EM TÔI
Sáng tác: Nguyễn Hữu Thiết
Ca sĩ: Ngọc Bảo.
* * *
Gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác ở miền Nam đã phải chịu đựng sự đau khổ vì sự mất mát của người thân qua cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài suốt 20 năm. Em tôi mất lúc em vừa 20 tuổi.
Tôi là chị đầu và lớn hơn em 6 tuổi. Ba mẹ tôi rất khổ sở nuôi em vì em hay bị chết giả. Lúc 2 tuổi, em chết thật lâu, cả người lạnh ngắt, mẹ tôi hơ chân em lên lò lửa gần phỏng chân mà em vẫn không tỉnh. Bác sĩ đề nghị chích thuốc hồi dương cho em, nhưng có một điều là em có thể đi luôn hoặc sống lại. Em qua khỏi lần này. Lúc tôi 11 tuổi tôi thường hay chơi đồ hàng với các em, tôi bảo em:
- Ân vào nhà lấy tờ giấy ra để chị cắt làm tiền.
Em vào nhà lấy tờ giấy trắng đưa cho tôi, tôi vừa cầm tờ giấy là em cười ngặt nghẽo vì em đã nhổ nước bọt vào giấy rồi gấp lại. Cười một lúc thì người em tái xanh và té xỉu xuống đất. Thế là cả nhà lại cuống cuồng. Em càng lớn thì cái bệnh chết giả của em càng bớt. Em trắng trẻo rất giống mẹ tôi, đến nôỉ giống cả nốt tàn nhang trên mặt. Có lần tôi đùa với em:
- Con trai giống mẹ là bần tiện khó ba đời!
Vừa nghe xong là em trốn biệt, tôi kiếm mãi mới thấy em ngồi khóc thút thít trong xe của ba tôi. Tôi dỗ dành em và hứa không bao giờ nói như vậy nữa.
Năm 1974, em ra trường sĩ quan Thủ Đức và được điều động ra đơn vị tác chiến ở miền Tây. Tháng 8 năm ấy, gia đình tôi trên đường từ Huế thuyên chuyển vào Sài Gòn, tạm dừng chân ở thành phố Bình Tuy. Một hôm, nửa đêm, tôi đang ngủ, tôi giật mình thức giấc, lòng như lửa đốt, tay chân bứt rứt, khó chịu lạ lùng, tôi cứ than thở với chồng tôi
- Cơ thể của em sao lạ quá!
Suốt đêm, tôi không tài nào ngủ được, cứ đi tới đi lui trong nhà. Trưa hôm sau tôi nhân được điện tín của mẹ tôi “Em Ân tử trận…”. Ba mẹ tôi từ Quảng Ngãi, gia đình tôi từ Bình Tuy vào Sài Gòn nhận xác em. Quan tài của em được đưa về chùa Vĩnh Nghiêm làm lễ truy điệu và sau đó em được đưa đến nơi an nghỉ ở nghĩa trang Biên Hòa. Thật là oái ăm! Em không chết vì bệnh tim thuở bé mà lớn lên chết ở chiến trường, mặt trận Kiến Phong lúc 20 tuổi. Thật là chua xót! Em chưa có người yêu.
Em đóng quân ở miền Tây nên những lúc về phép em thường hay về Sa-Đéc ở chơi nhà chú thím Ảnh. Chú Ảnh lúc xưa làm việc với ba tôi ở Ty Thú Y, Quảng Ngãi. Sau này gia đình chú chuyển về Sa-Đéc nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình tôi. Những lúc có dịp về miền Tây chơi, ba mẹ tôi đưa chúng tôi về Sa-Đéc thăm chú thím. Vùng Sa-Đéc có một loại vú sữa rất ngon hình giống như trái tim. Tôi không thấy loại vú sữa này bán ở Sài Gòn. Có lần thím Ảnh dẫn tôi đi chợ Sa-Đéc chơi, tôi thấy con gì mà người ta lột da cứ giống như thịt gà hay là thịt ếch bày bán khắp chợ. Thím Ảnh cho tôi biết đó là thịt chuột. Chỉ nghe không thôi mà người tôi nổi gai ốc. Thím mua thịt chuột thật nhiều đem về làm món nhậu. Cả nhà ngồi ăn ai cũng khen ngon. Ba tôi và chồng tôi cứ ép tôi thử một miếng, cứ bảo là tôi không thử là bỏ cơ hội thưởng thức món ăn ngon của miền Tây. Thấy cả nhà nói mãi tôi đành rón rén lấy một miêng nhỏ bỏ vào miệng. Thế là miếng thịt ấy nằm ngay cổ tôi, nuốt không xuống mà khạc cũng không ra. Tôi ngưng bữa ăn. Khuya hôm đó, vừa về tới Sài Gòn là tôi ói ra mật xanh mật vàng.
Chú thím Ảnh có một bé gái rất xinh và duyên dáng. Cả nhà tôi đều yêu bé Thanh. Không biết em Ân của tôi có cảm tình đặc biệt với bé Thanh không mà gần như hễ có dịp là em vê ở lại nhà chú thím cho đến hết phép lại về đơn vị. Hôm tang lễ của em, mẹ tôi ngồi nói chuyện với chú thím về ngày tử trận của em, thím Ảnh cứ nói là mẹ tôi nhớ lộn vì ngày ấy thím thấy em tôi đang nằm trên võng đu đưa dưới nhà ngang. Thím cứ nghĩ là em được phép về bất thường nên đứng trên nhà nói vọng xuống. Một lúc sau thím xuống nhà ngang thì chẳng thấy em đâu nên thím nghĩ rằng em chỉ ghé ngang nhà chơi một chút rồi đi.
Sau khi đưa em lên nghĩa trang Biên Hoà, ba mẹ tôi lên đường trở về Quảng Ngãi. Vợ chồng tôi và 3 con ở lại Sài Gòn lo làm thủ tục thuyên chuyển từ Bình Tuy vào Sài Gòn. Ông chú của chồng tôi đang làm Giám Đốc Nha Sưu Tầm và Nghiên Cứu Giáo Dục kêu chồng tôi vào Sài Gòn làm việc. Lúc xưa mấy ông có chức vụ ở Sài Gòn thích xem bói toán lắm! Ông chú của nhà tôi đưa chúng tôi đến gặp một cô rất trẻ và xem bói toán rất hay. Thú thật là tôi không phải là người thích bói toán nhưng vì ông chú "ra lệnh" nên tôi phải nghe. Cô xem bói toán ngồi trong phòng riêng đóng kín cửa xem bói cho từng người một. Đến phiên tôi vào cô ngẩng đầu hỏi tôi"
- Người kia đâu?
- Đâu có ai? Có một mình tôi thôi mà!
- Em thấy rõ có một người đi bên chị. Người ấy mặc đồ lính!
Không hiểu sao lúc ấy tôi rất bình tĩnh trả lời cô ấy:
- Ồ! Vậy chắc là em trai của tôi. Tôi vừa đưa em ra nghĩa trang Biên Hoà.
- Chị à! Em thấy anh này thương chị lắm đó. Anh ấy sẽ theo bảo vệ chị.
Thuở đó tôi nghe cô ấy nói thế thì chỉ biết vậy thôi. Nhưng sau này có nhiều chuyện xảy ra tôi nghĩ là hình như em tôi đã che chở cho tôi thoát nhiều nguy hiểm lạ kỳ lắm! Sau 75 gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác lao vào con đường vượt biên. Trải qua bao nhiêu chuyến thất bại gia đình tôi vẫn đoàn tụ để tiếp tục cuộc hành trình mới. Chồng tôi nổi tiếng là người gan lì, 3 lần bị giam vì vượt biên không thành anh ấy đều vượt trại ra để vượt biên tiếp. Có lần tôi phải lặn lội về miền Tây xa xôi để mang tiền cho chồng tôi toan tính vượt trại. Đêm hôm khuya khoắt chẳng may tôi gặp tên công an nham hiểm toan hành hung nhưng tôi đã may mắn thoát hiểm.
Suốt 8 năm theo đuổi vượt biên từ năm 1976 cho đến chuyến sau cùng vào năm 1984. Lúc ấy tôi đã cho một đứa con trai đi trưóc nên chuyến này chỉ còn lại 2 vợ chồng và 2 đứa con. Ngày thứ hai tàu vừa ra hải phận quốc tế là thuyền trưởng đã la lên:
- Có 2 chiếc tàu Thái Lan đang rượt theo chúng ta!
Mọi người đều thở dài thất vọng vì chiếc tàu của chúng tôi nhỏ bé mà chứa đến 140 người cọng thêm lương thực và nước uống thì làm sao mà thoát tàu Thái Lan được. Thuyền trưởng ra lệnh vất bỏ tất cả thức ăn và nước uống xuống biển để tàu được nhẹ hơn. Tôi thở dài não nuột. Thế là hết! Vậy mà sau một thời gian ngắn tôi cũng không nhớ chính xác là bao lâu, bỗng nhiên nghe thuyền trưởng la lớn:
- Hai chiếc tàu đều bị bốc khói. Chúng ta thoát nạn rồi!
Tôi không hiểu vì sao 2 chiếc tàu ấy lại bị cháy. Có lẽ do tranh giành làm ăn nên đánh nhau chăng?
Chiếc tàu mong manh tiếp tục chạy. Mọi người đều nhịn đói và khát. Chỉ còn một ít gạo nên mỗi ngày mỗi người được phân phát một muỗng cơm và một muỗng nước. Nước uống là do mọi người đóng góp giày dép, áo quần nấu nước biển theo kiểu thông hơi để lấy nước ngọt. Để tránh cảnh giành giật, một anh chàng lính lực lưỡng lo việc phân phát. Tôi còn nhớ anh ấy tên là Ngữ. Hai vợ chồng tôi không ăn, không uống để dành muỗng cơm và nước cho 2 con. Đứa con trai đầu của tôi lúc ấy 16 tuổi, đang sức lớn mà mỗi ngày chỉ vài muỗng cơm và vài muỗng nước thì làm sao chịu được. Thế là nó cứ leo lên trên bong tàu rồi lại tụt xuống khoang tàu. Lúc ra khơi thì chồng tôi và một số đàn ông khác đã leo lên bong để trong khoang tàu có chỗ để thở. Đêm khuya ngoài khơi đen ngòm nếu con tôi sẩy tay rớt xuống biển thì cũng không ai thấy đường mà vớt được. Nó cứ leo lên tụt xuống miệng thì lẩm bẩm "Đi xem phim đông người quá! Ăn cà-rem ngon quá chừng!". Hai vợ chồng nhìn con mà chảy nước mắt. Chúng tôi không thể nào giữ nó yên một chỗ được. Thôi đành phó thác cho số mệnh!
Qua đến ngày thứ ba tàu bỗng nhiên tắt máy. Tài công sửa máy cả ngày tàu vẫn không nổ. Đến khuya thuyền trưởng hỏi ý mọi người là gom góp tất cả áo quần làm thành chiếc buồm để thuyền theo gió trôi vào bờ biển Thái Lan. Mọi người đều tuyên bố thà chết ngoài khơi chứ nhất định không trở vào bờ biển. Thế là thuyền trưởng cho đốt lửa ra dấu hiệu cho các tàu lớn khác cứu. Nhưng các tàu ấy đều hững hờ bỏ đi chỉ thả xuống thức ăn và nước uống. Vì sóng mạnh nên tàu chúng tôi không vớt được gì. Tàu không người lái trôi nỗi giữa biển Đông bao la. Qua sáng hôm sau mọi người biết bơi đều nhảy xuông biển tắm, cười đùa vui vẻ giống như chấp nhận số phận đã an bày. Tôi ngồi trong khoang tàu nhìn mọi người bơi lội, tâm tư bình thản suy nghĩ: "Tội nghiệp cho ba mẹ tôi khi hay biết gia đình tôi đã bỏ mạng trên biển".
Một ngày nữa lại trôi qua, bỗng nhiên một anh chàng trẻ tuổi, thư sinh trắng trẻo lên tiếng với giọng Bắc Kỳ 75:
- Thưa các bác! Tôi xin thú thật tôi đã đi du học Liên xô 7 năm về cơ khí. Khi tôi bước chân lên chiếc tàu này tôi không dám mở miệng vì sợ các bác ném tôi xuống biển. Bây giờ nếu các bác chấp thuận tôi là một người đi tìm tự do như các bác thì tôi sẽ thử sửa máy tàu xem sao. Nếu các bác không chấp thuận thì chúng ta cùng chết vậy!
Mọi người đều đồng ý để anh chàng này sửa máy. Tiếng máy nổ hòa theo tiếng vỗ tay reo vang của mọi người. Anh chàng ấy cho biết máy chỉ nổ một lần thôi. Nếu máy tắt một lần nữa là chịu thua. Vậy mà ông thuyền trưởng cứ "anh hùng" bảo là trên đường đi đến Nam Dương nếu gặp được tàu lớn ông chỉ cần xin thêm xăng dầu rồi tiến thẳng tới trại tị nạn Galang. Chồng tôi nghe thuyền trưởng nói sợ quá vội tìm cách gần ông trò chuyện nói là để giúp ông trong việc giao tiếp với tàu ngoại quốc. Không bao lâu sau tàu chúng tôi gặp được giàn khoan dầu của Indonesia. Ông thuyền trưởng cho tàu chạy quanh giàn khoan và đứng nghiêm theo tư thế chào. Nhân viên của giàn khoan cho phép thuyền trưởng lên gặp họ nói chuyện. Ông thuyền trưởng nói với mọi người là ông sẽ xin xăng và bản đồ để đến trại tị nạn Galang. Mọi người nghe hoảng sợ quá vì mọi người biết là sẽ chết nếu tàu hư một lần nữa. Trước khi theo thuyền trưởng lên giàn khoan chồng tôi nói nhỏ với thợ máy “phá máy ngay!”
Thế là nhân viên giàn khoan không thể nào sửa cho máy chạy được. Họ đành cho chúng tôi lên giàn khoan. Từng người một sắp hàng đứng dưới vòi nước mạnh xịt vào thân thể đễ tẩy uế sau nhiều ngày trên tàu. Sau khi mọi người lên tàu nhân viên giàn khoan cho phóng hoả đốt ngay chiếc tàu của chúng tôi. Nhìn chiếc tàu mong manh cháy trôi giạt giữa biển, tôi không biết tại sao lòng tôi không có một chút cảm xúc buồn hay vui. Qua ngày hôm sau tàu của giàn khoan dầu đưa mọi người đến thẳng đảo Kuku. Đây là những ngày thật thanh thản. Mọi người tha hồ tăm biển và ăn cá tươi. Sáng nào cũng có mấy chiếc thuyền nhỏ đem cá tươi đến để đổi gạo. Gạo chúng tôi ăn không hết thì đem đổi lấy cá tươi nấu cháo. Dừng chân ở đây vài ngày trước khi gia đình chúng tôi được đưa vào trại tị nạn Galang để chuẩn bị lên đường đi Mỹ vào đầu năm 1985.
Năm 1990, vào tiết Thanh Minh, tôi nằm mơ thấy em hiện về than thở lạnh và không có nhà. Lúc ấy điện thoại ở Việt Nam chưa được phổ biến nên tôi chạy ra Hoa Phát đánh điện thư về Việt Nam nhắn mẹ tôi lên nghĩa trang xem mộ em thế nào. Ba mẹ tôi quyết định cải mộ cho em. Sau 16 năm, bao nhựa bọc thân xác em vẫn còn nguyên, vừa cắt bao là nước chảy ra như suối. Hèn gì mà em than lạnh! Một điều lạ lùng là một bàn tay trắng trẻo như con gái của em vẫn còn nguyên. Vừa thấy bàn tay em là mẹ tôi la lên:
- Đúng là con rồi
Từ ngày nhận quan tài của em, mẹ tôi cứ lo là không biết có nhận đúng người không. Nhiều đêm mẹ tôi xin em báo mộng cho mẹ tôi gặp, nhưng không bao giờ em hiện về. Em được đưa về Gò Dưa, nằm bên cạnh ông ngoại của tôi. Tôi không phải là người dị đoan, mê tín, nhưng tôi tuyệt đối tin vào sự hiện hữu của thế giới vô hình. Tôi nghĩ là những người khuất mặt bay lơ lửng trong không gian như những làn sóng, nếu bắt gặp được những tần số thích hợp thì phát tín hiệu vì con người chúng ta ai cũng có nhân điện mạnh hoặc yếu. Bởi vậy cho nên có người gặp được tín hiệu, có người không. Tôi nhìn khuôn mặt non trẻ của em trong bộ quân phục sĩ quan Thủ Đức và tin chắc rằng em đang thanh thản ở một nơi nào trong cõi hư vô.
Tháng Tư đen, 2013
Nguyễn Thu Hương.
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang “Tạp văn, tùy bút”: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com