Lời giới thiệu:
Dưới đây là bài viết về vị Tổng Thống thứ 40 của Hoa Kỳ.
Những hình ảnh, đa số về tang lễ của TT Reagan, được uploaded không theo thứ tự thời gian của buổi lễ theo bài viết và không ghi chú thích đầy đủ từng tấm hình, mong độc giả lượng thứ.
Xin giới thiệu cùng độc giả.
Webmaster.
- - - - - -
(Nhân kỉ niệm sinh nhật 100 năm của cố Tổng Thống Reagan) (NVQN.)
Chân dung cố TT Ronald Wilson Reagan, hình chụp năm 1981.
Sơ lược về cuộc đời.
Cố Tổng Thống Ronald Wilson Reagan (1911 – 2004) không phát xuất từ một gia đình quyền thế và giàu có như phần lớn các vị Tổng Thống Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 6 tháng 2 năm 1911 tại tầng 2 của một chung cư rẻ tiền dành cho người có lợi tức thấp thuộc thành phố Tampico, tiểu bang Illinois. Cha ông làm nghề bán giày và thường say sưa vì nghiện rượu. Mẹ ông là một người có đức tin vào tôn giáo cao độ, thường xuyên làm thiện nguyện giảng dạy tại nhà thờ vào những chiều Chủ Nhật. Tư cách và niềm tin của mẹ đã ảnh hưởng nhiều đến cậu con trai út Reagan trong việc xác định căn bản đạo đức và giá trị tinh thần. Cha ông đã di chuyển gia đình đi nhiều nơi, đến năm Reagan lên 9 tuổi, gia đình dời về thành phố Dixon gần Tampico, cha ông mở tiệm bán giày, mẹ ông làm nghề may và nội trợ. Có đêm Reagan tìm thấy cha mình đang say đi lọang chọang trên tuyết, đã mang cha vào nhà và săn sóc cha. Bên cạnh đó, cha của Reagan có biệt tài thuyết phục người khác nhờ lối nói năng duyên dáng, khôi hài, và điều nầy cũng đã ảnh hưởng nhiều đến công việc và sự nghiệp cuả Reagan sau nầy.
Phi công Reagan năm 1943, lái P-40 trong Quân lực Hoa Kỳ.
Do hòan cảnh gia đình như vậy nên trong những năm ở bậc trung học Reagan đã phải đi làm nhiều công việc như đào hố, đào mương, sóat vé tại các hí viện, lượm lon, và nhất là làm việc trong “tóan cứu người khỏi bị chết đuối khi đang tắm ở khu giải trí Lowell Park và Rock River” (Life-guard - Reagan đã làm việc nầy trong 7 mùa hè và đã cứu sống được 77 mạng người). Từ năm 14 tuổi, vào những mùa Hè, Reagan đã phải làm 10 giờ trong một ngày, 6 ngày trong một tuần, kiếm được mỗi tuần 20 dallars và để dành tiền đóng học phí theo học Đại học. Trong những năm tại Trung học và Đại Học, Reagan đã chơi football, đã tham dự vào nhiều sinh họat khác nhau và đều được bầu là Chủ tịch Sinh viên. Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 1932, cuộc đời của ông là một chuỗi dài sống động trong nhiều lãnh vực với thành công nhiều hơn thất bại:
- Làm xướng ngôn viên thể thao cho đài phát thanh ở thành phố Daveport tiểu bang Iowa. Trong thời gian nầy, ông trở thành nỗi tiếng khắp miền Trung Nam Hoa Kỳ qua vai trò xướng ngôn viên cho các chương trình football và baseball với biệt danh “Dutch Reagan”, (Dutch là tên “cúng cơm” mà cha ông đặt cho khi ông mới chào đời)
Reagan cùng mẹ, bà Nelle Reagan và cha, Jack Reagan 1937
- Năm 1937, trong khi dời qua California để phụ trách truyền thanh chương trình huấn luyện thể thao mùa Xuân, ông được mời đóng vai phụ trong phim “Love Is on the Air”. Từ đó ông tiếp tục làm tài tử đóng hơn 50 phim trong đó có nhiều phim nỗi tiếng. Từng là Chủ tịch nghiệp đòan các diễn viên điện ảnh và ủng hộ đảng Dân chủ.
- Kết hôn với nữ tài tử Jane Wyman năm 1940, được ba người con và ly dị năm 1949.
- Phục vụ trong quân đội thời thế giới chiến tranh lần thứ hai và giải ngũ với cấp bực Đại Úy trong vai trò không chiến đấu (noncombat role - ở ngành phim ảnh, huấn luyện).
- Kết hôn với nữ tài tử Nancy David - Nancy Reagan - năm 1952 được hai người con.
- Đổi sang đảng Cộng Hòa, ủng hộ Eisenhower và Nixon 1952, 1956 và 1960.
- Đọc bài điền văn nổi tiếng và gây nhiều ảnh hưởng tại Đại Hội Đảng Cộng Hòa năm 1964 ủng hộ ứng cử viên Tổng Thống Bary Goldwater.
- Đắc cử Thống Đốc Tiểu bang California năm 1966 đánh bại đương kim Thống Đốc Dân Chủ Edmund Brown với số phiếu bầu cách biệt rất xa (hơn một triệu phiếu) trước sự ngạc nhiên của nhiều giới quan sát. (Thống Đốc Brown rất nỗi tiếng thời bấy giờ, đã từng đánh bại Richard Nixon năm 1962 khi Nixon tranh cử Thống Đốc sau khi thất cử Tổng Thống trước Kennedy năm 1961. Thống Đốc Edmund Brown là thân phụ ông Jerry Brown - hai nhiệm kỳ Thống Đốc California 1982-1990 và hiện và mới vừa đắc cử Thống đốc CA lần thứ ba).
Cặp bài trùng: Reagan và Thủ Tướng Anh, "bà đầm thép" Thatcher
{Tổng Thống Mỹ Reagan và Thủ Tướng Anh quốc Margaret Thatcher, mỗi người đều phục vụ 2 nhiệm kỳ (8 năm), đồng thời, đã sát cánh nhau không chỉ để phục vụ cho 2 quốc gia Mỹ, Anh mà cho cả thế giới qua nhiều công tác mà thành quả quan trong nhất đó là "đánh sập thành trì Cộng sản, phá vỡ "Bức tường Ô Nhục" Bá Linh, biến "Xô Viết Liên bang" thành "Xô Viết tan hoang". Việc làm nầy đã được thế giới ca tụng. Ông Nicolas Wapshott, một biên tập viên của: New York Sun, The Times London, Times Magazine, The Observer... đã viết cuốn sách nhan đề "Ronald Reagan and Margaret Thatcher: A Political Marriage" (R. Reagan và M. Thatcher: Cuộc hôn nhân chính trị) do Sentinel Trade phát hành, 25-11-2008. (xem hình). (Webmaster chú)}.
Hình bìa cuốn sách
- Tuyên bố ra tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhưng cuối cùng đã ủng hộ Nixon trong lần tranh cử năm 1968.
- Tái đắc cử Thống Đốc Calfornia nhiệm kỳ 1970-1974.
- Tuyên bố tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhưng thất bại trước đương kim Tổng Thống Gerald Ford trong vòng tranh cử nội bộ của đảng Cộng Hòa năm 1976.
Reagan, học sinh lớp 4 (phía trái hàng 2, tay sờ cằm) ở Tampico, năm 1920.
- Đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 1980-1984, đánh bại đương kim Tổng Thống Dân Chủ Jimmy Carter. (Reagan thắng 44 Tiểu Bang, Carter thắng chỉ thắng 6 Tiểu Bang). Năm đó ông đã 69 tuổi và là người già nhất đắc cử Tổng Thống trong lịch sử Hoa Kỳ.
- Bị ám sát năm tháng 3 năm 1981 nhưng thóat chết, được giải phẩu lấy mảnh đạn ra an tòan và bình phục nhanh chóng.
- Tái đắc cử Tổng Thống nhiệm kỳ 2 (1984-1988), đánh bại cựu Phó Tổng Thống Walter Mondale, ứng cử viên đảng Dân Chủ, với số phiếu thắng cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ (Reagan thắng tại 49 Tiểu bang, Mondale chỉ thắng tại Tiểu bang Minnesota là quê nhà của ông ta).
- Rời Tòa Bạch Ốc năm 1988 sau 2 nhiệm kỳ Tổng Thống với tỷ lệ tín nhiệm của tòan dân là 69%, tỷ lệ cao vượt bực trong lịch sử Hoa Kỳ.
- Qua đời ngày 5 tháng 6 năm 2004, thọ 93 tuổi, sau 10 năm bị bệnh “sa sút trí tuệ” (Alzheimer). Ông là vị cựu Tổng Thống sống lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Linh cữu di chuyển đến nơi hành lễ
Sơ lược về Tang Lễ
Cựu Tổng Thống Reagan là vị Tổng Thống thứ 10 có Lễ Quốc Táng được cử hành tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn (do gia đình đồng ý và yêu cầu, Quốc Hội và Tổng Thống quyết định. Có gia đình chỉ muốn tang lễ được tổ chức tại nơi vị Tổng Thống sinh ra hoặc tại nơi đã được chọn làm thư viện của Tổng Thống. Lễ Quốc Táng gần đây nhất được tổ chức tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn là của cố Tổng Thống Lyndon Johnson năm 1973).
Ngay sau khi Reagan qua đời, Tổng Thống George W. Bush đã ra lệnh treo cờ rũ tại Tòa Bạch Ốc và các công ốc Liên Bang trong vòng một tháng. Theo đó một số Tiểu Bang và nhiều cơ sở tư nhân khắp nơi cũng đã treo cờ rũ. Tổng Thống Bush đã tuyên bố ngày Thứ Sáu 11 tháng 6 năm 2004 là ngày tang đau buồn của cả nước và các cơ quan Liên Bang đều đóng cửa (trừ Bộ An Ninh), thư tín không phân phát. Mười bốn Tiểu Bang và District of Colombia cũng đóng cửa. Thị trường chứng khóan (New York Stock Exchange, Nasdag Stock Market and Amreican Stack Exchange) đóng cửa.
Tang lễ đã được diễn tiến như sau:
Ngày Chủ Nhật 5 tháng 6 năm 2004:
Ngay sau khi nghe tin cựu Tổng Thống Ronald W. Reagan qua đời, hàng ngàn dân chúng đã tập trung tại nhà quàn ở Santa Monica, California để tỏ lòng thương kính và tiếc nhớ.
Ngày 6 -7- 8 tháng 6 năm 2004:
Quan tài được được di chuyển đến quàn tại thư viện Ronald Reagan ở Simai Valley. Trong 33 giờ linh cữu được quàn tại thư viện, đã có trên 100 ngàn người - thuộc mọi thành phần - mang hoa, cờ, hình, cards, băng, biểu ngữ v.v… đến đặt trước thư viện và vào thăm viếng quan tài. Người ta sắp hàng chờ hơn bốn tiếng đồng hồ dưới nắng nóng gay gắt và phải qua nhiều thủ tục khám xét cẩn mật vì lý do an ninh mà vẫn tười cười phát biểu là rất sung sướng và vinh dự. Nhiều người chờ đến giờ đóng cửa lúc nửa đêm. Nhiều người chờ từ lúc 3 giờ sáng. Nhiều người nghỉ việc làm hai ba ngày đến từ những Tiểu bang xa xôi. Khi đi vòng quanh quan tài, có kẻ dỡ mũ ra chào, có kẻ chào tay theo kiểu quân đội, có kẻ để để tay phải lên ngực chào, có kẻ cúi đầu chào, có kẻ làm dấu thánh giá, có kẻ khóc sướt mướt v.v...
Ngày 9-10 tháng 6 năm 2004:
Sáng ngày 9, quan tài được di chuyển từ thư viện đến phi trường căn cứ Hải Quân Naval Base Ventura County ở Point Mogu California để đưa về phi trường không quân Andrews Air Force Base, ngọai ô Thủ đô Hoa Thịnh Đốn rồi được di chuyển đến Đại Sảnh Tòa Nhà Quốc Hội - Capitol Rotunda. Tang lễ chính thức do Quốc Hội tổ chức lúc 7 giờ chiều gồm hầu hết các Nghị Sĩ, Dân Biểu và với diễn văn tưởng niệm của Lãnh tụ đa số Thượng viện, của Chủ Tịch Hạ Viện và của Phó Tổng Thống kiêm Chủ Tịch Thượng Viện. Sau phần nghi lễ, quan tài được quàn tại đó để mọi người vào thăm viếng và tỏ lòng thương tiếc. Tổng Thống Bush và phu nhân, sau khi bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-8 ở Georgia đã bay thẳng về Capitol Rotunda để cúi đầu tưởng niệm và đặt tay lên quan tài tỏ lòng thương tiếc. Cũng như tại California, đã có hơn 100 ngàn người sắp hàng dài chờ hàng ba, bốn tiếng đồng hồ từ sáng sớm đến mãi đến về khuya để được vào tưởng niệm. Nắng ở Thủ đô vô cùng gay gắt (đã có nhiều người bị xỉu), thủ tục kiểm sóat an ninh ở Thủ đô vô cùng nghiêm mật và chiều ngày 9 đã có lệnh báo động “sẽ có phá họai khủng bố” vì máy bay chở một Thống Đốc về Thủ đô dự tang lễ bị mất liên lạc, nhưng những người đến thăm viếng vẫn kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi. Trong những khách ngọai quốc đến viếng quan tài người ta thấy có cựu Thủ Tướng Anh Margaaret Thatcher, cựu Lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev, cựu Thủ Tướng Gia Nã Đại Brian Mulroney, cựu Tổng Thống Ba Lan Lech Walesa, tân Tổng Thống Iraq Gahzi al-Yawer.
Các quan chức ngoại quốc viếng tang lễ Reagan
Lễ Quốc Táng ngày 11 tháng 6 năm 2004
Quan tài được di chuyển từ Capital Rotunda đến nhà thờ Washington National Cathedral (nhà thờ nầy đã là nơi cử hành lễ Quốc Táng cho 9 vị Tổng Thống kể từ năm 1893). Đã có 3 ngàn người được mời tham dự lễ Quốc Táng:
Tổng Thống George W Bush viếng linh cữu cố TT Reagan
Khách trong nước:
- Tổng Thống Bush và phu nhân, Phó Tổng Thống Cheney và phu nhân.
- Bốn cựu Tổng Thống: Clinton, Bush (cha), Carter, Ford và phu nhân.
- Cựu Phó Tổng Thống Al Gore, Dan Quale và phu nhân.
- Các Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện.
- Nghị Sĩ và Dân Biểu (đương tại chức hoặc cựu).
- Các Bộ trưởng, Tướng lãnh (đương tại chức hoặc cựu, nhất là các thành viên trong nội các của Reagan).
- Bà con, thân hữu của gia đình Reagan.
Những vòng hoa tiếc thương TT Reagan được dân chúng Mỹ
đặt bên ngòai bức tường của Thư viện mang tên ông.
Khách ngọai quốc:
- Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan,
- Hòang tử Chales, đại diên Nữ Hòang Anh.
- Tổng Thống hoặc Thủ Tướng đương nhiệm của 25 nước.
- Cựu Tổng Thống hoặc Thủ tướng của 11 nước.
- Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Đại Sứ của 180 nước.
Toán quân hầu quan tài Reagan khi di chuyển
Tang lễ chính thức bắt đầu lúc 10 giờ 30 sáng (giờ Hoa thịnh Đốn) với đầy đủ lề nghi quân cách và tôn giáo, nội dung sơ lược như sau:
- Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Sandra O’Connor, Nữ Thẩm Phán TCPV đầu tiên của Hoa Kỳ do Tổng Thống Reagan bổ nhiệm đọc một đọan trong bài: “Chúng ta sẽ là một thành phố trên ngọn đồi”.
- Cảm tưởng của Cựu Tổng Thống Bush (cha), cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Gia Nã Đại Brian Mulroney. Cựu Tổng Thống Bush đã làm mọi người xúc động đến rơi lệ khi ông ta mếu máo xác nhận rằng trong suốt 8 năm làm Phó Tổng Thống của Reagan, ông ta học được ở Reagan nhiều hơn ở bất cứ ai trong cuộc đời phục vụ công ích của ông ta.
- Cuối cùng là đương kim Tổng Thống George W. Bush: Sau khi thay mặt tòan thể nhần dân Hoa Kỳ cúi đầu tưởng niệm trước quan tài cựu Tổng Thống Reagan lần chót, Tổng Thống Bush đã đọc bài cảm tưởng mà giới quan sát cho rằng rất chân thành, ý nghĩa và súc tích:
“…Tổng Thống Reagan luôn luôn tin tưởng rằng Hoa Kỳ không những chỉ là một địa danh của thế giới mà Hoa Kỳ còn là nguồn hy vọng của cả thế giới…Reagan là một vĩ nhân, một lãnh tụ của lịch sử và là một kho tàng vô gía của quốc gia… Từ nay Reagan là “người của mọi thời đại”, nhưng chúng ta muốn ông thuộc về chúng ta… Đây là giờ phút đau buồn trong đời sống Hoa Kỳ…”
Reagan trò chuyện cùng Tổng Thống Geobachev tại Hoa Kỳ
Vào lúc 12 giờ 15, chuông nhà thờ đổ 40 tiếng kết thúc tang lễ.
Sau đó quan tài được đưa trở lại thư viện Ronald Reagan ở Simai Valley – California theo lộ trình có thứ tự ngược với lần di chuyển từ thư viện đến thủ đô ba ngày trước. Lễ an táng trong vòng gia đình chấm dứt lúc 7 giờ 30 tối (giờ Cali).
Ghi thêm:
- Quan tài có xe cảnh sát hộ tống khi di chuyển từ nơi nầy đến nơi khác 20 miles một giờ theo đúng lễ nghi quân cách quốc gia với 21 phát sung đại bác (lúc đi và đến), với tóan lính dàn chào gồm đại diện các quân binh chủng, với đội lính di chuyển quan tài nhịp nhàng chuyên nghiệp 100 mét trong một phút, với những chiếc xe ngựa cổ kính, bóng lóang, và với một vị Thiếu Tướng đã hộ tống bà Nancy Reagan trong khi di chuyển suốt thời gian tang lễ.
- Lúc quan tài di chuyển (ở California cũng như ở Thủ đô) dọc hai bên đường hoặc tại phi trường, hàng ngàn người sắp hàng dài vẫy tay chào, bày tỏ lòng thương tiếc đối với Reagan, hoặc hô to lời tán thưởng, cầu chúc, ngưỡng mộ đến bà Nancy Reagan.
Ronald Wilson Reagan: Vĩ Nhân Của Thế Kỷ 20
Nhờ giống cha, từ thuở nhỏ Reagan đã có vóng dáng cao ráo, đẹp trai, luôn luôn tươi cười và nói năng duyên dáng, khôi hài dễ thuyết phục mọi người. Nhờ giống mẹ, Reagan luôn luôn tin tưởng vào tôn giáo và vào chính mình, luôn luôn yêu đời. Trong sổ lưu niệm của năm cuối cùng bậc Trung học, Reagan đã viết:
-“Đời sống là cả một bài trường ca ngọt ngào. Nào xin hãy trỗi nhạc lên”
Thừa hưởng hai gia sản như vừa kể, Reagan đã mạnh dạn đi vào đời bằng lòng tự tin, bằng chí cương quyết, bằng nụ cười lạc quan và bằng tinh thần cởi mở, thuyết phục. Và, qua những sinh họat sống động trong nhiều lãnh vực, ông đã đạt được nhiều thành công hơn là thất bại.
Năm 1991, trong những năm tháng cuối của đời - trước khi mắc bệnh “sa sút trí tuệ” - ông đã trả lời một ký giả:
-“Tôi đã đạt được hầu hết tất cả những giấc mơ của tôi”
* * *
Bài viết nầy không có mục đích ghi lại hết những di sản mà cựu Tổng Thống Reagan đã dể lại cho nhân dân Hoa Kỳ và tòan thế giới, do đó chỉ sơ lược sau đây một số chi tiết điển hình đã làm cho Reagan trở thành vị Tổng Thống vĩ đại của Hoa Kỳ và - theo người viết - là “Vĩ Nhân Của Thế Kỷ 20”.
Thích thú “được” mọi người xem thường
Năm 1965, khi Reagan tuyên bố sẽ ra tranh cử Thống Đốc California, nhiều giới quan sát đã đánh giá ông rất thấp. Reagan đã thích thú điều đó (Enjoyed being underestimated). Đảng Dân chủ đã mở một chiến dịch rầm rộ chê bai và châm biếm ông bằng những từ ngữ như: “ngu đần, chưa được thử thách, ngây thơ, thiếu kinh nghiệm, tên tài tử ci-nê, Cộng Hòa cánh hữu…”, nhưng Reagan đã hai lần đắc cử Thống Đốc California vẻ vang như đã trình bày ở phần trên.
Khi Reagan ra tranh cử Tổng Thống năm 1980, đảng Dân chủ đã không học được bài học trong qúa khứ nên vẫn dùng chiến dịch chê bai, châm biếm ông như lần trước (nhấn mạnh ở phần thiếu kinh nghiệm ngọai giao và an ninh quốc phòng) và kết quả là Reagan đã thắng liên tiếp hai nhiệm kỳ Tổng Thống với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Bởi vì Reagan đã tiếp xúc với mọi tầng lớp dân chúng, nhìn thẳng vào mắt họ, chân thành, cởi mở thuyết phục họ và thổi vào lòng họ một niềm tin mới vào tương lai của đất nước .
Ghi chú:
Ngay cả những năm về sau, khi ông đã về hưu, nhiều người vẫn cho rằng suốt thời gian làm Tổng thống, Reagan đã “phó thác” phần lớn công việc cho các cộng sự viên (hàm ý là ông lè phè, không nắm vững công việc). Bốn năm trước đây tác phẩm “Reagan - Life in Letters” (in lại những bút tích của ông) ra đời, mọi người mới vỡ lẽ là Reagan đã quyết định hầu hết mọi việc.
Khôi phục niềm tin, hy vọng và hãnh diện.
Ronald W. Reagan bước vào Tòa Bạch Ốc sau những năm dài của thập niên 60 và 70 nhân dân Hoa Kỳ sa sút niềm tin qua hết biến cố nầy đến biến cố khác: vụ tai tiếng Watergate đã khiến Tổng Thống Nixon phải từ chức, thất bại ê chề trong cuộc chiến tại Việt Nam (do thiếu chính sách thực tế, thiếu lãnh đạo cương quyết chứ không phải do yếu tố quân sự), nạn lạm phát, vụ các nhà ngọai giao Mỹ bị bắt làm “con tin” tại Iran, và khối Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo mỗi ngày một “lấn nước”. Chính Tổng Thống Jimmy Cater, lúc còn tại chức, đã từng xác nhận là Hoa Kỳ đang đi trên con đường trơn trợt của sự phiền muộn, và - lần đầu tiên - đang hòai nghi về tương lai.
Ronald W. Reagan đã mạnh dạn, kiên trì thổi luồng sinh khí mới đến mọi người:
“…Chúng ta có đầy đủ yếu tố để mơ ước những giấc mơ lịch sử… Những người nghĩ rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ không có những bậc anh hùng là những người không biết nơi nào hướng đến… Tôi là người luôn luôn lạc quan, luôn luôn tin tưởng, nói một cách khác tôi là một người Mỹ…Hoa Kỳ sẽ là thành phố lấp lánh trên ngọn đồi trước mặt mọi ngươi…”
Suốt hai nhiệm kỳ Tổng Thống, Reagan đã làm hết sức mình để mang lại lòng tin tưởng, nỗi hy vọng, và niềm tự hào cho tòan dân Hoa Kỳ.
Mười mấy năm trước đây, khi được Bác sĩ xác nhận là ông đang mắc bệnh sa sút trí tuệ, Reagan đã can đảm viết thư báo cho mọi người biết căn bệnh hiểm nghèo, bi thảm của mình và vẫn một lòng lạc quan về tương lai Hoa Kỳ:
“…Bất cứ khi nào tôi từ gĩa cõi đời, tôi sẽ ra đi với lòng thương yêu bao la đất nước nầy và với niềm lạc quan bất diệt về tương lai của tổ quốc chúng ta. Từ nay tôi bắt đầu cuộc hành trình đi vào buổi hòang hôn của đời mình, nhưng tôi biết chắc rằng đối với Hoa Kỳ con đường trước mặt luôn luôn tươi sáng…”
Sau đó ông hòan tòan mất trí nhớ và sống âm thầm trong quên lảng vì căn bệnh nghiệt ngã dưới sự chăm sóc tận tình hiếm có của bà Nancy Reagan.
Vĩ Nhân của Thế Kỷ 20
Hoa Kỳ không có khuynh hướng tôn thờ lãnh tụ. Nhân dân trong nước có truyền thống sinh họat dân chủ cao độ nầy không bị bắt buộc phaỉ suy tôn, phải thần thánh hóa, phải một lòng tuyệt đối kính yêu những người lãnh đạo như ở các nước kém mở mang và nhất là ở các nước cộng sản. Ai có khả năng thấu hiểu được sự suy nghĩ của quần chúng và thuyết phục được quần chúng đi theo đường lối của mình sẽ được xem là “lãnh tụ vĩ đại” (Great Leader). Theo nghĩa đó Reagan được đa số nhân dân công nhận là “Tổng Thống vĩ đại” (Great President) về hai phương diện nội trị và ngọai giao. (Dĩ nhiên trong suốt hai nhiệm kỳ Tổng Thống, nội các Reagan cũng đã vấp nhiều khuyết điểm về phương diện nầy hoặc phương diện khác).
Người viết bài nầy xem Reagan như là “Vĩ Nhân của Thế Kỷ 20” vì đã góp phần làm đổi thay cuộc diện thế giới qua những sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Năm 1982, trong bài diễn văn đọc tại Royal Hall của Viện Dân Biểu Anh quốc, trước sự chứng kiến của Nữ Hòang Elizabeth, Tổng Thống Reagan đã mạnh dạn tin tưởng và tiên đóan:
“…Liên Bang Xô Viết đang trên bờ của vực thẳm sụp đổ…Hành trình của Tự Do và Dân Chủ sẽ biến chủ nghĩa Mác-Lê thành đống tro tàn của lịch sử…”
Thứ hai: Năm 1983, trong bài diễn văn đọc tại Hiệp Hội Quốc Gia Phúc Âm, Reagan đã báo động:
“…Xin tất cả chúng ta hãy cùng nhau cảnh giác rằng những người lãnh đạo Liên Xô đang tiên đóan có một ngày họ sẽ chế ngự tòan thể nhân lọai…Tôi yêu cầu mọi người hãy đề phòng, đừng bao giờ quên lịch sử chạy đua võ trang của “ĐẾ QUỐC MA QUÁI”…để một ngày mọi người sẽ bị cấm phân biệt giữa cái phải và cái trái, giữa cái tốt và cái xấu …”
Ghi Chú: Người Việt Nam đã từng bị nhục hình cay đắng dưới sự cai trị bạo tàn của Cộng sản, đã từng nghiên cứu về mộng bành trướng và những tai ác của chủ thuyết Cộng sản, nhưng chưa có ai có đầy đủ khả năng và lòng can đảm điện gọi Cẩm Linh là ĐẾ QUỐC MA QUÁI như Reagan!
Thứ ba: Năm 1985, tại hội nghị thượng đỉnh với Gorbachev ở Geneva, Reagan - vượt qua ngòai những ngôn ngữ thường tình của ngọai giao - đã nói thẳng với Lãnh tụ Sô Viết:
“…Tôi muốn nói thật cho Ông biết lý do tại sao chúng tôi không tin tưởng Ông…”
Những lời nói thiếu tính cách ngọai giao nhưng thẳng thắng, cương trực và chân thành đó đã là lời mời gọi cho một cách đối thọai mới trong bang giao giữa hai nước trên căn bản “tin tưởng” nhau, và từ đó Reagan và Gorbachev đã nắm tay song hành trong tiến trình thay đổi cuộc diện thế giới .
TT Reagan đọc diễn văn lịch sử tại Berlin's Brandenburg gate 1987:
Trích lược bài diễn văn: "There is one sign the Soviets can make that would be unmistakable, that would advance dramatically the cause of freedom and peace. General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate. Mr. Gorbachev, open this gate! Mr. Gorbavhev, tear down this wall!". (...) "For it cannot withstand faith", (...) "It cannot withstand truth. The Wall cannot withstand freedom".
Thứ tư: Năm 1987, trong bài diễn văn đọc tại Berlin, Cộng Hòa Liên Bang Đức, tại cổng Brandenburg Gate trước bức tường ngăn chia hai nước Đức, Reagan đã lớn tiếng trực tiếp gọi:
- Ông Gorbachev! Xin ông hãy mở cách cửa nầy ra!
- Ông Gorbachev! Xin ông hãy phá bỏ bức tường nầy đi!
Hai năm sau đó - năm 1989 - bức tường Bá Linh bị sụp đổ và hai năm sau đó nữa - năm 1991 - khối Cộng sản hòan tòan sụp đổ.
Lời Kết:
Sau hơn 70 năm gieo rắc kinh hòang cho nhân lọai, mùa Giáng Sinh năm 1991 Gorbachev từ chức Tổng Bí Thư và ký lệnh giải tán đảng Cộng Sản Liên Xô. Cờ đỏ búa liềm từ từ hạ xuống từ nóc điện Cẩm linh và từ trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York Chủ thuyết cộng sản chỉ còn lại là đống tro tàn của lịch sử như Reagan đã tiên đóan và tin tưởng.
Một sĩ quan cao cấp đại diện chính phủ Mỹ
hộ tống bà Nancy trong suốt buổi lễ theo nghi thức.
Vẫn biết chủ thuyết Cộng sản sụp đổ là do nhiều yếu tố tạo nên nhưng bốn người rất xứng đáng được nhân lọai tôn vinh trong việc làm thay đổi cuộc diện thế giới vào lúc đó, là: Đức Giáo Hòang, cựu Thủ Tướng Anh Margaret Thatcher, Cựu Lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Wilson Reagan.
Trong bốn lãnh tụ nầy Reagan là người đi tiên phong như ông Gorbachev gần đây đã tâm sự:
“… Nếu là người khác không phải là ông Reagan ngồi ở địa vị đó, tôi không dám chắc những gì đã xảy ra như đã xảy ra mà chúng ta đã thấy …”
và như bà Thatcher đã phát biểu:
“… Reagan có quyền tự hào hơn bất cứ lãnh tụ nào khác là đã góp phần rất lớn đưa đến chiến thắng trong cuộc chiến tranh lạnh… Ông đã làm điều đó không tốn một viên đạn”.
Cựu Đệ Nhất Phu nhân Nancy Reagan ôm lá quốc kỳ Mỹ sau tang lễ,
được viên chức đại diện chính quyền trao cho bà sau khi lấy từ quan tài.
- Là người Việt Nam, tôi xin được bày tỏ lòng tri ân đến Ronald Wilson Reagan vì ông đã dẫn đầu trong kế họach làm sụp đổ chủ thuyết Cộng sản, mang Tự Do và Dân Chủ đến khắp cùng thế giới, theo đó đồng bào tôi, tổ quốc tôi đang anh dũng kiên trì từng bước, từng bước tiến tới.
- Là người, do định mệnh dắt dẫn, đã sang định cư tại Hoa Kỳ, tôi xin được bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến Ronald Wilson Reagan vì ông đã cho tôi niềm hãnh diện về quê hương thứ hai của mình.
Đó là lý do tôi viết bài nầy.
Nguyễn Văn Quảng Ngãi
Dallas 2011
* * *
Xem bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang Kiến thức, tài liệu: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com