Năm Nhâm Tý (1972), Tỉnh trưởng Quảng Ngãi lúc đó là ông Mai Ngọc Dược (người Huế) đã cho khắc bài thơ của tác giả Vương Hùng lên mộ bia của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại núi Thiên Ấn (sau khi trùng tu xong). Nguyên văn bài thơ đó như sau:
Cụ Huỳnh tiếng khắp vang vang xa
Chí khí dọc ngang ít có mà.
Nghiệp cả lo toan trùm xã hội
Đất linh hào kiệt dựng sơn hà.
Bình Tây muôn thuở danh còn để
Chống Pháp bao năm chút chẳng tà.
Chưa sạch thù nhà người đã khuất
Nhân dân đau tiếc tận xương da.
(Vương Hùng)
Tưởng là đạo lý đối với tiền nhân, nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra: việc khắc bài thơ nầy không ổn. Sau khi bài thơ đã khắc xong, giới thi nhân Quảng Ngãi cũng như các thi nhân xứ Quảng ở Sài gòn đã phản ứng quyết liệt, không đồng tình bài thơ đã khắc. Theo quan niệm của các thi hữu này, bài thơ này quá ư non nớt, nếu không nói là bất xứng đối với nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng họ Huỳnh. Chẳng lẽ giới thi nhân xứ Quảng chỉ có mỗi một bài thơ được khắc lưu lại cho hậu thế ấy là tuyệt tác hay sao? Để phản ứng lại, họ cùng nhau làm lại những bài thơ khác, để tỏ rõ uy danh mảnh đất "địa linh nhơn kiệt", xứ sở của 12 thắng cảnh nổi tiếng, ca tụng công đức mẫn tiệp và chí khí sắt son của cụ Huỳnh - dù biết rằng, làm để rồi đọc cho nhau nghe, nhưng dù sao cũng vơi được phần nào nỗi bực tức.
Dưới đây là bài thơ Hoài niệm của thi hữu Trúc Nam - nhà thơ trước kia đã từng cộng tác với cụ Huỳnh trên mặt báo Tiếng Dân:
Qua Thành rạng rỡ bảng đề danh (1)
Ngũ phụng Tề phi tiếng Thạnh Bình (2) (xem thêm phần phụ chú).
Tài, giữa thế gian nhiều Phạm Liệu
Chí, trong thiên hạ ít Huỳnh Hanh (3)
Tiếng Dân mở rộng giây tình cảm (4)
Côn Đảo sờn chi sức đấu tranh
Muôn thuở nêu cao gương tiết tháo
Dừng chân đỉnh Ấn tử như sanh.
(Trúc Nam)
Tiếp theo đó, thi sĩ Bút Trà - nhà thơ cận kề tuổi bát tuần - ứng khẩu đọc ngay bài thơ ca tụng để tưởng niệm bậc chí sĩ yêu kính của người dân Việt:
Thức thời mới đáng bậc anh hùng
Vì nước nên ra gánh vác chung
Người đã liều thân vào đất địch
Cụ đâu dám tiếc đến hơi cùng
Côn Sơn còn đó vầng trăng dọi
Thiên Ấn mừng nay cội phúc trồng
Khí tiết nêu cao danh chí sĩ
Ngàn thu rạng mặt với non sông.
(Bút Trà)
Cách mấy hôm sau, từ Quảng Ngãi gửi vào Sài Gòn, một bài thơ với nhan đề “Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng”. Bài thơ này của thi sĩ Tùng Khê - bào huynh của thi sĩ Bích Khê - để góp phần nói lên sự phản ứng của mình trước bài thơ được khắc ở mộ bia cụ Huỳnh:
Văn chương lỗi lạc khó ai tranh
Ngũ phụng Tề phi sớm đạt thành
Côn Đảo vì danh nêu khí tiết (5)
Nghị trường đả Pháp rạng thanh danh (6)
Chủ trương lấy "Tiếng Dân" là gốc
Cổ động dùng văn bút gợi tình
Tuy thác, anh linh còn sống mãi
Ngàn năm công đức sử ghi rành.
(Tùng Khê)
Lại tiếp đến nhà thơ Hiệp Phố cũng từ Quảng Ngãi gửi vào:
Cảm phục sâu xa vị lão thành
Bài phong, đả thực vẽ nên tranh
Cùng nòi, cùng giống tình càng đượm
Vì nước vì dân mộng chưa thành
Bút thép văn nhân nêu khí tiết
Lòng son chí sĩ rạng thanh danh
Minh Viên còn toả hưong ngào ngạt
Tổ quốc ghi ơn chép sử xanh.
(Hiệp Phố)
Và bài thơ thứ hai cũng của nhà thơ này có phần trỗi hơn bài thơ trước
Lỗi lạc tài ba vị lão thành
Minh Viên vang dội tiếng hào anh.
Bài phong thấm thía văn công kích (7)
Đả thực êm đềm bút đấu tranh (8).
Mấy độ truân chuyên hừng chí khí
Muôn năm tiết tháo mực hương danh.
Người dù bóng khuất, thần còn mãi
Hoài cảm công lao chép sử xanh.
(Hiệp Phố)
Bức thư kèm theo bài thơ sau cùng từ Quảng Ngãi gửi đến là của bà Tùng Khê - chị dâu của thi sĩ Bích Khê:
Minh Viên - chủ bút Tiếng Dân xưa
Thức tỉnh nhân dân sức có thừa.
Đả thực trước sau bè bạn mến
Bài phong đây đó chúng dân ưa.
Nghị trường coi nhẹ khôn thao túng
Đai mão xem khinh khó bịp lừa.
Trước cuộc đỏ đen lòng vẫn trắng
Nghìn thu Ấn lãnh gợi sương mưa.
(Bà Tùng Khê)
Những bài thơ ca tụng uy danh cụ Huỳnh mà chúng tôi giới thiệu phần trên chính là sự phản ứng của giới thi nhân xứ Quảng trước bài thơ (Vương Hùng) khắc vào mộ bia một cách bất tương xứng mà chúng tôi đã ghi nhận ở phần trên.
Sau cùng là hai thi hữu Anh Hồ và cụ Nam Trung Tử cũng góp mặt cùng các nhà thơ bốn phưong ca tụng công đức của cụ Huỳnh:
Bài 1:
Non Tiên xứ Quảng đáng hùng danh (8)
Cứu nước an dân sứ mạng thành.
KHAI TRÍ cờ tung Tây khiếp đảm
TIẾNG DÂN đuốc nội Việt cường oanh.
CÔN SƠN chí cả lừng gương dũng
NGHỊ VIỆN quyền uy chép sử xanh.
Công đức MINH VIÊN ngời vạn thuở
Bia vàng THIÊN ẤN nguyện ghi danh.
(Anh Hồ)
Bài 2:
Non Tiên linh địa xuất nhân tài
Thương nước anh hào sánh mấy ai.
Bút thép "Tiếng Dân" ngời bốn hướng
Nghiệp đời tranh đấu trĩu đôi vai.
Nghị trường lớn tiếng lệnh quyền nước
Côn Đảo quyết thề vẹn chí trai.
Thân thác truyền đời danh sống mãi
MINH VIÊN ngời rạng chí khôn phai.
(Nam Trung Tử)
Ngẫm lại chuyện cũ, chúng ta thấy thi nhân xứ Quảng rất tiết tháo trước những việc làm không đúng, quả là không hổ thẹn mảnh đất "địa linh nhơn kiệt" mà người xưa đã đề cập./.
Nguyễn Thái Bình
Ghi chú:
1. Qua Thành: tức Quảng Nam bấy giờ.
2. Thanh Bình: tức làng quê cụ Huỳnh, một trong 5 người nổi tiếng đổ Tiến sĩ ở Quảng Nam thời đó (gọi là Ngũ phụng tề phi). {Xem thêm phụ chú}
3. Hùynh Hanh: là tên cụ Huỳnh lúc vào trưòng thi
4. Tiếng Dân: là tờ báo do cụ Huỳnh sáng lập- Chủ bút.
5. Cụ bị Pháp bắt, đày đi Côn Đảo hơn 10 năm, luôn luôn nêu cao khí tiết của nhà chí sĩ cách mạng.
6. Sau khi ở Côn Đảo về, cụ đựoc bầu làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Trong buổi lễ khai mạc, cụ đọc bài diễn văn nảy lửa, đả kích chính sách của thực dân Pháp, khiễn co Viên Khâm sứ Trung kỳ lúc đó De Moy rất bực tưc.
7. Bài phong: (từ Hán Việt) chống đối phong kiến
8. Đả thực: (từ Hán Việt) đánh thực dân (Pháp)
9. Non Tiên xứ Quảng, tức Tiên Phước - Quảng Nam, quê hương cụ Huỳnh.
* * *
Phụ chú của Ban Điều Hành:
Theo Trúc Nam (trong bài thơ trên) thì cụ Huỳnh Thúc Kháng có tên trong “Ngũ Phung tề phi”, có lẽ điều nầy không được chính xác. Năm người trong “ngũ Phụng” không có tên cụ Huỳnh. Chi tiết và lịch sử của nhóm chữ nầy như sau:
Sự tích Ngũ Phụng tề phi.
“Ngũ phụng tề phi” (từ Hán Việt, năm con chim phượng hoàng cùng bay), danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi vào năm 1898 của đất Quảng Nam: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến.
Nhóm chữ nầy được học giả Đào Duy Anh xử dụng đầu tiên, như sau: “Đời Đường thi tiến sĩ, có một khoa nọ, bảng tiến sĩ từ thứ nhất đến thứ năm đều là người văn tài trỗi hơn cả nước, người đời tán tụng cho là 5 con chim phụng cùng bay với nhau” (theo Hán Việt tự điển). Tuy nhiên, còn có vài lập luận của vài vị khác không đồng lòng với quan điểm nầy của học giả họ Đào.
Theo văn bia ở Văn Thánh Huế thì khoa thi Tiến sĩ năm Mậu Tuất 1898, ông Đào Nguyên Phổ đậu Đình nguyên (đỗ đầu) với danh “Đệ nhị giáp Tiến sĩ” xuất thân, 7 vị Tiến sĩ còn lại đều đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, còn 9 vị đỗ Phó bảng được yết danh nhưng không được khắc tên vào bia đá.
“Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng Nam gồm có (theo thứ tự từ trên xuống dưới - đỗ từ cao xuống thấp):
1. Phạm Liệu: tự là Sư Giám, hiệu là Tăng Phố, sinh năm 1873, mất năm 1937, quê xã Trừng Giang, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Cử nhân năm 1894. Đỗ đầu trong nhóm Đệ tam giáp (Tiến sĩ) lúc mới 26 tuổi.
2. Phan Quang: tự là Quế Nam, sinh năm 1873, mất 1939, quê xã Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam). Đỗ Cử nhân năm Giáp Ngọ (1894), cùng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (đứng ngay sau Phạm Liệu) năm 1898.
3. Phạm Tuấn: tự là Hỷ Thần, hiệu là Văn Luân; sinh năm 1852, mất năm 1917, quê xã Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam), nguyên tên là Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn. Đỗ Cử nhân năm 1879, năm 1898 thi Đình và đỗ thứ 5 trong nhóm Đệ tam giáp lúc đã 47 tuổi.
4. Ngô Chuân: còn gọi là Ngô Truân, Ngô Trân hay Ngô Lý, sinh năm 1873, mất năm 1899, quê xã Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Cử nhân năm 1894, năm 1898, đỗ đầu trong nhóm Phó Bảng lúc mới 26 tuổi.
5. Dương Hiến Tiến: sinh năm 1866, mất năm 1907, người xã Cẩm Lậu, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam). Đỗ Cử nhân năm 1891, năm 1898 đỗ thứ 3 trong nhóm Phó bảng.
(Ban Điều Hành)
* * *
Xem các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang “Kiến thức, tài liệu”: click vào đây
Trở về trang chính: www.nuiansongtra.com