ác độc và khát máu đối vời tù, đứng lên tình nguyện thi hành (tên Bốn nầy có cha hoạt đông nằm vùng cho VC bị Nghĩa quân giết).
Buổi trưa Hè tháng 4 năm 1976, tổ của Tr/tá Võ VÀNG có nhiệm vụ tiả bắp trong rẫy, cạnh sông Vàng (nói là sông, nhưng thật sự là giòng suối nhỏ chảy qua các ghềnh đá bị xoi mòn rất đẹp) trong khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Trời đứng bóng, nắng chang chang, tất cả tổ nghỉ lao động kéo nhau vào bóng mát, lấy vắt cơm sắn và chút nước mắm cái ra ăn, thì tên Nguyễn Bốn xuất hiên với AK trên tay, ra lệnh:
-“Anh Vàng theo tôi lên đồi nhổ sắn (củ mì) về bồi dưỡng cho cả tổ”.
Linh tính báo cho biết việc chẳng lành, anh em trong tổ nhao nhao lên:
-“Xin anh cho tôi đi nhổ sắn thay, vì anh Vàng mấy hôm nay bi kiết lị, yếu lắm”.
Nhưng tên Bốn vẫn khăng khăng bắt anh Vàng đúng lên đi lên đồi. Khoảng từ 7 đến 10 phút sau, thì một loạt AK nổ. Lát sau, tên Bốn trở xuống noí:
-“Các anh lên đem xác tên Vàng xuống chôn cất, nó giựt súng tôi, nên tôi đã xử lý”.
Bọn khốn nạn, lũ hèn nhát đã giết anh một cách hèn hạ. Tại sao chúng lại dựng nên tấn tuồng giết người tay không một cách hèn hạ như vậy? Vì bản chất chúng là bọn người hèn hạ, đê tiện, làm việc gì cũng không quang minh, chính đại, hành động của lũ đầu trộm, đuôi cướp…
Anh đã tức tưởi nằm xuống bên giòng sông Vàng, trong khu mỏ vàng Bồng Miêu, như là một định mệnh.
Anh VÕ VÀNG kính yêu,
Đã 29 năm, ngày Tổ quốc bị bức tử, 28 năm ngày anh bị chúng hành hình một cách hèn nhát. Thời gian đủ để mọi ngươì mở mắt nhìn thấy rõ “Thiên đường Cộng Sản”, thời gian đủ dài để xác thân anh trở về với cát bụi, và em tin tưởng linh hồn anh đang oai nghi, thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Xin hãy cho em một lần được nhắc đến tên Anh, Anh VÕ VÀNG, với lòng kính phục và thương tiếc sâu xa, một người anh, một chiến sĩ QLVNCH kiệt xuất, hy sinh hết tuổi thanh xuân và cống hiến thân xác cho đại cuộc: “Bảo vệ tự do cho Tổ Quốc”. Xin anh cho em được đốt nén hương tưởng niệm anh nhân ngày giỗ thứ 27 của anh. Xin anh cho em một lần nữa nhỏ nước mắt nhớ thương Anh!
Trương Đức Thủy
2004
* * *
Cảm nghĩ của độc giả Lê Diệu Anh khi đọc bài viết trên đây:
Không biết có phải vì em là con của một người lính tác chiến VNCH hay vì em là một người phụ nữ đa sầu đa cảm thường hay xúc động trước những hoàn cảnh? Có lẽ cả hai yếu tố trên cộng lại trong em, cho em những cảm xúc dâng trào khi em đọc bài viết này. Tim em quặn thắt xót xa như Trung Tá Võ Vàng là cha em. Em nhìn thấy trong cái khí phách của Trung Tá Võ Vàng trong cha em, mười mấy năm mòn gót giày saut ở Quân Khu 3 không hề viết đơn xin về chốn bình yên. Thời nữ sinh Trung học, em cũng hằng đêm khắc khoải âu lo chung nỗi lo của má, em luôn lo sợ có một ngày bạn đồng đội của ba đến nhà báo hung tin, em ứa nước mắt khi nghe ba nói với má:
-"Tất cả những giấy tờ cần thiết anh để vào trong bìa sơ-mi này, nếu anh có bề gì em cầm đi lo lãnh tiền tử nuôi con".
Có còn lời dặn dò nào, có còn sự chuẩn bị nào nghiệt ngã hơn không anh?
Nhưng chiến tranh là vậy đó, người lính VNCH là vậy đó, biết trước sự hiểm nguy đang chực chờ không biết đến lúc nào nhưng họ vẫn hăng say chiến đấu đến viên đạn, đến hơi thở sau cùng. Em hiểu rằng có biết bao nhiêu tấm gương anh hùng dũng cảm hy sinh thầm lặng mà sử xanh chưa lưu danh, nhưng khi đọc được bài viết về vị anh hùng nào em cũng đều mang chung tâm trạng xót xa thương cảm pha lẫn niềm tự hào vì mình được sinh ra và lớn lên trong thời VNCH đã có những người ông, người cha anh hùng đến như vậy.
Bài viết về Trung Tá Võ Vàng em mới biết lần đầu, em thấy hãnh diện vì VNCH đã có những vị Sĩ Quan như ông, rồi tim em như nghẹt thở, như ai đang bóp chặt tim mình khi đọc những dòng sau. Đời ai cũng một lần chết, sao không cho ông chết hiên ngang ngoài chiến trường khi đang chỉ huy binh lính của mình? Cho xứng đáng với khí phách oai dũng của ông? Cho ông đươc mỉm cười nơi chính suối? Sao số phận nghiệt ngã cho ông chết khi trong tay không còn vũ khí? Dù sao vẫn còn đó một chút tự hào vì bọn Việt Cộng khiếp sợ uy danh của ông nên hèn hạ giết ông.
Em xin cám ơn tác giả Trương Đức Thủy đã viết về người anh kính mến của mình thật chân tình và xúc động. Em xin cám ơn Phong Duong ... (bỏ một đoạn). Dù muộn màng cũng xin thành kính gởi đến hương linh Ông Trung Tá Võ Vàng một niềm tự hào và tiếc thương Ông.
Lê Diệu Anh.
* * *
Xem bài liên hệ với chủ đề: click vào đây và vào đây
Nghe thêm trên trang Nhạc: click vào đây
Xem thêm trang “Đất nước, con người”: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.net