Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT, NGƯỜI CÓ CÔNG XÂY DỰNG GIA ĐỊNH THÀNH
Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH


Cùng với Thái sư Trương Đăng Quế (1793-1865) quê ở Tịnh Khê (Sơn Tịnh) sau nầy thì trước đó Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), quê ở Bồ Đề (Đức Nhuận, Mộ Đức, cư ngụ ở Định Tường, nay thuộc Tiền Giang) là một trong những người có công rất lớn trong việc xây dựng Vương triều Nguyễn nói chung, Gia Định thành nói riêng. Mặc dù (trước đây) trong giới khoa học còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cho đến nay, sau Hội thảo Khoa học về ông (tháng 7.2000) và khoa học về Vương triều Nguyễn (10.2008), các học giả đều thống nhất, đánh giá rất cao vai trò của Tả quân (1) Lê Văn Duyệt đối với vùng đất Nam phần ngày xưa cũng như ảnh hưởng của ông về sau đối với lịch sử của dân tộc.




Chân dung Tả Quân Lê Văn Duyệt


Trước khi đề cập vai trò của Lê Văn Duyệt đối với Gia Định thành, chúng tôi xin đề cập vài nét về vùng đất thời đó.

Theo Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Gia Định thành vào đầu thế kỷ XIX bao gồm 5 trấn sau:

1. Trấn Phan An (tức Sài Gòn ngày nay),
2. Trấn Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Đồng Nai),
3. Trấn Định Tường (nay thuộc Tiền Giang),
4. Trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và An Giang ngày nay) và
5. Trấn Hà Tiên (nay thuộc Kiên Giang ngày nay).




Thành Gia Định trước 1835, do Trương Vĩnh Ký vẽ kiểu

 

Cả 5 trấn nói trên đều đặt dưới quyền Tổng trấn Gia Định thành, người có toàn quyền về các mặt hành chánh, quân sự, tư pháp. Ngoài ra, Tổng trấn còn có quyền thanh tra mọi việc ở trấn Bình Thuận.

Thủ phủ của Gia Định thành bấy giờ là thành Phan An (Sài Gòn). Thành được Nguyễn Ánh xây dựng vào năm 1790 sau khi chiếm được Gia Định, kiến trúc thành được xây theo kiểu Tây phương, hình vuông, chu vi trên 3 hải lý, tường xây bằng đá ong Biên Hoà, cao 5 thước 20 phân. Ở giữa thành là Cung điện Nguyễn Vương ở (vị trí Vương Cung Thánh đường ngày nay). Bên cạnh Cung điện, phía bên trái là dinh Đông Cung (Thái tử ở), phía phải là Xưởng đóng chiến thuyền và đúc đại bác. Phía sau Cung điện là kho vũ khí và lương thực.

Thành có 8 cửa: phía Đông là Gia Định môn và Phan An môn, phía Tây là Vọng Khuyết môn và Công Thìn môn, phía Bắc là Hoài Lai môn và Phúc Viễn Môn, phía Nam là Định Viên môn và Tuyên Hoà môn. Xung quanh bao bọc thành là phố xá và nhà cửa.

Sau này, một số thương nhân nguời Hoa sang buôn bán, kế nghiệp, họ thành lập nên một khu vực thương mại rộng lớn, và phát triển thành Thành phố Chợ Lớn, tạo nên thành một tổng thể thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn sầm uất, thủ phủ của trấn Gia Định thành. Sự tiến bước và phát triển khá mạnh của Thành phố “chính là sự thanh liêm nhưng cực kỳ nghiêm khắc của ông Khâm sai Tả quân Lê Văn Duyệt” (Theo L’Empire d’Annam của Jean Silvestre - trích lại từ cuốn Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt của Lê Đình Chân, NXB Phổ thông, Sài gòn, 1956. tr. 66).

Khác với Bắc Thành (do các tướng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Lê Đại Cương… cai quản), Gia định thành vốn là đất hưng nghiệp của triều Nguyễn. Trong quan hệ với Chân Lạp, Xiêm La cùng các quốc gia phía Nam khác, đất Gia Định có vị thế chiến lược đặc biệt. Nhưng do đặc điểm địa lý - dân cư Gia Định thành không ổn định, thuần nhất, lại nhiều giai tầng xã hội (Hoa kiều, người Công giáo, đại địa chủ, thương nhân…) có nguồn gốc, vai trò và thái độ chính trị khác nhau, vì thế, việc lựa chọn Tổng trấn vô cùng quan trọng trong việc ổn định vuơng triều Nguyễn ở cực Nam.




Tượng đồng Lê Văn Duyệt thiết trí tại điện thờ


Căn cứ vào Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục của Quôc sử quán triều Nguyễn, từ năm 1808 - Gia Long năm thứ 6 (năm bắt đầu bổ nhiệm Tổng trấn) đên năm 1832 - Minh Mạng thứ 13 (trước khi giải thể Gia Định thành, chia tỉnh) (2) triều đình Huế đã cân nhắc, bổ nhiệm 4 người vào chức Tỏng trấn quan trọng, đó là:

1. Nguyễn Văn Nhân, người An Giang, nguyên trước đó giữ chức Lưu trấn Gia Định, làm Tổng trấn 2 nhiệm kỳ (1808-1812 và 1819-1820), 6 năm.

2. Lê Văn Duyệt, người Quảng Ngãi, cư ngụ ở Định Tường, nguyên trước đó giữ chức Chưởng Tả quân, làm Tổng trấn 2 nhiệm kỳ (1812-1815 và 1820-1832), 15 năm.

3. Trương Tấn Bảo, người Vĩnh Long, nguyên trước đó giữ chức Đề đốc Tả biên Bộ Binh, làm Tổng trấn năm 1816 (1 năm).

4. Nguyễn Hoàng Đức, người Định Tường, nguyên trước đó giữ chức Hữu quân Đô thống làm Tổng trấn (1816-1819), 3 năm.

Họ đều là những võ tướng xông pha trận mạc và đều là “Khai quốc công thần” của triều Nguyễn, trong đó Nguyễn Văn Nhân và Lê Văn Duyệt tái cử 2 nhiệm kỳ. Nhưng so với tiền nhân Nguyễn Văn Nhân (Tổng trấn đầu tiên - làm 6 năm) thì Tả quân Lê Văn Duyệt làm lâu nhất (15 năm) và ảnh hưởng đóng góp nhiều nhất đối với Gia Định thành và được lịch sử đương thời ghi nhận.




Miếu thờ Lê Văn Duyệt


Trở lại chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt, năm 1812, Gia Long năm thứ 10, vua Gia Long cử Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn Gia định thành, thay Nguyễn Văn Nhân đi nhận nhiệm sở khác.

Theo tư liệu của Nguyễn Phước Thọ (Tả quân Lê Văn Duyệt thời Gia Định thành), thời gian trước khi Lê Văn Duyệt vào làm Tổng trấn, ở miền Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long và An Giang ngày nay) sau một thời gian dài loạn lạc, có nhiều vùng bọn cướp kết thành nhiều băng đảng, hoành hành rất dữ. Chúng ngang nhiên cướp giựt, đốt nhà hãm hại lương dân. Dựa vào sông lạch để hoạt động, các băng đảng này thường bắt cóc người có tiền của rồi đòi tiền chuộc, vì thế có nơi dân làng phải bỏ nhà cửa đến trốn vào các chợ lập quanh các thành trì có quân quản canh phòng. Trước tình cảnh đó, khi đến nhậm chức, Lê Văn Duyệt đã tốn rất nhiều công sức, dùng nhiều biện pháp mới dẹp yên được các băng cướp này. Ông thường nói với các quan quân rằng:

-“Muốn trừ bọn cướp không gì bằng nuôi dân… Muốn nuôi dân không gì bằng cho dân ruộng đất để cày cấy”.

Năm 1820, Minh Mạng nguyên niên, ông cho lập một đồn điền, để những người tha phương cầu thực, những kẻ trộm cướp ra đầu thú có nơi sinh nhai; hoặc cấp lương thực, trâu bò, nông cụ để họ đi khai khẩn đất hoang, tự do canh tác để thu lợi. Đất đai khai khẩn đó, mười năm sau mới phải đóng thuế.




Mộ Lê Văn Duyệt dưới thời VNCH trước 1975


Để khuyến khích nhân dân Gia Định gia tăng canh tác nông nghiệp, hàng năm ông cho tổ chức lễ Tịch điền vào tháng 5 hàng năm. Tại đó, Lê Văn Duyệt thay mặt nhà vua, đích thân cày một thưở ruộng nhỏ (Theo Trương Vĩnh Ký, thưở ruộng đó sau này là khu vực trước “Dưỡng Đường người già”- khu vực Thị Nghè hiện nay).

Trong thời gian làm Tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã dâng sớ lên Triều đình Huế để xin đào kênh Vĩnh Tế. Triều đình cử Thoại Ngọc Hầu, trấn thủ Vĩnh Long và An Giang, là người đứng ra chỉ huy thực hiện công trình “vĩ đại” này. Năm 1823- Minh Mạng thứ 4, Lê Văn Duyệt lại cho huy động nhân công đào vét thêm cho sâu rộng hơn, để tàu lớn có thể ra vào được dễ dàng.




Kinh Vĩnh Tế


Kênh Vĩnh Tế thực hiện dưới thời Lê Văn Duyệt là một công trình mang lại rất nhiều lợi ích. Không chỉ thuận tiện cho việc giao thông đi lại và tưới tiêu đồng ruộng, mà còn tạo nên địa thế chiến lược hết sức quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ phía Nam thời bấy giờ. Sách Đại Nam Nhất thống chí chép:

“Từ ấy đường sông lớn lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoại biên, cho tới nhân dân buôn bán, đều đựoc tiện lợi vô cùng”.

Trong 2 lần trấn nhậm ở Nam kỳ (trấn Gia định thành), Lê Văn Duyệt tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba, ông nghiêm khắc trong việc thực thi luật pháp để xây dựng một vùng Nam bộ ổn định và no ấm. Dưới thời ông làm Tổng trấn “nhân dân Gia Định thành được yên ổn làm ăn. Lúa gạo sản xuất nhiều, nhân dân không biết đói kém là gì…” (Theo Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt… S.đ.d. tr.79).

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, xuất bản năm 2002, ghi ông là “danh tướng công thần bậc nhất của triều Nguyễn” là “nhà chính trị xuất sắc” và là “một người cương trực, ghét xu nịnh”. Cũng sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Duyệt là người thâm trầm, dữ tợn, chiến đấu giỏi”.

Tả quân Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về đối nội lẫn đối ngoại. Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam mà ông còn phát huy thế nước nhà ra các nước lân bang, khôn khéo ứng xử với giới doanh nhân phương Tây đến buôn bán. Đồng thời, đốc thúc quân dân nỗ lực khẩn hoang lập ấp, đắp đường, xây luỹ, học văn, luyện võ, tăng gia sản xuất, mở rộng giao thương… Ông được nhân dân kính trọng và gọi là Thượng công.

Đến tháng 4 năm Nhâm Thìn (1832), Minh Mạng thứ 13, vua Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc Thành, các địa phương đều đổi thành tỉnh. Nhưng đối với Gia Định thành, vua vẫn để Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn. Điều đó chứng tỏ nhà vua rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của ông. Nhưng đáng tiếc, năm đó, mấy tháng sau, ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) ông lâm bệnh, mất, thọ 69 tuổi




Chân dung Lê Văn Duyệt được in trên mặt trước tờ bạc $100 của VNCH


Sau khi ông mất, chức Tổng trấn Gia Định thành không tồn tại nữa. Tháng 10 năm 1832 (nghĩa là 3 tháng sau khi ông mất) Gia Định thành được chia làm 6 tỉnh (Phiên An, Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên). Tên gọi “Nam Kỳ lục tỉnh” bắt đầu có từ đó.

Để tưởng nhớ công lao của ông (mặc dù có hiềm khích riêng tư) (3) nhưng vua Minh Mạng đã truy tặng ông là “Khai quốc công thần”.

Sau này, nhân dân Nam Bộ nói chung, Sài Gòn - Gia Định nói riêng xây dựng Lăng Ông (còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu) tại Bình Hoà, hàng năm thờ phụng chu đáo, kính cẩn. Các thành phố, thị xã ở Sài Gòn, Cần Thơ… trước đây cũng như hiện nay ở Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu…đều có đường phố mang tên ông, để tỏ lòng tri ân. Ngay cả cách gọi “Lăng Ông”, Đền Thượng Công cũng thể hiện sự tôn kính đó. Còn các tộc người Hoa tôn xưng Đền là “Phò Mã Da Da Miếu.”

Ngày nay, sau cuộc Hội thảo về ông (“Nhân vật Lê Văn Duyệt”, tháng 7.2000), với sự giúp đỡ của nguyên Thủ tướng, cố vấn Võ Văn Kiệt, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng và nhiều nhân sĩ, trí thức khác trong cả nước, ngày 4.2.2008, Hội KHLS Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang tổ chức lê an vị tượng Ông. Tượng cao 2,7 m, nặmg 3 tấn, bằng đồng, do nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Văn Hạng thiết kế và ông bà Bành Quang Huệ phụng hiển, để tưởng nhớ ông có công đối với vùng đất Nam phần ngày xưa và Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay./.

Thiệu Khang NGUYỄN THÁI BÌNH

* Chú thích:

(1) Tổ chức quân đội triều Gia Long, giao trọng trách cho 4 vị tướng lãnh, chưởng quản 4 đạo quân: Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân. Danh tánh 4 vị đảm nhiệm 4 đạo quân nầy dưới triều Gia Long như sau: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Tả quân Lê Văn Duyệt, Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức. (Nguyễn Huỳnh Đức nguyên tên là Huỳnh Tường Đức. Nguyễn Phúc Ánh có lần bị quân Tây Sơn truy đuổi đến Định Tường thì bị sa lầy, chỉ một mình Huỳnh Tường Đức dám trở lại cứu chúa, may là quân Tây Sơn sợ bị mai phục nên rút lui. Đêm đó vì quá mỏi mệt, Nguyễn Phúc Ánh đã gối đầu lên đùi Huỳnh Tường Đức ngủ mê man. Vì việc nầy, Nguyễn Phúc Ánh ban cho Huỳnh Tường Đức "quốc tính" họ Nguyễn và xem ông như người trong hoàng tộc, từ đó ông có họ kép là Nguyễn Huỳnh). Có tài liệu ghi “quân đội nhà Nguyễn có 5 vị chỉ huy, ngoài Tiền, Hậu, Tả, Hữu quân còn có “Trung quân”. Tưởng cũng cần biết thêm chuyện xích mích giữa Tiền quân Nguyễn Văn Thành và Tả quân Lê Văn Duyệt. Theo tài liệu, thời Gia-Long, hai vị nầy vốn không ưa nhau. Trong khi chuẩn-bị đánh thành Bình-Định, Tiền quân rót một ly rượu mời Tả quân:
-“Tả quân hãy uống chén rượu này cho ấm bụng”.
Tả quân Lê văn Duyệt vốn ghét ông, nên thẳng thừng từ chối:
-“Có nhát gan mới lạnh bụng chớ bụng tôi chẳng cần rượu vẫn ấm như thường”.
Câu trả lời này làm cho Nguyễn Văn Thành càng giận Lê Văn Duyệt hơn. Từ đó, hai người chống đối nhau ra mặt. Sau này, Nguyễn văn Thành bị vua Gia-Long bức tử, người cứu-xét vụ này, theo lệnh vua Gia-Long, cũng là Tả Quân Lê văn Duyệt.

(2) Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (Văn hoá tùng thư Sài Gòn xuất bản, 1961, trang 13 do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch) “Địa hạt thời Gia Long trước khi Minh Mạng chia tỉnh như sau: Kinh sư (Thừa Thiên phủ), Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả kỳ (Bình Định, Bình Thuận), Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Thanh Hoá). Bắc thành (từ Bắc Thanh Hoá trở ra đến toàn bộ Bắc phần ngày nay) do Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn. Gia Định thành (từ Nam Bình Thuận trở vào đến toàn Nam phần ngày nay) do Tả quân Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn”.

(3) Do Lê Văn Duyệt không đồng tình việc vua Gia Long phế trưởng (Đông cung Thái tử Cảnh) lập thứ (Hoàng tử Đảm, con trai thứ 7, tức vua Minh Mạng) trong việc truyền ngôi (sau này cộng thêm “loạn” Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt), vua Minh Mạng mới xử lý mối hiềm khích này.

* Thư tịch:

- Đại Nam nhất thống chí
- Đại Nam thực lục
- Cuộc đời oanh liệt của Tả quân Lê Văn Duyệt của Lê Đình Chân. Sài gòn. 1956
- Gia Định thành thời Tả quân Lê Văn Duyệt của Nguyễn Phước Thọ
- Tạp chí Xưa & Nay 3.2008.
- Từ điển Bách khoa Việt Nam Tập II. 2002
- Các Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử khác.

* * *

Xem các bài cùng tác giả: click vào đây  
Trang QN Đất nước, Con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh