Diễn đàn của người dân Quảng Ngãi
giới thiệu | liên lạc | lưu niệm

 April 10, 2025
Trang đầu Hình ảnh, sinh hoạt QN:Đất nước/con người Liên trường Quảng Ngãi Biên khảo Hải Quân HQ.VNCH HQ.Thế giới Kiến thức, tài liệu Y học & đời sống Phiếm luận Văn học Tạp văn, tùy bút Cổ văn thơ văn Kim văn thơ văn Giải trí Nhạc Trang Anh ngữ Trang thanh niên Linh tinh Tác giả Nhắn tin, tìm người

  Đất nước, con người
NHỚ QUẢNG NGÃI
ĐỖ NGỌC THẠCH


Cha tôi kể rằng: “Nơi chôn nhau cắt rún của tôi ở làng Cô Thôn (thôn Phổ An bay giờ). Cô Thôn nằm sát biển Đông - phía Bắc giáp cửa Đại bên kia là Mỹ Khê (Sơn Tịnh) - phía Nam giáp Cửa Lỡ kề với Thôn An Chuẩn “Mộ Đức”, phía Tây cách thôn Cổ Lũy bởi một giòng sông - quê tôi cũng đẹp và thơ mộng không khác gì quê hương của thi sĩ Tế Hanh đã tả:

Quê tôi vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách bể nửa ngày sông
Kể trời trong gió nhẹ cánh mây hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá...




bến cá Phú Thọ


Từ Cô Thôn đến trường tiểu học Nghĩa Hà hơi xa vì cách một chuyến đò, nên cha tôi gởi tôi đến ngụ và ăn học tại nhà thầy giáo Súy, hằng ngày tôi đến trường với chiếc xe đạp - thỉnh thoảng cũng đi bộ vì trời mưa hay xe bị hư... Năm học cuối của bậc tiểu học, tôi có một người bạn học chung lớp chỉ ngồi cách một dãy ghế. Hoàng, cậu con trai nghèo, cha mất sớm. Ông Giáo chết vì máy bay Pháp ném bom xuống thôn Hiền Lương, bỏ lại một vợ và hai con. Hoàng lúc ấy 4 tuổi cùng với một em trai. Bà Giáo ở vậy nuôi hai con ăn học bằng nghề làm bánh xèo đem ra chợ Hàm Long bán. Hoàng học giỏi, tính tình hiền hậu, ít nói, thầy cô đều thương. Hằng ngày Hoàng đi bộ và ở lại ăn trưa tại trường để chiều không trễ học, hơn nữa về nhà không có chìa khóa. Mẹ phải dẫn em đi bán đến xế chiều mới hết thúng bánh.

Có một hôm vô tình tôi làm Hoàng bị mặc cảm, vì ngày đó tôi cũng ở lại trưa. Khi hồi trống báo hiệu giờ học buổi sáng vừa dứt, tôi ngồi ăn ở cuối lớp với gói cơm mang theo trong cặp. Còn Hoàng, anh xoay qua xoay lại vì sợ tôi thấy. Anh lấy ra từ trong túi xách 3 củ khoai lang và một túm mắm cà. Lúc ấy tôi không nghĩ gì hết, nhưng về thì biết bạn tôi buồn...

Thời gian trôi qua nhanh. Sau 5 năm tình bạn xa cách, tôi gặp lại Hoàng cùng ngồi chung một lớp Đệ Tam trường Trần Quốc Tuấn, cùng học pháp văn với thầy Giao, học toán với thầy Phương,... Hoàng năm ấy có vẻ một thư sinh, đẹp trai và nhanh nhẹn, nhưng vẫn hiền từ và ít nói như ngày xưa - nên có rất nhiều bạn - trong số đó có Liễu. Hoàng và Liễu mến nhau qua trang lưu bút mùa hoa Phượng năm rồi... Từ đó, hai người thương nhau trong lứa tuổi học trò; họ thường chuyện trò và tâm sự với nhau sau buổi học cuối tuần. Hoàng và Liễu trao cho nhau những cánh thư qua giòng mực tím, trong trang giấy vở với nét chữ học trò. Hai người hẹn hò nhau sau buổi tan trường trên đường về, qua chuyến đò ngang sang sông Hiền Lương, rẽ về chân núi Bà Nhưng. Hai người xầm xì và đùa giỡn với nhau để rút ngắn con đường gồ ghề trên cánh đồng lúa vàng như chứng kiến tình yêu thương chung thủy của đôi uyên ương sắp thành vợ chồng. Xa xa đằng kia, đôi cò trắng đang lủi thủi tìm thức ăn bên vũng nước đọng cũng dừng lại, nhìn họ rất trìu mến...

Tạo hóa sinh ra loài người và cũng ban cho họ tình yêu. Hoàng và Liễu thương nhau - yêu nhau - nhưng hoàn cảnh của hai gia đình lại khác nhau: Hoàng mồ côi cha từ thuở nhỏ - gia đình nghèo – Liễu con ông Phán - một gia đình giàu có, sống theo kiểu phong kiến đời xưa. Nên Hoàng và liễu lén lút yêu nhau, ông bà Phán không biết. Liễu thường viết thư cho Hoàng hơn là Hoàng viết cho Liễu, vì muốn giấu ông Phán. Liễu với đôi bàn tay khéo léo, nàng đã thêu cho Hoàng cái tên trên túi áo trắng học trò cùng với chiếc khăn tay với hàng chữ “grand coeur” một bên là cánh hoa hồng trắng.

Bốn năm trôi qua, hết bậc trung học, đang lúc chiến trường miền Nam sôi động lệnh tổng động viên ban hành. Người thư sinh ngày nào nay lên đường nhập ngũ. Trước ngày khoác áo chiến binh, bà Giáo cậy người mai mối đến thăm nhà Liễu. Ông Phán không bằng lòng. Bà Giáo ra về, trên đầu đội một thúng nếp mới với hai chục hột vịt, lủi thủi bước đi không một lời than trách. Về đến nhà, bà vẫn tiếp tục công việc hàng ngày và bà tỏ ra yêu thương con mình hơn. Dồn nghị lực, bà nén nỗi buồn trong lòng biến thành tình yêu cho con. Hoàng đã trưởng thành, bà Giáo tin rằng ông trời không bao giờ để mẹ con bà cô đơn và đau khổ mãi đâu!

Năm 1970, Hoàng và tôi tình cờ gặp nhau trên chiến trường Tây Nam, thị xã Quảng Ngãi. Đơn vị anh chỉ huy bên kia đèo Eo Gió, tôi lại đóng quân ém sát Suối bùn. Hai chúng tôi lúc đầu gặp nhau trên điện thoại và điều động hai đơn vị yểm trợ hỏa lực cho nhau. Khi chiến trường im tiếng súng, chúng tôi tay bắt mặt mừng, ôm nhau mà ứa lệ. Sau vài câu chuyện ở chiến trường và tin vui thắng trận, Hoàng mới cho tôi hay là Liễu đã sang ngang - Liễu vâng lời cha mẹ làm dâu nhà người - Tôi nhìn Hoàng trong bộ chiến y - anh tỏ ra là một cấp chỉ huy gan dạ, một chàng trai hiên ngang, can đảm, không một lời than trách người nữ sinh năm xưa - Hoàng nói với tôi ngày Liễu lên xe hoa, anh đã tặng nàng cặp áo gối màu tím hoa cà, vì anh nghĩ rằng Liễu không bao giờ quên những kỷ niệm khi đến nhà tôi, cứ mỗi lần ra sau vườn hái cà, Liễu thường đọc mấy câu ca dao, tưởng như vô tình:

...Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh có tiếc lắm không?

Và tất cả những bức thư tình mà nàng đã gởi cho Hoàng cũng mực tím.

Đầu năm 1975, lại một lần nữa chiến trường phía Tây Nam Nghĩa Hành trên triền núi Đình Cương, tiếng bom đạn đổ xuống cày xé quê hương, trận chiến ngày càng khốc liệt. Quân thù không để sót một ai, dù đó là người dân lương thiện. Đơn vị Hoàng cũng có mặt ở đó. Rất tiếc lúc này tôi không còn mặc áo màu ô-liu, không còn vinh dự để yểm trợ cho Hoàng, một người bạn nghèo, cô đơn và nhiều đau khổ. Trong lúc anh đang suy tư, có lẽ anh nghĩ về mẹ già và đứa em trai còn ngồi ở ghế nhà trường, thì từ đâu đạn pháo bay lại... cái gì đã đến với anh? Hoàng không còn biết gì cả, anh nằm im trên vũng máu kế bên là hai chiến hữu của anh. Sau đó người ta thấy đồng đội đã chuyển anh lên trực thăng về bệnh viện Đà Nẵng.

Hơn sáu năm dài lê thê, sau khi ở tù về, vào khoảng tháng 8 năm 1981, tôi trên đường từ thôn Hà Khê - Thu Xà xuống Nghĩa Hà để về thăm lại Cô Thôn – qua Hiền Lương cũng con đò cũ ngày nào, tôi gặp lại Hoàng trước khi đến nhà anh. Lúc đầu hai chúng tôi nhìn nhau không tin là sự thật. Hoàng với chiếc nón lá trên đầu, một nửa bàn tay cầm cây sào, phía trước mặt anh là một bầy vịt con - còn tay kia buông xuôi xuống. Hoàng trò chuyện với tôi qua điếu thuốc Cà Đó, bên bờ cỏ sông Hiền Lương. Anh tiễn tôi qua sông để trở về quê cũ. Trường xưa vẫn còn đó - tuy mái ngói đã có nhiều thay đổi. Tôi mời anh ly nước mía bên đường, nước mía nguyên chất - hương vị ngọt ngào lại mang nặng tình cảm bạn bè và quê hương, cho nên mía Quảng Ngãi ngọt hơn nơi nào hết. Hoàng và tôi tâm sự với nhau vừa cạn ly nước, tôi định bắt tay chào tạm biệt thì Hoàng thở dài:

-“Ôi mày đi lâu quá không thấy về thăm quê! Nhớ về ghé thăm tao nghe - Mày thấy chưa? Chiến tranh tàn phá đã làm dân chúng chết chóc – quê hương lại nghèo thêm – còn tao thì mất cả hai: mất cả người em nhỏ và mất cả đôi bàn tay”.

ĐỖ NGỌC THẠCH

* * *

Xem các bài cùng tác giả:click vào đây
Xem trang Đất nước, con người: click vào đây
Trở về trang chính: http://www.nuiansongtra.com  


Nếu độc giả, đồng hương, thân hữu muốn: 

* Liên-lạc với Ban Điều Hành hay webmaster 
* Gởi các sáng tác, tài liệu, hình-ảnh... để đăng 
* Cần bản copy tài liệu, hình, bài...trên trang web:

Xin gởi email về: quangngai@nuiansongtra.net 
hay: nuiansongtra1941@gmail.com

*  *  *

Copyright by authors & Website Nui An Song Tra - 2006


Created by Hiep Nguyen
log in | ghi danh