Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định - Bình Tây Đại nguyên soái (1820-1864), người con ưu tú của quê hương núi Ấn sông Trà. Trương Định sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), đã hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp ở Gò Công hầu như chúng ta ai cũng biết, nên người viết bài này {qua khảo sát tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II Sài Gòn và của Giáo sư Nguyễn Phan Quang (1)} xin cung cấp thêm một số tư liệu về việc xây dựng lăng mộ Trương Định năm 1875 bằng đá hoa cuơng (cách đây gần 140 năm) để độc giả hiểu rõ thêm cuộc đời ông sau khi mất.
Chân dung Trương Định
Thực ra, cho đến bây giờ lăng mộ ông không còn. Bởi lẽ, khi lăng mộ ông xây gần xong, thì chính quyền người Pháp (Nam kỳ lục tỉnh) ra lệnh đục bỏ ngay các chữ Nho được khắc trên bia, các câu đối vì sợ không có lợi cho chính quyền thực dân lúc đó. Và, sau đó, toàn bộ khuôn viên lăng mộ Trương Định bằng đá hoa cương này cũng bị phá huỷ gần hết qua một thời gian dài biến động chiến tranh... Vì vậy, ngày nay không còn dấu vết. May thay, hồ sơ Tư liệu về quá trình xây dựng Lăng mộ ông và cả bài Văn bia vẫn còn, được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, xin hầu cùng bạn đọc.
Sau khi Trương Định hy sinh ngày 20.8.1864, thi hài ông đuợc mang về chôn cất sơ sài tại thị xã Gò Công hiện nay. Mộ ban đầu do vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh lập năm 1864, được xây bằng hồ ô dước và trên bia đá có khắc mấy chữ: “Đại Nam - An Hà lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương Công húy Định chi mộ”. Nhà cầm quyền Pháp bắt đục bỏ hàng chữ “Bình Tây Đại tướng quân” và phạt bà Sanh 10.000 quan tiền vì tội lập bia trái phép.
Ngót 10 năm sau (1873), bà Trần Thị Sanh làm đơn xin xây mộ cho chồng và được Chánh Tham biện (Chủ tỉnh) Gò Công cấp giấy phép như sau:
"Tân Hoà Chánh Tham biện.
Trát cho làng Thuận Ngãi, thôn truởng phải nói với Trần thị Sanh hay: nay quan trên đã cho phép bà ấy đặng làm mả cho Quản Định, vậy làng phải đưa cái trát này cho Trần thị Sanh giữ.
Gò Công, ngày 13, tháng Ba, 1873"
Chánh Tham biện ký tên.
Không hiểu công việc xây lăng mộ gặp trở ngại gì (dù đã có Trát của Chánh Tham biện cho phép), nên một năm sau (ngày 2.3.1874), bà Trần thị Sanh lại đệ đơn (lần 2) xin xây lại mộ Trương Định:
"Tân Hoà huyện.
Hoà Lạc Hạ tổng, Thuận Ngãi thôn.
Trần thị Sanh cúi đầu xin lạy quan lớn, cho phép tôi làm cái mả lại cho ông Quản Định. Năm Kỷ Dậu tôi có làm vợ nhỏ của ông trong hai năm, nay vợ lớn của ông trốn biệt, các con của ông đã chết hết, mấy năm nay tôi cũng sợ phép của Nhà nước, không biết làm sao. Bây giờ tôi liều mình tới nói với ông, xin ông giúp cho tôi.
Trần thị Sanh điểm chỉ.
Ngày 2, tháng Ba, 1874".
Viên Chủ tỉnh Gò Công đuơng thời đã gửi công văn lên Nha Bản xứ vụ (thuộc Phủ Thống đốc Nam Kỳ) để báo cáo về việc bà Trần Thị Sanh xin xây lại mộ cho chồng và đề nghị cấp trên nên chấp thuận đơn thỉnh nguyện này thì có lợi hơn là bác bỏ. Nội dung thư:
"Gò Công, ngày 2, tháng Ba, 1874
Thưa Ngài Giám đốc,
Vợ goá của Trương Định trước kia khẩn thiết xin được phép xây một ngôi mộ cho chồng, người đã bị giết trong khi vũ trang chống lại chúng ta năm 1864, như mọi người đã biết. Trước kia, nếu chúng ta cho phép thì có thể dẫn đến những sự rắc rối giữa các phe cánh trong địa phưong. Nhưng ngày nay Trương Định đã bị quên lãng, vợ cả của y không còn trở lại xứ này nữa, con cái của y cũng đã chết hết.
Tôi xin chuyển lên Ngài lá đơn của Trần Thị Sanh với đề nghị Ngài chấp thuận, vì tôi thấy việc xây mộ cho Quản Định không có gì bất tiện, cho dù y đã từng chống lại chúng ta rất dũng cảm. Tôi lại nghĩ nếu cứ để cho dân An Nam tưởng rằng chúng ta vẫn còn lo sợ về những ký ức và ảnh hưởng của tên tướng kiệt kiệt này thì có hại hơn là có lợi...".
Ngày 10.3.1874 (nghĩa là hơn 1 tuần sau), trong công văn phúc đáp, Giám đốc Nha Bản xứ vụ đã chấp thuận ý kiến của Chủ tỉnh Gò Công, nhưng lưu ý ông ta phải dự phòng việc xây mộ Trương Định có thể tạo ra cái cớ cho một sự phiến động. Thư sau:
Mộ và đền thờ Trương Định tại Gò Công
"Sài Gòn, ngày 10 tháng 3 năm 1874.
Kính gởi Ngài Chủ tỉnh Gò Công,
Tiếp theo công văn của Ngài ngày 2.3 vừa qua, tôi xin thông báo với Ngài rằng có thể cho phép vợ goá của Quản Định xây ngôi mộ cho chồng. Tuy nhiên, yêu cầu Ngài cần có những biện pháp cần thiết để việc xây mộ này không thể bị lợi dụng như là một cái cớ cho bất kỳ một hành vi phiến động nào".
Tuy đã được phép từ tháng 3.1874, nhưng mãi đầu tháng 8.1875, ngôi mộ mới "sắp hoàn tất" (bài văn bia đã được khắc trên mộ, cùng các câu đối, hoành phi).
Cùng lúc đó, một số Hương hào ở địa phương đã báo cáo lên Viên Chủ tỉnh vừa mới đến thay viên Chủ tỉnh cũ rằng: “Lăng mộ Trương Định được xây quy mô bằng đấ hoa cương (granít), lại còn dám khắc cả bài văn bia và nhiều câu đối ca ngợi sự nghiệp của Trương Định”. Viên Chủ tỉnh mới vội sai chép tất cả các chữ Nho khắc trên bia, nộp lên cho Nha Nội chính và xin ý kiến giải quyết (nên ra lệnh phá bỏ lăng, hay vẫn cho hoàn tất?). Nội dung thư:
"Gò Công, ngày 2, tháng Chín, 1875.
Kính gửi Ngài Giám đốc.
Tôi xin báo cáo để Ngài rõ: Gia đình Quản Định, nguyên là viên chủ tướng của cuộc nổi loạn ở Gò Công đã bị lính chúng ta giết chết, đang xây một ngôi mộ bằng đá hoa cương ở Thuận Ngãi để tưởng niệm tên tướng nổi loạn này.
Tôi đã cho chép lại tất cả chữ Nho khắc trên mộ (...). Không rõ vị Chủ tỉnh tiền nhiệm của tôi, trước khi cấp giấy phép có nắm được ý đồ của gia đình Quản Định là khắc chữ Nho trên các bộ phận lăng mộ hay không? Dù sao tôi vẫn có nhiệm vụ gửi lên Ngài bài văn bia ở mộ này, mà nội dung theo tôi, còn quá quắt hơn là một sự phục hồi nhân phẩm cho Quản Định.
Xin Ngài cho ý kiến là cần đình chỉ ngay việc xây lăng mộ, hay là cứ để cho xây dựng? Ngôi mộ hiện đã gần hoàn tất (...)".
Nhận được báo cáo trên, ngày 8.9.1875, Giám đốc Nha Nội chính phúc đáp như sau:
"Sài Gòn, ngày 8, tháng Chín, 1875.
Kính gửi Ngài Chủ tỉnh Gò Công
Theo công văn của Ngài đề ngày 2.9 về việc xây mộ Quản Định, tôi nghĩ rằng hiện nay không phải là lúc chúng ta dùng biện pháp cưỡng chế đối với gia đình tên phiến loạn này. Ngài Chủ tỉnh tiền nhiệm đã cho phép xây mộ, nếu bây giờ chúng ta lại ra lệnh phá bỏ đi thì lại hoá ra chúng ta đã quan trọng hoá vấn đề. Tuy nhiên, tôi khẩn thiết yêu cầu Ngài cho gọi những người chủ gia đình này, báo trước với họ rằng nếu xây mộ Quản Định, tạo ra một cái cớ cho bất cứ một hình thức phiến động nào đó, thì tôi sẽ ra lệnh phá huỷ ngay tức khắc lăng mộ. Dẫu rằng chúng ta không muốn xúc phạm đến tục thờ cúng (ông bà tổ tiên), nhưng không thể để cho họ thoát khỏi lưới trừng phạt của chúng ta, nếu họ định nhân việc này mà tạo ra cái cớ gây rối loạn, phiến động (...)".
Công văn trên vừa gửi đi, thì Giám đốc Nha Nội chính lại gửi tiếp một công văn khẩn, thông báo cho Chủ tỉnh Gò Công biết ý kiến của Thống đốc Nam Kỳ về việc này.
"Tiếp theo thư của tôi đề ngày 8.9, tôi xin thông báo để Ngài rõ: vì viên Chủ tỉnh tiền nhiệm đã cho phép - tuy đó là một quyết định đáng phiền trách, nên Ngài Thống đốc không bắt phá huỷ lăng mộ Trương Định vừa xây gần xong.
Tuy nhiên, theo Ngài Thống đốc, nếu vẫn cho giữ nguyên các chữ Nho khắc trên đá như vậy thì hệ quả của nó nghiêm trọng thêm, chẳng khác nào Nhà nước thuộc địa chấp nhận nội dung (bài văn bia), và làm cho dân An Nam tưởng rằng chúng ta đã ghi nhận phẩm hạnh của tên tướng nổi loạn này. Vậy xin Ngài báo ngay cho gia đình Quản Định biết ý kiến của Ngài Thống đốc và ra lệnh phải đục xoá bỏ ngay lập tức tất cả các chữ Nho khắc trên lăng mộ (...)".
Sau đây là Toàn văn Bia mộ đã khắc (được lưu lại trong Hồ sơ):
"Than ôi! Ngài Phó Lãnh binh họ Trương, huý Định, tổ tiên là người tỉnh Quảng Ngãi, xã Tư Cung. Thân sinh của Ngài là Trương Cầm, trải thờ ba triều vua, giữ chức Chưởng lý thuỷ sư. Trương công ứng mộ công việc khai khẩn đồn điền, được nhận chức Quản cơ Gia Thuận.
Năm Kỷ Mùi, Tự Đức năm thứ 12 (1859), tân triều chiếm thành Gia Định, ông theo giúp việc nơi quân thứ.. Năm Canh Thân, Tự Đức thứ 13 (1860), Đại Đồn thất thủ, ông tự về Gò Công chiêu mộ nghĩa binh, bằng muôn ngàn kế sách, đơn độc giữ vững một huyện, quyết chí thu phục đất cũ. Tiếp đó, ông được nhận chức Phó Lãnh binh Gia Định, ấn sắc được công nhận ngay hồi này.
Năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 (1852) do việc hoà nghị, ông được điều bổ về An Giang. Lúc đầu, ông không có ý cưỡng lại lệnh của Triều đình, nhưng lại cũng không muốn phụ lòng phẫn khích của mọi người. Họ ngăn ông giữa đường, không muốn cho ông đi nhận chức và đồng lòng suy tôn ông làm Đại tướng quân, mà Triều đình cũng không hay biết.
Năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863), đồn Gò Công thất thủ, ông lại quay trở về đây và lại khởi binh. Ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông tử trận ở rừng Tân Phước, được đem về táng ở làng Thuận Ngãi. Có bài ca ngợi ông rằng "Dòng dõi trâm anh, hành động anh hùng, quyết sống chết nơi sa trường, ngàn năm ngưỡng mộ (...)".
Được phép tu sửa ngôi mộ cũ của Trương công, nêu rõ hành trạng của ông để ghi nhớ “chọn ngày lành, tháng trọng, xuân năm Giáp Tuất (1874) cung kính khắc bia".
Ngoài bài văn nói trên, còn có một tấm biển đề trước lăng mộ:
"Đây là lăng mộ của Trương công. Triều đình ban sắc phong chức Phó Lãnh binh. Xuất thân từ nhà tướng, tên chữ "Tịnh An", tên thuỵ là "Tráng liệt nghĩa dũng". Vị trí của ngôi mộ hướng về sao Bắc Đẩu".
Trên các cửa Lăng có ghi 3 bức Hoành phi:
1. "Vạn cổ phương danh" (nghĩa là: Tiếng thơm muôn đời).
2. "Đức duy hinh" (Chỉ có đức là thơm mãi).
3. "Minh dã viễn" (Vầng sáng toả xa).
Ở các cột đá còn có 6 câu đối như sau:
1.
"Viên thanh đới vũ sầu" (Vượn kêu trong mưa gợi nỗi buồn)
"Thụ sắc hàm phong lãnh" (Cây xanh trước gió thấm hơi lạnh).
2.
"Ô điểu thiết hà tư" (Tiếng quạ gợi nỗi nhớ khôn nguôi).
"Bạch vân không viễn vọng" (Mây trắng càng nhìn càng vô tận).
3.
"Tiết nghĩa thanh danh cựu" (Thanh danh, tiết nghĩa vẫn như xưa).
"Anh hùng khí tượng tân" (Khí tượng anh hùng luôn như mới).
4.
"Ngưu miên tam xích thố" (Trâu ngủ (nơi) hố sâu ba thước).
"Mã liệt nhất phong hương" (Bờm ngựa (đặt) trên đài thơm).
5.
"Không tư cổ đạo" (Luống nhớ đạo xưa).
"Ý tích phương hình" (Tiếc mãi dáng thơm).
6.
"Sương tàn kinh ám" (Sương tan, đường mờ).
"Thiên lãnh sơn không" (Trời lạnh, núi trơ).
Bên trong đền thờ Trương Định tại Gò Công
Đó là toàn bộ nội dung văn bia và câu đối còn lưu lại (Ký hiệu Mã số SL.4421. Bản dịch từ chữ Hán của Phạm Thị Hảo - có đối chiếu với bản dịch ra Pháp văn năm 1875 của Phủ Thống đốc Nam kỳ - Tài liệu của Nguyễn Phan Quang).
Trên đây là một vài tư liệu chúng tôi bổ sung, để độc giả hiểu thêm về sự nghiệp của ông, nhất là sau khi ông mất./.
Nguyễn Thái Bình
Quảng Ngãi, mùa Hạ 2013.
* * *
A. Nguồn tham khảo:
- Đại Nam chính biên liệt truyện, truyện "Trương Định"
- Quốc triều chánh biên toát yếu
- Việt sử tân biên (Phạm Văn Sơn)
- Histoire de L’Expédition de Cochinchine en 1861 (Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861 - Hoàng Phong dịch)
- Nguyễn Phan Quang - Nghiên cứu lịch sử số 2/2004
và một số tài liệu khác có liên quan…
B. Tiểu sử bà Trần Thị Sanh (?- ?):
Là con thứ 6 của ông Trần Văn Đồ và bà Phạm Thị Phụng, bà là em con cô của Thái hậu Từ Dụ (bà Phụng là em gái ông Phạm Đăng Hưng, cha của bà Phạm Thị Hằng, tức Thái hậu Từ Dụ).
Trước khi về làm vợ thứ Trương Định, bà từng có một đời chồng là ông Dương Tấn Bổn và một cô con gái tên Dương Thị Hương. Ông Bổn mất sớm, bà Sanh quyết chí lo chuyện làm ăn và trở thành một trong những người giàu có ở xứ Gò Công nên dân gian mới gọi là bà Hầu và có câu thơ lưu truyền:
Gò Công có bốn tổng giàu,
Mà riêng có một bà Hầu giàu to.
Giàu có, bà Sanh dùng tiền mua lúa gạo, nhờ Trương Định đem cứu tế dân, và còn đưa tiền cho ông Định quy tụ dân đi khai khẩn đất đai. Sau khi chồng chết được 2 năm, bà về làm hầu thiếp cho Trương Định. Khi Trương Định phất cờ đánh Pháp, bà Sanh (khi này đã trở thành vợ thứ Trương Định) lo việc rèn vũ khí, tích trữ lương thực cho nghĩa quân.
Khi chồng mất, bà đem thi hài ông về chôn tại Gò Công.
C. Bài liên hệ:
- KHÓC TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
- VĂN TẾ TRƯƠNG ĐỊNH
- THƠ VĂN XƯA VỀ ANH-HÙNG KHÁNG PHÁP TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
- TRƯƠNG ĐỊNH, THỦ LĨNH VĨ ĐẠI CỦA NGHĨA QUÂN CHỐNG PHÁP
- TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH
* * *
Bài các bài cùng tác giả: click vào đây
Xem trang QN Đất nước, Con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com