Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ MỘT VỊ QUAN LIÊM KHIẾT
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH
Các bài liên quan:
    NHÂN CÁCH TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ
    TRƯƠNG ĐĂNG ĐỒ, MỘT BỀ TÔI TIẾT NGHĨA
    DANH THẦN TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ: MỘT TÂM HỒN THƠ NẶNG LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN SÀI-GÒN, GIA-ĐỊNH
    TRƯƠNG ĐĂNG QUẾ, NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ!


Trương Đăng Quế, (1793-1865), là nhà thơ, học giả, nhà chính trị nổi tiếng dưới triều Nguyễn, tự là Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, nguyên người làng Mỹ Khê (nay thuộc xã Tịnh Khê), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ Hương cống vào cuối triều Gia Long (1819), trở thành người khai khoa đầu tiên ở Quảng Ngãi. Ông được sơ bổ vào Hành tẩu Bộ Lễ đầu triều Minh Mạng và suốt 3 đời vua (Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức), ông luôn giữ những chức vụ quan trọng, góp phần tạo nên phương lược của triều Nguyễn: Thượng thư Bộ Binh (1831), Thượng thư Bộ Lễ (1839), (2) Chánh chủ khảo thi Hội (1833-1834), Quốc sử quán Tổng tài (1841), Cần chánh Điện Đại học sĩ (1848)... Khi sống được phong tước Tuy Thạnh Quận công, khi mất được truy phong Thái sư.

Cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của ông đã được nhiều sử gia trong và ngoài nước đề cập, nghiên cứu. Tuy có một số quan điểm trái ngược nhau, nhưng nhìn chung đều thống nhất là Thái sư Trương Đăng Quế là một nhân vật nổi tiếng "kinh bang tế thế" về mọi phương diện: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá... ảnh hưởng rất lớn đến sự duy trì và phát triển của đất nước cũng như mối quan hệ bang giao Việt - Pháp về sau. Cuộc đời sự nghiệp của ông bao trùm nhiều lĩnh vực, nhưng ở đây chúng tôi chỉ mạnh dạn đề cập một khía cạnh nhỏ về đạo đức trong sạch của ông, để chúng ta suy ngẫm.

 

 

Chân dung hiền thần Trương Đăng Quế


Qua khảo cứu các tài liệu chính của Quốc sử quán triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam hội điển sử lệ...của Nội các triều Nguyễn, trong đó đặc biệt nhất là bộ sách Đại Nam thực lục chính biên (38 tập) của Vương triều Nguyễn biên soạn đưong thời, viết nhiều về ông khi còn sống và sau khi mất, đã cho chúng ta thấy ông là một con người có tài năng, đức độ, yêu nước, thương dân, tận tâm công việc. Đến khi tuổi già, sức yếu, ông không màng công danh, phú quý, sẵn sàng từ bỏ quyền cao chức trọng khi xét thấy mình không đủ khả năng minh mẫn để giúp nước, an dân. Qua 6 lần ông dâng sớ về hưu, không nhận bổng lộc, có thể thấy nhân cách liêm khiết và cao cả đó của ông, khiến chúng ta ngày nay nhìn lại, cảm phục, quý trọng ông.

Đại Nam thực lục tập XXIX, Đệ tứ kỷ III (1859-1862) trang 147-149 viết:

"Tháng 9 - Canh Thân - Tự Đức năm thứ 13 (1860): Cần chánh điện đại học sĩ là Trương Đăng Quế dâng sớ xin miễn chức về quê, sớ ấy đại lược cho là: Từ khi Tây dương (tức người Pháp) đến đây đã 3 năm, ngồi trơ mặt ở Triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì, để đánh lại giặc Tây dương, tội ấy chối sao được, lại bóng chiều đã xế (tuổi già), bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Hơn nữa, tai biến hiện ra mãi, người đại thần đáng phải miễn chức. Vậy xin cho về quê, cho người ta khỏi nói".

Nhận tờ sớ và biết Trương Đăng Quế 2 lần trước (1856 và 1859) đã có đề cập xin về hưu, vua Tự Đức bèn giao cho định thần xét nghĩ. “Đình thần đều nói xin lưu Quế lại, để tính toán giúp đỡ". Vua chuẩn y, bèn sai đem cho sâm, quế, cắc kè các thứ. Lại truyền chỉ (cho Trương Đăng Quế) dụ rằng:

-"Ngươi gần đây tuổi già, ốm yếu luôn, Trẫm đã biết rõ, sao ngươi nỡ cố trái ý muốn (về hưu). Nhưng ngươi đã được hai đời vua tin cậy (tức vua ông, vua cha Minh Mạng- Thiệu Trị) phó thác công việc nặng nề. Đương lúc bấy giờ, có giặc Tây dưong, ngươi nên cảm ơn, hăng hái, hết sức làm việc, nếu một giờ phút nào còn sống, cũng nên cố gắng báo hiệu một chút. Hà tất phải tránh sự dèm pha, nệ theo người đời xưa, hết sức vì việc nước. Duy có, Trẫm cũng xét tình, châm chước cho. Nay chuẩn cho ngươi vẫn giữ nguyên hàm quản lý Bộ Binh (Thượng thư), sung Cơ mật viện đại thần, kinh niên giảng quan. Công việc ở Bộ, Viện, việc gì quan trọng lớn lao, tất phải trình bày với nhau, để bàn bạc, ký tên tâu lên. Còn việc khác, thì do các viên đồng (giúp việc) làm cả. Lại chuẩn cho nghĩ việc ở Khâm Thiên giám và Quốc sử quán, cho được ở nhà riêng điều dưõng. Đợi khi khỏi ốm, thì hoặc 5 ngày, hoặc 10 ngày, một lần vào chầu, có chính sự to (quốc gia đại sự) cũng đựoc dự bàn. Lại cho đi võng đến ngoài cửa Nhật Tĩnh, Nguyệt Anh để tiện vào chầu, mà khỏi khó nhọc, để tỏ ý Trẫm ưu đãi viên quan tuổi già, tình lễ đều trọn vẹn. Ngươi nên yên tâm điều dưõng, hết sức giúp rập, đợi khi thiên hạ thái bình, sẽ theo chí muốn của ngươi (về hưu) cũng chưa muộn gì".

Sau tờ dụ ban xuống, vua Tự Đức "chuẩn cho Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư Bộ Lễ Phan Thanh Giản sung chức Quốc sử quán Tổng tài và Thượng thư Bộ Hình Trương Quốc Dụng kiêm quản công việc Khâm thiên giám (coi Thiên văn và Lịch pháp)" thay Trương Đăng Quế nhiều việc, chữa bệnh, có điều kiện giúp vua quản lý Bộ Binh", chứ không cho Trương Đăng Quế về hưu.

Là "bầy tôi lương đống", "cố mệnh lưỡng triều" (Phụ chính theo Di chiếu 2 triều vua), Trương Đăng Quế biết Tự Đức kiên quyết không cho mình về hưu, mà chỉ giảm bớt cho ông một số phần công việc ở Quốc tử giám và Khâm thiên giám, ông bèn dâng sớ, xin đem số tiền lương bổng đựoc vua cấp mỗi năm một nửa lương trước đây (1852) góp vào Kho quân nhu của Nhà nước, để chống Pháp. Đại Nam thực lục (S.đ.d) viết:

-"Đăng Quế lại dâng sớ nói: Tôi nghĩ không có kế sách gì đánh lại được Tây dưong, xin đem tiền gạo, bổng khi trước, gia ân cấp cho một nửa ấy (năm Tự Đức thứ 6 - kỳ xét công ở Kinh. Vua gia ơn cho mõi năm được thêm một nửa lương nữa), lưu lại kho, để giúp việc quân nhu. Vua nghe theo".

Lần thứ 4 - năm Nhâm Tuất (Tự Đức thứ 15, 1862), nhân ông 70 tuổi, tuy được vua trọng dụng, ưu đãi quà biếu rất hậu, giữ nguyên hàm Thượng thư Bộ Binh, nhưng ông đau yếu luôn, không thể quản lý Bộ Binh được, ông lại dâng sớ xin từ chức, với lời lẽ thống thiết. Sớ tâu: Kinh Lễ chép:

-“Quan đại phu 70 tuổi, thì nghỉ việc, xưa nay không ai là không noi theo. Thần nay tuổi đã 70, hơn nữa cứ đến mùa Thu, mùa Đông lại có chứng thở ho, gần đến cõi chết, kính xin nhà vua đoái thương đến thân già yếu, cho được trọn vẹn. Còn như tình chó ngựa (tôi tớ) đền ơn, sẽ đợi kiếp sau".

Vua cũng không cho nghĩ hưu, bởi biết ông là vị Đại thần có uy tín trong triều, đình thần đề nghị giữ lại. Vua châu phê vào tập tâu, bảo rằng:

-"Nay vừa lúc nước nhà nhiều tai nạn, dù tuổi đã già yêú như Trần Văn Trung, còn chưa nỡ bỏ, huống chi là phận nghĩa, khí thức của một viên đại học sĩ, lại muốn lệ nghỉ việc, thì có nên không? Mới rồi hồi ở trước mặt, đã cho Nguyễn Tri Phương tâu bày nghỉ việc là không đúng, nay lại dám lần theo dấu chân ấy, sự chưa đuợc thoả đáng vậy chăng? (ý nói Trương Đăng Quế không đồng ý cho Nguyễn Tri Phương nghỉ việc, vậy tại sao Quế lại xin nghỉ?). Vì vậy "Quyết không thể nói xin về nghỉ việc, hãy đợi giúp ta giữ nước, không có sự lo ngại gì, rồi bấy giờ hãy làm theo ý muốn".

Lần thứ 5, Trương Đăng Quế lại làm tờ sớ, tâu xin:

-"Tôi nay lạm chịu ơn nước, há chẳng nghĩ đến việc báo đền cho xứng, huống chi đương lúc nước nhà có việc, lại riêng có lòng nào. Từ xưa đến nay, tài hèn chức trọng, làm cho giặc đến, có nhiều kẻ nghị luận (dèm pha) cũng đề trơ mặt nghe chịu. Cũng mong có một chút công lao, để đền ơn tri ngộ lớn lao, nên dùng dằng mãi ngày nay, không dám xin nghỉ việc. Gần đây, quân thứ Hải Dương đã dẹp giặc, giải vây, mà quân thứ Tây Bắc cũng luôn thắng trận, tiếng quân lừng lẫy, sớm muộn gì cũng có thể giải vây được tỉnh thành Bắc Ninh, công việc ngày dần đâu vào đấy… Vả lại, tôi ngày thường không có tài nghệ gì khác, chỉ lấy siêng năng, cẩn thận, được nhà vua biểu cho. Nhưng nay già ốm liên miên, càng ngày càng quá, thân mình đã không siêng việc, thì lấy gì xướng suất mọi người, đâu có thể bắt chước được như Nguyễn Tri Phưong, tuổi và sức hãy còn có thể gắng gỏi, làm việc được (ý nói Phương là võ tướng, hãy còn sức khoẻ). Từ khi thần được thờ Hoàng thượng ta, tới nay đã trải 15 năm, không dựng bày được một chút mưu kế gì. Rồi đến nỗi bốn cõi nổi giặc, tội chất cao như gò núi. Nay đã tuổi về hưu, dẫu có muốn cố gắng làm nữa, nhưng sức không thể làm sao được. Dù có miễn cưỡng ở lại, cũng không bổ ích gì. Nếu được nhờ ơn che đắp cho kẻ tôi tớ, được lấy nắm xương tàn đem về chôn, thì dẫu lúc chết đi, cũng như lúc hãy còn sống, nếu ghép vào tội không chịu làm việc, cách truất, đuổi về, thần cũng cam lòng, không ăn năn gì vậy. Nếu còn ham quyền cố vị, để hại các người hiền, không khỏi lại thêm dư luận bàn chê. Thần vẫn biết kêu nhàm rát tai nhà vua, nặng thêm tội lỗi. Nhưng tự nghĩ suy như thế, mà cũng cứ theo mọi người tiến lui, ngồi không, ăn bám để yên thân tạm bợ, trong lòng thực lấy làm hổ thẹn. Vậy dám mạo muội trình bày, cúi đợi ân chỉ".

Trước lời lẽ khiêm nhường, thống thiết như vậy, vua Tự Đức lại nói:

-"Trong nước có người tài, mới được vững vàng, sao nỡ khiết nhiên, làm trái ý ta lần nữa".

Bèn giao xuống cho đình thần xét, hỏi rõ, phúc tâu lên "Đình thần đều tâu là viên đại thần ấy (T.Đ.Q) là bậc lão thành, quen biết công việc, trí lực tinh tường, còn có thể mưu bàn việc lớn, giúp ích được nhiều. Huống chi đương lúc lắm việc, chưa nên rút lui. Duy còn việc Bộ Binh bề bộn, viên đại thần ấy tuổi cao bệnh yếu, sức không theo được, lòng muốn xin nghĩ chức quản lý bộ ấy (tức Bộ Binh), nhưng vẫn sung vào Viện Cơ mật, để làm cố vấn, phàm các việc quân cơ và các việc trọng yếu, cùng Hội đồng bàn bạc, cho được chu đáo". Vua bèn xuống dụ, "chuẩn y lời đình thần phúc tâu". Sau, vua lấy Trần Tiễn Thành làm Thượng thư Bộ Binh, thay Trưong Đăng Quế, nhưng vẫn "sung vào Viện Cơ mật, để làm cố vấn giúp triều chính".

Biết vua Tự Đức và đình thần vẫn còn lưu luyến, trọng dụng mình, nhưng "quyền cao chức trọng, ngồi không ăn bám, để yên thân tạm bợ, trong lòng thực lấy làm hổ thẹn...", lần thứ 6 Trương Đăng Quế lại dâng sớ xin, cụ thể từ bỏ "quyền cao, chức trọng, "sợ hại người hiền" mà chỉ xin tước "Bá" (tức xin giáng xuống 2 cấp. "Công, Hầu, Bá, Tử, Nam") (2), cho phù hợp với lưong bổng "ngồi không" (Trương Đăng Quế tước Tuy thạnh Quận công).

Lời sớ đại lược như sau:

-"Tôi thẹn là kẻ tôi tớ triều trước, nhờ ơn thưong già ốm, cho được đi võng đến cửa, vào ban chầu cho ngồi, việc lớn mời dự bàn, không phiền đến việc nhỏ, ưu đãi rất hậu đến như thế. Tôi không phải là loài gỗ đá, mà không biết cảm ơn. Lại nói: nhưng sự lui tới không rõ ràng, thì không lấy gì giải được sự chê bai, là cố giữ ngôi quan to, để hại người hiền, thực lấy trong lòng có hổ thẹn. Nay không cho là già yếu, mà lưu lại, thần cũng không dám. Khiết nhiên xin về hưu, để tỏ cái nghĩa của thần, cùng nước, cùng vui, cùng lo, không có lòng nào tham quyền cố vị. Nhưng nên có sự cảnh lệ, để tỏ lẽ phải chung. Đến như đình thần bảo, là thần trí tuệ tinh tường, thần thực không dám nhận. Kể ra bốn phương có giặc, là trách nhiệm của khanh đại phu, cúi xin nhà vua tự quyết định, đem lời tâu của thần, xin chịu về chỗ không làm nổi việc, truyền bảng, giáng hàm Thượng thư, đoạt lại quốc công, nhưng chuẩn cho lấy tước "bá" (xuống 2 cấp, tác giả chú) nguyên phong cho trước, lưu lại ở kinh, dự được triều yến, để làm cố vấn, khiến cho thần khỏi cắt hiềm về nỗi ngôi cao, yên lòng chịu hầu. Phàm gặp các việc quân cơ và các việc quan trọng khác giao đình nghị, có điều gì nên dự bàn, thì thần xin theo cùng, đình thần bàn bạc kỹ càng, giải hết tấm lòng ngu sở, hoặc có bổ ích được 1- 2 phần chăng? Đợi khi nào Đông, Bắc giặc yên, lại xin tỏ bày lời thỉnh cầu trước (về hưu) cho tròn chí nguyện xưa, đó là lòng mong muốn của thần. Nếu đã thấy mình yếu, tuổi già, nay được lưu dùng, lại còn ngang nhiên tự ở vào địa vị chỗ người trông vào, không thoả mãn được lòng mong, thì không khỏi lại phải dâng sớ cố từ, mắc thêm tội lệ. Đó là thần lượng sức của mình, mà tự xử lý, bởi tự lòng thực nhờ ơn thương kẻ tuổi già ngu xuẩn mà thành toàn cho".

Cảm động trước tấm lòng cao cả của ông, xin đoạt tước vị Quận công và hàm Thượng thư, vua Tự Đức không cho, lại phê bảo rằng:

-"Chức tước của khanh là do ân mệnh của Tiên đế ban cho. Vì nghĩ đến công khó nhọc từ trước, mới được tri ngộ đặc biệt như thế, không phải bọn tầm thường có thể so sánh được. Còn từ khi ta lên ngôi tới nay, chưa có các ơn chút đỉnh gì đối với khanh cả. Duy lấy tình lễ đãi nhau, mỗi khi có hỏi han, khanh từng cảm động chảy nước mắt. Ta vốn bảo, là vua tôi, ý khó cùng thông cảm với nhau, không đợi phải nói ra. Lại thường bảo là, khanh tuổi càng già càng bệnh, đối với những việc to lớn, đáng lo đàng xử đoán, thường thường đều đúng khớp cả. Vì những kiến thức mạnh mẽ, mầu nhiệm như thế, không phải bọn hậu tiến có thể theo kịp được. Ta trộm bảo, là biết bầy tôi, không ai bằng vua, cho nên ta nói thẳng ra, không phải là khen hão vặt. Thử hỏi người khác xem, không ai là không nghe thấy, thực lòng nhờ cậy được nhiều. Nếu còn cố từ, ta cũng không nỡ bỏ. Nếu bảo rằng: làm cho giặc đến, chịu người chê trách, thì lỗi của ta sẽ đến thế nào, chẳng những một mình khanh mà thôi. Nhưng đã hai, ba lần bày tỏ (về hưu), hãy đem tờ tâu ấy, trao cho mọi người cùng thấy, để biết vua tôi, đều tự nhận lỗi, chịu trách oán, đủ để bày tỏ nỗi lòng. Bằng ta có chỗ nào không phải, cho thẳng can, không điều nào là ta không nghe. Mong khanh hãy lấy Tử Sạn và Tư Mã Quang (3) làm khuôn mẫu. Nếu có lợi cho Triều đình, dẫu chết sống có hề chi, cần gì người ta chê trách. Ngõ hầu trên dưới đều hết cả trách nhiệm, không để cho người sau nói mò, chẳng cũng tốt ư? Nếu lại cố chấp, sợ không khỏi tiếng chê về yêu cầu. Thì tuy tự lòng chân thành, nhưng nào ai biết cho".

Trước lời lẽ chân tình của vua, trách nhiệm vua tôi sai trái, tự nhận lỗi với nhau, mà gánh vác công việc chung, chứ không thể đổ lỗi cho ông về hưu được "bởi khanh những việc to lớn...lo đàng xử đoán, thường thường đều đúng khớp cả". Cực chẳng đã, "Đăng Quế lại tâu xin nhận nửa lương, vua bèn miễn cưỡng nghe theo" (S.đ.d tr 337-341).

Mãi đến 7 tháng sau, tháng 3, năm Quý Dậu (1863) Tự Đức thứ 16, do sức lực quá yếu, dù có lưu luyến, vua Tự Đức đành phải chấp nhận cho ông về hưu, lúc đó ông đã tròn 71 tuổi. Hai năm sau, Ất Sửu (1865), ông mất trong cảnh tuổi già đơn sơ, đạm bạc ở quê hương (Mỹ Khê - Sơn Tịnh).

Như vậy, qua 6 lần dâng sớ về hưu, với lời lẽ khiêm tốn, thống thiết, tự xét mình không đủ sức đảm đương việc nước, sợ "ngồi không, ăn bám", "cảm thấy hổ thẹn" "ngôi cao chức trọng", "sợ hại người hiền", xin vua tước đoạt hàm Thượng thư và tước Quận công của mình, chỉ nhận tước "Bá" và một nửa lương bổng, đã cho chúng ta thấy Thái sư Trương Đăng Quế, dù có địa vị cao sang tột đỉnh "Tứ trụ Triều đình", lại được vua tin dùng, nhưng có một nhân cách cao quý hiếm thấy trong lịch sử dân tộc, không tham quyền cố vị, lợi lộc gì cho mình (đương thời ông còn sống và thực tế cho đến nay, ông chẳng có trang trại, thái ấp gì như Tổng đốc Hoàng Cao Khải, Hoàng Trọng Phu...chỉ yên nghỉ dưới nấm mộ đơn sơ ở quê nhà Tịnh Khê, Sơn Tịnh.

Để tưởng nhớ ông một con người có đức độ, tài năng, hiện nay ở Quận Gò Vấp, Sài Gòn có một con đường mang tên ông "Trương Đăng Quế" (mang số thứ tự 41). Âu cũng là bài học cho chúng ta suy nghĩ hôm nay: về nhân cách liêm khiết, cao cả của ông./.

Thiệu Khang Nguyễn Thái Bình


* BÀI LIÊN HỆ:
- Trương Đăng Quế những điều kỳ lạ
- Danh thần Trương Đăng Quế: Một tâm hồn thơ nặng lòng với quê hương.
- Trương Đăng Quế và sự phát triển Sài-Gòn, Gia-Định.

* Chú thích:
(1) Thượng thư: ngang chức Bộ trưởng ngày nay.
(2) Tước có 5 bậc: Công, Hầu, Bá, Tử Nam.
"Tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt
Dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên…" (trong bài “Kẻ sĩ”, Nguyễn Công Trứ)
(3) Tư Mã Quang (1019 –1086), tự Quân Thật, hiệu Vu Tẩu, là một nhà sử học, học giả Trung Hoa, còn là Thừa Tướng thời nhà Tống.

 

* Thư tịch:

- Đại Nam Nhất Thống chí

- Đại Nam thực lục

- Đại Nam liệt truyện (chính biên)

- Quốc Triều Đăng Khoa lục

- Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt-Nam

- Khuôn mặt Quảng-Ngãi

- Non Nước xứ Quảng, Phạm Trung Việt.

- Quảng Ngãi đất nước con người

- Tài liệu tổng hợp.


* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây

Xem trang “Đất nước, con người”: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh