Lê Ngọc Trác là một cây bút viết khá đều tay hiện đang sống ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông là tác giả của nhiều tập thơ, tiểu luận và biên khảo văn học được đông đảo công chúng đón nhận nhờ cách viết nhẹ nhàng, giàu cảm xúc. Với niềm say mê văn học, mới đây ông tiếp tục ra mắt thêm một cuốn sách mới có nhan đề “Thi nhân – Thi ca & Cảm nhận”.
Hình bìa Tác Phẩm “Thi Nhân – Thi Ca – Cảm Nhận”
Cuốn tiểu luận “Thi nhân – Thi ca & Cảm nhận” của Lê Ngọc Trác do Công ty cổ phần văn hóa Đất Việt liên kết với NXB Văn Học xuất bản & phát hành trong tháng 4/2013. Sách in theo khổ 13x20cm, dày 150 trang, trình bày gọn gàng, dễ đọc. Trong cuốn tiểu luận này, tác giả giới thiệu với bạn đọc chân dung 18 nhà thơ Việt Nam nổi tiếng một thời, như: Bích Khê, Đinh Hùng, Hồ Dzếnh, Hoài Khanh, Kiên Giang, Ngũ Hà Miên, Nguyên Sa, Nguyễn Vỹ, Quách Tấn, Phạm Công Thiện, Tế Hanh, Thế Phong, Thanh Thảo, Trần Tuấn Kiệt, Trần ngọc Hưởng, Trần hoàng Vy, Vũ Anh Khanh, Vũ Đức Sao Biển… Lồng vào đó là những bàn luận và cảm nhận về tài năng thi ca của họ. Phần nói về nhà thơ Đinh Hùng, tác giả viết:
-“Cái chết của người thân trong gia đình, cái chết của người yêu. Nỗi đau sâu đậm chất ngất trời mây đã được Đinh Hùng thể hiện trong thơ. Đọc xong bài thơ “Gửi người dưới mộ” của Đinh Hùng, chúng ta đều cảm thấy rờn rợn trong hồn.”
Có thể nhận thấy, trong cuốn tiểu luận của mình, Lê Ngọc Trác có những nhận xét rất cô đọng và xúc tích về các thi nhân. Trong đó có một số đoạn đáng chú ý như:
-“Trên lĩnh vực sáng tác thơ, Nguyên Sa từ bỏ hẳn cách viết theo thể cổ truyền. Ngôn ngữ trong thơ của Nguyên Sa mới lạ, trẻ trung, sang trọng nhưng gần gũi, có độ rung và sức lan tỏa lớn, làm lay động tâm hồn rất nhiều người yêu thơ.”
-“Trong công việc sáng tác thơ văn, có nhiều khi giống như công việc đồng áng của người nông dân. Có người cày sâu cuốc bẫm suốt cuộc đời, mới thu hoạch. Cũng có người chỉ gieo một mùa mà đã bội thu… Vũ Anh Khanh là một trong những trường hợp hiếm hoi ấy với bài “Tha La xóm đạo”.
-“Trong thơ, Phạm Công Thiện không còn vẻ phản kháng, ngông ngênh như trong các tác phẩm biên luận, phê bình, triết học hay tùy bút. Thơ Nguyễn Công Thiện mới lạ, mỗi bài là một nét riêng, chuyên chở ý tưởng, cảm xúc, tràn ngập những cung bậc tình cảm đầy tha thiết, đưa người đọc vào những khám phá mới, bắt gặp những sắc màu mông mênh hư ảo.”
Phần cuối sách là bài viết “Sông Vệ nuôi lớn những tâm hồn thơ” – cảm nhận những bài thơ viết về quê hương của 5 tác giả người gốc Quảng Ngãi, gồm: Hoàng Trần, Ngô Hữu Đoàn, Lê Quang Tân, Trần Thuật Ngữ và Hồ Nghĩa Phương. Tác giả viết:
-“Những người con sinh ra bên dòng sông Vệ, dù trong cuộc sống họ mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau. Nhưng tất cả đều mang tâm hồn thơ. Trong các bài thơ của họ sáng tác đều đậm nét hình ảnh thân thương của dòng sông quê hương”.
Tác giả Lê Ngọc Trác, tên thật là Lê Ngọc Khôi; ông quê gốc ở Quảng Ngãi, hiện đang sống tại phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Về thơ, ông đã in 2 tập: “Dòng sông em và tôi” (vào năm 1996) và “Về” (vào năm 2007). Tiếp đó là tiểu luận “Một chút tình thơ”, biên khảo “Miên Thẩm Tùng Thiện Vương – Nhất đại thi ông”, biên khảo “Những người con ưu tú của núi Ấn sông Trà”. Sau tiểu luận “Thi nhân – Thi ca và Cảm nhận”, tác giả Lê Ngọc Trác sẽ in cuốn “Thơ tuyệt mệnh của những người yêu nước”. Qua đó cho thấy niềm đam mê văn học của ông thật đáng trân trọng.
Việt Quốc
(Đài PTTH Bình Thuận)
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com