CHIẾC NÔI CỦA TÂN HỌC & CHỮ QUỐC NGỮ TẠI TỈNH NHÀ:
TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI THỜI NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX.
Phạm Đông Văn.
Phần I:
Các nguồn tham khảo:
1. Quảng Ngãi Tỉnh Chí - tập ngự lãm trình vua Bảo Đại khi vua tuần du tỉnh nhà vào năm 1933, do Nguyễn Bá Trác (người đã sáng tác bài thơ nổi tiếng Hồ Trường) là quan tuần vũ đương thời biên soạn, cùng năm ấy đã đăng lần lượt trên Nam Phong Tạp Chí (NPTC) của Phạm Quỳnh từ số 181 đến 186.
2. Hồi ức, tư liệu và hình ảnh do đồng hương Võ Hữu Giai, thứ nam của nhà giáo lão thành Võ Đình Dương - nay năm 2006 đã 106 tuổi - kỳ cựu của trường Tiểu Học Quảng Ngãi, nguyên cũng là một trong những học sinh lớp đầu tiên khi trường vừa lập, và là giới chức ngành giáo dục Quảng Ngãi từ năm 1931 đến 1961.
3. Tuấn, Chàng Trai Nước Việt, quyển I, Nguyễn Vỹ, NXB Chiêu Dương, Sài Gòn, 1971.
4. Hồi Ký của nữ sĩ Tùng Long - nguyên hiệu trường trường tiểu học tư thục Tân Dân ở Nghĩa Kỳ huyện Tư Nghĩa từ năm 1945 đến 1950, và các tư liệu do thứ nam của bà là nhà văn Nguyễn Đức Lập cung cấp.
5. Hồi ức, tư liệu và bản đồ tỉnh thành Quảng Ngãi của cựu học sinh (CHS) trường Tiểu Học Quảng Ngãi (THQN) Phan Quang Đại thời 1924-1930.
6. Tư liệu của CHS THQN Nguyễn Bá Tín, em trai thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940) trích trong “Hàn Mặc Tử Anh Tôi” đăng trong website Đặc Trưng ngày 6/3/2006.
* * *
A. PHẦN DẪN NHẬP
Tính đến cuối thế kỷ XX, tỉnh Quảng Ngãi có 234 trường tiểu học (số liệu của sở Giáo Dục Quảng Ngãi năm 2000) và ngay cả trước năm 1975 thời chính quyền VNCH cũng đã có đến 207 trường (số liệu của Sở Học Chánh Quảng Ngãi năm 1973) được thành lập tại khắp 122 xã trên toàn tỉnh, số lượng đã tăng rất nhiều so với những năm giữa thế kỷ còn ở mức hàng chục, vì ở mỗi phủ huyện lúc ấy chỉ có một vài trường. Nhưng rất lâu trước khi hàng chục rồi hàng trăm trường hàng loạt được xây dựng và hoạt động, vào thời đầu thế kỷ XX ngành giáo dục khởi từ bậc tiểu học trước nhất chỉ có một học đường công lập ở thị xã, là trường tiểu học duy nhất của tỉnh trong suốt nhiều năm, và cho đến khoảng đầu thập niên 40 vẫn là trường thi tốt nghiệp tiểu học chung cho thí sinh từ các trường khác vừa lần lượt được lập tại các phủ huyện.
Học đường trung tâm và quy mô nhất tỉnh nầy, tạm gọi là trường Tiểu Học tỉnh Quảng Ngãi (THQN), qua thời gian đã nhiều lần đổi bảng hiệu lại được gọi tên nhiều cách khác nhau, và nhiều lần dời địa điểm để đáp ứng phát triển giáo dục, kể cả phải chuyển sang các trường và lớp tạm do các biến cố thời cuộc hoặc chiến tranh trong tỉnh và trong nước, qua các chính thể khác nhau kế tiếp cầm quyền tại Việt Nam:
]
- Triều đình nhà Nguyễn dưới sự “bảo hộ” của Pháp đến ngày 9-3-1945
- Chính quyền Trần Trọng Kim thời Nhật thuộc từ 17-4 đến 16-8-45
- Chính quyền Việt Minh từ 19-8-45 đến trước hiệp định Genève
- Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sau hiệp định Genève 1954
B. TRƯỜNG TIỂU HỌC QUẢNG NGÃI QUA CÁC ĐỊA ĐIỂM và THỜI THẾ.
I. ĐỊA ĐIỂM ĐẦU TIÊN (1913-1925 thời Pháp thuộc)
Được xây dựng trong khu thành cổ - xưa có tên là Cẩm Thành, tọa lạc phía bên phải con đường từ trung tâm của thành ra hướng Bắc, cách cổng Bắc Môn còn gọi là Cửa Bức - gần bến Tam Thương - chừng 300 mét (xem bản đồ H. 1 in kèm), tại chính vị trí trường Nữ Tiểu Học Thị Xã được xây dựng lại và hoạt động từ năm 1957 đến 1967. Ngôi trường thời khởi thủy được xây kiên cố theo kiểu Âu châu, có văn phòng cùng dãy với các lớp học lợp ngói. Trước cổng có bảng hiệu bằng tiếng Pháp École Officielle de Quảng Ngãi, tạm dịch là trường công lập Quảng Ngãi nhưng thường được dân chúng gọi giản dị là trường Nhà Nước.
Năm trường thành lập không được kể ra trong sách đã dẫn của Nguyễn Bá Trác, nhưng có chi tiết: trường bị thể - một cách khác để gọi trường tiểu học - tại tỉnh thành có đủ 5 lớp từ năm 1918 (NPTC. 184, tr.474), vậy có thể suy rằng trường THQN hẳn được lập từ 5 năm trước đó, bắt đầu chỉ có lớp thấp nhất là lớp Năm (Đồng Ấu) và mỗi năm sau mở thêm một lớp cao hơn. Nhà giáo Võ Đình Dương, từng là một trong những học sinh vào học lớp Năm đầu tiên khi trường mới lập và đã dự khóa thi tiểu học tổ chức trước nhất tại trường, xác định: trường chính thức khai giảng từ năm 1913 (Quý Sửu, niên hiệu Duy Tân thứ 6), và tổ chức khóa thi tiểu học lần đầu cuối niên khóa 1917-1918 (Mậu Ngọ, niên hiệu Khải Định thứ 3).
Năm 1918 cũng là một thời điểm rất đặc biệt, với những sự kiện và biến cố vô cùng quan trọng trong lịch sử của nền quốc học Việt Nam:
* Giai đoạn giao thời từ cựu học (Nho học) sang tân học (Tây học) chấm dứt, cựu học chính thức cáo chung sau khóa thi Mậu Ngọ 1918 là khóa Nho học cuối cùng được tổ chức trong nước.
* Pháp văn trở thành ngôn ngữ chính trong giáo dục thay thế chữ Hán - từng là văn tự duy nhất trong học đường Việt Nam hàng ngàn năm, bị đưa xuống hàng thứ yếu rồi dần dần bỏ hẳn.
* Cũng từ năm 1918, trường THQN chính thức nhận trọng trách giáo dục thiếu niên tỉnh nhà, thay thế trường Nho học quốc lập (tại đình Chánh Lộ ở góc đông-bắc ngã tư chính thị xã, lập từ năm 1832) bị đóng cửa trong cùng năm.
Hình chụp năm 1952
Trường THQN, cũng như các học đường ở các tỉnh thị khác trong nước thời Pháp thuộc, được lập tất nhiên là do chủ trương của chính quyền Pháp tại thuộc địa, nên giáo trình và các môn học hầu hết theo khuôn mẫu của giáo dục Pháp. Nền giáo dục áp đặt nầy thể hiện rõ chính sách thống trị của “mẫu quốc”. Nhưng những bài học, chẳng hạn như “tổ tiên ta là người Gaulois”, chắc hẳn không thể thuyết phục được học trò Việt Nam.
Ngược lại, cũng từ môn lịch sử với những anh hùng dân tộc Pháp được đề cao, hoặc các môn học khác đúng bài bản của sách giáo khoa Pháp cũng đề cập đến ý thức về tự do-dân chủ-nhân quyền, vô tình lại củng cố cho học trò Việt lý tưởng chống Pháp giành lại quyền tự chủ cho nước nhà.
Ngoài ra, tân học có những ưu điểm thực dụng khác hẳn cựu học từ chương thời trước. Học sinh từ lớp thấp lên cao, từng bước lãnh hội được kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến, dần dần theo kịp trình độ của học sinh cùng lớp ở phương Tây. Tuy nhiên, một môn học đặc biệt chưa từng có trong giáo dục Việt Nam cũng được chính thức giảng dạy: chữ quốc ngữ.
Như vậy, trường THQN chính là học đường nơi các học sinh tân học đầu tiên của tỉnh nhà học viết và đọc Việt ngữ diễn bằng chữ cái ABC La-tinh sau khi loại chữ viết này được triều đình Huế - thời Duy Tân - công nhận là quốc ngữ. Chữ quốc ngữ dù chỉ được dạy ở 3 lớp thấp nhất (Năm, Tư và Ba), nhưng nhờ dễ đọc và viết nên học sinh thông thạo rất nhanh và qua bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của học giả Trần Trọng Kim được dùng giảng dạy, chữ quốc ngữ đã có giá trị như là phương tiện đắc dụng bảo tồn ngôn ngữ Việt và truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là tinh thần tiên học lễ hậu học văn và tôn sư trọng đạo.
Chính tinh thần tôn sư trọng đạo ấy đã giúp nhà giáo lão thành kỳ cựu Võ Đình Dương, nay vẫn nhớ danh tánh các vị thầy đã dạy mình thời thơ ấu cắp sách đến trường THQN gần trăm năm trước:
Lê Bính (lớp Năm 1913-1914), Lê Đình Thống và Lê Thiện (lớp Nhất 1917-1918); trường lúc ấy mỗi năm có thêm một thầy khi một lớp cao hơn được mở thêm, và một số vị vừa dạy vừa kiêm chức hiệu trưởng, lần lượt là: Trần Trứ, Bùi Văn Long, Hoàng Tạo, Phan Tiến Thịnh.
Các vị thầy trước năm 1920 nầy hầu hết là người ngoài tỉnh, phần nhiều đã học qua trường Quốc Học Huế - là trường tân học đầu tiên trong nước lập từ năm 1896. Đặc biệt, vị thầy dạy lớp Năm niên khóa 1913-1914 Lê Bính là nhà giáo nguyên quán Quảng Ngãi. Đốc học Lê Bính được giao trọng trách khởi đầu nan khi trường THQN vừa được thành lập và đứng giảng dạy lớp Năm là lớp đầu tiên và duy nhất khai giảng tháng 9 năm 1913, mở đầu thời kỳ giáo dục tân học tại tỉnh nhà.
Sơ lược về thân thế của nhà giáo đệ nhất kỳ cựu nầy hẳn nên được nhắc đến (dựa theo tư liệu của nhà văn lão thành Thinh Quang qua liên hệ gia tộc - tằng ngoại tổ của ông Thinh Quang cũng là nội tổ của ông Lê Bính): Đốc Bính sinh năm Bính Tuất (1886) tại thôn Thạch Bích (hướng trên Bàu Cả) thuộc Chánh Lộ. Trước khi trở thành nhà giáo, ông đã là học sinh đầu tiên ở Quảng Ngãi theo tân học (từ Nho học chuyển sang) tại trường Quốc Học Huế khi thân phụ làm quan ở triều đình. Đốc Bính kết hôn với bà họ Phạm (chị thúc bá của các ông Phạm Văn Ký, Phạm Văn Cáo, Phạm Văn Đồng) có 5 người con: Lê Đinh, Lê Thị Nhu, Lê Thị Cang, Lê Bình (viên chức ty Công Chánh Quảng Ngãi sau năm 1955) và Lê Bổng. Sau khi trường THQN đã hoạt động ổn định, đốc học Lê Bính được chuyển ra Huế dạy tại trường Quốc Học cho đến khi qua đời vì bệnh khoảng sau năm 1930.
Sau năm 1921, thành phần giáo chức của trường có nhiều thay đổi, một số được chuyển đến dạy tại “các trường sơ đẳng tiểu học (8 trường có 3 lớp Năm, Tư và Ba) đều lập tại các phủ huyện và các trường dự bị (91 trường - chỉ có 1 lớp Năm) rải rác trong các tổng đều lập từ năm 1921” (Nguyễn Bá Trác, sđd, NPTC 184, tr. 474).
Trường có thêm những nhà giáo mới như: Trần Châu, Võ Đình Dương, Thái Đức Nhuận, Huỳnh Cao Nga... từng là bạn đồng môn thế hệ đầu tiên của trường THQN và vừa cùng tốt nghiệp trường Sư Phạm Huế. Học cùng thời với các vị trên, nhưng những năm về sau mới chuyển về dạy tại trường THQN: Nguyễn Kỷ, tốt nghiệp sư phạm ngành đốc học nên thường được gọi là Đốc Kỷ, Nguyễn Tấn Đức, tốt nghiệp sư phạm ngạch trợ giáo nên thường được gọi là Trợ Đức, Trương Quang Hoài tức Trợ Hoài, Nguyễn Văn Hoán tức Trợ Hoán, Lê Cảnh Đạm tức Trợ Đạm, Nguyễn Đạt Nhơn tức Trợ Nhơn...
Ghi chú: Hình chụp năm 1922 tại Trường THQN (École Officielle de Quangngai).
Từ trái sang phải: Các thầy cô: Trần Châu, Đỗ Xáng (Tri Huyện Mộ Đức), Trần Đức Thành, Huỳnh Giác, Huỳnh Cao Nga và vợ Nguyễn Thị Truyền, Huỳnh Can, Hiệu Trưởng Phạm Văn Diệu, Hồ Mãn, Đoàn Tư Thành, Lê Văn Chương, Thái Đức Nhuận, Võ Đình Dương, Trần Kết, Phan Bá Liêm.
Cũng đã trở thành nhà giáo nhưng dạy các trường khác trong tỉnh, có các vị: Nguyễn Vỹ tức Đốc Vỹ, Nguyễn Định tức Đốc Định, Nguyễn Cự tức Đốc Cự, Phan Tiên, Huỳnh Can, Lê Văn Chương, Lê Trọng Quới, Nguyễn Đạm, Trần Trọng Hải, Trần Văn Hiển - từng là một trong chỉ có 2 thí sinh đậu cả thi viết và vấn đáp trong đợt 1 khóa thi tiểu học đầu tiên trong số tất cả 52 thí sinh (người thứ hai là Trần Thị Dục chỉ đậu vớt, đến đợt 2 cùng năm 1918 có thêm nhiều người khác đậu).
Lại có những vị khác đã trở thành viên chức chính quyền ở Quảng Ngãi, như: Đỗ Xáng tri huyện Mộ Đức, Phạm Văn Ký, Phạm Văn Cáo, Phạm Hòe, Nguyễn Cang thông phán... Đặc biệt có 2 anh em quê ở Cổ Lũy, Tư Nghĩa sau thành danh trong làng báo miền Nam Việt Nam: Học Năm Nguyễn Đức Nhuận bút hiệu Bút Trà, Học Sáu Nguyễn Đức Huy bút hiệu Hồng Tiêu - nguyên là môn sinh của trường Nho học Chánh Lộ đã chuyển sang học trường THQN từ năm 1918.
Giáo dục tân học đang trên đà phát triển, với tổng số 99 trường kể cả sơ đẳng tiểu học và dự bị vừa thành lập, nên một số giáo chức của trường THQN được chuyển sang trường khác và được thay thế bởi các vị: Hà Thúc Lãng (thân phụ của hai nhà giáo về sau cũng từng dạy học ở Quảng Ngãi: Hà Như Hy hiệu trưởng trường Trung học Trần Quốc Tuấn từ năm 1955 đến 1963, và Hà Thị Như Ý giáo chức trường Nam Tiểu Học Thị Xã từ 1955 đến 1960), cô Trợ Toản, thầy Cơ, thầy Chép... vào khoảng năm 1924.
Do nhu cầu cao, giáo chức được trọng dụng nên nhiều học sinh của trường thời đầu những năm 1920 cũng đã nối nghiệp thầy: Nguyễn Tiên thường được gọi là Tú Tiên, Trần Hòa, Bùi Đồng, Bùi Bích, Trần Đồng, Hồ Điềm, Trần Ỷ, Nguyễn Văn Châu, Võ Bảo, Trịnh Chức (con thầy đờn Bảy Nghệ) sau dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn, và rất nhiều vị khác nữa dạy tại các trường trong tỉnh.
Học cùng thời với các vị trên, nhiều người khác sau khi đậu tiểu học hoặc có bằng cấp cao hơn từ các trường trung học ở Quy Nhơn, Huế và cao đẳng ở Hà Nội, sau cũng được biết danh qua những nghề nghiệp hoặïc chức vụ trong tỉnh: Huỳnh Tấn Đối tức Đốc Đối (y sĩ), Võ Tố tức Đốc Tố (y sĩ), hai vị nầy là bác sĩ tốt nghiệp y khoa Đông Dương ở Hà Nội, Trần Đình Phùng tri huyện Nghĩa Hành, Dương Ngọc Phụ tri phủ, Phan Quang Trì kiểm lý nha Minh Long, Nguyễn Tấn thông phán, Nguyễn Đình Nhơn chủ bút tạp chí Cẩm Thành (sau năm 1930) là tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Quảng Ngãi, Phan Lương, Phan Quỳnh, Hồ Chư, Nguyễn Gia Lưu, Võ Trạch, Tạ Đinh, Hồ Văn Mẹo, Tạ Lưu, Phan Sanh, Lê Trúc, Phạm Hội, Lê Củ, Lâm Xuân Thi, Lê Quang Lãng, Phạm Hường...
Vì là học đường tiểu học duy nhất trong tỉnh nên quy tụ học sinh từ khắp các phủ huyện, một trong những người từ Đức Phổ ra học trường THQN là Nguyễn Vỹ, về sau là văn thi sĩ. Trong sách đã dẫn của Nguyễn Vỹ, có nhân vật Tuấn Em “Chàng Trai Nước Việt” có lẽ là hiện thân cả tác giả, cùng khai sinh năm 1912 nhưng Nguyễn Vỹ nói thật ra lớn hơn 2 tuổi, bắt đầu học lớp Năm năm 1918 và đậu tiểu học năm 1924.
Có thể tin Nguyễn Vỹ đã học ở đây, vì ông đã tả rất rõ khung cảnh ngôi trường và cả khu nội thành đúng như các cư dân thị xã đều biết, phù hợp với bản đồ của CHS Phan Quang Đại. Ngoài ra, Nguyễn Vỹ cũng đã kể một số sự kiện xảy ra tương ứng với thời kỳ ông theo học trường THQN: năm 1920 thầy trò trong trường từ bến Tam Thương ở Cửa Bức đi đò qua sông Trà Khúc sang miếu Văn Thánh dự lễ, năm 1921 chào đón hoàng tử Vĩnh Thụy (lúc ấy 8 tuổi, sau là vua Bảo Đại) ghé nghỉ đêm trong nội thành nhân chuyến đi vào Saigòn để đáp tàu thủy sang Pháp du học, năm 1923 đã có dịp coi thợ đúc voi đồng tại khu nhà kho ở gần trường để đem ra Huế dâng vua Khải Định, năm 1924 được xem các quan trong tỉnh tề tựu tại Hành Cung để dự lễ mừng tứ tuần vua Khải Định...
Sau khi học trò Nguyễn Vỹ rời trường THQN, có một học trò mới vào học lớp Ba tên là Nguyễn Trọng Trí về sau chính là nhà thơ Hàn Mặc Tử khi thân phụ ông làm việc tại Sở Thương Chánh Sa Kỳ từ năm 1924 đến 1926. Trong tập hồi ký “Hàn Mặc Tử anh tôi”, Nguyễn Bá Tín là em trai Hàn Mặc Tử cũng cùng học trường THQN có nhắc đến vị thầy lớp Ba là Huỳnh Giác (vị thứ 4 từ trái trong hình chụp năm 1922 bên trên)
Trong các lớp của trường phần nhiều là nam sinh, nữ sinh rất ít nhưng là một hiện tượng đáng kể của tân học, vì phụ nữ đi học và đi thi là điều chưa từng xảy ra vào thời cựu học. Số nữ sinh theo học đến lớp Nhất lại càng hiếm, và những vị đã đậu tiểu học thời này về sau trở thành nhà giáo như: bà Trợ Nguyễn Thị Du, bà Đốc Bính, bà Trợ Quế (bà Nguyễn Đức Tu), bà Phạm Thị Ty sau kết hôn với nhà giáo Trần Trọng Hải và cùng dạy học ở trường tư thục Mai Xưa...
Đặc biệt có nữ sinh nhan sắc Lê Thị Buội (sinh 1908, mất 1972), sau được biết danh qua mối tình ly kỳ: từng kết hôn với viên công sứ Pháp đương thời, nhưng rồi phải ly dị vì có mang với nhà cách mạng Nguyễn An Ninh khi hai người tình cờ cùng đáp chuyến tàu thủy sang Pháp đầu năm 1924, và đã hồi hương về Quảng Ngãi sinh người con trai là Nguyễn (Tạ) An Mỹ. Cùng học với nữ sinh Lê Thị Buội có nữ sinh Hồ Thị Cừu, về sau kết hôn với ông Thừa Hiến.
Nữ và nam sinh từ lớp Năm đến lớp Nhất vẫn học chung tại trường THQN trong nội thành cho đến mùa thi năm 1924 của học trò “Tuấn Em” như Nguyễn Vỹ đã kể, và cả niên khóa 1924-1925 là năm CHS Phan Quang Đại vào học lớp Năm, rồi đến niên khóa tiếp đã cùng tất cả nam sinh và riêng nữ sinh các lớp Nhì và Nhất được chuyển sang trường mới. Thời điểm nầy cũng được chính nhà giáo Võ Đình Dương xác nhận. Như vậy, ngôi trường THQN đầu tiên trong nội thành kể từ niên khóa 1925-1926 trở thành trường Nữ Sơ đẳng Tiểu học (tư lớp Năm đến lớp Ba).
Năm trường sơ đẳng tiểu học dành riêng cho nữ sinh được thành hình rõ ràng có liên quan đến việc trường THQN dời sang địa điểm thứ hai, do đó có thể nhận ra một chi tiết không chính xác trong sđd. của Nguyễn Bá Trác (NPTC. 184, tr. 474) tỉnh thành có một trường nữ học sinh (sơ đẳng tiểu học) lập năm 1920(!)
II. ĐỊA ĐIỂM THỨ HAI (1925-1945 thời Pháp thuộc, năm 1946 thời Việt Minh).
Được xây dựng trong khu đất chừng 4 mẫu rộng gấp đôi khu trường trước ở nội thành, tại vị trí sau năm 1955 đến nay là trường trung học Trần Quốc Tuấn. Trường có 2 dãy phòng học tạo hình chữ L được xây gạch lợp ngói, một dãy hướng ra quốc lộ, dãy kia song song với con đường nhỏ (trước năm 1975 là đường Phan Thanh Giản, nay là đường Lê Khiết) hướng mặt về phía Nam nơi thời ấy có nhà công quán Bungalow (bị phá hủy năm 1946, là nơi trường Nam Tiểu học Thị xã được lập từ năm 1955).
Từ khi sang địa điểm mới, trường được gọi là Trường Tiểu Học Pháp Việt - École de Plein Exercise Franco-Annamite, đặc biệt học đường bậc tiểu học trên toàn quốc vừa được cải tổ (do quyết định của Merlin, Toàn quyền Đông Dương ký ngày 18-9-1924) có đến 6 cấp lớp: Năm, Tư, Ba, Nhì nhất niên, Nhì nhị niên, và Nhất) thay vì trước chỉ có 5 cấp lớp. Cũng theo Quyết định trên, kể từ niên khóa 1924-1925 kỳ thi Tiểu Học Yếu Lược bắt đầu được tổ chức trên toàn quốc cho thí sinh đã học qua lớp Sơ Đẳng (lớp Ba) như chi tiết được ghi trong các mẫu bằng 1 và 2.
Trường có 1 lớp Năm (Đồng Ấu), 2 lớp Tư (Dự Bị), 2 lớp Ba (Sơ Đẳng), 2 lớp Nhì nhất niên, 2 lớp Nhì nhị niên, 2 lớp Nhất nên đủ chỗ để nhận cả số nam nữ sinh vừa học xong lớp Ba từ 8 trường sơ đẳng tiểu học đã lập tại các phủ huyện từ năm 1921. Giáo chức giảng dạy tại trường, có một số vị ngoài tỉnh như: Nguyễn Văn Mão, Trần Đức Thanh, đốc học Hoành, đốc học Thích... và các vị bản tỉnh như: Trần Châu, Võ Đình Dương, Nguyễn Tấn Đức, Huỳnh Cao Nga, Thái Đức Nhuận, đốc học Nguyễn Kỷ... cùng vài vị phụ giáo Hán tự, dưới quyền hiệu trưởng đốc học Phạm Văn Diệu. Vị hiệu trưởng này đã thăng chức giám đốc Học Chánh Quảng Ngãi khi hai trường tiểu học khác vừa thành hình, nguyên là trường sơ đẳng tiểu học mới mở thêm các lớp Nhì và Nhất: trường bị thể Mộ Đức có đủ 5 lớp từ năm 1929 và trường bị thể Bình Sơn có đủ 5 lớp kể từ năm 1931 (Nguyễn Bá Trác, sđd.).
Như vậy lúc ấy tỉnh nhà đã có 3 trường bậc tiểu học: trường huyện Mộ Đức, trường phủ Bình Sơn, và trường tỉnh tức là trường THQN, có tổng số 27 giáo chức: 1 viên kiểm giáo tức là giám đốc Học Chánh Quảng Ngãi (directeur des écoles de Quang Ngai) chính là đốc học Phạm Văn Diệu, 12 viên tư học cũng gọi là đốc học, 8 viên trợ giáo, 6 viên phụ giáo Hán tự. Đốc Diệu vẫn làm việc tại văn phòng đặt tại trường THQN, với trợ giáo Võ Đình Dương làm phụ tá.
Nhiều học sinh thuộc thế hệ nầy sau đã theo nghiệp nhà giáo như: Nguyễn Biên (Mộ Đức), Bùi Đức Chu, Phạm Viết Tuệ, Cao Kính, Bùi Phụ Linh, Nguyễn Duy Nhung, Cao Văn Minh, Trần Tương, Chế Quang, Nguyễn Trung Can, Nguyễn Đức Thống, Đỗ Hoán, Nguyễn Biên (Thị xã), Trương Thị Nhung, Nguyễn Thị Chánh, cô Tỉnh, cô Hòa, Lê Thị Bồng... Số nữ sinh trong các lớp Nhất là các lớp cao rất hiếm, như: Trần Thị Uyên, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Na, vài người không rõ họ có tên Lang (con ông Học Mười), tên Dung, tên Quế (con bà Viên Ổn) như được CHS Phan Quang Đại nhắc đến trong hồi ức.
Trong số nam sinh rất đông đảo, nhiều người về sau được biết tiếng qua các chức vụ nghề nghiệp trong tỉnh và trong nước như: Lâm Tô Bông, Lâm Tô Thăng, Tạ Công Ký, Phan Quang Bổng, Phạm Thí, Trần Đình Phi Phi, Tạ Khe, Nguyễn Gia Hy, Nguyễn Xuân Đính (Tú Đính), Võ Chơn Tập, Đỗ Cân, Đỗ Canh, Lữ Đình Hiển, Hà Thúc Ngọ, Nguyễn Trình, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Sung, Nguyễn Miêu, Valentin Đồng, Trần Hàm, Nguyễn Xỉ, Hồ Yêm, Hồ Liêm, Đinh Xáng, Lê Thụa, Lê Bình, Lê Đạm, Tạ Phô, Đỗ Đệ, Phạm Viết Tuệ, Phạm Viết Chừ, Tôn Long Quí, Nguyễn Hùng, Bùi Cúc, Nguyễn Xuân Chánh, Phạm Mai, Nguyễn Bút, Trần Tấn, Nguyễn Xuân Huy, Hồ văn Đồng...
Sinh hoạt học đường tại Quảng Ngãi đến năm 1930 có nhiều bất ổn do tình hình chung trong nước và trong tỉnh và trường THQN cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, như được Nguyễn Bá Trác (sđd, NPTC. 184, tr. 475) nêu ra: từ khi có Cộng sản đến nay, trường bị thể (tức trường THQN ở ngoài thành) và trường nữ học tỉnh thành (tức trường nữ sơ đẳng tiểu học ở nội thành) đều để cho lính đóng nên phải lập hai cái trường tranh mà dạy.
* TRƯỜNG TẠM TRONG NỘI THÀNH (thời bất ổn 1930-1933).
Hai trường tranh được dựng cùng chỗ trong nội thành, ở phía bên phải con đường từ Cửa Đông xuống Cửa Tây, sát phía trên Hành Cung (xem bản đồ H. 1 in kèm) trong khuôn viên trước đó là trường Đốc vào thời cựu học, nơi vị quan Đốc phụ trách giáo dục toàn tỉnh sát hạch nho sinh và tuyển chọn sĩ tử đi dự các khóa thi ở Huế hoặc Bình Định.
Một trong hai trường tạm lợp tranh là THQN, ở trong khu vực hành chánh và quân sự của tỉnh được canh phòng cẩn mật đang lúc có loạn, lại có ít phòng học nên chỉ nhận học sinh có hạn. Do đó, một số học sinh trong số các tên tuổi đã kể ra ở phần trước phải tạm nghỉ học và có người phải mất gần 10 năm mới học qua lớp Nhất, một số khác đã ra ở trọ đi học tại trường phủ Bình Sơn do đốc học Phạm Phú Hưu làm hiệu trưởng vừa mở đến lớp Nhất năm 1931, như: Võ Loát, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phiên, Nguyễn Châu, Trần Văn Trà, Phạm Am, Phan Quang Đại...
Tuy nhiên, do khóa thi tiểu học vẫn chỉ tổ chức tại thị xã, các học sinh trên đã lần lượt về dự thi tại trường chính (1932) và trường tạm (1933). Cùng về dự thi có các thí sinh từ trường Bình Sơn, như: Nguyễn Rớ, Ngô Công Minh, Trần Phố - Tế Hanh, Nguyễn Tấn Cưu, Lưu Đôn Dị, Nguyễn Tấn Long, Trần Thế Bảo, Phan Bá Thôn, Trần Hoàng, Trần Như Cảnh, Vũ Quang Bình, Nguyễn Phùng...
Trường THQN, dù tại địa điểm chính hoặc tại trường tạm, cho đến cuối thập niên 1930 vẫn là trường thi tiểu học độc nhất trong tỉnh, nên cũng có các thí sinh từ trường huyện Mộ Đức như: Trần Đạo, Trần Phô, Phan Tam, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Diễn, Nguyễn Thới Ba Viên, Nguyễn Văn Xung, Nguyễn Tăng Dư, Nguyễn Hóa - Hào Nguyên, Khánh Xuân... và cũng có cả các thí sinh từ trường tư thục Mai Xưa, có người từng là cựu học sinh THQN chuyển sang học trường tiểu học này của nhà giáo Trần Trọng Hải lập từ năm 1929, như: Trần Dũ Khiêm - nhà báo Thinh Quang, Phạm Viết Trưng - nhà văn Phạm Trung Việt, Trần Cơ, Trần Vạn Phiên...
Trường THQN dù trong thời kỳ bất ổn như vậy, hẳn vẫn có sĩ số học sinh bằng cả hai trường tiểu học Mộ Đức và Bình Sơn cộng lại, tức khoảng một nửa tổng số toàn tỉnh nhập học năm 1932-1933 cộng là 663 tên, trong số ấy có 31 nữ học sinh (Nguyễn Bá Trác, sđd). Một cơ sở giáo dục với tổng số có thể hơn 350 học sinh như thế quả là rộng lớn và rất qui mô, vì dân số cả thành phố Quảng Ngãi lúc đương thời chỉ có 1.800 người sống tại 331 nóc gia.
Tuy nhiên, số học sinh trong tỉnh được học đến lớp Nhất và về dự thi - do các giám khảo và chủ khảo người Pháp phụ trách - tại trường THQN vẫn rất ít, trung bình mỗi năm chỉ chừng 35 thí sinh, cũng theo Nguyễn Bá Trác trong 10 năm từ 1923 đến 1932 cao nhất có 57 thí sinh năm 1925, thấp nhất chỉ có 20 năm 1926. Vì việc thi cử khó khăn nên mỗi năm chỉ có khoảng 2 phần 3 thí sinh, ước chừng 30 người thi đậu. Trình độ học lực được chứng thực qua thi cử nghiêm minh nên bằng cấp rất giá trị, lại được xét duyệt và ấn ký bởi các viên chức cao cấp nhất trong ngành như Thủ hiến Học chánh Trung Kỳ (người Pháp) và Thượng thư bộ Giáo dục...
Số người đậu bằng tiểu học ít ỏi như vậy, so với dân số Quảng ngãi năm 1933 đã lên đến 438.699 người, hiển nhiên luôn được trọng đãi và trọng dụng. Thực vậy, ngay cả đậu Tiểu học Yếu lược (tuyển sanh) cũng được làng tổng chào đón bằng cờ trống, đậu tiểu học Pháp - Việt càng được tiếp rước long trọng và được gọi tôn là anh Khóa hoặc thầy Khóa, lại được miễn sưu thuế lao dịch và được ngồi ở chiếu trên khi địa phương có đình đám, và cũng rất dễ dàng được tuyển dụng vào các cơ quan chính quyền trong tỉnh.
Đặc biệt, hầu hết những người đậu đạt đã trở thành nhà giáo truyền bá học thức cho thế hệ kế tiếp, chắc chắn chiếm đa số các hạng giáo viên trong tỉnh (vì vẫn có giáo viên ngoài tỉnh) tổng cộng 233 người để dạy 4.038 học sinh tại tất cả 3 trường tiểu học, 8 trường sơ đẳng tiểu học và 91 trường dự bị (Nguyễn Bá Trác, sđd) vào năm 1932. Điểm quan trọng cần lưu ý là, công cuộc giáo dục tân học kể từ khi khởi đầu đều do nhà cầm quyền thuộc địa định đoạt, mãi đến năm 1932 triều đình Huế mới được giao lại việc giáo dục trong nước trực tiếp trách nhiệm là bộ Quốc Dân Giáo Dục vừa được thiết lập (chiếu theo các Dụ của vua Bảo Đại ký ngày 10-9-1932 và ngày 2-5-1933), nhưng chỉ hạn chế ở hai bậc Sơ Học Yếu Lược và Tiểu Học Cụ Thể (quyết định của Toàn quyền Đông Dương ký ngày 5-7-1933). Tuy nhiên, học trình và bằng cấp vẫn phải qua duyệt khán của viên chức Pháp cố vấn bộ Giáo Dục, như theo các chi tiết được ghi trong các mẫu bằng 2 và 3.
(Xem tiếp Phần II).