VĂN CHƯƠNG ĐỐI KHÁNG, TRƯỜNG HỢP NHÂN VĂN-GIAI PHẨM
Trần Gia Phụng
Phần 2
Xem Phần 1: click tại đây
V. ĐÀN ÁP CỦA NHÀ CẦM QUYỀN
1. CẢN TRỞ
Lo ngại ảnh hưởng của Nhân Văn, ngoài việc viết bài đả kích ngay từ đầu, nhà cầm quyền Hà Nội đã dùng nhiều phương cách gây trở ngại,... nhằm chận đứng sự xuất hiện của Nhân Văn. Cần chú ý là đảng Lao Động tiếp thu chính quyền ở Bắc Việt năm 1954. Khi xảy ra vụ Nhân Văn năm 1956, thì đảng Lao Động mới cầm quyền được hai năm và đang chuẩn bị chiến tranh chống miền Nam, nên rất e ngại dư luận quốc nội cũng như quốc tế. Cộng sản lo ngại dân chúng trong nước bất mãn, bỏ trốn vào Nam, và lo ngại các cơ quan quốc tế vẫn còn hoạt động nhiều ở miền Bắc, chú ý theo dõi.
Chân dung Phùng Quán
Lúc đầu cộng sản khủng bố ngầm bằng cách ra lệnh cho cơ quan Mậu dịch không bán giấy in báo Nhân Văn. Biện pháp nầy không đạt kết quả vì nhóm chủ trương Nhân Văn mua giấy chợ đen. Hà Nội liền kiếm cách khủng bố những những người phát hành hay những sạp báo nào có bán báo Nhân Văn. Trần Duy, tổng thư ký tòa báo, đã đưa ra bài “Thành thật đấu tranh cho tự do dân chủ” trên Nhân Văn số 4 ngày 5-11-1956, tố cáo nhà cầm quyền và đảng LĐ đã dùng những biện pháp ngầm để phá hoại và bóp chết báo Nhân Văn. Trần Duy viết:
-“…Những hành động phá hoại ấy tuy riêng lẻ, không có một chủ trương nào dứt khoát, nhưng nó thành hệ thống, liên lạc, chứng tỏ rằng nó có chịu một sự chỉ huy… Anh em công nhân nhà in X.T. cũng thắc mắc không biết tờ Nhân Văn phản động ở chỗ nào và tại sao phản động mà chính phủ không cấm nó, lại phải để cho những kẻ đội lốt công đoàn vận động phá hoại nó?… Họ đổ cho Nhân Văn đã gây khó dễ cho Đảng trong việc thống nhất Bắc-Nam, Nhân Văn làm chậm hiệp thương, Nhân Văn có tội với miền Nam…” (HVC sđd., tt. 233-234)
Những phương pháp ngấm ngầm không hiệu quả, nhà cầm quyền Hà Nội quay qua vu khống những người viết báo chống đối là tay sai của địch, gián điệp của đế quốc. Báo Nhân Dân chạy tin rằng chính phủ Ngô Đình Diệm triển lãm báo Nhân Văn ở đường Courtina [nv], Sài Gòn. Sự thật vào tháng 6-1956, bộ Thông tin chính phủ miền Nam tổ chức một cuộc triển lãm các tài liệu chứng tỏ cộng sản không tôn trọng hiệp định Genève tại phòng Thông tin Sài Gòn ở đường Catinat (đường Tự Do), trong đó có triển lãm những tờ báo bắt được của những cán bộ cộng sản nằm vùng như Nhân Dân, Cứu Quốc. Lúc đó báo Nhân Văn chưa ra đời. (HVC, sđd. 30).
2. LÀN GIÓ CHƯỚNG
Theo quy luật của tạo hóa, hoa nở để rồi tàn, nhưng tàn xong thì hoa nở lại. Đàng nầy, trăm hoa báo chí vừa đua nở ở Bắc Việt thì lại tàn lụi vĩnh viễn, vì một làn gió chướng từ nước ngoài mới thổi đến. Nguyên sau Đại hội 20 đảng CSLX, Nikita Khrushchev nói là đưa ra chính sách mềm dẻo, nhưng chính phủ ông chẳng mềm dẻo tý nào đối với phong trào công nhân của các nước cộng sản láng giềng.
Ngày 28-6-1956, 50,000 công nhân thành phố kỹ nghệ Poznan (Ba Lan: Poland), ở phía tây thủ đô Warsaw, nổi lên đòi tự do và cơm áo. Đảng Cộng sản Ba Lan đàn áp, 53 người chết và khoảng 200 bị thương. Các đơn vị Liên Xô sẵn sàng tiến vào Ba Lan, nhưng lãnh tụ Wladyslaw Gomulka đã khéo léo thuyết phục Khrushchev không can thiệp vào nội tình Ba Lan.
Tại Hung Gia Lợi (Hungary), một nước cộng sản Đông Âu khác, Imre Nagy lên làm thủ tướng ngày 4-7-1953, đưa ra nhiều cải cách, giải tán các trại tập trung, khoan hồng tù nhân. Nagy bị các lãnh tụ thân Liên Xô thay thế năm 1955. Ngày 23-10-1956, sinh viên và dân chúng nổi lên biểu tình, đòi hỏi dân chủ, đòi chấm dứt ảnh hưởng của Liên Xô và yêu cầu đưa Nagy trở lại chính quyền. Để mỵ dân, đảng Cộng Sản đưa Nagy trở lại ghế thủ tướng ngay ngày hôm sau, 24-10. Nagy xin thương thuyết với Liên Xô. Quân đội Liên Xô rút ra khỏi thủ đô Budapest ngày 27-10, nhưng ba ngày sau, 30-10, quân Liên Xô bất ngờ tiến vào Budapest trở lại, lật đổ Nagy, lập János Kádár lên thay. Imre Nagy và vị tướng tổng chỉ huy quân nổi dậy bị bắt và bị giết năm 1958.
Như thế, tuy tuyên bố chính sách mềm dẻo, nhưng Khrushchev vẫn xua xâm lăng Hung Gia Lợi, dẹp tan những đòi hỏi chân chính của nhân dân nước nầy. Nói cách khác, chính sách của Liên Xô chỉ mới hé mở chứ chưa thay đổi trên thực tế. Điều nầy là những tín hiệu khuyến khích giới lãnh đạo đảng LĐ Bắc Việt trở lại chính sách cũ. Nhà cầm quyền Hà Nội nhân cơ hội đàn anh Liên Xô cứng rắn trở lại, liền ra tay đàn áp thẳng thừng những phản kháng ở trong nước.
3. THẲNG TAY ĐÀN ÁP
Để chuẩn bị dư luận, báo Nhân Dân ngày 10-12-1956 vừa cho đăng bài “Chống vu khống xuyên tạc” của Xuân Trường, đả kích Nhân Văn, vừa loan báo 500 đại biểu công nhân các nhà in tư nhân phản đối báo Nhân Văn và gởi kiến nghị thư cho Uỷ ban Hành chánh Hà Nội đòi có phản ứng. Ngày 11-12, báo Nhân Dân đăng thêm bài “Giữ vững nguyên tắc dân chủ” của Quang Đạm tố cáo Nhân Văn đã lợi dụng dân chủ để gây rối. Ngày 12-12, Nhân Dân đăng thư bạn đọc chỉ trích Nhân Văn số 4 (ra ngày 5-11-1956) đã lợi dụng hai chữ quần chúng, và đã tỏ ra “vô kỷ luật, vô tổ chức”. Ngày 13-12, Nhân Dân đưa tin 52 hội đoàn, đơn vị xí nghiệp đã viết kiến nghị chống Nhân Văn với 6,704 chữ ký. Ngày 14-12, Nhân Dân cho biết có hơn 1,000 người Hà Nội viết thư phản đối báo Nhân Văn, yêu cầu Phủ Thủ tướng, Ban Thường trực Quốc hội, bộ Tư pháp, bộ Nội vụ có thái độ đối với Nhân Văn. Những tấn công dồn dập trên báo Nhân Dân là dấu hiệu cho thấy đang có một mưu toan của nhà cầm quyền nhằm dứt điểm Nhân Văn. Mưu toan đó là những cuộc bàn thảo trong các cuộc họp tại thành uỷ Hà Nội (tức Uỷ ban đảng LĐ thành phố) để kiếm cách đối phó với Nhân Văn.
Cuộc họp thứ nhất tại thành uỷ Hà Nội vào khoảng giữa tháng 10-1956, sau hai số Nhân Văn. Tại cuộc họp nầy Tố Hữu, đại diện Trung ương đảng, phát biểu:
-“Các anh [chỉ thành uỷ Hà Nội] mất cảnh giác chính trị trước một trào lưu tư sản đang chống đối chế độ…Các anh chưa nhận thức tình hình hiện nay…Các anh không thấy Hungarie tình hình bắt đầu như thế nào à? Nó bắt đầu từ Câu lạc bộ Pétofi…” (32)
Trong cuộc họp vào khoảng giữa tháng 12, Tố Hữu nói rằng “tờ Nhân Văn số 6 kích động nhân dân biểu tình nhân dịp quốc hội sắp họp”, dù lúc đó Nhân Văn số 6 mới lên khuôn chứ chưa được in. Ông Vũ Định, phụ trách công đoàn (tức liên đoàn lao động) Hà Nội, liền được thành uỷ cử đến gặp công nhân nhà in Xuân Thu yêu cầu ngừng in báo Nhân Văn. (NMC, sđd. 69).
Ngày 15-12-1956, ba sự kiện xem ra có vẻ độc lập sau đây diễn ra trong cùng một ngày:
* Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh bắt buộc báo chí phải phục vụ nền chuyên chính vô sản, không được chống chế độ, chống chính phủ, không được xúi giục nhân dân và bộ đội làm loạn… và sẽ phạt tù từ 5 năm đến chung thân khổ sai, tịch thu tài sản nếu ai phạm vào những điều cấm.
* Báo Nhân Dân đăng lời tuyên bố của 235 văn nghệ sĩ Nam Bộ tập kết ra Bắc lên án Nhân Văn là phương tiện cho địch gây chia rẽ Bắc Nam, và đăng lời ngỏ của 180 nhà báo Hà Nội lên án Nhân Văn “nói sai sự thật, xuyên tạc nhiều vấn đề với dụng ý bôi xấu chế độ ta.”
* Bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch Uỷ ban hành chánh (tương đương với thị trưởng) thành phố Hà Nội ra quyết định đình bản vĩnh viễn báo Nhân Văn. Lúc đó, Nhân Văn số 6 vừa mới được lên khuôn ở nhà in Xuân Thu, thì bị chết yểu (ngày 15-12-1956), không được ra mắt độc giả, chấm dứt luôn đời sống ngắn ngủi của báo Nhân Văn. (HVC sđd. tr. 31.)
Ba động tác nhịp nhàng cùng một lần, không trước không sau, và không phải là không có đạo diễn, chứng tỏ quyết tâm của nhà cầm quyền cộng sản cương quyết vùi dập báo Nhân Văn, bông hoa hương sắc nhất trong cảnh trăm hoa đua nở trên đất Bắc năm 1956, để rồi sau đó vùi dập luôn các bông hoa khác, vì sau báo Nhân Văn, các báo khác như Trăm Hoa của Nguyễn Bính, Thời Mới của Hiền Nhân, Đất Mới của sinh viên Hà Nội, Giai Phẩm cũng lần lượt bị dẹp luôn.
VI. TIẾP TỤC KHỦNG BỐ
1. BÁO CHẾT CHƯA HẾT CHUYỆN
Báo Nhân Văn chính thức bị đóng cửa ngày 15-12-1956, nhưng vấn đề Nhân Văn vẫn còn dây dưa lâu ngày. Trước hết là các báo của đảng LĐ vẫn tiếp tục chiến dịch đả kích Nhân Văn.
Ngày 16-12, báo Nhân Dân loan báo rằng 180 nhà báo Hà Nội, 25 nhà văn trong đó có Tô Hoài, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Đặng Thai Mai, cùng các văn nghệ sĩ liên khu 5 như Nam Trân, Phan Thao (con của chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nhân Văn là Phan Khôi) lên tiếng phản đối Nhân Văn. Ba hôm sau (19-12), báo Nhân Dân cho biết đến lượt các văn nghệ sĩ quân đội đả kích Nhân Văn. Ngày 23-12, cũng theo báo Nhân Dân, sinh viên học sinh Hà Nội phản đối tạp chí Đất Mới. Ngày 30-12-1956, Nhân Dân kết toán rằng chỉ trong ba ngày, từ 28-12 đến 30-12, đã có 1,415 độc giả viết bài phê phán báo Nhân Văn.
Sau khi đả kích Nhân Văn, Giai Phẩm, hội Văn nghệ Hà Nội, trong tinh thần tự sửa sai, ra thông báo ngày 20-12-1956, nhận khuyết điểm về việc phát giải thưởng văn học trước đây (CĐ, sđd.109). Tiếp đó, hội Văn nghệ được thay thế bằng hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trong đại hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc kỳ 2 tổ chức vào đầu năm 1957 (NHQ, sđd.142). Dưới hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, các hội chuyên ngành được thành lập như hội Nhà văn, hội Mỹ thuật, hội Nhạc sĩ sáng tác. Để bù vào chỗ trống do Nhân Văn và Giai Phẩm để lại, nhà cầm quyền cộng sản liền ra lệnh cho hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật xuất bản tuần báo Văn, do Nguyễn Công Hoan làm chủ bút, Nguyễn Tuân làm phó và Nguyên Hồng giữ chức tổng thư ký. Báo Văn theo đúng chủ trương đi dây giữa Liên Xô và CHNDTH, nghĩa là một nửa để dịch tiểu thuyết Liên Xô, còn một nửa kia để viết về văn học CHNDTH (HVC, sđd.32).
Số Văn đầu tiên ra mắt độc giả là ngày 10-5-1957, ít hấp dẫn người đọc, vì không được sự cộng tác của những tác giả thời danh. Bài vở quá kém khiến Văn bị báo Học Tập, cơ quan nghiên cứu và lý luận của đảng LĐ, chỉ trích vào số đầu tháng 8-1957. Thế Toàn, tác giả bài báo chỉ trích, đã viết: “Qua 10 số đầu của tuần báo Văn, chúng tôi nhận thấy nội dung tờ báo còn quá nghèo nàn. Tờ báo hầu như xa rời thực tế, xa rời cuộc sống, tách rời những nhiệm vụ trung tâm của Cách mạng…” (HVC, sđd.32)
Nhà văn Nguyên Hồng, tổng thư ký tòa báo, đã trả lời và phê bình rằng Thế Toàn quan liêu và trịch thượng, trên báo Văn số 15 ra ngày 16-8-1957. Có lẽ để đáp lại thiết thực hơn cho yêu cầu của tờ báo đảng (Học Tập), báo Văn bắt đầu cho đăng những bài phản ảnh thực tế xã hội, tâm tư của những nhà văn chân chính.
Trên báo Văn số 21 ra ngày 27-9, xuất hiện bài “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán (cháu gọi Tố Hữu bằng cậu ruột) với những lời thơ làm cho thanh danh của ông trở thành bất tử:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.” (HVC sđd.121)
Hoàng Cầm, một kiện tướng của Nhân Văn, lần nầy đưa đăng vở kịch thơ “Tiếng hát Trương Chi” trên báo Văn số 24 ngày 18-10-1956. Vở kịch thơ nầy dùng câu chuyện tiếng hát của chàng lái đò Trương Chi đã làm say mê Mỵ Nương, nhưng vì quan niệm phân biệt giàu nghèo của người cha Mỵ Nương, nên hai bên không kết hôn được. Qua lời thơ của Hoàng Cầm, “Tiếng hát” tượng trưng cho tiếng gọi của tự do:
“Nào người quả phụ trắng khăn tang
Nào đứa em mồ côi khát sữa
Nào ai sống nhục chết oan
Nào ai tan lìa đôi lứa
Nghe tiếng hát nầy…”
Cha của Mỵ Nương (tượng trưng cho đảng) tìm cách ngăn cản:
“Khóa kín cả lầu, lấp cả sông
Để không còn tiếng hát!…”
Tiếng hát kêu gọi tự do vượt các trở ngại đến tai mọi người:
“Tiếng hát đẩy được vào
Vì đó là tiếng gọi của trời cao
Của đất rộng…”
Mỵ Nương, tượng trưng cho văn nghệ sĩ cùng dân chúng, kiếm tất cả các cách để đi tìm tiếng hát, tượng trưng cho tự do:
“Ta mở được, ta vượt qua tường đá
Ta chạy ra sông!
Đi bốn phương trời
Tìm tiếng hát… ta đi cùng thiên hạ…” (HVC, sđd. tt. 238-244)
Bức tranh nhiều hình “Một phương pháp xây dựng văn nghệ” của Trần Duy, nguyên tổng thư ký báo Nhân Văn, xuất hiện trên Văn số 30 ngày 29-11-1957 thật là ý nghĩa. Bức tranh nầy gồm sáu hình nhỏ. Hình thứ nhất tả người họa sĩ đang vẽ hoa thì một cán bộ xuất hiện hỏi “Hoa nầy do đâu mà ra?”. Họa sĩ vẽ thêm cái chậu, một cán bộ khác đặt vấn đề “Hoa để cho ai? Phục vụ cái gì?” (hình 2). Họa sĩ thêm một công nhân ngắm hoa, một đại diện của nhà cầm quyền lên lớp: “Công nông binh là một lực lượng không thể tách rời được.” (hình 3) Họa sĩ lại thêm cho đủ công nông binh, nhưng có kẻ chỉ dạy: “Không nên cô lập công nông binh, phải có sự hỗ trợ của quần chúng.” (hình 4). Đành phải thêm, vẫn chưa đạt: “!!!Và phải diễn tả đấu tranh thắng lợi!!!” (hình 5). Khi diễn tả đấu tranh thắng lợi, họa sĩ nhìn lại bức tranh, thì “Ồ!!!” (hình 6), bức tranh không còn là bức tranh nữa.
Rồi đến lượt báo Văn bị đóng cửa sau khi đăng câu chuyện “Ông Năm Chuột” của Phan Khôi trên số 36 ra ngày 10-1-1958. Trong bài nầy, Phan Khôi kể lại chuyện một người nghèo khổ trong làng ông ở Quảng Nam, được dân chúng gọi là Năm Chuột, chuyên nghề thợ rèn, thợ bạc. Tuy bề ngoài nghèo khổ, nhưng ông Năm Chuột giỏi chữ Nho và khá ranh mãnh, biết đánh giá từng người và thấy rõ những mặt trái của các quan viên trong làng. Phan Khôi muốn ngụ ý giai cấp thống trị thời nào cũng chẳng mấy tốt đẹp, và dầu khéo che đậy cách mấy vẫn không qua mặt được dân chúng.
2. CUỘC ĐẤU TỐ CÁC VĂN NGHỆ SĨ
Bốn ngày trước khi báo Văn số chót (số 36) được ấn hành, Bộ chính trị Trung ương đảng LĐ ra nghị quyết ngày 6-1-1958 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ do Trường Chinh ký, nội dung có đoạn viết:
-“Khuynh hướng phá hoại của nhóm Nhân Văn bị đánh lui; những người tham gia nhóm đó bị số đông văn nghệ sĩ phản đối. Tuy vậy cuộc đấu tranh chống khuynh hướng Nhân Văn mới ở bước đầu; những hoạt động nguy hại và bộ mặt thực về chính trị của những phần tử xấu trong nhóm Nhân Văn chưa bị bóc trần trong giới văn nghệ… Số đông văn nghệ sĩ tập trung ở Hà Nội, mấy năm nay đã xa rời thực tế lao động và sinh hoạt của quần chúng công nông binh, lại rất ít học tập chính trị không hiểu rõ tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, chưa được giáo dục về tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Do đó, lập trường chính trị rất mơ hồ, ý chí phấn đấu cách mạng giảm sút nghiêm trọng, trạng thái giao động hoang mang còn nặng, ngay cả trong hàng ngũ đảng viên; ranh giới giữa địch và ta có lúc bị lu mờ, tình trạng mất cảnh giác là phổ biến. Đồng thời tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, tự mãn, tự kiêu ngạo, hiếu danh, tham tiền, tư tưởng an nhàn hưởng lạc ngày càng nẩy nở. Tư tưởng tự do chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật, chia bè nhóm cũng đang trên đà phát triển… Cần có kế hoạch khuyến khích giúp đỡ các văn nghệ sĩ đi xuống các cơ sở sản xuất, đi vào công nông binh, và nếu có thể thì tham gia lao động để thâm nhập thực tế và gần gũi quần chúng hơn. Mặt khác, cần có kế hoạch tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập một cách thường xuyên những vấn đề thời sự và chính sách trong giai đoạn mới của cách mạng, tiến tới tổ chức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, cải tạo tư tưởng có hệ thống…” (NHQ, sđd.163).
Nghị quyết nầy báo hiệu một màn thanh trừng mới: Văn nghệ sĩ phải thấm nhuần đường lối xã hội chủ nghĩa (tức chỉnh huấn), phải xâm nhập thực tế (nghĩa là cưỡng bức lao động), và phải học tập chính sách cách mạng mới của đảng LĐ.
Trước tiên, Tiểu ban Văn nghệ trung ương của đảng tiến hành kiểm tra toàn bộ các tổ chức văn hóa, hội Nhà văn, hội Âm nhạc, hội Mỹ thuật, ngành sân khấu, ngành điện ảnh, các trường đại học, nhất là các khoa văn và sử. Tiểu ban Văn nghệ phối hợp chặt chẽ với Vụ Bảo vệ Văn hóa của ngành Công an, phân loại các thành phần văn nghệ sĩ trí thức như sau:
(a) đối tượng (để đấu tranh, tức là loại bị xếp vào hạng phản động, phá hoại),
(b) “những người có vấn đề” (bị coi là sai lầm nhưng chưa hẳn ngoan cố),
(c) “những người lưng chừng” (chưa tích cực đấu tranh),
(d) “chỗ dựa” (lập trường theo đảng vững). (HVC, sđd.29)
Tiểu ban Văn nghệ trung ương tổ chức hai đợt học tập: đợt đầu vào tháng 2-1958 gồm 172 người tham dự, và đợt thứ hai vào tháng 3-1958 với 304 người tham dự. Mục đích cuộc học tập nầy để nghiên cứu nghị quyết về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ của Bộ chính trị và hai nghị quyết của hội nghị các đảng Cộng Sản tại Moscow vào cuối năm 1957. (33) Có bốn người không chịu tham dự các cuộc học tập nầy. Đó là Phan Khôi, Thụy An Lưu Thị Yến, Nguyễn Hữu Đang, và Trương Tửu. Công an liền bắt Thụy An và Nguyễn Hữu Đang giam ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội. Phan Khôi quá già, uy tín lại lớn, nhất là đối với những người miền Nam tập kết ra Bắc, nên cộng sản không bắt, nhưng cô lập ông ta. Còn Trương Tửu thì bị cất chức giáo sư Đại học Văn khoa, gia đình bị bao vây kinh tế, vợ bị rút giấy phép buôn bán. (HVC, sđd. 36)
Mở đầu cuộc học tập, ban tổ chức cho biết yêu cầu quan trọng nhất của Trung ương đảng là phải làm trong sạch đội ngũ đảng viên trong giới văn nghệ sĩ và trí thức; các văn nghệ sĩ phải chọn một thế đứng dứt khoát, hoặc về “phe ta” hoặc theo “phe địch”, chứ không thể lưng chừng. Học xong nghị quyết của đảng, mỗi học viên phải tự làm “kiểm thảo”, thành thật khai báo những sai lầm của mình để mọi người phê phán và góp ý sửa đổi.
Thực chất việc kiểm thảo nầy là một cuộc chỉnh huấn và đấu tố các văn nghệ sĩ, trí thức thuộc nhóm đối tượng và nhóm những người có vấn đề. Chẳng những chỉ bị “tố giác, hỏi cung tập thể”, các văn nghệ sĩ và trí thức thuộc hai nhóm nầy còn bị công an “làm việc” riêng một cách tích cực nữa.
Ngoài ra, để sửa soạn dư luận cho một cuộc đàn áp rộng lớn đang được chuẩn bị, những văn nghệ sĩ và trí thức trên bị các báo của đảng LĐ đả kích thường xuyên trong nhiều tháng. Nhà văn Nguyễn Minh Cần, lúc đó là Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chánh (tương đương phó thị trưởng) thành phố Hà Nội, Trưởng ban Tuyên huấn Thành uỷ, kiêm Chủ nhiệm báo Thủ Đô, cho biết:
-“Các bài “đánh” anh em Nhân Văn Giai Phẩm đều do ban tuyên huấn trung ương đặt người viết, kể cả các bài đăng ở các báo địa phương như Hà Nội, Hải Phòng… Đảng làm việc nầy chặt chẽ lắm! Có kế hoạch chuẩn bị từ trước của Trung ương là bài nào đăng ở báo nào, ai viết, viết gì…Các thành uỷ, các địa phương không phải bàn cãi, cứ thế mà làm.” (NMC, sđd.72).
Từ tháng 3-1958, các số Nhân Dân ngày 2-3, 12-3, 14-4 liên tục đăng nhiều bài tố cáo Trần Dần, Hoàng Cầm, Trần Duy, Tử Phác. Sau đợt học tập thứ hai, những bài tự kiểm thảo nhận tội của Trần Dần, Trần Đức Thảo, Lê Đạt, Hoàng Cầm và Văn Cao được đưa lên báo Nhân Dân.
Báo Văn Nghệ, số 11, xuất bản đầu tháng 4-1958, đăng bài của Hoài Thanh kể tội Trương Tửu:
-“Cách mạng tháng Tám thành công ngày 19-8-1945. Ba tuần sau, vào ngày 10-9-1945, Trương Tửu xuất bản quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam. Trong quyển sách cũng như trong lời tựa, hoàn toàn không có lấy một lời nói đến Cách mạng tháng Tám. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt để vu khống… Một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ. Nó trích dẫn Mác đả kích chính quyền phản động cũ để gián tiếp đả kích chính quyền ta.” (NMC, sđd. 32).
Trên Nhân Dân ngày 12-4-1958, Thế Lữ tố khổ Phan Khôi, chủ nhiệm kiêm chủ bút Nhân Văn:
-“Phan Khôi phản cách mạng, ngấm ngầm chống đảng lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến, đó là việc hiện giờ ta thấy rõ hiển nhiên. Phan Khôi vẫn khoe là được Hồ chủ tịch tặng một chiếc áo lụa, và kể cho tôi nghe một chuyến gặp Hồ chủ tịch. Chuyện được áo, tôi không thấy ông ta tỏ ra một ý nào gọi là cảm kích. Phan Khôi không cảm thấy được rằng một cử chỉ đơn giản đó của Người biểu trưng cho một tình bao dung nhân ái rộng lớn dồi dào của đạo đức cách mạng.” (NMC, sđd. 33).
Báo Thủ Đô, xuất bản tại Hà Nội, số ngày 23-4-1958, đăng bài của tác giả Xuân Dung tố cáo bà Thụy An:
-“… Có người (hiện đương ở Hà Nội), lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-nhi [Cogny], ấy là chưa kể có tin nó vào Sài Gòn rồi trở ra Hà Nội, một tháng trước khi tiếp quản… Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con nầy. Riêng cái việc xuống Hải Phòng khi ta chưa tiếp quản, rồi lại về Hà Nội một cách đàng hoàng cũng đủ cho ta suy nghĩ…” (NMC, sđd.30).
Trên báo Nhân Dân ngày 1-5-1958, trong bài “Vạch mặt bọn Nhân Văn Giai Phẩm”, Nguyễn Đình Thi tố cáo:
-“Rọi sáng cái ổ Nhân Văn Giai Phẩm ấy, chúng ta thấy hiện lên những tên tác động tinh thần, mật thám, những bọn lái buôn văn nghệ, những tên phản cách mạng già đời, tất cả bọn chúng ngoặc với một số người văn nghệ từ chỗ sa đọa đi tới phản động về chính trị… Trong đời sống, những phần tử Nhân Văn Giai Phẩm đã trở lại là những “cậu ấm con quan”, “công tử nhà giàu”, có cả những chủ nợ lãi, chủ nhà thổ lậu, hoặc những kẻ sống nửa lưu manh, không có đất đứng trong xã hội…” (NMC, sđd.30).
Báo Văn Nghệ số 12 ra đầu tháng 5-1958, Bùi Huy Phồn trở lại “đánh” Trương Tửu thêm một lần nữa:
-“Có người thấy Trương Tửu theo đuổi được chín mười năm [kháng chiến] cũng là một điều kỳ lạ. Tôi thì tôi muốn đặt ngược lại vấn đề: Trương Tửu theo kháng chiến có phải thực tâm tán thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của chúng ta, hay vì “mục đích” gì khác nữa?… Trong khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nói chuyện với những sinh viên thân cận, Trương Tửu đưa ra một mớ lý luận sặc mùi tơ-rố-kít nếu không là gián điệp: nào là “giai cấp công nhân sắp hết vai trò sản xuất, quân đội sắp hết vai trò chiến đấu trong thời đại nguyên tử nầy”. Để làm gì, nếu không nhằm làm tê liệt ý chí đấu tranh và sản xuất của các tầng lớp cơ bản trong nhân dân ta…” (NMC, sđd.32).
Trong giới giáo sư đại học, giáo sư Phạm Huy Thông đã phê phán giáo sư Trần Đức Thảo một cách cay độc trên Nhân Dân số ngày 4-5-1958:
-“Trở nên môn đệ của Giăng Pôn Xác [Jean Paul Sartre], Thảo đã tham gia những hoạt động văn hóa và chính trị phản động của nhóm “Thời Nay” [Les Temps Modernes] do Xác chỉ huy, nêu cao thuyết “sinh tồn” [Existentialisme], một thuyết phản động về triết học và chính trị, chủ yếu nhằm chống lại phong trào cộng sản ở các nước phương Tây… Thảo vu khống đảng Cộng Sản Pháp có đầu óc đế quốc thực dân, phỉ báng chính sách ngoại giao của ta mà Thảo cho là đầu hàng, phản bội. Nói về Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946, Thảo đã phụ họa với bè lũ tơ-rốt-kít, chống lại chính phủ ta và đã thốt lên những lời thóa mạ thô bỉ, rất hỗn xược với các lãnh tụ của ta.” (NMC, sđd.32).
Trên Văn Nghệ số 12, Nguyễn Hữu Đang bị một người viết ký tên là Hồng Vân tố cáo: “Hắn là con một tên chánh tổng ở Thái Bình. Chính gia đình địa chủ cường hào nầy đã rèn luyện cho hắn cái đầu óc thích “ăn trên ngồi tróc”, thích địa vị với nhiều thủ đoạn nham hiểm và tàn nhẫn… Trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc lồng lộn khủng bố, toàn bộ Đảng ta rút vào bí mật. Không những cán bộ, đảng viên, mà cả những đoàn viên thanh niên dân chủ cũng bị lùng bắt. Còn Nguyễn Hữu Đang vẫn hoạt động công khai trong phong trào truyền bá quốc ngữ…” (NMC, sđd. 31).
Sau hai lớp học tập vào tháng 2 và 3-1958 và sau khi các báo đảng liên tiếp đăng bài đả kích, “vạch mặt” các văn nghệ sĩ và trí thức “phản động” trong nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm, ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhóm họp tại Hà Nội ngày 4-6-1958 để tổng kết và ra nghị quyết lên án gắt gao nhóm văn nghệ sĩ và trí thức nầy. Trong “Báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm”, đọc tại cuộc họp, có những đoạn Tố Hữu viết: “…Cuộc đấu tranh từ năm tháng nay chống nhóm phá hoạt “Nhân Văn Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ, một cuộc đấu tranh quyết liệt, có tính cách quần chúng và toàn quốc, chưa từng thấy mấy chục năm nay… Dưới sự lãnh đạo kiên quyết và sáng suốt của Đảng ta, cuộc giao phong tư tưởng vừa qua đã giành được thắng lợi lớn… Lật bộ áo “Nhân Văn Giai Phẩm” thối tha, người ta đã thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách “chống cộng”, phim ảnh khiêu dâm…” (NMC, sđd.34).
Thế rồi, Tố Hữu gọi các văn nghệ sĩ là: “bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo… Bọn Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, hai tên phản Đảng… Bọn Trần Dần, Tử Phác, những tên phản Đảng, những đứa con hư của Hà Nội cũ… Tên mật thám Trần Duy… Bọn Phan Khôi, mật thám cũ của thực dân Pháp… Bọn gián điệp Thụy An …” Và Tố Hữu khép họ vào các tội danh: “…ra mặt phản cách mạng, đánh thẳng vào chế độ của sự lãnh đạo của Đảng…âm mưu gây biến động… Lũng đoạn hội Nhà văn và các cơ quan nghệ thuật, xây dựng “pháo đài” chống cách mạng ở trường đại học…Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản… Khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo… chống lại nền chuyên chính vô sản, chống lại toàn bộ cách mạng xã hội chủ nghĩa… gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản… Ra sức chửi rủa cái mà chúng gọi là chủ nghĩa Xtalin, vu khống Đảng ta là “giáo điều”, “nô lệ” và vu khống các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc…” (NMC, sđd.35).
Riêng nhóm Nhân Văn và Giai Phẩm, Tố Hữu lên án là “phản động”, “phản cách mạng” vì nhóm nầy dám: ”Phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, đòi “tự do độc lập” của văn nghệ, rêu rao “sứ mạng chống đối” của văn nghệ, phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên con đường trừu tượng…đả kích văn nghệ kháng chiến của ta…phủ nhận hoàn toàn phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, coi đó là một sản phẩm của “thời kỳ Xta-lin”…Đòi trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ thực ra là đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng”(NMC, sđd.35).
Ngày hôm sau, 5-6-1958, cũng ngay tại Hà Nội, 800 văn nghệ sĩ họp để bàn thảo một nghị quyết gọi là “Nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ”, phụ họa với nghị quyết của ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (theo Thụy Khuê, bài đd.). Các hội chuyên ngành trong Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đã họp và ra nghị quyết áp đặt kỷ luật đối với nhóm văn nghệ sĩ và trí thức “phản động”, theo đó: Hội Nhà văn khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An, Trần Dần, Lê Đạt, và loại Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh ra khỏi ban chấp hành. Hội Mỹ thuật khai trừ Trần Duy, và loại Sỹ Ngọc, Nguyễn Sáng ra khỏi ban chấp hành. Hội Nhạc sĩ sáng tác khai trừ Tử Phác, Đặng Đình Hưng [thân sinh nhạc sĩ Đặng Thái Sơn], và loại Văn Cao, Nguyễn Văn Tý ra khỏi ban chấp hành… (NMC, sđd.36).
Tuy đã phê bình, kiểm điểm, đấu tố, nhưng vào tháng 7-1958, trong bài “Những tư tưởng nghệ thuật của Văn Cao” trên Văn Nghệ số 14, thi sĩ Xuân Diệu vẫn còn đả kích Văn Cao là “con người phản phúc hai mặt, giả dối như con mèo, là một tên phù thủy toan dùng âm binh để chọi nhau với Đảng.” (HVC, sđd.220)
Sau khi kiểm thảo, tự làm tờ thú tội, các văn nghệ sĩ bị cưỡng bức đưa đi lao động học tập. Những người bị “tội” nặng thì đi xa, lên các vùng núi non nước độc, những người bị “tội” nhẹ thì đi gần hơn ở các vùng trung du hay vùng đồng chua nước mặn duyên hải. Tạp chí Văn Nghệ, số 14, tháng 7-1958, trong bài “Nắm chắc lấy vũ khí chiến đấu của chúng ta” cho thấy vì sao cần lao động học tập:
-“Mọi người đều thấy là cần thiết, rất hoan nghênh một việc quan trọng mà ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đã đề ra là tất cả các văn nghệ sĩ đều phải cố gắng, tích cực đi vào thực tế đời sống công nông binh “tham gia lao động”. Tất nhiên nhóm phá hoại Nhân Văn, Giai Phẩm cũng đi với chúng ta, nhưng việc làm của họ có ý nghĩa hoàn toàn khác [để thử thách, theo dõi].” (HVC, sđd.37).
Toàn bộ hồ sơ của vụ Nhân Dân và Giai Phẩm được ban Tuyên huấn đảng Lao Động gom lại trong quyển sách nhan đề là Bọn Nhân Văn – Giai Phẩm trước tòa án dư luận do Nxb. Sự Thật, phát hành tại Hà Nội năm 1959. Trong tiểu mục “Cái ổ chuột “Nhân Văn – Giai Phẩm” bị vạch trần trước ánh sáng của dư luận”, sách nầy đã lên danh sách những người đã tham gia Nhân Văn và Giai Phẩm như sau: “Qua sự phát hiện của hai cuộc hội nghị nói trên [tức hai cuộc học tập vào tháng 2 và 3-1958], chúng ta được biết nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” bao gồm những tên đầu sỏ, những “cây bút” đã viết “hoặc nhiều hoặc ít” cho Nhân Văn – Giai Phẩm như: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Phùng Quán, Hoàng Tích Linh, Trần Công, Trần Thịnh, Phan Vũ, Hoàng Huế, Huy Phương, Vĩnh Mai, Như Mai tức Châm Văn Biếm, Hữu Thung, Nguyễn Khắc Dực, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Thanh Bình, Yến Lan, Nguyễn Thành Long, Trần Lê Văn, và Lê Đại Thanh … Nhưng đó không phải là tất cả (còn những tên chưa ra mặt).” (Sách Bọn Nhân Văn – Giai Phẩm…tt. 309-310). Về sau, có thêm Hữu Loan và một vài người nữa (NMC, sđd. 36)
Tuy thế, mọi sự vẫn chưa hết. Nhà nước CS còn đưa một số người mà họ cho rằng đầu sỏ nhất ra tòa. Đó là Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo (chủ nhà sách Minh Đức), Phan Tài, Lê Nguyên Chi.
3. TRƯỚC TÒA ÁN NHÂN DÂN
Dưới chế độ cộng sản, chỉ có một cơ quan được mang danh “nhà nước”, đó là “Ngân hàng nhà nước”, chuyên phát hành tiền bạc, còn bất cứ cơ quan nào cũng được gọi là “nhân dân”, như “Quân đội nhân dân”, “Công an nhân dân”, “Tòa án nhân dân”… Nói thế để thấy rằng tòa án nhân dân ở đây cũng là một cơ quan pháp luật của nhà nước, trong hệ thống tư pháp nhà cầm quyền.
Nhà cầm quyền cộng sản quyết định đem ra xét xử vào tháng 1-1960 các nhân vật chủ chốt vận động và bảo trợ phong trào văn học đối kháng Giai Phẩm và Nhân Văn trước Tòa án nhân dân Hà Nội. Có một vấn đề tế nhị họ muốn tránh né: không thể xét xử những người nầy trong “vụ án văn chương”, bởi vì “vụ án văn chương” có thể gây phản ứng bất lợi ở trong cũng như ngoài nước, nên họ phải tìm một lý do khác để ngụy trang. Chỉ thị của đảng LĐ ra lệnh phải xét xử nhanh, gọn, hạn chế đến mức tối thiểu, tránh gây xôn xao dư luận. (NMC, sđd.37)
Muốn thế phải quy chụp các nạn nhân vào một tội danh hoàn toàn không dính líu gì đến chuyện văn chương tư tưởng. Ngay từ khi bắt đầu đả kích Nhân Văn và Giai Phẩm năm 1956, các báo của cộng sản đều gán cho nhóm nầy tội “mật thám, gián điệp”. Lý do nầy có tính cách bí mật quốc phòng, chủ quyền quốc gia, không dính líu gì đến chuyện văn chương tư tưởng, nên không một ai, kể cả người nước ngoài, có thể viện cớ gì để kêu ca can thiệp. Như thế, lý do nầy rất thích hợp để cộng sản kết tội bà Thụy An và các ông Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo.
Lúc đó, đài truyền thanh thành phố Hà Nội và các báo nhà nước ngày nào cũng ra rả rằng một vụ án gián điệp quan trọng đang được xét xử công khai trước Tòa án nhân dân. Vụ án được trực tiếp truyền thanh trên Đài phát thanh và trên các loa đặt khắp thành phố Hà Nội để dân chúng theo dõi. Tuy công khai, nhưng ai có giấy mời mới được tham dự. Giấy mời do Sở công an Hà Nội phân phối. Khách nước ngoài không được có mặt. Đặc biệt hơn các tòa án đấu tố Cải cách ruộng đất trước đây, lần nầy tòa mở ra với đầy đủ bộ phận, có công tố, bồi thẩm đoàn, luật sư bào chữa, hình thức rất đầy đủ, nhưng ai cũng biết ngay cả luật sư bào chữa cũng là người của nhà cầm quyền.
Theo bản cáo trạng, bà Thụy An Lưu Thị Yến đã quen biết và giao thiệp với Maurice Durand, một nhà nghiên cứu người Pháp, nhân viên trường Viễn Đông Bác Cổ trước năm 1954.(34) Cũng theo cáo trạng, Maurice Durand là điệp viên cho thực dân Pháp. Làm điệp viên cho thực dân Pháp cũng có nghĩa là làm việc cho đế quốc Mỹ. Bà Thụy An liên lạc với Maurice Durand làm gì nếu không phải là tiếp tay làm gián điệp cho Durand?
Tác giả Nguyễn Minh Cần, chứng kiến tại chỗ phiên tòa, kể lại rằng luật sư bào chữa cho Thụy An là một thanh niên do Thành đoàn Thanh niên Lao Động thành phố Hà Nội cử ra. (Đoàn Thanh niên LĐ là đoàn thể của đảng LĐ, để huấn luyện, tuyển chọn và giới thiệu thanh niên vào đảng.) Tuy phát biểu cho có hình thức, nhưng anh thanh niên nầy nói hơi nhiều cho thân chủ. Khi đó, Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đến theo dõi phiên tòa, đã rất bực tức hỏi Trần Danh Tuyên, bí thư Thành uỷ Hà Nội:
-“Thằng nầy có phải là đảng viên không đấy? Nó mà nói thế thì làm sao tiện cho án quyết?” (NMC, sđd. trang 75).
Theo công an cộng sản, Thụy An cộng tác với Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo cùng xuất bản các báo Giai Phẩm và Nhân Văn, vậy là hai người nầy đã tiếp tay với Thụy An, làm gián điệp, ra báo đánh phá cách mạng. Hai người khác không thuộc văn giới cộng tác với ba người nầy về vấn đề tài chánh và in ấn là Phan Tài và Lê Nguyên Chi cũng bị xem là nằm trong dây chuyền gián điệp. Thế là cả năm bị kết tội gián điệp. Dầu không có bằng chứng gì cụ thể, tòa án nhân dân Hà Nội ngày 21-1-1960, đã kêu án cả năm người tổng cộng là 50 năm tù giam, chia ra như sau: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, mỗi người 15 năm; Trần Thiếu Bảo, 10 năm; Phan Tài và Lê Nguyên Chi, mỗi người 5 năm.
Những biện pháp kỷ luật công khai trên đây, từ những vụ đấu tố trong các hội văn học nghệ thuật, đến bản án ngày 21-1-1960 chỉ là mặt nổi của một tảng băng thạch. Theo nguyên tắc vật lý, mặt chìm chiếm tới chín phần mười tảng băng. Vấn đề Nhân Văn và Giai Phẩm cũng thế, mặt chìm rộng lớn hơn rất nhiều, nhưng ít ai hay biết vì không được công bố lên báo chí. Trong một thời gian dài, nhiều văn nghệ sĩ (như Trần Dần, Phùng Quán, Bùi Quang Đoài…) và trí thức (như Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu…) bị khủng bố, hăm dọa, điều tra xét hỏi, sa thải, đuổi học, thuyên chuyển, cô lập, chỉ định cư trú, hoặc bị bắt giam lâu năm không có án… Phần nhiều đã bị đày đọa điêu đứng cho đến những ngày cuối đời.
CHÚ THÍCH
32. Pétofi, Sandor (1823-1849): Nhà thơ yêu nước Hung Gia Lợi, năm 1848 tham gia cách mạng, viết nhạc, và tử trận tại Segesvár. Thơ ca ông đầy tình tự dân tộc, chống lại phong cách học phiệt cổ điển, mở đầu một kỷ nguyên mới trong văn học Hung Gia Lợi. Sau thế chiến thứ 2, thanh niên, sinh viên Hung Gia Lợi lấy tên ông lập ra câu lạc bộ Pétofi, biểu lộ ý ngầm yêu nước, chống Liên Xô.
33. Nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng 10 Nga, các đảng Cộng Sản trên thế giới họp tại Moscow từ ngày 14 đến 16-11-1957 đã ra tuyên cáo chung. Về phía Bắc Việt có Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và Phạm Hùng dự, không có Tito của Yougoslavia vì Tito muốn xây dựng chế độ cộng sản quốc gia và không liên kết. Ngày 22-11-1957, các đảng Cộng Sản trên thế giới lại họp tại Moscow lần nữa vào ngày 22-11-1957, ra tuyên bố chống chủ nghĩa “xét lại” của Tito. (Chính Đạo, sđd, tt. 117-118)
34. Maurice Durand, hội viên trường Viễn Đông Bác Cổ, cùng với Pierre Huard, hội viên danh dự trường Viễn Đông Bác Cổ, viết sách Connaissance du VN, do trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội ấn hành năm 1954.
VII. TẠI SAO LẠI CÓ BẢN ÁN
Ngang đây, có hai câu hỏi được đặt ra về phiên tòa ngày 21-1-1960: Thứ nhất, tại sao chỉ xét xử và kêu án năm người trong vụ Nhân Văn và Giai Phẩm?...Thứ hai, vụ Nhân Văn và Giai Phẩm bị dẹp vào cuối năm 1956, các văn nghệ sĩ và trí thức bị tập trung học tập và đấu tố từ năm 1958, nay tại sao vào năm 1960 lại đưa ra tòa xét xử công khai và cho loan báo rộng rãi trên đài truyền thanh và trên báo chí?
Tài liệu để "triệt hạ" Nhân Văn - Giai Phẩm của Đảng CS
1. TẠI SAO CHỈ KÊU ÁN NĂM NGƯỜI?
Để trả lời câu hỏi nầy, tốt nhất là tìm hiểu thêm về các nhân vật bị kêu án. Thụy An Lưu Thị Yến và Nguyễn Hữu Đang là hai người không chịu tham dự hai khóa học tập vào đầu năm 1958. Không tham dự học tập đường lối chính sách của đảng, dưới chế độ cộng sản có nghĩa là chống đối. Tội chống đối cần phải trừng trị, vì nếu không thì cộng sản không thể điều khiển được các văn nghệ sĩ khác.
Trong lý lịch của Thụy An, có một điểm mà ngành công an cộng sản dùng để khai thác và dựng nên vụ án: bà đã từng sống ở Hà Nội trước năm 1954, giao dịch với người Pháp, quen thân với Maurice Durand. Đây là điểm dễ nhất để ngụy tạo lý do “gián điệp”, và đưa Thụy An ra tòa. Bà được dùng làm đầu mối để khép tội các người kia, nên bà đứng đầu danh sách bị kết án. Đối với cộng sản, Thụy An càng đáng nghi ngờ hơn khi bà viết báo mà không dùng tên thật. Bà chỉ dùng bút hiệu một cách bí mật, ít người biết đến.
Trong sách «Bọn Nhân Văn – Giai Phẩm trước tòa án dư luận» do Nxb. Sự Thật, phát hành tại Hà Nội năm 1959, có đề cập đến hai bài viết của bà là “Bích Xu Va” và “Trường hợp tòng quân của thiếu uý Lâm”. (Thụy Khê, bài đd.) Thụy An là người vận động tích cực anh em văn nghệ sĩ biểu lộ thái độ phản kháng, và có nhiều ảnh hưởng tác động tới họ, đến nỗi nhà thơ Lê Đạt cho rằng cứ mỗi lần gặp Thụy An là ông cảm thấy “mình tài giỏi thêm và chán nản thêm, lòng tin tưởng [đối với chế độ] của tôi mất dần khi Thụy An nói đến những con người không đất đứng và tôi cũng tự hỏi đất đứng của mình ở đâu?” (Thụy Khê, bài đd.)
Đàng sau những chứng lý và tiết lộ trên đây, cộng sản cố tình triệt hạ Thụy An thật ra còn vì những lý do sâu xa hơn. Trong sách Nhà văn hiện đại, khi kết luận chương viết về Thụy An, Vũ Ngọc Phan nhận xét:
-“Hàn Mặc Tử đã đem vào thi ca Việt Nam lòng tin tưởng ở đạo Da Tô với giọng say sưa đầm ấm. Thụy An cũng xây dựng cho tiểu thuyết của bà có những nhân vật tin cậy ở Đấng Cứu Thế, ở Đức Mẹ Đồng Trinh và sẵn lòng nhịn nhục hy sinh…” (Vũ Ngọc Phan, sđd. tr. 1118.)
Ngoài đời, Thụy An liên lạc với một người bạn khá nổi tiếng là Đỗ Đình Đạo. Nhiều người cho rằng Đỗ Đình Đạo không phải chỉ là người bạn bình thường đối với Thụy An, mà còn là một người tình (?) của Thụy An. Đỗ Đình Đạo là người theo Ky-Tô giáo, cha bị Việt Minh giết. Ông là một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã từng cộng tác hoạt động với Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, (35) chống cộng tích cực, và ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1952, thủ tướng chính phủ dưới quyền của Quốc trưởng Bảo Đại là Nguyễn Văn Tâm, giao cho Đỗ Đình Đạo điều khiển Đoàn Quân thứ Lưu động (Groupe Administratif Mobile en Opérations, viết tắt GAMO) ở Bắc Việt. Theo tác giả Chính Đạo, trong Việt Nam niên biểu nhân vật chí, năm 1954 Đỗ Đình Đạo “bị chết tại nhà nữ văn sĩ Thụy An. Có tin bị đầu độc.” (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Houston: Văn Hóa, 1997, tr. 105.)
Lúc đó, nhà chức trách chính quyền Quốc gia ở Hà Nội nghi ngờ Thụy An theo lệnh của VM, ám sát Đỗ Đình Đạo, nên đã bắt giam bà. Sau hiệp định Genève ngày 20-7-1954, khi đất nước bị chia hai, bà được chính quyền Quốc Gia chuyển vào Nam. Đến hải cảng Hải Phòng, bà bỏ trốn và ở lại Hà Nội. (36)
Phải chăng vì Thụy An là một người theo đạo Ky-Tô, đã từng viết sách truyền bá đức tin của mình, lại đào thoát được khi đang bị dẫn độ về Nam, khiến cộng sản nghi ngờ rằng việc nầy chỉ là cảnh dàn dựng để bà ở lại đất Bắc, nên Thụy An bị quy chụp tội làm gián điệp? Bắt giam Thụy An, CS còn nhắm đe dọa cả những người theo Ky-Tô giáo lúc đó còn ở lại Hà Nội.
Nguyễn Hữu Đang thì đặc biệt hơn. Ông từng là Trưởng ban tổ chức ngày lễ 2-9-1945 tại Hà Nội (ngày Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập), thứ trưởng một bộ trong chính phủ Việt Minh, và đảng viên đảng LĐ từ 1947 đến 1951. Sau năm 1954, ông từ chối không nhận chức bộ trưởng nào cũng như không trở lui sinh hoạt đảng.
Trong đợt học tập 18 ngày (từ 1 đến 18-8-1956), Nguyễn Hữu Đang, đại diện tổ 2 đọc bài tham luận rất sắc sảo gồm ba điểm chính: đường lối lãnh đạo văn nghệ của Trung ương đảng hẹp hòi, Trung ương đảng chưa có chính sách hẳn hoi về văn nghệ, và tổ chức không hợp lý, không trong sạch, có tính bè phái. Trong lúc đọc bài nầy, Nguyễn Hữu Đang được 17 lần hoan hô bằng những tràng vỗ tay dài. (Nhân Văn số 1, Hà Nội, 20-9-1956, bđd.)
Theo lời thi sĩ Hữu Loan trong cuộc phỏng vấn của báo Thông Luận vào đầu thập niên 90, được Nguyễn Văn Trấn đăng lại trong Viết cho Mẹ và Quốc Hội, đã xuất bản ở trong nước, và tái bản ở hải ngoại, khi có người hỏi vì sao không nhận chức bộ trưởng và trở lại sinh hoạt đảng vào năm 1954, Nguyễn Hữu Đang trả lời rằng:
-“Nội bộ thiếu dân chủ trầm trọng, mình bây giờ một mình một đảng.” (NVT, sđd. tr. 278)
Quan trọng hơn, cũng theo lời Hữu Loan:
-“Bài báo bị cho là phản động, phản đảng, phản dân nhất của Nhân Văn là bài “Vấn đề pháp trị” do Nguyễn Hữu Đang viết. Trong bài, ý nói sở dĩ chỗ nào cũng có áp bức chà đạp lên con người là vì chưa có pháp luật rõ ràng. Tòa án là một thứ tòa án tha hồ tùy tiện còn hơn “Tôn giáo pháp đình” của Giáo hội Trung cổ. Muốn bắt ai thì bắt, muốn xử ai thì xử, bịa ra luật nặng nhẹ tha hồ để xử… Bài báo kêu gọi cần phải pháp quyền thì người dân mới bình đẳng trước pháp luật” (NVT, sđd.274)
Bài báo mà Hữu Loan nói đến trên đây có nhan đề là “Cần phải chính quy hơn nữa”, đăng trên Nhân Văn số 4 ra ngày 5-11-1956. Mở đầu bài báo, Nguyễn Hữu Đang đề cập đến một ý trong bản báo cáo của Khrushchev tại Đại hội thứ 20 đảng CSLX, đó là nhắc nhở các cấp đảng, chính phủ, và công đoàn phải tôn trọng pháp luật và tố cáo, vạch mặt bất cứ ai phạm pháp.
Dựa vào lời của Khrushchev, Nguyễn Hữu Đang đặt câu hỏi tại sao sau 38 năm (từ cuối 1917 đến 1956) kiến thiết xã hội chủ nghĩa, với hai lần đặt hiến pháp và nhiều lần sửa đổi luật pháp, mà Liên Xô vẫn phải đặt lại vấn đề pháp trị? Từ đó Nguyễn Hữu Đang kết tội Stalin, Beria và phe nhóm đã vi phạm trầm trọng chế độ pháp trị, coi thường pháp luật. Nguyễn Hữu Đang cho rằng điều nầy cũng diễn ra ở Bắc Việt. Ông viết:
-“Trong Cải cách ruộng đất, những việc bắt người, giam người, tra hỏi (dùng nhục hình dã man), xử tù, xử bắn, tịch thu tài sản, hết sức bừa bãi, bậy bạ, cũng như việc bao vây đến làm chết đói những thiếu nhi vô tội trong các gia đình địa chủ (hoặc chính nông dân mà bị quy sai thành phần), không phải chỉ hoàn toàn do sự lãnh đạo kém cỏi mà còn do thiếu chế độ pháp trị hẳn hòi… Do pháp trị thiếu sót mà cải cách ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm trăng bên bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người mất ăn mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình làm như một bộ phận của nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe dọa chính trị trắng trợn, ngăn cản việc mua đọc báo Nhân Văn, hành hung báo Trăm Hoa…” (Nhân Văn số 4, Hà Nội, 5-11-1956. Tài liệu Internet)
Nguyễn Hữu Đang kết luận bài báo bằng những đề nghị:
“1) Thi hành Hiến pháp (hoặc hiến pháp năm 1946 sửa đổi cho thích hợp với hoàn cảnh ngày nay, hoặc Hiến pháp mới sẽ đặt ra). Trên cơ sở Hiến pháp, Quốc hội sẽ biểu quyết những đạo luật thay các sắc lệnh và những văn kiện khác.
2) Quốc hội họp đều, sáu tháng một kỳ. Không có lý gì trong hoàn cảnh hòa bình mà công việc của Quốc hội vẫn khoán trắng cho một ban thường trực gần như không hoạt động gì.
3) Chấn chỉnh ngành tư pháp, chủ yếu là tăng quyền hành thực sự của bộ Tư pháp.” (Nhân Văn số 4, Hà Nội, 5-11-1956. Tài liệu Internet: http://members.aol.com/canhen/nhvan13.htm)
Vấn đề pháp trị, nền tảng căn bản của tổ chức xã hội, là phần nhạy cảm, dễ bị dị ứng nhất của chế độ độc tài cộng sản, vì có pháp trị thì làm sao có thể độc tài? Chỉ một bài báo ngắn, khoảng trên 1,500 chữ, mà Nguyễn Hữu Đang đã đụng chạm đến quá nhiều vấn đề cốt lõi cấm kỵ đối với đảng LĐ: chỉ trích Stalin, đả kích CCRĐ và quy lỗi sai lầm do chế độ thiếu pháp trị (trong khi nhà nước cộng sản cho là CCRĐ thành công và chỉ có một số ít sai lầm do cá nhân yếu kém thiếu sót), chê bai chế độ quân dịch không hợp lý (điều nầy làm cho nhà cầm quyền Hà Nội rất lúng túng, vì họ đang cần tuyển quân vô thời hạn để đưa vào tấn công miền Nam), đả kích nền hành chánh (công an, thuế vụ, nhà đất) tùy tiện, và đề nghị nêu cao tinh thần trọng pháp, chấn chỉnh pháp luật.
Vấn đề pháp trị đã được luật sư Nguyễn Mạnh Tường đặt ra trong bài phát biểu nhan đề là “Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo”, tại Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội ngày 30-10-1956. Sau khi vạch ra những sai lầm trong CCRĐ, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị đường hướng sửa chữa:
“1) Một chế độ pháp trị chân chính.
2) Một chế độ thực sự dân chủ.
3) Một chế độ tự do ngôn luận, xuất bản báo chí.” (HVC, sđd. tt. 293-315.)
Chính vì đòi hỏi pháp trị mà luật sư Nguyễn Mạnh Tường bị cộng sản Hà Nội trù dập và sau đó bị cô lập, hành hạ đến cuối đời mà ông tự gọi là người bị “rút phép thông công” (l’excommunié). Lúc đó cộng sản mới về Hà Nội, đang ổn định tình thế, cần lấy lòng trí thức và nhất là các nước ngoài nên cộng sản không giết ông Nguyễn Mạnh Tường vì uy tín văn hóa ông quá lớn, nhất là tại Pháp, nơi ông đỗ hai bằng tiến sĩ (văn chương và luật khoa) trong cùng năm 1932, lúc ông mới 23 tuổi.
Bài báo do Nguyễn Hữu Đang đưa ra (5-11-1956) sau Nguyễn Mạnh Tường thuyết trình không đầy một tuần lễ (30-10-1956). Bài nói chuyện của luật sư Tường chỉ phổ biến giới hạn trong cử tọa của buổi nói chuyện hôm đó, chứ không đăng báo ở Hà Nội, nhưng không biết vì sao qua được Rangoon (Miến Điện), rồi sang Paris. (HVC sđd. tr.294.) Ngược lại, bài báo của ông Nguyễn Hữu Đang, tuy không khúc chiết như bài của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhưng lại xuất hiện công khai và phổ biến rộng rãi ở Hà Nội và Bắc Việt. Dĩ nhiên là đảng Lao Động không thể nào dung thứ quan điểm của Nguyễn Mạnh Tường cũng như của Nguyễn Hữu Đang.
Riêng một bài báo ngắn của Nguyễn Hữu Đang cũng đủ đưa ông đi tù, nhưng đảng LĐ chưa đụng đến ông ngay, vì ông là người có công với cuộc kháng chiến, lại có uy tín ở Hà Nội. Trong bản tự kiểm điểm sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, Trần Dần đã viết về Nguyễn Hữu Đang như sau:
-“Nếu không có đảng, không ai có thể tập họp anh em được, sẽ không có những tham luận đề nghị gặp trung ương, cũng không có tờ Nhân Văn.” (Thụy Khê, bđd.).
Chẳng những Trần Dần đánh giá cao Nguyễn Hữu Đang, mà đảng LĐ cũng đánh giá cao ông nầy, nhìn thấy nơi ông là một nhân vật có khả năng lãnh đạo đám đông, nên rất lo ngại. Với chủ trương độc tài, độc tôn, độc đảng, họ không muốn ai cạnh tranh quyền lãnh đạo của họ. Đến lúc Nguyễn Hữu Đang không chịu dự khóa học tập vào đầu năm 1958, CS mới dựa vào lý do đó, bắt ông giam ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.
Do những lẽ trên, sẽ không lấy làm lạ khi đảng LĐ quyết tâm triệt hạ Nguyễn Hữu Đang. Nhân vì Thụy An không chịu đi học tập như Nguyễn Hữu Đang, đảng LĐ ghép chung hai người trong vụ án gián điệp để bắt giam và đày đọa. Ngoài ra còn có thêm một nhân vật khác nữa, bạn của Nguyễn Hữu Đang, cũng là nạn nhân trong vụ nầy; đó là Trần Thiếu Bảo, chủ nhà in Minh Đức.
Trần Thiếu Bảo là một tư nhân kinh doanh thành công, vượt xa những công ty quốc doanh, và có thể trở thành một nhà xuất bản cũng như nhà in lớn nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Nhà kinh doanh nầy lại là một nhà bảo trợ văn hóa thì càng nguy hiểm hơn nữa. Do đó, ông không thể tồn tại dưới chế độ cộng sản, vì nếu để ông tiếp tục hoạt động, chẳng những ông sẽ cho xuất hiện những tác phẩm phản kháng như Giai Phẩm hoặc Nhân Văn, mà ông sẽ trở thành một nhà tư sản ngoài quốc doanh và nhất là một lãnh tụ văn hóa lớn. Tất cả đó là nguyên nhân đưa đến việc trước sau gì ông cũng bị loại trừ. Khác với Thụy An và Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo không phải là nhà văn, nên đương nhiên ông không tham dự hai khóa học tập tháng 2 và tháng 3-1958. Do đó đảng LĐ chưa có lý do bắt ông. Bày ra vụ án gián điệp Nhân Văn – Giai Phẩm, đảng LĐ nhân cơ hội nầy, cột chung Trần Thiếu Bảo vào nhóm Thụy An để kết tội và tịch biên tài sản của ông. (37)
Đối với cộng sản, những văn nghệ sĩ và trí thức có thể làm thơ, viết văn hay tham luận sắc bén chống chế độ, nhưng dễ đối phó, vì chỉ cần dẹp diễn đàn là bài họ không thể xuất hiện. Họ có khả năng viết văn, nhưng không có khả năng lãnh đạo, tập họp quần chúng nên không nguy hiểm. Ngược lại, những người có tư cách lãnh đạo, có thể nói cho người khác nghe theo mình, có thể tập họp quần chúng, có thể tổ chức thành những đoàn thể cạnh tranh với đảng Lao Động, là những người nguy hiểm cần phải thanh toán ngay. Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo nằm trong trường hợp nầy. Còn hai ông Phan Tài và Lê Nguyên Chi tuy không thuộc văn giới, không nổi bật như các ông Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo, nhưng lại là những người tiếp tay đắc lực, nên cũng bị kết tội để cảnh cáo để làm guơng cho người khác.
2. TẠI SAO ĐẾN NĂM 1960 MỚI XÉT XỬ?
Nhân Văn – Giai Phẩm bị đình bản cuối năm 1956, các trí thức và văn nghệ sĩ phải tập trung học tập và bị đấu tố vào năm 1958, nhưng tại sao mãi gần hai năm sau (đầu 1960) mới đưa ra tòa xét xử công khai và kết án nhóm Nguyễn Hữu Đang nặng nề như vậy? Câu trả lời được nhiều người đưa ra có lẽ là thủ tục hành chánh và pháp lý đòi hỏi một thời gian sửa soạn. Thật ra, dưới chế độ độc tài cộng sản, nếu cần xét xử một vấn đề gì khẩn cấp, thì họ đưa ra ngay, chứ chẳng cần phải trải qua thủ tục điều tra đầy đủ như dưới chế độ dân chủ tự do. Ở đây, có hai điểm cần lưu ý:
Thứ nhất, đảng LĐ không muốn xem đây là một vụ án văn chương, sẽ bị dư luận dị nghị, nhất là dư luận giới văn nghệ sĩ thế giới. Muốn thế, cần phải chậm đi một thời gian sau vụ đình bản các báo đối kháng năm 1956, những ồn ào sau vụ học tập, đấu tố và đưa các văn nghệ sĩ, trí thức đi lao động vào nửa đầu năm 1958, nghĩa là để cho vụ Nhân Văn – Giai Phẩm chìm đi một thời gian.
Thứ hai, thời gian nầy tuy cần phải vừa đủ để những dư luận không còn xào xáo chuyện văn chương nữa, để mọi người xem phiên tòa chỉ là một vấn đề thuần tuý an ninh nội bộ, nhưng cũng cần phải vừa phù hợp với những diễn biến chính trị dồn dập của tình hình Việt Nam từ 1958 trở đi, khiến cộng sản quyết định tổ chức phiên tòa vào đầu năm 1960.
Hiệp định Genève hay hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ký kết ngày 20-7-1954 tại Genève, tạm thời chia hai nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở phía Bắc và Quốc Gia Việt Nam ở phía Nam. Hiệp định nầy không đề cập đến tương lai chính trị Việt Nam. Giải pháp chính trị nằm ở điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương” ngày 21-7-1954, theo đó một “cuộc Tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó.” (38) Cần lưu ý là không một nước nào ký vào bản tuyên bố nầy, nên bản tuyên bố không có giá trị pháp lý để cưỡng hành.
Đại diện chính phủ Quốc Gia Việt Nam không ký vào hiệp định đình chiến (20-7-1954), cũng không ký vào bản tuyên bố cuối cùng (21-7-1954) và đưa ra tuyên ngôn riêng ngày 21-7-1954 phản đối hiệp định. Tuy nhiên, chính phủ Quốc Gia Việt Nam vẫn thi hành việc chia hai nước Việt Nam theo thỏa thuận quốc tế.
Dựa vào điều 7 của bản tuyên bố ngày 21-7-1954, thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là Phạm Văn Đồng gởi thư ngày 19-7-1955, cho thủ tướng Quốc Gia Việt Nam là Ngô Đình Diệm, yêu cầu mở hội nghị hiệp thương bắt đầu từ ngày 20-7-1955. Ngày 10-8-1955, Ngô Đình Diệm đã bác bỏ đề nghị của Phạm Văn Đồng, dựa vào lý do rằng chính phủ miền Nam không ký vào Hiệp định Genève và nhất là vì không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Việt đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi Quốc tế Cộng sản. Tuy chính phủ miền Nam nhiều lần từ chối, Phạm Văn Đồng vẫn nhắc lại đề nghị nầy hằng năm vào các ngày 11-5-1956, 18-7-1957, và 7-3-1958 để tuyên truyền với quốc tế. Lần cuối, Ngô Đình Diệm, lúc đó là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, bác bỏ đề nghị trên vào ngày 26-4-1958.
Vào cuối năm 1958, Lê Duẫn được bí mật gởi vào miền Nam. Khi trở ra Bắc vào cuối năm nầy, Lê Duẫn viết bản báo cáo đề nghị đánh chiếm miền Nam bằng võ lực. Chính bản báo cáo nầy là nền tảng của quyết định quan trọng của hội nghị Trung ương đảng LĐ lần thứ 15 tại Hà Nội.
Tại hội nghị nầy, ngày 13-5-1959, ban chấp hành Trung ương đảng LĐ đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước (tức đánh chiếm miền Nam bằng võ lực) và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Nghị quyết đăng trên Nhân Dân ngày 14-5-1959). Dĩ nhiên các văn nghệ sĩ cũng như toàn thể đảng viên cán bộ và dân chúng Bắc Việt đều phải học tập nghị quyết nầy. Đó là điều đã được nhấn mạnh trong nghị quyết chấn chỉnh công tác văn nghệ ngày 6-1-1958 do Trường Chinh ký.
Chiến thuật chiến tranh thông dụng của cộng sản là du kích chiến. Muốn sử dụng du kích chiến, theo kinh nghiệm của đảng CSTH, cần phải có một hậu phương lớn để yểm trợ, tiếp tế khi tấn công, đồng thời để rút lui, dưỡng quân khi cần. Sau khi đảng CSTH chiếm được toàn thể Hoa lục năm 1949, CHNDTH đã từng là hậu phương lớn của Việt Minh từ năm 1950 đến 1954. Nay Bắc Việt trở thành hậu phương lớn cho du kích quân Việt cộng ở miền Nam. Điều quan trọng nhất là hậu phương phải vững mạnh, ổn định, và kết thành một khối chắc chắn, để không bị tình trạng lộn xộn, trống đánh xuôi kèn thổi ngược như nước Pháp trong thời chiến tranh 1946-1954. (Sau nầy Hoa Kỳ lâm phải tình trạng xáo trộn nầy thời chiến tranh 1954-1975.)
Để đạt được sự ổn định vững vàng ở hậu phương Bắc Việt, đảng LĐ liền ra tay dẹp yên hết mọi chống đối, trở ngại. Vụ CCRĐ với khoảng 170,000 người bị giết đã làm cho nông thôn run sợ. Nhà nước cộng sản cần phải ổn định thành thị vừa về kinh tế, vừa về chính trị.
Về chánh trị, từ năm 1954, nhà nước cộng sản Bắc Việt chỉ gặp cuộc phản kháng của những nông dân không vũ khí ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) tháng 11-1956 sau vụ CCRĐ, và đã dẹp yên ngay bằng sư đoàn 325. (Bernard Fall, Le Viet Minh, Paris: Max Leclerc et Compagnie, 1960, tr.289.) Sau đó lại xảy ra vụ “Nhân Văn – Giai Phẩm” ở Hà Nội năm 1956. Giới văn nghệ sĩ bị đàn áp dễ dàng, không cho ra sách báo thì hết cách viết; và phân tán mỏng, gởi đi học tập lao động ở nông thôn thì hết gặp gỡ thảo luận, bàn tán. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn âm ỷ, vì nói như Phan Khôi:
“Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.”
(HVC, sđd. 58)
Dầu không còn điều kiện để sáng tác, nhưng trí óc của người văn nghệ sĩ hay trí thức vẫn là một lãnh vực riêng tư mà đảng không thể nào kiểm soát được. Do đó, phải có một hành động thật cương quyết cứng rắn và mãnh liệt phủ đầu, mới có thể làm cho giới trí thức và cầm bút khiếp đảm tê liệt, từ đó im hơi lặng tiếng luôn. Đòn phủ đầu nầy phải nhắm ngay vào những tay cứng cổ, khó bảo mà lại có khả năng tập họp quần chúng và không chịu học tập chỉnh huấn, như Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo. Đòn phủ đầu đó chính là kết luận của phiên tòa gọi là xét xử những tội phạm gián điệp ngày 21-1-1960 mà tác giả Georges Boudarel, một đảng viên cộng sản có hai đảng tịch Pháp và Việt Nam, đã cho rằng Nguyễn Hữu Đang đã bị buộc tội gián điệp một cách khó hiểu. (GB, sđd. tr. 256.)
Thật ra, chẳng có gì khó hiểu nếu chúng ta đặt vụ án nầy trong toàn bộ trình tự diễn tiến của thời cuộc những năm từ 1956 trở đi, nhất là việc sửa soạn công cuộc xâm lăng miền Nam của đảng LĐVN. Sau vụ án ngày 26-1-1960, Đại hội 3 đảng LĐ tại Hà Nội từ 5 đến 10-9-1960 xác quyết lại một lần nữa hai mục tiêu lớn là tiến lên xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam bằng vũ lực. Để thực hiện hai mục tiêu nầy, nội bộ đảng LĐ được cải tổ. Bỏ chức tổng bí thư, Hồ Chí Minh lên làm chủ tịch đảng, còn Lê Duẫn giữ chức bí thư thứ nhất, tức người cựu bí thư Trung ương cục miền Nam, kẻ đã thảo ra chương trình đánh chiếm miền Nam, nay chính thức lên địa vị thứ nhì sau Hồ Chí Minh, nhưng quyền hành không kém gì họ Hồ. Điều nầy khiến Lê Duẫn dễ điều động chiến trường miền Nam.
Điểm chót của việc chuẩn bị, trước khi bước qua giai đoạn tấn công miền Nam là việc thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ngày 12-12-1960 tại Hà Nội, và Mặt trận nầy chính thức ra mắt vào ngày 20-12-1960 tại chiến khu Dương Minh Châu ở Tây Ninh.
Trước đây, cuộc kháng chiến chống Pháp dầu sao lúc đầu vẫn mang ý nghĩa chống ngoại xâm giành độc lập, nên các nhà văn, nhà thơ, giới trí thức đều tự chế, nhịn nhục và cố gắng đoàn kết để đưa cuộc chiến đấu đến thành công. Ngày nay, khi bắt đầu phát động tấn công miền Nam, đảng LĐ cũng muốn tái lập tình trạng ổn định như thế, nhưng mục đích chiến tranh lần nầy thiếu chính nghĩa, chỉ nhắm xâm lăng miền Nam, nên họ lo ngại các trí thức và văn nghệ sĩ sẽ lên tiếng phản đối dưới nhiều hình thức khác nhau khó lường trước được. Điều nầy sẽ bất lợi cho công cuộc xâm lăng miền Nam. Do đó, đảng LĐ quyết dẹp yên mặt trận văn hóa, tạo một không khí hoàn toàn yên tĩnh ở Bắc Việt, khỏi có ai than phiền về việc đưa quân vào Nam, chẳng có ai thắc mắc về lý do chiến đấu, về cuộc sống quân ngũ, về “nỗi buồn chiến tranh”, về những đau khổ mất mát ly tan của những gia đình có người ra đi mà không biết ngày trở lại, cũng không biết sống chết phương trời nào ở ngoài chiến trường.
Đúng như đảng LĐ dự tính, đòn phủ đầu trên đây rất có hiệu quả. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tự thổ lộ sau năm 1975:
-“Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm cho mình hèn.” (39)
Nguyễn Minh Châu còn mô tả tâm sự của Nguyễn Tuân, một tác giả nổi tiếng phóng khoáng một thời:
-“Một nhà văn đàn anh [Nguyễn Tuân] nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: “Tao còn sống đến bây giờ là còn biết sợ!”.
Nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lả chả, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng”. (40) Hơn ba mươi năm sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, Bửu Tiến, một nhà văn thân tín của đảng LĐ đả kích Nhân Văn – Giai Phẩm thời năm 1958, đọc tham luận tại Đại hội Nhà văn họp tại hội trường Ba Đình, Hà Nội từ 23 đến 31-10-1989, trong đó có câu:
-“Xin lỗi anh em Nhân Văn Giai Phẩm và, trừu tượng hơn, xin tạ tội với Tự do Dân chủ, giấc mơ ngàn đời của nhân loại và của bản thân.” (41)
Những dòng tâm sự cay đắng nầy càng làm nổi bật lý do vì sao đảng LĐ cần phải tiêu diệt những người can đảm như Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo. Chẳng những thế, việc kết án nhóm nầy còn làm cạn kiệt luôn chút niềm tin còn sót lại nơi một số văn nghệ sĩ vào chế độ cộng sản. Họ hết kêu ca, than vãn, đòi hỏi cởi trói văn nghệ, mà phải chấp nhận thực tại trước mắt của họ, im hơi lặng tiếng, cúi đầu vâng phục chế độ, nếu họ muốn sinh tồn.
3. CHỦ TRƯƠNG VĂN NGHỆ KINH ĐIỂN CỦA CỘNG SẢN
Thế là trong thời gian chiến tranh ở miền Nam từ 1960 trở đi, tình hình văn học nghệ thuật và báo chí Bắc Việt hoàn toàn trong lành, yên tĩnh. Các tác phẩm phát hành sau năm 1960 rất hiền lành, ngoan ngoãn.
-“Hầu hết những tác phẩm xuất hiện trong giai đoạn nầy đều tập trung trong ba chủ đề chính: thương nhớ miền Nam, ca ngợi sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, và tỏ lòng biết ơn vô tận của mình trước công ơn tái sinh của cách mạng.” (NHQ, sđd.166)
Ba chủ đề nầy đều nhắm phục vụ cho kế hoạch xâm lăng miền Nam. Cộng sản đã đặc biệt khai thác nỗi nhớ quê hương của những người tập kết, lên án cũng như vu khống chế độ miền Nam, nhắm gây căm thù và đốc thúc dân chúng miền Bắc hăng hái tham gia công cuộc giải phóng miền Nam khỏi sự “kềm kẹp của Mỹ Ngụy”, thống nhất đất nước bằng vũ lực. Năm 1960, báo Thống Nhất, Hà Nội mở hai cuộc thi viết về đề tài miền Nam. Những tác phẩm trúng giải được in trong hai quyển sách nhan đề Con đường phía trước và Má Năm Cần Thơ. (NHQ, sđd. 168).
Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội còn thay thế nền văn chương phản kháng của Nhân Văn – Giai Phẩm bằng nền văn chương chiến đấu, phục vụ chiến trường như câu hai câu thơ:
“Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.” (42)
Cần chú ý rằng hai câu thơ nầy nằm trong một bài tứ tuyệt vào cuối sách Ngục trung nhật ký được phát hành năm 1960. Thời điểm xuất hiện bài thơ (1960) và cách sắp đặt bài thơ cuối sách Ngục trung nhật ký cũng là một dụng ý của CS, như là một tuyên ngôn cho loại thơ chiến đấu. Tất cả những gì không ích lợi cho cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam đều bị dẹp bỏ, không được in ấn. Tố Hữu đã phụ họa theo:
-“Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ,
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương.”
Kết quả của nền văn chương thực dụng nầy rất khả quan, đến nỗi Xuân Quỳnh đã viết:
-“Em đang tập làm thơ có ích”. (Tuyển tập Trăm hoa…, tr.53.)
Tất cả những điều nầy gây ảo giác cho người bên ngoài Bắc Việt tưởng rằng do sự thành công của chính sách đảng LĐ mà mọi người dân Bắc Việt đoàn kết với nhau, một lòng đứng sau lưng nhà nước Hà Nội trong công cuộc tấn công miền Nam, “chống Mỹ cứu nước”. Chính tác giả Nguyễn Minh Cần đã than rằng:
-“Chế độ miền Nam, tất nhiên là làm rầm rộ lên nhân vụ án nầy để tuyên truyền mặt trái của chế độ miền Bắc. Nhưng sau nầy, khi hỏi chuyện anh em miền Nam thì được biết là họ không tin, họ tưởng là sự việc bị bịa đặt ra, chứ làm gì đảng có thể đối xử với trí thức miền Bắc tàn tệ đến mức như thế.” (NMC, sđd.76-77)
Nhiệm vụ mới của giới văn nghệ sĩ được Trường Chinh, uỷ viên Bộ chính trị đảng LĐ, Chủ tịch UB Thường vụ Quốc hội (từ ngày 7-7-1960), quy định trong bài “Tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa” đọc trước Đại hội Văn nghệ Bắc Việt năm 1962:
“Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục vụ chính trị, phục vụ đường lối chính sách của đảng. Văn nghệ sĩ phải trung thành với lý tưởng cộng sản và đấu tranh không mệt mỏi cho chủ nghĩa xã hội. Văn nghệ sĩ bằng hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội của mình cần luôn luôn phấn đấu để tăng cường sự lãnh đạo của đảng, củng cố lòng tin của quần chúng đối với đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin…” (Tuyển tập Trăm hoa…, tr. 24.)
Tình hình văn nghệ Bắc Việt lúc đó hoàn toàn khác hẳn với miền Nam tự do. Trong lúc phải chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản miền Bắc, văn nghệ sĩ miền Nam được tự do sáng tác theo tình tự của con người, nên bên cạnh những tác phẩm chiến đấu, lại xuất hiện nhiều bài bình luận chính trị chống đối chính quyền, nhiều văn thơ và nhất là ca nhạc thở than uỷ mỵ. Từ sự uỷ mỵ nầy, nhiều tác phẩm phản chiến xuất hiện, làm xói mòn và sa sút rất nhiều tinh thần chiến đấu của chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Dĩ nhiên Việt Cộng không bỏ qua cơ hội lợi dụng quyền tự do sáng tác để gây nhiễu xạ hình ảnh, làm rối loạn và băng hoại xã hội miền Nam. Tuy nhiên, chính sự tự do sáng tác tạo nên một khác biệt lớn lao giữa chế độ miền Nam theo chủ nghĩa dân tộc với chế độ miền Bắc theo lý thuyết cộng sản ngoại lai.
KẾT LUẬN
Ngay từ đầu, báo Nhân Văn khẳng định lập trường theo đảng LĐ, chứ không phải mở phong trào văn học hay chính trị gì mới. Những bài báo Nhân Văn – Giai Phẩm nhắm xây dựng lại xã hội miền Bắc bằng cách phê phán nền hành chánh quan liêu, tình trạng xã hội tệ hại sau vụ Cải cách ruộng đất, và nhất là phản đối những trói buộc gắt gao đối với anh em văn nghệ sĩ và trí thức trong thời bình. Họ đòi hỏi thực thi dân chủ, tôn trọng luật pháp và tự do sáng tác trong khuôn khổ chế độ cộng sản. Những phản kháng nầy ôn hòa, chỉ giới hạn trong phạm vi báo chí, văn chương, và chỉ nhắm vào những vấn đề có tính cách quản lý xã hội và văn hóa, chứ không liên quan đến chủ trương hay ý thức hệ chính trị. Đôi khi những bài viết khá gay gắt nhưng hoàn toàn không manh nha một hành động bạo loạn nào.
Có thể giới văn nghệ sĩ và trí thức lúc đó vẫn còn giữ lòng tin với những người vừa mới lãnh đạo họ trên con đường kháng chiến chống Pháp, và lòng tin vào lý thuyết cộng sản hứa hẹn một xã hội không có bất công, không có cảnh người bóc lột người, nên mới lên tiếng để sửa đổi và xây dựng xã hội mới. Dầu sao, họ đã tỏ ra hết sức can đảm khi dấn thân phản kháng và đòi hỏi cởi trói văn nghệ. Biết rằng đàn áp tù đày đang chờ đón họ, nhưng họ vẫn cương quyết cùng nhau tiến lên. Một điểm đáng quý là dù đã bị đày đọa một thời gian dài, đến tận cùng nỗi thống khổ của kiếp nhân sinh, nhiều người vẫn giữ khí tiết, lòng can đảm, và óc sáng tạo cho đến cuối đời. Họ đã sống đúng như Phùng Quán đã viết:
“Tôi muốn làm nhà văn chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.” (HVC sđd.121)
Những phản kháng của nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm thách đố tính lãnh đạo độc tài độc tôn của guồng máy cai trị của đảng LĐ, đã đụng phải vách tường nhân sự quan liêu, tham quyền cố vị. Sau thời gian đầu tìm hiểu tình hình, đảng nầy đã vũ lộng quyền uy, triệt tiêu ngay tức khắc mọi phản kháng từ mọi phía. Để giữ sự ổn cố chính trị tuyệt đối ở Bắc Việt nhắm tiến hành chiến tranh xâm lăng miền Nam, đảng LĐ đã ngụy tạo vụ án gián điệp, xét xử những người can đảm đến độ liều lĩnh là Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo. Đảng nầy quyết gây khiếp đảm đối với giới trí thức và văn nghệ sĩ, như họ đã từng làm khiếp đảm giới nông dân bằng Cuộc cải cách ruộng đất.
Đảng LĐ đã thẳng tay hy sinh cả một thế hệ văn nghệ sĩ và trí thức tài hoa cho mục tiêu chính trị của đảng trong đường lối bành trướng của Quốc tế Cộng sản và cho tham vọng cá nhân của một số nhà lãnh đạo. Những người phản kháng bị đàn áp, tù đày, nghi ngờ, theo dõi và chấm dứt sáng tác đã đành; những người theo làm tay sai cho đảng cũng không thể sáng tác được gì ngoài những văn thơ cổ động theo công thức đã định sẵn. “Tác phẩm của họ (ngày nay) chỉ là chỉ thị, kế hoạch, công văn, thông cáo…” (lời của thi sĩ Hoàng Huế, đã dẫn).
Những thi sĩ một thời nổi tiếng tài hoa như Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, những văn sĩ đã từng nổi danh trước đây như Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, đều được coi như tên tuổi đã chết khi họ còn sống. Ngày nay, nếu có nhắc đến Xuân Diệu, người ta chỉ nhớ những bài thơ trữ tình của ông trước năm 1945, chứ không ai nói đến những bài ông viết sau năm 1945, dù mãi đến năm 1985 ông mới từ trần. Cũng thế, với Nguyễn Tuân, người ta ca tụng Vang bóng một thời (xuất bản năm 1940), hay Chiếc lư đồng mắt cua (xuất bản năm 1941) chứ không ai biết sau năm 1945, ông đã viết những gì, dù ông từ trần năm 1987.
Theo nhạc sĩ Văn Cao, một trong những nạn nhân trong vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, tác giả chính của cuộc đấu tố Nhân Văn – Giai Phẩm là Trường Chinh. Sau đây là lời Văn Cao:
-“Tố Hữu lãnh đạo cuộc đánh từ đầu chí cuối. Người ta tưởng vụ Nhân Văn – Giai Phẩm nổ ra là bởi Nhân Văn đăng mấy bài phê bình thơ Tố Hữu, Tố Hữu tức, Tố Hữu đánh. Nhầm hết. Longue Marche [chữ Pháp: Trường Chinh] mới là kẻ sáng tác ra Nhân Văn – Giai Phẩm. Để chạy tội Cải cách ruộng đất. Để tạo ra cái hố rác mà trút mọi tội lỗi của lúy [lui (chữ Pháp): nó] vào đấy. Chính Longue Marche chứ không ai khác. Đừng tước bản quyền của lúy, tội nghiệp!”. (43)
Dầu Trường Chinh, hay Tố Hữu, hay một người nào khác, đều phải thi hành đường lối chính sách do đảng LĐ đề ra. Không thể nói Hồ Chí Minh, hay Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ không biết gì về Cuộc cải cách ruộng đất hay Nhân Văn – Giai Phẩm. Tất cả đều biết, đều nắm rõ vấn đề, và đều cùng nhau đẩy cổ xe cộng sản do một người nào đó, đại diện tập đoàn lãnh đạo, cầm lái theo từng giai đoạn, tiến đến cùng đích của tập thể độc tài đảng trị.
Cuối cùng, Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm cho thấy không thể có tự do văn hóa, tự do báo chí hay tự do tư tưởng dưới chế độ cộng sản. Ông Nguyễn Văn Trấn, một nhân vật cộng sản cao cấp ở miền Nam, đã từng làm Vụ trưởng Khoa giáo Trung ương do Tố Hữu làm bí thư, có kể câu chuyện rằng khi một nhà báo hỏi: “Như vậy là cách mạng đã cấm tự do ngôn luận? Ông Trường Chinh sửng sốt: Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi.”(NVT, sđd. 275).
Dưới chế độ cộng sản, cũng không thể có chuyện góp ý, hay phê bình xây dựng theo chiều hướng nhân văn, dân chủ, dù vẫn nằm trong khuôn khổ cộng sản. Đảng LĐ (cải danh thành đảng Cộng Sản vào cuối năm 1976) đòi hỏi phải tuân thủ tuyệt đối uy quyền độc tôn và chính sách độc tài của đảng, nếu không muốn bị thẳng tay triệt hạ, đúng như Hồ Chí Minh đã nói:
-“… Tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy…” (44)
Từ đó mới nẩy sinh ra vụ án “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên đây, “Vụ án chống đảng” trong thập niên 60, và các vấn đề khác nữa như vụ Trần Độ, vụ Hà Sĩ Phu sau này.
Nói cho cùng, bản chất của chế độ cộng sản là độc tài toàn trị, dối trá mỵ dân. Bản chất của văn nghệ sĩ chân chính là thích tự do và yêu chân lý. Chế độ cộng sản và văn nghệ sĩ chân chính là hai đối cực tương khắc và không bao giờ có thể tương sinh, không bao giờ có thể đồng hành. Các văn nghệ sĩ chân chính cảm nhận sự thống khổ của quần chúng, nói lên tiếng nói đau thương của quần chúng, là tiếng nói đối kháng với chế độ độc tài cộng sản. Ngược lại, đảng CS luôn luôn tìm cách triệt tiêu văn nghệ sĩ chân chính, để chận đứng ngay từ đầu mọi mầm mống đối kháng, nhằm áp đặt quyền lực tuyệt đối của đảng CS. Trong cuộc đối đầu nầy, bao giờ bạo quyền cộng sản cũng thắng thế, nhờ súng ống và nhà tù, nhưng về lâu về dài, văn nghệ sĩ chân chính là những chứng nhân trước lịch sử, tố cáo đầy đủ và rõ ràng tính chất độc tài phi nhân của chế độ. Lịch sử luôn luôn đứng về phía chân lý. Nhân văn và Giai phẩm ở Hà Nội năm 1956 là một trường hợp điển hình.
TRẦN GIA PHỤNG
(phungtrangia@yahoo.com)
CHÚ THÍCH
35. Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Hồi ký chính trị, Cơ sở xb Phạm Quang Khai, Paris, 2000, tt. 85-88.
36. Theo lời kể của thẩm phán Nguyễn Hữu Thứ (ở Toronto), người đã tận mắt đọc hồ sơ về vụ bà Thụy An, được chuyển từ tòa Thượng thẩm Hà Nội vào tòa Thượng thẩm Huế. Giáo sư Thứ kể rằng khi đến Hải Phòng để đưa xuống tàu vào Nam, bà Thụy An xin phép người áp tải đi đường, cho bà đi vệ sinh, rồi bà trổ nóc nhà vệ sinh trốn mất.
37. Theo lời Hữu Loan, Trần Thiếu Bảo bị 17 năm tù như Nguyễn Hữu Đang, nhưng các tài liệu khác nói rằng Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, mỗi người 15 năm, còn Trần Thiếu Bảo chỉ bị 10 năm mà thôi.
38. Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường, Đông Dương 1945-1973, Sài Gòn: Nxb Trình Bầy, 1973, tr. 51.
39. Nhiều tác giả, tuyển tập Trăm hoa vẫn nở trên quê hương, California: Nxb. Lê Trần, 1990, tr. 79.
40. Tuyển tập Trăm hoa…, bài của Thân Trọng Mẫn: “Từ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đến Cao trào văn nghệ phản kháng 1986-1989″, tr. 20.
41. Bửu Tiến, “Xin tạ tội với Tự do Dân chủ”, tuyển tập Trăm hoa… tr. 374.
42. Nguyên văn bài thơ “Khán “Thiên Gia Thi” hữu cảm”, trích trong Ngục trung nhật ký, bằng chữ Nho như sau:
“Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã yếu hội xung phong.”
Nam Trân dịch [1960]:
“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.”
(Cảnh Nguyên và Hồ Văn Sơn tuyển chọn, Thơ Hồ Chí Minh, Nxb. Nghệ An, 1995, tt.468-469.)
Lê Hữu Mục dịch:
“Thơ xưa riêng chuộng thiên nhiên đẹp,
Mây gió, trăng hoa, tuyết núi sông.
Nay ở trong thơ nên có sắt,
Thi gia cũng phải khéo xung phong.”
(Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục trung nhật ký, Văn Bút Hải Ngoại, 1990, tr. 154.)
43. Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị), Nxb, Văn Nghệ, California, 1997, tr. 541.
44. Jean Lacouture, Ho Chi Minh, Peter Wiles dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Anh, Harmondsworth: Nxb. Penguin Books, 1969, p. 130. Nguyên văn: “All those who do not follow the line which I have laid down will be broken.” Linh mục Cao Văn Luận, trong sách Bên giòng lịch sử Việt Nam, 1940-1975, Tantu Research, Sacramento, California, 1983, tt. 60-61, có tường thuật lại đầy đủ buổi tiếp tân ngày 25-6-1946 tại Paris, trong đó Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến trên đây. Lúc đó, Hồ Chí Minh qua Pháp theo phái đoàn Việt Nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu, tham dự hội nghị Fontainebleau. Trong cuộc tiếp tân nầy, có một số người Việt tham dự, trong đó có linh mục Cao Văn Luận.
* * *
Bài liên hệ:
- Trường hợp Nhân Văn Giai Phẩm (Phần 1)
- Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm
- Phùng Quán trong tôi.
Xem bài khác cùng chủ đề: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.net